- Mục Lục
- 1. Vì Sao Cần Phải Niệm Phật?
- 2. Chân Thật Niệm Phật
- 3. Niệm Phật Giống Như Điện Thoại
- 4. Di Dân Đến Thế Giới Cực Lạc
- 5. Phật A Di Đà Là Đại Pháp Vương
- 6. Bốn Phương Pháp Niệm Phật
- 7. Ba Món Tư Lương Tín, Nguyện, Hạnh
- 8. Thế Giới Cực Lạc Là Thành Tựu Cho Chính Mình
- 9. Niệm Phật Tam Muội
- 10. Bồ Tát Đại Thế Chi Niệm Phật Viên Thông
- 11. Hoa Khai Kiến Phật Ngộ Vô Sanh
- 12. Người Niệm Phật Chính Là Phật
- 13. Bình Thường Niệm Phật Được Duyên Lành
HÒA THƯỢNG TUYÊN HÓA
QUÊ HƯƠNG CỰC LẠC
Thích Thuận Nghi dịch
Nhà xuất bản Phương Đông
Tâm tịnh trăng hiện nước
Ý định trời không mây
Khi bạn niệm Phật đạt đến mức độ niệm Phật tam muội, tiếng gió thổi qua bạn cũng nghe là âm thanh “Nam Mô A Di Đà Phật”. Bạn nghe tiếng mưa rơi, cũng là âm thanh “Nam Mô A Di Đà Phật”. Bạn nghe tất cả âm thanh, đều là tiếng niệm Phật đó! Cho nên nói “nước chảy, gió lay đều diễn nói Kinh điển”. Tiếng nước chảy cũng là “Nam Mô A Di Đà Phật”. Tiếng gió thổi cũng là “Nam Mô A Di Đà Phật”. Nước chảy, gió thổi đều là “Nam Mô A Di Đà Phật”. Cho nên Tô Đông Pha nói: “Khê thanh tận thị quảng trường thiệt, sơn sắc vô phi thanh tịnh thân”, nghĩa là âm thanh của suối chảy, đều là tướng lưỡi rộng dài của Phật để diễn nói diệu pháp, màu sắc dáng núi cũng đều là pháp thân thanh tịnh của Như Lai, đây chính là đắc được niệm Phật tam muội. Lúc trước tôi có làm một bài kệ niệm Phật:
Năng niệm năng niệm vô gián đoạn
Niệm Di Đà đã thành phiến
Tạp niệm bất sanh đắc tam muội
Vãng sanh Tịnh độ định hữu phán
Chung nhật yểm phiền Ta bà khổ
Tài tương hồng trần tâm niệm đoạn
Cầu sanh Tịnh độ ý niệm trọng
Phóng hạ nhiễm niệm quy tịnh niệm.
Cầu này nói: “Khẩu niệm năng niệm vô gián đoạn”, bạn niệm Phật niệm đến chỗ không gián đoạn, từ sáng cho đến tối chỉ âm thanh niệm Phật, không có thời gian ngừng nghỉ. “Khẩu niệm Di Đà đã thành phiến”, là miệng luôn niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” thường niệm như thế, kết thành một khối.
“Tạp niệm bất sanh đắc tam muội”, là bạn không bị các vọng niệm loạn tưởng lăng xăng khác, đây chính là đạt đến định niệm Phật, người niệm Phật nên nhận ra chỗ này. “Vãng sanh Tịnh độ định hữu phán”, hy vọng bạn vãng sanh về thế giới Tây phương Cực lạc, nhất định đạt được!
“Chung nhật yểm phiền Ta bà khổ”. Từ sáng đến tối nhàm chán những nỗi thống khổ ở thế giới Ta bà này. “Tài tương hồng trần tâm niệm đoạn”. Bởi vì bạn biết ở thế giới Ta bà này là khổ, cho nên mau mau dứt bỏ những thú vui thế gian. Khi các tâm niệm thế gian đoạn rồi, không còn tâm dâm dục, tâm thích đẹp ghét xấu không có, tâm tranh danh, tâm đoạt lợi, cũng không còn. Buông bỏ tất cả các duyên thế gian xuống, phải thấy tất cả những thứ đó đều là giả, cho nên các niệm hồng trần đều đoạn dứt.
“Cầu sanh Tịnh độ ý niệm trọng”. Cầu sanh về thế giới Cực lạc ý niệm người đó vô cùng trọng yếu!
“Phóng hạ nhiễm niệm quy tịnh niệm”. Buông bỏ niệm ô nhiễm ngay từ niệm đầu. Ngay đó được niệm thanh tịnh rồi.
