Tìm Hiểu Câu Pháp Cú 354

21/08/20225:29 SA(Xem: 3719)
Tìm Hiểu Câu Pháp Cú 354

TÌM HIỂU CÂU PHÁP CÚ 354

THÍCH NGUYÊN NGỘ

 

DẪN LUẬN

Tìm kiếm qua vô lượng kiếp, ý nghĩa của cuộc sống luôn hằng in và chưa có lời giải đáp. May thay nhân loại được bậc Thiện thệ, vì lợi ích của muôn loài, ngài đã xuất hiện. Chân lí của ngài soi sáng qua muôn trùng thế giới, chiếu phá những nền tảng chấp ngã kiên cố nhất, dẹp trừ sự tối tăm vô minh của chúng sanh. Nhờ đó nhân loại hưởng được sự an lạc, giải thoát qua sự tu tập chân lý ấy. Không chỉ con người được lắng nghe và thực hành lời dạy cao quý này, hàng chư thiên, các bậc đại phước cũng khát khao được nghe những lời dạy cao quý để thực hành trọn vẹn. Và những câu hỏi, thắc mắc của các vị Phạm thiên hay chư thiên của mười phương đến hỏi Phật đều được ngài giải đáp tường tận.

một lần chư thiên của mười phương đến để hỏi đức Phật về bốn câu hỏi, dù tham vấn ở các tầng trời khác, tham vấn với Đế thích, với đại Phạm thiên, hay chư thiên các cõi vẫn không tìm ra câu trả lời. Các vị thắc mắc về sự tối thượng của việc bố thí, của vị, của hỷ và làm sao để thoát khổ. Đức Phật đã nói bài kệ Pháp cú thứ 354 để giải đáp cho hàng chư thiên như sau:

 

Pháp thí, thắng mọi thí,

Pháp vị, thắng mọi vị,

Pháp hỷ, thắng mọi hỷ,

Ái diệt, thắng mọi khổ.

            Trong bài viết, xin tìm hiểu về nội dung của câu kệ pháp cú thứ 354, để hiểu được điều mà vô lượng chư thiên thắc mắc, từ đó soi chiếu lại thực tại của bản thân và cuộc sống Qua đó chuyển hoá phiền nãothực hành tu tập đem lại giải thoát cho tự thân và tha nhân.

 

NỘI DUNG

  1. 1.    Khái quát câu kệ Pháp cú
    1. a.    Duyên khởi:

Bài kệ Pháp cú thứ 354 được dạy khi Đức Thế Tôn dạy ở tịnh xá Kỳ Viên, liên quan đến vua trời Đế Thích. Một hôm, chư thiên cõi trời Ba mươi ba tụ họp lại đưa ra bốn câu hỏi: Vật gì bố thí cao quý nhất? Vị ngon nào trên tất cả? Hạnh phúc nào cao tột đỉnh? Tại sao diệt trừ tham áiviệc làm tối hệ trọng?. Chư thiên không ai trả lời được, vị này hỏi vị kia, vị kia hỏi vị nọ, cho đến lúc mỗi vị đã hỏi đủ các vị khác. Suốt mười hai năm, chư thiên đi khắp mười ngàn thế giới cũng không tìm ra được kẻ đáp được các câu hỏi trên. Cho nên, tất cả chư thiên mười ngàn thế giới họp lại và cùng nhau đến gặp Tứ thiên vương, gặp Đế thích cũng không ai có lời đáp.  Cuối cùng, vua Đế Thích cùng đoàn chư thiên đông đảo đang đêm bay đến Kỳ Viên, hào quang sáng cả tinh xá. Vua đảnh lễ Phật rồi trình bày thắc mắc của mình và chư thiên. Phật dạy : “Pháp thí thắng mọi thí. Pháp vị thắng mọi vị, pháp hỉ thắng mọi hỉ. Có diệt trừ tham ái mới đắc quả A-la-hán, cho nên đó là việc làm tối hệ trọng”.

  1. b.    Phân tích ngữ pháp:

Sabbadānaṃ dhammadānaṃ jināti

Sabbaṃ rasaṃ dhammaraso jināti

Sabbaṃ ratiṃ dhammaratī jināti

taṇhakkhayo sabbadukkhaṃ jināti .

 

Phân tích:

Sabba+dānaṃ dhamma+dānaṃ jināti

|               |            |               |          |

Adj.       N.n      N.m.      N.n.     V.act.in.

 

Sabbaṃ rasaṃ dhamma+raso jināti

|             |           |            |        |

Adj.      N.m.     N.m.    N.m. V.act.in.

 

Sabbaṃ ratiṃ dhamma+ratī jināti

|            |        |             |        |

Adj.     N.f.   N.m.       N.f.  V.act.in.

 

Taṇha+kkhayo sabba+dukkhaṃ jināti

|           |         |              |          |

N.f.      N.m.  Adj.       N.n.      V.act.in.

Dịch:

Sự bố thí pháp thắng tất cả các sự bố thí. Vị của pháp thắng tất cả các vị. Sự thích thú trong pháp thắng tất cả các sự thích thú. Sự diệt tận ái dục thắng tất cả khổ đau.

 

Bản dịch Hoà Thượng Minh Châu:

"Pháp thí, thắng mọi thí,

Pháp vị, thắng mọi vị,

Pháp hỷ, thắng mọi hỷ,

Ái diệt, thắng mọi khổ.".

 

Bản dịch của Hoà Thượng Giới Đức:

“Tài sản làm hại người mê

Nhưng không hại kẻ "kết bè" vượt sông!

Tham giàu đã hại mình xong

Còn dìm kẻ khác trong dòng nước đen!”

 

Bản dịch của Tâm Minh Ngô Tằng Giao:

“Coi như bố thí hàng đầu

Là đem Chân Lý nhiệm mầu tặng nhau,

Coi như hương vị tối cao

Hương vị Chân Lý ngọt ngào dài lâu

Coi như hoan hỷ hàng đầu

Niềm vui Chân Lý thấm sâu tuyệt vời,

Người nào ái dục diệt rồi

Vượt qua phiền não, xa rời khổ đau.”

 

Sabbadānaṃ dhammadānaṃ jināti = sự bố thí pháp thắng tất cả các sự bố thí.

- sabbadānaṃ (sabbadāna)( cách 2, danh từ trung tánh, sốt ít): tất cả các sự bố thí.

- sabba (tính từ): tất cả. hammadānaṃ (dhamma + dāna) (chủ cách, danh từ trung tánh, số ít): sự bố thí pháp.

- dhamma (√ dhar) (danh từ nam tánh) : Pháp.

- dāna (danh từ trung tánh): sự bố thí.

- jināti (√ ji + nā + ti) (danh từ, số ít): thắng. sabbarasaṃ dhammaraso jināti : vị của pháp thắng tất cả các vị.

- sabbarasaṃ (sabba + rasa) (danh từ nam tánh, số it, cách 2) : tất cả các vị.

- sabba (trạng từ) : tất cả.

