- Chương 1 Vì Sao Chúng Ta Tu Theo Pháp Môn Tịnh Độ
- Chương 2 Ba Phúc
- Chương 3 Chướng Ngại Sự Tu Hành
- Chương 4 Tiêu Trừ Chướng Ngại
- Chương 5 Pháp Thanh Tịnh Giải Thoát
- Chương 6 Chánh Pháp Tương Ứng Tuyệt Đối Với Lợi Ích Chân Thật
- Chương 7 Bốn Nguyên Tắc Phân Biệt Chánh Tà
- Chương 8 Thuận Hạnh Và Nghịch Hạnh
- Chương 9 Ba Cương Lĩnh Của Hành Môn
- Chương 10 Ba Điều Quan Trọng Cần Phải Làm
- Phụ Lục
- Đại Sư Ấn Quang Khai Thị
- Lão Pháp Sư Đạo Nguyên Khai Thị
- Mười Điều Trọng Yếu Của Sự Tu Hành
Pháp sư Tịnh Không giảng
Cư sĩ Ngô Chân Độ ghi lại
Việt dịch: Thích nữ Viên Thắng - Hiệu đính: Định Huệ
Chương 9
Ba cương lĩnh của hành môn
Trong kinh Vô Lượng Thọ, Đức Phật dạy cho chúng ta ba cương lĩnh của hành môn:
1. Khéo giữ khẩu nghiệp, không chê lỗi của người khác.
Điều này bao hàm ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Về ba nghiệp thân, khẩu, ý, trong kinh Vô Lượng Thọ, Đức Phật đặt khẩu nghiệp lên hàng đầu. Vì sao? Vì tất cả chúng sinh rất dễ tạo tội từ khẩu nghiệp; cho nên, chúng ta phải hiểu rõ về khẩu nghiệp. Phần trên tôi đã kể câu chuyện cho các vị nghe rồi, vị pháp sư đến sau bịa đặt gây chuyện, phá hoại hai vị pháp sư giảng kinh, ly gián hai vị này với thính chúng nên ông ta bị đọa địa ngục A-tỳ một nghìn tám trăm vạn năm mới thoát khỏi địa ngục được làm người thì bị mù bẩm sinh suốt năm trăm đời, vẫn còn không biết bao nhiêu đời phải chịu cảnh bần cùng, thấp kém; sau đó mới được thân người bình thường. Qua câu chuyện này, chúng ta mới biết tạo khẩu nghiệp thật đáng sợ.
2. Khéo giữ thân nghiệp, không phạm luật nghi.
3. Khéo giữ ý nghiệp, thanh tịnh không nhiễm.
Ba câu nói này là cương lĩnh chung của hành môn, chúng ta phải nhớ kỹ trong tâm. Tất cả kinh, luận đều nói rất kỹ ba điều cương lĩnh này, dạy chúng ta trong cuộc sống thường ngày, trong công việc, trong giao tiếp phải làm thế nào để thực hành ba cương lĩnh này.
Trào lưu tư tưởng của con người hiện đại là đi tìm cái mới, tìm sự thay đổi, mong cầu nhanh chóng; đây là trào lưu của thời hiện đại. Tư tưởng này trong Phật pháp có hay không? Trong Phật pháp Đại thừa có, nhưng thích hợp thì không dễ dàng. Nếu như bồ-tát Sơ học cũng có quan niệm này, muốn tìm cái mới, muốn tìm sự thay đổi, muốn cầu cho nhanh chóng thì rất dễ đi trên con đường sai lầm mà tự mình không biết. Như thế thì người nào mới có thể làm được? Trong kinh Đức Phật nói bồ-tát Huệ hạnh, pháp thân Đại sĩ làm được, vì tâm của các ngài thanh tịnh, trí tuệ sáng suốt.
Tâm chúng ta không thanh tịnh, trí tuệ mờ mịt, sống trong phiền não mà theo quan niệm tìm cái mới, tìm sự thay đổi, cầu cho nhanh chóng thì chắn chắn là có hại. Vì thế, Bồ-tát Sơ học tốt nhất là đi theo con đường các của vị đại đức xưa kia đã đi. Chúng ta phải biết rõ, Phật giáo truyền đến Trung Quốc hai nghìn năm. Hai nghìn năm về trước đã lưu hành ở Ấn Độ một nghìn năm. Trong ba nghìn năm, bất cứ người nào đi theo đường cũ, thực sự vâng theo lời Phật dạy, không ai mà không thành tựu. Những người chạy theo những điều mới lạ, chúng ta thấy chẳng có người nào thành công. Điều này thật đáng để chúng ta nghĩ kỹ mà phản tỉnh.
Phật pháp và thế gian pháp không giống nhau, lý luận và phương pháp cũng khác nhau. Rốt cuộc, đời này chúng ta có muốn ra khỏi sinh tử luân hồi không? Đây là điểm then chốt của sự tu hành, nếu thật sự muốn thoát sinh tử, ra khỏi sáu đường luân hồi, chúng ta phải xem trọng lời Phật dạy. Muốn cầu giải thoát, muốn thực hành thì phải tinh tấn thực sự làm cho bằng được lời Phật dạy thì đời này chúng ta mới có hi vọng thành tựu.
Điều nào Đức Phật dạy chúng ta làm thì phải làm nghiêm túc; điều nào Phật cấm chúng ta không nên làm thì tuyệt đối không nên làm; đó mới là đệ tử của Phật, là đệ tử ngoan của Ngài. Nếu chúng ta mang danh là đệ tử Phật mà không làm theo lời Phật dạy thì chỉ là hữu danh vô thực.