Đại Đường Tây Vức Ký - Phê Bình Bản Dịch Của Thích Như Điển (Chùa Viên Giác. Đức Quốc). 01 – 101 (106)

23/06/201212:00 SA(Xem: 18481)
Đại Đường Tây Vức Ký - Phê Bình Bản Dịch Của Thích Như Điển (Chùa Viên Giác. Đức Quốc). 01 – 101 (106)

ĐẠI ĐƯỜNG TÂY VỨC KÝ
Phê bình bản dịch của Thích Như Điển 
(Chùa Viên Giác. Đức quốc). 
01 – 101 (106).
Triệu Minh Di

Dẫn Nhập.

Năm đầu Niên hiệu Trinh Quan (627 - 649), Pháp sư Huyền Trang (600 - 664) theo sắc chỉ của Đường Thái tông (599 - 649; tại vị: 627 - 649) đi Thiên Trúc thỉnh Kinh Phật.

Huyền Trang đã từ Ngọc Môn Quan đi về hướng Tây để qua Thiên Trúc.

[Theo các Từ điển và Từ điển Lịch Sử thì Huyền Trang sinh năm 602.

Ở đây tôi căn cứ Bản “Đại Đường Tây Vực Ký Hiệu Chú” của nhóm Quí Diễn Lâm].

- Vào khoảng đầu năm Giáp Thìn (năm 644) Huyền Trang rời Thiên Trúc về nước, để tới ngày 7 tháng Giêng năm Ất Tỵ (tức 645), nhằm năm thứ 19 Niên hiệu Trinh Quan thì ông về tới Trường An, Kinh đô Đường triều, chở về mấy trăm bộ Phật Kinh.

Thời gianThiên Trúc Huyền Trang học Phạn ngữ với Giới Hiền, và ông cũng từng có những cuộc biện luận với tăng chúng Thiên Trúc, tiếng tăm một thời tại nước này.

Trên đường đi, đi qua nước nào Huyền Trang cũng ghi lại vài giòng về Lịch sử, Địa lý cũng như thổ sản, phong tục, tập quán của nước đó, và nhất là về tình hình Phật giáo như tình trạng Chùa chiền, Tăng chúng, Tông phái, cũng như một vài nét về tình hình ngoại đạo ở các nước ông đi qua, và ông đã đi qua tất cả 139 nước, lớn nhỏ.

Đây là những ghi chép quí giá, 1 sử liệu rất giá trị về tình hình của một số nước ở vùng Trung Á và Ấn Độ thời cổ.

Khi về những ghi chép trên đây được sắp xếp lại để thành tác phẩm trứ danh ngày nay chúng ta biết là “Đại Đường Tây Vực Ký”. Về nước năm trước thì tới tháng 5 (âm lịch) năm sau (646) Huyền Trang hoàn tất tác phẩm nói trên - được sư Biện Cơ ghi lại theo lời kể của ông. 

&

Năm 2003, Thích Như Điển qua Úc, lưu lại 3 tháng, và ngồi dịch Bộ “Tây Vực Ký” này với sự “trợ dịch”, theo như Thích Như Điển ghi trong bản dịch, của 2 tỳ kheo là Thích Đồng Văn, Thích Hạnh Giới. Bản dịch này xuất bản năm 2004.

Nhập.

Đại Đường Tây Vực Ký có một bài Đề tựa của Trương Duyệt (667 - 730) đời Đường.

Cuối bài Đề tựa ghi:

- “Thượng thư Tả Bộc xạ Yên Quốc công vu Chí Ninh chế”.

Thích Như Điển phiên âm:

- “Thượng Thơ Tả Bộc Xạ Yến Quốc Công Trương Thuyết soạn”.

Chỉ một câu 11 chữ mà Thích Như Điển đã sai tới 2 lỗi về phiên âm Hán Việt:

1). Yến Quốc Công.

Phiên âm sai chữ “Yến” (Yên + dấu Sắc). Âm chính xác là “Yên” (không dấu giọng).

Chữ “Yến” (= chim én) phải đọc là “Yên” nếu chỉ Địa danh, ở đây tức chỉ nước Yên thời Chiến Quốc (403 - 221 tr. Cn), địa vực cổ hiện nay thuộc huyện Đại Hưng tỉnh Hà Bắc.

Do đó, cho đến hiện nay Yên cũng là biệt danh của tỉnh Hà Bắc

Đây là phép gọi là Giả tá trong Lục Thư (6 phép tạo văn tự), tức mượn một chữ nhưng đọc âm khác. Âm đã khác do đó ý nghĩa cũng khác đi.

Giả tá còn gọi là Thông tá.

2). Trương Thuyết.

Chữ “Thuyết” (= Nói) ở đây phải đọc âm “Duyệt” (= Vui vẻ).

Ở đây cũng là trường hợp Giả tá đã nói trên.

#

Trên đây là điều căn bản. Căn bản mà còn Sai như thế thì những chuyện khác thì sao?

Tiếp đây tôi sẽ nói những chuyện khác đó trong bản dịch Việt văn Bộ “Tây Vực” của Thích Như Điển, với sự trợ dịch của 2 tỳ kheo Thích Đồng Văn, Thích Hạnh Giới.

- Mỗi đoạn của nguyên tác tôi dẫn dịch văn của Thích Như Điển về đoạn này.

- Tiếp đến là phần dịch của tôi để độc giả đối chiếu.

- Tiếp đến nữa, trong điều mục có tiêu đề+ Những cái Sai của Thích Như Điển” tôi sẽ phân tích từng câu trong phần dịch của Thích Như Điển, đối chiếu với nguyên tác, để độc giả có một nhận định thực chính xác về mức độ Sai lầm của Thích Như Điển!

Việc sau tuy trùng lập nhưng cần thiết, để độc giả có thể đối chiếu dễ hơn, và rõ hơn! 

Trong “Lời tựa” cho bản dịch “Đại Đường Tây Vực Ký”, Thích Như Điển viết:

- “Quý vị đang cầm trên tay quyển “Đại Đường Tây Vức Ký” được chuyển dịch từ chữ Hán sang tiếng Việt là do kết quả của sự miệt mài dịch thuật của chúng tôi từ ngày 24 tháng 10 năm 2003 đến ngày 10 tháng 12 năm 2003 tại Tu Viện Đa Bảo, Úc Đại Lợi nhân mùa nhập thất lần đầu tại đây.

Xin tạ ơn Tam bảo đã soi chiếu cho chúng con để lần dò từng câu văn từng ý chữ mà ngài Huyền Trang, một bậc danh tăng đời Đường đã thể hiện trọn vẹn hết tâm ý khi đi chiêm bái, học hỏi và ghi lại nơi Thánh Địa ròng rã 17 năm trời...…”.

............ ......... ......... ......... ......... .........…

Chúng tôi được một điều là biết thêm tiếng Nhật, cho nên việc tra cứu có phần dễ hơn một ít. Riêng chữ Hán nào không rõ thì phải tra tự điển cùng với Thầy Đồng Văn để làm cho rõ nghĩa trước khi dịch. Thầy Đồng Văn biết nhiều chữ Hán và đã tốt nghiệp Tiến Sĩ Phật HọcẤn Độ năm 2001 tại Đại Học New Delhi nên những phong tục tập quán và địa danh Thầy ấy tương đối rành rẽ.

Sau khi dịch xong chúng tôi trao qua Hòa Thượng Thích Bảo Lạc, bào huynh của tôi cũng đã tốt nghiệp Đại Học Phật Giáo Thiền Tào Động (Komazawa) tại Nhật để xem lại cho thật kỹ một lần nữa, trước khi cho in thành sách. Cho nên có thể tin tưởng thêm một phần lớn của dịch phẩm này. Thêm vào đó, Hạnh Giới là đệ tử xuất gia của tôi cũng mới vừa tốt nghiệp Tiến Sĩ Triết Học về Tôn GiáoNgôn Ngữ Học tại Đại Học Hannover, Đức Quốc cũng đã phụ lực trong việc đánh máy, tham cứu bài vở.......…”.

(Trang 1 và trang 8).

~ Trong những trang phê bình sau đây tôi cũng sẽ “lần dò từng câu văn từng ý chữđể coi bộ 4 dịch thuật, gồm Thích Như Điển cầm đầu đứng tên, 2 ông tiến sĩ trợ dịch và 1 ông hòa thượng duyệt xét bản dịch, làm ăn ra làm sao? và nhất là để coi dịch phẩm của bộ 4 này “có thể tin tưởng thêm phần lớn” như lời của ông đứng tên hay không?

Nam mô thập phương thường trụ Tam Bảo.

Nam mô thập phương thường trụ Tam Bảo.

Nam mô thập phương thường trụ Tam Bảo.

Lạy Tổ Duy Thức Tông!

Nguyên tác. A Kỳ Ni Quốc  01 / 34.

- “A Kỳ Ni Quốc Đông Tây lục bách dư lí, Nam Bắc tứ bách dư lí. Quốc Đại Đô thành chu lục, thất lí, tứ diện cứ sơn , đạo hiểm, dị thủ. Tuyền, lưu giao đới, dẫn thủy vi điền.

Thổ nghi: môn, thử, túc mạch, hương tảo, bồ đào, lê, nãi chư quả. Khí tự hòa sướng, phong tục chất trực. Văn tự thủ tắc Ấn Độ, vi hữu tăng tổn..… Vương, kì quốc nhân dã, dũng nhi quả lược, hiếu tự xưng phạt. Quốc vô kỷ cương, Pháp bất chỉnh túc”.

Đại Đường Tây Vực Ký. Qu. I. A Kỳ Ni Quốc /.

Thích Như Điển dịch.

- “Nước A Kỳ Ni, đông tây hơn sáu trăm dặm. Nam bắc hơn bốn trăm dặm, chu vi của Thủ đô 67 dặm. Bốn phía bao bọc bởi núi non hiểm trở. Sông ngòi ao hồ, lấy nước đó làm ruộng. Ruộng ấy cấy lúa. Trồng hoa, trồng nho, lê và các thứ cây ăn quả khác. Khí hậu điều hòa, phong tục chất trực. Chữ nghĩa lấy từ tiếng Ấn Độ..… Vua của nước này là người dõng mãnh mưu lược; nhưng nước không có kỷ cương, luật pháp không chỉnh đốn”.

(Trang 32).

Minh Di.

- “Nước A Kỳ Ni từ Đông qua Tây dài hơn 600 dặm, từ Nam lên Bắc xa hơn 400 dặm. Kinh Thành nước này chu vi 6, 7 dặm, bốn bề dựa núi, đường đi hiểm trở, (ở vị trí) dễ phòng thủ. Sông, suối liền nhau, (dân ở đây) dẫn nước vào để làm ruộng. Thổ sản có: (lúa) , lúa nếp, lúa mạch, táo (tàu), nho, lê, táo, các thứ trái cây. Khí hậu ôn hòa, dễ chịu, con người thành thực, thẳng thắn. Văn tự thì theo qui tắc của chữ viết Ấn Độ, có sửa đổi đôi chút ...... Vua là người bản xứ, dũng cảm nhưng kém mưu lược, thích việc chinh phạt. Quốc gia thì không phép tắc, Pháp luật thì lỏng lẻo”.

[Phụ chú.

1 xích thời Huyền Trang tính ra hệ thống SI tương đương 0.311 m.

10 xích = 1 trượng = 3.11 m.

10 trượng = 1 dẫn = 31.10 m.

18 dẫn = 1 Lí = 18 x 31.10 m = 559.8 m, tức hơn nửa cây số một chút.

600 dặm = 600 x 559.8 = 335.88 km.

400 dặm = 400 x 559.8 = 223.92 km.

Vậy, diện tích của nước A Kỳ Ni = 335.88 km x 223.92 km = 75,210.249 km2].

+ Những cái Sai của Thích Như Điển.

Dịch sai, dịch thiếu.

~ Chu vi của Kinh thành A Kỳ Nikhoảng 6 hoặc 7 dặm - chứ không phải là 67 dặm như Thích Như Điển dịch.

~ Thích Như Điển dịch thiếu 2 chữ “dị thủ”, nghĩa là dễ phòng thủ.

~ Câu “Tuyền, lưu giao đới” Thích Như Điển dịch là “Sông ngòi ao hồ” thì không xuôi.

~ Thích Như Điển dịch thiếu 2 chữ “thổ nghi” (= thổ sản).

~ Vọng tả, vọng tả!

Thích Như Điển nói trong đoạn dịch trên đây của ông ta là xứ A Kỳ Nitrồng hoa”.

Nếu vậy, xin Thích Như Điển chỉ cho tôi và độc giả chỗ nào trong nguyên tác dẫn trên nói tới việc “trồng hoa” mà ông vọng tả ra đó. Vọng tả, vọng tả!

~ Các thực vật, cây trái, thổ sản của xứ A Kỳ Ni nguyên tác liệt kê tất cả 7 thứ, nhưng Thích Như Điển chỉ dịch có 2 thứ là “nho” và “”.

~ Trong nguyên tác, tiếp liền sau câu Văn tự thủ tắc Ấn Độ” (“Chữ viết theo Ấn Độ”) là câu “vi hữu tăng tổn”, nghĩa là “sửa đổi đôi chút” - chẳng hiểu Thích Như Điển giấu câu sau này đi đâu mà không dịch?

Lại nữa, “Văn tự” mà Thích Như Điển dịch là “Chữ Nghĩa” thì đúng xa rời chữ nghĩa!

~ Câu “Vương, kì quốc nhân dã”, Thích Như Điển dịch là “Vua của nước này”, dịch vậy vẫn chưa tận ý của nguyên tác, là nhấn mạnh ông vua nước này là dân bản xứ!

~ Sau cùng, Thích Như Điển lại tiếp tục dịch thiếu. 

Trong nguyên tác: tiếp liền sau câu “dũng nhi quả lược” (“can đảm mà kém mưu lược”) là câu “hiếu tự xưng phạt”, nghĩa là “thích việc chinh phạt” - Câu sau này độc giả cũng không thấy Thích Như Điển dịch.

~ Nguyên tác: “Thổ nghi: môn, thử, túc mạch, hương tảo, bồ đào, lê, nãi chư quả”.

- Thổ sản có: (lúa) , lúa nếp, lúa mạch, táo (tàu), nho, lê, táo, các thứ trái cây”.

Thích Như Điển dịch:

- “Trồng hoa, trồng nho, lê và các thứ cây ăn quả khác”.

Thích Như Điển dịch vừa sai lại vừa thiếu! Nhưng ở đây tôi muốn nói thêm 1 điểm. 

2 chữ “chư quảchỉ các thứ trái cây “táo (tàu), nho, táoliệt kê trước đó, không chỉ các thứ trái cây khác, Thích Như Điển hiểu chưa tới, tưởng như vậy. Nói rõ hơn, 2 chữ này được đặt ở sau để tóm lại những trái cây đã liệt kê trước đó. Nếu viết xuôi câu trên sẽ như sau: - “Chư quả hương tảo, bồ đào, lê, nãi”.

Nguyên tác. Khuất Chi Quốc 02 / 34.

- “Khuất Chi Quốc Đông Tây thiên dư lí, Nam Bắc lục bách dư lí. Quốc Đại Đô thành chu thập thất, bát lí. Nghi môn, mạch, hữu canh đạo, xuất bồ đào, thạch lựu, đa lê, nãi, đào, hạnh. Thổ sản: hoàng kim, đồng, thiết, diên, tích. Khí tự hòa, phong tục chất”.

Sđd. Qu.I. Khuất Chi Quốc /.

Thích Như Điển dịch.

- “Nước Quật Chi đông tây hơn ngàn dặm. Nam bắc hơn 600 dặm. Thủ đô của nước này là 78 dặm. Có trồng lúa mạch, nho, lựu và nhiều đào lê. Những thổ sản như vàng, đồng, thiếc, khí hậu phong tục ôn hòa”.

(trang 33).

Minh Di.

- “Nước Khuất Chi Đông – Tây dài hơn một ngàn dặm, Nam - Bắc xa hơn 600 dặm. Kinh thành của nước này chu vi 17, 18 dặm. Thổ sản: có lúa kê, lúa mạch, có cả giống lúa muộn, trồng nho, thạch lựu, có nhiều lê, táo, đào, mơ. Khoáng sản: có vàng, đồng, sắt, chì, thiếc. Khí hậu ôn hòa, phong tục chất phác”.

+ Những cái Sai của Thích Như Điển.

~ Chữ “Khuất” trong tên “Khuất Chi Quốc” cũng có một âm đọc là “Quật”, nhưng ở đây phải đọc là “Khuất”. Tức Khuất Chi, không phải Quật Chi như Thích Như Điển viết.

Khuất Chi tức nước Khâu Tư, nay là Khu Tự trị Duy Ngô Nhĩ, tỉnh Tân Cương.

~ Chu vi của Kinh thành Khuất Chi là 17 hoặc 18 dặm, Thích Như Điển lại nói 78 dặm!

Trước hết, Thích Như Điển dịch thiếu chữ “thập” (= 10), và cũng như trước đây, ông ta thấy 2 con số gần nhau cứ thế mà ráp lại, mà không biết rằng những con số đứng liền nhau chỉ chiều dài hay chu vi trong “Tây Vực Kýđộc lập, mỗi số là 1 trị số khác.

~ Về cây trái thực vật Thích Như Điển dịch thiếu các thứ lúa kê (môn), lúa muộn (canh) và táo (nãi), rồi (hạnh).

Đây là chưa nói trước những thực vật được liệt kê trong nguyên tác có chữ “Nghi”, tức tiếng “Thổ nghi” (Thổ sản) viết tắt, chữ này Thích Như Điển đã dịch thiếu.

~ Về khoáng sản Thích Như Điển dịch thiếu 2 khoáng sản “sắt” (thiết) và chì (diên).

~ Nguyên tác: “Phong tục chất” (“phong tục chất phác”), nhưng Thích Như Điển lại dịch là “phong tục ôn hòa”! Ở đây chỉ tính tình của người Khuất Chi chất phác.

Cũng trong phần tự thuật về nước Khuất Chi, tập Tây Vực Ký chép:

- “Quốc đông cảnh thành bắc Thiên Từ tiền hữu Đại Long Trì. Chư long dịch hình giao hợp tẩn mã toại sinh long câu, lộng lệ nan ngự; long câu chi tử phương nãi tuần giá. Sở dĩ thử quốc đa xuất thiện mã”.

Sđd. Qu. I. Khuất Chi Quốc. Đại Long Trì cập Kim Hoa Vương /.

Thích Như Điển dịch: 

- “Phía đông của quốc gia này có một cái ao rất lớn. Nơi đó xuất hiện nhiều con rồng hay lấy nhau với ngựa sanh ra ngựa rồng trông rất khó coi. Ngựa rồng được huấn luyện thuần thục. Cho nên nước này có nhiều ngựa hay”.

(trang 33).

Minh Di.

- “Ở miền Đông nước này, ở phía Bắc thành, trước miếu Thiên Từ có một cái ao tên là Đại Long Trì. Những con rồng ở trong ao này biến hình mà giao hợp với ngựa cái để sinh ra giống ngựa gọi là long câu, (giống ngựa này) rất khó cỡi; (phải đến đời) con của long câu thì mới huấn luyện để cỡi được. Bởi vậy nước này có nhiều ngựa hay”.

+ Những cái Sai của Thích Như Điển.

Cứ đối chiếu nguyên tác, và dịch văn của tôi độc giả thấy ngay Thích Như Điển đã dịch tầm bậy tầm bạ, thiếu rất nhiều.

