Thư Viện Hoa Sen

Giải Hương Pháp 5. Nắng Chiều Đẹp Vô Hạn, Chỉ Tiếc Sắp Hoàng Hôn - Nguyễn Phương Lan

11/12/20227:00 SA(Xem: 2583)
Giải Hương Pháp 5. Nắng Chiều Đẹp Vô Hạn, Chỉ Tiếc Sắp Hoàng Hôn - Nguyễn Phương Lan
blank
GIẢI HƯƠNG PHÁP 5
NẮNG CHIỀU ĐẸP VÔ HẠN, CHỈ TIẾC SẮP HOÀNG HÔN 
Nguyễn Phương Lan

Năm 1981 Ông xã tôi vượt biên với thằng con trai nhỏ, thằng trai lớn đã vượt biên với mấy người em của tôi. Tất cả đều đã tới Mỹ, tôi ở lại với 4 đứa con gái. Vợ chồng chúng tôivới nhau 6 đứa con, 2 Trai + 4 gái.

Sau khi anh đi rồi, tôi ở lại vẫn tiếp tục mua bán để nuôi 4 con. Chúng tôi ở chung nhà với Ba Má tôi. Ba Má tôi sống bằng tiền gửi về từ Mỹ của các em tôi. Ba má tôi có tất cả 8 người con, tôi là chị lớn, chỉ một mình tôi ở lại Việt Nam, còn 7 người em tôi đều đã vượt biên và đã tới Mỹ và Úc.

 

ĐƯỜNG VÀO ĐẠO

Tôi có sạp bán quần áo may sẵn ở nhà lồng chợ Rạch giá từ năm 1979, tôi vẫn tiếp tục mua bán cho tới năm 1983. Tự nhiên đang buôn bán thì tôi bị chứng bệnh đau cột sống dữ dội, chạy đủ các thầy thuốc Tây, Nam, Bắc, vẫn không hết, tôi không thể ngồi thường xuyên được nên để cho đứa con gái lớn trông coi, tôi đi Sài gòn khám bệnh, năm đó bác sĩ cũng có chụp hình cột sống được, và bác sĩ nói tôi phải mổ cột sống gấp, 2 ngày sau đó, nếu tôi không mổ thì dần dần sẽ không đi được, nên tôi đành chấp nhận. Rồi một ngày trước khi mổ, tôi đi thăm bà chị chồng bị ung thư tử cung giai đoạn cuối ở bệnh viện Chợ Rẫy (giai đoạn này tôi đi đứng rất khó khăn). Tôi đi ngang qua hành lang của bệnh viện Chợ Rẫy, vì chị chồng tôi nằm ở cuối dãy, đang đi tôi bỗng thấy có một bà già đang vịn tay vào lang can của hành lang, chợt bà quay mặt lại đối diện với tôi, tôi nhìn bà và nói: Chào bác, bác ở đây làm gì vậy? Bà nói: Tôi nuôi con tôi, nó mổ cột sống đã 6 năm nay mà không đi được, tôi giật mình kêu lên: Trời đất! Mổ cột sống mà 6 năm nay không đi được sao bác? Cháu cũng có hẹn ngày mai mổ cột sống đây bác ơi! Bà già liền nói: Cô ơi, cô đừng mổ cột sống nghen, mổ là cô chết đó, đừng mổ nghe cô! Tôi chỉ dạ tiếng nhỏ rồi đi nhanh về phía phòng của bà chị tôi, tôi định vô thăm chị chồng tôi xong sẽ trở ra hỏi bà già cho rõ hơn.

Nhưng khi tôi trở ra, tôi không thấy bà đâu cả, hỏi mấy người trong phòng chỗ bà đi vô, thì mọi người nói: Ở đây đâu có bà già nào nuôi con mổ 6 năm đâu, nghe vậy lòng hơi sợ, nhưng cũng nghe theo bà, đến nói với bác sĩ là tôi không mổ, và tôi đi về lại Rạch Giá.

 