- rasa (danh từ nam tánh vĩ ngữ a) vị.

- dhammaraso (dhamma + rasa) (danh từ nam tánh, số ít, chủ cách) : vị của pháp.

sabbaratiṃ dhammaratī jināti : sự thích thú trong pháp thắng tất cả các sự thích thú.

- sabbaratiṃ (sabba + rati) (danh từ nữ tánh, số ít, cách 2) : tất cả các sự thích thú.

- sabba (tính từ) : tất cả.

- rati (danh từ nữ tánh) : sự thích thú.

- dhammaratī (dhamma + rati) (danh từ nữ tánh, số ít, chủ cách) : sự thích thú trong pháp.

taṇhakkhayo sabbadukkhaṃ jināti = sự diệt tận ái dục thắng tất cả khổ đau.

- taṇhakkhayo (taṇha + k + khaya) (danh từ nam tánh, số ít, chủ cách) : sự diệt tận ái dục.

- taṇhā (danh từ nữ tánh) : ái dục.

- khaya (danh từ nam tánh) : diệt tận.

  1. 2.    Phân tích nội dung câu kệ Pháp cú 354

Pháp thí, thắng mọi thí,

Pháp vị, thắng mọi vị,

Pháp hỷ, thắng mọi hỷ,

Ái diệt, thắng mọi khổ. (HT Minh Châu)

Trong Trường Bộ, kinh 33; trong Kinh Phật Thuyết Như Vậy, Chương Ba Pháp; và trong Tăng Chi Bộ, Chương Tám Pháp, Đức Phật có dạy 3 pháp hành để tạo căn bản phước báu trên đường tu tập. Đó là: Bố thí (Dàna), Trì giới (Sìla), và Tu thiền (Bhàvanà): "Này các Tỳ-khưu, có ba phước nghiệp sự này. Đó là: Phước nghiệp sự do bố thí tác thành, phước nghiệp sự do giới tác thành, và phước nghiệp sự do tu thiền tác thành". Bố thí là một trong 3 phương pháp được người hiền trí, bậc thiện nhân tán thán. Đó là: Bố thí, Xuất gia, và Phụng dưỡng cha mẹ. Trong Tăng Chi Bộ, Chương Ba Pháp, Đức Phật dạy: "Này các Tỳ-khưu, có ba pháp được người Hiền trí tuyên bố, được bậc Chân nhân tuyên bố. Đó là: Bố thí, Xuất gia, và Hầu hạ cha mẹ."[1]. Nhờ vào việc bố thíđệ tử Phật thuận duyên trong quá trình tu tập giải thoát và nhờ đó hoàn thiện các ba la mật.

Bố thí cũng là một trong bốn pháp để thu phục nhân tâm, chung sống hài hòa trong gia đình cũng như trong Tăng chúng và trong xã hội. Tăng Chi Bộ, Chương 4 Pháp, có ghi lại lời khuyên của Đức Phật như sau:

“Này các Tỷ-kheo, có bôn nhiếp pháp này. Thế nào là bốn?

Bố thíái ngữ,

Lợi hành và đồng sự

Hỡi các vị Tỷ-kheo,

Đây là bốn nhiếp pháp.”[2]

Bố thí là một phương pháp tu tập giúp chuyển hoá thân và tâm, lắng yên tự ngã, mở rộng tứ vô lượng tâm để thương yêu giúp đỡ và làm lợi ích cho chúng sanh. Nhưng điều cốt lõi của Phật giáo không chỉ cho chúng sanh những thực phẩm để qua cơn đói tạm thời mà phải vượt ra ngoài cơn đói khát của tham dục triền miên. Nếu chỉ tạm thời cho tiền bạc, của báu, vật thực cho tất cả chúng sanh để vượt qua cái khó chịu tạm thời thì nỗi khổ đau của sanh, lão, bệnh, tử, của luân hồi, của nghiệp báu cứ vây lấy. Những bất toại ý của kiếp người, bất công của xã hội, cộng nghiệp của chúng sanh vẫn đang hằng diễn tiến và sẽ vô tình lấy đi cái gọi là hạnh phúc của con người, nếu như chỉ hưởng thụ lạc thú bằng vật chất. Nỗi khổ đau do tham dục ấy chính là căn bệnh trầm kha của chúng sanh hữu tình, không thể thoã mãn nó được. Như trong kinh Ví Dụ Con Rắn, đức Phật đã ví các dục của chúng sanh như khúc xương, miếng thịt, bó đuốc cỏ khô, hố than hừng, cơn mộng, vật dụng cho mượn, trái cây, lò thịt, gậy nhọn, đầu rắn, “vui ít khổ nhiều, não nhiều và do vậy, nguy hiểm càng nhiều hơn”[3]. Từ đó cho thấy, dù vàng muôn bạc biển, nỗi khổ do tham dục của chúng sanh củng không bao giờ đủ, cho nên chỉ có một cách giúp đoạn trừ, hoàn toàn thoát khỏi nó chính là Pháp. Nhờ vào bố thí phápchúng sanh thấy biết được nỗi khổ trầm luân của kiếp người, sự khổ đau triền miên của sanh tử mà từ đó hành trì theo lời dạy của đức Phật, chuyển hoá nội tâm, mà xa rời khổ đau phiền não. Trong Kinh Phật Thuyết Như Vậy (kinh số 98), Đức Phật dạy: "Có hai loại bố thí: Bố thí tài vật và bố thí Pháp. Trong đó, bố thí Phápbố thí tối thượng. Có hai sự phân phát: Phân phát tài vật và phân phát Pháp. Trong đó, phân phát Pháp là phân phát tối thượng. Có hai loại giúp đỡ: giúp đỡ bằng tài vật và giúp đỡ bằng Pháp. Trong đó, giúp đỡ bằng Pháp là giúp đỡ tối thượng."[4]. Và trong Tăng Chi Bộ Kinh, Chương Một Pháp: "Này các Tỷ-kheo, có hai loại bố thí này. Thế nào là hai? Bố thí tài vật và bố thí pháp. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là những loại bố thí. Tối thắng trong hai loại bố thí này, này các Tỷ-kheo, tức là pháp thí.”[5]. Pháp thí (Dhammadāna) chính là dùng lời nói để hướng dẫn người khác dứt ác hành thiện, hiểu rõ ý nghĩa trong kinh mà thực hành đúng đắn lời Phật dạy còn gọi là khẩu giáo. Pháp thí không chỉ dùng lời nói mà còn qua hành động, cử chỉ hay còn nói thân giáo và ý giáo. Tuy không thuyết giảng, giải thích kinh điển nhưng qua sự thực hành pháp chuyên sâu và niêm mật và qua sự chuyển hoá nội tâm sâu sắc, hành giả tự bộc lộ bên ngoài qua dáng vẻ hình thái. Qua cách đi, đứng, ngồi, nằm, qua cử chỉ, qua tác phong đánh động vào trong tâm thức của người đối diện khiến họ tự phát khởi thiện tâm, tín tâmhành trì Phật pháp. Khi đức Phật hoá độ Aṅgulimāla, ngài đã dùng thân giáo đoan nghiêm mà khiến cho kẻ sát nhân tìm thấy ánh đạo. Không ít trường hợp, đức Phật dùng thân giáo để tự tách biệt với hội chúng khác, như với Bà-la-môn Dona gặp đức Phật sau khi thành đạo, vị ấy tưởng ngài là đấng Phạm thiên hay chư thiên nào ở cõi trời bước xuống. Và trong tăng đoàn với hình ảnh uy nghiêm của Phật, với sự khẩu hành dung thông ngài đã hướng dẫn cho bất kỳ ai có duyên đến với ngài đều chứng quả. Cho thấy tuy lời nói là một phương pháp hữu hiệu để bố thí, chiếu sáng cho những tâm hồn đang ở dưới địa tầng lao khổ nhưng nếu khôngthân hành, và ý hành giáo hoá, thì có thể chỉ là những lời sáo rỗng. Ngay bản chất người bố thí pháp ấy, phải có pháp trong mình. Đức Phật là vị nói những gì ngài làm và làm những gì ngài nói. Được như vậy phải thực hành pháp một cách niêm mật, sống trọn vẹn với Pháp, và khi đã có pháp chúng ta mới có thể cho pháp người khác. Ví dụ như hình ảnh ngọn đèn, phải cháy sáng thì ngọn đèn ấy mới có thể mồi cho một cây đèn khác sáng được, nếu không thì chỉ là mồi những bóng tối, tiếp những vô minh mà cứ tưởng như là quang vinh hay vĩ đại. Cho nên Xuyên Thiền sư mới nói “Người chánh nói pháp tà, tà pháp trở về chánh, Người tà nói pháp chánh, pháp chánh trở thành tà.” 