~ Trước hết về vị trí chính xác của Đại Long Trì Thích Như Điển không biết.

~ Nguyên tác: “Những con rồng (ở trong ao) biến hình” (“Chư long dịch hình”), câu này không thấy trong dịch văn của Thích Như Điển.

~ Câu dịch “Nơi đó xuất hiện nhiều con rồng hay lấy nhau với ngựa sanh ra ngựa rồng trông rất khó coi” của Thích Như Điển có mấy chỗ thực ba láp!

Vì không hiểu câu “lộng lệ nan ngự” là gì Thích Như Điển dịch láo là “trông rất khó coi”.

2 chữ “lộng lệ []” nghĩa là “rất”. Lộng lệ nan = rất khó.

Khang Hi Tự Điển: “Lộng lệ, ngận dã”. [, ]: “Lộng lệ, nghĩa là rất”.

Ngoài ra, nguyên tác nói rõ là “rồng giao hợp với ngựa cái” [tẩn mã], trong khi câu dịch của Thích Như Điển nói khơi khơi là ngựa, không biết là ngựa đực hay ngựa cái?

~ “Ngựa rồng được huấn luyện thuần thục”, câu dịch này của Thích Như Điển chẳng ra đầu cua tai nheo gì hết, thực là lạc lõng!

Chỉ một đoạn văn ngắn như thế mà Thích Như Điển sai, thiếu tới chừng đó, và Câu cú thì lủng cà lủng củng, rời rạc chẳng câu nào ăn với câu nào, đúng là “bất khả tư nghì”! 

Cũng ở Khuất Chi quốc, ở một đoạn dưới nữa:

- “Hoang thành Bắc tứ thập dư lí, tiếp sơn a cách nhất hà thủy, hữu nhị già lam, đồng danh Chiêu Hổ Ly, nhi Đông, Tây tùy xứng. Phật tượng trang sức đãi việt nhân công! Tăng đồ thanh túc, thành vi cần lệ. Đông Chiêu Hổ Ly Phật đường trung hữu ngọc thạch, diện quảng nhị xích dư, sắc đới hoàng bạch, trạng như hải cáp, kỳ thượng hữu Phật túc lí chi tích, trường xích hữu bát thốn, quảng dư lục thốn hĩ! Hoặc hữu trai nhật chiếu chúc quang minh”.

Sđd. Qu.I. Khuất Chi Quốc. Chiêu Hổ Ly nhị Già lam /.

Thích Như Điển dịch:

- “Hoàng thành phía bắc hơn 40 dặm giáp với núi và sông. Có hai ngôi chùa cùng có tên Chiếu Cổ Cốc; nhưng Đông Tây thì tùy xưng. Sự trang sức Phật tượng do nhân công làm lấy. Tăng tín đồ dùng trai thanh tịnh. Tại Phật đường chùa Chiếu Cổ này có ngọc thạch. Mặt dài hai tấc, màu vàng và trắng giống như nước biển. Tại đây cũng có dấu chân của Đức Phật, chiều dài cở tám tấc, chiều rộng cở sáu tấc. Những ngày lễ lạc đều có thắp đèn”.

(trang 34).

Minh Di.

- “Phía Bắc thành hoang hơn 40 dặm, bên ven núi, cách một con sông, có 2 ngôi chùa cùng tên Chiêu Hổ Ly, 1 chùa bên Đông, 1 chùa bên Tây, đối xứng nhau. Tô điểm cho các tượng Phật đại khái do nhân công từ xa tới phụ trách! Tăng chúng thì thanh tịnh trang nghiêm, thành tâm siêng năng (tu tập). Trong Phật đường Chùa Chiêu Hổ Ly bên Đông có một phiến ngọc thạch, bề mặt rộng hơn 2 thước, màu trắng ánh vàng, có dạng như loài trai sò biển, trên mặt có dấu chân Phật dài 1 thước 8 tấc, rộng hơn 6 tấc! Vào những ngày chay có lúc phiến ngọc thạch này phát ra ánh sáng rỡ ràng”.

[Phụ chú.

Như đã nói, 1 thước (xích) đời Đường = 31.1 cm (0.311 m).

1 tấc (thốn) bằng 1 / 10 xích, tức = 3.11 cm (0.0311 m).

Dấu chân Phật kể trên dài 1 xích 8 thốn là dài:

(1 x 31.1 cm) + (8 x 3.11 cm) = 31.1 cm + 24.88 cm = 55.88 cm.

Dấu chân Phật rộng 6 tấc là rộng:

6 x 3.11 cm = 18.66 cm]. 

+ Những cái Sai của Thích Như Điển.

Cứ đối chiếu 2 đoạn dịch văn trên đây độc giả thấy ngay những cái sai về phiên âm, về phiên dịch của Thích Như Điển. Những cái sai, cái bá láp của Thích Như Điển:

~ Nguyên tác: “Hoang thành” (Thành hoang) dịch là “hoàng thành”,

~ Nguyên tác: “tiếp sơn a, cách nhất hà thủy (bên ven núi, cách một con sông)” thì dịch rất là ba láp là “giáp với núi và sông”.

~ Tên Chùa “Chiêu Hổ Ly” đọc thành “Chiếu Cổ Cốc”.

Cả 3 Chữ phiên âm đều sai cả 3! Tôi đến không rõ Thích Như Điển mò được ở đâu ra cái tên Chiếu Cổ Cốc này?

Chiêu Hổ Ly

Và “tùy xứng” (đối xứng) lại đọc sai là “tùy xưng”, và rồi cũng bởi không hiểu 2 chữ này nghĩa là gì, túng quá, không biết phải dịch ra làm sao, Thích Như Điển rồi để nguyên là “tùy xưng”.

~ Nguyên tác nói là: “Nhân công tô điểm tượng Phật là nhân công từ xa tới”, thế nhưng Thích Như Điển lại dịch sai lạc là “Sự trang sức Phật tượng do nhân công làm lấy”.

~ Nguyên tác: “Tăng chúng thì thanh tịnh trang nghiêm, thành tâm siêng năng (tu tập)”.

Thích Như Điển lại dịch rất ba láp là “Tăng tín đồ dùng trai thanh tịnh”  

~ Về màu sắc cũng như kích thước chính xác của phiến ngọc thạch trong Phật đường của Chùa Chiêu Hổ Ly bên Đông cũng viết ba láp.

Chúng ta hãy nghe Thích Như Điển nói lếu láo: “Tại Phật đường chùa Chiếu Cổ này có ngọc thạch. Mặt dài hai tấc, màu vàng và trắng giống như nước biển”.

> Nguyên tác tả là “Phiến ngọc thạch này bề rộng hơn 2 thước, sắc trắng ánh vàng, có hình dạng như vỏ trai sò ở biển”.

~ Và rồi, thêm 1 cái lếu láo nữa: Tại đây cũng có dấu chân của Đức Phật, chiều dài cở tám tấc, chiều rộng cở sáu tấc”.

> Nguyên tác: “Dấu chân Phật dài 1 thước 8 tấc, rộng hơn 6 tấc”.

~ Một cái lếu láo sau cùng của Thích Như Điển: “Những ngày lễ lạc đều có thắp đèn”.

> “Vào những ngày chay có lúc phiến ngọc thạch này phát ra ánh sáng rỡ ràng”.

Nguyên tác ghi rành rành là “ngày Chay” (“Trai nhật”) mà Thích Như Điển dịch tầm bậy là “ngày lễ lạc”....…

Cũng nước Khuất Chi, ở một đoạn dưới nữa:

- “Đại thành Tây môn ngoại lộ tả hữu các hữu lập Phật tượng cao cửu thập dư xích. Ư thử tượng tiền kiến ngũ niên nhất đại hội xứ. Mỗi tuế Thu phân sổ thập nhật gian, cử quốc tăng đồ giai lai hội tập. Thượng tự Quân vương, hạ chí sĩ thứ quyên phế tục vụ, phụng trì trai giới, thụ Kinh, thính Pháp, khát nhật vong bì. Chư tăng già lam trang nghiêm Phật tượng, oanh dĩ trân bảo, sức chi cẩm khởi, tái chư liễn dư vị chi Hành Tượng, động dĩ thiên số vân tập hội sở. Thường dĩ nguyệt thập ngũ nhật, hối nhật, quốc vương, đại thần mưu nghị Quốc sự, phỏng cập cao tăng, nhiên hậu tuyên bố”.

Sđd. Qu. I. Khuất Chi Quốc. Đại Hội Trường /.

Thích Như Điển dịch:

- “Bên ngoài cửa phía Tây của thành ở hai bên đường đều có dựng tượng Phật. Cao hơn 90 tấc. Nơi trước tượng này cứ mỗi 5 năm có một lần đại hội cúng lễ mùa Thu đến 10 ngày. Tăng tín đồ đều đến đây tập hội. Trên từ quân vương, dưới đến thứ dân theo phong tục này phụng trì trai giới. Thọ kinh thính pháp ngày này qua ngày khác. Chư tăng sửa soạn Phật tượng nơi giá lam dùng vải để trang sức, kết hoa nơi Phật tượng. Vương Đại Thần cũng hội nghị quốc sự cùng với cao Tăng, khi đông nhất có cả ngàn người vân tập thường vào ngày 15 mỗi tháng”.

(trang 34).

 

Minh Di.

- “Phía ngoài cửa Tây Kinh thành 2 bên đường đều có tượng Phật cao hơn 90 thước. Cứ mỗi 5 năm một lần, trước 2 Tượng này là nơi tổ chức Đại hội. Hằng năm mấy chục ngày của tiết Thu phân thì tăng chúng cả nước đều tụ tập về đây. Trên từ Quốc vương dưới đến thứ dân (tất cả) đều bỏ hết mọi chuyện thế tục, ăn chay giữ giới, tụng Kinh nghe Pháp, suốt ngày quên cả mệt mỏi. Các chùa thì làm tôn vẻ trang nghiêm của các tượng Phật, dùng các vật quí báu cho tượng rỡ ràng, trang sức tượng với gấm vóc và chở lên xe, gọi là Rước Tượng, làm cả ngàn người nô nức tới nơi hành lễ. Thường thì mỗi tháng vào 2 ngày 15 và ngày cuối tháng quốc vương, đại thần họp bàn quốc sự và (sau khi) hỏi ý kiến của các cao tăng thì mới tuyên bố những quyết định (ở buổi họp)”. 

[Phụ chú.

5 năm một lần Đại hội ở đây tức chỉ Đại lễ Vô Già, Phạn ngữPañcapariṣad, hoặc là Pañcavarṣika-pariṣad, là Lễ Đại Trai - Xin coi chú thích ở một đoạn sau].

 

+ Những cái Sai của Thích Như Điển.

Thích Như Điển dịch sai rất nhiều:

~ Nguyên tác: “Cửa tây của Kinh thành”, Thích như Điển chỉ nói “thành” thôi thì thiếu.

~ Nguyên tác ghi rõ là: 2 Tượng Phật ở 2 bên đường ngoài Cửa Tây Kinh Thành cao hơn 90 thước (cửu thập dư xích), tức hơn 27.99 m, không phải 90 tấc (02.799 m), như Thích Như Điển viết sai!

~ Nguyên tác nói “Thu phân sổ thập nhật gian”, (“mấy chục ngày của tiết Thu phân”).

Trong khi Thích Như Điển dịch bậy là “cúng lễ mùa Thu đến 10 ngày”.

Nguyên tác nói: “sổ thập nhật”, tức “mấy chục ngày”, Thích Như Điển bởi Hán văn kém cho nên dịch 2 chữ “sổ thập” là “10 ngày”.

[Tiết Thu phân ứng với ngày 23, hoặc 24 tháng 9 Dương lịch ở Bắc Bán cầu.

Khi mặt trời tiến gần đường Xích đạo để tiến tới điểm bắt đầu mùa Thu. Đến điểm này thì đây là thời điểm ngày và đêm dài bằng nhau].

~ Nguyên tác: “Thụ Kinh thính Pháp, khát nhật vong bì”, tức là “Tụng Kinh nghe Pháp suốt ngày quên cả mệt mỏi”. “Khát nhật” nghĩa là “suốt ngày”.

Trong khi đó Thích Như Điển lại dịch “khát nhật” lếu láo là “ngày này qua ngày khác”.

~ Nguyên tác tự thuật việc tô điểm các tượng Phật trong các Chùa rất chi tiết:

- “Chư tăng già lam trang nghiêm Phật tượng, oanh dĩ trân bảo, sức chi cẩm khởi, tái chư liễn dư vị chi Hành Tượng”.

- “Các Chùa thì làm tôn vẻ trang nghiêm của các tượng Phật, dùng các vật quí tô điểm cho tượng rỡ ràng, trang sức tượng với gấm vóc và chở lên xe, gọi là Rước Tượng”.

Trong khi đó thì Thích Như Điển lại dịch rất qua quít: - “Chư tăng sửa soạn Phật tượng nơi giá lam dùng vải để trang sức, kết hoa nơi Phật tượng.”

Câu dịch trên của Thích Như Điển thiếu mất các ý: - “các vật quí báu”, “chở lên xe”, và nhất là ý “gọi là Rước Tượng”.

Ngoài ra trong nguyên tác không cho chỗ nào nói “kết hoa nơi Phật tượng” cả!

Đã hẳn, rước tượng Phật như vậy thì có kết hoa, nhưng đây nguyên tác không nói.

~ Nguyên tác: - “Thường thì mỗi tháng vào 2 ngày 15 và ngày cuối tháng Quốc vương, Đại thần họp bàn việc nước và (sau khi) hỏi ý kiến của các cao tăng thì mới tuyên bố những quyết định (ở buổi họp)”.

Cứ đối chiếu với dịch văn của Thích Như Điển độc giả sẽ thấy cái ba láp, cái lếu láo của Thích Như Điển!

Tiếp liền đoạn trên, “Tây Vực Ký” tự thuật về một ngôi Chùa nổi tiếng của Khuất Chi:

- “Hội trường Tây bắc, độ hà chí A Xa Lí Nhị già lam (Đường ngôn kì đặc), đình vũ hiển xưởng, Phật tượng công sức, tăng đồ túc mục, tinh cần phỉ đãi, tịnh thị kì ngải túc đức, thạc học cao tài, viễn phương tuấn ngạn, mộ nghĩa chí chỉ! Quốc vương, đại thần, sĩ thứ, hào hữu tứ sự cung dưỡng, cửu nhi di kính! Văn chư tiên chí viết:

~ Tích thử Quốc tiên vương sùng kính Tam Bảo, tương dục du phương, quan lễ Thánh tích, nãi mệnh mẫu đệ nhiếp tri lưu sự. Kỳ đệ thụ mệnh, thiết tự cát thế, phòng vị manh dã! Phong chi kim hàm, trì dĩ thượng vương. Vương viết:

< Tư hà vị dã?>.

Đối viết:

< Hồi giá chi nhật, nãi khả khai phát >.

Tức phó chấp sự, tùy quân chưởng hộ.

Vương chi hoàn giả, quả hữu cấu họa giả viết:

< Vương lệnh giám quốc, dâm loạn trung cung >.

Vương văn chấn nộ, dục trí nghiêm hình. Đệ viết:

< Bất cảm đào trách, nguyện khai kim hàm>.

Vương toại phát nhi thị chi, nãi đoạn thế dã! Viết:

< Tư hà dị vật, dục hà phát minh? >.

Đối viết:

< Vương tích du phương, mệnh tri lưu sự, cụ hữu sàm họa, cát thế tự minh. Kim quả hữu trưng, nguyện thùy chiếu lãm! >.

Vương thâm kinh dị, tình ái di long, xuất nhập hậu đình, vô sở cấm ngại.

Vương đệ ư hậu hành, ngộ nhất phu ủng ngũ bách ngưu, dục sự hình hủ. Kiến nhi duy niệm, dẫn loại tăng hoài “Ngã kim hình khuy, khởi phi túc nghiệp?”. Tức dĩ tài bảo thục thử quần ngưu, dĩ từ thiện lực, nam hình tiệm cụ. Dĩ hình cụ cố, toại bất nhập Cung.

Vương quái nhi vấn chi, nãi trần kỳ thủy mạt. Vương dĩ vi kỳ đặc dã, toại kiến Già lam, thức tinh mỹ tích, truyền phương hậu điệp”.

Sđd. Qu. I. Khuất Chi Quốc. A Xa Lí Già Lam cập Kỳ Truyền Thuyết /.

Thích Như Điển dịch:

- “Từ hội trường tây bắc qua sông đến A Nhã Lý có hai ngôi Già Lam, nơi đây thờ tự Phật tượng rất đẹp đẽ. Tăng tín đồ siêng năng tu học không giải đãi. Họ là những người có đức độ và học vấn cao. Xa xôi cách mấy cũng có nhiều người đến không dừng. Quốc Vương đại thần thứ dân tả hữu luôn luôn có sự tứ cúng dường và có tâm cung kính. Nghe người xưa nói lại rằng Vua đời trước rất sùng kính Tam Bảo, muốn đi chiêm bái các Thánh Tích, nên để cho mẹ và em nhiếp chính. Người em lãnh giữ, nhưng chưa tự phòng được như vua anh, nên có vấn đề. Khi ngài trở về lại chẳng như ý nên Vua đã cho người khác thay thế. Nhưng kết quả của Vua em làm đã tạo nên những việc loạn dâm trong triều đình cung nội. Khi Vua nghe được như vậy liền giận dữ muốn nghiêm phạt. Người em nói rằng: “Em muốn cho Vương Triều phát đạt tạo nên thế lực lớn, mà sanh ra kết quả khác thường như vậy. Có ngờ đâu sanh ra việc ấy”.

Lại nói khi Vua đi du hành để lại những công việc triều chính, mà người em đã làm hại thì kết quả bây giờ đã có nhật nguyệt chiếu soi. Nhà Vua vì tình cảm anh em mà cho vào ra nơi cung đình không có nghiêm cấm. Sau đó Vua em đã tự tiện giết 500 con bò, thấy thế liền nghi mọi việc băng hoại. Chẳng qua là túc nghiệp của ta giống như loài bò nầy, lòng từ thiện mà hy sinh vậy. Những kẻ có hình người nam không được nhập cung. Nhà Vua được điều trần trước sau như vậy; nhưng nhà Vua vẫn đặc biệt cho kiến tạo già lam xây dựng chỗ ở cho Tăng”.

(trang 34, 35).

Phải nói là tôi phải rùng mình cho một cái sự không biết phải dùng hình dung từ nào để diễn tả cho hết cảm nghĩ của tôi khi duyệt đoạn dịch văn trên đây của ông trụ trì Chùa Viên Giác Thích Như Điển!

Một câu chuyện có đầu có đuôi, mạch lạc đâu ra đó, tự thuật cũng bình dị, bất cứ ai có trình độ trung bình về Hán văn cũng có thể hiểu rõ! Nhưng gặp ông trụ trì này thì thành một đống xà bần, Câu chuyện kể lại trở nên tối tăm, u ám, Thích Như Điển rồi viết như một kẻ mê sảng!

Nói hành văn! Hànhlàm, là đi, thế nhưng, ở đây Thích Như Điển lại “không đi”, mà oặt òa oặt oại lê lết, đến thảm thương!

Đọc phần dịch của tôi sau đây độc giả sẽ thấy cái mê sảng, cái oặt òa oặt oại của Thích Như Điển, trụ trì Chùa Viên Giác.

