Thư Viện Hoa Sen

20. Viên Mãn

21/03/20239:18 SA(Xem: 2794)
20. Viên Mãn
TỰ TRUYỆN THÁNH NGHIÊM
Nguyên tác TUYẾT TRUNG TÚC TÍCH
Thích Nữ Hạnh Đoan lược dịch
Nhà xuất bản Phương Đông

Chương 20
VIÊN MÃN

Tôi tự nhận mình là công dân của thế giới, bản thân là thầy tôn giáo và là người xuất gia, tôi chẳng thuộc một dân tộc hay một quốc gia nào. Tôi giống như mây trời, từ địa phương này trôi đến địa phương khác, dấu chân tôi giẫm khắp mọi nơi trên thế giới; địa cầu đối với tôi mà nói, hầu như rất nhỏ, và mỗi địa phương này cùng địa phương khác đều có tương quan.

Tục ngữ Trung Quốc từng nói: “Lá rụng về cội” (Lạc diệp quy căn), ý nói người ta khi già, thường nhớ đến nơi họ sinh ra. Cho nên mấy năm trước, tôi đã quay về thăm lại Giang Tô, vùng đất chỗ tôi chào đời.

Song thân tôi sớm đã không còn, mẫu thân tôi tạ thế lúc hơn năm mươi, còn phụ thân tôi ra đi lúc hơn tám mươi. Giống như mọi người dân Trung Quốc thời đó, chúng tôi thường phải ly gia đấu tranh với cuộc sống bần khổ để sinh tồn. Tôi hiểu rằng, nếu tôi còn ở tại Đại Lục, không lìa quê hương để ra ngoài mưu sinh; thì cũng chẳng thể nào sống được trong gia cảnh túng bấn tột cùng, rồi cũng phải đến chùa làm hòa thượng mà thôi.

Cho dù tôi không xuất gia làm hòa thượng, thì tôi cũng chẳng nghĩ ra giải pháp nào ổn thỏa để mình có thể lưu lại bên cạnh song thân, bởi tôi hoàn toàn không có khả năng trợ giúp họ. Tôi suy xét thấu đáo, thấy rõ một điều là: Trong xã hội hiện nay, bất kể tại Đông phương hay Tây phương, hình như con cái chẳng lo được cho cha mẹ. Ngược lại, phụ mẫu thường luôn chăm sóc, trông nom con ngay cả đến lúc cuối đời, họ vẫn còn lo… Ít ra, tôi đã không để phụ mẫu phải chăm sóc, bận bịu nhiều vì tôi.

Lúc tôi đứng trước mộ song thân, anh tôi kể khi phụ thân sắp lìa đời, ông hoàn toàn không biết tôi đang ở đâu. Bởi vì sau khi tôi rời Đại Lục thì thông tin bị đứt đoạn, vô phương liên lạc với gia đình. Do vậy mà phụ thân cho rằng tôi đã chết trong cơn biến loạn.

Tôi nhìn đăm đăm vào ngôi mộ song thân, nghĩ đến phụ mẫu trước giờ lâm chung, vẫn không biết đứa con trai út của họ còn sống, nước mắt tôi ứa ra, những giọt lệ lăn dài chở đầy niềm hỗ thẹn và tri ân. Tôi cảm thấy day dứt xót xa vì lúc phụ mẫu qua đời, tôi chẳng thể ở kề bên họ, đối với tất cả những gì song thân đã cho tôi, tôi chỉ biết tri ân âm thầm.

Nỗi niềm bi thương trước mộ song thân đã qua, tôi lại gác bỏ tất cả những tình niệm luyến ái trói buộc thuộc trần thế, những quyến niệm này bao gồm đối với phụ mẫu, bằng hữu, bạn lữ…. Vì người xuất gia không đeo mang, bám víu, hay để thế giới tình cảm dẫn dắt lôi kéo, như vậy sẽ tạo thành khổ não. Làm tu sĩ là thương tất cả đồng đẳng, tôi đối với người vẫn có từ tâm, bi tâm; đây là sự liên kết với chúng sinh hữu tình, một khi đã có tình thế tục cá nhân chen vào trói buộc, thì tôi chẳng thể làm một người xuất gia tốt.