Vì thế trả lời câu hỏi thứ nhất của chư thiên vật gì là cao quý nhất và câu trả lời của đức PhậtPháp thí. Vì trong các cách bố thí làm lợi ích cho chúng sanh, chỉ có pháp thí mới có đủ khả năng lực dụng đưa chúng sanh đến chỗ giác ngộ giải thoát. Ngoài ra, không còn pháp nào khác. Những lời Phật dạy, tùy theo căn cơ trình độ của mỗi chúng sanh, mà Phật nói có sai khác. Tuy nhiên, chủ ý của Phật cũng chỉ nhằm vào một mục đích duy nhứt, là mở bày Tri kiến Phật cho hết thảy chúng sanh để họ chứng đạt chân lý giải thoát hoàn toàn. Đó là bản hoài duy nhứt của đức Phật ra đời.

Kẻ nào giúp chúng sanh được nghe pháp sẽ nhận được phước báo lớn hơn phước báo cúng dường vật thực, cho dù người múc đầy bình bát tất cả các vị Phật, Bích Chi Phật, A-la-hán nói trên với những thức ăn thượng vị. Phước báo do cúng dường pháp cũng lớn hơn cúng dường các thứ thuốc men bổ dưỡng như bơ, sữa... cũng lớn hơn cùng dường nhà ở, cho dù người ấy xây dựng không kể xiết cả trăm ngàn tinh xá lớn như Maha Vihàra, những tinh xá tiện nghi như Loha Pāsadā. Phước báo ấy cũng lớn hơn cả phước báo ông Cấp Cô Độc và các vị khác được hưởng do công cúng dường kho báu xây dựng các tinh xá. Bố thí pháp dù chỉ đọc lên một bài kệ hồi hướng bốn câu, được phước báo vô lượng vô biên nhiều hơn các thứ bố thí ấy.

Như vậy, chúng ta có thể thấy giáo pháp Phật là để hành, tu và chứng, không phải chỉ để nói. Nhưng nếu không nói thì không thể biết được đâu là chánh pháp, nên cần phải thuyết pháp, phải bố thí pháp. Sở dĩ Phật nói: “Pháp thí thắng mọi thí” là vì chánh pháp vi diệu có thể đem lại an lạc cho người nghe, người hành ngay hiện tạimai sau. Giáo pháp này có thể diệt si mê, một hình tướng của vô minh, có thể giúp chúng sanh thoát phiền não khổ đau, sanh tử luân hồi. Để có thể thuyết chánh phápchúng ta cần có thời gian học hỏi, hành trì, tu tập, quán chiếu. Phải thực hành được giáo pháp mình thuyết, nếu không thì không thể thuyết phục chính mình nói chi là thuyết phục người khác. Không thể khuyên người ăn chay trong khi bản thân lại không thể từ chối những món ăn được chế biến từ thịt cá. Không thể khuyên người bố thí khi mà bản thân ích kỷ…

Đồng thời phải quán chiếu được căn cơ của người nghe để không uổng một buổi pháp thí. Chư Tổ dạy: “Thuyết bất phùng cơ bán cú đa” – nói mà không hợp cơ thì nửa câu cũng đã quá nhiều. Trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật chần chừ, Xá Lợi Phất ba lần thưa thỉnh Ngài mới thuyết, và có năm ngàn người không đủ nhẫn lực để nghe giáo pháp này nên bỏ đạo tràng mà ra ngoài. Do đó, cần quán chiếu căn cơ đại chúng. Theo đức Phật, thường trong một hội chúng có bốn hạng thính chúng. Một là chúng khải thỉnh, hai là chúng tán dương, ba là chúng đương cơ và bốn là chúng kết duyên. Chúng thứ nhất là hạng đại đệ tử thấy được nhu cầu thính pháp của đại chúng nên đứng ra thưa thỉnh. Chúng thứ hai thuộc hàng Chư Thiên hộ trìtán dương giáo pháp. Chúng thứ ba mới thật là đối tượng nghe Pháp cần nghe, hiểu và tu tập. Chúng thứ tư không thuộc ba đối tượng trên, họ chỉ có cảm tình với Phật Pháp, chỉ mới kết duyên với Phật Pháp. Họ không phản kháng, vui vẻ chấp nhận giáo pháp mặc dù chưa hiểu. Họ biết rằng chỉ cần nghe và từ từ họ sẽ hội nhập vào chánh pháp.

Thực thế, trừ trường hợp ngoại lệ của chư Phật và các vị Bích Chi Phật, những vị như Tôn giả Xá-lợi-phất và bạn bè Ngài dù có thần thông đếm được hết những giọt mưa của tất cả những trận mưa trong suốt một kiếp, cũng không thể tự mình đắc quả Tu-đà-hoàn và các quả vị khác mà phải nhờ đến bài pháp của Trưởng lão Assaji, của các vị khác. Và sau cùng, khi nghe pháp của đức Thế Tôn, tôn giả mới hành trì được các Ba-la-mật, vì lý do ấy, pháp thí thắng mọi thí.