Minh Di dịch: 

- “Đi về phía Tây bắc Hội trường, qua sông thì tới Chùa A Xa Lí Nhị (Hán ngữ có nghĩa là kì đặc), Chùa sáng sủa rộng rãi, tượng Phật tạc rất công phu đẹp đẽ, còn tăng chúng thì nét mặt cử chỉ nghiêm trang thư thái, siêng năng tinh tấn [tu tập] không biếng trễ, và tất cả đều là những người già cả nổi tiếng đức độ, học rộng tài cao, (do đó) những bậc tài giỏi xuất chúng ở nơi xa nghe tiếng mà tới thăm Chùa này! Tới cúng dường Tứ Sự như Quốc vương, đại thần, thứ dân, những kẻ giàu cóthế lực, cúng dường lâu dần thì càng thêm tôn kính các vị! [Tôi] nghe các Ghi chép đời trước kể rằng:

~ Xưa kia, vua đời trước Nước này là người sùng kính Tam Bảo, ông ta muốn đi khắp bốn phương chiêm bái các nơi có Thánh Tích nên ra lệnh cho người em cùng mẹ ở lại nắm giữ Chính sự. Em vua tiếp nhận lệnh xong thì kín đáo tự cắt bỏ bộ phận sinh dục của mình, để dự phòng việc không hay sau này! (tự hoạn xong) đem (vật đó) để trong một cái hộp bằng vàng, mang đến dâng lên vua. Vua hỏi:

< Cái này là cái gì?>.

Người em trả lời:

< Ngày nhà vua hồi giá trở lại thì có thể mở ra được! >.

Sau đó tức thời trở về lo việc nước, nắm giữ quân binh.

Lúc vua trở về thì quả nhiên có kẻ muốn gieo họa cho người em, tâu với vua rằng:

< Em của nhà vua nắm giữ việc nước đã làm chuyện dâm loạn trong cung >.

Vua nghe thì nổi giận muốn xử trị nghiêm khắc em mình. Người em nói:

< Tôi không dám trốn tránh trách nhiệm, xin nhà vua mở cái hộp vàng kia ra! >.

Vua liền mở cái hộp đó ra coi, thấy cái bộ phận sinh dục, thì hỏi:

< Cái này là cái vật lạ gì đây? ngươi muốn giở trò gì đây? >.

Người em nói:

< Trước đây nhà vua đi xa, lệnh cho tôi coi giữ việc nước, tôi sợ rồi sẽ bị họa hủy báng nên đã tự hoạn để sự việc tự sáng tỏ! Bây giờ quả nhiên sự việc đã xảy ra xin nhà vua soi xét cho >.

Nhà vua rất lấy làm kinh dị, lòng thương yêu em càng thêm cao, cho phép người em ra vào hậu cung không ngăn cấm, e ngại gì cả!

Về sau, trong một lần đi ra ngoài, người em của vua gặp 1 người lùa 1 đàn500 con đem đi thiến. Thấy thế người em nghĩ lại thân mình mà càng thêm ngậm ngùi: “Bây giờ thân thể ta khiếm khuyết thế này biết đâu chẳng là cái nghiệp của ta từ kiếp trước?”.

Lập tức lấy tiền bạc, vật quí giá mà chuộc đàn bò này! Do cái lực của lòng từ thiện này mà bộ phận sinh dục dần dần phục hồi trở lại như một người đàn ông bình thường!

Đã trở lại 1 người đàn ông bình thường do đó người em không vào cung nữa! Nhà vua lấy làm ngạc nhiên, hỏi thì người em thuật lại đầu đuôi câu chuyện. Nhà vua cho rằng đây một chuyện kỳ lạ, đặc biệt nên cho xây Chùa để tuyên dương việc làm tốt đẹp lưu lại tiếng thơm cho đời sau”. 

[Phụ chú.

Tứ sự Cúng dường. Tức 4 thứ cúng dường: Ẩm thực, Y phục, Ngọa cụ, Y dược.

Ngọa cụ tức như mền, chiếu, gối...…tất cả những gì liên quan việc ngủ nghỉ.

Mẫu đệ. Em cùng mẹ sinh ra.

Bộ Từ Vị giảng tiếng mẫu đệ như sau:

- “[Mẫu đệ]. Đồng mẫu sở sinh đích đệ đệ”.

- “[Mẫu đệ]. Em cùng mẹ sinh ra”.

Cát thế. Cắt bộ bộ phận sinh dục, tức hoạn, thiến. Cũng gọi là “Khử thế”.

Từ điển Từ Nguyên giảng chữ “Thế” như sau:

- “[Thế]. …(4). Nam tính sinh thực khí. Thái Bình Ngự Lãm, 648, dẫn Thượng Thư Hình Đức Phóng: “Cát giả, trượng phu dâm, cát kỳ thế dã dĩ!”.

- [Thế]. ... (4). Bộ phận sinh dục của phái nam. Thái Bình Ngự Lãm, [Quyển] 648, dẫn cuốn Thượng Thư vĩ Hình Đức Phóng (nói): “Cắt, đàn ông (mà) dâm dục (thái quá) thì cắt bỏ bộ phận sinh dục của nó đi!”.

Từ điển Từ Hải giải chữ “thế”:

- “[Thế]. Ngoại thận vi Thế”.

- “[Thế]. Ngoại thận gọi là Thế”.

Cuốn Thượng Thư Hình Đức Phóng viết:

- “Cung giả, nữ tử dâm loạn, chấp trí cung trung, bất đắc xuất dã! Cát giả, trượng phu dâm, cát kỳ thế dã dĩ!”.

Vĩ Thư Tập Thành. Thượng Thư Hình Đức Phóng /.

- “Cung, là đàn bà, con gái (mà) dâm loạn thì bắt nhốt trong nhà, không cho ra ngoài! Cắt, là đàn ông (mà) dâm dục (thái quá) thì cắt bỏ bộ phận sinh dục của nó đi!”.

Trung cung. Có 2 cách giải thích:

1). Trong Cung

Trong Hán ngữ, thông thường chữ “trung” khi đi kèm với một danh từ chỉ nơi chốn thì chữ “trung” này đứng sau danh từ đó, chẳng hạn:

- “trong lòng” thì nói “tâm trung”, “trong rừng” thì nói “lâm trung”....…

Thế nhưng, trong Cú pháp Trung Quốc thời tối cổ người ta rất thường nói ngược lại.

Như 2 thí dụ nêu trên người ta lại nói là “trung tâm” và “trung lâm”.

Duyệt qua “Thi Kinh”.

PHONG.

+ Bội Phong (Phong dao nước Bội).

- Chung phong.

Hước lãng tiếu ngạo, (Thoải mái cười vui),

Trung tâm thị đáo. (Trong lòng bi thương).

- Cốc phong.

Hành đạo trì trì, (Chầm chậm đi trên đường),

Trung tâm hữu vi. (Trong lòng ngập ngừng). 

+ Chu Nam.

- Cát đàm.

Cát chi đàm hề! (Dây leo bò lan)!

Dị vu trung cốc. (Bò lan trong hang).

...........…

Chú thích tiếng “trung cốc”, Chu Hi (1130 - 1200) viết trong “Thi Tập Truyện”:

- “Trung cốc, cốc trung dã”. (Trung cốc, là ở trong động).

- Thố ta.

Túc túc thố ta, (Bẫy thỏ ngay ngắn),

Thi vu trung quì. (Đặt giữa đường lớn).

...........…

Túc túc thố ta, (Bẫy thỏ ngay ngắn),

Thi vu trung lâm. (Đặt ở trong rừng).

Chú thích tiếng “trung lâm”, Chu Hi viết:

- “Trung lâm, lâm trung”. (Trung lâm, là ở trong rừng).

+ Bội Phong (Phong dao nước Bội).

- Thức vi.

Thức vi, thức vi! (Trời chiều, chiều rồi)!

Hồ bất qui? (Sao chẳng về)?

Vị quân chi cố, (Chẳng phải vì ông),

Hồ vi hồ trung lộ? (Sao ta dãi dầu trong sương)?

Chú thích tiếng “trung lộ”, Chu Hi viết:

- “Trung lộ, lộ trung dã”. (Trung lộ, là trong sương).

+ Dung Phong (Phong dao nước Dung).

- Bách chu.

Phiếm bỉ bách chu, (Dạo thuyền gỗ bách kia),

Tại bỉ trung hà. (Ở trong sông kia).

 

Chú thích tiếng “trung hà”, Chu Hi viết:

- “Trung hà, trung ư hà dã”. (Trung hà, là ở trong sông).

+ Vương Phong (Phong dao nước Vương).

- Trung cốc hữu thôi.

Trung cốc hữu Thôi, (Cỏ Thôi trong hang),

Kỳ kiên hĩ! (Cỏ thôi héo)!

...........…

Trung cốc hữu Thôi, (Cỏ Thôi trong hang),

Hán kỳ túc hĩ! (Thân dài khô héo)!

...........…

Trung cốc hữu Thôi, (Cỏ Thôi trong hang),

Hán kỳ thấp hĩ! (Dầu ẩm cũng héo)!

TIỂU NHÃ.

- Tinh tinh giả Nga.

Tinh tinh giả Nga, (Cỏ Nga xanh xanh),

Tại bỉ trung chỉ. (trong cù lao nhỏ).

...........…

Tinh tinh giả Nga, (Cỏ Nga xanh xanh),

Tại bỉ trung lăng. (Trong cái gò kia).

- Thân Nam sơn.

Trung điền hữu lư, (Trong ruộng có nhà),

Cương dịch hữu qua. (Bờ ruộng có dưa).

Ngoài ra, trong thiên “Ly Tao” Khuất Nguyên (343 - 299 tr. Cn) có câu:

Triêu kiển bi chi mộc lan hề, (Sáng nhổ mộc lan trên gò kia),

Tịch lãm trung châu túc mộ. (Chiều hái cỏ bất tử trong cồn).

Vương Dật chú thích tiếng “túc mộ”:

- “Thảo Đông sinh bất tử giả, Sở nhân danh viết túc mộ”.

- “Loài cỏ vào mùa Đông mà vẫn không chết người nước Sở gọi là túc mộ”.

Cũng Khuất Nguyên trong thiên “Viễn du”:

Nhất khí khổng thần hề, (Một khí rất thần kìa),

Ư trung dạ tồn hư dĩ đãi chi hề! (Trong đêm tâm không để tiếp nhận kìa)!

> Mục Thiên Tử Truyện.

Xuy sinh cổ hoàng,

Trung tâm tường tường!

Mục Thiên Tử Truyện. Qu. III /.

Thổi sênh chơi sáo,

Trong lòng lâng lâng!

 

Minh Di án:

+ Trung tâm tường tường.

Đỗ Văn Lan (1815 - 1881) trong Tập “Cổ Dao Ngạn” sưu tập Phong dao, Ngạn ngữ cổ của Trung Quốc cũng đã dẫn 2 Câu nói trên từ “Mục Thiên Tử Truyện”, nhưng 2 tiếng “tường tường” ông lại ghi là “ngao ngao”: “trung tâm ngao ngao”.

(Tham khảo: Đỗ Văn Lan, Cổ dao Ngạn. Qu. XV).

2 tiếng “ngao ngao”, “tường tườngdiễn tả tư thế của chim lúc bay.

Chim bay 2 cánh đập lên, đập xuống, gọi là “ngao”, còn 2 cánh xòe ngang bất động gọi là “tường”.

Sau hết, về chữ “trung” đứng trước 1 chữ khác và có nghĩa là “trong”, “ở trong”, ở đây xin dẫn thêm một số thí dụ trong Văn xuôi.

- Trung triều.

Sử gia Tư Mã Thiên (145 - 86 tr. Cn) viết:

- “Kim đại vương trung triều nhi ưu, thần cảm thỉnh kỳ tội”.

Sử Ký. Qu. LXXXIX. Phạm Tuy truyện /.

- “Bây giờ đại vươngtrong triềulo lắng, thần xin chịu cái tội này”.

Âu Dương Tu (1007 - 1072) chép trong “Tân Đường Thư”:

- “Đức Dụ vi Tướng, dữ Tông Mẫn cộng đương quốc. Đức Dụ nhập tạ.

Văn tông viết: - Nhĩ tri triều đình hữu bằng đảng hồ?”.

Đức Dụ viết: - Kim trung triều bán vi đảng nhân”.

Tân Đường Thư. Qu. CLXXIV. Lý Tông Mẫn truyện /.

- “(Lý) Đức Dụ làm quan đầu triều, cùng (Lý) Tông Mẫn chung lo Quốc sự. Đức Dụ vào tạ ơn.

(Đường) Văn tông nói: - Ông có biết triều đình có nạn bè đảng không?

Đức Dụ thưa: - Hiện nay trong triều phân nửa là người bè đảng!”.

Từ điển Từ Nguyên giảng tiếng “trung triều” như sau:

- “[Trung triều]. 1. Triều trung”.

- “[Trung triều]. 1. Trong triều”.

Từ điển Từ Hải giảng tiếng “trung triều”:

- “[Trung triều]. 4. Vị triều nội dã”.

- “[Trung triều]. 4. Ý nói ở trong triều”.

2). Hoàng hậu.

Trung Cung ở đây có nghĩa là Cung ở giữa, tức Cung của hoàng hậu.

Sách “Chu Lễ” viết:

- “Dĩ âm lễ giáo Lục Cung”.

Chu Lễ Chú Sớ. Qu. VII. Thiên quan. Nội Tể /.

- “Lấy Lễ của phụ nữ dạy cho Lục Cung”.

Trịnh Huyền (127 - 200) thời Đông Hán (25 - 220) chú thích câu trên có đoạn viết:

- “Huyền vị Lục Cung vị hậu dã. Phụ nhân xưng tẩm viết Cung, Cung, “ẩn tế” chi ngôn. Hậu tượng Vương, lập Lục cung nhi cư chi, dịch chính tẩm nhất, yến tẩm ngũ! Giáo giả bất cảm xích ngôn chi, vị chi Lục Cung, nhược kim xưng hoàng hậu vi Trung Cung hĩ!”.

Dịch:

- “(Trịnh) Huyền tôi cho rằng (2 chữ) Lục Cung tức chỉ (hoàng) hậu. Chỗ ở của đàn bà gọi là Cung, (chữ) Cung ý nói sự “kín đáo”! Cũng như vua, Hoàng hậu lập Lục Cung để ở, cũng gồm 1 Phòng Chính, 5 Yến Tẩm. Người dạy (hoàng hậu) không dám vô lễ nên gọi hoàng hậu là Lục Cung, như hiện nay gọi hoàng hậu là Trung Cung vậy!”.

+ Những cái Sai của Thích Như Điển.

Dịch văn của Thích Như Điển, như đã thấy, chỉ là sự mê sảng của một kẻ (của bốn kẻ có lẽ đúng hơn, tức kể cả Thích Đồng Văn + Thích Hạnh Giới + Thích Bảo Lạc).

Ở đây tôi xin nêu những cái kém cỏi về Hán văn của bộ 4 trên đây mà Thích Như Điển đại diện ký tên Bản dịch!

~ Nguyên tác: “...… độ hà chí A Xa Lí Nhị Già Lam (Đường ngôn kì đặc)...…”.

- “...… qua sông thì tới Chùa A Xa Lí Nhĩ (Hán ngữ có nghĩa là kì đặc)...…”.

Tên Chùa A Xa Lí Nhị, như chú thích của Huyền Trang in chữ nhỏ trong ngoặc đơn, có nghĩa là “kì đặc”, Thích Như Điển đã ghi vừa thiếu lại vừa sai thành “A Nhã Lý”, nhất là không hiểu, tưởng A Xa Lí Nhị là 1 địa danh, và hơn thế nữa, chữ “Nhị” trong tên Chùa Thích Như Điển lại tưởng là “2 (số 2)” do đó đã dịch câu trên mê sảng như sau:

- “qua sông đến A Nhã Lý có hai ngôi Già Lam”. 

~ Nguyên tác: “sĩ thứ, hào hữu”, nghĩa là “thứ dân, những kẻ giàu cóthế lực”.

Thích Như Điển dốt quá nên dịch tiếng “hào hữu” là “tả hữu”:

- “thứ dân tả hữu”. 

~ Nguyên tác: “...… nãi mệnh mẫu đệ nhiếp tri lưu sự”.

- “...… nên ra lệnh cho người em cùng mẹ ở lại nắm giữ Chính sự”. 

Tiếng “mẫu đệ” nghĩa là “em cùng mẹ sinh ra”.

Một tiếng rất thông thường như vậy mà Thích Như Điển dịch bậy bạ là:

- “...… nên để cho mẹ và em nhiếp chính”. 

~ Nguyên tác: “Kỳ đệ thụ mệnh, thiết tự cát thế, phòng vị manh dã!”.

- “Em của vua tiếp nhận lệnh xong thì kín đáo tự cắt bỏ bộ phận sinh dục của mình, để dự phòng việc không hay sau này!”.

Thích Như Điển dịch mê sảng, chẳng dính gì tới nguyên tác, như sau: 

- “Người em lãnh giữ, nhưng chưa tự phòng được như vua anh, nên có vấn đề. Khi ngài trở về lại chẳng như ý nên Vua đã cho người khác thay thế”.

Nguyên tác: “tự cát thế”. “tự cắt bỏ bộ phận sinh dục của mình”.

Thích Như Điển không hiểu, mà cho tới cả ông Hòa thượng anh của Thích Như Điển là Thích Bảo Lạc, cũng như cho đến luôn 2 ông tỳ kheotrợ dịch” cho Thích Như Điển là Thích Đồng Văn, Thích Hạnh Giới rồi cũng ù ù cạc cạc chẳng hiểu tiếng “cát thế” nghĩa là chi! Bởi vậy mới có đoạn văn dịch “mê sảng” trên đây của Thích Như Điển!

Câu “vị manh” nghĩa là “chưa chớm”, ở đây ý nói việc chưa xảy ra thì phải ngăn ngừa từ lúc chưa có gì!

~ Nguyên tác:

- “Vương đệ ư hậu hành, ngộ nhất phu ủng ngũ bách ngưu, dục sự hình phủ! Kiến nhi duy niệm, dẫn loại tăng hoài: “Ngã kim hình khuy, khởi phi túc nghiệp?”.

Tức dĩ tài bảo thục thử quần ngưu”.

- “Về sau, trong một lần đi ra ngoài, người em vua gặp 1 người lùa một đàn500 con đem đi thiến! Thấy thế người em nghĩ lại thân mình mà càng thêm ngậm ngùi: “Bây giờ thân thể ta khiếm khuyết thế này biết đâu chẳng là cái nghiệp của ta từ kiếp trước?”.

Lập tức lấy tiền bạc, vật quí giá mà chuộc đàn bò này!”.

Thích Như Điển lại dịch đã thật dốt nát lại thật ngu ngơ là:

- “Sau đó Vua em đã tự tiện giết 500 con bò, thấy thế liền nghi mọi việc băng hoại Chẳng qua là túc nghiệp của ta giống như loài bò nầy”. 

Tiếng “cát thế” Thích Như Điển đã không biết, mà tiếng “hình phủ” ở đây cũng mù mờ không biết luôn!

Phủ” là 1 hình phạt thời cổ, cũng gọi là “Cung hình”, tức “Hoạn, thiến”! Hình phạt này đã được đề cập trong bộ “Sử Ký” của Sử gia Tư Mã Thiên (145 - 86 ? tr. Cn), và trong bộ “Hán Thư” của Ban Cố (32 - 92). “Phủ hình” có người đọc là “Hủ hình”.

