- Lời Giới Thiệu
- Buổi Tối Thứ Nhất Lời Dạy Mở Đầu
- Buổi Tối Thứ Hai Bát Chánh Đạo
- Buổi Sáng Thứ Ba Bài Thực Tập: Cảm Thọ
- Buổi Tối Thứ Tư Sự Chú ý Đơn Thuần
- Buổi Sáng Thứ Năm Bài Thực Tập: Tư Tưởng
- Buổi Tối Thứ Năm Khái Niệm Và Thực Tại
- Buổi Sáng Thứ Sáu Bài Thực Tập: Đối Tượng Của Cảm Giác
- Buổi Tối Thứ Bảy Những Mẩu Chuyện
- Buổi Sáng Thứ Tám Bài Thực Tập: Tác ý
- Buổi Sáng Thứ Chín Bài Thực Tập: Ăn Trong Chánh Niệm
- Buổi Tối Thứ Chín Năm Triền Cái
- Buổi Sáng Thứ Mười Bài Thực Tập: Quán Tâm Thức
- Buổi Tối Thứ Mười Dũng Sĩ
- Buổi Sáng Thứ Mười Một Trò Chơi Định Tâm
- Buổi Tối Thứ Mười Hai Ba Trụ Pháp: Ba-la-mật
- Buổi Tối Thứ Mười Ba Sự Tương Đồng
- Buổi Tối Thứ Mười Bốn Tứ Diệu Đế
- Buổi Tối Thứ Mười Lăm Sự Cương Quyết Nửa Vời
- Buổi Tối Thứ Mười Sáu Nghiệp Báo
- Buổi Tối Thứ Mười Bảy Bài Thực Tập: Hôn Trầm
- Buổi Tối Thứ Mười Tám Sự Trong Sạch Và Hạnh Phúc
- Buổi Tối Thứ Mười Chín Tín Ngưỡng
- Buổi Tối Thứ Hai Mươi Mốt Thập Nhị Nhân Duyên
- Buổi Tối Thứ Hai Mươi Hai Cái Chết Và Lòng Từ Bi
- Buổi Tối Thứ Hai Mươi Lăm Đạo
- Buổi Tối Thứ Hai Mươi Sáu Thất Giác Chi
- Buổi Tối Thứ Hai Mươi Chín Con Đường Của Phật
- Buổi Sáng Thứ Ba Mươi Kết Thúc
BA MƯƠI NGÀY THIỀN QUÁN
Joseph Goldstein
Nguyễn Duy Nhiên Việt dịch
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, Hà Nội 2008
Buổi tối thứ mười hai
Ba trụ pháp: Ba-la-mật
Thực hành và hiểu được Phật pháp là điều hiếm có và vô cùng quí báu. Rất ít
người trên thế giới có được cơ hội này. Đa số bị kẹt trong vòng luẩn quẩn, chạy
theo lòng tham và sự si mê, không ý thức được rằng mình có khả năng thoát ra
khỏi vòng luân hồi, bánh xe của ái dục và sân hận. Cơ hội tu tập có được là nhờ
vào điều mà tiếng Pali gọi là Pramỵ, dịch âm là Ba-la-mật. Ba-la-mật có nghĩa
là sự tích lũy năng lực của một tâm trong sạch. Mỗi khi tâm ta không bị ảnh
hưởng bởi tham, sân, si, nó sẽ có một năng lực làm cho dòng tâm thức trở nên
tinh khiết. Trên hành trình tiến hóa, chúng ta cũng tích lũy được khá nhiều
năng lực trong sạch này trong tâm.
Chữ Pramỵ đôi khi cũng được diễn dịch một cách rộng rãi là phần thưởng, công
trạng. Nhưng chúng ta đừng hiểu lầm chúng như là những ngôi sao vàng thưởng cho
mỗi việc thiện. Thật ra, Pramỵ có nghĩa là một năng lực trong sạch trong tâm.
Khi những yếu tố không tham, không sân, không si được tích lũy đầy đủ, Pramỵ sẽ
trở thành sức mạnh và sinh ra quả hạnh phúc đủ loại, từ những thú vui sắc dục ở
thế gian cho đến sự an lạc giải thoát cao tột nhất. Không có gì trên đời này
xảy ra một cách ngẫu nhiên, vô duyên cớ.