Sau đó tôi kể chuyện này với anh H. là chồng của chị bạn làm y tá với tôi trước năm 75 ở bệnh viện Phó Cơ Điều Rạch Giá. Anh H. và Ba Má tôi cùng một nhóm người ở Rạch Giá đã lên Đại Ninh quy y với Hòa Thượng Thiền Tâm. Anh nói: Em nên đi Đại Ninh xin quy y với Hòa Thượng Thiền Tâm đi, bà lão ngăn em không được mổ cột sống là Bồ Tát đó. Tôi không tin và nói: Bệnh cột sống trị đủ cách đủ thầy không hết, giờ đi quy y với Hòa Thượng Thiền Tâm thì làm sao hết được? Tôi không tin vì từ xưa tới giờ tôi không thích tới Chùa chiền vì tôi thấy mấy Thầy cô tụng kinh gõ mõ, tôi cho là mê tín dị đoan. Tôi theo Thông Thiên Học mà Ba tôi là hội viên từ năm 1956. Anh H. không nản chí cứ thuyết phục tôi nhiều lần, cuối cùng anh nói: Em đã dùng đủ các thứ thuốc và đi rất nhiều Thầy mà không hết bệnh, thì tại sao em không thử đi lên Hòa Thượng Thiền Tâm một chuyến coi thế nào? Cuối cùng tôi đã siêu lòng, tôi dắt 2 con gái nhỏ cùng đi Đại Ninh. Sư ông ở một cái cốc nhỏ cách xa chùa. Tôi được sự Cô Thanh Nguyệt đưa tôi đi gặp Hòa Thượng. Ngài nhìn tôi cười hiền từ và hỏi tôi cần gì? Tôi nói tôi đau cột sống và kể cho sư ông nghe về câu chuyện tôi gặp bà già và bà đã ngăn tôi không được mổ cột sống. Sư ông nghe xong cười nói: con có duyên lành với Phật pháp từ nhiều đời trước, vì vô minh nên con không nhớ gì cả, lại phỉ báng Phật pháp nên khiến con bị bệnh để trở về với Tam Bảo, sau đó sư ông bảo tôi Sám Hối. Sư ông bảo sư cô viết Chú Đại Bi cho tôi trì mỗi ngày 2 lần, mỗi lần trì 49 biến và sư ông đặt cho tôi pháp danhBạch Liên. Sư ông còn dặn thêm là sau mỗi lần trì chú xong là niệm Phật A Di Đà, bao nhiêu lâu cũng được, nghe là nghe chứ tôi không hề biết phật A Di Đà là ai cả, vì sau 75 sư ông không có thuyết pháp, ai tới gặp thì Hòa Thượng cho pháp môn tu mà thôi, vì sợ bị tịch thu nên các Kinh sách đều được cất giấu cả.

Rồi tôi về Rạch Giá và bắt đầu trì Chú Đại Bi bằng Tiếng Phạn, phiên âm tiếng Việt suốt 3 tháng sau đó một sự nhiệm mẫu đã xảy ra, từng ngày từng ngày bệnh đau cột sống của tôi bớt dần thấy rõ cột sống của tôi bớt được 80-90%. Từ đó tôi vẫn tiếp tục trì chú Đại Bi mỗi ngày. Tôi đã thấy được sự nhiệm mầu của Phật pháp nên từ đó tôi đã có niềm tin Tam Bảo. Tôi lại lên Đại Ninh để cảm tạ sư ông, được Ngài cho thêm: Vô Lượng Thọ chơn ngôn, Phật Đảnh Tôn Thắng… Sư ông hỏi đời nay chúng sanh nghiệp chướng sâu dầy, phải trì chú để tiêu nghiệp xấu ác mới tiến sâu vào đường đạo được.

Tới năm 1989 trước khi đi Mỹ theo diện đoàn tụ tôi có lên Đại Ninh để đảnh lễ từ giã sư ông, tôi hỏi sư ông: Thưa sư ông nghĩ con tới Mỹ sẽ vui vẻ hạnh phúc không? Sư ông trả lời: Rất nhiều chông gai nhưng cuối cùng vẫn thành tựu.

Thật đúng như vậy, bao nhiêu chông gai và khổ sở, cho đến năm 1998 tôi vô làm hãng may, vì làm ca chiều nên rất thong thả, ít bị sự kiểm soát của xếp, tôi và mọi người đều có 1 cái máy Cassette để nghe các băng giảng pháp của các thầy, ông tôi may cái túi đựng máy Cassette ở phía trước bụng có dây cấm vô lỗ tai để nghe, có cô bạn tên T. cô nầy hay thỉnh băng giảng và chuyển cho mọi người nghe đủ các băng của các Thầy giảng, cho tới một hôm T. nói: Tôi hết băng rồi và đưa giấy danh mục cho mọi người tự thỉnh. Tôi cầm tờ giấy có tên nhiều Thầy tôi đọc lướt qua thấy cái tên: “Phật thuyết Kinh A Di Đà” do Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng, tôi thấy cái tên thôi đã nghe lòng rung động 1 cách lạ lùng! Mỗi ngày tôi đều có niệm danh hiệu Phật A Di Đà, sau khi trì chú nhưng niệm là niệm chớ không biết Phật A Di Đà rõ lắm, nên khi thấy cái tựa: “Phật thuyết Kinh A Di Đà” tôi quá ngạc nhiên là như vậy.

Sau đó tôi gọi điện thoại thỉnh kinh, khi hộp băng Kinh gởi về tới nhà, tôi liền để vô máy nghe liền. Hôm đó tôi đã gọi vô hãng xin nghỉ 1 ngày để ở nhà nghe cho hết 4 băng giảng “Phật Thuyết Kinh A Di Đà” do Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng.

Kể từ đó tôi tự tìm các sách về Tịnh Độ và tìm các băng giảng của các Thầy tu Tịnh Độ để nghe và đồng thời tìm các khóa tu về Tịnh Độ để đi dự, khóa tu Tịnh Độ của Thầy Ngộ Thông lần đầu tiên qua Mỹ giảng ở Houston, có tôi tham dự. Sau đó tôi và cô bạn đồng tu đã thỉnh Thầy Ngộ Thông về Wichita để giảng Tịnh Độ cho các phật tử ở Wichita được hiểu với tu theo Tịnh Độ. Lúc này tôi đã có niềm tin nơi Tịnh Độ rất mạnh. Từ năm 2002-2012, tôi không nghe các Thầy khác giảng, chỉ thuần nghe các pháp sư Tịnh Độ mà thôi, chủ yếu là các băng giảng của Hòa Thượng Tịnh Không.