Đối chiếu với nguyên tác, độc giả thấy ngay, và thực dễ dàng, Thích Như Điển đã thiếu những chi tiết:

1). Việc em của vua tự hoạn, đem bộ phận sinh dục của mình bỏ vào hộp bằng vàng đưa cho vua anh mình.

2). Việc có kẻ tâu gian hãm hại người em, và tiếp theo đó là mẩu vấn đáp giữa vua và người em của mình!

3). Việc em vua lấy tiền của chuộc 500 con bò sắp bị đưa đi thiến.

Chẳng những thế còn bịa ra những chuyện không hề có trong nguyên tác, như:

1). “Nhưng kết quả của Vua em làm đã tạo nên những việc loạn dâm trong triều đình cung nội. Khi Vua nghe được như vậy liền giận dữ muốn nghiêm phạt. Người em nói rằng: “Em muốn cho Vương Triều phát đạt tạo nên thế lực lớn, mà sanh ra kết quả khác thường như vậy. Có ngờ đâu sanh ra việc ấy”.

2). “Nhà Vua được điều trần trước sau như vậy; nhưng nhà Vua vẫn đặc biệt cho kiến tạo già lam xây dựng chỗ ở cho Tăng”. 

Nguyên tác. Bạt Lộc Ca Quốc 3 / 34.

- “Bạt Lộc Ca Quốc Đông Tây lục bách dư lí, Nam Bắc tam bách dư lí. Quốc Đại Đô thành chu ngũ, lục lí. Thổ nghi, Khí tự, nhân tính, Phong tục, văn tự, Pháp tắc đồng Khuất Chi Quốc, Ngữ ngôn thiểu dị, tế chiên, tế hạt, lân Quốc sở trọng. Già lam sổ thập sở, tăng đồ thiên dư nhân, tập học Tiểu Thừa giáo Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ”.

Sđd. Qu. I. Bạt Lộc Ca Quốc /.

Thích Như Điển dịch:

- “Nước Phạt Lục Già đông tây hơn 600 dặm. Nam bắc hơn 300 dặm, chu vi thành nội 56 dặm, thời tiết phong tục điều hòa. Chữ viết dùng giống như nước Quật Chi. Tiếng nói ít đổi khác. Có sự giao tiếp với lân bang rất tốt. Chùa viện có hơn 10 cái. Tăng tín đồ hơn 1000 người tu theo Tiểu Thừa, thuộc Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ”.

(Trang: cuối 35, đầu 36).

Minh Di.

- “Nước Bạt Lộc Ca, từ Đông sang Tây hơn 600 dặm, từ Nam lên Bắc hơn 300 dặm. Kinh thành của nước này chu vi (khoảng) 5, 6 dặm. Thổ nhưỡng, Khí hậu, tính cách con người, Phong tục, Văn tự, Pháp luật rồi giống như Nước Khuất Chi, Ngôn ngữ không khác bao nhiêu; phục sức thì áo vải mịn, giày vải thô, được nước láng giềng coi trọng. Chùa có mấy chục ngôi, tăng chúng hơn 1,000 người, theo Tiểu Thừa, thuộc tông Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ”.

Những cái Sai của Thích Như Điển.

~ Tên nước là “Bạt Lộc Ca”, không là “Phạt Lục Già” như Thích Như Điển phiên âm.

Bạt Lộc Ca, Phạn văn là Bālukā, hoặc Vālukā.

Sử thư Hồi giáo ghi là Bakhouan, Barwan Barman.

~ Thích Như Điển lại ghép 2 số 5 và 6 ở đây để thành56 dặm” khi dịch về chu vi của Kinh thành Bạt Lục Ca. Trong suốt bản dịch Thích Như Điển đều Sai như vậy! Ngoài ra ở đây nguyên tác đâu có nói “thành nội” mà Thích Như Điển viết ba láp!

~ Cả một câu: “Thổ nghi......Ngô n ngữ thiểu dị” Thích Như Điển dịch đã lởm chởm, chỗ dịch chỗ không, mà dịch cũng ba láp, như câu “ngữ ngôn thiểu dị” Thích Như Điển dịch là “Tiếng nói ít đổi khác”. Thiệt là ba láp!

~ Thích Như Điển đã không dịch câu “Tế chiên, tế hạt”.

~ Nguyên tác: “Lân quốc sở trọng” (“được nước láng giềng coi trọng”). Thích Như Điển đã dịch câu này rất bậy là “Có sự giao tiếp với lân bang rất tốt”.

Tiếp liền đoạn trên:

- “Quốc tây bắc hành tam bách dư lí, độ thạch tích, chí Lăng Sơn, thử tắc Thông Lãnh bắc nguyên, thủy đa Đông lưu hĩ. Sơn cốc tích tuyết, Xuân, Hạ hợp đống, tuy thời tiêu bán, tầm phục kết băng. Kinh đồ hiểm trở, hàn phong thảm liệt, đa bạo long, nan lăng phạm! Hành nhân do thử lộ giả bất đắc giả y trì hồ đại thanh khiếu hoán, vi hữu vi phạm tai họa mục đổ. Bạo phong phấn phát, phi sa vũ thạch, ngộ giả táng một, nan dĩ toàn sinh”.

Sđd. Qu. I. Bạt Lộc Ca Quốc. Lăng Sơn cập Đại Thanh Trì /.

Thích Như Điển dịch:

- “Phía tây bắc hơn 300 dặm từ núi đá đến Lăng Sơn, phía này có núi cao và bình nguyên. Có nhiều sông chảy về hướng Đông, núi cao có tuyết. Mùa xuân mùa hạ vẫn còn đóng băng, tùy lúc băng tan rồi trở thành nước. Đường đi hiểm trở, mùa đông gió lnh thê lương. Nơi đây đa phần những kẻ phm nhân b đày, đường đi khó khăn, chẳng mang theo được đồ dùng, kêu nhau lớn tiếng. Nếu có vi phạm thì nguy đến tính mạng. Gió thổi mạnh làm cát đá bay như mưa. Nếu ai gặp phải chẳng toàn sinh mệnh”.

(Trang 36).

Minh Di.

- “Đi hơn 300 dặm về phía Tây bắc nước (này), vượt qua sa mạc tới Lăng Sơn, thì đây là bình nguyên phía Bắc của dãy Thông Lãnh, sông (ở đây) phần nhiều chảy về hướng Đông. Vùng sơn cốc thì tuyết đóng, mùa Xuân, mùa Hạ tuyết vẫn đóng băng, tuy có lúc cũng tan, để không lâu sau đó lại đóng băng. Đường đi thì hiểm trở, gió lạnh căm căm có nhiều mưa to, khó chống lại được! Quan chức theo ngã này không được để tù nhân cầm bầu nước mà kêu la, hơi hơ hỏng một chút là tai họa đổ xuống đầu. Gió lớn khi đã nổi lên thì cát bay đá chạy, kẻ gặp cảnh này thì sẽ bị (cát, đá) vùi lấp, khó mà giữ được tính mạng”.

[Phụ chú

~ Thông Lãnh. Các khu cao nguyên Pamir (hay Pamirs), dãy Côn Luân Sơn và đoạn phía Tây của Thiên Sơn, tất cả những khu vừa kể thời cổ gọi chung là Thông Lãnh.

Cao nguyên Pamir chủ yếu nằm ở vùng Tadzhik (Nga), nhưng cũng trải tới Jammu và Kashmir (Ấn Độ), Pakistan, Afghanistan và mé Tây bắc tỉnh Tân Cương (Trung Quốc).

~ Trong đoạn dẫn trên “Tây Vực Ký” nói “Thủy đa Đông lưulẽ là hầu hết sông rạch ở Tây Vực đều chảy về Tây. Đây là điểm đặc biệt nên Huyền Trang mới nói như vậy].

+ Những cái sai của Thích Như Điển.

~ Nguyên tác: “Thạch tích” nói ở đoạn trên nghĩa là sa mạc, không phải là “núi đá” như Thích Như Điển hiểu sai rồi dịch sai!

~ Nguyên tác: “thử tắc Thông Lãnh bắc nguyên”, nghĩa là “đây là bình nguyên phía bắc của dãy Thông Lãnh”.

Thích Như Điển không hiểu Thông Lãnh là gì nên không dịch!

~ Nguyên tác: “thủy đa Đông lưu”, là “sông [ở đây] phần nhiều chảy về hướng Đông”.

Thích Như Điển dịch là “Có nhiều sông chảy về hướng Đông” thì chưa chính xác!

~ Nguyên tác: “Sơn cốc tích tuyết” là “Vùng sơn cốc thì tuyết đóng”.

Thích Như Điển dịch là “Núi cao có tuyết” thì chưa lột được hết ý của nguyên tác nói về tình trạng tuyết tích tụ lâu ngày không tan trên vùng núi cao (thiên niên tuyết).

~ Nguyên tác: “Xuân, Hạ hợp đống, tuy thời tiêu bán, tầm phục kết băng”.

Câu này như đã dịch “mùa Xuân, mùa Hạ tuyết vẫn đóng băng, tuy có lúc cũng tan, để không lâu sau đó lại đóng băng (lại)”.

Thích Như Điển dịch là “Mùa xuân mùa hạ vẫn còn đóng băng, tùy lúc băng tan rồi trở thành nước” là dịch bậy câu sau!

~ Thích Như Điển không hiểu 2 chữ “bạo long” nên lờ đi không dịch!

~ Đoạn dịch sau đây của Thích Như Điển thực ngô nghê, chẳng ra cái gì hết:

- “Nơi đây đa phần những kẻ phm nhân b đày, đường đi khó khăn, chẳng mang theo được đồ dùng, kêu nhau lớn tiếng. Nếu có vi phạm thì nguy đến tính mạng”.

Nguyên tác chẳng có cái ý nào là “chẳng mang theo được đồ dùng” hết!

Nguyên tác: “bất đắc giả y trì hồ đại thanh khiếu hoán, vi hữu vi phạm tai họa mục đổ”. Thích Như Điển không hiểu câu trên, chỉ dịch cho qua truông là “kêu nhau lớn tiếng”.

Nếu Thích Như Điển dịch là “không được kêu nhau lớn tiếng” có lẽ còn khá hơn!

Thích Như Điển không biết rằng có những triền núi tuyết, núi đá có những mảng đá hay mảng tuyết không chắc chắn, âm thanh chấn động trong sơn cốc có thể làm cho đá hay tuyết lở xuống gây tai họa! Ý của Huyền Trang trong đoạn trên là ở đó!

Thích Như Điển dịch: “Nếu có vi phạm thì nguy đến tính mạng”.

Vi phạm cái chi đây, Thích Như Điển?

Nguyên tác: “Bạo phong phấn phát, phi sa vũ thạch, ngộ giả táng một, nan dĩ toàn sinh”.

Thích Như Điển dịch là:

- “Gió thổi mạnh làm cát đá bay như mưa. Nếu ai gặp phải chẳng toàn sinh mệnh”.

Dịch vậy là còn thiếu cái ý “bị bão cát vùi lấp”.

Tiếp theo Lăng Sơn Đại Thanh Trì:

- “Sơn hành tứ báchlí chí Đại Thanh Trì (hoặc danh Nhiệt Hải, hựu vị Hàm Hải.), chu thiên dư lí. Đông Tây trường, Nam Bắc hiệp, tứ diện phụ sơn, chúng lưu giao thấu, sắc đới thanh hắc, vị kiêm hàm khổ, hồng đào hạo hãn, kinh ba cốt ột, long ngư tạp xử, linh quái gián khởi. Sở dĩ vãng lai hành lữ đảo dĩ kỳ phúc. Thủy tộc tuy đa, mạc cảm bổ”.

Sđd. Qu. I. Bạt Lộc Ca Quốc. Lăng Sơn cập Đại Thanh Trì /.

Thích Như Điển dịch: 

- “Đi núi suốt như thế hơn 400 dặm thì tới ao rất lớn, nơi này còn gọi là biển nóng, chu vi ngàn dặm. Phía đông tây dài phía nam bắc thì hẹp, bốn phía đều là núi, nước chảy từ trên ấy xuống. Màu nước xanh đen, vị thường đăng đắng. Sóng chao gió đảo có rồng cá đủ loại, linh quái nổi lên. Cho nên khách vãng lai phải tạo phước. Những loài thủy tộc này đa phần là cá lớn”.

(Trang 36).

Minh Di.

- “Đi đường núi hơn 400 dặm thì tới Đại Thanh Trì (hoặc tên Nhiệt Hải, còn gọi Hàm Hải) chu vi hơn 1,000 dặm. Đông Tây rộng, Nam Bắc hẹp, bốn bề (đều) là núi, sông rạch từ các nơi đổ về giao hội, nước ánh sắc xanh đen, vị đắng mặn, sóng nước mênh mông xa thẳm, sóng gào ầm ầm, rồng và cá ở lẫn lộn, các loài thủy quái linh dị thay nhau mà xuất hiện! Cho nên, những khách Lữ hành qua lại nơi đây đều cầu cúng để được bình yên. Cho nên loài thủy tộc ở đây tuy nhiều nhưng không ai dám bắt”. 

[Phụ chú.

Đại Thanh Trì. Tên Mãn Châu là Đặc Mục Nhĩ Đồ Trác Nhĩ, hay Đồ Tư Khố Nhĩ Hà.

Từ Tùng (1781 - 1848) đời Thanh (1644 - 1911) viết:

- “”Đặc Mục Nhĩ Đồ Trạc Nhĩ”, dịch viết “Đồ Tư Khố Nhĩ Hà”, Đông Tây trường tứ bách dư lí, Nam Bắc quảng xứ bách nhị thập dư lí, hiệp xứ bát thập dư lí, đươngBa Lặc Khách Thập Trạc Nhĩ” chính Nam thiên ngũ bách dư lí, duyên ngạn chi sa khả tiên thiết cố hữu “Đặc Mục Nhĩ” chi mục dã......

Địa đương Thông Lãnh Bắc đạo xung...... Cái tự Bắc lộ biên cảnh phó Hồi Cương giả tất thủ kính ư tư hĩ! Biện CơTây Vực Ký” vân:..... Nguyên chú: hoặc danh Nhiệt Hải, hựu vị Hàm Hải .......... Thị Thanh Trì, Nhiệt Hải giai tư thủy cựu danh. Kì sản ngư tự , kim Tây Vực cạnh võng thủ chi, vô phục hướng thời kỳ đảo chi dị”.

Tây Vực Thủy Đạo Ký. Qu. V /. 

Dịch văn:

- “”Đặc Mục Nhĩ Đồ Trạc Nhĩ”, cũng gọi là “Đồ Tư Khố Nhĩ Hà”, chiều từ Đông qua Tây rộng hơn 400 dặm, chiều Nam Bắc thì chỗ rộng (nhất) hơn 120 dặm, chỗ hẹp (nhất) hơn 80 dặm, nằm ở phía chính Nam của “Ba Lặc Khách Trạc Nhĩ” hơn 1,500 dặm, cát ở dọc ven hồ có thể dùng nấu sắt, do đó mà có tên “Đặc Mục Nhĩ”......…

Địa khu nằm tại chỗ yếu hại của con đường phía Bắc của Thông Lãnh...... Tóm lại con đườngbiên cảnh phía Bắc đi Hồi Cương (Tân Cương) tất yếu phải đi qua đây! (Bộ) “Tây Vực” của Biện Cơ nói:..… Nguyên chú: hoặc tên Nhiệt Hải, còn gọi Hàm Hải.......... [Cứ đây] thì Thanh Trì, Nhiệt Hải đều là tên cũ của sông này. Cá ở sông này dạng như cá chép, hiện nay thì ở Tây Vực người ta thi nhau lưới bắt (thứ cá này), không còn việc cầu cúng lạ lùng như thời trước”.

[Phụ chú.

1 dặm đời Thanh = 0.576 km.

Đông Tây 400 dặm = 400 x 0.576 km = 230.4 km.

Nam Bắc:

Chỗ rộng nhất 120 dặm = 120 x 0.576 = 69.12 km.

Chỗ hẹp nhất 80 dặm = 80 x 0.576 km = 46.08 km.

Theo chú thích của Quí Diễn Lâm trong “Đại Đường Tây Vực Ký Hiệu Chú”:

Hồ “Nhiệt Hảivị trí trong khoảng Bắc Vĩ tuyến 42o 39’, Đông Kinh tuyến 78o 30’.

Hồ cao hơn mặt biển 1,600 m, dài 185 km, rộng 57 km, chỗ sâu nhất702 m.

Diện tích 6,200 cây số vuông.

Nhiệt Hải trước vốn thuộc Trung Quốc nhưng năm 1864 thì bị Nga chiếm.

Sầm Tham (716 - 770) có bài Hành về Nhiệt Hải, trích mấy câu như sau:

Trắc văn Âm Sơn Hồ nhi ngữ,

Tây đầu Nhiệt Hải thủy như chử.

Hải thượng chúng điểu bất cảm phi,

Trung hữu lí ngư trường thả phì.

Ngạn bàng thanh thảo thường bất hiết,

Không trung bạch tuyết dao tuyền diệt.

(Nhiệt Hải hành tống Thôi Thị Ngự hoàn Kinh).

Mé bên Âm Sơn rợ bàn gẫu, 

Bên Tây Nhiệt Hải nước như nấu.

Trên biển chim chóc chẳng dám bay,

Vừa béo lại to cá chép đây.

Cỏ xanh ven nước thường vẫn ánh,

Trên không tuyết trắng xa rồi tán. 

Và 2 câu cuối (câu 15, 16):

Bách Đài sương uy hàn bức nhân,

Nhiệt Hải viêm khí vi chi bạc!

Sử đài sương căm lạnh khiếp người,

Nhiệt Hải nồng bức hơi dồn ép!

 

Thời cổ, trong khuôn viên của Phủ Ngự Sử trồng nhiều cây bách, bởi thế mà người ta gọi Ngự Sử Đài, nơi các quan Ngự Sử làm việc, là Bách Đài.

- “........... Thị thời Ngự Sử phủ lại xá bách dư khu, tỉnh thủy giai kiệt; hựu kỳ Phủ trung liệt bách thụ, thường hữu dã điểu sổ thiên thê túc kì thượng, thần khứ mộ lai, hiệu viết ‘triêu tịch điểu’. Điểu khứ bất lai giả sổ nguyệt, trưởng lão dị chi ......”.

Hán Thư. Qu. XXCIII. Chu Bác truyện /.

- “............ Bấy giờ trong phủ Ngự Sử có hơn một trăm căn nhà nhỏ, giếng nước ở đây đều khô cạn; rồi trong (khuôn viên) Phủ trồng (nhiều) cây bách, trên cây thường có cả mấy ngàn con chim rừng tới ở, sáng bay đi chiều tối về, gọi là ‘triêu tịch điểu’. (Có lần) Chim bay đi cả mấy tháng không trở về, những người già cả đều kinh ngạc...... “. 

 

Bách Đài ở đây chỉ nơi làm việc của quan Thị Ngự sử họ Thôi mà Sầm Tham đưa tiễn.

Ngự Sử Đài gồm có 3 Viện.

Sách “Nhân Thoại Lục” của Triệu Lân (? - ?) đời Đường viết:

- “Ngự Sử Đài tam Viện:

~ Nhất viết Đài Viện, kỳ liêu viết Thị Ngự Sử, chúng hô vi Đoan Công…

~ Nhị viết Điện Viện, kỳ liêu viết Điện Trung Thị Ngự Sử, chúng hô vi Thị Ngự…

~ Tam viết Sát Viện, kỳ lêu viết Giám Sát Ngự Sử, chúng hô dịch viết Thị Ngự…

Nhân Thoại Lục. Qu. V. Chủy Bộ. Ngự Sử Đài 5 /. 

- “Ngự Sử Đài có 3 Viện:

~ Một là Đài Viện, đồng liêu gọi là Thị Ngự Sử, mọi người gọi là Đoan Công…

~ Hai là Điện Viện, đồng liêu gọi là Điện trung Thị Ngự Sử, mọi người gọi là Thị Ngự…

~ Ba là Sát Viện, đồng liêu gọi là Giám Sát Ngự Sử, mọi người cũng gọi là Thị Ngự…”.

 

Chức Thị Ngự Sử lập dưới Tần triều (221 - 206 tr. Cn), Hán triều (206 tr.Cn - 220 Cn) cũng noi theo. Địa vị của Thị Ngự Sử dưới Ngự Sử Đại Phu.

Chức chưởng của Thị Ngự Sử gồm có các việc hoặc lo liệu việc trong Cung điện, hoặc nêu ra những việc phi pháp của các quan, hoặc thanh tra quận, huyện, hoặc xuất Sứ.

Thời Đông Hán (25 - 220) đặt thêm chức Trị Thư Thị Ngự Sử, mọi việc lúc vua ăn chay viên chức này hầu một bên lo việc văn thư. Sau cũng coi các việc về Tư pháp.

Từ thời Ngụy (220 - 265) về sau lại có chức Điện Trung Thị Ngự Sử ở trong Cung xem xét các việc phi pháp.

Thời Đường (618 - 907) cải Trị Thư Thị Ngự Sử thành Ngự Sử Trung Thừa, là phó của Ngự Sử Đại Phu, và các chức Thị Ngự Sử, Điện Trung Thị Ngự Sử, Giám Sát Ngự Sử phân ra cầm đầu Đài Viện, Điện Viện, Sát Viện 3 Viện của Ngự Sử Đài.

Các chức Ngự Sử có trách vụ xét việc làm phi pháp của các quan, can gián vua, vì vậy quan lại làm việc bất pháp đều sợ các chức này, giống như gặp sương lạnh. Vì vậy mà Sầm Tham viết “Bách đài sương uy hàn bức nhân”.

+ Những cái Sai của Thích Như Điển.

~ Không rõ Thích Như Điển có biết là danh xưng “Nhiệt Hải” - mà Thích Như Điển dịch là “biển nóng”, là ghi chú của Huyền Trang, trong nguyên tác in chữ nhỏ, trong dịch văn của tôi, để phân biệt, tôi cũng ghi chữ nhỏ và để trong ngoặc đơn.

Ở đây Thích Như Điển đã để chính văn và ghi chú của tác giả lẫn lộn.

Lại nữa, Nhiệt Hải là tên riêng, nên để nguyên không dịch thì phải hơn!

Trong ghi chú của Huyền Trang, ngoài Nhiệt Hà, Đại Thanh Trì còn 1 tên gọi khác nữa là “Hàm Hải” (Biển Mặn). Thích Như Điển không rõ tên gọi thứ 2 này của Nhiệt Hải, tức thiếu mất 4 chữ “hựu vị Hàm Hải” trong ghi chú của Huyền Trang.

Thích Như Điển nói là mình dịch “Đại Đường Tây Vực Kí” từ bản chữ Hán, thế nhưng không hiểu sao Thích Như Điển lại dịch thiếu rất nhiều chữ, và tất cả đều là những chữ thông thường?

Hay là ở đây Thích Như Điển cũng giở trò lòe bịp thiên hạ như Phạm Văn Bân khi dịch cuốn “Chân Lạp Phong Thổ Ký”? Hoặc nói cho rõ hơn, Thích Như Điển đã dịch cuốn “Đại Đường Tây Vực Ký” từ 1 bản dịch Anh văn, hay Pháp văn, hoặc giả cũng có thể từ một bản dịch Đức văn mà lại đi bịp, nói là dịch từ bản gốc Hán văn

~ Nguyên tác: “chúng lưu giao thấu” (sông rạch từ các nơi đổ về giao hội).

Thích Như Điển dịch là “nước từ trên ấy chảy xuống” thì sai cả dặm đường!

~ Nguyên tác: “vị hàm khổ” (vị đắng mặn).

Thích Như Điển dịch là “vị thường đăng đắng” thì thiếu chính xác!

~ Nguyên tác: “hồng đào hạo hãn, kinh ba cốt ột”.

Thích Như Diển dịch câu trên là “Sóng chao gió đảo” thì phải nói là bậy bạ quá đi!

~ Nguyên tác: “linh quái gián khởi”. (Các loài thủy quái linh dị thay nhau mà xuất hiện).

Thích Như Điển dịch là “linh quái nổi lênchứng tỏ Thích Như Điển chẳng hiểu gì cả!

Câu “gián khởi”, hay “gián xuất”, có nghĩa là “thay nhau xuất hiện”, “lần lượt xuất hiện”.

~ Nguyên tác: “Sở dĩ vãng lai hành lữ đảo dĩ kỳ phúc”, nghĩa là “Cho nên, những khách lữ hành qua lại nơi đây đều cầu cúng để được bình yên”. 

Thích Như Điển dịch: “Cho nên khách vãng lai phải tạo phước”. 

~ Nguyên tác: “Thủy tộc tuy đa, mạc cảm bô”.

Thích Như Điển dịch: “Những loài thủy tộc này đa phần là cá lớn”.

Có lẽ không cần nói cũng biết câu dịch này của Thích Như Điển ra sao rồi!

Nguyên tác. Toát Đổ Lợi Sắt Na 7 / 34.

- “Toát Đổ Lợi Sắt Na quốc chu thiên tứ, ngũ bách lí, Đông lâm Diệp hà. Diệp hà xuất Thông Lãnh bắc nguyên, Tây bắc nhi lưu, hạo hãn, hỗn trọc, cốt ột phiêu cấp! Thổ nghi phong tục đồng Giả Thời quốc. Tự hữu vương, phụ Đột Quyết”.

Sđd. Qu. I. Toát Đổ Lợi Sắt Na quốc /.

Thích Như Điển dịch:

- “Nước Tốt Đỗ Lợi Sắc Na chu vi một ngàn bốn trăm năm chục dặm, phía đông giáp sông Diệp, từ sông Diệp nầy về hướng bình nguyên phía bắc, từ tây bắc chảy tiếp tục với lưu lượng nước chảy xiết, đất đai phong tục cũng giống như nước Giả Thời, từ xưa đã có Vương Phủ cai trị”.

(trang 39).

Minh Di.

- “Nước Toát Đổ Lị Sắt Na chu vi một ngàn 4, 5 trăm dặm, mặt Đông giáp sông Diệp. Sông Diệp bắt nguồn từ bình nguyên phía Bắc của dãy Thông Lãnh, (rồi từ đây) chảy theo hướng Tây bắc, (mặt sông) mênh mông, xa thẳm, nước đục ngầu, ồ ạt chảy gấp! Thổ nhưỡng, phong tục giống như nước Giả Thời. (Nước này) có vua riêng, phụ thuộc nước Đột Quyết”.

+ Những cái Sai của Thích Như Điển.

1). Phiên âm sai.

Toát Đổ Lị (Lợi) Sắt Na. Thích Như Điển phiên âm chữ “Sắt” là “Sắc” (Să+c) là sai.

Chữ “Sắt” này là 1 loại nhạc khí dây, thường đi đôi với chữ Cầm: Cầm Sắt. Bởi thế mà người ta dùng tiếng này để chỉ tình vợ chồng thắm thiết!

2). Dịch sai.

Cứ đối chiếu với nguyên tác thì thấy Thích Như Điển dịch vừa sai lại vừa thiếu.

~ Chu vi nước Toát Đổ Lị (Lợi) Sắt Na là một ngàn bốn trăm hoặc một ngàn năm trăm dặm, chứ không là 1,450 dặm như Thích Như Điển dịch. Con số nguyên tác nêu ở đây là con số phỏng chừng mà thôi! Và rồi, trong suốt Tập Ký sự Đại Đường Tây Vực Ký những con số về chiều dài, về dung lượng hầu hết đều có tính cách ước lượng.

~ Nguyên tác nói “Tự hữu vương” nghĩa là “Có vua riêng”, nghĩa là triều đình được lập theo ý người xứ này. Thích Như Điển dịch chữ Vương là “Vương Phủ” thì sai quá đi!

3). Dịch thiếu.

~ Nguyên tác có nói rõ khởi nguyên của Sông Diệptừ “bình nguyên ở phía Bắc của dãy Thông Lãnh.

Thế nhưng, chi tiết này lại không thấy đâu trong đoạn phiên dịch của Thích Như Điển.

~ Tiếp đến, những tính chất của Diệp hà như:

- Nước sôngmênh mông xa thẳm” (hạo hãn), nước sông “đục ngầu” (hỗn trọc), cũng như “ồ ạt, chảy gấp” (cốt ột, phiêu cấp).

Tất cả những chi tiết trên đây cũng chẳng thấy đâu trong dịch văn của Thích Như Điển!

~ Và sau hết, tác giảTây Vực Kýcho biết nước Toát Đổ Lợi Sắt Na phụ thuộc nước Đột Quyết, chi tiết này cũng không thấy trong dịch văn của Thích Như Điển!

Nguyên tác. Đạt Mật Quốc 17 / 34. 

Huyền Trang (602 - 664) ghi lại trong Đại Đường Tây Vực Ký:

- “Đạt Mật quốc Đông Tây lục bách dư lý, Nam Bắc tứ bách dư lý. Quốc Đại đô thành chu nhị thập dư lí, Đông Tây trường, Nam Bắc hiệp. Già lam thập dư sở, tăng đồ thiên dư nhân! Chư toát đổ ba [tức cựu sở vị Phù đồ dã, hựu viết Thu bà, hựu viết Tư thu bả, hựu viết Tẩu đẩu ba, giai ngoa dã.]cập Phật tôn tượng đa thần dị, hữu linh giám!

Đông chí Xích Ngạc Diễn Na quốc”.

Đại Đường Tây Vực Ký. Qu. I. Đạt Mật quốc /.

Thích Như Điển dịch lếu láo, phiên âm cũng sai đến không tưởng ra được!

Hãy đọc phần dịch của Thích Như Điển:

- “Nước Đãn Mật Quốc chu vi đông tây hơn 600 dặm, nam bắc hơn 400 dặm. Thủ đô của nước này hơn 20 dặm. Có hơn 10 cảnh chùa . Tăng tín đồ hơn 1.000 người. Nước này nằm gần biên giới của nước Tốt Đỗ Lợi. Nơi đây, có xây nhiều ngọn tháp ; nhưng nay đã không còn. Các tượng Phật cũng như các tượng thần linh dáng vẽ khác nhau. Đi đến phía đông thì gặp nước Diệc Ngạc Hạnh Na”.

(trang 42).

~ Sau đây là phần chuyển dịch chính xác của tôi, độc giả cứ đối chiếu sẽ nhận ra được khả năng của Thích Như Điển về phương diện Hán văn! Đối chiếu, độc giả rồi sẽ thấy Thích Như Điển chẳng những phiên âm sai mà còn dịch sai, dịch láo!

Chỉ một đoạn văn ngắn - chỉ 61 chữ mà Thích Như Điển sai tràn lan, và toàn là những lỗi nặng! 

- “Nước Đạt Mật Đông Tây bề rộng hơn 600 dặm, Nam Bắc chiều dài hơn 400 dặm. Kinh thành nước này chu vi hơn 20 dặm. Chùa có mười mấy cái, tăng chúng có hơn ngàn người. Các ngôi Phật tháp [tức trước kia gọi là Phù đồ, cũng gọi là Thu bà, cũng gọi là Tư thu bả, cũng gọi là Tẩu đẩu ba, tất cả đều sai] và các tượng Phật tôn nghiêm phần lớn linh thiêng lạ lùng, có linh ứng!

(Đi về) phía Đông thì đến nước Xích Ngạc Diễn Na”.

Toát đổ ba, gọi tắt là “Toát đổ”, là dịch âm từ tiếng “Stupa”, và có nghĩa là Phật Tháp.

Ngoài ra, có một số tiếng nữa như Suất đô bà, Tố đổ ba, Tẩu đấu bà...... tất cả đều là phiên âm từ tiếng “Stupa”. 

(Tham khảo Đinh Phúc Bảo, Phật Học Đại Từ Điển). 

Vương An Thạch (1021 - 1086) có mấy bài Luật thi đề cập tiếng Toát đổ, Toát đổ ba:

Đạo Lâm chân cốt táng thanh tiêu,

Toát đổ thiên thu vị tịch liêu.

Vương Lâm Xuyên Tập. Qu. XVII. Luật thi 4. Bắc Sơn tam vịnh. Bảo công tháp /.

Đạo Lâm xương thánh gởi mây xanh,

Tháp Phật thiên thu chẳng lặng tanh.

Và một bài khác:

Chu Ngung trạch tác a lan nhã,

Lũ ước thâm qui toát đổ ba.

Sđd. Qu. XXIX. Luật thi 16. Dữ Đạo Nguyên quá Tây Trang toại du Bảo Thặng /.

Chu Ngung nhà lấy làm tăng xá,

Những hẹn mong về tháp Phật đà.

[Phụ chú.

A Lan Nhã, Phạn ngữ Ᾱriṇya, là danh xưng chỉ chung Tự viện (Chùa chiền), tức chỗ cư trú của Tăng chúng.

A Lan Nhã còn một số danh xưng nữa là: - A Lan Na, A Lan Nhương, A Lan Nhã Ca, A Luyện Nhã, A Lạn Na, A Luyện Như, Át Thích Nhai.

Vô tranh thanh (không tiếng tranh cãi), nhàn tịch (an nhàn, tĩnh lặng), viễn li xứ - đây là những nghĩa dịch của tiếng A Lan Nhã.

Vô tranh thanh, vô tranh trong các bản dich Việt ngữ thường đọc là vô tránh].

Phật tháp còn được gọi là phương phần, viên trủng, linh miếu...… là nơi để các thứ như xương, răng, tóc...... của danh tăng, và xá lợi Phật

+ Những cái Sai của Thích Như Điển:

1). Phiên âm.

~ Chữ “Đạt” [] Thích Như Điển phiên âm sai thành “Đãn”.

Từ điển Từ Nguyên:

- “[]. Đương Cát thiết, Nhập, Át vận. Đoan”.

- “[]. Thiết âm là Đương + Cát, Nhập thanh, vận Át. Phụ âm đầu của chữ Đoan”.

~ Xích Ngạc Diễn Na, tên nước có 4 chữ Thích Như Điển sai đến 2 chữ! Như Điển đã phiên âm là “Diệt Ngạc Hạnh Na”.

Chữ Xích (màu đỏ) Thích Như Điển nhận lầm thành chữ “Diệt”)! Có lẽ Thích Như Điển muốn nói chữ “Diệc” (hay Dịch = cũng); nếu thế Thích Như Điển lại viết sai cả chính tả Việt ngữ!

Xích / Dịch (Diệc), 2 chữ này chỉ khác nhau một chút, Thích Như Điển học vì Hán văn lem nhem nên nhìn gà hóa quốc!

ChữDiễn” gồm chữ “Hành” (= đi) ở giữa có 3 chấm “Thủy” (= nước), Thích Như Điển học hành ra làm sao, nhìn như thế nào mà đọc thành chữ “Hạnh”, 

2). Phiên dịch.

~ “Nước Đãn Mật Quốc chu vi đông tây hơn 600 dặm, nam bắc hơn 400 dặm”.

Ở đây “Tây Vực Ký” nói diện tích, không nói chu vi! Nói Đông TâyNam Bắc là nói diện tích, chuyện sơ đẳng như vậy mà Như Điển cũng không biết thì biết gì đây? 

~ Thích Như Điển dịch: “Tăng tín đồ hơn 1.000 người”.

Nguyên tác viết là “tăng đồ”, tức “tăng chúng”, chỉ những người đi tu.

Còn “tín đồ” là những người tin theo một tông giáo nào đó, ở đây là Phật giáo.

~ Tiếp đến, đối chiếu nguyên tác thì thấy không có một chỗ nào trong đoạn dẫn trên có điều mà Thích Như Điển dịch:

- “Nước này nằm gần biên giới của nước Tốt Đỗ Lợi”.

- “Nơi đây có xây nhiều ngọn tháp; nhưng nay đã không còn”.

~ Thích Như Điển còn thiếu 24 chữ ghi chú [in chữ nhỏ trong nguyên tác].

Trong đoạn nguyên tác dẫn trên có câu:

- “Chư toát đổ ba cập Phật tôn tượng đa thần dị, hữu linh giám”.

Câu này Thích Như Điển dịch rất sai lạc như sau:

Các tượng Phật cũng như các tượng thần linh dáng vẽ khác nhau.

Nguyên tác. Hốt Lẫm Quốc 27 / 34.

- “Hốt Lẫm quốc chu bát bách dư lí, quốc đại đô thành chu ngũ, lục lí. già lam thập sở, tăng đồ ngũ bách dư nhân”.

Thích Như Điển dịch:

- “Nước Nhẫn Lẫm chu vi hơn 800 dặm. Đô thành chu vi 56 dặm. Nơi đây có 10 ngôi chùa. Tăng tín đồ hơn 500 người. Phía tây giáp với nước Phược Yết”.

(trang 42).

Minh Di.

- “Nước Hốt Lẫm chu vi hơn 800 dặm, chu vi Kinh Thành (khoảng) 5, (hoặc) 6 dặm. (Trong nước) có  hơn 10 ngôi chùa, tăng chúng hơn 500 người”.

 

+ Những cái Sai của Thích Như Điển.

1). Phiên âm.

Hốt Lẫm, chữ “Hốt” mà Như Điển phiên âm thành chữ “Nhẫn”. Ô hô!

Chữ “Hốt” ở đây trên là chữ “vật” (= chớ, đừng), dưới là bộ Tâm.

Chữ “Nhẫn” (= nhịn, chịu đựng) trên là chữ “nhận” (= mũi nhọn của đao, kiếm), dưới là bộ Tâm.

2 Chữ “Hốt” và “Nhẫn” khác nhau có một chút, học hành chưa tới như Như Điển đây thì có sai cũng là chuyện phải xảy ra!

Nước Hốt Lẫm tức Khulm, di chỉ hiện nay ở miền bắc A Phú Hãn (Afghanistan), ở mé ngoài thành Tash-Qurghan.

2). Phiên dịch.

~ Nguyên tác nói “Kinh thành chu vi 5 (hay) 6 dặm (ngũ, lục lí)” thế mà Thích Như Điển lại dịch thành “56 dặm”!

~ Nguyên tác nói “tăng đồ” mà Thích Như Điển lại dịch là “tăng tín đồ”, cũng Sai như ở đoạn trước!

Nguyên tác. Phược Át Quốc 28 / 34.

- “Phược Át quốc....

Thành ngoại tây nam hữu Nạp Phược tăng già lam....... Già lam nội Nam Phật đường trung hữu Phật tảo quán, lượng khả đấu dư. Tạp sắc huyễn diệu, kim thạch nan danh. Hựu hữu Phật nha, kì trường thốn dư, quảng bát, cửu phân, sắc hoàng bạch, chất quang tĩnh. Hựu hữu Phật tảo trửu, ca sa thảo tác dã, trường dư nhị xích vi khả thất thốn, kỳ bả dĩ tạp bảo sức chi.