Đến câu hỏi thứ hai: vị ngon nào thắng tất cả? Đức Phật khẳng định chỉ có pháp vị là thắng hơn cả. Pháp vị (Dhammaraso) là hương vị khi được tiếp nhận chân lý. Khi chúng ta đã tiếp xúc được với chân lí, với giáo pháp thì chính pháp ấy sẽ đem đến cho chúng ta một cảm nhận (vị). Trên thế gian có vô vàn mùi vị đem đến nhiều cảm xúc khác nhau, làm thoã mãn, sung sướng hay ngược lại u uất đau khổ, khó chịu. “Vị” ở đây không gói gọn trong vị giác mà bao hàm tất cả những cảm nhận bằng sáu giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; qua sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, bất kỳ những gì đem đến cho chúng sanh sự cảm nhận cũng được gọi là vị. Đức Phật đã định nghĩa thú vui xác thịt trong Tương Ưng Bộ Kinh IV, chương III, như sau: “Này chư Tỳ-khưu, có tới năm dục lạc. Năm điều đó là gì vậy?  Đó là những cảnh sắc do mắt nhận thấy, những cảnh khêu gợi, sảng khoái dễ chịu, thích thú và yêu thích, đam mê tình dục, kích dâm dục... có cảnh thinh tai nghe được... mũi ngửi thấy... lưỡi nếm được... lại có cả những cảnh xúc do thân xác  nhận ra, các cảnh xúc, ước ao thấy và dễ chịu... Này chư Tỳ-khưu, đây là năm yếu tố lạc. Thế nên, này chư Tỳ-khưu, bất kỳ điều vui thú nào nổi lên do năm yếu tố trên được gọi là “thú vui xác thịt.” Cho nên chúng sanh tiếp nhận, từng phút, từng giây nếm những vị khác nhau từ tư tưởng đến thú vui xác thịt ấy khiến cho tâm của mỗi người bị xoay vần trong những cuộc chiến, đắm chìm trong sự bi đát của bộ phim, nếm mãi vị đau khổ qua câu nói hay hành động của người khác, mặc cảm khổ đau trong chính bản thân mình v.v… những “vị” ấy khiến chúng sanh có thể nếm cả đời một vị đau khổ, còn những vị thoải mái, hạnh phúc dường như chỉ đến đi nhanh hơn “một nốt nhạc”. Có những người chỉ bị những lời nói của người khác làm trăn trở cả một đời, bị người khác nói xấu hay có những điều làm cho tâm hồn người ấy khép lại gặm nhấm đau khổ từng ngày. Có người suốt cuộc đời chỉ chạy theo một “vị” giàu có, danh vọng, địa vị, cứ tưởng rằng xoay quanh từ “có” thì mới nếm được hành phúc: có tiền, có quyền, có xe, có nhà, có con, có gia đình, có vật chất, có … Nhưng đôi khi “có” ấy lại cho ra một “vị” đắng chát vô cùng khi những thứ sỡ hữu không còn nữa hay nó không như mình mong muốn.

Chỉ có pháp vị, khi mỗi chúng ta nhận rõ chân lý và sống với chân lý, dù chưa được trọn vẹn hết, nhưng người ta cũng vẫn cảm thấy an lạc phần nào. Hơn là suốt đời chỉ biết sống chạy theo những thứ vật dục giả dối phù phiếmthế gian, làm cho tâm hồn người ta luôn luôn bị chao đảo rối loạn bất an. Những thứ hương vị tạm bợ ảo huyễn của thế gian, chỉ đưa người ta đến chỗ đắm nhiễm đam mê đau khổ. Tất cả đều là giả dối không thật. Hưởng được pháp vị là hưởng được hương vị giải thoát, không có hương vị nào trên đời có thể so sánh được. Nói về các vị ngon, từ đường mật... cho đến sơn hào hải vị quý hiếm như thức ăn của chư thiên đều lôi cuốn người ham thích phải trôi lăn trong sanh tử luân hồi, cho nên nó là gốc khổ của chúng sanh. Chỉ có hương vị của Giáo pháp, hiểu thấu ba mươi bảy phần trợ đạo đưa đến Chánh giácquả chứngthượng vị. Các quả chứng là hương vị của giáo pháp, sự hỷ lạc, và an vui trong chính sự xả ly mọi chấp thủ, từ bỏ sự bám víu vào vật chất hay tinh thần. Muốn nếm được pháp vị đức Phật dạy phải thực hành : Kinh Dhammapāda, câu 273 có dạy: “Con đường cao thượng hàng đầu

Là “Bát Chánh Đạo” nhiệm mầu biết bao,

Bốn điều chân lý tối cao

Là “Tứ Diệu Đế” dễ nào sánh ngang,

Không còn luyến ái vấn vương

Là điều cao thượng thơm hương Niết Bàn,

Trong loài động vật hai chân

Thì Đấng Toàn Giác vô ngần tối cao.”[6]

Cho nên nói: Pháp vị thắng mọi vị.

Câu hỏi thứ ba: hạnh phúc nào cao tột đỉnh? Phật trả lời chỉ có pháp hỷhạnh phúc hơn cả. Pháp hỷ là niềm vui chân thật an thoát nhẹ nhàng. Đó là pháp vị khi chúng ta nghe pháp hay khi nhận ra được lẽ chân thật mầu nhiệm của sự sống. Hạnh phúc, theo quan niệm thế gian, thì thật khó tìm một định nghĩa cho chính xác. Tùy theo quan niệm, hoàn cảnh sống của mỗi người mà người ta hiểu ý nghĩa của hạnh phúc có muôn ngàn sai khác. Có người cảm nhận hạnh phúc bằng tinh thần, cũng có người tìm hạnh phúc qua sự thoã mãn những vật chất thế gian. Nhưng theo Phật giáo, thì mọi thứ hạnh phúc trên đời, không có hạnh phúc nào đạt đến Chân, Thiện, Mỹ. Tất cả chỉ là tương đối, nằm trên bình diện của sự hưởng thụ cảm lạc mà thôi. Vì bản chất của mọi hưởng thụ là đau khổ. Nói cách khác, những thứ hạnh phúc mà người đời quan niệm và có được, thì thật là mong manh như bọt nước. Học vị cấp bằng cao, giàu có sang trọng, địa vị quyền uy vinh quang tột đỉnh, nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con xinh v.v…những thứ đó có thực sự đưa người ta đến chỗ hoàn toàn hỷ lạc hay không?

Tác phẩm Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga Chương IV. Trang. 94) cho chúng ta một định nghĩa về hỷ (piti) như sau: “...Hỷ khiến ta sảng khoái (Pinayati, nghĩa là làm vui lòng, làm thoã mãn), như vậy đó chính là hạnh phúc (Titi) hoan hỷ lại có trạng thái làm sảng khoái (Sampiyayana). Hỷ có phận sự là làm sảng khoái thân xác và  tâm hồn; hay phận sự của nó là thâm nhập khắp (xúc độngtrạng thái đê mê). Hỷ được thành tựu như là sự phấn chấn...” Tác phẩm Chú giải Bộ Pháp Tụ (Atthasàlinì I, phần IV chương.1, 115) cũng đưa ra cùng một định nghĩa tương tự về hỷ như thế.