Mấy năm nay, nhịp bước của tôi bắt đầu chậm dần. Hằng ngày, thời khóa tôi vẫn như xưa. Mỗi khuya tôi đều thức dậy tĩnh tọa, sau đó lên đại điện tụng khóa sáng. Dùng điểm tâm xong thì xem báo chí hoặc nghe thị giả hay thư ký đọc hoặc trình các tin trọng yếu. Tôi vẫn chuẩn bị đầy đủ thời khóa như cũ, chỉ là không còn dạy riêng cho môn sinh và để các đệ tử huấn luyện thay mình.
Thời gian tôi dành cho việc hành chánh không nhiều, tôi chỉ kiểm các văn kiện quan trọng hoặc chỉ đạo các sự tình đặc biệt. Tôi thường tham khảotiếp thu ý kiến các môn sinh, bởi họ phần nhiều là chuyên gia am tường các ngành, nghề; biết rõ cách giải quyết vấn đề ra sao.

Đa số thời gian của tôi dành cho việc tiếp khách đến thăm, có những nhân vật quan trọng nổi danh lẫn những người bình thường. Tôi không phân biệt hay chọn lựa khách đến, thường thì họ mong được tôi chỉ dẫn và hi vọng được nghe giảng ít Phật pháp.

Tôi bây giờ tuổi tác đã cao, cần phải nghỉ ngơi. Thời trẻ, ngày nào tôi cũng làm việc không ngừng (16 giờ một ngày), và chẳng có thời gian để nghỉ ngơi. Hồi đó đoàn thể mới thành lập, có rất nhiều việc bắt buộc phải làm cho xong, nên tôi phải ráng. Còn bây giờ, tốc độ làm việc của tôi cần chậm lại một chút; thỉnh thoảng tôi phải quay về trụ sở nơi Đài Bắc để nghỉ ngơi, có thị giảthư ký đi cùng.

Tôi vẫn dốc sức thu thập kinh nghiệm mới, tiếp xúc cùng các nhân sĩ, để học tập và tiếp tục trưởng thành. Tôi đặc biệt ưa câu thành ngữ Trung Quốc: “Nước dâng thuyền cao” (thủy trướng thuyền cao).

Cho dù đây là những năm cuối đời tôi, thì chuyện học tập tiếp thu thêm kinh nghiệp để có được sự trưởng thành chín chắn… vẫn rất quan trọng. Tôi nhớ tới chuyện Đại Huệ Tông Cảo khi khai ngộ. Sư Viên Ngộ muốn thăm dò ngộ cảnh của ông, bèn đưa cho Đại Huệ một tác phẩm của mình viết (đó là bản duy nhất), nhưng Đại Huệ lại đem sách đốt đi. Viên Ngộ hỏi:

– Vì sao ngươi thiêu rụi sách ta hả?

Đại Huệ đáp: – Thợ săn khó có cơ hội làm thịt một con heo mập!

Viên Ngộ rất cao hứng, bảo:

– Ta hồi đó không có mập béo như thế này, nhưng bây giờ thì to bự, nên thịt nhiều!

Sư phụ vui vẻ nhìn thấy tác phẩm của mình bị thiêu, vì biết Đại Huệ đã thông thuộc, hiểu rõ; không cần dùng đến sách mà vẫn có thể kế thừa, hoằng đạo – nhờ bản thân đã trải qua công phu, có được nội lực tu – Học sinh thông minh có thể nắm bắt giỏi và học hỏi được rất nhiều từ vị thầy.

Tôi cũng thường học tập từ các môn sinh của mình, họ giúp tôi tu hành thêm thâm nhập.

