LỜI KHUYÊN
DÀNH CHO CÁC HÀNH GIẢ NHẬP THẤT BA NĂM
Kyabje Dilgo Khyentse Rinpoche[1] soạn | Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ
Điều này được gửi đến những vị đang trong khóa nhập thất ba năm tại Pháp.
Các con, những người sống ở châu Âu và các quốc gia hiện đại khác, có đủ mọi tiện nghi và cao lương mỹ vị mà cuộc đời này ban cho; nhưng cho đến gần đây, các con thậm chí còn chưa từng nghe nói về thực hành Giáo Pháp. Trong thời gian gần đây, Giáo Pháp đã suy giảm ở Tây Tạng; nhiều vị Lama với địa vị cao và thấp từ mọi trường phái của Phật giáo Tây Tạng đã đến Ấn Độ. Bây giờ, khi những giáo lý khác nhau của chư vị đang được phục hồi và thời kỳ mà Phật Pháp vẫn còn trụ thế vẫn chưa trôi qua, nhiều đạo sư vĩ đại đã viếng thăm và định cư tại các quốc gia khác; kết quả là nhiều người trong thế giới hiện đại giờ đây đã có ý định thực hành Giáo Pháp.
Các đệ tử của Kangyur Rinpoche[2], đạo sư của thầy, đặc biệt xem thầy là đạo sư gốc của họ và có niềm mong mỏi chí thành về việc thực hành Pháp trong suốt cuộc đời. Nhờ mong ước và sự hỗ trợ của Tsetrul Pema Wangyal Rinpoche[3], họ đã thành lập một trung tâm nhập thất ở Chanteloube. Mục đích thực sự của trung tâm này là những vị duy trì nhập thất ở đó thiết lập bản thân một cách vững chắc trên con đường đến giải thoát. Nếu làm vậy, họ sẽ hoàn thành những tầm nhìn giác ngộ của Kangyur Rinpoche, phụng sự chư đạo sư của chính họ và tận dụng tối đa nhiều giáo lý sâu sắc mà họ đã thọ nhận.
Với điều này trong tâm, tất cả những vị hứa nguyện duy trì nhập thất cần đảm bảo rằng niềm tin, sự xả ly, lòng bi mẫn và quán sát bản tính tâm chính là tâm yếu trong sự hành trì của họ.
NIỀM TIN
‘Niềm tin’ nghĩa là hoàn toàn tin tưởng và nương tựa Tam Bảo nói chung và vị thầy của chính chúng ta nói riêng, cũng như Giáo Pháp mà chúng ta đang thực hành. Nếu chúng ta thực hành trong một thời gian dài, sau một hồi, chúng ta có thể nghĩ rằng, “Tôi vẫn chưa đạt được bất kỳ dấu hiệu tiến bộ nào! Bậc thầy không thể trao cho tôi những chỉ dẫn sâu xa nhất. Tốt hơn là tôi thực hành phần chính yếu, thay vì các thực hành sơ khởi, bởi nó sâu xa hơn nhiều!”. Hoặc nếu chúng ta đang thực hành phần chính yếu, chúng ta có thể nghĩ rằng, “Tôi nghĩ tốt hơn là bỏ qua thực hành giai đoạn phát triển đơn giản này và thay vào đó sẽ tiến hành Dzogrim nào đó”. Hay thậm chí, “Dzogchen sẽ sâu xa hơn nhiều các thực hành giai đoạn hoàn thiện, chẳng hạn Tummo”.
Con có thể nghĩ rằng khi đã thọ nhận các giáo lý Dzogchen, con sẽ có đủ mọi kiểu kinh nghiệm cao tột và sâu xa, thậm chí chỉ sau vài ngày. Nếu con có những mong chờ cao như vậy thì khi mọi chuyện không xảy ra như thế, con sẽ bắt đầu nghi ngờ những chỉ dẫn và nới lỏng sự tinh tấn của mình. Hoặc, nếu con đã phát triển được dấu vết nhỏ bé nhất của sự xả ly hay đạt được kinh nghiệm hoặc chứng ngộ nhỏ bé, con sẽ phát triển sự kiêu mạn và nghĩ rằng, “Các trường phái Kagyu, Sakya và Gelug chẳng thể so sánh với những giáo lý Nyingma này!”. Con cần tránh phát triển tà kiến như vậy cũng như việc kiêu ngạo cho rằng con đã đạt được vài kinh nghiệm hay chứng ngộ đặc biệt. Dù con là ai, tâm bình phàm vẫn luôn dễ bị thay đổi và chuyển hóa, vì thế, con cần cố gắng không bao giờ bị cuốn đi.
Thậm chí nếu con thực hành ngày đêm với sự tinh tấn không dao động trong mười hai năm tròn và vẫn chẳng có dù chỉ một giấc mơ tốt, con không nên nản lòng. Nhận ra rằng điều này đơn giản là bởi sức mạnh của những che chướng của bản thân, con phải tin tưởng rằng chư đạo sư hay giáo lý sẽ không bao giờ phụ lòng con.
Mặt khác, dù cho con có tiến bộ nhanh chóng đến mức chỉ trong một ngày, con đã đạt đến cấp độ mà chẳng còn điều gì trong luân hồi phải từ bỏ cũng chẳng có gì trong Niết Bàn cần đạt được, con không nên cảm thấy kiêu ngạo, bởi làm thế chỉ mời gọi ma quỷ của các chướng ngại. Đó là lý do Tổ Jetsun Milarepa nói:
Khi con đang đến gần tận cùng của Giáo Pháp,
Hãy tiếp tục không ngừng nghỉ, chẳng có bất cứ cao hay thấp nào,
Và không hy vọng các dấu hiệu của sự thành tựu nhanh chóng,
Hãy đảm bảo rằng thực hành của con vẫn duy trì chừng nào con vẫn còn!
Đây là lời khai thị tuyệt vời.
XẢ LY
‘Xả ly’ nghĩa là khi ở trong trung tâm nhập thất, mỗi lần con tụng Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng hay hoàn thành một tràng Chân ngôn Mani, con phải hồi hướng vì sự thành tựu Phật quả cho bản thân và mọi hữu tình chúng sinh khác. Trong lúc nhập thất, con không nên lãng phí dù chỉ một giây phút trong sự lười nhác hay tầm phào và con cần tránh bất cứ kiểu thiếu chân thật và lừa dối nào, chẳng hạn giả bộ thực hành một cách hoàn hảo khi mà con đang ở trong tầm mắt của người khác.
Hãy làm mọi điều có thể để kiểm soát tâm ngang bướng của con và phát triển niềm tin, sự tinh tấn và xả ly. Đừng bao giờ nghĩ rằng Giáo Pháp mà con đang thực hành chỉ vì lợi ích của con. Trì tụng dù chỉ một biến Chân ngôn Mani cũng đem lại vô số lợi lạc, do đó, hãy hồi hướng vì tất cả những vị đang sống.
Lặp đi lặp lại, hãy phát triển lòng bi mẫn dành cho mọi hữu tình chúng sinh nói chung và đặc biệt những vị không thích con. Ban đầu có thể sẽ khó khăn, nhưng con sẽ không bao giờ đạt giác ngộ nếu con vẫn tiếp tục có ác tâm với kẻ thù của con. Những vị bây giờ là kẻ thù của con trong đời trước đã từng là cha mẹ của con và chẳng có gì cố định về thân phận kẻ thù hay bạn bè. Cảm thấy thù ghét với kẻ thù và yêu mến với bạn bè chẳng là gì khác ngoài một kiểu nhận thức mê lầm. Nếu con rèn luyện tâm để nhận ra mọi thứ đều không có thực, giống như một giấc mơ, sự thù ghét với kẻ thù sẽ hoàn toàn mất đi ý nghĩa. Điều này cực kỳ quan trọng, bởi thông thường, cuộc đời của chúng ta bị cuốn đi bởi mong muốn có được thức ăn và quần áo, của cải, vợ/chồng, địa vị và sự ca ngợi. Chúng ta dành nhiều suy nghĩ để tạo ra những cách thức khôn ngoan và hữu hiệu nhất nhằm có được chúng và nghĩ rằng, “Người này có nhiều tiền như vậy, bạn bè của tôi thì có nhiều chừng này, vì thế tôi cần nhiều thêm”. Hoặc, “Trong quá khứ, tôi sống ở kiểu nhà này, ở vùng này của thị trấn, nhưng bây giờ tôi sẽ chuyển đến nơi tốt hơn”. Chúng ta cần chấm dứt mọi ý nghĩ như vậy.
Với công việc bình thường, càng làm nhiều, con càng tạo ra nhiều khổ đau cho tương lai. Nhưng bởi con đã có được thân người, đã gặp gỡ một đạo sư chân chính và thọ nhận Giáo Pháp, tình thế của con tốt hơn nhiều và may mắn hơn nhiều khi so với Đế Thích, vua của chư thiên. Nếu bây giờ con đưa các giáo lý vào thực hành với lòng quyết tâm vững chắc, con chắc chắn sẽ tìm thấy hạnh phúc trong mọi đời tương lai. Vì thế, hãy hài lòng với chỉ thức ăn và quần áo cơ bản nhất. Nói một cách đơn giản: hãy làm mọi điều có thể để từ bỏ và tối thiểu hóa các vấn đề và hoạt động bình phàm của luân hồi.
Chẳng ai sống trong trung tâm nhập thất mà lại không thọ giới quy y. Thậm chí nếu con là một cư sĩ, trong ba năm mà con nhập thất, con cần tránh quan hệ tình dục và trong lúc nhập thất, sẽ rất ý nghĩa và lợi lạc nếu con đắp y của một vị Tăng hay Ni. Chính Đức Phật đã nói rằng, với ai đó đã thọ giới quy y, đắp y tu sĩ là điều được cho phép.
LÒNG BI MẪN
Nói chung, con đang thực hành các giáo lý của Đại thừa kể từ lần đầu tiên bước qua cánh cửa của Giáo Pháp và điều này thực sự chính là về lòng bi mẫn. Không có lòng bi mẫn chân chính, đơn giản là sẽ không có khả năng đạt Phật quả.
Bởi vô minh, tất cả chúng sinh trong luân hồi chỉ chăm sóc những yêu thích ích kỷ của họ và thờ ơ lợi lạc của chúng sinh khác. Bây giờ, dù chúng ta có thể sung túc thế nào về thức ăn, quần áo hay của cải vật chất và dù có thể trải qua bao nhiêu hạnh phúc, chúng ta chẳng bao giờ có thể hài lòng. Cùng lúc, nếu chúng ta cho đi thứ mà chúng ta sở hữu, dù chỉ một phần nhỏ xíu, nó như thể chúng ta đang đánh mất thứ gì đó to lớn. Chúng ta cần buông bỏ những thái độ như vậy và thay vì chỉ quan tâm đến bản thân, hãy học cách chăm lo chúng sinh khác. Trước kia, chúng ta thờ ơ chúng sinh khác, nhưng bây giờ, chúng ta cần thờ ơ những mục tiêu ích kỷ của bản thân. Bất cứ khi nào tiến hành hoạt động thiện lành bằng thân, khẩu hay ý, trước tiên, chúng ta cần nhớ rằng chúng ta đang làm vậy như một cách thức để đưa tất cả chúng sinh đến giác ngộ.
Trong thực hành Pháp, điều quan trọng nhất là động cơ. Nếu nó được thúc đẩy bởi mong muốn làm lợi lạc mọi chúng sinh, dù chỉ một lạy hay một biến Chân ngôn trăm âm cũng sẽ đem lại công đức không vơi cạn – công đức sẽ duy trì cho đến khi chúng ta đạt giác ngộ và không còn chúng sinh nào trong luân hồi. Trong khi nếu chúng ta không có động cơ nhân từ phổ quát này, thậm chí một trăm nghìn lạy hay một trăm nghìn biến Chân ngôn trăm âm, cũng chỉ trổ quả một lần trước khi công đức cạn kiệt và một cơn sân hận cũng đủ để phá hủy toàn bộ công đức của chúng ta. Hiểu điều này là điều rất quan trọng. Nếu chúng ta thấy rằng thực hành của chúng ta là vì lợi ích của chúng sinh khác, thì bởi hữu tình chúng sinh nhiều vô số, công đức của chúng ta cũng sẽ bao la như vậy.
Không ai hoàn toàn thoát khỏi khổ đau; vì thế, hãy xem xét mọi khổ đau chính và phụ xảy đến với chúng sinh khác và tưởng tượng rằng, thay vào đó, chúng đang xảy đến với con. Con sẽ cảm thấy thế nào? Chắc chắn, con sẽ làm mọi điều có thể để tìm cách tránh khỏi đau đớn. Bởi thế, hãy liên tục quán chiếu về mọi khổ đau mà chúng sinh khác trải qua và phát triển mong ước bi mẫn rằng họ có thể thoát khỏi đau đớn. Khi đã có lòng bi mẫn đích thực, con sẽ tự nhiên cảm thấy mong ước làm lợi lạc chúng sinh khác. Bậc Thầy của chúng ta, Đức Phật, khi còn là một Bồ Tát, đã có lòng bi mẫn bao la và tràn ngập đến mức Ngài phát năm trăm lời nguyện vì chúng ta và là môn đồ của Ngài, chúng ta cũng cần biến lòng bi mẫn trở thành cốt lõi của sự hành trì.
Những lợi lạc lớn lao của việc phát khởi lòng bi mẫn chân chính được miêu tả chi tiết trong Lời Vàng Của Thầy Tôi và Nhập Bồ Tát Hạnh, vì vậy, hãy nghiên cứu chúng.
QUÁN SÁT BẢN TÍNH TÂM
Để quán sát bản tính tâm, chúng ta cần hiểu cách thức mà mọi ý nghĩ bình phàm của tâm về bất kỳ và mọi thứ có thể tưởng tượng đều chỉ rỗng rang và không thực. Cho đến nay, chúng ta đã là nô lệ của thứ mà chúng ta gọi là ‘tâm’, buộc phải lang thang vô vọng khắp luân hồi. Bây giờ, chúng ta cần đảo ngược tình thế và kiểm soát tâm mình. Sẽ dễ dàng để làm điều này nếu chúng ta có một vài sự hiểu thực sự về cách thức mà tâm là rỗng rang; nhưng chỉ tận hưởng vài quan niệm mơ hồ về tính Không của tâm, bằng cách nghĩ rằng, “Ồ, đây là điều mà chư đạo sư nói” hay “Đó là điều mà các bản văn vẫn nói” sẽ chẳng giúp chúng ta nhận ra tính không có thực của nhận thức vô minh của chúng ta.
Sau đó, hãy hướng sự chú ý của con vào trong và để tâm thư giãn. Con sẽ nhận ra không chỉ một ý nghĩ hay ý tưởng, mà rất nhiều. Ví dụ, nếu con nghĩ về mẹ, đó là một ý nghĩ, nhưng sau đó, nó lại khơi dậy đủ mọi loại ý nghĩ khác, chẳng hạn những ký ức về lòng từ mà mẹ dành cho con. Nếu bà ấy vẫn còn sống, con có thể nghĩ đến việc đi thăm và nếu không, có thể con cảm thấy buồn. Đây là những ý nghĩ của sự tham luyến. Nếu con nghĩ về kẻ thù, suy ngẫm về những cách mà họ đã làm tổn thương con trong quá khứ, cách mà họ chắc chắn sẽ lại làm vậy trong tương lai và cách mà con phải tìm ra để thoát khỏi họ, đây là những ý nghĩ của sự sân hận. Con có thể băn khoăn rằng sự tham luyến và sân hận này đến từ đâu. Thực sự, chúng đến từ niềm tin mê lầm về sự tồn tại của thứ mà chúng ta gọi là “tôi”.
Một cái “tôi” như vậy có thể được tìm thấy ở đâu? Nó có phải ở trong thân hay tâm? Nếu con thực sự nhìn vào thân, xem xét từng phần – thịt, máu, xương và da – con không thể tìm thấy thứ gì được gọi là ‘thân’; vậy thì làm sao đây có thể là chỗ cho cái “tôi”? Mặt khác, tâm không có thực, vì thế làm sao mà cái “tôi” có thể trú ngụ trong nó? Thực sự, cái “tôi” chỉ là một quan niệm hay ý nghĩ. Chẳng có vị trí nào trong một ý nghĩ và chẳng gì có thể duy trì ở đó, nhưng sức mạnh của một ý nghĩ, chẳng hạn ý nghĩ về mẹ, vẫn khiến chúng ta tạo ra một ý nghĩ khác, về lòng từ của mẹ dành cho chúng ta và điều đó lại khơi dậy ý nghĩ mong muốn được gặp mẹ.
Nếu xem xét kỹ lưỡng hơn quá trình này, chúng ta có thể thấy rằng trong khi chúng ta đang nghĩ về lòng từ của mẹ, ý nghĩ đầu tiên về mẹ đã không còn ở đó – nó đã đi rồi. Và ý nghĩ rằng chúng ta cần gặp mẹ vẫn chưa xảy đến – nó vẫn ở trong tương lai. Ngay khi chúng ta xem xét nó, ý nghĩ hiện tại về lòng từ của mẹ không còn ở đó; nó đã biến thành ý nghĩ tương lai của việc mong muốn đi thăm mẹ. Điều này nghĩa là các ý nghĩ trong quá khứ, hiện tại và tương lai không thể tồn tại cùng lúc và chúng ta chỉ sử dụng các thuật ngữ này để trao đổi. Quá khứ đã qua, giống như một người đã chết, và tương lai (hay ‘thứ sẽ đến’) không tồn tại. Thực sự, chẳng có thứ gì là ‘ý nghĩ hiện tại’ tồn tại độc lập theo cách này hay cách khác với quá khứ và tương lai. Trước khi chúng ta nghĩ về mẹ, ‘ý nghĩ hiện tại’ đó vẫn còn trong tương lai. Sau đấy, khi chúng ta nghĩ về mẹ, nó ở hiện tại. Cuối cùng, khi chúng ta nghĩ về lòng từ của mẹ, nó đã là quá khứ.
Bởi một ý nghĩ trải qua ba giai đoạn của thời gian như vậy là dấu hiệu của sự vô thường và bất cứ điều gì vô thường đều rỗng rang. Chính bởi một thứ là rỗng rang nên nó mới có thể thay đổi trong quá trình quá khứ, hiện tại và tương lai.
Hãy xem xét bề mặt của một chiếc gương: Bởi nó là rỗng rang [và không bị cố định theo một cách thức đặc biệt], những hình phản chiếu có thể xuất hiện trên đó. Khi chân dung của một người xuất hiện trong gương, hình phản chiếu giống với người thực sự, nhưng khuôn mặt của người đó không nhập vào gương hay được chuyển vào bề mặt của gương. Hình ảnh khuôn mặt xuất hiện bởi những nhân và duyên nhất định, bao gồm sự rõ ràng của chiếc gương và sự hiện diện của khuôn mặt người đó trước gương. Hình phản chiếu của khuôn mặt và chính khuôn mặt không phải là như nhau. Hình phản chiếu thì vô tình và khi hình phản chiếu biến mất, khuôn mặt thực sự thì không. Một khuôn mặt có thể bị thiêu cháy nếu nó chạm phải lửa, nhưng con không thể đốt cháy một hình phản chiếu. Tuy nhiên, hình phản chiếu và khuôn mặt cũng không phải là hoàn toàn khác biệt, bởi hình phản chiếu chẳng thể xuất hiện nếu không có khuôn mặt của người đó và nếu người này mang một vẻ mặt đặc biệt, chẳng hạn một nụ cười hay vẻ giận dữ, hình phản chiếu cũng xuất hiện theo cách đó.
Vì những lý do này, các ý nghĩ và sự phản chiếu xuất hiện là thực chỉ khi chúng ta không kiểm tra hay xem xét chúng một cách tỉ mỉ. Nếu ngừng lại để xem xét, chúng ta thấy rằng mặc dù xuất hiện, chúng không thực sự tồn tại. Và điều này đúng không chỉ với các hiện tượng này. Nó áp dụng cho mọi hình tướng trong trải nghiệm luân hồi mê lầm của chúng ta: chúng dường như đủ thật chừng nào chúng ta không xem xét quá kỹ, nhưng khi xem xét, chúng ta thấy rằng chúng không thật. Đó là lý do chúng ta nhắc đến chúng như là “sự thực không được xem xét, có vẻ như”.
Nếu sự hiểu về điểm này phát triển và giữ vững, để nó trở nên tự-duy trì, đấy là điều mà chúng ta gọi là ‘kinh nghiệm’. Khi chúng ta trở nên ngày càng quen thuộc hơn với điều này, để tâm không còn bị cai trị bởi những ý nghĩ về sân hận hay tham lam, đó là điều chúng ta gọi là ‘chứng ngộ’.
Khi xem xét các ý nghĩ lặp đi lặp lại theo cách này, chúng ta thấy rằng mặc dù chúng không có sự tồn tại thực sự, chúng vẫn xuất hiện và mặc dù chúng xuất hiện, chúng không thực. Cùng lúc, chúng ta hiểu cách mà những ý nghĩ trong quá khứ, hiện tại và tương lai tồn tại chỉ là các tên gọi hay nhãn mác đơn thuần và chẳng còn sự thực nào hơn nữa.
Nếu có sự hiểu này thì bất cứ khi nào chúng ta nghĩ về mẹ mình và nhớ về tất cả lòng từ mà bà đã dành cho chúng ta, chúng ta không cần đầu hàng những ý nghĩ tham luyến. Chúng ta sẽ nghĩ rằng, “Thậm chí nếu tôi đến gặp mẹ mình, điều đấy có ích gì? Bà đã xoay xở để cung cấp thức ăn và y phục cho bản thân và thậm chí cung cấp cho cả những nhu cầu vật chất của tôi. Nếu nhận lãnh vai trò này, tôi cần tìm công việc trong một sự buôn bán hay kinh doanh nào đó và điều đấy sẽ khơi dậy đủ kiểu tham và sân và tạo ra rất nhiều xao lãng, thứ sẽ chỉ cản trở sự hành trì Giáo Pháp của tôi. Thay vào đó, tôi cần dành sức lực của mình cho việc thực hành Giáo Pháp, ngay lập tức càng nhiều càng tốt, sau đấy, hồi hướng mọi nguồn công đức cho mẹ tôi, để giúp xoa dịu khổ đau của bà bởi sinh, tử và các trạng thái trung ấm Bardo. Sẽ tốt hơn nếu tôi quên đi những cảm xúc tham luyến bình phàm thế tục với mẹ. Bà có những đứa con khác có thể chăm lo về nhu cầu vật chất của bà, nhưng không ai ngoài tôi có thể cung cấp sự hỗ trợ tâm linh”. Nếu chúng ta nghĩ như vậy, điều đó sẽ ngăn chúng ta kẹt trong những kiểu ý nghĩ bình phàm, thứ có thể xuất hiện bất cứ khi nào chúng ta nhớ về mẹ.
Điều này cũng trao cho chúng ta vài manh mối về cách mà chúng ta có thể từ bỏ các ý nghĩ sân hận với kẻ thù. Ban đầu, có lẽ hơi khó để vượt qua tham và sân, nhưng nhờ thực hành lặp đi lặp lại, mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Nếu con có thể vượt qua tham và sân, con sẽ không còn tích lũy nghiệp. Hơn thế nữa, nếu con xem xét trạng thái không thay đổi của tâm – thứ xảy ra bất cứ khi nào các cảm giác tham hay sân lắng đi, con sẽ thấy được bản tính của tâm. Chừng nào không có quá nhiều ý nghĩ khởi lên, hãy nhìn vào chính tâm không xao lãng. Bất cứ khi nào có nhiều ý nghĩ, hãy kiểm tra chúng theo cách mà thầy vừa miêu tả. Nếu con trở nên thực sự quen với điều này bằng cách rèn luyện nhiều lần, sự nhận ra bản tính tâm sẽ xảy ra tự nhiên và tự động. Tâm sẽ không còn mắc kẹt trong các ý nghĩ và thậm chí nếu các ý nghĩ có khởi lên, chúng sẽ không có bất kỳ sức mạnh thực sự nào và sẽ không cần phải phân tích hay xem xét chúng. Đơn giản duy trì một trạng thái không thay đổi của tâm là đủ.
Nếu con không thể chống lại một ý nghĩ tham hay sân, hãy lặp lại quá trình kiểm tra này. Khi con có những ý nghĩ, đừng phản ứng lại với sự lo âu, nghĩ rằng, “Tôi không nên có những ý nghĩ trong thiền định! Bây giờ, rất nhiều ý nghĩ đang xảy đến”. Đơn giản hãy nhìn thẳng vào bản tính của bất kỳ ý nghĩ nào – dù nó tích cực hay tiêu cực – và nó sẽ mất đi sức mạnh và biến mất. Không buông bỏ trạng thái tiếp theo, hãy nhẹ nhàng nhìn vào bản tính tâm và các ý nghĩ sẽ tự biến mất. Khi các ý nghĩ không còn xảy đến nối tiếp nhau trong một chuỗi nhanh chóng, con sẽ dần dần có thể giải phóng chúng.
Khi quán sát bản tính tâm, đừng mong chờ sẽ đạt được vài sự chứng ngộ cao cấp hay sâu xa đặc biệt nào hoặc thấy thứ gì đó mới mẻ. Con cũng không nên do dự hay nghi ngờ khả năng thiền định của mình. Hãy cứ tin rằng bản tính của tâm đơn giản là tâm ở trong trạng thái không thay đổi và làm mọi điều có thể để duy trì điều này, không xao lãng, mọi lúc, trong và giữa các thời khóa thiền định. Đừng hy vọng sẽ đạt chứng ngộ chỉ trong vài tháng hay thậm chí vài năm. Dù con có phát triển bất kỳ phẩm tính nào từ sự hành trì hay không, hãy duy trì lòng kiên quyết vững chắc và quyết tâm tiếp tục thực hành với sự tinh tấn, ngày và đêm, trong suốt đời này, các đời tương lai và trạng thái trung ấm (Bardo).
Hãy hiểu điều này: thấu triệt các chỉ dẫn then chốt thì quan trọng hơn nhiều việc thọ nhận rất nhiều giáo lý.
Nói chung, con cần xem cuốn giáo khoa chỉ dẫn Lời Vàng Của Thầy Tôi và kiểm tra xem liệu thực hành của con có hòa hợp với điều mà cuốn sách nói đến. Nếu con nhận thấy điều gì đó không tuân theo, hãy thay đổi; và nếu con thấy thứ gì đó chỉ tuân theo một phần, hãy xem liệu nó có thể được cải thiện.
Hãy khát khao thực hành Giáo Pháp một cách chân chính và đừng bao giờ làm điều gì có thể khiến những anh chị em Pháp hữu của con phiền lòng.
Nói ngắn gọn, hãy hiến dâng bản thân cho Giáo Pháp càng nhiều càng tốt, với thân, khẩu và ý.
Thầy chắc chắn sẽ đến thăm các con và thầy sẽ luôn nhớ cầu nguyện và thực hành để gia hộ cho các con, để mọi mong ước phù hợp với Giáo Pháp của các con đều được thành tựu.
Adam Pearcey chuyển dịch sang Anh ngữ năm 2007.
Nguồn Anh ngữ: https://www.lotsawahouse.org/tibetan-masters/dilgo-khyentse/advice-three-year-retreatants.
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.
[1] Về Dilgo Khyentse Rinpoche, tham khảo https://thuvienhoasen.org/p38a32138/2/tieu-su-dilgo-khyentse-rinpoche-1910-1991-.
[2] Theo Rigpawiki, Kangyur Rinpoche – Longchen Yeshe Dorje (1898-1975) – một đạo sư và Terton vĩ đại từ Tu viện Riwoche ở Kham, miền Đông Tây Tạng; Bổn Sư của Ngài là Đức Jedrung Trinle Jampa Jungne. Khi lưu vong, Ngài sống ở Darjeeling; tại đây, Ngài gặp và giảng dạy một vài trong số những học trò phương Tây đầu tiên của Phật giáo Tây Tạng, trong đó có Matthieu Ricard. Kangyur Rinpoche là cha của Pema Wangyal Rinpoche, Rangdrol Rinpoche và Jigme Khyentse Rinpoche.
Dilgo Khyentse Rinpoche đã công nhận Mingyur Rinpoche (sinh năm 1975) là vị tái sinh của Ngài.
[3] Theo Rigpawiki, Tulku Pema Wangyal Rinpoche hay Taklung Tsetrul Pema Wangyal Rinpoche (sinh năm 1945) là con trai trưởng của đạo sư Đại Viên Mãn Kangyur Rinpoche. Ngài là đạo sư thường trú chính yếu cho các khóa nhập thất ba năm ở Dordogne, Pháp và là vị sáng lập Nhóm Dịch Padmakara [Padmakara Translation Group].
.