Có hai loại Ba-la-mật: sự trong sạch của hành động và sự trong sạch của trí
tuệ. Hành động trong sạch là nhân duyên tạo nên những cảnh vật vui vẻ, hoàn
toàn thuận tiện, tình thân thiết và cơ hội để nghe được Phật pháp. Thí dụ, khóa
tu này không phải ngẫu nhiên mà xảy ra. Nó có được là nhờ ở sức mạnh của sự
trong sạch có trong mỗi người chúng ta.
Loại Ba-la-mật thứ hai là sự trong sạch của trí tuệ, phát triển nhờ sự thực tập
chánh tư duy. Ba-la-mật này giúp cho tuệ sáng suốt được tăng trưởng.
Cả hai loại Ba-la-mật, hai năng lực trong sạch này phải được phát triển đầy đủ
thì ta mới có cơ hội để tu tập Phật pháp, cũng như có được một trí tuệ để lãnh
hội.
Có ba trụ pháp, hay ba lãnh vực của hành động giúp vun trồng và củng cố các
Ba-la-mật.
1. Bố thí:
Trụ pháp thứ nhất là bố thí. Bố thí là tâm hành không tham được biểu hiện ra
hành động. Không tham có nghĩa là buông bỏ, không níu kéo, không bám víu. Mỗi
khi chúng ta chia sẻ một việc gì, hay một vật gì, điều đó sẽ củng cố tâm hành
thiện này, và dần dần nó sẽ trở thành một năng lực mạnh mẽ trong tâm.
Đức Phật dạy rằng, nếu chúng ta biết được lợi ích của sự bố thí, ta sẽ không
bao giờ để một bữa ăn trôi qua mà không chia sẻ với người khác.
Kết quả của nhân bố thí là sự sung túc, đầy đủ và sự hòa hợp với những người
chung quanh. Chia sẻ những gì mình có là một cách ứng xử vô cùng tốt đẹp, tình
thân hữu sẽ được tăng trưởng nhờ đức tính vị tha. Cao thượng hơn nữa, tâm không
tham có thể là một sức mạnh quan trọng cho sự giải thoát. Chúng ta bị trói buộc
vì lòng tham và sự ái dục trong tâm. Thực hành bố thí tức là ta đang học cách
tháo gỡ và buông bỏ những sợi dây xiềng xích này.
Có ba hạng người bố thí. Hạng thứ nhất là hạng người bố thí bần cùng. Hạng
người này chỉ cho sau khi đã do dự, suy tính rất kỹ, và họ chỉ cho những gì dư
thừa, cặn bã của họ. Họ suy nghĩ: “Có nên cho hay không? Cho như vậy có nhiều
quá không?” Và có lẽ cuối cùng họ cũng chỉ cho đi những gì mà họ không thật sự
muốn giữ lại.
Hạng thứ hai là hạng người bố thí theo nhân đạo. Hạng người này cho những thứ
mà họ cũng có thể cần đến. Họ chia sẻ những gì của họ mà không tính toán nhiều
với một tấm lòng rộng mở.
Hạng người bố thí cao thượng nhất là hạng người sẵn sàng dâng tặng ngay cả
những gì mà họ quý trọng nhất. Họ chia sẻ một cách tự nhiên và tức thời, không
cần cân nhắc. Sự bố thí đã trở thành một thói quen tự nhiên. Tâm không tham của
họ vững mạnh đến mức họ có thể cho đi cả những gì mà họ trân quý nhất, bằng một
thái độ thoải mái, nhẹ nhàng.
Đối với một số người, bố thí là việc rất khó khăn. Tâm tham của họ quá mạnh
khiến họ luyến ái rất nhiều. Đối với một số người khác, hành động bố thí đến
rất dễ dàng. Nhưng vấn đề đó không quan trọng. Dù chúng ta có bắt đầu ở hạng
người nào đi chăng nữa, điều quan trọng là phải bắt đầu thực hành. Mỗi hành
động bố thí sẽ dần dần làm tâm tham dục yếu đi. Chia sẻ rộng rãi là một lối
sống đẹp trên cuộc đời này. Bằng sự thực hành, tất cả chúng ta đều có thể trở
thành những người bố thí cao thượng nhất.
Có hai loại tâm thức hiện hữu trong mỗi hành động của ta. Một là loại tâm thức
có tính cách thúc đẩy: đây là tâm suy nghĩ, tính toán, đắn đo trước mỗi hành
động. Loại thứ hai là tâm thức tự nhiên, không khích động, nó là một thứ trực
giác. Khi một hành động đã được ý thức kỹ lưỡng rồi, thì không cần thiết đắn đo
nữa. Loại tâm thức này hoạt động trong giây phút hiện tại một cách thật tự
nhiên. Bằng sự thực hành, chúng ta sẽ phát triển loại tâm thức mà trong đó sự
bố thí là một biểu hiện tự nhiên.
Trong một tiền kiếp của đức Phật, khi còn là một vị Bồ Tát, một hôm ngài đi
ngang qua vách núi và thấy một con cọp mẹ với hai con cọp nhỏ mới sinh. Cọp mẹ
đang bệnh, không có đủ sữa cho hai con bú. Với lòng từ bi, ngài quên cả sinh
mạng của mình, gieo mình xuống vực núi, hy sinh thân mình làm thực phẩm nuôi
cọp mẹ, để nó có đủ sức khỏe lo cho hai đứa con. Đây là một hành vi bố thí
thuộc hạng cao thượng nhất.
Dù chúng ta chưa đạt đến mức vô ngã như thế, nhưng câu chuyện trên vạch ra cho
ta một hướng đi: vun trồng tâm bố thí vì lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh.
Trong nhiều bài pháp, đức Phật luôn khuyến khích ta hãy thực hành bố thí cho
đến ngày nào nó trở thành biểu hiện tự nhiên của sự hiểu biết. Bố thí là một
đại Ba-la-mật, nó được coi như là một đức đầu tiên trong sự toàn thiện của đức
Phật. Và khi được vun trồng đầy đủ nó sẽ là nhân của những hạnh phúc lớn trong
cuộc sống chúng ta.
2. Trì giới:
Trụ pháp, hay lãnh vực thứ hai của hành động trong sạch là giữ giới luật. Đối
với hàng cư sĩ có nghĩa là giữ năm giới: không sát sinh, không trộm cắp, không
tà dâm, không vọng ngữ và không dùng những chất say nào có thể làm mê mờ tâm
trí.
a. Không sát sinh:
Mọi chúng sinh đều muốn được sống và được an vui. Không ai muốn khổ đau. Bảo vệ
sự sống bao giờ cũng đem lại cho ta một tâm nhẹ nhàng, thư thái hơn là hủy hoại
nó. Đem một con ruồi trong nhà thả ra ngoài sân bao giờ cũng làm cho ta thoải
mái hơn là giết chết nó. Hãy tôn trọng mọi sự sống.
b. Không trộm cắp:
Có nghĩa là không lấy giữ những gì không phải là của mình.
c. Không tà dâm:
Có thể hiểu một cách đơn giản là đừng làm những hành động sắc dục nào có thể
gây hại hay tổn thương cho người khác, hay tạo sự bất an, phiền não cho chính
mình.
d. Không vọng ngữ:
Không chỉ là không nói dối mà còn có nghĩa là tránh nói những câu chuyện vô
ích, nhỏ mọn. Chúng ta thường bỏ rất nhiều thời giờ ra để bàn tán về những lời
đồn đại vô căn cứ. Chuyện đến trong đầu là ta cứ nói mà không cần suy nghĩ xem
chúng có ích lợi gì không. Kiểm soát được lời nói là một cách để giúp cho tâm
mình được an vui. Đừng nói những lời gây gổ hay chửi mắng. Lời nói phải nhã
nhặn, gieo những hạt giống hòa ái và thân thiết giữa tất cả mọi người.
e. Không dùng chất say:
Trên con đường hướng đến sự giác ngộ, hướng về sự tự do và sáng suốt, ta nên
tránh dùng những chất có thể làm cho tâm mình bị mê mờ và chậm lụt. Nhiều khi
vì sự say sưa mà ta dễ dàng phạm vào những giới cấm khác.
Sự quan trọng và giá trị của những giới cấm có nhiều mức độ khác nhau. Giới cấm
là một sự bảo vệ cho ta, giúp ta tránh tạo ác nghiệp. Ta sẽ không hành động vì
lòng tham, sân, si, bởi biết rằng chúng là nhân của quả khổ đau trong tương
lai. Khi chánh niệm vẫn còn đang phát triển, chưa được vững mạnh, sự quyết tâm
giữ gìn giới luật sẽ nhắc nhở mỗi khi chúng ta sắp làm một việc bất thiện. Thí
dụ như khi bạn sắp giết một con muỗi, tay bạn giơ lên sửa soạn đập xuống, thì
ngay khi ấy giới cấm sát sinh sẽ khởi lên và trở thành nhân của chánh niệm.
Những hành động bất thiện sẽ tạo nên trạng thái mê mờ, hắc ám trong tâm. Còn
những hành động có ý thức, tự chủ không làm các hành động bất thiện sẽ tạo cho
ta một tâm nhẹ nhàng và sáng suốt. Khi bạn cẩn thận quan sát hoạt động của tâm
trong mọi hành động, bạn sẽ bắt đầu kinh nghiệm được rằng, những việc làm do
tham, sân, si sẽ khiến cho tâm nặng nề khởi lên. Giữ giới luật như là một cách
sống giúp cho ta được an lạc, tâm ta luôn cởi mở và trong sáng. Đây là một lối
sống thật thư thái và đơn giản. Hiểu được như vậy thì giới luật không phải là
sự ngăn cấm khắt khe, mà chúng ta giữ theo là vì chúng có ảnh hưởng tốt đến giá
trị của cuộc sống. Chúng ta không cần phải thần thánh hóa chúng, vì chúng chỉ
là những biểu hiện tự nhiên của một tâm trong sáng.
Giới luật còn có một ý nghĩa sâu xa hơn thế nữa trên con đường tu tập. Chúng giải thoát tâm ta khỏi mọi hối hận và lo âu. Mặc cảm tội lỗi về những chuyện quá khứ không có ích lợi, chúng chỉ làm cho ta lo buồn thêm. Bằng cách tạo dựng một căn bản trong sạch cho hành động của mình trong giây phút hiện tại, ta có thể giúp cho tâm mình trở nên thư thái và an tĩnh một cách dễ dàng. Không có định thì sẽ không bao giờ có tuệ. Vì thế, nền tảng giới luật là một căn bản vô cùng cần thiết trên con đường tu tập.
3. Thiền:
Lãnh vực thứ ba của hành động trong sạch là thiền. Thiền được chia ra làm hai
dòng chánh. Thứ nhất là thiền chỉ hay định, là khả năng tập trung tâm mình vào
một đối tượng duy nhất trong một thời gian, mà không hề lo nghĩ lăng xăng hay
lơ đãng. Khi tâm ta tập trung, nó sẽ có một khả năng soi thấu rất mãnh liệt.
Một tâm ý tán loạn không thể nhìn thấy được tự thể của thân và tâm. Sự phát
triển trí tuệ đòi hỏi tâm ta phải có một mức định tối thiểu nào đó.
Nhưng định không thôi cũng chưa đủ. Sức mạnh của tâm phải được sử dụng để phục
vụ cho sự hiểu biết, đó là loại thiền thứ hai: thiền quán. Quán có nghĩa là
nhìn thấy rõ được chân tướng của mọi hiện tượng, tự tính của vạn pháp. Mọi vật
đều vô thường và luôn luôn biến chuyển, sinh diệt trong mỗi giây phút. Tâm
thức, đối tượng, các tâm hành, thân: mọi hiện tượng đều nằm trong dòng sông vô
thường. Khi tâm ta sáng suốt, ta có thể kinh nghiệm được sự biến chuyển liên
tục này trên một bình diện thật vi tế: trong mỗi sát-na chúng ta đang chết đi
và được sinh ra trở lại. Không có gì để nắm giữ, chẳng có gì để níu kéo. Không
có một trạng thái nào của tâm hay thân, không có hoàn cảnh nào bên ngoài ta để
bám víu, bởi vì tất cả đều thay đổi ngay trong giây phút này. Sự phát triển trí
tuệ có nghĩa là kinh nghiệm được sự vô thường nơi chính ta, để bắt đầu buông
bỏ, không còn mù quáng, níu chấp vào tiến trình thân tâm.
Kinh nghiệm được tính chất vô thường đưa đến một hiểu biết về sự không thỏa mãn
bẩm sinh của tiến trình thân tâm: không thỏa mãn vì nó không có khả năng đem
lại cho ta một hạnh phúc nào vĩnh viễn. Nếu chúng ta cho rằng thân của mình là
nguồn gốc của hạnh phúc, an lạc thường hằng, tức là ta chưa thấy được sự hủy
hoại không thể nào tránh khỏi của nó. Khi ta trở nên già, bệnh tật, tàn hoại và
chết đi, những ai quyến luyến thân này sẽ rất khổ đau. Bản chất của bất cứ một
vật nào có sinh ra đều là sẽ tàn hoại đi. Mọi yếu tố của thân, mọi yếu tố của
tâm đều đang sinh ra và diệt đi ngay trong giây phút này.
Đặc tánh thứ ba của hiện hữu dưới sự quán sát của trí tuệ và chánh niệm là
trong dòng hiện tượng này không có một cái gì gọi là “tôi”, “ngã” hay là “của
tôi”. Tất cả chỉ là một dòng hiện tượng vô ngã, trống rỗng. Không có một thực
thể nào đứng sau những hiện tượng ấy để kinh nghiệm. Cá nhân, chủ thể, tự nó
cũng chỉ là một phần của tiến trình. Nếu ta biết vun trồng trí tuệ bằng chánh
niệm, ba đặc tính này của hiện hữu sẽ tự nhiên hiển lộ.
Giả sử bạn có một hồ nước, trong hồ mọc đầy cỏ dại. Giữ giới luật cũng giống
như cúi xuống, dùng tay vẹt cỏ để lấy nước uống. Cỏ dại vẫn còn đó, và khi bạn
lấy tay lên, chúng sẽ trở lại phủ đầy mặt hồ. Những khi giữ giới luật, tâm ta
trở nên trong sạch, nhưng ngay khi ta quên lãng, những dơ bẩn, ô uế sẽ trở lại
với ta. Nếu bạn xây một hàng rào quanh bờ hồ, ngăn chặn những cỏ dại rong rêu
ra chung quanh, nước bên trong sẽ trong sạch và có thể dùng được nhờ có hàng
rào. Nhưng cỏ dại vẫn còn chung quanh đó, và nếu ta dời hàng rào đi nơi khác,
chúng sẽ lan tràn lại như xưa. Hàng rào cũng giống như định lực trong tâm, có
khả năng đè nén những tâm hành bất thiện. Còn trí tuệ cũng giống như khi ta
bước xuống hồ và nhổ đi những cỏ dại, từng chút một, cho đến khi cả hồ được
trong sạch. Nhổ như thế thì cỏ sẽ không còn mọc trở lại nữa. Trí tuệ là một
phương pháp thanh lọc: khi những sự bất thiện trong tâm được quán chiếu cặn kẽ
và cuối cùng bị bứng nhổ, chúng sẽ không còn khởi lên được nữa.
Trí tuệ là điểm cao tột nhất trên con đường tu tập, được bắt đầu bằng sự thực
hành bố thí, giữ giới và phát triển định lực. Từ căn bản trong sạch ấy phát
sinh một trí tuệ có khả năng soi thấu được thực chất của thân và tâm. Bằng cách
giữ chánh niệm hoàn toàn trong giây phút hiện tại, những gì huân tập trong tâm
ta từ bấy lâu nay sẽ bắt đầu hiển lộ. Mọi tư tưởng, mọi tà ý, tham dục, luyến
ái, tình yêu, nghị lực, mọi niềm vui, tất cả những gì trong phạm vi tâm sẽ được
mang lên bình diện nhận thức. Và bằng sự thực hành chánh niệm, không dính mắc,
không ghét bỏ, không nhận một đối tượng nào làm mình, tâm ta sẽ trở nên thư
thái và tự tại.
Đức Phật có nói về sức mạnh của các ba-la-mật này. Ngài nói rằng sức mạnh của
bố thí sẽ được gia tăng bằng sự trong sạch của người nhận. Và thực hành từ bi
quán với một định tâm còn hùng mạnh hơn là cúng dường Phật và toàn thể tăng
đoàn của ngài gấp bội phần. Nhưng dũng mãnh hơn cả sự vun trồng những tư tưởng
từ bi ấy là thấy được sự vô thường trong mọi hiện tượng, vì thấy được vô thường
tức là khởi đầu của sự giải thoát.
Hỏi: Có một lúc tôi cảm thấy mình cho nhiều quá; tôi cảm thấy như mình bị lợi
dụng. Ông có thể nói thêm về bản chất của bố thí khi nó đưa đến việc mình cảm
thấy bị lạm dụng không?
Đáp: Chúng ta đều có những trình độ khác nhau. Chúng ta không phải đang ở trình
độ của một vị Bồ Tát dám hy sinh thân mình để nuôi cọp mẹ và hai đứa con của
nó. Có thể đôi khi ta có những thúc giục để làm những chuyện như vậy, để rồi
theo sau là những hối hận. Đó không phải là một phương pháp khéo léo. Chúng ta
phải ý thức được trong giờ phút này mình đang ở đâu và vun trồng sự bố thí sao
cho thích hợp với mình. Tâm ta sẽ phát triển. Khi chúng ta thực hành bố thí,
thì dần dần việc ấy sẽ trở nên tự nhiên. Và khi ta đạt được một sự quân bình,
tâm ta sẽ trở thành hòa hợp, không có một mảy may hối tiếc nào theo sau cả.
Hỏi: Những giới luật có thể là sự chỉ đạo ở một trình độ nào đó, nhưng chấp
cứng vào nó có nguy hiểm không? Giới cũng có thể là một trở ngại vì dù sao thì
nó cũng chỉ là những ý niệm? Có những hành động có thể vì lòng từ bi nhưng lại
phạm giới, như là nói dối để cứu một người nào. Khi giới luật và trực giác mâu
thuẫn với nhau thì sao?
Đáp: Tất cả các hành động thiện phải được hiểu theo những tâm hành mà chúng
đang vun trồng, chứ không phải tự ở những hành động đó. Nếu chúng ta hành động
vì lòng từ bi thì đó là hành vi thiện. Nhưng thường thì chúng ta chưa tới trình
độ tỉnh thức đủ để có thể nhận biết mọi yếu tố liên quan đến hành động của
mình. Khi ta chưa thể ý thức được hết thảy mọi động lực khiến ta hành động để
phân biệt thiện ác, thì giới luật vẫn được xem như những quy tắc rất hữu ích.
Một vị sư đến than phiền với đức Phật rằng ông không thể nào nhớ hết hơn hai
trăm giới luật dành cho các vị tăng, chứ đừng nói gì đến việc giữ cho đừng phạm
giới. Đức Phật hỏi: “Vậy ông có thể nhớ được một giới không?” Vị tăng trả lời:
“Được.” Đức Phật dạy: “Hãy giữ chánh niệm!” Mọi điều khác đều đến từ chánh
niệm. Nếu bạn có thể giữ chánh niệm cho tinh chuyên, tự nhiên mọi hành động sẽ
trở thành chân chánh.
Hỏi: Tôi thấy có một sự mâu thuẫn giữa việc theo con đường bố thí cao thượng và
một cuộc sống được bảo đảm.
Đáp: Sự vun trồng hạnh bố thí cao thượng không cần thiết có nghĩa là ta phải
mang hết tài sản của mình cho kẻ khác. Nó chỉ có nghĩa là ta bố thí với một tâm
độ lượng, tùy theo hoàn cảnh. Chúng ta cũng có trách nhiệm đối với chính mình,
phải biết duy trì một mức sống vừa đủ để mình có thể tu tập và vun trồng những
yếu tố giác ngộ. Mức độ của sự bố thí sẽ tùy thuộc rất nhiều vào trình độ tiến
hóa của tâm. Chúng ta không nên có một ý niệm cứng ngắc về sự bố thí rồi tự
cưỡng ép, cố gắng làm theo như vậy. Chỉ đơn giản là ngay trong mỗi giây phút
hiện tại hãy nắm lấy mọi cơ hội để vun trồng tâm hành không tham. Điều đó không
phức tạp lắm đâu, hãy để nó tự nhiên hiển lộ. Đến khi nào bạn cảm thấy sẵn sàng
gieo mình xuống vực thẳm để nuôi những con cọp, bạn sẽ làm chuyện ấy.
Hỏi: Tôi cảm thấy hơi bối rối về cách hiểu thế nào là nói dối. Khi ta không nói
lên những gì mà ta nghĩ là chân thật và thích hợp với hoàn cảnh, như vậy có gọi
là nói dối không?
Đáp: Có những việc có thể là sự thật, là ý niệm chân chánh, nhưng nó không có
ích lợi gì cho người khác, bởi vì người ấy không ở vào một hoàn cảnh có thể
nghe và hiểu được. Chúng ta chỉ nên nói sự thật khi nào có ích lợi. Sống với sự
thinh lặng thì tâm ý rất đẹp và an lạc. Nhưng điều ấy đòi hỏi nhiều chánh niệm,
vì chúng ta rất dễ bị thôi thúc phải nói. Lời nói thoát ra ngay cả trước khi ta
ý thức được rằng ta có điều gì muốn nói hay không. Điều đó rất máy móc. Nhưng khi
chánh niệm được giũa mài sắc bén, chúng ta sẽ bắt đầu có ý thức trước khi nói:
tác ý muốn nói khởi lên và ta lập tức có chánh niệm về nó. Và khi ấy ta có thể
nhận biết chúng có chân thật và ích lợi hay không.