Sau 10 năm (2002-2012) tôi thấy mình tu Tịnh Độ là đúng rồi, nhưng sao tâm tánh tôi không có gì thay đổi cả vẫn còn nhiều giận và nhiều sân quá! cho nên một mặt tôi vẫn tu Tịnh Độ (trì chú, Tụng Kinh A Di Đà, niệm Phậtcầu vãng sanh) nhưng tôi nghe thêm các vị sư khác giảng như Hòa Thượng Thanh Từ, Thầy Thông Phương, Ni Sư Như Thủy, Ni Sư Hạnh Chiếu, Ni Sư Đồng Kính. Ni Sư Như Thủy dạy “khi ta giận ai là Ta lấy lỗi lầm của người khác để tự trừng phạt lấy mình". Do đó tánh SÂN của tôi đã bớt rất nhiều, không còn giận ai mấy tháng mấy năm nữa. Tôi học ở ni sư Hạnh Chiếu cô dạy mình hãy tự xét coi mình đang ở vị trí nào (phước nhiều hay ít) để mà đối xử và sử sự cho đúng với vị trí của mình đang có. Ni Sư Đồng Kính dạy về ngũ uẩn, nhờ hiểu về Ngũ uẩn mà tôi biết thân này là không thật do Ngũ uẩn tập hợp lại mà thôi. Nhờ biết và hiểu về Ngũ uẩn nên mỗi khi có chuyện buồn giận tôi không nói là tôi buồn giận mà tôi tự nói là tôi đang có cảm thọ giận nó chỉ là: “cảm thọ” thôi chớ không phải là tôi, và mỗi khi niệm Phật, thấy vọng tưởng lung tung thì tôi liền nói thầm: tao thấy mầy rồi nghe “tưởng” hãy cút đi thế là vọng tưởng biển mất.

Sau khi nghe thêm các Thầy Cô bên Thiền giảng tôi mới nghiệm ra rằng: Thiền và Tịnh Độ không hề chống trái nhau. Tịnh Độ và có Thiền thì nó càng giúp cho tâm bình yên tĩnh không chạy lung tung để nhiếp Tâm niệm Phật.

 

VÔ THƯỜNG

Cuộc đời tôi cứ bình thản trôi qua, các con đều có gia đình, chỉ còn có đôi vợ chồng già, chúng tôi vẫn bình yên trong cuộc sống cho tới năm 2014 ông chồng tôi bị yếu 2 chân, anh không còn lái xe được nữa, đi bác sĩ hoặc tới nhà các con chơi, tôi lái xe chở anh đi thôi, đi chợ thì dĩ nhiên là tôi tự lái xe rồi. Hồi xưa đi đâu anh cũng lái, tôi chỉ ngồi một bên thôi. Rồi dần dần chân anh càng ngày càng đau và nhức, anh phải đi bằng walker, nhưng anh vẫn tự ăn tự tắm rửa được, vì tôi có mua cái ghế để trong bồn tắm cho anh ngồi tự tắm được. Nhưng chân anh càng ngày càng tệ đâu nhứt nhiều quá nên anh uống thuốc đau nhức hơi nhiều. Cho tới ngày 5-6-21 mới sáng sớm khoảng 7 giờ anh nói: Anh đau bụng quá em có thuốc gì cho anh uống không?. Tôi lấy viên thuốc bao tử cho anh uống và đi nấu chén oat meal nóng cho anh ăn, ăn xong 5 phút, anh ôm bụng la lên: ôi! đau quá em ơi! đau quá mặt anh xanh mét và đổ mồ hôi, anh nói: em kêu tụi nhỏ lại đi đau quá! Tôi gọi các con, một lát sau các con đều có mặt, tụi nó gọi Ambulance tới chở anh đi, các con theo sau tới Bệnh viện. sau đó con trai tôi gọi về nói: "Ba bị lủng bao tử rồi, bác sĩ mổ gắp để may bao tử lại.”

Sau 5 giờ thi anh tỉnh lại, nói năng rất bình thường nhưng vài ngày lại bị sốt, cứ tái đi tái lại.

Thằng con trai nó ở Cali về, nó gặp riêng bác sĩ, rồi không biết bác sĩ nói điều gì với nó, mà tôi hỏi nó không nói gì cả, tôi thấy nó hay đi thơ thẩn ngoài sân vẻ mặt rất buồn. ở phòng ICU ban đêm nó không cho người nhà ở lại, nên mỗi chiều sau khi mẹ con vô thăm Ba nó về thì tựu lại ở nhà đứa con gái lớn ăn uống. Trong lúc đó thằng con trai nhỏ của tôi lấy chai nước rồi đi lòng vòng ngoài sân không ăn uống gì cả mặt mày buồn vô cùng, đôi khi thấy nó lấy tay quẹt nước mắt. Hằng ngày tôi vẫn vô bệnh viện thăm anh, anh vẫn nói chuyện nhưng không nhiều, chỉ nói từng tiếng một, vì cái lưỡi của anh trong mấy ngày gần đây lại bị thụt vô, không thè ra được. Tôi nói anh thè lưỡi ra đi, anh nói đau lắm không thè ra được, tôi linh cảm một chuyện không lành sắp xảy ra, nên kêu thằng con trai đã nói chuyện với bác sĩ và hỏi: Vũ con phải nói thật cho Má biết bác sĩ đã nói gì với con? Con không được giấu má và mọi người nữa, để mọi người lo liệu? lúc đó nó nói: con nói gì bây giờ. Má và mọi người hãy vui vẻ với Ba được ngày nào hay ngày ấy đi.

Cho đến chiều 20/06/22 tôi vô thăm anh ở phòng ICU với thằng con rể, anh nhìn tôi đăm đăm, cái nhìn rất lạ, anh vẫn nói chuyện chậm rãi từng tiếng, tự nhiên tôi ngồi xuống giường anh và đặt bàn tay tôi vào lòng bàn tay anh và nói: Anh ơi! Anh hãy hứa với em 1 điều được không anh? Anh hỏi: hứa điều gì? Tôi nói: nếu một mai anh ra đi thì anh đừng làm điều gì cho em sợ nghe anh? Anh hứa không? Anh cười nụ cười khô héo và nói: Anh làm em sợ để làm gì chứ? Tôi nói: Nhưng anh hứa không? Anh nói: Anh hứa, anh hứa (anh nói 2 lần anh hứa) và anh nói tiếp: Anh không làm em sợ đâu yên tâm đi. Anh nói từng tiếng một nhưng rất rõ ràng. Tôi nhìn mặt anh rất tỉnh táo, tôi không bao giờ nghĩ rằng đó là những lời nói cuối cùng của anh nói với tôi, và tôi cũng không ngờ bàn tay của anh đã siết nhẹ bàn tay tôi và đó cũng là cái siết tay vĩnh biệt, chấm dứt mối tình đã kéo dài 56 năm.

Tôi ra về, sáng hôm sau tôi là người đầu tiên vô thăm anh, vừa bước vô phòng tôi giật mình vì thấy mặt anh bị chụp đầy dây nhợ và ống Oxygène ở miệng anh, anh không thể thở bằng mũi được nữa và cũng không còn tỉnh, tôi lại gần lắc nhẹ vai anh, nhưng anh không tỉnh lại 2 mắt nhắm nghiền không còn mở ra như mọi lần, tôi gọi các con vô và đi hỏi bác sĩ thì được trả lời: đêm rồi vết may ở bao tử bị bung chỉ ra, máu đã ra nhiều xuống đường hậu môn, tả bị ướt đỏ máu, bác sĩ nói không thể cứu được nữa anh sắp ra đi. Nghe xong tôi và các con đầu bật lên tiếng kêu: trời ơi.

Chuyện mổ bao tử với người trẻ và có sức khỏebình thường, nhưng với người già trên bảy mươi thì không dễ chút nào cả. Sau đó thằng con trai nhỏ của tôi mới nói: bác sĩ đã nói với con là bạch huyết cầu của Ba quá yếu cứ sụt dần, mà bạch huyết cầu là chất kháng thể, nó bị tuột dần nên Ba thường bị sốt và vết thương thì không lành được. bác sĩ nói với con là gia đình hãy chuẩn bị tinh thần, nhưng con không nỡ nói ra sợ Má và mọi người buồn, cứ vui được ngày nào với Ba thì vui, con nói ra một người buồn thì Ba biết được Ba sẽ buồn! Rồi chuyện sẽ tới đã tới. bác sĩ tuyên bố rút ống, nhưng trước đó bác sĩ đề nghị chích Morphine vì sợ rút ống ra người bệnh sẽ ra đi trong đau đớn dữ dội vì vết thương ở bao tử đang bị bung chỉ ra, máu đang chảy ra rất nhiều. Một đứa con tôi đại diện lên phòng bác sĩ ký tên đồng ý chích Morphine. Sau đó bác sĩ tuyên bố rút ống. Trời ơi tôi chưa từng chứng kiến cảnh rút ống các ống vừa rút ra thì mặt anh từ từ trắng rồi anh thở ra một hơi nhẹ và nấc lên 1 tiếng rồi ra đi. Tôi học Phật nghe VÔ THƯỜNG đến thuộc nằm lòng, nhưng chỉ biết lý thuyết thôi chớ chưa THỰC CHỨNG có sống trong cảnh tử biệt mới biết rõ VÔ THƯỜNG là thế nào. Biết già bệnh chết là lẽ thường của cuộc đời, nhưng của người khác chớ không phải của mình tới khi mình là trong cảnh mới thấy mới biết nó đau khổ là dường nào! Nước mắt tôi tuôn dài, tay chân tôi lạnh ngắt, miệng tôi há hốc, các con tôi kêu lên Ba ơi! Ba ơi! sau đó tôi mới nhớ ra, tôi nói: Nam Mô A Di Đà Phật. Nam mô Tiếp dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật. Anh ơi hãy niệm Phật nghe anh Nam Mô A Di Đà Phật chỉ mình tôi niệm Phật còn các con tôi đứa đạo Chúa, đứa đạo Tin Lành nên đâu có chịu niệm Phật đâu. Sau đó thì mọi việc trôi qua ra nhà quàn và thiêu... Có điều là tôi cương quyết cử hành theo nghi lễ Phật giáo, tôi rước các thầy tới tụng kinh ở nhà quàn và ra lò thiêu.

Thế là xong một đời người! Hai đêm đầu sau khi anh mất, tôi không dám ngủ ở nhà một mình, tôi biết Phật pháp nhưng vẫn sợ Ma, con gái lớn nói: Ban đêm Má qua nhà con ngủ sáng Má về nhà Má. Tôi ngủ được 2 đêm ở nhà con gái, qua đêm thứ ba tôi tự nhủ: không thể như vậy hoài được, nên đến thứ 3 tôi ngủ lại nhà tôi. khoảng ½ đêm tôi Nghe những tiếng động rất lớn trong phòng ngủ của anh, tôi rất sợ liền nói lớn: “Anh ơi! anh đã hứa với em là không làm em sợ mà anh có nhớ không? Khi xưa anh đã từng nói rằng anh đã hứa với ai điều gì thì không bao giờ thất hứa cả, anh có nhớ không?” Tôi nói lớn như vậy và sau đó không còn nghe tiếng động nào cả.

Sau đó từng ngày từng ngày một tôi mới thấm thía được nỗi buồn trống vắng trong tôi. Sự cô đơn cô độc gậm nhấm trong tôi từng ngày từng giờ. Tôi ăn cơm vừa nhìn ra chiếc ghế Sopha dài anh thường nằm mà rơi lệ! ăn cơm mà nước mắt chan cơm, tôi đau vô cùng! đêm lại trằn trọc không ngủ được, tôi gầy còm vì thiếu ăn mất ngủ, vô thời khóa thì bị hôn trầm!

Rồi lại phải giải quyết chuyện nhà cửa, tự tôi phải lo tất cả. Hồi anh còn sống thì ngoài tiền hưu của tôi và anh thì anh còn có tiền của hãng nên chúng tôi đủ chi phí xây xài rất đầy đủ, bây giờ không có khoản tiền của anh, làm sao tôi trả nổi các chi phí, tiền nhà vẫn còn chưa pay off, lại còn tiền thuế + insurance cuối năm phải trả số tiền lớn nữa. Tôi không thể lo nỗi nên hỏi các con (4 đứa khá nhất trong 6 đứa). Tụi con có thể giúp Má mỗi đứa 100/tháng để cuối năm phụ với Má trả tiền thuế và insurance không? Cả 4 đứa lúc đầu nói được, sau đó muốn chắc chắn tôi hỏi lại: Tụi con có thể giúp Má thời gian dài cho tới chừng nào má chết không? Trong 4 đứa có 1 đứa nói: tụi con chỉ giúp má thời gian ngắn thôi, tôi nói: nếu vậy sau đó thì sao? nếu má chưa chết." Đứa con đó làm thinh. Thấy vậy tôi cảm thấy chua xót quá. Tôi suy nghĩ kỹ rồi quyết định BÁN NHÀ.

Nhưng trước khi bán nhà tôi phải tìm chỗ ở cho tôi trước đã, vì không đứa con nào nói một tiếng cho tôi về ở tạm để cho tôi tìm được nhà cả! Sau mấy tháng trời tìm chung cư để mướn ở nhưng vẫn không tìm được, chung cư rất nhiều nhưng chật hẹp lại quá ồn ào, mỗi ngày tự lái xe đi tìm kiếm nhiều nơi cũng không có chỗ vừa ý, tôi liền sám hối và trí chú Đại Bi, tôi cầu nguyện Mẹ Quán Thế Âm Bồ Tát giúp đỡ chỉ cho tôi 1 chỗ để yên thân, thật sự tôi không muốn bán căn của vợ chồng tôi đã chung sống vì rất nhiều kỷ niệm, nhưng như tôi đã nói ở trên, tôi không đủ khả năng để giữ căn nhà đó. Cuối cùng sự linh ứng của Mẹ Quán Thế Âm đã đến với tôi. Hôm đó 1 chị bạn đã đến nói với tôi: chị nói chị có biết chung cư rất tốt, chị đề nghị tôi cùng chị đến coi. Chung cư tên là South Howen, khu hết sức yên tịnh và sạch sẽ, mỗi unit có 2 phòng trong đó có máy giặt, máy sấy và máy rửa chén rất rộng rãi có 900 SF.

Tôi vừa ý quá và giá tiền thì cũng bằng những chỗ khác. Hơn 2 tháng sau tôi mới được chấp thuận và tôi dọn vào ở.

Sau đó tôi phải mướn người dọn dẹp nhà cũ, sơn sửa lại và tìm công ty bán nhà. giai đoạn dọn nhà sửa nhà cực nhọc vô cùng, tự tôi làm và mướn người làm. Các con bận đi làm nên tôi cũng không kêu gọi giúp đỡ.

Hôm cắm bảng bán nhà, sau khi tôi đã ký các giấy tờ, khi lên xe để về chỗ ở mới, nhìn tấm bảng bán nhà, lái xe đi mà nước mắt tôi chảy dài! Nhà này là kỷ niệm của vợ chồng tôi đã sống ở đây mấy chục năm qua, giờ sắp qua tay người khác. Có cái gì là vĩnh viễn của mình đâu? Biết là vậy nhưng sao lòng vẫn buồn? Tôi qua Mỹ đã hơn 30 năm, bán nhà cũng mấy lần, nhưng bán nhà nhỏ để mua nhà lớn hơn nên không có buồn, còn bây giờ tôi bán cái nhà cuối cùng này để đi ở nhà mướn nên lòng thấy buồn! "tôi vẫn biết không có gì là mãi mãi, nhưng sao nghe lòng cứ mãi vấn vương”.

Lúc này tôi lại thêm cái lo mới! Trả tiền nhà 2 bên – nhà cũ và chung cư chỗ ở mới! Nếu bán chậm thì tiền đâu có để trở 2 bên? Nhưng cũng may nhà lúc này bán rất nhanh, chỉ trong vòng 1 tháng là tôi bán xong.

 

NHÂN QUẢ BÁO ỨNG

Lúc này tôi đã xong xuôi cả rồi, không còn lo chuyện nhà cửa nữa, bây giờ với số tiền có được thì tiền nhà và bill và xài tiện tặn tôi vẫn đầy đủ, nên không cần có sự giúp đỡ tài chánh của các con tôi.

Hằng ngày tôi vẫn có 2 thời khóa, ăn thì nấu 1 cúp gạo lưng, ăn 2 ngày, tôi nghĩ đến các con mà lòng buồn vô cùng, không có 1 đứa nào nói 1 lời cho Má về ở tạm với con, chờ tìm được chỗ ở mới, trong 6 đứa con, hết 3 đứa là kỹ sư, mấy đứa kia cũng rất khá.

Tôi thấy lòng buồn vô cùng, mới hay ông bà xưa thường nói: “Một mẹ nuôi được 6 con, nhưng 6 con không nuôi nổi 1 bà mẹ!”

Anh ra đi đã để lại cho tôi 1 khoảng trống vắng vô cùng to lớn, mấy chục năm nay tôi đều nương tựa vào anh. Mấy lúc sau này chân anh đi không còn khỏe, đi đứng phải tựa vào cái walker, nhưng anh vẫn là chỗ dựa tinh thần của tôi, có những khi tôi đi chợ về hơi trễ là anh liền Text cho tôi hỏi: em đi đâu mà tối giờ vẫn chưa về? Những lúc ấy tôi thấy hơi bực mình vì bị gò bó quá, nhưng bây giờ sự gò bó đó không còn nữa thì tôi lại thấy cô đơn quạnh vắng! Quanh mình không 1 người quan tâm tới.

Sáng ra khỏi phòng nhìn quanh đều trống vắng, ăn một mình, ngủ một mình. Tôi cũng có bạn bè nên thỉnh thoảng cũng có điện thoại nhưng chỉ 5-10 phút rồi thôi, vì ai cũng có gia đình chồng con. Tôi vẫn vô thời khóa đều đều và đọc sách nghe pháp, nhưng sao vẫn cứ buồn một sự trống vắng luôn đè nặng trong tâm, cái khổ đau của sự trống vắng này ai ở trong cảnh ngộ mới hiểu được. Có chị bạn nói với tôi: bây giờ chị khỏe quá chừng rồi, mặc tình tự do, không ai ràng buộc đi du lịch đi chơi thật quá tốt rồi. Tôi nói có ở trong cảnh tôi rồi chị sẽ biết, chưa sống qua thì đừng kết luận vội, có sống qua đi rồi sẽ biết thôi!

Tôi nhớ trước khi anh mất chừng 3-4 tháng, một hôm tự nhiên anh nói với tôi: Anh đi rồi là em sẽ khổ lắm đó. Nghe anh nói tôi không trả lời nhưng nghĩ thầm: Anh chết đi thì tôi sẽ buồn, nhưng không khổ đau vì tôi sẽ được tự do, không còn bị ràng buộc (tôi tự nghĩ như vậy) nhưng mọi chuyện rất đúng với lời tiên đoán của anh! Bây giờ anh đã ra đi gần 1 năm rồi mà nỗi đau của tôi vẫn còn âm ỉ như ngày nào!

Con cái thì lúc đầu mỗi tuần đều có đến thăm tôi, rồi thì lơi dần 2 tuần, sau đó mỗi tháng và bây giờ thì rất lâu, tôi không nhớ là bao lâu mới thấy có một đứa tới thăm, nó tới với 1 bọc đồ ăn trên tay, vừa để bọc đồ ăn lên bàn thì liền quay lưng đi ra liền, miệng nói: con mệt quá, con phải về nghỉ, xe nó còn nổ máy ngoài cửa! Thấy cử chỉ của nó như vậy tôi buồn quá làm thinh. Sau đó tôi có Text cho nó: “Con ơi! Con có biết không? Cách cho quý hơn vật cho không con?" Một hôm thấy nhớ các cháu nên tôi gọi cho đứa con gái nói: Con à, thứ 7 này má định mua ít đồ ăn đem qua nhà con, mẹ con Bà Cháu ăn cho vui nghe con? vì đã lâu rồi không gặp tụi nó nên Má cũng rất nhớ được không con? Con gái trả lời: thứ 7 con không có ở nhà, nghe vậy tôi nói: vậy thôi chủ nhật được không con? Con gái trả lời: chủ nhật con phải đưa tụi nó đi shopping. Nghe con gái trả lời mà tôi nghẹn ngào rơi nới mắt! Nó không đưa con tới thăm tôi, mà tôi tự ý tới thăm và đem đồ ăn tới mà nó cũng từ chối!

Tôi biết đây là nhân quả mà tôi đã làm: Ba Má tôi qua Mỹ một lượt với tôi, ông bà được người em trai kế của tôi bảo lãnh ở Cali, đứa em gái út mua 1 căn nhà 3 phòng cho Ba Má tôi ở 1 phòng, còn 2 phòng cho thuê, thời gian này ba má tôi rất vui vẻ, tuy không ở chung với các con, nhưng trong nhà có người thuê phòng nên ông bà không bị cô đơn. Hằng tuần các em tôi thường tới mua đồ ăn để trong tủ lạnh cho Má tôi nấu ăn. Má tôi còn rất khỏe. Ba tôi thường đi bộ ra chợ vì nhà gần chợ. Từ năm 1989 tới năm 2002. Một buổi sáng Ba tôi đi chợ về tới sân nhà, ông bị té nằm dài ra đất. Má tôi đang tưới rau trước sân nhà liền chay ra đỡ ông dậy, rồi từ đó ông không đi chợ nữa, thỉnh thoảng trong nhà ông vẫn bị té, nhưng chỉ quỵ xuống rồi đứng dậy được.

Sau đó mấy tháng cũng trong năm 2002 đứa em gái thứ 5 tìm Nursing Home có Việt Nam làm việc đưa ba tôi vô Nursing Home, ông buồn và khóc quá chừng. Tôi ở Wichita lên thăm ông. Ba tôi nói: Con nói với Thu (em tôi) cho Ba về nhà đi con, Ba đâu có lẫn lộn gì đâu vẫn còn đi đứng được mà, cho Ba về nhà sống ít năm nữa đi con, tôi nhìn Ba tôi thấy thương quá, về nói với đứa em tên Thu, nói lại cho nó nghe những lời Ba tôi đã nói với tôi. Nó nhìn tôi và nói: Chị thương Ba bằng cái đầu đi, đừng thương bằng trái tim, tôi đưa Ba vô chỗ đó đâu phải dễ, phải đăng ký lâu lắm mới vô được đó, từ từ ông sẽ quen thôi.

Tôi ở Cali 2 tuần, mỗi ngày đều vô thăm ông. Ngày nào ông cũng khóc. Ba tôi nói: Ba biết như vầy Ba không qua Mỹ đâu con." Qua năm sau tức 2003, nhỏ em lại đưa Má tôi vô Nursing home cùng chỗ với Ba tôi. Má tôi vẫn còn khỏe lắm. Bà chỉ bị điếc thôi, có làm lỗ tai cho Bà đeo, nhưng Bà không chịu đeo, nói là nhức đầu lắm. Em tôi nói Bà không nghe được nên không thể ở một mình được, hồi xưa có Ba tôi giờ không có Ba thì phải đưa Bà vô Nursing home cùng chỗ với Ba tôi nhưng làm gì cùng phòng được, ở Nursing home thì nam nữ phải ở riêng dù là vợ chồng. Má tôi thì khỏi nói, Bà khóc quá chừng. Bà nói: Tao còn mạnh khỏe sao tụi bây nỡ nào đưa tao vô trong đó vậy?

Thấy tình cảnh Ba Má tôi như vậy, tôi mới bàn với ông xã tôi (lúc đó anh còn làm hãng máy bay chưa về hưu). Tôi nói: anh vui lòng cho em đưa Ba Má về để chăm sóc nghe anh? Anh không đồng ý và nói: ở Cali, Ba Má có 4 người con, người ta còn không lo được, ở đây có mình em làm sao lo được? Anh đi làm mệt lắm, Ba Má ở đây anh không giúp được gì đâu. Tôi biết anh không vui lòng cho Ba Má tôi về ở, tôi rất buồn, nên đành làm thinh, chịu thôi. Tôi nghĩ lại nếu lúc đó tôi cương quyết một chút cũng có thể Ba Má tôi về ở với tôi được, nghĩ tới điều này lòng tôi HỐI HẬN VÔ CÙNG! Ba tôi ở Nursing home 3 năm từ 2002 đến 2005 thì ông mất! Má tôi ở từ 2003 đến 2012 thì bà mất! Má tôi ở Nursing home 9 năm trời!

Bây giờ khi tôi sống một mình, không một người thân bên cạnh, tôi mới thấm thía nỗi đau của cha mẹ mình, nhất là má tôi!

Bây giờ tôi còn có điện thoại, internet, đọc sách, nói chuyện với bạn bè, vậy mà tôi còn thấy cô đơn, buồn khổ vô cùng! Còn má tôi Bà không có những thứ tôi đang có, thì thử hỏi bà buồn đến bực nào? Bà sống với những người xa lạ, có lần tôi vô thăm. Bà nói với tôi: ở đây 2 người ở chung 1 phòng chỉ cách nhau bằng tấm màn vải, có khi bà này ngủ, Bà kia còn thức nên mở TV và đèn sáng là Bà ngủ sớm ngủ không được. Má tôi thì 9 giờ tối là Bà phải đi ngủ, Bà kia thì 12 giờ khuya mới ngủ. cho nên 2 bà thường cãi lộn nhau rồi có lần 2 Bà lại đánh nhau! Văn phòng phải kêu người nhà vô cảnh cáo, nếu còn tái diễn sẽ bị đuổi ra. Một lần khác gặp tôi, má tôi lại nói: ở đây mỗi ngày họ bắt mình phải tắm, vì tắm nhiều người không đủ nước nóng, bị nước lạnh quá, Bà la lên, tụi nó liền đánh vô đít bà chát chát! Má tôi nói vậy.

Nghe vậy tôi rất tội cho Má, tôi nói cho các em nghe, tụi em tôi nói: chị ơi, ở Mỹ là phải vậy thôi, chúng ta đi làm không có ở nhà, làm sao chăm sóc cho cha mẹ được, ở Nursing home có Bác sĩ y tá chăm sóc, thuốc men, họ lo cho ba má ăn uống tất cả rất chu đáo, thì chị còn muốn gì nữa? Nghe xong tôi thấy cũng có lý nên làm thinh không cãi. Nhưng bây giờ khi sống trong cảnh cô đơn một mình tôi mới hiểu ra rằng: con người sống ở trên đời này không phải chỉ cần cơm ăn áo mặc, cơm nước thuốc men chu đáo là đủ, mà cái quan trọng để người ta sống được là TÌNH THƯƠNG, hiểu ra được thì đã quá trễ, và NHÂN QUẢ không sai chạy chút nào cả! Không chăm sóc cha Mẹ lúc già thì ngày nay các con tôi, lơ là bỏ mặc tôi sống một mình không quan tâm tới tôi! như vậy là đúng quá rồi!

Khi suy nghĩ ra được điều này tôi chỉ còn biết quỳ trước bàn Phật để SÁM HỐI mà thôi, tôi lạy trước di ảnh của ba má tôi cầu xin tha thứ, tôi lạy tới đầu gối bị sưng đau, nhưng hỡi ơi! Cha mẹ tôi đã không còn nữa! “tìm khắp thế gian thấy bóng, nhìn lên bàn vong chỉ còn hình.”

Biết là vậy nhưng tôi vẫn SÁM HỐI, tụng kinh niệm Phật để hồi hướng cho ba Má tôi và người chồng quá cố của tôi.

Nước Mỹ là Thiên đàng của tuổi trẻ và là mùa đông của tuổi già. Với thời đại Văn Minh càng cao thì đạo đức căn bản của con người càng xuống thấp, tuy nhiên đạo đức thấp không phải là không có những trường hợp đặc biệt. Ông xã tôi khi xưa có quen với một chú tên là Qu. Tuổi cũng cỡ các em tôi, cùng quê Rạch Giá với tôi, chú có gia đình nhưng không có con. Chú có một bà Mẹ già nên chú làm việc tới năm chú 62 tuổi thì chú xin về hưu non để ở nhà lo phụng dưỡng chăm sóc mẹ già! Thời buổi bây giờ mà một người con xin hưu non để ở nhà chăm sóc mẹ già thì điều này không phải dễ có! Do đó tôi thường nói đùa: Qu ơi, em là loại đồ cổ quý hiếm khó tìm,  chỉ những ai biết sành chơi đồ cổ mới biết được giá trị của nó mà thôi! Chú cười bẻn lẻn và nói: đâu có đáng gì đâu cô.

Hiện tại tôi đang sống một mình, tự lái xe, tự lo ăn uống cho chính bản thân tôi được, nhưng một mai kia, lúc tôi không còn tự lái xe được nữa, không còn đủ sức lo cho chính bản thân tôi được nữa, thì sao? Thì các con tôi sẽ đưa tôi vào Nursing home! Tôi biết NHÂN QUẢ sẽ là như vậy là với người không biết sửa đổi, còn với người Phật tử hằng ngày biết trì chú, Tụng Kinh, Niệm Phậtsám hối thì cái quả xấu của mình đã làm sẽ được cải thiện rất nhiều.

Tôi cũng có đọc các sách về TỊNH ĐỘ thấy Chư Tổ dạy rằng: được vãng sanh hay không là do Tín Nguyện phẩm vị cao hay thấp là do HÀNH TRÌ, tôi biết Tín Nguyện của tôi rất tha thiết, và tôi HÀNH TRÌ rất chuyên cần, nếu lời Chư Tổ không phải là hư dối, thì lẽ nào tôi không được VÃNG SANH? Mà VÃNG SANH được thì ở nơi đâu cũng đâu thành vấn đề! Với Niềm tin như vậy, tôi thấy cuộc sống hiện tại của tôi rất bình yên và tôi lại nhớ một câu nói của thầy Phước Tịnh: "Hãy bằng lòng với những gì mình hiện có đó là hạnh phúc”.

Tôi luôn nhớ lời dạy này của Thầy để được bình yên và an lạc.

Trân Trọng

 

Nguyễn Phương Lan

(Wichita 7-16-22)
Tạo bài viết
02/07/2023(Xem: 3675)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: