BÀI GIẢNG VỀ
LỜI CẦU NGUYỆN BẢY DÒNG – bài thứ nhất
Khenpo Sodargye Rinpoche giảng | Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ
1. Giới Thiệu Ngắn Gọn
Ở đây, chúng ta sẽ học hỏi về công đức của Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng dựa trên Bạch Liên Hoa[1] của Mipham Rinpoche[2]. Chúng ta sẽ cần một vài buổi giảng. Bạch Liên Hoa là một giải thích về Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng, giới thiệu thực hành bên ngoài của lời cầu nguyện – thứ phát lộ nghĩa đen của nó – và các thực hành bên trong cũng như bí mật – thứ phát lộ ý nghĩa ẩn giấu sâu xa của lời cầu nguyện. Dịp này, tôi sẽ chỉ ban giải thích ngắn gọn về những nội dung của thực hành bên ngoài.
1.1. Các Yêu Cầu Với Học Trò
Tốt nhất là thọ nhận quán đỉnh trước khi nghe giáo lý này bởi nó thuộc về thực hành Mật thừa. Nhưng với những vị chưa thọ nhận quán đỉnh Mật thừa mà vẫn mong mỏi lắng nghe giáo lý, điều kiện tiên quyết là có sự xác quyết về sức mạnh và ân phước gia trì của Đức Liên Hoa Sinh và thực hành Mật thừa. Nếu bạn nghĩ rằng, “Kim Cương thừa là con đường dẫn đến điều xấu” hay “Mật thừa chẳng ý nghĩa gì” thì tốt nhất là không nghe giáo lý này bởi nó có thể chẳng làm lợi cho bạn.
Ngày nay, nhiều người có thể đã nhận ra rằng khi bạn thỉnh cầu chư đạo sư trao truyền giáo lý Mật thừa, hầu hết chư vị đều từ chối. Thậm chí nếu một số vị thầy đã đồng ý, chư vị yêu cầu học trò bắt đầu từ nền tảng. Vì thế, lần này, tôi sẽ trao cho các bạn sự giới thiệu ngắn gọn về lợi lạc của Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng, một lời cầu nguyện quan trọng từ truyền thống Kim Cương thừa, dựa trên Bạch Liên Hoa, nhưng sẽ không giảng dạy các thực hành bên trong, bí mật và cực mật. Trong tương lai, khi có cơ hội thích hợp, tôi có thể sẽ trao cho các bạn giáo lý về những phần này.
1.2. Cách Mà Tôi Sẽ Giảng Dạy
Lần này, tôi sẽ chỉ đưa ra một sự giải thích theo nghĩa đen bằng cách tuân theo Bạch Liên Hoa. Tôi sẽ không trích dẫn nhiều bằng chứng về giáo lý và lý thuyết như chúng ta thường làm khi giảng dạy những bản văn khác, bởi thế là đủ để các bạn biết được ân phước gia trì và sức mạnh phi phàm của lời cầu nguyện này, như là những lời kim cương của chư vị tôn quý.
1.3. Tại Sao Lại Ban Giáo Lý Này
Hằng năm, tôi đều ban một vài giáo lý Mật thừa cho những hành giả đạo hữu trong Học viện[3], bao gồm một số sự giới thiệu về công đức của Kim Cương thừa, chỉ dẫn về các thực hành Mật thừa hay những chỉ dẫn cốt tủy khác. Và lần này, tôi quyết định ban một giải thích về Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng, cùng với một sự giới thiệu về công đức của việc trì tụng lời cầu nguyện này; nó thuộc về thực hành Mật thừa nhưng là một [thực hành] tương đối đơn giản. Nhờ đó, bạn sẽ đạt được sự hiểu tốt hơn về truyền thống Mật thừa và phát khởi niềm tin mạnh mẽ hơn với nó.
2. Hiểu Kim Cương Thừa Là Chuyện Quan Trọng
Hiểu Kim Cương thừa là chuyện quan trọng. Có những trường hợp mà một số anh chị em đạo hữu từ bỏ hoặc thậm chí phỉ báng Mật thừa hay Kim Cương thừa bởi thiếu hiểu biết về lịch sử và công đức. Vì vậy, điều vô cùng cần thiết với các bạn là học hỏi về Phật giáo Tây Tạng, đặc biệt là truyền thống Mật thừa của nó, ở mức độ sâu sắc, nhờ đọc các cuốn sách đáng tin cậy hay trao đổi với những vị thầy hoặc hành giả đủ phẩm tính. Bởi vì, khi đã đạt được một sự hiểu đầy đủ về Phật giáo Tây Tạng, bạn sẽ nhận được những lợi lạc lớn lao và cả cuộc đời bạn sẽ được chuyển hóa; nếu không, có thể là bạn từ bỏ giáo lý Mật thừa sâu xa hay thậm chí tìm lỗi trong đó hoặc phỉ báng và do đó, tích lũy ác nghiệp. Vì vậy, tôi thực sự hy vọng các bạn sẽ trưởng dưỡng một tri kiến đúng đắn với Mật thừa nhờ xem xét tỉ mỉ, tổng thể về nguồn gốc lịch sử, sự phát triển và v.v. Bằng cách có được hiểu biết trọn vẹn về Phật giáo Tây Tạng, bạn sẽ không dễ dàng tuân theo quan điểm phổ biến nhưng sai lầm về nó; bạn cũng sẽ không dễ dàng từ bỏ hay thậm chí phỉ báng.
2.1. Đi Từng Bước
Hiện nay, nhiều đạo hữu đã du hành cả chẳng đường xa đến Học viện để tham dự khóa học; điều này cho thấy niềm say mê Giáo Pháp của họ. Tuy nhiên, một số đến đây chỉ vì các chỉ dẫn cốt tủy trong khi chưa xây dựng nền móng cần thiết cho chúng. Trong trường hợp này, thực hành Mật thừa dứt khoát chẳng dễ dàng với họ. Tại sao? Bởi dưới ảnh hưởng của gia đình và xã hội, nhiều hành giả lớn lên mà chẳng có kiến thức về luật nhân quả, chứ đừng nói đến kiến thức về Kim Cương thừa. Sau đấy, nhờ nghiệp lực tích cực, họ bước vào con đường của Phật giáo. Tiếp đó, khi họ bước vào con đường của Mật thừa, họ tìm kiếm cấp độ thực hành cao nhất, điều mà bởi thiếu nền tảng vững chắc có thể dẫn đến sự dao động hay hoàn toàn mất niềm tin với truyền thống Mật thừa.
Vì lý do này, để không thất bại, các đạo hữu cần phải bước đi dần dần khi mà tuân theo con đường của Mật thừa. Hãy bắt đầu bằng cách tìm hiểu về lô-gic và lợi lạc của nó cùng với các thực hành căn bản nhất; sau đó, hãy di chuyển dần dần đến các thực hành Mật thừa sâu xa. Theo cách này, tâm chúng ta sẽ được chuyển hóa tốt đẹp và chúng ta sẽ không dễ dàng thoái lui trên con đường. Thực sự, nhiều hành giả Giáo Pháp vô cùng trân trọng việc học hỏi Giáo Pháp và họ để lại đằng sau gia đình, công việc cùng nhiều thứ khác mà trước kia họ đã đặc biệt trân trọng, để tìm kiếm Giáo Pháp ở chốn cô tịch. Tuy nhiên, nếu họ không có một cách tiếp cận mang tính hệ thống trong nghiên cứu, kết quả sẽ không tuyệt vời như họ mong chờ và cuối cùng, họ sẽ rất nản lòng.
Bởi vậy, bất chấp sự thật rằng nhiều đạo hữu có sự tin tưởng lớn lao với Kim Cương thừa và xứng đáng thọ nhận những chỉ dẫn cốt tủy thù thắng, cùng lúc, cả đạo sư và đệ tử cần phải thận trọng về kiểu lý thuyết hay thực hành nào thích hợp để người học trò bắt đầu. Nếu người ta hấp tấp tìm kiếm những giáo lý Mật thừa và vị thầy lại truyền một thực hành sâu xa như vậy cho học trò mà không cẩn thận xem xét, tôi sợ rằng một ngày nào đó, vị thầy có thể sẽ hối tiếc vì đã ban giáo lý đó và học trò cũng sẽ không được lợi nhiều từ đó. Trong trường hợp này, giáo lý sẽ hầu như không đem đến lợi lạc nào bất kể nó phi phàm đến đâu. Đó là lý do Đức Phật nói trong nhiều Kinh điển khác nhau rằng một đạo sư cần giảng dạy tùy theo căn cơ của đệ tử, điều khá quan trọng. Trong quá khứ, chư đạo sư vĩ đại của Ấn Độ và Tây Tạng hiểu rõ thiên hướng và căn cơ của những người khác nhau và vì thế, ban giáo lý ở các mức độ khác nhau một cách tương ứng. Nhưng ngày nay, thật khó để đa phần mọi người gặp được một đạo sư vĩ đại đến vậy. Dẫu sao, chúng ta cũng cần thận trọng và khôn ngoan và dần dần hiểu được tính chân thật của Phật giáo Tây Tạng để không dễ dàng thoái lui.
2.2. Tìm Hiểu Sâu Sắc Và Trưởng Dưỡng Tín Tâm
Sự hiểu đúng đắn về Phật giáo Tây Tạng là điều vô cùng quan trọng, đặc biệt vào thời kỳ hiện nay. Một số thầy tu và trí thức Phật giáo, những vị tuyên bố đã nghiên cứu và tìm hiểu về Phật giáo Mật thừa, lại thiếu kiến thức căn bản về lịch sử và thực hành của nó; vì thế, sự nghiên cứu của họ chỉ đơn thuần mang tính học thuật. Kết quả là, họ chưa đạt được bất kỳ lợi lạc nào từ cam lồ của Phật giáo Mật thừa. Vì lý do này, cần phải có sự hiểu thực sự về Phật giáo Mật thừa và trưởng dưỡng niềm tin. Sau đấy, bạn sẽ biết nó thù thắng đến nhường nào.
Hãy lấy tôi làm ví dụ; tất cả những năm tháng nghiên cứu Giáo Pháp này, mỗi buổi học hỏi về lý thuyết Mật thừa và mỗi kinh nghiệm từ việc tham gia vào thực hành Mật thừa, bao gồm cả việc trì tụng các Chân ngôn, đã và đang tăng cường sự xác quyết của tôi với Kim Cương thừa. Sự nghiên cứu này cùng với các thực hành đã khiến tôi nhận ra rằng Phật giáo Mật thừa là chân lý và vì thế, tâm trí tôi đồng tình và đi theo nó. Phật giáo Mật thừa không phải là điều gì đó có vẻ hấp dẫn nhưng thực sự lại chẳng có gì sâu xa hay đặc biệt trong giáo lý cũng như thực hành. Thực sự, nó phát lộ tính sâu xa khi mà người ta học hỏi và thực hành một cách tỉ mỉ. Chỉ khi ấy, người ta mới biết được bản tính phi phàm của nó.
3. Tại Sao Mật Thừa Lại Phi Phàm
Một cách để hiểu được sự xuất sắc của Kim Cương thừa là trước tiên nhận ra giá trị của Phật giáo. Khi bạn hiểu được sự phi phàm của Phật giáo thì bạn sẽ nhận ra Mật thừa phi phàm đến thế nào, bởi nó giữ vị trí quan trọng trong Phật giáo.
3.1. Sự Công Nhận Mang Tính Quốc Tế Về Giá Trị Của Phật Giáo
Ngày nay, Phật giáo được công nhận và chấp nhận rộng khắp là xuất sắc trong tất cả các triết học và kiến thức. Nhiều nhà nghiên cứu khoa học hay học giả tôn giáo, từ một quan điểm công bằng và khách quan, xem Phật giáo là rất đặc biệt. Lý do đầu tiên là quan điểm của Phật giáo về lòng bi mẫn, đối xử công bằng với mọi hữu tình chúng sinh, con người và các sinh vật khác, không thể được tìm thấy trong bất kỳ tôn giáo nào khác. Lý do thứ hai là tính phổ quát và khoan dung của trí tuệ Phật giáo không thể dễ dàng tìm thấy trong các truyền thống tâm linh khác. Trong một số truyền thống khác, thường có những trường hợp về bạo lực hay trường hợp gây ra phiền não. Bên cạnh đó, giáo lý Phật Đà rất toàn diện, điều khá độc đáo.
Tháng 7 năm 2009, Liên Minh Quốc Tế Vì Sự Tiến Bộ Của Tôn Giáo Và Tâm Linh (ICARUS) đặt trụ sở ở Geneva đã mời hơn 200 lãnh đạo tôn giáo từ mọi nền tâm linh trên thế giới để bầu chọn “Tôn Giáo Tốt Nhất Trên Thế Giới”. Thật thú vị là nhiều lãnh đạo tôn giáo đã bầu cho Phật giáo thay vì tôn giáo của riêng họ. Cuối cùng, ICARUS đã trao giải thưởng quốc tế này cho Phật giáo mặc dù các Phật tử thực sự chỉ chiếm thiểu số nhỏ bé trong các thành viên của ICARUS.
Sau khi công bố bên giành được giải thưởng, nhiều phóng viên đã phỏng vấn một số thành viên bình chọn trong hội nghị này. Jonna Hult, Giám Đốc Nghiên Cứu của ICARUS nói rằng, “Tôi chẳng ngạc nhiên khi Phật giáo giành giải Tôn Giáo Tốt Nhất Trên Thế Giới, bởi chúng ta không thể tìm được theo nghĩa đen một ví dụ nào về một chiến tranh được tìm thấy nhân danh Phật giáo”. Với ông ấy, các Phật tử “thực hành điều mà họ thuyết giảng đến một mức độ mà chúng ta đơn giản không thể chứng minh bằng tài liệu với bất kỳ truyền thống tâm linh nào khác”.
Một linh mục Thiên chúa, Cha Ted O’Shaughnessy nói rằng, “Càng yêu mến Công giáo, tôi càng thấy phiền lòng rằng chúng tôi thuyết giảng về tình yêu thương trong kinh văn nhưng rồi lại tuyên bố về việc biết được ý của Chúa khi giết hại người khác. Vì lý do đó, tôi thực sự đã bỏ phiếu cho các Phật tử”.
Tal Bin Wassad, một giáo sĩ Hồi giáo, đồng tình, “Là một tín đồ Hồi giáo thuận thành, tôi có thể thấy mức độ mà sân hận và đổ máu được truyền vào sự biểu hiện tâm linh thay vì giải quyết ở một cấp độ cá nhân. Các Phật tử đã giải quyết được chuyện đó”.
Rabbi Shmuel Wasserstein nói, “Dĩ nhiên, tôi yêu mến đạo Do Thái và tôi nghĩ đó là tôn giáo vĩ đại nhất trên đời. Nhưng thành thật mà nói, tôi đang thực hành thiền Vipassana mỗi ngày trước Minyan (lời cầu nguyện hằng ngày của người Do Thái) từ năm 1993. Do vậy, tôi đã chọn nó”.
Giám Đốc ICARUS nói rằng họ vốn dự định trao giải “Tôn Giáo Tốt Nhất Trên Thế Giới” cho các lãnh đạo từ nhiều truyền thừa trong cộng đồng Phật giáo. Tuy nhiên, không có cộng đồng Phật giáo nào đòi hỏi giải thưởng này. “Mọi Phật tử mà chúng tôi kêu gọi đều quả quyết rằng họ không muốn giải thưởng”, ông ấy nói. Khi được hỏi tại sao cộng đồng Phật giáo Miến Điện từ chối giải thưởng, một tu sĩ Phật giáo từ Miến Điện nói rằng, “Chúng tôi biết ơn vì sự công nhận đó, nhưng chúng tôi trao giải thưởng này cho tất cả nhân loại, bởi Phật tính nằm trong mỗi người chúng ta”.
Ngay cả khi giành được một vinh dự như vậy, những cộng đồng Phật giáo này vẫn khiêm nhường và điềm tĩnh. Đó là sự hiển bày của tinh thần vị tha, điều đến từ những giáo lý Phật giáo chẳng nhấn mạnh vào sự mong cầu lợi ích cá nhân hay danh tiếng.
Sự kiện này cho thấy sự thật rằng Phật giáo, với trí tuệ xuất sắc và tinh thần từ ái, được công nhận rộng khắp.
3.2. Sự Xuất Sắc Của Mật Thừa
Từ đó, bạn có thể hiểu được sự xuất sắc của Phật giáo. Nếu bạn hiểu điểm này, việc bạn trưởng dưỡng niềm tin với Kim Cương thừa sẽ trở nên dễ dàng hơn, bởi nó nằm ở tâm của truyền thống Phật giáo Đại thừa trong Phật giáo. Sự thật rằng Kim Cương thừa giữ một vị trí quan trọng trong truyền thống Đại thừa có lẽ không được công nhận bởi một số đạo sư của truyền thống Kinh thừa; điều này có thể hiểu được bởi thời kỳ đầu, chư vị hiếm khi được tiếp cận với giáo lý Mật thừa. Tuy nhiên, nếu có thời gian để hiểu về Mật thừa, họ sẽ công nhận nó; và càng học hỏi, họ sẽ càng nhận ra sự xuất sắc của nó, chẳng hạn ân phước gia trì mạnh mẽ và công đức phi phàm. Vì thế, những vị với gốc rễ thiện lành và niềm tin với Phật giáo Đại thừa cần có thể dần dần chấp nhận nó.
4. Bắt Đầu Từ Các Thực Hành Sơ Khởi
Nếu chúng ta muốn thực hành Kim Cương thừa, hãy giữ trong tâm tầm quan trọng của cách tiếp cận mang tính hệ thống về nghiên cứu và thực hành Giáo Pháp. Khi bạn đi theo con đường này của Mật thừa, xin hãy bắt đầu từ việc đạt được sự hiểu căn bản bằng cách học hỏi tiểu sử của chư đạo sư truyền thừa và các thực hành Mật thừa căn bản. Sau đấy, bạn có thể tiếp cận thêm các Giáo Pháp sâu xa hơn về giai đoạn phát triển và giai đoạn hoàn thiện, cũng như thực hành sâu xa nhất của Dzogchen [Đại Viên Mãn] hay Mahamudra [Đại Thủ Ấn]. Sẽ thật nguy hiểm nếu bạn nhảy thẳng vào các thực hành Mật thừa sâu xa nhất mà không hiểu được những nền tảng.
Đi theo Mật thừa không đơn giản như một số người vẫn nghĩ. Chúng ta cần thiết lập một nền tảng thật tốt cho thực hành Mật thừa nhờ các thực hành sơ khởi. Tôi thường hỏi nhiều đạo hữu về cảm xúc và trải nghiệm của họ trên con đường tâm linh và nhiều người nói rằng trước kia, trọng tâm của họ chủ yếu về triết học Phật giáo. Nhưng trong những năm gần đây, khi họ bắt đầu tham gia vào các thực hành sơ khởi, chẳng hạn thiền định về tính vô thường của cuộc đời hay Đạo Sư Du Già, họ nhận được sự gia trì phi phàm và có được vài kinh nghiệm tâm linh đặc biệt. Điều đó khiến họ nhận ra tầm quan trọng của sự hành trì, bởi nó vận hành để hòa quyện sự gia trì của chư Phật, chư Bồ Tát và đạo sư vào tâm, điều khiến người ta dễ dàng có được sự tiến bộ và chứng ngộ tâm linh. Nếu không, đạt đến một sự chứng ngộ nhất định chỉ nhờ học hỏi lý thuyết hay tranh luận triết học, điều chủ yếu liên quan đến các ý nghĩ quan niệm của bản thân, là chuyện khá khó khăn.
5. Kính Lễ & Cầu Khẩn
5.1. Kính Lễ
Namo Guru Padma Manjushri Vajra Tikshnaya!
Đây là một lời cầu nguyện đến Đức Liên Hoa Sinh được phiên âm từ Phạn ngữ.
5.2. Cầu Khẩn
Kim Cương Trì, Ngài thực sự là tất cả chư Phật ba thời,
Đấng Hồ Sinh, xuất hiện là một hóa hiện trên thế giới này,
Thân của trí tuệ bất diệt, thủ lĩnh của chư Trì Minh,
Liên Hoa Sinh, hỡi đấng vinh quang, giờ đây xin hãy bảo vệ con, kẻ lang thang này!
Bản tính của chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai là Kim Cương Trì, vị xuất hiện trước hữu tình chúng sinh trong thế giới này là Đấng Hồ Sinh, cũng được biết đến là Liên Hoa Sinh (Padmasambhava). Đã đạt được trí tuệ bất diệt, Ngài là vị thống lĩnh hàng vạn vị Trì Minh hay Vidyadhara. Chúng ta cầu khẩn Ngài, Đức Liên Hoa Sinh vinh quang, bảo vệ chúng ta, những chúng sinh đáng thương, trong thời kỳ suy đồi hiện nay.
Càng cần khẩn Đức Liên Hoa Sinh, ân phước gia trì chúng ta thọ nhận từ Ngài sẽ càng mạnh mẽ. Khi ân phước gia trì tan hòa vào tim chúng ta, sự hành trì của chúng ta sẽ thành công không gì vướng mắc. Hiện tại, khi Giáo Pháp suy giảm, các tinh linh xấu ác và dị giáo cực kỳ tích cực và những bám chấp sai lầm cùng với ý nghĩ tiêu cực của chúng ta có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào. Trong thời kỳ tăm tối như vậy, thật khó khi cố gắng hoàn thành thực hành nhờ nỗ lực yếu kém của bản thân mà không nương tựa vào sự hỗ trợ của một lực mạnh mẽ phi phàm. Vì thế, lặp đi lặp lại, tôi khẩn khoản yêu cầu các bạn, những kim cương hữu của tôi, cầu nguyện liên tục đến Đạo Sư Liên Hoa Sinh với sự xác quyết mạnh mẽ. Nếu các bạn làm vậy, sự hành trì của các bạn sẽ suôn sẻ từ đầu đến cuối.
Bông sen của tim con, với niềm tin ba phần,
Hướng về mặt trời của Đấng Chiến Thắng quyền uy
Và bung nở trong sự huy hoàng của ân phước gia trì.
Cầu mong những giọt mật ong của sự giải thích này dịu dàng rơi xuống
Và thỏa mãn mong ước của những kẻ may mắn!
Khi mặt trời chiếu sáng, hoa sen nở và những giọt mật ong phát triển, chỉ được nếm bởi kẻ may mắn. Giống như vậy, khi mặt trời ân phước gia trì của Như Lai chiếu sáng, bông sen trí tuệ của niềm tin của Mipham Rinpoche bung nở và những giáo lý này đến một cách tự nhiên, được tận hưởng bởi kẻ may mắn, những vị có thiên hướng nghiệp đặc biệt với chúng.
6. Vua Của Mọi Lời Cầu Nguyện
Trong mọi lời cầu nguyện đến đạo sư vĩ đại và vinh quang xứ Oddiyana, hiện thân của tất cả chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai, lời cầu khẩn gồm bảy đoạn kim cương là thù thắng. Nó khởi lên một cách không gượng ép như là tiếng dội vang tự nhiên của sự thực rốt ráo không thể phá hủy và là nguồn ân phước gia trì và thành tựu lớn lao.
Có nhiều lời cầu nguyện đến Guru Rinpoche, nhưng vua của tất cả là Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng. Lời cầu nguyện này không được biên soạn bởi chính Đức Liên Hoa Sinh. Nó là một lời cầu nguyện mà chư Phật mười phương dùng để khẩn nài Đức Liên Hoa Sinh quang lâm. Phát ra tự nhiên từ bầu trời khi ân phước gia trì và trí tuệ của chư Phật ba đời hội tụ lại, giống như Mật điển Vị Kế Thừa Duy Nhất Của Giáo Lý, lời cầu nguyện này là cội nguồn hay kho tàng của tất cả ân phước, mọi công đức và thành tựu.
Để lại những ý nghĩa bên trong hay bí mật sâu xa, chỉ bằng cách tìm hiểu ý nghĩa bên ngoài mà Mipham Rinpoche giải thích ở đây, chúng ta có thể thấy lời cầu nguyện này tuyệt vời làm sao, mặc dù nó chỉ gồm bảy dòng. Bởi lời cầu nguyện này thật lợi lạc, bạn có thể tìm thấy nó trong mỗi bản văn kho tàng của 108 Terton của Tây Tạng. Đó cũng là lý do mà mỗi Pháp Hội ở Tây Tạng, đặc biệt là Pháp Hội của truyền thống Nyingma, đều bắt đầu bằng việc trì tụng ba biến Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng.
Chừng nào bạn còn cầu nguyện với niềm tin và lòng sùng mộ chân thành, Guru Rinpoche, cũng như chư Phật mười phương, Tam Gốc, Hộ Pháp và tất cả những bậc tôn quý khác, sẽ tập hợp lại trước bạn và ban gia trì cùng quán đỉnh cho bạn. Điều đó giống như một đứa bé lang thang trên đường phố đông đúc. Hoàn toàn bị lạc và đơn độc, chẳng được ai chăm sóc, đứa bé thiết tha gọi mẹ nó, người sau đó tự nhiên xuất hiện, đem đến cho nó cảm giác an ủi và an toàn. Trong thời kỳ suy đồi tăm tối này, thậm chí nếu chúng ta thực sự muốn sự hành trì Giáo Pháp của bản thân được thành công không gặp vấn đề, có lẽ vẫn có một số khó khăn nếu chúng ta chỉ nương tựa vào nỗ lực của riêng mình. Vì thế, điều vô cùng quan trọng là cầu nguyện đến đạo sư của chúng ta, chư Hộ Pháp và chư Tôn, đặc biệt là Đức Liên Hoa Sinh.
7. Lợi Lạc Của Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng Ghi Lại Trong Một Terma
Trong nghi quỹ về Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng từ một kho tàng Giáo Pháp của Tổ Pema Garwang Chime Yungdrung Lingpa, Guru Rinpoche tuyên bố [với Vua Trisong Detsen và những vị đồng hành],
Phần tiếp theo là một Terma (bản văn kho tàng) được phát lộ bởi Đức Pema Garwang Chime Yungdrung Lingpa, vị cũng được biết đến là Jamgon Kongtrul Lodro Thaye[4], thứ miêu tả lợi lạc của lời cầu nguyện này. Là một vị sống cùng thời với Đức Jamyang Khyentse Wangpo[5], Ngài là một Terton vĩ đại và cũng là đạo sư tâm linh của Mipham Rinpoche. Tiểu sử của Ngài được ghi lại trong cuốn Trường Phái Nyingma Của Phật Giáo Tây Tạng – Nền Tảng Và Lịch Sử[6] cũng như trong nhiều ghi chép lịch sử khác. Ngài đã biên soạn hơn chín mươi tập trước tác trong đời, bao gồm cả Năm Kho Tàng Vĩ Đại nổi tiếng.
Trong một số bản tiểu sử của Ngài, có đoạn miêu tả những công đức tuyệt hảo của Ngài: Về các trước tác, dường như Ngài dành cả cuộc đời để viết những cuốn sách; nhưng về những Terma (bản văn kho tàng) mà Ngài phát lộ, dường như Ngài dành trọn đời để làm lợi hữu tình chúng sinh bằng các Terma và v.v. Về mọi mặt, các hoạt động làm lợi hữu tình chúng sinh và hoằng dương Giáo Pháp của Ngài đều cực kỳ mở rộng và tuyệt diệu.
7.1. Pháp Thân Và Báo Thân
Khi Ta, Liên Hoa Tổng Trì,
Đang trụ trong định trong cõi giới bao la, nguyên sơ,
Ta được cầu khẩn bằng âm thanh kim cương, sự hiển bày của sự thực rốt ráo,
Giai điệu tự hiển bày bằng bảy dòng.
Khi ấy, Ta khởi lên với sự huy hoàng vô biên của Báo thân,
Phát lộ một hàng ngũ chư Phật cùng các cõi tràn khắp không gian của chư vị,
Được phú bẩm sự chắc chắn năm phần.
Lúc bắt đầu, Đức Liên Hoa Sinh an trú trong một bông sen và duy trì trong cõi giới của các hiện tượng [tức Pháp giới], trạng thái nguyên sơ thoát khỏi mọi tạo tác và vượt khỏi sự diễn tả. Sau đấy, âm thanh tuyệt vời của Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng khởi lên tự nhiên từ sự hiển bày của sự thực rốt ráo, nhờ sức mạnh tập thể của chính sự thực rốt ráo và công đức từ thiện nghiệp của hữu tình chúng sinh. Lời cầu khẩn du dương tuyệt vời này khiến Đức Liên Hoa Sinh khởi lên từ trạng thái của Pháp thân và hiển bày dưới dạng Báo thân với sức mạnh vô lượng.
Như chúng ta đều biết, Báo thân có năm sự chắc chắn liên quan đến thân tướng của đạo sư, các đệ tử, giáo lý, thời gian và địa điểm. Năm sự chắc chắn này bao trùm sự bao la của hư không rỗng rang và hiển bày trong sự huy hoàng của một cõi Phật. Điều này nghĩa là trong một cõi của Báo thân sở hữu năm sự chắc chắn và theo cách thức tự khởi, Đức Liên Hoa Sinh giảng dạy Giáo Pháp thù thắng, thứ chẳng thể diễn tả với đoàn tùy tùng của Ngài.
7.2. Nửa Hóa Thân Nửa Báo Thân[7]
Sau đó, năm mẹ tôn quý của cõi giới rốt ráo
Bằng bài ca bảy dòng, cầu khẩn Ta hành động vì chúng sinh.
Và vì thế, trên một bông sen nở nhô lên phía trên cuống,
Giữa đại dương sữa trong cõi đại lạc, Ta đã hiển bày,
Được biết đến là Thotreng, Tràng Sọ, trong truyền thừa năm phần.
Cuộc đời và hoạt động của Ta thật chẳng thể tưởng tượng.
Vào khoảnh khắc đó, năm mẹ [Phật Mẫu] của năm gia đình, tức Mamaki của Bảo Sinh Bộ, Buddhalochana của Kim Cương Bộ, Dhatvishvari của Phật Bộ, Pandavarasini của Liên Hoa Bộ và Samayatara của Sự Nghiệp Bộ, đồng giọng cất lên giai điệu tuyệt vời của Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng Kim Cương để cầu khẩn Báo thân Liên Hoa Sinh hành động vì chúng sinh. Lúc ấy, một bông sen nở xuất hiện giữa đại dương sữa ở cõi Tây Phương Tịnh Độ Cực Lạc và Đạo Sư Liên Hoa Sinh hiển bày trên đó là Pema Thotreng Tsal của truyền thừa năm phần, tức là Liên Hoa Sinh của Bảo Sinh Bộ, Liên Hoa Sinh của Kim Cương Bộ, Liên Hoa Sinh của Phật Bộ, Liên Hoa Sinh của Liên Hoa Bộ và Liên Hoa Sinh của Sự Nghiệp Bộ. Cuộc đời và các hoạt động làm lợi chúng sinh của Ngài là vô lượng vô biên. Điều đó nghĩa là trong cõi Cực Lạc, Đạo Sư Liên Hoa Sinh làm lợi lạc hữu tình chúng sinh dưới dạng Nửa Hóa Thân Nửa Báo Thân.
7.3. Hóa Thân
a) Cách mà Đức Liên Hoa Sinh đến thế giới của chúng ta
Và sau đó, một trăm triệu Không Hành Nữ trí tuệ,
Cùng một giọng gọi Ta
Rằng Ta cần hoằng dương giáo lý Chân ngôn Bí mật,
Khẩn nài Ta bằng bài ca bảy dòng
Hãy đến thế giới này,
Cõi mà [Phật] Thích Ca Mâu Ni đã điều phục.
Và vì thế trong vùng đất Orgyen, cái nôi của Chân ngôn,
Giữa Hồ Dhanakosha, trên bông sen tuyệt diệu mọc lên từ cuống,
Xuất hiện từ cõi hỷ lạc, Ta đã đến.
Do đó, Ta được biết đến là ‘Hồ Sinh Kim Cương’.
Sau đấy, một trăm triệu Không Hành Nữ trí tuệ đã hát Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng tuyệt vời với cùng một giọng, cầu khẩn Đạo Sư Liên Hoa Sinh đến thế gian này từ cõi Phật Cực Lạc để hoằng dương Kim Cương thừa thù thắng tại Nam Thiệm Bộ Châu, nơi Phật Thích Ca Mâu Ni đã điều phục chúng sinh. Chư vị cầu nguyện và rồi những nhân và duyên thích hợp xuất hiện. Kế đó, trong cõi của Phật Thích Ca Mâu Ni, ở vùng đất Oddiyana – cái nôi của Chân ngôn thừa, trên một hòn đảo giữa hồ Dhanakosha, một bông hoa sen rất hiếm đã nở. Tiếp theo, Phật Vô Lượng Quang [A Di Đà] trong cõi Phật Cực Lạc đã phóng chữ HRIH (ཧྲཱི) từ tim Ngài, thứ giáng hạ xuống nhụy của bông sen này. Chủng tự này biến thành một bé trai khôi ngô. Lúc ấy, Vua Indrabhuti đến hồ này và gặp được cậu bé. Sau đó, ông ấy đưa cậu bé về vương quốc và phong làm thái tử. Đây là lý do Đức Liên Hoa Sinh cũng được biết đến là “Hồ Sinh Kim Cương”. Phần này giải thích cách mà Đức Liên Hoa Sinh đã đến Nam Thiệm Bộ Châu trong hình tướng Hóa thân.
Ngoài ra, theo các giáo lý của nhiều đạo sư vĩ đại, Đạo Sư Liên Hoa Sinh là hóa hiện hợp nhất của Phật Vô Lượng Quang, Phật Thích Ca Mâu Ni và Quán Thế Âm. Vì vậy, những người bình phàm và thậm chí một số Bồ Tát cũng thấy thật khó để chấp nhận hay hiểu về sự hiển bày và các hoạt động vi diệu của Ngài.
b) Sự hiển bày kỳ bí của việc Đạo Sư Liên Hoa Sinh sống ở Tây Tạng
Đấy có lẽ là lý do mà có nhiều tranh cãi xung quanh việc Đạo Sư Liên Hoa Sinh đã sống ở Tây Tạng bao lâu. Một số phiên bản nói rằng Ngài chỉ ở lại vài tháng, chẳng hạn ba, sáu, mười hai hay mười tám tháng; một số nói vài năm, chẳng hạn ba, sáu hay mười hai năm; và một số khác nói rằng Ngài ở lại hơn năm mươi năm hay 111 năm và v.v. Tuy nhiên, quan điểm được chấp nhận phổ biến nhất là Đạo Sư Liên Hoa Sinh đã hóa hiện trước hầu hết người Tây Tạng và những hữu tình chúng sinh may mắn và duy trì ở Tây Tạng trong hơn năm mươi năm. Cuốn sách Trường Phái Nyingma Của Phật Giáo Tây Tạng – Nền Tảng Và Lịch Sử của Dudjom Rinpoche ghi lại rằng Guru Rinpoche đã đến Tây Tạng khi Vua Trisong Detsen hai mươi mốt tuổi và ở lại Tây Tạng thêm mười sáu năm nữa sau khi Đức Vua qua đời ở tuổi bốn mươi chín. Vậy thì tại sao một số tài liệu lịch sử lại nói rằng Đức Liên Hoa Sinh sống ở Tây Tạng trong một khoảng thời gian ngắn hơn nhiều? Dudjom Rinpoche giải thích rằng trước những thượng thư xấu xa, Đức Liên Hoa Sinh xuất hiện một khoảng thời gian ngắn hơn rất nhiều. Thực sự, khi Guru Rinpoche hiển bày là rời vùng Tây Tạng, thân thực sự của Ngài du hành từ nơi này đến nơi khác, ban gia trì cho toàn bộ Xứ Tuyết.
Nhờ sức thần thông và ân phước gia trì tuyệt vời của Guru Rinpoche, cũng như sự bảo hộ của vô vàn Hộ Pháp, Phật giáo Tây Tạng vẫn thịnh vượng và trọn vẹn cho đến tận ngày nay và không truyền thống tôn giáo nào khác có thể thâm nhập Tây Tạng. Vì vậy, điều vô cùng quan trọng là chúng ta liên tục cầu nguyện Đạo Sư Liên Hoa Sinh bảo vệ trung tâm Giáo Pháp hay sự hành trì Giáo Pháp của chính chúng ta. Thực sự thì có nhiều đạo sư vĩ đại vô cùng trân trọng thực hành Liên Hoa Sinh và nhờ liên tục dấn thân vào thực hành này, thực hành tâm linh của chư vị không bị phiền nhiễu hay gián đoạn bởi bất kỳ chướng cản nào.
7.4. Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng – Gốc Rễ Của Mọi Giáo Pháp
a) Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng là gốc rễ của mọi Giáo Pháp
Phát lộ những điều diệu kỳ chẳng thể nghĩ bàn,
Các hình tướng tuyệt diệu của Ta là vô số.
Vì chư Không Hành Nam và Không Hành Nữ của hồ,
Ta tuyên thuyết tinh túy bí mật của những giáo lý vô cùng bí mật:
Một trăm triệu Mật điển, trích yếu [Agama] và chỉ dẫn cốt tủy [Upadesha]
Của Huyễn Võng Liên Hoa,
Để giúp những kẻ đang sống và tất cả những vị sẽ xuất hiện,
Tùy theo thiên hướng khác biệt của họ.
Khi Đức Liên Hoa Sinh đến cõi người, Ngài hiển bày những hình tướng tuyệt diệu khác nhau trước hữu tình chúng sinh và làm họ lợi lạc bằng nhiều hóa hiện tuyệt diệu khác nhau. Đặc biệt, vì lợi lạc của hữu tình chúng sinh thời điểm đó và vì những vị trong tương lai và trước những chúng sinh với căn cơ và thiên hướng khác nhau, chẳng hạn Không Hành Nữ, Kim Cương Không Hành và con người, Đức Liên Hoa Sinh giảng dạy vô số tinh túy bí mật chẳng thể nghĩ bàn của Giáo Pháp, tức các Kinh điển, Mật điển, học thuyết và chỉ dẫn cốt tủy, chẳng hạn Huyễn Võng Liên Hoa và nhiều [giáo lý] khác.
Những giáo lý này đều được cô đọng lại
Trong các nghi quỹ về Ta, Đạo Sư –
Ta chính là hiện thân của Tam Gốc.
Lời cầu nguyện bảy dòng là gốc của tất cả các nghi quỹ này.
Trong nền tảng, những dòng này bao hàm
Bảy kiểu của thức;
Trên con đường, chúng đại diện
Bảy nhánh giác ngộ;
Và khi đạt được kết quả, chúng hoàn thiện
Thành bảy sự giàu có linh thiêng của điều rốt ráo.
Đức Liên Hoa Sinh đã giảng dạy cho hữu tình chúng sinh với những thiên hướng khác nhau các Kinh điển, Mật điển và chỉ dẫn cốt tủy tuyệt vời và tất cả những Giáo Pháp này, thực sự, có thể được tóm lược lại thành các thực hành của Tam Gốc – Đạo Sư, Bổn tôn và Không Hành Nữ. Và tất cả các thực hành Tam Gốc có thể nằm trọn trong thực hành về Đạo Sư Liên Hoa Sinh. Nhưng thậm chí chỉ xét đến các thực hành về Đạo Sư Liên Hoa Sinh, cũng có rất nhiều. Mỗi bản văn Terma hay trước tác của mỗi đạo sư có thể có những kiểu thực hành Liên Hoa Sinh khác nhau – một số là thực hành về Liên Hoa Sinh an bình và một số là thực hành Liên Hoa Sinh phẫn nộ. Sau đấy, mỗi Terma về Liên Hoa Sinh an bình lại gồm nhiều nghi quỹ khác nhau. Tuy nhiên, tất cả các thực hành Liên Hoa Sinh đều nằm trọn trong Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng.
Nó không chỉ bao gồm mọi thực hành về Đạo Sư, Bổn tôn và Không Hành Nữ mà còn tất cả Giáo Pháp của nền tảng, con đường và kết quả. Ở cấp độ nền tảng, nó bao trùm mọi Giáo Pháp của bảy kiểu thức; ở cấp độ con đường, nó bao trùm mọi Giáo Pháp của bảy yếu tố giác ngộ; và ở cấp độ kết quả, nó bao trùm mọi Giáo Pháp của bảy sự giàu có linh thiêng của điều rốt ráo. Do vậy, lời cầu nguyện này bao trùm tất cả.
b) Phát âm Lời Cầu Nguyện
Bởi gốc rễ của mọi thực hành về Đạo Sư Liên Hoa Sinh là Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng, nếu bạn không biết cách thực hành các nghi quỹ khác nhau về Guru Rinpoche, bạn có thể đơn giản trì tụng Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng và điều đấy thì chẳng phải vấn đề với đa số mọi người.
Dĩ nhiên, mỗi người có cách tụng riêng. Mỗi vùng cũng có tiếng địa phương riêng và có thể tụng khác nhau. Đôi lúc chúng ta thấy những người từ Lhasa và vùng phụ cận phát âm các lời cầu nguyện Giáo Pháp khác với những vị sống ở Do-kham hay các vùng khác. Hãy lấy Chân ngôn Kim Cương Đạo Sư [Vajra Guru] làm ví dụ; ở một số vùng, người ta tụng “Om Ah Hum Banzer Goro Padma Soddho Hum” trong khi ở vùng khác lại tụng “Om Ah Hum Banza Guru Pema Siddhi Hum”.
Vì lý do này, thiết lập một tiêu chuẩn phát âm để trì tụng cũng hơi khó bởi những vùng khác nhau có phương ngữ khác nhau và vì thế, phát âm cũng khác. Chúng ta không thể nói phát âm của một nơi là chuẩn và phát âm của những người từ các vùng khác là không chuẩn. Vì vậy, miễn là người ta trì tụng với niềm tin và tâm thanh tịnh, phát âm không phải vấn đề lớn để thọ nhận gia trì.
Lần nọ, có một đạo sư vĩ đại, vị đã thực hành trì tụng Chân ngôn Phổ Ba Kim Cương. Sau khi thực hành một thời gian dài, Ngài có thể cắm dao Phổ Ba vào đá. Ngày nọ, Tổ Sakya Pandita đi qua thung lũng nơi vị đạo sư này sống và nghe thấy mọi thứ, bao gồm cả cây cối và nước trong thung lũng, đều dội vang âm thanh Chân ngôn Phổ Ba Kim Cương; vì thế, Ngài nghĩ rằng ắt hẳn phải có một hành giả rất vĩ đại sống quanh nơi ấy. Tuy nhiên, khi cẩn thận lắng nghe, Ngài nhận ra rằng phát âm Chân ngôn không hoàn toàn chính xác. Ngài tìm cách gặp hành giả và đã xoay xở để tìm được ông ấy trong một hang động và sửa lại cách phát âm. Tuy nhiên, khi hành giả sửa lại cách tụng, âm thanh dội vang biến mất. Sau đó, Tổ Sakya Pandita nghĩ có lẽ điều này không đúng và để hành giả quay về lối tụng cũ. Khi làm vậy, hành giả lại có thể cắm dao Phổ Ba vào đá và khắp vùng xung quanh đều dội vang âm thanh của Chân ngôn. Câu chuyện này chỉ ra rằng chừng nào mà tâm chúng ta thanh tịnh, phát âm không phải vấn đề lớn.
7.5. Lợi Lạc Của Việc Trì Tụng Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng
a) Cách thức nhanh chóng để thọ nhận quán đỉnh trí tuệ
Do đó, nếu con đơn giản gọi Ta
Bằng giai điệu của âm thanh kim cương này,
Ta, Liên Hoa, chẳng thể nào không đến bên con.
Ta sẽ ban cho con sự gia trì và trao tặng
Quán đỉnh của trí tuệ nguyên sơ vĩ đại.
Nếu bạn cầu khẩn Đức Liên Hoa Sinh bằng Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng Kim Cương với âm thanh du dương, Đức Liên Hoa Sinh “chẳng thể nào không đến”, điều nghĩa là Ngài sẽ lập tức xuất hiện trước bạn, để gia trì cho bạn và ban cho bạn các quán đỉnh, thứ trao tặng trí tuệ vĩ đại.
Đây là những lời kim cương của Đức Liên Hoa Sinh, thứ chẳng bao giờ sai. Ngày nay, có nhiều hành giả không thể tìm được những đạo sư ban quán đỉnh bởi nhiều đạo sư rất bận rộn hay không khỏe. Trong trường hợp đó, bạn có thể thỉnh cầu Guru Rinpoche các quán đỉnh. Bằng cách trì tụng Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng mỗi ngày, thân trí tuệ của Guru Rinpoche sẽ đến bên và trao cho bạn các quán đỉnh. Chừng nào mà bạn có niềm tin thì bạn sẽ nhận được sự gia trì và các quán đỉnh trí tuệ của Ngài.
b) Các dấu hiệu của ân phước gia trì
Vô số chư Tôn Tam Gốc sẽ vân tập như những đám mây,
Để ban tặng, không chướng cản, các thành tựu thông thường và thù thắng.
Và trong lúc thức hay trong thiền định,
Hoặc trong các linh kiến giấc mơ, con sẽ diện kiến Ta.
Con sẽ thấy những khối ánh sáng cầu vồng xoáy và ngửi thấy hương thơm.
Khi bạn cầu khẩn bằng cách trì tụng Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng, Tam Gốc gồm Đạo Sư, Bổn tôn và Không Hành sẽ vân tập như những đám mây trước bạn để gia trì và ban cho bạn các thành tựu (siddhi) thông thường và thù thắng không chướng cản. Nhờ sự hành trì như vậy, bạn có thể có được những cảm giác đặc biệt hay kinh nghiệm về việc thọ nhận ân phước gia trì của Đức Liên Hoa Sinh và nhiều vị Tôn, hoặc thấy chư vị trong đời sống hằng ngày, lúc thiền định hay trong giấc mộng. Và đôi lúc, bạn thậm chí có thể thấy ánh sáng cầu vồng hay ngửi thấy mùi thơm quanh phòng thiền định của bạn.
Khi tôi đang dịch bản văn này, Đức Liên Hoa Sinh xuất hiện nhiều lần trong các linh kiến giấc mộng. Tôi không nói rằng đó là một trạng thái tâm linh vô cùng sâu xa. Lý do tôi nhắc đến là để xác nhận điều mà Tôn giả Longchenpa miêu tả là sáu kiểu của sự chắc chắn trong bản văn Kho Tàng Chỉ Dẫn Cốt Tủy [Mengak Dzod] của Ngài. Một trong những sự chắc chắn này là, nếu một người thực hành Giáo Pháp thì chắc chắn anh ta sẽ trải nghiệm sự gia trì. Vì thế, nếu bạn thực hành Giáo Pháp với lòng sùng mộ, bạn chắc chắn sẽ thọ nhận sự gia trì hay quán đỉnh.
Và nghe những điệu nhạc linh thiêng và tiếng damaru nhẹ nhàng.
Thân, khẩu và ý của con ngập tràn ân phước gia trì,
Con sẽ đạt chứng ngộ một cách bất ngờ
Nhờ công đức của sức mạnh giác tính.
Tám bộ tinh linh kiêu ngạo sẽ vâng lời con.
Nếu bạn thực hành Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng thì bạn sẽ thường nghe thấy âm thanh của [trống] damaru từ những vị linh thiêng và âm thanh của các Pháp khí của chư Hộ Pháp, Không Hành Nam và Không Hành Nữ. Trong quá khứ, nhiều kiểu âm thanh tuyệt diệu thường được nghe thấy quanh các hang động hay tịnh thất nơi mà một số hành giả tiến hành nhập thất cô tịch. Bên cạnh đó, thân, khẩu và ý của bạn sẽ được gia trì lớn lao: Nếu thân của bạn từng đau đớn rất nhiều, nó sẽ trở nên vô cùng thư giãn và thoải mái nhờ thực hành; nếu khẩu của bạn sơ suất và chói tai, nó sẽ trở nên mềm mỏng và dịu dàng nhờ thực hành; nếu bạn từng bị phiền nhiễu bởi các cảm xúc tiêu cực thâm căn cố đế, nhờ quán đỉnh của Đạo Sư Liên Hoa Sinh, với ân phước gia trì vô cùng mạnh mẽ và oai hùng tan hòa vào tâm bạn, bạn sẽ trải nghiệm rằng tất cả tham, sân và si của bạn được chuyển hóa lớn lao. Một số người thay đổi rất nhanh, bởi ân phước gia trì của chư Phật và Bồ Tát đã tan hòa vào tâm họ nhờ sự hành trì sùng kính của họ. Những vị với căn cơ sâu sắc hơn thậm chí sẽ lập tức đạt được giác tính cố hữu, tức là đạt giác ngộ tức thì và nhận ra sự thực chân chính. Sau đấy, tất cả tám bộ tinh linh kiêu ngạo sẽ tuân theo bất cứ chỉ dẫn nào bạn trao cho họ. Họ sẽ không còn làm hại bạn. Thay vào đó, họ sẽ trở thành những vị bảo vệ và liên tục giúp đỡ để các hoạt động Giáo Pháp của bạn trở nên phát triển.
Tất cả các con được kết nối với Ta như vậy sẽ đạt được sức gia trì của Ta[8],
Và nhanh chóng thành tựu như chư Trì Minh,
Con sẽ chẳng bao giờ rời xa Ta, Liên Hoa Sinh. Samaya!
Nếu bạn thực hành lời cầu nguyện này của Đức Liên Hoa Sinh, bạn sẽ làm lợi lạc vô số hữu tình chúng sinh, bất kỳ ai tạo một kết nối với bạn. Bên cạnh đó, bạn sẽ có được sức mạnh và năng lực vĩ đại và nhanh chóng đạt được trạng thái của Trì Minh, trở nên không khác biệt với chính Đức Liên Hoa Sinh.
Mặc dù bạn có lẽ chưa thể giúp đỡ chúng sinh khác ngay lúc này, khi sự hành trì Giáo Pháp của bạn đạt đến một mức độ nhất định, bạn sẽ làm lợi lạc bất kỳ ai kết nối với bạn, bất kể thông qua kết nối nghiệp tốt hay xấu. Cùng lúc, bạn sẽ đạt được sức mạnh lớn lao. Có một số người, bất kể khi nào họ nói, lời lẽ của họ yếu ớt; bất kể khi nào họ làm việc, động cơ của họ yếu đuối; bất kể khi nào họ làm điều gì đó ý nghĩa, họ sẽ gặp các chướng ngại nghiêm trọng và chẳng thể hoàn thành nhiệm vụ. Tại sao vậy? Điều này có lẽ bởi nghiệp chướng mạnh mẽ của họ hay các tinh linh ma quỷ thường xuất hiện và phiền nhiễu tâm họ. Tuy nhiên, nếu chúng ta thực hành nghi quỹ phi phàm này, tất cả các vấn đề đó sẽ đều bị tiêu trừ nhờ ân phước gia trì của Guru Rinpoche, bởi chúng ta sẽ có được năng lực và nhanh chóng đạt được trạng thái Trì Minh, trở nên không khác với chính Đức Liên Hoa Sinh.
7.6. Tiên Tri
a) Tiên Tri Về Việc Phát Lộ Terma
Tam Gốc mà chính Ta hiện thân,
Thân kim cương khởi lên từ hồ,
Xuất hiện là huyễn võng của các hóa hiện.
Nếu con cầu nguyện đến Ta tùy theo ước nguyện của bản thân,
Ta sẽ ban các thành tựu tương ứng với chúng.
Vì con, những vị bây giờ là vua và dân chúng,
Và vì các đệ tử trong tương lai của Ta,
Với tình thương, Ta giảng dạy tinh túy của tâm Ta.
Điều này nghĩa là, “Ta, Liên Hoa Sinh, thực sự là Tam Gốc. Trước hữu tình chúng sinh, thân kim cương của Ta hiển bày từ bông sen giữa biển nước và Ta xuất hiện là một huyễn võng các hóa hiện. Nếu con phát khởi niềm tin với tất thảy công đức của Ta và cầu nguyện đến Ta, con sẽ thọ nhận các thành tựu tùy theo mong ước”. Những vị cầu khẩn xuất sắc nhất sẽ nhận được quán đỉnh và gia trì tốt nhất trong khi những vị trung bình sẽ nhận được ân phước gia trì trung bình. Vì lợi lạc của vua và dân chúng khi ấy cũng như các đệ tử tương lai của Ngài, Guru Rinpoche đã trao các chỉ dẫn với lòng bi mẫn lớn lao, thứ giống như tinh túy của tâm Ngài.
Không được tiết lộ, mà như một kho tàng sâu sắc, lúc này nó phải được chôn giấu.
Trong thời kỳ xấu ác sắp tới, đệ tử của chính Ta sẽ xuất hiện’
Khi ấy, với trí tuệ,
Nhờ sức mạnh từ lời cầu nguyện của Vairotsana,
Vị ấy sẽ phát lộ phương pháp này để điều phục chúng sinh,
Phát ra những chữ ánh sáng biểu tượng.
Nhờ đó, cội nguồn giúp đỡ cho những kẻ lang thang sẽ lan tỏa khắp gần xa.
Samaya!
Chỉ dẫn này của Guru Rinpoche, thay vì được truyền bá ngay lúc đó, đã được chôn giấu như một bản văn kho tàng. Guru Rinpoche tiên đoán rằng trong thời kỳ suy đồi tương lai, khi những đệ tử may mắn của Ngài xuất hiện, nhờ sức mạnh lời nguyện của Tổ Vairotsana, giáo lý này sẽ xuất hiện là chữ ánh sáng biểu tượng hay ký tự Không Hành Nữ.
Có nhiều nghi quỹ phi phàm về Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng; nhiều trong số đó, chẳng hạn nghi quỹ này của Kongtrul Rinpoche, được chôn giấu trong các đại dương, trong không trung, trong núi thiêng hay những nơi khác. Theo một số tài liệu lịch sử, Dakini Yeshe Tsogyal đã dành một trăm năm để chôn giấu tất cả các giáo lý sâu xa của Guru Rinpoche sau khi Ngài đến vương quốc La Sát. Sau đó, những đạo sư vĩ đại như Nyak Jnanakumara, Vairotsana, Nang Yeshe Dorje, Vimalamitra cũng chôn giấu nhiều giáo lý Mật thừa thù thắng, thứ chờ đợi sự phát lộ của các Terton vĩ đại sau này.
b) Sự Xuất Sắc Của Terma
Các Terma thật phi phàm. Thực sự, những bản văn kho tàng cũng tồn tại trong Kinh thừa. Trong Trường Phái Nyingma Của Phật Giáo Tây Tạng của Dudjom Rinpoche, những bản văn Kinh thừa được trích dẫn để bảo vệ điểm này. Theo các bản văn này, Phật Thích Ca Mâu Ni đã chôn giấu một vài giáo lý đặc biệt của Ngài ở những nơi nhất định và tiên đoán rằng những vị nào đó sẽ đến và phát lộ trong tương lai. Tuy nhiên, bởi những kiểu bản văn kho tàng này không thường được thấy trong Kinh thừa như trong truyền thừa của Guru Rinpoche, người ta thường nghĩ rằng chúng chỉ tồn tại trong truyền thống Mật thừa.
Trong lịch sử Phật giáo Tây Tạng, có 108 vị Terton nổi tiếng và được công nhận rộng rãi nhất; tiểu sử của những vị này được tìm thấy trong cuốn Trăm Terton. Ngoài ra, trong những cuốn sách lịch sử Phật giáo khác, chẳng hạn Trường Phái Nyingma Của Phật Giáo Tây Tạng của Dudjom Rinpoche, cũng có tiểu sử của các Terton vĩ đại, chẳng hạn Tổ Jigme Lingpa, Kongtrul Rinpoche, Đức Jamyang Khyentse Wangpo và Mipham Rinpoche. Nếu chúng ta đọc các bản văn kho tàng được phát lộ bởi chư Terton vĩ đại và hiểu được công đức cũng như ảnh hưởng sâu xa của chúng, chúng ta sẽ phát khởi sự xác quyết lớn lao với hiệu lực của các Terma.
Truyền thừa Terma, là [truyền thừa] ngắn trong hai kiểu trao truyền giáo lý của Trường phái Nyingma, thoát khỏi các lỗi lầm mà sự khẩu truyền dài [Kama] gặp phải. Không giống với sự khẩu truyền dài hay truyền thừa Kama, giáo lý truyền thừa Terma hoàn toàn thanh tịnh, thoát khỏi bất kỳ ô nhiễm nào đến từ sự phá vỡ các thệ nguyện và không có quá trình trao truyền phức tạp và dài dòng từ thầy sang trò. Đích thân Đức Liên Hoa Sinh đã gia trì cho tất cả những giáo lý Terma này, chôn giấu chúng ở đâu đó và tiên đoán vị sẽ phát lộ chúng trong tương lai. Vào đúng thời điểm, khi mọi thuận duyện hội tụ, nhờ sức mạnh lời nguyện của Guru Rinpoche, cũng như sức mạnh của động cơ và chứng ngộ tâm linh của đệ tử tiền định (vị Terton), những bản văn này sẽ được phát lộ vì lợi lạc của mọi hữu tình chúng sinh. Đôi khi, những Terma được phát lộ khi các Terton đến một nơi nhất định, nơi mà chư vị nhớ về đời quá khứ. Năm 1990, khi Kyabje Jigme Phuntsok Rinpoche viếng thăm Paro Taktsang ở Bhutan – nơi mà Đức Liên Hoa Sinh hóa hiện trong hình tướng phẫn nộ cưỡi trên lưng hổ để đánh bại những chúng sinh ma quỷ, Kyabje Rinpoche nhớ lại điều mà Guru Rinpoche giao phó cho Ngài trong đời quá khứ và đã phát lộ một Terma về thực hành Liên Hoa Sinh phẫn nộ.
Thực hành và giáo lý Mật thừa chứa đựng những ý nghĩa sâu sắc, thứ vượt xa sự hiểu quan niệm của chúng ta. Điều quan trọng là các môn đồ Kim Cương thừa cần nhận thức về điều này.
8. Tại Sao Lại Là Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng
Dịp này, tôi sẽ chỉ ban một giải thích cô đọng và theo nghĩa đen thay vì một giáo lý mở rộng về bản văn kho tàng của Đức Pema Garwang Chime Yungdrung Lingpa. Ý định của tôi là để những vị có niềm tin với Kim Cương thừa hiểu được Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng này sở hữu kiểu công đức nào. Sau khi chúng ta hoàn thành giáo lý này, nhiều người các bạn có thể trì tụng lời cầu nguyện này mỗi ngày, thậm chí khi đi bộ hay trong lúc ăn. Tuy nhiên, sau một hồi, các bạn có thể không còn được truyền cảm hứng và tinh tấn đến vậy, bởi tâm của chúng sinh bình phàm không đáng tin cậy và dễ thay đổi. Thậm chí nếu điều ấy xảy ra, khi bạn đã có được sự hiểu căn bản về lời cầu nguyện, bạn sẽ không mất đi sự tin tưởng bất kể gặp phải nghịch duyên nào.
Một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng lớn lao của việc cầu nguyện đến Đức Liên Hoa Sinh trong thời kỳ suy đồi hiện nay. Tôi hy vọng các bạn có thể quán chiếu về điểm này. Không phải bởi vì tôi là một hành giả Phật giáo Tây Tạng mà tôi hoằng dương những giáo lý và thực hành của Phật giáo Tây Tạng. Chừng nào còn có lợi cho hữu tình chúng sinh, dù là giáo lý Phật Đà hay điều gì khác, thì nó đều đáng được thúc đẩy như nhau. Đây là mục tiêu thù thắng. Vì vậy, giáo lý ý nghĩa nhất với mỗi chúng sinh là gì? Các bạn đều cần quán chiếu sâu sắc về điều này.
Nguồn Anh ngữ: Seven-Line Prayer to Guru Rinpoche [Lecture 1] (http://khenposodargye.org/teachings/khenpos-classical-teachings/seven-line-prayer/).
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.
[1] Theo Rigpawiki, Bạch Liên Hoa, tức Pema Karpo – sự giải thích nổi tiếng của Mipham Rinpoche về Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng đến Guru Rinpoche. Trong bản văn tuyệt vời này, tác giả giải thích Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng trong bối cảnh và sự áp dụng của các thực hành chính yếu của trường phái Nyingma, bao gồm Trekchod và Togal một cách vô cùng rõ ràng và có thể tiếp cận được.
[2] Về Mipham Rinpoche, tham khảo https://thuvienhoasen.org/a32261/tieu-su-duc-mipham-jamyang-namgyal-gyatso-1846-1912-.
[3] Tức Phật Học Viện Ngũ Minh Larung.
[4] Về Đức Jamgon Kongtrul Lodro Thaye, tham khảo https://thuvienhoasen.org/a30929/tieu-su-duc-jamgon-kongtrul-yonten-gyatso.
[5] Về Đức Jamyang Khyentse Wangpo, tham khảo https://thuvienhoasen.org/p38a34299/tieu-su-van-tat-ton-gia-jamyang-khyentse-wangpo-1820-1892-.
[6] Tham khảo bản dịch Anh ngữ của cuốn sách với tựa đề The Nyingma School of Tibetan Buddhism: Its Fundamentals and History, Wisdom Publications (2005).
[7] Theo Rigpawiki, Hóa thân Tự nhiên (Tạng: rang bzhin sprul pa’i sku) hay Hóa thân bản tính cũng được gọi là ‘Báo thân phản chiếu’ (gzugs brnyan longs sku) hay nửa Hóa thân nửa Báo thân (phyed sprul longs sku) trong các giáo lý Nyingma. ‘Tự nhiên’ hay ‘bản tính’ liên quan đến bản tính thấu biết, thứ hiển bày như là Báo thân ở cấp độ con đường.
[8] Theo bản dịch từ Tạng ngữ sang Hoa ngữ của Khenpo Sodargye, dòng này phải là, “Tất cả những vị kết nối với con đều sẽ được lợi lạc và con sẽ đạt được sức mạnh gia trì của Ta”.