Phàm thử tam vật, mỗi chí lục trai, pháp, tục hàm hội, trần thiết cung dưỡng, chí thành sở cảm, hoặc phóng quang minh.

Già lam Bắc hữu TOÁT ĐỔ BA, cao nhị bách dư xích, kim cương nê đồ. chúng bảo trắc sức, trung hữu xá lị, thời chúc linh quang.

Già lam tây nam.... Cố chư La Hán tương nhập Niết bàn, thị hiện thần thông, chúng sở tri thức, nãi hữu kiến lập chư Toát đổ ba, cơ tích tương lân, số bách dư hĩ!”.

Sđd trên. Qu. I. Phược Át quốc. Nạp phược tăng già lam /.

Thích Như Điển dịch:

- “Trong đất Già lam này ở phía nam Phật Đường nhiều tượng Phật màu sắc vàng của đá khác nhau. Đây cũng có răng Phật, chiều dài hơn mấy tấc, chiều rộng 8, 9 phân. Răng có màu vàng trắng chiếu ánh sáng, lại cũng có áo Cà Sa của Phật ngay cả Y Tăng Già Lê cũng có. Chiều dài hơn hai thước, chiều ngang bảy tấc. Gồm nhiều vật quý hợp thành. Ba vật quý này mỗi năm đến kỳ tế lễ chư Tăng đem trần thiết trang hoàng để cúng dường. Vì sự chí thành cảm ứng nên răng đã phóng quang.

Phía ngoài thành tây nam có Già lam lớn ..… Phía bắc của chùa này tháp cao hơn 20 thước. Gọi là tháp Kim Cang. Trong đó trang trí nhiều đồ quý và ở giữa có thờ xá lợi rất quý giá.

Phía tây nam của chùa .…Tại đây cũng có vị A La Hán đã nhập Niết Bàn và đã thị hiện thần thông mọi người biết được. Cho nên những tháp khác được mọc lên số kể hơn trăm ngôi”.

(trang 45).

Minh Di.

- “Nước Phược Át ....

Ở ngoài (Kinh) thành về phía tây nam có chùa tăng Nạp Phược ......

Trong Phật đường phía Nam của Chùa có cái bình đựng nước tắm của Phật, chứa cũng tới hơn một đấu. Lại có các vật quí bằng vàng, bằng đá rực rỡ khó nói tên được! Lại có cái răng Phật dài hơn 1 tấc, rộng 8, 9 phân, sắc trắng ngà, sáng bóng, tinh khiết! Lại có cây chổi của Phật, làm với cỏ Ca sa, dài hơn 2 thước, chu vi cũng tới 7 tấc, cán chổi được trang sức với những vật quí khác nhau.

3 vật quí này, mỗi lần đến ngày lục trai thì tăng cũng như tục đều tụ hội lại đem ra bày để mọi người cúng dường, do lòng chí thành cảm ứngcó lúc những vật này phát ra ánh sáng!

Phía bắc Chùa Phật tháp cao hơn 200 thước, bằng đá hoa cương. Trong tháp các vật quí trang trí ở 2 bên, ở giữa để xá lợi Phật, (các xá lợi này) thường phát ra ánh sáng linh thiêng.

Ở phía tây nam Chùa....… Cho nên các bậc La Hán lúc sắp nhập Niết bàn thì thị hiện thần thông, mọi người hay biết nên xây những Tháp Phật, nền cũ của những tháp này nằm gần nhau, tính đến hơn trăm Tháp!”.

[Phụ chú.

~ 1 thăng đời Đường qui ra hệ thống SI = 0.5944 L.

10 thăng = 1 đấu, vậy 1 đấu = 0.599 x 10 = 5.99 L.

~ 1 xích đời Đường qui ra hệ thống SI = 31.10 cm = 0.311 m.

Tháp cao 200 thước = 0.311 m x 200 = 62.20 m.

~ Cỏ ca sa. Ca sa dịch âm Phạn ngữ kasá, tên khoa học: Saccharum Spontaneum, là 1 loại cỏ tranh, cũng thường được dùng để làm tọa cụ.

~ Lục trai. 6 ngày chay trong tháng, là các ngày mồng 8, 14, 15, 23, 29, 30 âm lịch.

Phật tử cho rằng 6 ngày này là 6 ngày Tứ Thiên Vương đi quan sát việc thiện, ác của loài người, và cũng là những ngày ác quỉ đi dò xét nhân gian. Bởi thế trong 6 ngày này thì phải cẩn thận trong mọi hành vi].

+ Những cái Sai của Thích Như Điển.

~ Nguyên tác: “Nạp Phược” (hay Nạp Phọc), là dịch âm từ Phạn ngữnava” – ý nghĩa là “mới”, cho nên “Nạp Phược tăng già lam” dịch là “chùa mới cho tăng” - trong khi đó Thích Như Điển lại dịch sai là “Già lam lớn”.

~ Nguyên tác: “Già lam nội Nam Phật đường trung”.

Thích Như Điển dịch là “Trong đất Già lam này ở phía nam Phật Đường”, dịch như vậy là thiếu chính xác.

~ Nguyên tác: ”Phật nha, kỳ trường thốn dư” (“Răng Phật, dài hơn 1 tấc”).

Vậy mà Thích Như Điển dịch là “răng Phật, chiều dài hơn mấy tấc”.

~ Nguyên tác nói “Hựu hữu Phật tảo trửu, ca sa thảo tác dã, trường dư nhị xích, vi khả thất thốn, kỳ bả dĩ tạp bảo sức chi”.

- “Lại có cây chổi của Phật, làm với Cỏ ca sa, dài hơn 2 thước, chu vi cũng tới 7 tấc, cán chổi được trang sức với những vật quí khác nhau”.

Thích Như Điển dịch là “lại cũng có áo Cà Sa của Phật,ngay cả Y Tăng Già Lê cũng có. Chiều dài hơn hai thước, chiều ngang bảy tấc”. Thực Lếu láo!

~ Nguyên tác: “Phàm thử tam vật, mỗi chí lục trai”. 

- “3 vật quí này, mỗi lần đến ngày lục trai”.

Thích Như Điển dịch ba láp là “Ba vật quý này mỗi năm đến kỳ tế lễ chư Tăng”.

Ngoài ra, Thích Như Điển nói cho độc giả biết nguyên tác chỗ nào nói “mỗi năm”?

~ Nguyên tác: “chí thành sở cảm, hoặc phóng quang minh”.

- “do lòng chí thành cảm ứngcó lúc những vật này phát ra ánh sáng!”.

Thích Như Điển dịch là “Vì sự chí thành cảm ứng nên răng đã phóng quang”.

Dịch như Thích Như Điển thì lúc nào “3 vật quí” đã kể lúc nào cũng phát ra ánh sáng!

Nguyên tác nó “có lúc” chứ không là “lúc nào cũng”, tức luôn luôn.

~ Nguyên tác nói Thápcao nhị bách dư xích” (“cao hơn 200 thước”) - Thích Như Điển lại dịch là “cao hơn 20 thước”.

Đã nói, 1 thước (xích) thời Đường = 0.311 m.

Tháp cao hơn 200 thước là cao: 0.311 m x 20 = 62.2 m.

Trong khi, nói như Thích Như Điển thì Tháp chỉ cao có 6.22 m.

~ Nguyên tác: “kim cương nê đồ”, vậy mà Như Điển dịch là “Gọi là tháp Kim Cương”.

Thích Như Điển không biết rằng “kim cương” nói ở đoạn trên tức chỉ đá hoa cương, mà trong ngôn ngữ thông thường gọi là đá xanh.

~ Nguyên tác nói “chúng bảo trắc sức” nghĩa là “các vật quí trang trí ở 2 bên”, vậy mà Thích Như Điển lại dịch thiếu là “Trong đó trang trí nhiều đồ quý”, thiếu mất ý “2 bên”.

Ở đây Đại Đường Tây Vực Ký tự thuật về vị trí bày biện các vật trong Phật tháp

- “các vật quí trang trí ở 2 bên”, trong khi đó “ở giữa để xá lợi”, tự thuật rất phân minh.

Liền theo đó là Câu “thời chúc linh quang” (“thường phát ra ánh sáng linh thiêng”), và Thích Như Điển đã không dịch câu này, không hiểu để mà dịch thì đúng hơn!

~ Nguyên tác viết rõ là “chư La Hán”, tức có nhiều vị La Hán, thế mà Thích Như Điển lại dịch là “có vị A La Hán” - tức là chỉ một người. Chữ “chư” ở đây nghĩa là gì đây Thích Như Điển, tra lại Từ điển đi!

~ Nguyên tác nói là “.… chư toát đổ ba, cơ tích tương lân, số bách dư hĩ!” - có nghĩa là “.… nền cũ của những tháp (này) nằm gần nhau, tính đến hơn trăm Tháp”.

Cơ tích là “dấu tích của nền (tháp)”.

Câu trên đây trong “Đại Đường Tây Vực Ký” rồi không thấy đâu cả trong dịch văn của Thích Như Điển. 

Và không chỉ ở đây dài dài trong bản dịch, ở đâu cũng thế Thích Như Điển lúc nào cũng dịch thiếu không 1 câu thì cũng vài ba câu như vậy!

Lại ở một đoạn khác:

- “ĐẠI THÀNH tây bắc ngũ thập dư lý, chí Đề Vị Thành - Thành bắc tứ thập dư lý hữu Ba Lị Thành. Thành trung các hữu nhất Toát đổ ba, cao dư tam trượng”.

Sđd trên. Qu. I. Phược Át quốc. Đề Vị Thành cập Ba Lị Thành /.

Thích Như Điển dịch:

- “Chu vi thành hơn 50 dặm. Tiếp đến là thành khác. Thành phía bắc hơn 40 dặm. Tiếp đó có thành Ba Lợi. Ở trong thành có một ngôi tháp cao 3 thước”.

(trang 46).

Minh Di.

- “(Đi về) phía tây bắc THÀNH LỚN hơn 50 dặm thì tới Thành Đề Vị - phía bắc Thành hơn 40 dặm có Thành Ba Lị. (2 Thành này) trong mỗi Thành đều có 1 Tháp Phật, cao hơn 3 trượng”.

[Phụ chú. Thời Đường, 1 Trượng = 10 xích = 0.311 m x 10 = 3.11 m.

Tháp cao 3 trượng là cao 3.11 m x 3 = 9.33 m].

+ Những cái Sai của Thích Như Điển.

Thích Như Điển dịch sai, dịch thiếu lung tung!

~ Không hiểu sao mà trong đoạn dịch văn trên đây của Thích Như Điển lại không thấy Đại Thành (Kinh Thành), không thấy Thành Đề Vị?

Nói “hơn 50 dặm” là nói khoảng cách từ Kinh đô nước Phược Át tới thành Đề Vị.

~ Cứ so 2 câu “Chu vi thành hơn 50 dặm. Tiếp đến là thành khác” Thích Như Điển dịch trên đây với nguyên tác thì thấy chẳng ăn nhập với những gì nguyên tác viết cả!

Nguyên tác tự thuật rành rành 2 tòa thành, một là Đề Vị, hai là Ba Lị (Ba Lợi).

Và chẳng rõ Thích Như Điển dịch ra làm sao chỉ còn có một Thành Ba Lị. Lại nữa về thành này dịch cũng sai: 

Nguyên tác nói là trong thành Ba Lị có một cái “Tháp cao 3 trượng” - mà không phải là tháp “cao 3 thước” như Thích Như Điển dịch ba láp! Ba láp vì Thích Như Điển mù tịt về hệ thống đo lường thời Huyền Trang.

Coi kỹ lại đi Thích Như Điển, là 3 trượng, chứ không phải là 3 thước!

Như đã nói, 1 thước (xích) thời Đường = 0.311 m.

Dịch như Thích Như Điển thì “tháp cao 3 thước” là cao: 0.311 m x 3 = 0.933 m - tức là chưa đến 1 thước (1 m)! Ô hô!

Nguyên tác. Yết Chức Quốc 32 / 34.

- “Yết Chức Quốc Đông Tây ngũ bách dư lí, Nam Bắc tam bách dư lí. Quốc đại đô thành chu tứ, ngũ lí. Thổ địa khao hạc, lăng phụ liên thuộc. Thiểu hoa quả, đa thục mạch. Khí tự hàn liệt, phong tục cương mãnh! Già Lam thập dư sở, tăng đồ tam bách dư nhân, tịnh học Tiểu Thừa giáo Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ”.

Sđd. Qu. I. Yết Chức Quốc /.

Thích Như Điển dịch:

- “Nước Yết Chức đông tây hơn 500 dặm; nam bắc hơn 300 dặm. Đô thành chu vi 45 dặm. Đất đai phì nhiêu nhưng ít hoa quả, nhiều lúa mạch. Khí hậu lạnh, phong tục lành mạnh. Có hơn 10 cảnh chùa. Tăng tín đồ trên 300 người. Họ theo phái Tiểu Thừa thuộc Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ”.

(trang 47).

Minh Di

- “Nước Yết Chức Đông Tây hơn 500 dặm, Nam Bắc hơn 300 dặm. Kinh Đô chu vi ước 4, (hay) 5 dặm. Đất đai cằn cỗi, gò nỗng liền nhau! Ít hoa quả, trồng nhiều các thứ đậulúa mạch! Khí hậu lạnh lẽo, con người tính tình cứng rắn mạnh mẽ! Chùa có trên chục cái, tăng đồ hơn 300 người, đều theo Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ bên Tiểu Thừa”.

+ Những cái Sai của Thích Như Điển.

Trước hết, Thích Như Điển dịch sai chu vi Kinh Sư Yết Chức là 45 dặm, thay vì chỉ 4 hay 5 dặm, rồi dịch thiếu câu “lăng, phụ liên thuộc” (gò nỗng liền nhau).

Kế đó, về thổ sản lại thiếu “các thứ đậu” (thục).

Càng dịch Thích Như Điển càng viết láo, viết xằng viết bậy, bất kể tội / phước!

~ Nguyên tác: “Thổ địa khao hạc”, nghĩa là “Đất đai khô cằn”, vậy mà Thích Như Điển lại dịch láo là “Đất đai phì nhiêu”.

Từ điển Từ Nguyên giải tiếng “Khao hạc” như sau:

- “[Khao hạc]. Thổ địa tích bạc”. Nghĩa là “Đất đai cằn cỗi”.

Tự thân chữ “Khao” đã có nghĩa là “đa thạch tích bạc chi địa” (đất cằn cỗi có nhiều đá). Và như vậy thìphì nhiêu” ở cái chỗ nào đây, Thích Như Điển?

~ Tính tình con người xứ Yết Chứccứng rắn, mạnh mẽ” (cương mãnh), thế nhưng Thích Như Điển lại dịch rất láo là “phong tục lành mạnh”.

Nguyên tác. Phạm Diễn Na Quốc 33 / 34. 

- “Phạm Diễn Na Quốc Đông Tây nhị thiên dư lí, Nam Bắc tam bách dư lí, tại Tuyết Sơn chi trung dã. Nhân y sơn cốc, trục thế ấp cư. Quốc Đại đô thành cứ nhai khóa cốc, trường lục, thất lí, Bắc bối cao nham. Hữu túc mạch, thiểu hoa quả, nghi súc mục, đa dương, mã. Khí tự hàn liệt, phong tục cương quảng. Đa ý bì hạt, dịch kỳ sở nghi! Văn tự, phong giáo, hóa tệ chi dụng đồng Đổ Hóa La Quốc, ngữ ngôn thiểu dị, nghi mạo đại đồng. Thuần tín chi tâm đặc thậm lân quốc, thượng tự Tam Bảo, hạ chí bách Thần, mạc bất thâu thành kiệt tâm tông kính. Thương cổ vãng lai giả, thiên thần hiện trưng tường, thị sùng biến, cầu phúc đức.

Già lam sổ thập sở, tăng đồ sổ thiên nhân, tông học Tiểu Thừa Thuyết Xuất Thế Bộ”.

Sđd. Qu. I. Phạm Diễn Na Quốc /.

Thích Như Điển dịch:

- “Nước Phạm Hạnh Na đông tây hơn 2.000 dặm; nam bắc hơn 300 dặm. Nằm ngay trong núi tuyết. Người người hay sống trong hang động. Đô thành đa phần cũng là động đá. Chiều dài 67 dặm. Phía bắc rất cao, có lúa mạch, ít hoa quả. Nuôi gia súc, đa phần là dê và ngựa. Khí hậu lạnh, phong tục tốt đẹp, đa phần ăn mặc kín đáo. Chữ nghĩa phong tục do sự giáo hóa mà thành. Sử dụng tiền tệ giống như nước Đô Hóa La. Ngôn ngữ ít có sự sai khác. Lễ nghi đại khái giống nhau. lòng tin cũng giống như nước láng giềng. Trên cũng kính Tam Bảo, dưới cho đến thần dân không bị mất cướp, thành thật, tâm địa tôn kính. Có nhiều khách thương vãng lai. Thiên thần thường hay xuất hiện. Đó là do sự biến hóa của việc cầu phước đức mà nên. Chùa chiền hơn 10 ngôi, tăng tín đồ hơn 1.000 người. Họ theo Tiểu thừa giáo thuộc Thuyết Xuất Thế Bộ”.

(trang 47, 48).

~ Đọc đoạn dịch trên đây của Thích Như Điển mà tôi rùng mình, như đã rùng mình ở những đoạn dịch trước đây của Thích Như Điển!

Dịch văn thì hầu hết chẳng phù hợp những gì nguyên tác viết, văn thì nhiều câu rời rạc không đầu, thiếu đuôi, tóm lại là văn Việt ngữ Thích Như Điển viết còn chưa xuôi! 

Minh Di.

- “Nước Phạm Diễn Na chiều Đông Tây hơn 2000 dặm, chiều Bắc Nam hơn 300 dặm, nằm lọt giữa Tuyết Sơn. Người (nước này) nương theo núi, theo thế núi mà lập Đô ấp. Quốc đô kiến lập trên ghềnh đá, ở vùng sơn cốc, trải dài 6, 7 dặm, mặt Bắc thành dựa vách núi chớn chở. (Thổ sản) có lúa mạch, ít cây trái. Thích hợp cho việc chăn nuôi, có nhiều dê và ngựa. Khí hậu lạnh lẽo, tính tình cứng cỏi, hung hãn! (Dân cư) đa số mặc áo da, đây cũng là để thích nghi với khí hậu. Văn tự, phong tục và sự giáo hóa, tiền tệ như nước Đổ Hóa La, ngôn ngữ có khác đôi chút, () khuôn mặt nhìn chung là giống. Về lòng tin thì hơn các nước láng giềng xa, trên từ Tam Bảo, dưới tới các Thần thánh không vị nào mà dân ở đây không biểu lộ sự thành tâm, hết lòng sùng kính! với các thương buôn qua lại, thiên thần xuất hiện là (một) điềm lành, và là (một) thị hiện của sự biến hóa cao siêu, (là cơ hội) cho họ cầu phúc đức.

Chùa thì có mấy chục chỗ, tăng chúng mấy ngàn người, theo phái Thuyết Xuất Thế Bộ của Tiểu Thừa”.

+ Những cái Sai của Thích Như Điển.

~ Trước hết, về phiên âm, Thích Như Điển đã ghi sai âm đọc tên của Quốc gia đề cập ở đây. Tên Quốc gia ở đây là Phạm Diễn Na, Thích Như Điển ghi là Phạm Hạnh Na.

Chữ “Diễn” ở đây cũng là chữ “Diễn” trong tên Quốc gia Xích Ngạc Diễn Na mà Thích Như Điển đã đọc sai trước đây.

~ Tuyết Sơntên riêng, Thích Như Điển dịch là “núi tuyết” thì không sai, nhưng dịch như vậy thì hóa ra hàm hồ, vì núi tuyết thì có bao nhiêu là núi tuyết, núi tuyết nào đây?

~ Từ câungười người hay sống trong hang động........... cho tới hết đoạn văn trên đây Thích Như Điển dịch hầu như sai hoàn toàn!

Tôi xin nêu một vài cái sai trong đoạn dịch nói trên của Thích Như Điển:

~ Nguyên tác: “Nhân y sơn cốc, trục thế ấp cư. Quốc Đại đô thành cứ nhai khóa cốc, trường lục, thất lí, Bắc bối cao nham”.

- “Người [nước này] nương theo núi, theo thế núi lập đô ấp. Quốc đô kiến lập trên ghềnh đá, ở vùng sơn cốc, trải dài 6, 7 dặm, mặt Bắc thành dựa vách núi chớn chở”.

Thích Như Điển dịch: “Người người hay sống trong hang động. Đô thành đa phần cũng là động đá. Chiều dài 67 dặm. Phía bắc rất cao”. - Tầm bậy tầm bạ quá đi!

~ Nguyên tác: “Bắc bối cao nham” (Mặt Bắc thành dựa vách núi cao).

Thích Như Điển dịch bậy là “Phía bắc rất cao”.

~ Nguyên tác: “Khí tự hàn liệt” (Khí hậu lạnh lẽo).

Thích Như Điển dịch là “Khí hậu lạnh” không thôi thì chưa diễn tả hết được cái lạnh.

~ Nguyên tác: “Phong tục cương quảng” (Tính tình cứng cỏi, hung hãn).

Thích Như Điển dịch là “Phong tục tốt đẹp” thì phải nói là bậy bạ quá đi!

~ Nguyên tác: “Đa ý bì hạt, dịch kỳ sở nghi”.

- “[Dân cư] đa số mặc áo da, đây cũng là để thích nghi với khí hậu”.

Một câu hết sức dễ, vậy mà Thích Như Điển dịch là “Đa phần ăn mặc kín đáo”.

Câu “kỳ sở nghi” ở đoạn trên Thích Như Điển không hiểu, bởi thế đã dịch lếu láo đến không thể tưởng là “Lễ nghi đại khái giống nhau”.

~ Nguyên tác” “Văn tự, phong giáo” (Văn tự, phong tục và sự giáo hóa).

Thích Như Điển dịch hết sức bậy là:

- “Chữ nghĩa, phong tục do sự giáo hóa mà thành”.

Tiếng “Phong giáo” là chữ ghép của 2 tiếng “Phong tục” và “Giáo hóa”, Thích Như Điển và ông Thích Đồng Văn mà Thích Như Điển khoe là “biết nhiều chữ Hán” lại mù mờ để rồi cả đám dịch một cách rất “ngu ngơ” như trên!

Từ điển Từ Nguyên giảng tiếng “Phong giáo” như sau:

- “[Phong giáo]. Phong tục, giáo hóa”.

4 chữ trên đi liền với những chữ sau đó thành một câu:

- “Văn tự, phong giáo, hóa tệ chi dụng đồng Đổ Hóa La Quốc”.

Có thể thấy 4 chữ “Văn tự, phong giáo” chưa thành một Câu, cả 2 ông “Thích” trên đây vì “biết nhiều chữ Hán” quá, bởi thế cũng “nhiều” luôn óc tưởng tượng để biến những chữ này thành một câu, một câu để lộ 2 cái óc tưởng tượng thật ng. ng.

Càng dịch cái ba láp, cái lếu láo của Thích Như Điển càng lớn hơn, do đó, cái lố bịch của một con người càng lộ rõ hơn:

~ Nguyên tác: “Thuần tín chi tâm đặc thậm lân quốc”.

- “Về lòng tin thuần thành (nơi Tông giáo) thì hơn các nước láng giềng rất xa”.

Vậy mà Thích Như Điển lại dịch hết sức bậy bạ như sau:

- “lòng tin cũng giống như nước láng giềng”.

Sai đến cả ngàn dặm!

~ Nguyên tác nói “thượng tự Tam Bảo, hạ chí bách Thần, mạc bất thâu thành kiệt tâm tông kính”.

- “trên từ Tam Bảo, dưới tới các Thần thánh không vị nào mà dân ở đây không biểu lộ sự thành tâm, hết lòng sùng kính!”.

Thích Như Điển dịch câu trên đây là:

- “Trên cũng kính Tam Bảo, dưới cho đến thần dân không bị mất cướp, thành thật, tâm địa tôn kính”.

+ Thần dân nào ở đây “không bị mất cướp”? ăn cướp nào ở đây, Thích Như Điển?

Duyệt nguyên tác thì có thể thấy các tiếng “ăn cướp”, “thần dân” ở đây Thích Như Điển đã dịch từ 2 tiếng “bách thần” và “thâu thành”.

Bách Thần, chữ Thần ở đây là “Thần thánh, Thần linh”.

Chữ “Thần” là “Bề tôi” viết khác!

Thâu thành có nghĩa là biểu lộ thành tâm.

+ Thích Như Điển bởi Hán văn lem nhem cho nên đã lẫn lộn, đã không nhận biết được chữ “Thâu” (ăn trộm) thuộc bộ Nhân (người), vì vậy mới có chuyện “mất cướp” ở đây!

Trong khi chữ “Thâu” trong nguyên tác ở đây viết với bộ Xa (xe) ở đây có một số nghĩa là “chuyển vận. hiến nạp. thất bại, thua”.

Thích Như Điển dịch, Thích Đồng Văn, Thích Hạnh Giới hụ hợ trợ dịch làm cho tôi đây khiếp hãi quá! Như Phật trên bàn thờ đây đọc được chắc cũng nhảy xuống quá!

Nhưng “Ngã Phật từ bi” cho nên sẽ nói với Thích Như Điển là “Hồi đầu thị Ngạn”.

Thích Như Điển buông cái Tâm “Hám Danh”, cái tâm “Tham” rồi sẽ thấy Bờ!

+ Thích Như Điển buông cái TâmHám Danh”, muốn thiên hạ, muốn đệ tử của mình nghĩ mình, nghĩ thầy mình, là một người tinh thâm Hán văn - Thích Như Điển nếu chịu dứt trừ cái tâm này đi rồi sẽ thấy Bờ, Thích Như Điển!

~ Nguyên tác : “Thương cổ vãng lai giả, thiên thần hiện trưng tường, thị sùng biến, cầu phúc đức”.

- “Và với các thương buôn qua lại, thiên thần xuất hiện là (một) điềm lành, và là (một) thị hiện của sự biến hóa cao siêu, (là cơ hội) cho họ cầu phúc đức”.

Thích Như Điển lại dịch hết sức bậy bạ là - “Thiên thần thường hay xuất hiện. Đó là do sự biến hóa của việc cầu phước đức mà nên”. 

Tiếp liền theo đoạn trên, “Tây Vực Ký” chép:

- “Vương thành đông bắc sơn a hữu lập Phật thạch tượng, cao bách tứ, ngũ thập xích, kim sắc hoảng diệu, bảo sức hoán lạn! Đông hữu già lam, thử quốc tiên vương chi sở kiến dã. Già lam Đông hữu thu thạch Thích Ca Phật lập tượng, cao bách dư xích, phân thân biệt chú, tổng hợp thành lập.

Thành Đông nhị, tam lí già lam trung hữu Phật nhập Niết bàn ngọa tượng, trường thiên dư xích. Kì vương mỗi thử thiết Vô già Đại hội, thượng tự thê tử, hạ chí quốc trân, Phủ khố khuynh, phục dĩ thân thí! Quần quan liêu tá, tựu tăng thù thục. Nhược thử giả dĩ vi sở vụ hĩ!”. 

Thích Như Điển dịch như sau:

- “Vương thành phía đông bắc gần núitượng Phật đá đứng cao 145 mét. Màu sắc vàng, trang sức bằng những loại đá quý. Phía đông có Già Lam do Tiên đế đã kiến tạo nên. Tiếp đó có tượng Thích Ca bằng đá đứng cao hơn 100 thước. Phân thân đứng riêng biệt để thành một quần thể như thế.

Thành phía đông có 23 dặm. Giữa chùatượng Phật nhập Niết Bàn nằm, chiều dài 100 thước. Vua nước này thường thiết lễ cầu siêu. Trên từ vợ con, dưới đến thần dân  đều lấy của trong kho của Vua, đem ra bố thí. Quần thần, tả hữu cũng làm việc đó như là một nhiệm vụ”. 

(trang 48).

Minh Di.

- “Ở ven núi phía Đông bắc Vương thành có Tượng Phật đứng bằng đá, cao (khoảng) 140, 150 thước, sắc vàng chói lọi, các vật quí rỡ ràng tô điểm tượng Phật! Ở mặt Đông Tượng Phật có ngôi Chùa, Chùa này do vua đời trước kiến tạo. Ở phía Đông chùa có tượng Phật Thích Ca đứng bằng đồng vàng, cao hơn 100 thước, các bộ phận của tượng được đúc riêng rồi ráp lại thành Tượng.

Trong một ngôi Chùa cách (Vương) Thành 2, 3 dặm về phía Đông có Tượng Phật nằm nhập Niết bàn, dài hơn 1,000 thước! Vua nước này thường cử hành Đại hội Vô già tại nơi này, trên từ vợ con, dưới tới những vật quí của quốc gia, chẳng những là các Kho của các Phủ đã dốc hết ra, mà còn lấy thân mình để bố thí! Quan liêu và các thuộc cấp đều tới gặp tăng để chuộc thân mình! Những việc như vậy, tất cả đều coi như việc làm của mình”. 

[Phụ chú.

Nguyên tác: “Già lam Đông hữu thu thạch Thích Ca Phật lập tượng”.

- “Ở phía Đông chùa có tượng Phật Thích Ca đứng bằng đồng vàng”. 

Chú thích chữ “thu thạch”, Quí Diễn Lâm viết:

- “Thu thạch: Tức hoàng đồng. “Thu” đa bán thị A lập bá - Ba tư ngữ trung chi tūtiya, Phạn văn tác tuttha, Thạch tự nãi Hán ngữ sở gia, tham khán Lao Phí Nhĩ (B. Laufer) “Trung Quốc Y Lang Biên”, Lâm Vân Nhân dịch, Thương Vụ Ấn Thư Quán, 1964 niên hiệt 340 - 344.

Thu thạch, “Phạn Ngữ Tạp Danh” tác Lí Để (riti),

Tây Vực Ký” trung đa thứ đề đáo Thu thạch Phật tượng, tự thị độ thượng chân thu. Quyển Nhị vân: - “Nhược phù Kim, Ngân, Thu thạch, Bạch thạch, Hỏa chu, phong thổ sở sinh”.

Trình Đại Xương “Diễn Phiền Lộ”: - “Thế hữu Thu thạch giả, thực vi Đồng, sắc như hoàng kim”.

Cách Cổ Yếu Lãm”: - “Thu thạch, tự nhiên Đồng chi tinh dã. Kim Lô cam thạch luyện thành giả, giả Thu ! Thôi Phưởng viết Đồng nhất cân, Lô cam thạch nhất cân luyện chi thành Thu đồng. CHÂN THU THẠCH sinh BA TƯ QUỐC giả như hoàng kim, thiêu chi xích sắc bất thoái”.”.

Dịch:

- “Thu thạch: Tức Đồng vàng. Chữ “Thu” phần lớn trong tiếng Á rập - Ba tư là tūtiya, tiếng Phạn là tuttha, chữ Thạch là Hán ngữ thêm vào, xin coi Lao Phí Nhĩ (B. Laufer) trong “Trung Quốc Y Lang Biên”, Lâm Vân Nhân dịch, Thương Vụ Ấn Thư Quán, năm 1964, các trang: 340 -344. Thu thạch, cuốn “Phạn Ngữ Tạp Danh” ghi là Lí Để (riti).

Trong “Tây Vực Ký” nhiều lần đề cập tượng Phật bằng Đồng vàng, hình như được mạ với Đồng vàng thuần. Quyển II ghi: - “Những thứ Vàng, Bạc, Đồng vàng, Bạch thạch, Hỏa chu, đều do đất đai sinh ra”.

Tập “Diễn Phiền Lộ” của Trình Đại Xương (nói): - “Trên đời có thứ Thu thạch, thực ra đây là Đồng, sắc như Vàng”.

Tập “Cách Cổ Yếu Lãm”: - “Thu thạch là Đồng tinh thuần trong thiên nhiên. Hiện nay thứ Đồng luyện thành từ Lô cam thạch là thứ Đồng vàng giả! Thôi Phưởng nói 1 Cân Đồng, 1 Cân Lô cam thạch thì luyện thành Đồng vàng. ĐỒNG VÀNG THẬT xuất từ nước BA TƯ sắc như Vàng, nung thì sắc đỏ không biến”.

(Lô cam thạch tức ZnCO3. Minh Di). 

+ Những cái Sai của Thích Như Điển.

~ Nguyên tác: “Sơn a” nghĩa là “ven núi”, Thích Như Điển dịch là “gần núi”.

~ Nguyên tác: “cao bách tứ, ngũ thập ngũ xích” (“cao [khoảng] 140, 150 thước”).

Thích Như Điển dịch là “cao 145 mét”. Thích Như Điển, “Xích” không phải là “Mét”!

Như đã biết, 1 xích thời Đường = 0.311 m.

Tượng Phật cao 140, 150 xích là cao:

0.311 m x 140 = 43.54 m. và 0.311 m x 150 = 46.65 m.

Tức Tượng Phật bằng đá ở đây cao trong khoảng từ 43.54 m đến 46.65 m.

~ Nguyên tác nói Tượng Phật bằng đá sắc vàng tức ý nói Tượng được sơn phết vàng có sắc chói lọi (hoảng diệu). Thích Như Điển đã không dịch 2 chữ “hoảng diệu” này!

~ Nguyên tác nói những vật quí dùng để tô điểm tượng Phật bằng đá trong đoạn dẫn ở đoạn trên tỏa ánh sáng ngời (hoán lạn), Thích Như Điển cũng thiếu cái “hoán lạn” này! 

Lại nữa, nguyên tác chỉ nói chung chung những vật quí tô điểm Tượng Phật đá - mà không hề xác định là “những loại đá quý” như Thích Như Điển dịch láo, bậy! Đá lượm ở đâu đây, Thích Như Điển? 

~ Nguyên tác nói ở phía Đông của Tượng Phật bằng đángôi Chùa, và rồi cũng ở về phía Đông ngôi Chùa này lại có Tượng Phật bằng đồng vàng (thu thạch)!

Nguyên tác: “Già lam Đông hữu thu thạch Thích Ca Phật lập tượng”.

Thích Như Điển dịch bậy là “Tiếp đó có tượng Thích Ca bằng đá”.

Rõ ràng là “ở phía Đông Chùa có tượng Phật Thích Ca đứng bằng đồng vàng ”, tác giả đã viết rõ ràng như thế! Thích Như Điển nói mình dịch Bộ “Đại Đường Tây Vực Ký” từ bản Hán văn. Thế nhưng, dịch như kiểu Thích Như Điển trên đây thì tôi đến không rõ Thích Như Điển dịch theo bản Hán văn nào đây?

~ Nguyên tác nói “phân thân biệt chú, tổng hợp thành lập”.

Như tôi dịch ở trên, “các bộ phận của tượng được đúc riêng rồi ráp lại thành Tượng”.

Nhưng, Thích Như Điển lại dịch ba láp, bậy bạ là: “Phân thân đứng riêng biệt để thành một quần thể như thế”.

- “Phân thân đứng riêng biệt” như thế nào đây, Thích Như Điển? “Quần thể” nào ở đây ông Thích Như Điển?

Một câu dễ tới như thế, một câu Hán văn rất căn bản đến như thế mà Thích Như Điển còn sai thì có thể biết trình độ Hán văn của Thích Như Điển nó ra cái hình thù gì?

Còn 2 ông tỳ kheo Tiến sĩ (ghê quá!) “trợ dịch” Thích Đồng Văn, Thích Hạnh Giới cũng đến phải nói là “hà túc đạo”.

~ Nguyên tác: “Thành Đông nhị, tam lí”. (“Ở phía Đông thành [lối] 2 hay 3 dặm”).

Như Điển dịch vừa sai vừa ba láp và vừa ngu ngơ là “Thành phía đông có 23 dặm”.

Đi huốc rồi Thích Như Điển, chỉ có 2 hay 3 dặm thôi mà sao ông đi tới 23 dặm, làm sao thấy được Phật đây?

~ Nguyên tác ghi rõ ràngTượng Phật nằm dài hơn 1,000 xích, tức hơn 311 m.

Vậy mà Thích Như Điển nói “hơn 100 (một trăm) thước”. Ở đây, độc giả lại thấy thêm 1 cái lếu láo của Thích Như Điển nói riêng, và ban dịch thuật của ông ta nói chung!

~ Nguyên tác: “Kỳ vương mỗi thử thiết Vô già Đại hội”.

Dịch chính xác là “Vua nước này thường cử hành Đại hội Vô già tại nơi này”.

Vậy mà Thích Như Điển dịch láo là “Vua nước này thường thiết lễ cầu siêu”.

Cầu siêu cho ai đây, Thích Như Điển?

Thích Như Điển tu bao nhiêu năm mà không biết “Vô Già Đại Hội” là gì, chuyện này có ai tưởng ra nổi không? Thiệt là “bất khả tư nghì”!

Lời Tục có câu rằng: - “ nhưng chú khôn”, Thích Như Điển đã “” thế nhưng 2 ông “trợ dịch” Thích Đồng Văn, Thích Hạnh Giới lại không “khôn”, mà cònLẫn” nữa cho nên mới sinh ra những lời dịch lếu láo trên đây của bộ ba!

Đại Hội Vô GiàPháp Hội bố thí, Thí Tài, Thí Pháp, và bình đẳng thí, mở rộng lòng với tất cả mọi người, không phân biệt hiền thánh, đạo tục, giàu nghèo, trên dưới.… tức lòng không bị che chướng (vô già) bởi tâm phân biệt!

Thời cổ ở Ấn Độ thường cử hành Đại Lễ này.

Trong khi đó Trung Quốc Pháp Hội này được cử hành lần đầu tiên vào năm đầu tiên Niên hiệu Đại Thông (527 - 529) duới triều Lương Vũ đế (464 - 549; tại vị: 502 - 549).

Vô Già Đại Hội, Phạn ngữ Pañcapariṣad, Pañcavarṣika-pariṣad.

Hán Việt phiên âm là Bát Chà Vu Sắt

~ Nguyên tác: “thượng tự thê tử, hạ chí quốc trân”. 

Dịch chính xác là “trên từ vợ con, dưới tới những vật quí của quốc gia”.

Vậy mà Thích Như Điển dịch láo là “Trên từ vợ con, dưới đến thần dân”.

Thần dân nào ở đây, Thích Như Điển?

~ Đến các câu của nguyên tác như:

- “phục dĩ thân thí!” (còn lấy thân mình để bố thí!).

- “tựu tăng thù thục” (tới gặp tăng để chuộc thân mình).

2 câu này rồi không thấy đâu hết trong phần dịch của Thích Như Điển!