Thời gian qua mau quá, từ thanh thiếu niên trải qua trung niên, rồi dần dần đến già. Tôi cảm thấy thế giới nội tâm hiện tại của mình không giống ba mươi năm trước, nhưng tôi không thể xác định và giải thích chuẩn xác những bất đồng này cũng như kể rằng kinh nghiệm thiền tu của tôi đã có thêm những gì? Tôi cảm thấy rõ rệt một điều là 30 năm trước tôi có khỏe hơn, thân thể cũng mạnh hơn.

Đương nhiên, cũng có vài thay đổi khác, như cách tôi suy nghĩ hay nội tâm tự tại an nhiên. Đôi lúc muốn biểu đạt sự tình cũng chẳng nhất thiết phải bày tỏ, thể hiện; tâm tự tiêu dung. Hồi xưa, khi tôi thấy các đệ tử giải đải trong thời thiền tu, thì tôi sẽ dùng hương bản đánh để cảnh tỉnh, nhắc họ đề khởi tâm tinh tấn. Còn bây giờ, khi tôi nhìn thấy tình trạng giống vậy, thì chỉ chăm chú nhìn, xem họ có biết tự giác, tự kiểm mình có đủ lực tinh tấn hay không? Nếu như không, thì trong lúc khai thị tôi sẽ nhắc nhở họ phải tự tỉnh như thế nào. Có lẽ do vì thân thể tôi không được mạnh khỏe như xưa, nên tâm lực cũng không giống như ngày trước.

Tôi đối với nữ sắc, danh lợi phản ứng cũng không đồng. Hồi trẻ, hễ thấy nữ nhân thì phân biệt đó là nữ nhân và lo nghiêm trì giới luật không để xúc phạm. Còn bây giờ, nữ nhân hay nam nhân đối với tôi mà nói, chẳng có gì bất đồng, họ đều là người! Tôi không cần phải đề tỉnh hay nhắc nhở gì mình. Bây giờ tôi đối nữ nhân hay nam nhân chẳng có phản ứng gì khác biệt.

Tôi từng nói: Nữ sắc và tiền tài là hai ngọn đèn đỏ trong đời tôi, nhưng bây giờ hai đèn đèn cấm đó không còn tồn tại nữa. Bởi tôi chẳng cần hạn chế ngay ngăn trở mình. Ngày xưa tôi cần hai ngọn đèn này để tự huấn luyện, tự dạy tâm không bị cám dỗ, còn bây giờ thì huấn luyện này không cần nữa.

Tôi đã quá già, cũng đã tập thành thói quen, thấy kim tiền và bụi đất không có gì sai biệt, chẳng qua chỉ là vật chất mà thôi.

Nhìn lại, tôi có thể nói là chưa từng tính toán cho nhân sinh của mình. Hồi trẻ trước khi xuất gia, tôi không biết tôi sẽ làm gì. Cũng chẳng biết là mình thật có ý muốn xuất gia sống đời tu sĩ hay chăng? Bởi lúc đó tôi chưa hiểu xuất giaý nghĩa gì. Chỉ nghe nói có một ngôi chùa muốn tuyển tân đồ, mà tôi không có tiền đồ nào khác, cho nên đã chịu rời nhà đi tới đó.

Nếu như sự kiện này không phát sinh, thì tôi vẫn là chú bé trong gia đình cùng khổ chốn làng quê, vẫn cùng anh chị hoặc bạn các trẻ nít nơi đó chơi đùa, sinh hoạt; không có gì khác. Nhưng trong tháng ngày ở Lang Sơn, tôi đã có được đại phương hướng của kiếp người, biết đem Phật pháp chia sẻ cùng tha nhân chung hưởng. Niềm tin này có giá trị rất sâu trong tâm tôi, cho dù trong quân đội, cũng chưa từng thay đổi.

Khi tôi hồi phục thân phận xuất gia, thời đó chính phủ Quốc Dân Đảng cùng các quan viên đều là Cơ đốc giáo đồ, Phật giáo bị bỏ quên, tôi muốn cải thiện trạng huống này, đấy cũng là một trong nguyên nhân tôi bế quan. Lúc đó trường học không chịu thu nhận tu sĩ vào học, nhưng tôi muốn thâm nhập sâu việc tu hành: nên đã duyệt đọc, viết lách, tự học… lo nạp nội lực thật sung mãn để tương lai có thể cống hiến nhiều cho xã hội. Đây cũng là nguyên nhân khiến tôi sang Nhật Bản du học. Tất cả đều nhờ nhân duyên đưa đẩy mà thành. Tôi ra sách, có bằng hữu tại Đại Học Lập Chánh, họ giúp tôi nhập học (cho dù khi đó tôi ngay cả bằng tốt nghiệp Cao Trung cũng không có). cuộc sống tôi chính là nhờ từng nhân duyên liên kết tụ hội: Nếu như cư sĩ Trầm Gia Trinh không mời tôi đến Đại Giác Tự ở Nữu Ước, thì tôi chẳng thể vì muốn đáp ứng nhu cầu cần học, cần giúp đỡ của môn sinh Tây Phương, mà nỗ lực phát triển phương pháp dạy Thiền tu. Nếu như tôi không nghiên cứu pháp môn này, thì không thể dạy pháp Thiền… Nếu sư phụ tôi không viên tịch, thì tôi chẳng quay về Đài Loan, và tới hôm nay cũng chẳng có đoàn thể Pháp Cổ Sơn đang hoằng truyền Phật pháp như hiện nay.

Tôi cảm thấy cuộc đời mình phi thường may mắn. Tôi có một nguyên tắc bất biến: Chưa từng để mình ngụp lặn trong tự mãn, chẳng tự đắc khi thành đạt và cũng không chìm vào tuyệt vọng khi thất bại (Lúc gặp cảnh thuận buồm xuôi gió thì tôi chẳng để mình đắc chí mãn ý, còn lúc gặp khốn khó thất bại, tôi cũng chẳng bi quan chán nản hay than trách)… Tôi luôn tìm cách để đi tiếp! Khi tôi bị dìm vào nước chết, thì tôi sẽ ráng xoay sở để tìm đường ra, tiếp tục bảo trì tâm phấn chấn, dũng tiến; bởi nếu tôi dừng lại, thì xem như không còn hi vọng gì nữa.

Tôi luôn cố gắng, tự khích lệ mình phát khởi hùng khí để tiến lên; bất kể là khi gặp trở ngại hay khốn khó gì, tôi đều luôn nhủ rằng: “Mình cần phải tiếp tục tiến bước, không nên bỏ cuộc”. Điều này đã thành động lực hướng dẫn cuộc đời tôi.

Hiện tại, tôi già rồi, ngày càng tiến gần tới cái chết, tôi luôn nhìn vào con đường trước mặt và không cảm thấy những việc mình làm là thành công hoàn toàn. Tôi không đam luyến những thành tựu đã qua. Người ta ban cho tôi vinh dự? – Nhưng vinh dự không thể ăn! Khi vị Hiệu trưởng của Đại Học (Chu-lạp-long-công) ở Thái Lan trân trọng trao cho tôi học vị danh dự, ông nói là tôi không cần sự vinh diệu này – nhưng nếu tôi chịu tiếp nhận học vị ấy – thì chính là niềm vinh dự cho họ! Tôi cảm thấy thật xấu hổ, vì bản thân tôi bất quá chỉ là một người hết sức tầm thường, không đáng lãnh vinh dự đó. Thành tựu của tôi tuyệt chẳng phải là của riêng cá nhân tôi, mà là kết quả của nhiều nhân duyên hội tụ đưa đến. Tôi không chối từ, thoái thác, và cam tâm tình nguyện gánh vác, bởi vì tôi hi vọng trợ giúp được người ly khổ đắc lạc.

Tôi chẳng muốn kể công hay khoe thành tích hoặc phơi bày vinh dự của mình. Điều này cũng khiến các đệ tử tôi đôi lúc cảm thấy thất vọng. Chẳng hạn như lúc Tổng thống tiền nhiệm Lý Đăng Huy nhậm chức, từng ngỏ lời mời tôi đến nhà ông dạy Thiền tọa. Các đệ tử tôi nghe được tin này rồi thì phấn chấn lắm. (Vì pháp sư Thánh Nghiêm hiện là thầy tổng thống). Họ muốn thông báo, phát tán tin tức này ngay, nhưng tôi bảo:

– Ngàn vạn lần không nên! Các vị đừng có ý nghĩ như thế. Tôi chỉ là một hòa thượng, tổng thống vì nghe nói tôi có dạy Thiền tọa, mà Thiền tọa đối với thân tâm rất hữu ích, cho nên ông mời tôi đến dạy cho ông. Đây có gì đặc biệt đâu?

Khi Lý tổng thống tranh tuyển nhiệm kỳ tiếp theo, từng nói với mọi người Pháp sư Thánh Nghiêm là thầy của ông.

Tôi nghe được, hồi đáp rằng: – Tôi chỉ dạy có hai tiếng, tôi không phải là thầy ông ấy. Tổng thống nói như vậy, chứng tỏ ông rất có hứng thú đối với Thiền tọa .

Còn tiên sinh Trần Thủy Biển khi ứng cử Thị trưởng thành phố Đài Bắc liên nhiệm bị thất bại, ông đến thăm tôi. Tôi tặng cho ông bức hoành có ghi mấy chữ: “Từ bi không có địch thủ, trí huệ chẳng sinh não phiền” (từ bi một hữu địch nhân, trí huệ bất khởi phiền não). Năm sau ông đắc cử tổng thống vẻ vang, liền đem bức hoành này treo giữa công đường, khi mọi người nhìn thấy, lòng rất hưng phấn. Tôi nói: – Đây là là giáo pháp của Đức Phật Thích-ca, tổng thống đem nó treo lên, bởi vì ông ta có trí huệ, không phải do tôi.

Tôi từng được người hỏi: – “Đối với cuộc sống này tôi còn hối tiếc gì không?”…

Tôi từng trải qua nhiều kinh nghiệm khó kham, các sự việc khó kham quả tình không ít. Nhưng tôi chẳng có gì phải hối tiếc. Khi tôi phạm sai lầm, thì tôi cần phải sám hối, nhận lấy trách nhiệm và sau đó lại tiếp tục tiến lên.

Kinh nghiệm khó kham nhất là tôi vô phương tiếp nhận sự thất bại của mình, khi Viện Nghiên Cứu Phật Giáo (thuộc Đại Học Văn Hóa Trung Quốc) đóng cửa, tôi cố nài hiệu trưởng để viện nghiên cứu này hoạt động tiếp tục. Hiệu trưởng bảo tôi: – Pháp sư, thầy là người xuất gia, không nên chấp vào thành bại! Lúc đó tôi thật xấu hổ. Tôi là người xuất gia, lại bị vị cư sĩ tại gia dạy Phật pháp, nhưng kinh nghiệm này rất tốt, tôi học được một giáo huấn hay.

Tôi tin rằng, thông qua cuộc sống mình, tôi có thể trợ giúp người khác, cũng có thể hoằng truyền Phật pháp. Nhưng tôi luôn cho rằng, mình giống như một vị tăng hành cước đi trong sương tuyết: – Ở đâu cần, thì tôi tới! – Tại Đài Loan, Mỹ quốc và Âu Châu, tôi đều thành lập các cơ sở Giáo Thọ Thiền Tu và Đạo Tràng Phật pháp, tại Pháp Cổ Sơn cũng có rất nhiều tín chúng. Quý vị đem chuyện đời bình sinh của tôi viết ra bằng Anh văn cũng là điều tốt, mong là có thể giúp ích cho người.
Bây giờ, đã đến lúc tôi nên buông tất cả rồi!

Tạo bài viết
13/12/2010(Xem: 49359)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: