CHUYỆN VÃNG SANH
TẬP I - TẬP II & TẬP III
Nhóm Liên Hữu Miền Nam Đất Việt
Nguyễn Minh Tiến hiệu đính và giới thiệu
Nhà Xuất Bản Đà Nẵng
CHUYỆN VÃNG SANH_ TẬP 1- NXB ĐÀ NẴNG
CHUYỆN VÃNG SANH_ TẬP 2- NXB ĐÀ NẴNG
CHUYỆN VÃNG SANH_ TẬP 3- NXB ĐÀ NẴNG
LỜI GIỚI THIỆU
Pháp môn Tịnh độ vốn đã gắn liền với Phật giáo Việt Nam từ rất lâu đời. Giáo lý và niềm tin Tịnh độ dễ dàng được tìm thấy trong các bài giảng hoặc trước tác của hầu hết các bậc thầy xưa cũng như nay. Những vị thầy nổi tiếng từ thời Lý, Trần cũng đã thấy nói khá nhiều về Tịnh độ. Ngay cả một thiền sư cư sĩ lỗi lạc như ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230- 1291) cũng đã nhắc đến hồng danh đức Phật A-di-đà trong tác phẩm của ông: Di-đà vốn thật pháp thân ta, Nam bắc đông tây khắp chói lòa.
Tuy nhiên, dường như khả năng dung nhiếp quá rộng lớn của Giáo pháp Tịnh độ và sự thiếu thực chứng của một số người gần đây đã dẫn đến không ít nhận thức sai lầm về pháp môn Tịnh độ. Có người đã không ngần ngại công khai cho rằng pháp môn Tịnh độ chỉ quan tâm đến kết quả sau khi chết, nên đó chỉ là một pháp môn dành cho người chết hoặc đúng hơn là người sắp chết. Một số khác cho rằng phát nguyện vãng sanh là ích kỷ, vì bỏ rơi mọi chúng sinh đang khổ não để tìm chỗ sung sướng cho riêng mình. Những nhận xét như vậy đều hoàn toàn sai lầm, và xuất phát từ nhận thức rằng người tu Tịnh độ chỉ biết dựa vào sự khẩn cầu “xin xỏ” để được vãng sinh, mà không hiểu được những công phu quan trọng của người hành trì pháp môn Tịnh Độ.
Những câu chuyện trong tập sách này hàm chứa rất nhiều lời thuyết pháp “vô ngôn”, có thể xóa tan những nhận thức sai lầm về pháp môn Tịnh độ. Chúng ta sẽ được thấy ngay trong đời sống trần tục này những tấm gương vị tha như bà Đoàn Thị Yến, chân thành rơi lệ khi nhìn thấy một con trâu bị đánh; ông Phạm Ngọc Hòa với chiếc honda cũ mang theo cuốc xẻng đi khắp nơi đắp sửa đường sá hư hỏng vì mọi người; ông Đồng Văn Lễ sẵn sàng bố thí tất cả cho người khác đến nỗi khi về đến nhà chỉ còn mình trần thân trụi. Ông Lễ cũng là người nêu gương hiếu đạo ít có khi trải chiếu nằm đất cạnh giường khi mẹ bệnh, vì sợ có lúc ngủ quên không thức giấc lúc mẹ cần... Những tấm gương đức hạnh như thế có rất nhiều trong sách này.
Sở dĩ gọi là “vô ngôn”, vì những người kể chuyện chỉ như thật kể lại, không một lời nào mang tính “thuyết pháp”, nhưng chính những câu chuyện có thật này tự chúng đã hàm chứa và nói lên tất cả về định lực, trí tuệ, hạnh nhẫn nhục, từ bi, bố thí, trì giới... và vô số những công hạnh khác của người tu tập. Điều đặc biệt nhất là, những hành giả thành tựu được các công hạnh ấy lại chính là những nông dân chân lấm tay bùn, những phụ nữ yếu đuối, những cụ già quê kệch... Nói chung, họ không khác biệt hay vượt trội gì hơn so với tất cả chúng ta, ngoài một điều là họ có sự tin sâu, nguyện thiết và thực sự tu trì. Chính một câu “hồng danh lục tự” đã giúp họ thành tựu tất cả những công hạnh phi thường ấy.
Mong rằng những câu chuyện có thật này sẽ là những bằng chứng sống động, thiết thực nhất để xóa bỏ mọi sự nghi ngờ, củng cố niềm tin và giúp cho mọi người Phật tử đều có thể hiểu đúng về pháp môn Tịnh độ. Trân trọng, NGUYỄN MINH TIẾN