Bài kệ nói rõ về đạo lý niệm Phật. Tám câu kệ này tuy rất ngắn gọn, nhưng sẽ giúp ích cho các bạn rất nhiều. Bạn nên tư duy suy ngẫm, nhất là đối với người tu pháp môn niệm Phật.
Trong khóa tu Phật thất, mỗi hôm niệm Phật để làm gì vậy? Đó là gieo chủng tử Phật. Bạn niệm một câu Phật hiệu thì gieo một hạt giống Phật, niệm mười câu Phật hiệu thì gieo mười hạt giống Phật. Chúng ta mỗi ngày niệm trăm, ngàn, vạn câu Phật hiệu, chính là gieo hàng trăm, ngàn, vạn hạt giống Phật như thế. Khi bạn gieo hạt giống đó xuống, tương lai nhất định sẽ nảy mầm, bất kể là niệm Phật tán tâm hay định tâm. Có một câu kệ rất hay:
Thanh châu đầu ư trọc thủy
Trọc thủy bất đắc bất thanh
Niệm Phật nhập ư loạn tâm
Loạn tâm bất đắc bất Phật.
Có một hạt minh châu, xưa nay bỏ trong nước “trọc thủy bất đắc bất thanh”, dù nước có đục thế nào đi nữa, cũng đều thanh tịnh trong sáng cả. Người trì danh hiệu Phật, cũng giống như hạt minh châu vậy, bỏ vào trong nước thì nước sẽ trong.
“Niệm Phật nhập ư loạn tâm”. Tâm của chúng ta xưa nay vọng động thô tháo, vọng tưởng dẫy đầy, vọng tưởng này sanh ra rồi mất đi, rồi lại sanh, rồi mất, cứ như thế giống như sóng biển, không khi nào dừng. Thế khi một câu danh hiệu Phật đi vào tâm loạn động thì “tâm loạn cũng được thành Phật”. Đó bạn thấy loạn tâm như vậy mà cũng thành tâm Phật rồi, bởi vì bạn niệm một tiếng Phật thì trong tâm bạn có một vị Phật, bạn niệm mười tiếng Phật thì có mười vị Phật, niệm trăng tiếng, ngàn tiếng, vạn tiếng niệm càng nhiều thì càng nhanh thành Phật. Bạn niệm một tiếng “Nam Mô A Di Đà Phật”, trong tâm có một người niệm Phật. Bạn niệm Phật, Phật cũng niệm bạn, cũng giống như máy vô tuyến điện, bạn niệm một câu A Di Đà Phật thì máy vô tuyến sẽ thâu âm và phát đi, vậy gọi là cảm ứng đạo giao.
Qua bài kệ vừa rồi chúng ta thấy người niệm Phật được công đức không thể nghĩ bàn, dù niệm mà vọng tưởng vẫn còn nhưng vẫn thành tựu được công đức từ nơi tự tánh của họ.
Pháp môn này được chư Bồ tát khắp mười phương đồng hoan hỷ tán thán.
Tâm của bạn như thế nào? Nó rất bận rộn đủ thứ chuyện vui buồn từ sáng cho đến tối, không lúc nào dừng nghỉ. Cho nên tâm này của chúng ta nếu chẳng cho nó một điều kiện gì thì nó chẳng có tự tại được. Vì vậy phải tìm cho nó một câu “Nam Mô A Di Đà Phật”.
Một câu danh hiệu Phật cũng chính là tham thiền, bạn chẳng cần phải ngồi chỗ nào cả, chỉ cần nhắm mắt niệm Phật như thế cũng chính là tham thiền. Hoặc bạn mở mắt ra niệm Phật cũng là tham thiền. “Đi cũng thiền, ngồi cũng thiền, nói năng động tịnh thể an nhiên”. Tất cả bốn oai nghi đi đứng nằm ngồi là tham thiền cả. Ngài Vĩnh Minh Diên Thọ nói một bài kệ trong Tứ liệu giản:
Có thiền, có Tịnh độ
Giống như cọp mọc sừng
Hiện đời là thầy người
Tương lai làm Phật, Tổ
Có thiền không Tịnh độ
Mười người tu chín người lạc
Không thiền có Tịnh độ
Vạn người tu vạn người được.
Pháp môn Tịnh độ là một pháp môn rất dễ tu, được chư Bồ tát ca ngợi tán thán.
Bồ tát Văn Thù cũng tán thán pháp môn niệm Phật. Trong Kinh Hoa Nghiêm – phẩm Phổ Hiền hạnh nguyện, Bồ tát Phổ Hiền cùng mười phương chúng sanh đồng nguyện vãng sanh Tịnh độ và Bồ tát Quán Thế Âm cũng niệm Phật vãng sanh Tịnh độ. Nếu có vị nào nghe qua bộ Kinh Lăng Nghiêm đều biết phẩm “Bồ tát Đại Thế Chí niệm Phật viên thông” nói người tu pháp môn niệm Phật vô cùng tốt. Cho nên Bồ tát Đại Thế Chí cũng tán thán.
Trong quá khứ tất cả chư đại Bồ tát đều tán thán pháp môn Tịnh độ, chuyên tu pháp môn Tịnh độ. Tất cả chư Tổ trong quá khứ trước tiên tham thiền, sau niệm Phật. Sau khi họ tham thiền khai ngộ rồi thì lại chuyên tâm niệm Phật. Giống như Ngài Vĩnh Minh Diên Thọ niệm một câu A Di Đà Phật thì từ miệng phóng ra một đạo hào quang có hóa thân của Phật A Di Đà. Thời cận đại, đại sư Ấn Quang chuyên xiển dương pháp môn niệm Phật.
Cho nên pháp môn niệm Phật là pháp môn phương tiện bậc nhất, đơn giản, rất dễ tu, người hành trì pháp môn này rất là viên dung. Pháp môn này mười phương chư Phật đồng ca ngợi tán thán. Bạn xem bản Kinh Di Đà nói mười phương chư Phật có tướng lưỡi rộng dài, biến khắp tam thiên đại thiên thế giới đều ca ngợi tán thán pháp môn này. Nếu như nói không chân thật thì mười phương chư Phật làm sao ca ngợi tán thán? Do vậy, đủ chứng minh người tu pháp môn niệm Phật vô cùng thù thắng, đặc biệt vào thời mạt pháp này mọi người chúng ta phải nên tu theo.
Thế nhưng, hiện giờ ở Tây phương là thời đại chánh pháp, các bạn không tu pháp môn niệm Phật, thế các bạn lại tham thiền thì có sợ khổ không?
Đến Tây phương liễu sanh thoát tử.
Trì danh niệm Phật là một pháp môn tu tập vô cùng quan trọng trong thời kỳ mạt pháp, cho nên hiện nay rất nhiều người tu tập và hành trì pháp môn này.
Nếu bạn xem thường pháp môn niệm Phật thì hãy xem Ngài đại sư Vĩnh Minh Diên Thọ niệm một câu “Nam Mô A Di Đà Phật”, từ trong miệng liền bay ra một hóa thân Phật. Người thời đó ai cũng đều biết cả, cho nên công đức niệm Phật không thể nói hết được. Khi bạn niệm một câu Phật hiệu thì bạn lại phóng quang. A! Phóng một ánh hào quang, yêu ma quỷ quái đều bỏ chạy. Công đức và oai lực của việc niệm Phật là như thế, không nói hết được.
Khi tu pháp môn niệm Phật, bạn chẳng cần trông mong đạt đến ngộ bản tâm, hay đạt đến chân hay giả. Điều quan trọng bạn dụng công tu là tốt rồi, lúc đó tự nhiên biến thành chân, nếu dụng công không tốt thì biến thành giả. Chẳng những pháp môn niệm Phật là như thế mà tất cả pháp khác cũng như vậy. Nên nói: “Người tà hành chánh pháp, chánh pháp trở thành tà, người chân chánh tu pháp, tà pháp cũng trở thành chánh”. Đây hoàn toàn là do người.
Chúng ta bây giờ khi tu tập dụng công lễ Phật nên quán tưởng, quán tưởng cái gì? Quán tưởng thân thể này của chúng ta biến khắp mười phương vô lượng quốc độ cõi nước chư Phật, trong cõi nước chư Phật gặp mặt Phật chúng ta đến trước đảnh lễ. Bạn có thể quán tưởng pháp giới, thân thể của bạn cũng chính là pháp giới, rộng lớn như thế. Cho nên mới nói:
Nếu người muốn biết rõ
Chư Phật trong ba đời
Nên quán pháp giới tánh
Tất cả do tâm tạo.
Pháp môn niệm Phật là pháp môn rất dễ hành trì tu tập, mọi người ai cũng tu được pháp môn này. Chỉ cần bạn niệm một câu “Nam Mô A Di Đà Phật”, tương lai khi đến lúc lâm chung bạn sanh về thế giới Tây phương Cực lạc, hóa sanh trong hoa sen, mỗi ngày nghe Phật A Di Đà nói pháp, tương lai thành Phật.
Xưa nay thường nói, niệm Phật khi lâm chung thì vãng sanh về thế giới Tây phương Cực lạc, còn hiện tại chúng ta chưa chết, thế bây giờ chúng ta niệm Phật để làm cái gì? Đúng không? Nhưng để có lợi ích khi chết, thì khi sống bạn phải cần lo vun bồi trước. Giống như bạn trồng loại cây ăn quả, muốn thu hoạch kết quả thì bây giờ ta phải tốn thời gian ít năm chăm bón cây mới phát triển được. Sự phát triển đó, phải theo thời gian mà tạo thành kết quả. Niệm Phật cũng như thế, bây giờ bạn niệm Phật, đến khi lâm chung mới không bị các bệnh thống khổ, không bị tâm tham, sân, si làm bấn loạn, nhất tâm niệm Phật thì Phật A Di Đà đến tiếp dẫn bạn đi. Bây giờ nếu bạn không niệm Phật, đến khi lâm chung, tứ đại phân ly, khi ấy bạn muốn niệm Phật cũng không niệm được, trừ khi có bậc thiện tri thức đến trợ giúp cho bạn, nhắc nhở bạn, bảo bạn niệm Phật. Cho nên lúc còn sống, mỗi ngày đều niệm Phật, niệm mãi đến khi kết thành một mảng. Lâm chung chỉ cần niệm câu “Nam Mô A Di Đà Phật”, thì lúc đó bạn chỉ nhớ đến Phật, ngoài ra chẳng luyến tiếc vướng bận gì cả, bạn sẽ thanh thản ra đi về cõi Phật. Cho nên, khi sống cũng như khi chết bạn không quên câu “Nam Mô A Di Đà Phật”. Khi bạn không quên câu “Nam Mô A Di Đà Phật”, thì Phật A Di Đà cũng không quên bạn, chúng ta nương vào đại nguyện của Phật A Di Đà thì Ngài dùng kim đài đến tiếp dẫn bạn vãng sanh về thế giới Tây phương Cực lạc.
Bạn niệm Phật, tôi niệm Phật, bạn và tôi niệm Phật làm gì đây?
Liễu sanh tử, chuyển Ta bà mỗi nơi thành cõi Phật.
Không bạn, không tôi, có gì nào? Tịnh quán vạn vật đều rõ ràng.
Phá vô minh dứt phiền não, vượt ba cõi qua bể ái hà.
Vì sao bạn niệm Phật? Tại sao tôi niệm Phật? Bạn nói đi! Người thiếu hiểu biết thì nói rằng: “Cầu Phật giúp con, ngày mai ăn uống cho tốt”. Có người vừa niệm vừa nói rằng: “Nam Mô A Di Đà Phật, Nam Mô A Di Đà Phật”, xin Ngài giúp con khỏi lạnh, khỏi rét! Có người niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”, cho con tránh khỏi những phiền não, mọi việc đều cát tường như ý, bình an hạnh phúc. Có người niệm Phật để cầu sung sướng trong hiện tại. Tuy có nhiều loại chẳng giống nhau, nhưng cái chính yếu chẳng phải cầu những việc đó. Thế thì niệm Phật cầu chuyện gì? Đó là cầu “liễu sanh tử” thôi!
Người “liễu sanh tử” thì sống an vui tự tại. Còn các bạn chẳng “liễu sanh tử”, thì vào ra hợp với sanh tử. Khi sống bạn không biết được chính mình, không làm chủ mình. Sống không biết mình là ai thì khi chết cũng bị mê man trôi vào các nẻo luân hồi khổ sở. Vậy làm sao làm chủ được đây? Nghĩa là bạn làm chủ khi còn sống, muốn sống thì sống, muốn chết thì chết. Bạn thích sống lâu, muốn trường thọ thì mỗi ngày chúng ta niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”. Như thế mỗi ngày thọ mạng ta sẽ tăng lên, mạnh khỏe lên. Ta muốn chết, thì niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”, thì đức Phật A Di Đà đến đón ta về thế giới Tây phương Cực lạc. Như thế, thân không bệnh, tâm không tham luyến, ý không điên đảo, đây là nói ý cũng không điên đảo, giống như nhập vào thiền định. Như thế mới sanh về thế giới Tây phương Cực lạc. Quý vị chú ý vấn đề này.
“Hóa Ta bà”. Chuyển hóa thế giới Ta bà thành thế giới Cực lạc, không còn sự đau khổ mà được tất cả sự an vui. Cho nên nói: “Nơi nơi đều là cõi Phật A Di Đà”. Nơi nào cũng đều là thế giới Cực lạc, không còn thế giới đau khổ phiền não nữa, nơi đâu cũng A Di Đà Phật.
“Không bạn, không tôi”. Bạn niệm Phật, niệm đến không còn thấy bạn niệm và đối tượng là “Phật” để bạn niệm. Tại sao nói “không”. Ồ! Như thế rất nguy hiểm rồi! Niệm phải được chứ sao nói không? Thế là không xong rồi? Chỉ sợ bạn không xong, nếu bạn xong rồi thì giải thoát rồi. Bạn không xong, nên chẳng được gì hết. Nếu bạn xong rồi thì sao? “Tịnh quán vạn vật đều liễu rõ”. Tất cả vạn vật thế gian, bạn đều thấu hiểu rõ ràng, thậm chí loại chim nào màu gì, cây tùng sao lại mọc thẳng, … bạn đều rõ biết hết.
Lúc này, bạn biết rõ hết rồi, thì phiền não dứt sạch, vô minh phá hết. “Nhảy ra khỏi tam giới vượt khỏi biển ái bao la”. Bạn nhảy ra khỏi sông ái bao la là dục giới, sắc giới, vô sắc giới. Người ở trong tam giới như thế nào? Giống như bị trôi theo dòng sông mênh mông rộng lớn! Điên đảo, bạn nói yêu tôi, tôi nói yêu bạn, tình ái đến đi, chết rồi mà chẳng biết tỉnh ngộ, đến rồi đi rồi lại gặp lại trong vòng lưới ái, cuối cùng không ra khỏi.
Có người nói: “Bây giờ tôi chẳng muốn nhảy ra sông ái”. Thế bạn đợi khi nào nhảy ra đây? Bạn muốn ở lại trong tương lai sao? Bạn sống nơi này rồi chết, chết rồi lại sanh ra nơi khác, cứ thế, sanh rồi tử lẩn quẫn trong vòng luân hồi, sống chẳng ra sống, chết chẳng ra chết. Cho nên phải nhanh đi, nhanh nhảy đi, nhảy ra khỏi sông mê biển ái, nếu không nhảy qua thì chết chìm rồi! Thật chết chìm rồi! Người chết chìm sẽ như thế nào? Thì bị đọa lạc đến cùng cực, tánh linh mất rồi hoặc biến thành những loại côn trùng nhỏ, như sâu, giun, dế, …, trí huệ cạn cợt, phước báu không có. Loài súc sanh như thế rất dễ sống và rất dễ chết. Nên nói “sống chẳng ra sống, chết chẳng ra chết”.
Thế bạn rõ biết về thế giới Ta bà này, vạn sự vạn vật đều không nhất định, luôn chuyển biến liên tục. Nếu bạn nói thế giới này là cố định thì chuyện đó không đúng. Bởi vì thế giới này là vô thường không bền chắc. Do không hiểu điều này nên xưa nay ta không đến được thế giới Tây phương Cực lạc. Nay hiểu ra rồi thì ngay bây giờ chỉ cần bạn niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” thế là bạn và mọi người ai ai cũng đủ tư cách về thế giới Tây phương Cực lạc cả. Điều quan trọng là bạn niệm hay không niệm. Bạn niệm, dù hiện tại có khó khăn, chướng ngại bạn cũng quyết tâm làm cho được, thế là việc khó làm mà bạn làm được, ngay đó thế giới Tây phương sẽ rất gần với bạn. Nếu bạn không niệm thì sao? Thì chẳng đến được. Chỉ cần bạn nhất niệm thì là sanh rồi. Bạn không niệm, thì hợp với tử, thế là chẳng thành tựu được rồi. Nên biết các pháp ở thế gian này là không thật, là không cố định.
Kinh Kim Cang nói: “Không có định pháp gọi là A nậu đa la tam miệu tam bồ đề”. Đây là nói đến chỗ vô thượng chánh đẳng chánh giác. Chính ta phải phát đại tâm dõng mãnh, chẳng sợ khổ, sợ khó, mỏi mệt, đói khát, dõng mãnh hướng tới trước, nhanh về thế giới Tây phương Cực lạc mới thôi. Chúng ta niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” đây mới là chân thật. Chúng ta niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” mới giúp chúng ta liễu thoát sanh tử.