Từng có một học trò, người đến gặp đạo sư để thỉnh cầu chỉ dẫn. Vị đạo sư sắp rời đi và đang vội nhưng Ngài vẫn chấp nhận lời thỉnh cầu. Ngài cầm tay người học trò và bảo, ‘Ta sắp chết … con sắp chết. Ta sắp chết … con sắp chết. Ta sắp chết … con sắp chết. Ta chẳng có gì hơn để trao cho con ngoài điều này’. Người ta nói rằng người học trò đã thấu triệt chỉ dẫn này, thực hành miên mật và cuối cùng trở thành một thành tựu giả (Siddha) vĩ đại.
Hãy cùng nhau xem xét về vô thường trong chốc lát. Chúng ta có thể nghĩ đến cách mà mặt trời mọc lên sáng nay và cách mà nó đã lặn. Với sự trôi qua của một ngày này, chúng ta tiến gần thêm một ngày đến sự kết thúc của cuộc đời.
Vạn pháp hữu vi đều vô thường. Các pháp vô vi có thể chẳng bao giờ thay đổi, nhưng bất cứ thứ gì phụ thuộc vào các nhân và duyên đều phải thay đổi theo từng khoảnh khắc trôi qua. Nếu chúng ta có thể hiểu điều này, sẽ vô cùng lợi lạc.
Nếu chúng ta nghĩ về Ian, một trong những đệ tử chính yếu của Sogyal Rinpoche, đầu tiên chúng ta nghe nói rằng ông ấy ốm, sau đó trong vài ngày, ông ấy ốm nhưng vẫn còn sống, và cuối cùng, ông ấy qua đời. Bây giờ, thân thể ông ấy chỉ là cái xác. Người mà chúng ta đều biết đã ra đi và thân thể bị bỏ lại đằng sau. Đây là ý nghĩa của từ Tạng ngữ để chỉ thân thể – lü. Một thân thể chỉ còn sống chừng nào mà tâm và tám thức còn hiện hữu, nhưng khi chúng đã đi, thân thể chỉ là cái xác. Các con có thể nhớ ông ấy như ông ấy đã từng, nhưng Ian mà các con đều biết không còn nữa. Đấy là vô thường.
Chúng ta cũng có thể nghĩ về tất cả chúng ta, [những vị] vân tập trong ngôi chùa này. Có lẽ một nghìn người chúng ta ở đây, nhưng một trăm năm sau, không một ai trong số chúng ta sẽ vẫn còn sống. Nếu chúng ta thực sự thiền định về vô thường, ban đầu, nó có thể là nguyên nhân khiến chúng ta thực hành Pháp; ở giữa, nó có thể cung cấp những hoàn cảnh để chúng ta tiến bộ trên con đường; và cuối cùng, nó có thể khiến chúng ta đạt được quả vị giác ngộ viên mãn và hoàn hảo. Vì thế, vô thường đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Nguồn Anh ngữ: Kyabje Trulshik Rinpoche – Rigpa View Magazine July 2012 (https://www.rigpa.org/remembering-the-masters).
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.
[1] Tựa đề do người dịch Việt ngữ đặt.
[2] Về Trulshik Rinpoche, tham khảo https://thuvienhoasen.org/a25961/kyabje-trulshik-rinpoche-1924-2011-.