Pháp hỷ không thể hiện ra bên ngoài bằng sự cảm nhận giác quan như lạc thúthế gian, mà pháp hỷ phải được cảm nhận bằng chính nội tâm của mình qua sự tu tập chuyển hoá. Trên cơ bản, người muốn nếm được pháp vị, cảm nhận được pháp hỷ bắt buộc phải là người thực hành pháp thường xuyênliên tục, để những khổ đau trong tâm rơi rụng hé lộ hương thơm của sự giải thoát. Cho nên ban đầu khi thực hành pháp có thể chưa nếm ngay được vị an lạc trong đó mà đôi khi chỉ có mệt mỏi thân xác. Nhưng nếu hành giả nào trực nhận ngay từ những việc hành trì đó đã rời xa được phiền não, tạm thời ngăn chặn được tam độc giải phóng sự chấp mắc bởi ngã và sỡ hữu của ngã thì niềm vui của pháp liền có mặt. Như khi đức Phật dạy ngũ giới cho hàng Phật tử, để ngăn chặn sự khổ đau khi nghiệp sát hiện hành, đức Phật dạy tránh sát sanh. Nhờ đó nhân quả ác nghiệp không trở lại để chi phối đời sống tu tập chúng ta được. Hay để tránh sự đổ vỡ gia đình, ngài dạy tránh tà dâm. Khi trì được giới này người ấy được an ổn, hạnh phúc trong gia đình. Trong tăng đoàn, các vị xuất gia phải hành trì hàng trăm giới học, thoạt nhiên nhìn tưởng rằng sẽ bị trói buộc, cản ngăn hay khiến cho vị xuất gia đó không thoải mái. Nhưng thực chất, nhờ những giới ấy tuy ban đầu sẽ hơi khó khăn cho việc hành trì nhưng nếu chuyên tâm giữ gìn thì nhờ giới ấy mà vị xuất gia không bị ràng buộc bởi bất kỳ những lỗi lầm nào để gây đau khổ. Rời xa những nhân duyên khiến tâm phải bám víu, dinh chấp vào ái, vào sỡ hữu mà muôn đời không dứt được. Đức Phật đã chỉ ra lợi ích của việc hành trì giới luật: “Này các gia chủ có năm sự lợi ích cho những ai giữ giới, sống theo giới luật. Thế nào là năm?...có tiền của dồi dào vì sống không phóng dật…được tiếng tốt đồn xa…tâm thần không sợ hãi, không bối rối… chết với tâm hồn không rối loạn… thân hoại mạng chung, sẽ được sanh vào thiện thú, thiên giới…”[7]. Pháp hỷ khi nghe pháp, khi làm các thiện sự, khi khởi tâm từ bi mở lòng với chúng sanh, hay chỉ hiểu nhân duyêntha thứ cho người khác củng được xem là pháp hỷ.

Như vậy, những lạc thú của người đời như con cái, dục lạc, ca nhạc, hát múa... cũng chỉ lôi cuốn người ham thích trôi lăn trong sinh tử luân hồi, nó cũng là gốc khổ của chúng sanh. Nhưng pháp hỷ sanh trong tâm kẻ nói pháp, hoặc nghe pháp, khiến họ được hưởng trạng thái an lạc vô biên, khiến nước mắt phải chảy, tóc lông phải dựng ngược. Sự an lạc này lại chấm dứt sanh tử luân hồi, cứu cánh đạt đến quả vị A-la-hán. Mà đức Phật đã giải thích : “Này Mahanama, bất kể khi nào người đồ đệ bậc Như Lai (Tathagata), thì không bao giờ dục vọng có thể tràn ngập tâm của ngài được nữa. Sân hận cũng không thể xâm chiếm lòng ngài được, và chẳng bao giờ ảo tưởng còn có thể thâm nhập tâm ngài nữa; quả thực, đó là cách tâm hồn các ngài nhắm thẳng mà tiến bước nhân danh Như Lai. Và với tâm đã được nhắm thẳng hướng, Mahanama, người đồ đệ bậc thánh đó trỏ nên thành tâm trước mục tiêu, trước Phật Pháp và thắng được hân hoan gắn liền với  Pháp và như vậy hỷ của ngài phát sinh; khi tâm ngài đã tràn đầy hoan hỷ, toàn thể con người của ngài đạt đến tịnh; có tâm bình yên, ngài cảm nhận được thanh thản. Thanh thản trong tâm hồn; khi tâm trí ngài đê mê trong niềm hân hoan thú vị, ngài cảm nghiệm được thoải mái và khi đã an nghỉ trong thoải mái thì tâm hồn ngài đạt đến điềm tĩnh.” [8]An lạc này mới là tối thắng? Cho nên nói: Pháp hỷ thắng mọi hỷ.

Theo đạo Phật, con đường đưa chúng sanh đến chân trời hạnh phúc, đó là con đường: “Niệm, Định, Tuệ”. Niệm là “Biết” rõ những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Định là dừng hết mọi vọng tưởng tính toán nghĩ suy. Tuệ là sáng suốt thanh tịnh nhận định đúng theo chân lý. Chỉ có con đường đó, mới đưa chúng sanh đến đích giác ngộ an lạcgiải thoát mà thôi. Và đó mới thực sự là đạt đến tột đỉnh của chân hạnh phúc vậy.

Câu hỏi cuối cùng, tại sao diệt trừ tham áiviệc làm tối hệ trọng? Phật trả lời: “Người nào trừ hết mọi ái dục là vượt lên trên mọi khổ đau”. Đây là Phật trả lời giải bày một cách khẳng quyết tường tận. Bởi tham ái chính là nguồn gốc của mọi khổ đau. Dứt tham áichấm dứt mọi khổ đau. Đó là điều mà đức Phật đã lặp đi lặp lại nhiều lần trong phẩm nầy. Vì trọng tâm của phẩm nầy là Phật nêu ra mọi khía cạnh của ái dục để chúng ta nhận rõ tai hại của chúng mà gấp mau đoạn trừ. Trong Tập đế, chân lý thứ hai mà Phật Thích Ca đã thuyết về nguyên nhân của khổ, thì ái chính là nguồn gốc của khổ. Nhưng ái không là phải là nguồn gốc đầu tiên và duy nhất, vì theo thuyết Duyên khởi thì mọi sự đều nương nhau mà có, do đó mà không thể tự dưng có ái, độc lập, riêng biệt xen vào “gây chuyện” đưa đẩy con người tạo nghiệp và luân hồi. Ái xen vào là khi đã có một cái thân (danh sắc, lục nhập) và được hỗ trợ bởi những cảm giác, cảm xúc (xúc, thọ).

Ái không chỉ là động từ yêu, động từ thương, động từ thích. Yêu, thương, thích cái gì, điều gì mình muốn, cái gì, điều gì hợp với mình, vừa ý mình, đem lại sảng khoái, khoái chí, thú vị, hạnh phúc mà cũng là ghét bỏ, không ưa cái gì, điều gì mình không muốn, cái gì, điều gì không hợp với mình, không vừa ý mình, không đem lại sảng khoái, không thú vị, không hấp dẫn, không quyến rũ, không hạnh phúc tức là cái gì, điều gì gây khó chịu, bực bội, không vừa lòng, gây đau khổ. Thuận hay nghịch, hai chiều trái ngược của yêu, thương hay thích và ghét bỏ, xua đuổi, ruồng rẫy đều nằm trong một vòng tay của ái mà thôi.

Dễ hiểu hơn, khi nói “tôi yêu”, “tôi thương”, “tôi thích” cũng như khi nói “tôi không yêu”, “tôi không thương”, “tôi không thích”, “tôi ghét”, cho dù nói theo chiều nào cũng chỉ là ái.

“Này các Tỳ-kheo, đây là Thánh đế về khổ nhân: Chính ái dẫn đến tái sanh, do ái cấu kết với hỷ và tham, tìm thú vui nơi này chỗ khác, tức là dục ái, hữu áiphi hữu ái”.[9]

Như vậy, có thể nói rằng động lực thúc đẩy ái hoạt động là sự ham muốn, khát khao hưởng thụ, hưởng thụ khoái lạc ở ba cõi, dục giới, sắc giớivô sắc giới. Ái dụcsức mạnh thúc đẩy con người tìm sự thỏa mãn lòng ham muốn ích kỷ bằng mọi cách, ngay cả bằng sự thiệt hại hoặc đau khổ của người khác. Ái dụccạm bẫy nguy hiểm nhất, vì khi được toại nguyện thời nó đem lại cảm giác thỏa mãn cho con người và do đó lòng ái dục của con người cứ tăng thêm mãi. Đức Phật nhận định rằng những điều mà người thế gian gọi là sung sướng, hạnh phúc thời chỉ được xây dựng mong manh trên một số điều kiện. Khi những điều kiện ấy đầy đủ thì người đời gọi là được sung sướng, có hạnh phúc. Nhưng với hạnh phúc họ đang có trong tay họ cũng không cảm thấy được thoả mãn trọn vẹnvĩnh viễn. Nguyên do là vì lòng dạ con người vốn thay đổi và lúc nào cũng muốn được thêm, thêm mãi. Khi chưa đạt được tất cả những điều họ ước ao thì họ có cảm tưởng là vẫn còn thiếu thốn, và lòng họ băn khoăn, day dứt, mong cầu. Hạnh phúc thật sự không cần thiết phải có liên hệ đến điều kiện vật chất bên ngoài, mà hoàn toàn tùy thuộc vào nội tâm của con người. Tất cả giáo lý của Đạo Phật đều quy tụ vào một điểm thực tế là muốn tìm an lạc vĩnh cửu, con người cần phải biết làm cách nào để thắng được lòng ái dục.

 Một khi đã nói đến ái, nhất là ái dục, thời đây là cả một đề tài muôn điệu. Đã là con người, thật khó mà thoát ly được ái dục.Vì vậy có thể thấy Đức Phật đã dành nhiều câu khuyên dạy về ái dục. Giảng về quả phúc của người cúng dường đến bậc hoàn toàn thanh tịnh, Đức Phật dạy:

(Pháp Cú 359)

“Cỏ hoang làm hại ruộng vườn

Ái dục gây hại nhiều hơn cho người,

Ai lìa ái dục được rồi

Cúng dường vị ấy chẳng nơi nào bằng

Hưởng về phước báu vô vàn.”

 Một nữ thí chủ rất nổi tiếng, có đứa cháu thân yêu vừa qua đời. Bà thương tiếc và khóc lóc thảm thiết. Khi bà đến chùa, Đức Phật an ủi bà và dạy rằng: “Mỗi ngày có biết bao nhiêu người chết. Nếu bà xem mỗi người đã qua đời là một người thân mà bà than khóc như thương tiếc một đứa cháu bà thì có lẽ chẳng có lúc nào mà bà ngưng chảy nước mắt. Ưu sầusợ hãi sinh ra do sự quá luyến ái, quá trìu mến đó”.

Như vậy ái khi được diệt trừ sẽ mang đến sự tự tại, giiar thoát mọi phiền muộn, dính chấp vào thân và tâm làm phát sanh các lậu hoặc. Để diệt được ái, chúng ta phải hiểu được sự nguy hại như trên cho chính bản thân mình. Từ đó ta biết quay về với thực tại cuộc sống thiểu dục, tri túc, (tức là ít ham muốn, biết đủ), cắt đứt mọi chuyện lo toan, vấn vương nợ đời. Càng ham muốn bao nhiêu càng đau khổ bấy nhiêu. Đức phật tuyên bố: “Người không biết đủ dù ở trên thiên đường vẫn không vừa ý, người biết đủ ít ham muốn dù nằm trên mặt đất vẫn thấy an vui”.

Nên nhận thức rằng mọi thứ tiền tài, của cải sự nghiệpdanh vọng chỉ là một giàn phương tiện để sinh hoạt cuộc sống chứ không phải cứu cánh của đời mình, đó là kinh nghiệm, là phương pháp để tháo gỡ mình ra khỏi vòng dây tham ái vô hình.

Đạo phật đem lại cho con người một sự tỉnh giáctrách nhiệm, hạnh phúc. Hay khổ đau trên cõi đời này đều do con người tạo tác, tịnh hay nhiễm đều do tâm. “không ai làm cho ta ô nhiễm, cũng không ai làm cho ta thanh tịnh trừ chính bản thân ta”. Có lẽ một ước mơ, một sự sống cân bằng tuyệt đối, một sự an toàn tuyệt đối chỉ là một ảo tưởng không bao giờ trở thành hiện thực, nếu người chưa đói bụng thì không thể ăn ngon miệng, nếu người chưa trải qua khổ đau thì làm sao cảm nhận được hạnh phúc an lạc, giải thoát khi diệt trừ tâm tham ái, Mặc dù Ta bà đau khổ nhưng ta phải thiết lập Tịnh độ ngay Ta bà, thành lập hạnh phúc trong khổ đau, để làm được điều đó có hai cách; phải có phật lựctự lực.

Trong buổi đầu Phật Giáo phát triển, Ngài Nagasena chủ trương thuyết cứu độ qua cuộc vấn đạo của vua Milinda. Ngài Nagasena giải thích rằng: “Một hòn đá dù nhỏ cách mấy vẫn chìm trong nước, nhưng một tảng đá nổi trên nước đều đặt lên thuyền”. Ngài Negasena muốn nhấn mạnh yếu tố quyết định là khả năng cứu độ của Phật lực, trọng lượng khiến nó chìm là ví cho nghiệp lực, con thuyền là sự cứu độ phật lực. Nhưng để chuyển hòn đá lên thuyền được phải nhờ vào nổ lực của tự thân. Đức Phật đã tìm ra nguyên nhân và chỉ dạy phương pháp diệt trừ khổ đau, cách tập trung trí tuệ để nhổ tận cội rễ của tham ái như trong kinh Niết -Bàn đức Phật có dạy: “Và này các Tỳ kheo khi Tỳ kheo đoạn tận khát ái, chặt đứt đến gốc rễ, làm như cây ta la không thể tái sinh, không sinh khởi trong tương lai, như vậy các Tỳ kheo đã đào lên khổ từ trước chưa được đào lên”.

Người dứt được say đắm trong tình cảm sẽ không bị ràng buộc và khỏi lo phiền:

 (Pháp Cú 213)

Khởi từ luyến ái sinh ra

Chứa chan hãi sợ, chan hòa lo âu

Mến thương, luyến ái lìa mau

Chẳng còn lo sợ, ưu sầu tiêu tan.

Cuối cùng khi tham ái diệt, hành giả chứng đắc A-la-hán. Do ái diệt nên dứt sạch hết đau sanh tử luân hồi, cho nên nói: Ái diệt thắng mọi khổ.

Như vậy có thể thấy, bài kệ 354 pháp cú nói về sự thực hành pháp của chính bản thân thông qua việc bố thí , diệt trừ nguyên nhân của khổ đau để nếm được vị ngon của pháp, sự an lạc tuyệt đối khi chúng sanh bước đến sự giải thoát. Nếu không nhờ vào Pháp thí chúng sanh sẽ trôi lăn mãi trong luân hồi lục đạo mà không có phương pháp nào ra khỏi. Để thực hành pháp thí vị ấy phải tự hoàn thiện mình từ trong ra ngoài. Có nghĩa rằng vị ấy phải chiêm nghiệm và sống trong giáo pháp, tắm mình trong lời dạy của đức Phật và nghiêm trì lời dạy ấy một cách nghiêm túc. Khi ấy phát xuất ra ngoài thân tướng của vị ấy một năng lượng có thể giảng giải kinh điển một cách đúng đắn nhất, bằng không có thể chỉ giảng bằng lí thuyết mà xa rời thực tế.

Trong Tương Ưng Bộ, Tập I, Chương I, có ghi lại câu chuyện trong một đêm nọ, một vị thiên tử đến hỏi Đức Thế Tôn: “Cho gì là cho lực? Cho gì là cho sắc? Cho gì là cho lạc? Cho gì là cho mắt? Cho gì cho tất cả? Xin đáp điều con hỏi?. Đức Thế Tôn trả lời: Cho ăn là cho lực, Cho mặc là cho sắc, Cho xe là cho lạc, Cho đèn là cho mắt. Ai cho chỗ trú xứ, Vị ấy cho tất cả. Ai giảng dạy Chánh Pháp, Vị ấy cho bất tử.” Cho nên dù cho tất cả chúng sanh đến giàu sang địa vị, thì sanh tử cũng vẫn có mặt, vô thường vẫn hằng tồn, chỉ có chánh pháp giúp cho con người sống mãi. Sống mãi ở đây chính là sống đúng với chánh pháp, nhờ vậy mà đức hạnh được nêu cao, vượt qua triền cái, mà đạt được sự hỷ lạc, trừ sạch tham ái bước đến niết bàn. Quán chiếu tự thân mình xem đang mặc ca-sa mang sứ mệnh của đức Phật truyền bá chân lý giác ngộ nhưng chính bản thân mình đã phần nào giác ngộ, nếm được vị nào trong giáo pháp, hưởng được an vui nào của giải thoátái dục đã lắng yên chưa. Đâu đó mặc dù tu tập nhưng sự tinh tấn để chuyển hoá những tế bào phiền não của tự thân mỗi người mới là vấn đề quan trọng. Khi đức Thế Tôn thành lập tăng đoàn đầu tiên với 55 vị A-la-hán, và khi ấy ngài dạy rằng : “Này các Tỷ-kheo, hãy du hànhhạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiênloài Người. Chớ có đi hai người một chỗ. Này các Tỷ-kheo, hãy thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn. Hãy tuyên thuyết Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Có các chúng sanh sanh ra ít nhiễm bụi đời, nếu không được nghe pháp sẽ đi đến hoại diệt. Họ sẽ trở thành những vị thâm hiểu Chánh pháp.”[10] Hãy thuyết pháp vì lợi ích cho mọi người, nhưng có thể thấy 55 vị này là những vị A-la-hán, với tâm và tuệ giải thoát, các hành đều lắng yên, dẹp yên phiền não mới đi hoằng pháp. Như vậy dường như trách nhiệm của chư tăng thời Phật duy chỉ có việc hành thiền, tu tập để chuyển hoá tự thân đến chứng quả giải thoát còn việc hoằng pháp của chư tăng có phần nhẹ hơn. Nói thế không có nghĩa rằng chư tăng lúc bấy giờ không đi hoằng pháp, mà rõ ràng, để đi thuyết giảng, hoằng pháp, khai đạo, tranh luận ngoại đạo, tất cả đều của các vị tôn trưởng A-la-hán như Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, A-na-luật, Đại Ca-diếp, v.v… Ngay cả việc giáo giới chư ni đều là các vị A-la-hán lậu tận đến để giảng dạy. Như thế khi nào chứng quả A-la-hán mới nên đi thuyết pháp hay nói cách khác là bố thí pháp ( pháp thí) thì mới mong là không sai với lời dạy của đức Phật và không bị dao động nơi tâm thức. Ví dụ giản đơn như tôn giả đa văn A-nan mặc dù đã ở trong quả chứng tuy chưa đến A-la-hán nên bị nàng Ma-đăng-già quyến rũ lôi kéo. Thế thì, từ đâu vai trò của chư tăng hoằng pháp khắp mọi nơi, thuyết giảng giáo lí, làm mọi thiện sự, Phật sự, còn quả chứng thì còn là dấu chấm hỏi.

Đến thế kỷ thứ năm sau tây lịch, khi tinh thần Bồ tát được phát triển có thể nói là vinh quang, từ đó vai trò dấn thân, hy sinh, cống hiến của hàng chư tăngPhật tử rất mạnh mẽ. Vai trò của chư tăng bắt đầu có những đổi mới, dường như tất cả mọi tu sĩ đều có thể đi thuyết giảng giáo lí, làm các thiện sự cứu người giúp đời bằng nội tài hoặc ngoại thí, tham gia vào triều đình (làm quốc sư), tầng lớp tăng già bắt đầu phân chia hệ thống và chức vụ, hiến mô- tạng, xả thân vì đạo (tự thiêu) v.v… những vấn đề này có đi ngược lại với giáo lý của đức Phật không? Trên tinh thần Bồ tát đạo, vị Bồ tát hành mọi phương pháp để vì một mục đích giúp chúng sanh vào đạo, sanh tín tâm với tam bảođạt được sự giải thoát.

Như vậy những việc làm của vị xuất gia Bồ tát như trên không đi ngược lại với tinh thần bồ tát mà còn làm sáng thêm giáo lí của Phật đà, nhờ đó lan toả tâm và tầm của cộng đồng lấy từ bitrí tuệ làm chỉ nam. Nhờ có sự hy sinh, cống hiến, phụng sự, Phật pháp tại thế gian mới càng ngày phát triển, giáo lí vô ngã của đức Phật càng được lan toả trên cõi ta-bà làm cho chúng sanh có một niềm tin, và có được an lạc nhờ sự chở che của Chân lý Phật. Nói như thế không đồng nghĩa, chư tăng quên đi bản hoàitrách nhiệm của mình phải tu tập để giải thoát tự thân. Bài kệ 354 dạng cho chư thiên nhưng cũng là dạy cho hàng Tỳ-kheo hữu học, vì nếu dấn thân hành đạo, thuyết pháp độ sinh trên nền tảng, tam độc, phiền não, lậu hoặc vẫn chưa lay chuyển thì có thể chỉ đang làm trong mộng mị. Khi mộng vỡ tan rồi thì mới biết mình vẫn còn ở đây, vô minh tham ái vẫn còn dẫy đầy, thoái đoạ lại chính là bản thân không ai khác.

 

KẾT LUẬN

Câu kệ 354 đức Phật dạy cho chư thiên về cách bố thí nào tối thắng, vị nào tối thắng, hỷ nào tối thắng và làm sao để hết khổ. Đức Phật đã dạy rõ rằng chỉ có Pháp là thí tối thượng, pháp là vị tối thượng, pháp là hỷ tối thượng cuối cùng muốn không còn khổ đau phải làm cho ái không sanh khởi. Câu kệ nhắc nhở chư thiên, cũng như hàng tại gia, xuất gia, về mục đích của việc tu tập, muốn thoát khổ, muốn vượt trên luân hồi sanh tử, trước tiên phải thực hành pháp. Nhưng phải thực hành ở mức độ tinh cầnthường xuyên, mới nếm được pháp vị, hưởng được pháp hỷ, từ đó mới có thể đem pháp vị pháp hỷ đó bố thí cho chúng sanh. Ngay khi ấy, chúng sanh cảm nhận được pháp vị, pháp hỷ mà ta lan toả mới nhận được pháp thí một cách hữu hiệu nhất, bằng không chỉ là thuyết phục nhưng thẩm sâu bên trong câu hỏi về bản chất vẫn in hằng trong tâm thức chúng sanh ấy. Chỉ cho khi chúng ta có, chỉ nhận khi người khác đưa sự an lạc, thảnh thơi từ pháp vị pháp hỷ, đó mới là pháp thí đúng nghĩa nhất. Và khi đã thực hành pháp nếm được pháp vị pháp hỷ rồi thì vị ấy bắt đầu can thiệp vào tiến trình giải thoát, có nghĩa là trừ diệt tham ái. Khi đã dùng pháp đối trị, thực hành thiền định, giới luật và có trí tuệ hành giả vượt trên tham, sân, si, vượt qua những thú vui dục lạc thô ở thế gian, tìm cầu niềm vui vi tế của sự giải thoát. Đạt đến quả vị chứng ngộ niết bàn. Qua đây chúng ta thấy không có gì quan trọng hơn việc hành trì pháp để đem đến sự giải thoát cho tự thân. Mà đức Thế tôn đã hướng dẫn chúng sanh tu tập để chứng quả, tất cả chỉ là phương tiện trên con đường tu tập, bản chất sự giải thoát vẫn là quan trọng nhất.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1)    Kinh Tăng Chi Bộ 1, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, TP. Hồ Chí Minh, 1996.

2)    Kinh Trung Bộ 1, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Tôn Giáo, Hà Nội, 2012.

3)    Kinh Tiểu Bộ 2015 - Tập I, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Tôn Giáo, Hà Nội, 2015.

4)    Kinh Trường Bộ 1, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991.

5)    Kinh Tương Ưng 5 Đại Phẩm, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991.

6)    Kinh Tương Ưng Bộ 2013 - Tập II, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Tôn Giáo, Hà Nội, 2013.

7)    Kinh Tương Ưng 1 Thiên Có Kệ, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991.

8)    KINH PHÁP CÚ, Ht Thích Minh Châu dịch, NXB Tôn Giáo, 1969.

9)    Về hạnh bố thí, https://budsas.net/dlpp/bai24/index.htm  .

10) Tâm sở, https://www.budsas.org/uni/u-vdp-sht/chuong-11.htm .

11) Con đường hạnh phúc, https://theravada.vn/con-duong-giai-thoat/

12) Pháp vị người tu, http://thuongchieu.net/index.php?option=com_content&view=article&id=815:phap-v-ca-ngi-tu&catid=16:httnq&Itemid=346 .

13) Con đường thoát khổ, Ht Hộ Pháp, http://trungtamhotong.org/NoiDung/ThuVien/ConDuongGTK/Phan1.htm .

14) Kinh bốn mươi hai chương, https://www.chuabuuchau.com.vn/chuong/chuong-32-diet-ai-duc-ly-sinh-tu_1662.html

15) Ái, https://giacngo.vn/ai-post31619.html

16) Tìm hiểu kinh Pháp Cú (Dhammapada), Tâm Minh Ngô Tằng Giao, Diệu Phương xuất bản, 2006.

17) CHÚ GIẢI KINH PHÁP CÚ Quyển 1, Trưởng Lão PHÁP MINH dịch, THÀNH HỘI PHẬT GIÁO  TP . HCM, 1997.

18) DHAMMAPADA KINH PHÁP CÚ ( PHÂN TÍCH TỪ NGỮ PĀLI ), TỲ KHƯU ĐỨC HIỀN BIÊN SOẠN, NXB. TÔN GIÁO, 2009.

 



[1] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi Bộ 1, Chương III Ba Pháp, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1996.

[2] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi Bộ 1, Chương IV Bốn Pháp IV. Phẩm Bánh Xe, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1996, Trang 610.

[3] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ 1, 22. Kinh Ví Dụ Con Rắn, Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, Trang 174.

[4] Hòa Thượng Thích Minh Châu, Kinh Tiểu Bộ 2015 - Tập I, Kinh Phật Thuyết Như Vậy, Tôn Giáo, Hà Nội, 2015, Trang 213.

[5] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi Bộ 1, Chương II Hai Pháp XIII. Phẩm Bố Thí, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1996, Trang 168.

[6] Tìm hiểu kinh Pháp Cú (Dhammapada), Tâm Minh Ngô Tằng Giao, Diệu Phương xuất bản, 2006.

[7] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ 1, 16. Kinh Đại Bát Niết Bàn, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991, Trang 563.

[8] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng 5 Đại Phẩm, Chương XI Tương Ưng Dự Lưu I. Phẩm Veludvàra II. Phẩm Một Ngàn Hay Vườn Vua III. Phẩm Saranàni, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991, Trang 553.

[9] Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng Bộ 2013 - Tập II, II. Phẩm Chuyển Pháp Luân, Tôn Giáo, Hà Nội, 2013, Trang 783.

[10] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng 1 Thiên Có Kệ, Chương IV Tương Ưng Ác Ma I. Phẩm Thứ Nhất, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991, Trang 235.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.