01. Chào Đời

21/03/20239:10 SA(Xem: 1892)
01. Chào Đời
TỰ TRUYỆN THÁNH NGHIÊM
Nguyên tác TUYẾT TRUNG TÚC TÍCH
Thích Nữ Hạnh Đoan lược dịch
Nhà xuất bản Phương Đông

Chương 1

CHÀO ĐỜI

Ngày mồng 4 tháng 12 âm lịch năm Canh Ngọ -1930, (tức Thứ Năm 22/1/1931 D.L) tôi chào đời trong một gia đình có sáu đứa con .

Năm đó mẹ tôi 42, còn phụ thân tôi 41 tuổi. Tôi sinh ra rất gầy yếu nhỏ bé, chẳng lớn hơn con mèo là bao, đến độ nhiều người còn nói tôi xem ra giống như con chuột đồng. Vì vậy ba mẹ đặt cho tôi tên Bảo Khang, thầm mong tôi được khỏe mạnh luôn.

Vùng đất tôi chào đời ở sát bến cảng Tiểu Nương, là nơi sông Trường Giang chảy vào mé tây cửa khẩu Đông Hải. Tôi đối với địa phương này không có ấn tượng nhiều, bởi vì sau khi tôi sinh ra được vài tháng thì một trận lũ lớn ập đến, cuốn trôi tất cả: nhà cửa, ruộng vườn… nghĩa là những gì chúng tôi có, đều bị trận đại hồng thủy này nuốt chửng hết!

Khi cơn lũ đã rút, việc đầu tiên là chúng tôi phải đi đến nhà bà con ở Nam Thông (vùng lân cận) trú tạm; rồi sau đó dời lên miền thượng du, cách biển ước chừng 75km, đối diện với cảng Nam Thông – một vùng đất có tên là Thường Âm Sa (cát bụi mịt mù).

Phụ thân tôi thuê được một mẫu đất ruộng, người liền dựng trên đó một ngôi nhà tranh 3 gian, cả gia đình chúng tôi đều ngụ lại đó.

Mùa hạ, ban ngày rất nóng, đêm đến có gió mát từ bờ sông thổi lên, lùa hơi lạnh xuyên qua vách tranh.

Mùa đông, trời tối rất mau, tuyết rơi phủ kín chỗ chúng tôi ở. Chúng tôi phải dùng đất bùn nhồi cỏ tranh trét kín các lỗ hổng nơi vách để chống chỏi với cơn lạnh. Nếu có tiền thì mua đèn dầu, lấy miếng vải cũ làm tim đèn. Đêm đến, mẫu thân tôi cùng các chị ngồi bên đèn may, dệt; còn cha và các anh tôi thì bện dây gai làm hài cỏ.

Cả gia đình chúng tôi đồng ngụ trong một căn nhà, giuờng là bốn trụ chống ghép ván thô sơ hợp thành, có rải cỏ khô ở trên và phủ thêm một lớp bố.

Bữa ăn sáng là ngô, hoặc cháo, có lúc ăn chẳng thấy mùi vị gì, bởi không có tiền mua muối.

Công việc sớm tinh mơ của ba tôi là ra đồng tìm, hốt phân động vật để lại trong đêm. Tôi cũng phụ nhặt phân, xúc các đống bài tiết của chó, ngựa và lừa bỏ vào trong giỏ cỏ, rồi trở cán xẻng móc giỏ quảy trên vai, (trên chuôi xẻng có một cái móc để móc vào giỏ). Tôi cứ tiếp tục tìm phân và hốt như vậy. Phân này mang về sẽ được bỏ vào hố ủ, chờ khi hoai thì đem bón ruộng.

Phụ thân và các anh tôi còn là những ngư phủ tài ba, giỏi giang. Bất kể là bắt cá bằng lưới hay lao vào dòng sông to rộng để bắt chúng bằng tay không, họ đều là cao thủ.
Gia đình chúng tôi ngự trên một ngọn đồi cao nằm giữa hai con lộ rộng lớn. Dòng Trường Giang chảy ngang qua bao khắp cả vùng này, sông cực kỳ to rộng, sâu và lạnh buốt. Nằm dưới thiên không bao la, quả đồi này trông bình thản làm sao!

Ven sông cắm trúc làm đê, đường cái được mở trên vùng đất cao, trừ bờ đê ven sông ra, nhìn xuống dọc theo cây cối, những vùng đất sở hữu đều đã trồng trọt.

Chúng tôi bơm nước sông vào ruộng theo kỹ thuật thủy xa, (đặt bàn đạp ổn định trên đất, thông qua bánh xe lớn chuyển động, tải nước sông qua vật chứa nằm giữa những vòng xoay), đổ thẳng vào ruộng. Con trâu nước phụ giúp chúng tôi cày bừa, giống như là bằng hữu cho nên chúng tôi chưa bao giờ nghĩ chúng là vật để ăn thịt, nhưng mà chúng tôi cũng chẳng có được con trâu, chỉ là thuê mượn mà thôi.

Trừ việc lượm, hốt phân ra, tôi còn phải cắt cỏ cho heo và dê ăn. Thức cho heo ăn phải nấu chín trước, còn dê thì có thể ăn cỏ sống. Ngoài cỏ ra chúng tôi chẳng có gì để nuôi chúng. Chúng tôi nuôi xong thì đem bán, đổi lấy muối, đường, dầu, vải… chúng tôi rất khó mà được ăn tới thịt.

Cha tôi và các anh cũng thường ra ngoài làm mướn, họ giở đồ theo, đến trưa thì thổi cơm và cùng ăn ngoài đồng. Mỗi sáng họ rời nhà lên đường, mang theo đủ thứ dụng cụ để gieo trồng, vun xới các thứ như: hắc mạch, tiểu mạch, bông vải, đậu nành, đậu phọng, lúa chiêm…

Ở nhà, chúng tôi chụm cây đậu, thổi lửa nấu cơm, bàn ăn và bếp lò được dùng đất sét tạo thành. Mỗi ngày chúng tôi dùng ba bữa, thường là cháo gạo lức. Chén bát làm bằng gốm nung thô nặng, nên dù có rơi xuống đất cũng không bị vỡ. Bữa trưa và tối chúng tôi có thể bỏ thêm vào trong cháo các thứ rau, củ… khiến bữa ăn đạm bạc có vẻ khởi sắc hơn, nhưng thật sự thì khó mà được ăn các thức ngon.

Gia tài chúng tôi nghèo thiếu, làm việc khổ nhọc, nhưng trong ký ức, cả nhà tôi sống rất hạnh phúc. Cha mẹ tôi là đại diện cho sự kết hợp hoàn mỹ. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy họ gây gỗ, cãi lẫy. Điều quan trọng chính là nhờ mẹ tôi – Bà là một phụ nữ cực kỳ thông minh, đảm đang, khéo léo. Phụ thân tôi chỉ cần ra đồng làm việc, kiếm tiền và cung cấp thức ăn cho gia đình, mẫu thân tôi giữ trọng trách duy trì mức sống, quản lý toàn bộ việc nhà, dạy dỗ chúng tôi. Phụ thân tôi nhờ vậy được tiếp thêm sức mạnh từ lòng kiên cường, tài giỏi của bà, ông rất biết ân mẹ tôi, và mẹ tôi luôn đáp lại bằng lòng thương yêu ái kính. Hai bên đối với nhau bằng cả trái tim và tấc lòng thành, họ chung sống hài hòa và điều này ảnh hưởng đến tôi sâu sắc.

Hằng ngày trong cuộc sống cùng hỗ trợ nhau, tôi học được nghệ thuật sống đoàn kết, nên dung hợp và cư xử hài hòa với nhau như thế nào. Chẳng hạn như phụ thân tôi đối với mẹ tôi, hành vi, cách nghĩ, tâm tình của ông thảy đều được trí huệý chí của mẹ tôi dẫn đạo.

Qua 7 tuổi, chúng tôi quay về làng, tôi tận mắt chứng kiến tai hại của cơn lũ đem đến. Mặc dù chúng tôi ở bên ngoài, cách thôn làng mấy dặm, không bị cơn lũ tàn hại trực tiếp.
Tôi nhớ có một lần, trời đổ mưa dầm nhiều tháng, cuồng phong liên tục thổi tới không ngừng. Mưa trút xuống liên miên. Trải qua mấy ngày mưa cuồng bão dữ, trời tạm thời quang tạnh. Nhưng tiếp theo đó, do đại địa không ngừng bị mưa trút, nước chảy như thác, gây nên cảnh lụt lội to. Sau một tuần, nước sông Trường Giang cuồn cuộn dâng cao, tràn lên đại địa, bao phủ cả vùng đất phì nhiêu, tốc độ nước chảy rất xiết, mỗi lúc càng mạnh, tàn phá toàn bộ nhà cửa, hoa mầu và đất đai. Lũ bứng tróc gốc và nuốt chửng cây cối, con đê ven bờ sông cũng bị vỡ. Chúng tôi không cần phải đạp thủy xa hay bơm gì nữa, nước phủ mênh mông, chỗ nào cũng đầy cá!

Khi cơn bão đình chỉ, gió lặng rồi, phụ thân dẫn tôi đi thăm nhà dì. Mặc dù nhà họ còn đó, nhưng toàn bộ con đê đã bị nuớc cuốn phăng. Khi trận hồng thủy rút đi, các hộ dân chỉ còn trơ mái tranh hư hại; đồ vật bị nước phá hủy, trôi nổi trên sông; đói tới chết hết một nửa số mèo chó, chúng bị gặm nhắm còn trơ xương. Các thây người thì nổi lềnh bềnh trên sông. Y phục của họ đều bị rách nát, thi thể bắt đầu sình chương, rục rã. Thây nam thì nằm sấp, mặt úp xuống, thân cong lại, chỉ có cái lưng nổi lên trên (Tôi suy diễn, cho là có thể do phần bụng họ ít mỡ hơn, nhưng chưa có cách chứng thật điều này). Thây nữ đa số là nằm ngữa, đầu hướng ra sau, tóc rối bù, hai chân chìm trong nước. Thân thể họ cũng cong lại, chỉ có cái bụng nổi lên. Thây trẻ con thì phình trướng, bụng sình to, da nhợt nhạt như người bịnh, bị vịt rỉa ăn hết tròng mắt.

Mưa cuối cùng cũng tạnh, vầng dương lên cao. Các thi thể đang phân hủy bốc mùi hôi thúi khủng khiếp, xông nồng nặc khắp con sông. Đây thật là kinh nghiệm cực kỳ bi thảm mà tôi từng trải qua, đến nỗi sau đó mấy tuần, buổi tối ngủ mà nửa đêm tôi còn nằm mơ thấy toàn ác mộng, hãi hùng tỉnh giấc.

Mạng sống mong manh làm người ta chấn động kinh hoàng đến thế. Không riêng gì người lớn mà cả trẻ con cũng đều cảm nhận được. Bản thân tôi chứng kiến thảm trạng này, bỗng thấm thía đạo lý giống như đức Phật Thích-ca từng chứng ngộ: “Thế gian nguy hiểm, thường cư biến loạn, sinh tử vần xoay, tựa như biển khổ”.

Khi ấy tôi hoàn toàn chẳng có chút tín ngưỡng tôn giáo, nhưng đứng bên bờ sông lúc đó, thảm cảnh đủ khiến người ta buồn nôn, chứng kiến từng xác, từng xác thân trôi nổi dật dờ, trong khoảnh khắc, tôi lĩnh ngộ được rằng: “Con người ta có thể chết bất cứ lúc nào!”… Nếu như chúng tôi còn ngụ tại đây, thì cũng sẽ chết giống như họ. Nhìn các thi thể như thế, quan niệm “Mạng sống vô thường” đã in sâu vào tâm trí tôi. Nhưng mà, tôi cũng cảm nhận và hiểu rõ: Còn sống được giữa bao tai nạn kinh khiếp như thế này, là tốt lành, may mắn như thế nào! Trong phút giây đó, tôi ngộ ra: Không có gì phải kinh hoảng, cuộc sống thực sự rất quý; chúng ta cần phải biết trân trọng sinh mạng này! Mấy tuần tiếp theo, nỗi sợ về các thây ma thê thảm đều được đẩy lui, thay vào đó là cái tâm biết chấp nhận. Ở lứa tuổi thơ dại thời đó, tôi đã ngộ ra rằng: Khi cái chết đến, chúng ta chẳng làm được gì ngoài việc đón nhận nó!

Ngay trong đời sống này, tôi đã trải qua rất nhiều cảnh chết chóc, đi ra từ trong chiến tranh, đói khát, bịnh dịch… Hiện giờ tôi đang tiến đến chặng cuối của mạng sống, chẳng còn bao lâu nữa, rồi sẽ tới ngày tôi chết đi. Nhưng chính trong trận đại hồng thủy ấy, những đạo lý mà tôi lãnh ngộ được, vẫn còn tồn tại trong tâm, tôi hiểu rằng: Nếu cứ lo lắng, để cái chết ám ảnh mình, là không ích lợi gì.

Quan trọng là, trước khi cái chết đến, hãy dốc toàn tâm toàn lực mà sống cho thật tốt!



Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.