Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm
Có một đệ tử bạch với Đức Phật rằng: “Ngài có thần thông và từ bi, vì sao vẫn còn nhiều chúng sinh phải chịu khổ vậy?”. Đức Phật dạy: “Ta tuy có sức thần thông, nhưng có bốn điều vẫn không thể thực hiện được:
Điều 1: Nhân quả không đổi thay, tự gieo nhân thì tự nhận quả, người khác không thể nhận thay.
Điều 2: Trí tuệ không thể cho, bất kỳ ai muốn có trí tuệ thì phải tự mình tu dưỡng.
Điều 3: Diệu pháp không thể diễn tả, chân tướng vũ trụ dùng ngôn ngữ không thể cắt nghĩa mà hiểu, chỉ có thể dựa vào thực chứng thôi.
Điều 4: Không có duyên thì không thể độ, người đã không có duyên thì họ không bao giờ nghe những lời nói chúng ta chân thành chia sẻ".
Sinh tử của ai người ấy đoạn, nghiệp báo của ai người ấy tự tiêu trừ
Sinh tử phiền não của mỗi người, đều phải dựa vào công năng tu hành của chính bản thân để đạt được giải thoát; cho dù thân thiết như cha mẹ, anh em, cũng không thể thay thế cho nhau được. Song, nhất định sẽ có người thắc mắc, chúng ta thường nói đến việc hồi hướng công đức của mình cho thân tộc, bạn bè, há chẳng phải mâu thuẫn lắm sao? Kì thực không mẫu thuẫn, ví dụ người thân yêu của chúng ta vừa qua đời, bởi vì thần thức của người chết vẫn còn quanh quẩn bên thi thể, nên nếu chúng ta niệm Phật, thần thức người chết nghe được cùng niệm theo, do đó tự nhiên họ được lợi ích.
Cũng có người thấy bà con, bạn bè gặp chuyện chẳng lành, phát tâm giúp người ấy tiêu trừ nghiệp chướng bằng cách lạy Phật, như vậy có tác dụng gì không? Đương nhiên có. Nhưng đòi hỏi người được giúp phải có lòng tin vào việc làm của chúng ta, phải cùng làm chung với chúng ta, như vậy hiệu quả mới lớn, bằng không hiệu quả rất nhỏ. Đương nhiên, hiệu quả của việc lễ Phật sám hối không ai không thừa nhận, nhưng đừng nghĩ rằng bao nhiêu nghiệp báo của bản thân được chư Phật và Bồ Tát gánh hết rồi. Chư Phật, Bồ Tát không thể gánh nghiệp báo giúp chúng ta mà làm chứng cho lòng thành ăn năn hối cải của chúng ta. Ai có được niềm tin thanh tịnh vào Ba ngôi Tam bảo, cho dù có trả nghiệp, nhưng trả với tinh thần hoan hỉ, thân khổ mà tâm vẫn an vui, tự tại.
Như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, sau khi chứng đạo quả giải thoát, Ngài lên cung trời Đâu Suất thuyết pháp cho thân mẫu, trở về hoàng cung thuyết pháp giáo hóa phụ vương, trợ giúp cha mẹ đều được giải thoát. Thần thông quảng đại như Đức cha lành Thích Ca Mâu Ni còn không thể giúp cha mẹ tiêu trừ nghiệp chướng, chỉ có thể hướng dẫn cha mẹ tu hành, huống gì hàng phàm phu nghiệp chướng chúng ta?
Chỉ có tự nỗ lực tinh tiến mới đoạn trừ được ác nghiệp, giải thoát luân hồi
Ai đã từng đọc kinh Lăng Nghiêm sẽ thấy Tôn giả A-nan là một trong 10 đại đệ tử của Đức Như Lai, Ngài sám hối với Đức Phật rằng trước kia Ngài cho rằng mình ở bên Đức Thế Tôn, đến một lúc nào đó Đức Thế Tôn sẽ ban cho trí tuệ giải thoát khỏi sinh tử luân hồi; nhưng Tôn giả đã sai lầm. Sau đó, nhờ sự tận tình chỉ dạy, dùng các phương tiện khéo léo, vạch rõ con đường giải thoát của Đức Như Lai, Tôn giả A-nan đã tìm thấy tâm trí tuệ thanh tịnh của mình, dựa vào khả năng giác ngộ của mình để thoát khỏi sinh tử luân hồi.
Cho nên, chúng ta không thể thọ nghiệp báo thay cho bất kì người nào, cũng không ai có thể thọ báo thay chúng ta. Mỗi người phải dựa vào sự nỗ lực của bản thân, dụng công tu hành, chính niệm tỉnh thức, mới có khả năng giải thoát khổ đau thực sự. Rất nhiều người nghĩ rằng tu hành cũng có con đường tắt nhàn thân, trong thời gian ngắn có thể đạt đến đỉnh cao nhất của giải thoát là thành tựu Phật quả. Nếu dùng Phật pháp chính tín để phán xét, người ấy tự lừa mình và gạt người, thật đáng thương lắm thay!
(Nguồn: “Nhận diện khổ đau”
Tác giả: Pháp sư Thánh Nghiêm
Nhà xuất bản Tôn giáo, 2017)