Sau cùng, tiếp liền đoạn trên, nguyên tác viết:

- “Ngọa tượng tăng già lam đông nam hành nhị bách dư lí, độ Đại Tuyết Sơn, đông chí tiểu xuyên trạch, tuyền trì trừng kính, lâm thụ thanh thông! Hữu tăng già lam, trung hữu Phật xỉ cập kiếp sơ thời Độc giác xỉ, trường dư ngũ thốn, quảng giảm tứ thốn; phục hữu Kim Luân Vương xỉ, trường tam thốn, quảng nhị thốn. Thương Nặc Ca Phược Sa (Cựu viết Thương Na Hòa Tu, ngoa dã!) đại A La Hán sở trì thiết bát, lượng khả bát, cửu thăng! Phàm tam Hiền Thánh di vật tịnh dĩ hoàng kim giam phong!

Hựu hữu Thương Nặc Ca Phược Sa cửu điều tăng già đê y, giáng xích sắc, thiết nặc ca thảo bì chi sở tích thành dã. Thương Nặc Ca Phược Sa giả, A Nan đệ tử dã, tại tiên thân trung dĩ thiết nặc ca thảo y ư giải an cư nhật thời thí chúng tăng. Thừaphúc lực ư ngũ bách thân trung ấm, sinh ấm hằng phục thử y! Dĩ tối hậu thân tòng thai câu xuất! Thân ký tiệm trưởng, Y dịch tùy quảng. Cập A Nan chi độ xuất gia dã, kỳ y biến vi Pháp phục. Cập cụ kỳ giới, canh biến vi cửu điều tăng già đê. Tương chứng tịch diệt, nhập biên tế định, phát trí nguyện lực, lưu thử Ca sa, tận Thích Ca di pháp! Pháp tận chi hậu phương nãi biến hoại, kim dĩ thiểu tổn, tín hữu trưng hĩ!

Tòng thử Đông hành nhập Tuyết Sơn, du việt Hắc Lãnh, chí Ca Tất Thí quốc”. 

Thích Như Điển dịch:

- “Chùa có tượng Phật nằm. Đi về hướng đông nam hơn 200 dặm thì gặp núi tuyết. Phía đông đến một số sông nhỏ. Có ao hồ cây trái sum suê, lại có một cảnh chùa khác giữa chùa có thờ Răng Phật, và thờ Răng Phật của Bích Chi, dài hơn 5 phân, ngang 4 phân. Lại cũng có Răng của Kim Luân Vương dài 3 phân, rộng 2 phân. Thương Na Hòa Tu Đại A La Hán cũng có bình bát bằng thiếc, tám chín cái. Tất cả ở đây đều là đồ vật của các Thánh Hiền và những phong thư vàng, lại có y Tăng Già Lê, cửu điều của ngài Thương Na Hòa Tu. Y này có màu hoại sắc làm bằng da và cỏ. Đệ tử của Ngài A La Hán Thương Na Hòa Tu đã làm nên những chiếc y này, nhân cơ hội an cư của chúng tăngcúng dường. Đây là y Phước Điền để hàng phục thân trung ấm trong thời gian năm trăm lần. Đến thân sau cùng sẽ được đầu thai trở lại. Thân thể cao thấp y nầy sẽ theo đó mà lớn rộng ra. Và theo các A La Hán khác mà xuất gia. Y nầy sẽ trở thành Pháp phục để đầy đủ cụ túc giới. Và cũng biến thành y Tăng Già Lê, cửu điều chứng tịch diệt nhập vào biên tế định. Phát thành trí tuệnguyện lực, lưu giữ nơi Ca Sa nầy, cho đến đời Thích Ca Như Lai, sau khi giáo pháp diệt rồi y nầy sẽ biến hoại. Đây là ý chỉ lòng tin vi diệu vậy. Từ phía đông nầy, đi vào núi tuyết tên là Du Việt Hắc đến nước Ca Tất Thí”.

(trang 48, 49).

Minh Di. 

- “Từ ngôi ChùaTượng Phật Nằm đi về hướng Đông nam hơn 200 dặm, vượt qua Đại Tuyết Sơn, đi về phía Đông tới một vùng sông rạch, ao, suối ở đây nước trong như mặt gương, rừng cây xanh um. Tại đây có ngôi Chùa, trong chùa có răng của Độc giác từ thời rất lâu xa, dài hơn 5 tấc, rộng non 4 tấc! Lại có cái răng của Kim Luân vương dài 3 tấc, rộng 2 tấc. (Lại có) cái bát sắt của đại A La Hán Thương Nặc Ca Phược Sa (Ngày trước gọi là Thương Na Hòa Tu, là gọi sai!), dung lượng cũng đến 8, 9 thăng! Tất cả di vật của 3 Hiền Thánh đều lấy vàng niêm phong lại.

Lại có 9 bộ Cà Sa màu đỏ thẫm, dệt bằng sợi cây đay của Thương Nặc Ca Phược Sa. Thương Nặc Ca Phược Sađệ tử của A Nan, kiếp trước mỗi lần hết kỳ An cư thì lấy áo dệt với sợi đay mà cúng dường chúng tăng. Nhờ phước lực này mà trong năm trăm đời các thân Trung ấm, Sinh ấm thường mặc thứ áo này! Đến thân sau cùng thì cả áo lẫn người đều từ thai xuất, thân lớn dần thì áo cũng theo đó mà rộng ra! Đến khi A Nan độ cho xuất gia thì áo này biến thành Pháp phục. Đến chừng thọ cụ túc giới thì áo này biến thành 9 bộ Cà sa. Lúc sắp tịch diệt, nhập cảnh tịch tĩnh thì phát trí nguyện lực lưu tồn nơi Cà sa này, (nguyện rằng) cho tới khi pháp tắc của Thích Ca để lại diệt tận, cho đến sau lúc Giáo Pháp diệt tận thì chừng ấy (cái Cà sa này) mới biến hoại! Hiện nay cái Cà sa này đã hư hoại chút ít, lời nguyện trên đúng là có chứng cứ!”. 

Từ đây đi về Đông thì nhập Tuyết Sơn, vượt qua Hắc Lãnh thì tới nước Ca Tất Thí ”. 

[Phụ chú.

Bát sắt 8, 9 thăng của A La Hán Thương Nặc Ca Phược Sa.

1 Thăng thời Huyền Trang tính ra Hệ thống SI = 0.5944 Lít.

8 Thăng = 0.5944 L x 8 = 4.7552 L.

9 Thăng = 0.5944 L x 9 = 5.3496 L.

Độc Giác là dịch âm từ Phạn văn là Pratyeka-Buddha, cũng gọi Duyên Giác, còn dịch âm là Bích Chi Phật. Phật giáo cho rằng vào thời thượng cổ, lúc chưa có Phật, có các bậc giác ngộ, đạt tới cảnh giới lìa vòng Sanh, Tử gọi là Độc Giác.

Từ thời rất lâu xa, nguyên tác là “Kiếp Sơ”, cũng phiên âm từ Phạn ngữ là “Kiếp Ba”.

Phạn ngữ là “Kalpa”, tiếng Pali là “Kappa”, chỉ khoảng thời gian rất dài, không thể dùng năm tháng mà tính được. Do đó cũng được dịch là “Đại Thời”.

Kiếp Sơ có nghĩa là lúc Kiếp mới thành lập, tức chỉ Thế Giới lúc mới thành hình, ở đây phiếm chỉ thời cực cổ, cực lâu xa].

+ Những cái Sai của Thích Như Điển.

Đoạn dịch trên đây của Thích Như Điển hầu như sai hoàn toàn!

Thích Như Điển quá nát về Hán văn! Không có chữ nào ngoài chữ NÁT!

~ Câu đầu tiên Thích Như Điển chấm ngang xương, không ra đầu cua tai nheo gì cả!

~ Nguyên tác: “Đông chí tiểu xuyên trạch, tuyền trì trừng kính lâm thụ thanh thông”:

- “đi về phía Đông tới một vùng sông rạch, ao suối ở đây nước trong như gương, rừng cây xanh um”. 

Thích Như Điển dịch là “Phía đông đến một số sông nhỏ. Có ao hồ cây trái sum suê”.

~ Răng của Độc Giác bề ngang non 4 tấc Thích Như Điển lại nói “4 phân” chẵn.

Đây là chưa nói đơn vị ở đây là “tấc” [thốn], không là “phân”, đây là chưa nói răng đây là răng từ thời “kiếp sơ”, Thích Như Điển dịch thiếu chữ “kiếp sơ”! Biết đâu mà dịch!

~ Nguyên tác: “Thương Nặc Ca Phược Sa (Cựu viết Thương Na Hòa Tu, ngoa dã!) đại A La Hán sở trì thiết bát, lượng khả bát, cửu thăng!”.

- “(Lại có) cái bát sắt của đại A La Hán Thương Nặc Ca Phược Sa (Ngày trước gọi là Thương Na Hòa Tu, là gọi sai!), dung lượng cũng đến 8, 9 thăng!”.

Thích Như Điển lại dịch rất bậy là:

- “Thương Na Hòa Tu Đại A La Hán cũng có bình bát bằng thiếc, tám chín cái”.

Trước hết, đúng thì Thích Như Điển phải viết là “Thương Nặc Ca Phược Sa” - vì rằng tên “Thương Na Hòa Tu” là chú thích của Huyền Trang ghi chữ nhỏ.

Thích Như Điển xin chỉ cho độc giả, và tôi chỗ nào trong nguyên tác nói là cái “bát” của bằng “thiếc”? Nguyên tác nói “thiết”, nghĩa là “sắt”, không phải “thiếc”!

Tiếp đến, xin Thích Như Điển hãy chỉ cho mọi người thấy chỗ nào nguyên tác đã ghi là trong Chùa có “tám chín cáibát của đại A La Hán Thương Nặc Ca Phược Sa?

Ở đoạn trên nguyên tác nói “dung lượng của cái bát sắt8 hay 9 thăngrồi chẳng rõ vì sao Thích Như Điển lại dịch thành “bình bát bằng thiếc, tám chín cái”! Ô hô!!!

~ Nguyên tác ghi rõ là “Tam Hiền Thánh”, chữ “Tam” Thích Như Điển lại dịch là “Các”?

~ Nguyên tác ghi “dĩ hoàng kim giam phong” (“lấy đồ đựng bằng vàng niêm phong lại”).

Tiếng “giam phong” có nghĩa là “phong bế”, Thích Như Điển hiểu ra làm sao mà dịch là “những phong thư vàng”?

~ Nguyên tác “Thừa tư phúc lực ư ngũ bách thân trung ấm, sinh ấm hằng phục thử y!”. (Nhờ phước lực này mà trong năm trăm đời các thân Trung ấm, Sinh ấm thường mặc thứ áo này!).

Thích Như Điển dịch rất láo là “Đây là y Phước Điền để hàng phục thân trung ấm trong thời gian năm trăm lần”. 

~ Nguyên tác: “Hựu hữu Thương Nặc Ca Phược Sa cửu điều tăng già đê y, giáng xích sắc, thiết nặc ca thảo bì chi sở tích thành dã”.

(Lại có 9 bộ Cà sa màu đỏ sẫm, dệt bằng sợi cây đay của Thương Nặc Ca Phược Sa).

Thích Như Điển dịch cực ba láp là “lại có y Tăng Già Lê, cửu điều của ngài Thương Na Hòa Tu. Y nầy có màu hoại sắc làm bằng da và cỏ”.

Ô hô, tiếng “thảo bì” Thích Như Điển cứ dịch từng chữ một thực ngu ngơ quá đi!

Giáng xích sắc, “Giáng” là màu đỏ sẫm, đây là một chữ rất thông thường, tra bất cứ Bộ Tự điển hay Từ điển nào cũng biết được, thế nhưng, không rõ tại sao Thích Như Điển lại dịch là “màu hoại sắc”? Lại nữa, trong Việt ngữ chưa nghe ai nói “màu hoại sắc” cả! Vậy, cái “màu hoại sắc” là cái màu chi, nó ra làm sao đây, Thích Như Điển???

Thiết nặc cacây đay, “thiết nặc ca thảo bì” là vỏ cây đay.

Thích Như Điển Hán vănkiến thức kém quá, túng quá dịch liều!

~ Nguyên tác: “Thừa tư phúc lực ư ngũ bách thân trung ấm, sinh ấm hằng phục thử y! Dĩ tối hậu thân tòng thai câu xuất! Thân ký tiệm trưởng, Y dịch tùy quảng”.

- “Ngũ bách thân” là “500 kiếp”, Thích Như Điển dịch bậy là “năm trăm lần”!

- “hằng phục thử y” là “thường mặc áo này”, Thích Như Điển lại dịch, và vẫn dịch rất là láo, là “Đây là y Phước Điền để hàng phục thân trung ấm”.

- “Dĩ tối hậu thân tòng thai câu xuất!” là “Đến thân sau cùng thì cả Áo lẫn người đều từ thai xuất”. 

Thích Như Điển dịch là: “Đến thân sau cùng sẽ được đầu thai trở lại”, không hiểu được một câu Hán văn cực kỳ sơ đẳng như vậy! 

- “Thân ký tiệm trưởng” (thân đã lớn dần)Thích Như Điển dịch là “Thân thể cao thấp”.

~ Nguyên tác: “Cập A Nan chi độ xuất gia dã, kỳ y biến vi Pháp phục. Cập cụ kỳ giới, canh biến vi cửu điều tăng già đê”.

(Đến khi A Nan độ cho xuất gia thì áo này biến thành Pháp phục. Đến chừng thọ Cụ túc giới thì áo này biến thành 9 bộ Cà sa).

Thích Như Điển tiếp tục dịch bậy là: “Và theo các A La Hán khác mà xuất gia. Y nầy sẽ trở thành Pháp phục để đầy đủ cụ túc giới. Và cũng biến thành y Tăng Già Lê ...…”.

~ Nguyên tác: “Kim dĩ thiểu tổn, tín hữu trưng hĩ!”. Dịch là: “Hiện nay [cái Cà sa này] đã hư hoại chút ít, lời nguyện trên rồi có chứng cứ!”). 

Thích Như Điển lại dịch là “Đây là ý chỉ lòng tin vi diệu vậy”.

Và có thể thấy câu “Kim dĩ thiểu tổn” không thấy trong câu dịch của Thích Như Điển! 

Sau cùng.

Nguyên tác:

- “Tòng thử Đông hành nhập Tuyết Sơn, du việt Hắc Lãnh, chí Ca Tất Thí quốc”. 

- “Từ đây đi về Đông thì vào Tuyết Sơn, vượt qua Hắc Lãnh thì tới nước Ca Tất Thí ”.

Một câu cực giản dị như vậy mà Thích Như Điển lại dịch bậy bạ như sau:

- “Từ phía đông nầy, đi vào núi tuyết tên là Du Việt Hắc đến nước Ca Tất Thí”. 

2 chữ “du việt” ở câu dẫn trên có nghĩa là “vượt qua”.

~ Bất cứ ai tra được các Từ thư (Tự điển và Từ điển) Trung Hoa đều có thể thấy được nghĩa của 2 chữ này.

Thế nhưng, Thích Như Điển vì trình độ Hán văn quá sức tồi tệ cho nên cứ tưởng rằng 2 chữ du việtnày thành phần của một danh từ riêng, để ghép luôn thành Tên của một địa danh quái đản, là “Du Việt Hắc”, một địa danh không hề có trong thực tế địa lý Trung QuốcẤn Độ - cổ cũng như kim - một địa danh chỉ có từ học vấn, kiến thứctrình độ Hán văn tồi tệ của Thích Như Điển.

Độc giả biết Hán văn, chỉ biết vừa vừa thôi, không cần giỏi, có thể nào tưởng ra được Thích Như Điển lại có thể sai một lỗi quá tệ đến như thế không?

Có lẽ từ đây về sau nên gọi Thích Như Điển là ông “Du Việt Hắc”! 

Tuyết Sơn là một Sơn hệ gồm nhiều núi, dịch như Thích Như Điển trên đây thì rõ ràng Thích Như Điển không biết Tuyết Sơn là Tên riêng.

Tuyết Sơn, còn gọi Thiên Sơn, Bạch Sơn, là một sơn hệ lớn ở Trung bộ Á Châu, dàn trải ngang Khu Tự Trị Duy Ngô Nhĩ, tỉnh Tân Cương, đầu bên Tây sơn hệ lấn vào phần lãnh thổ Á Châu của Nga, trải dài 2,500 cây số, rộng từ 250 tới 300 cây số. Sơn hệ này là phân giới của 2 thung lũng Tháp Lý MộcChuẩn Cát Nhĩ. Ngọn cao nhất trong dãy là Thác Mộc Nhĩ cao 7,435.4 m, kế là ngọn Hãn Đằng Cách Lí cao 6,995 m.

Trên những núi cao của Tuyết Sơn mùa Đông, mùa Hè đều có tuyết, tuyết quanh năm do đó mà có tên Tuyết Sơn, Bạch Sơn. 

Hắc Lãnh, tiếng Ba Tư viết là “Siyah-Koh”, dịch ý từ tên ngọn núi Tích Nhã Kha Sơn ở miền Trung A Phú Hãn (Afghanistan) , hướng sơn mạch chạy từ Đông qua Tây, ở phía Đông bắc nối liền với núi Hưng Đô Khố Thập (có thể là núi Paropamisoa trong sử sách của Hy Lạp). Vào thời Huyền Trang, Hắc Lãnhphân giới giữa Ấn Độ và các Sắc tộc vùng Trung Á.

Nguyên tác. Ca Tất Thí Quốc 34 / 34.

- “Ca Tất Thí Quốc chu tứ thiên dư lí, Bắc bối Tuyết Sơn, tam thùy Hắc Lãnh. Quốc Đại đô thành chu vi thập dư lí.

Nghi cốc, mạch, đa quả, mộc; xuất thiện mã, uất kim hương. Dị phương kỳ hóa, đa tụ thử Quốc! Khí tự phong hàn, nhân tính bạo quảng, ngôn từ bỉ tiệt, hôn nhân tạp loạn. Văn tự đại đồng Đổ Hóa La quốc, tập tục ngữ ngôn, phong giáo phả dị! Phục dụng mao chiên, y kiêm bì hạt. Hóa dụng kim tiền, ngân tiền cập tiểu đồng tiền, qui củ mô dạng dị ư chư quốc!

Vương, Toát Lợi chủng dã, hữu trí lược, tính dũng liệt, uy nhiếp lân cảnh, thống thập dư quốc. Ái dục bách tính, kính sùng Tam bảo, tuế tạo trượng bát xích ngân Phật tượng kiêm thiết Vô già Đại hội, chu cấp bần củ, huệ thí quan quả.

Già lam bách dư sở, tăng đồ lục thiên dư nhân, tịnh đa tập học Đại Thừa Pháp Giáo. Toát đổ ba, tăng già lam, sùng cao, hoằng xưởng, quảng bác nghiêm tịnh.

Thiên từ sổ thập sở, dị đạo thiên dư nhân, hoặc lộ hình, hoặc đồ hôi, liên lạc độc lâu, dĩ vi quán man”.

Thích Như Điển dịch:

- “Nước Ca Tất Thí chu vi bốn ngàn dặm hơn, nằm phía bắc Hy Mã Lạp Sơn, ba bên có ngọn núi cao, chu vi thủ đô hơn mười dặm. Nơi đây có nhiều lúa mạch và hoa quả. Sản xuất nhiều ngựa quý và uất kim hương (nghệ). Có nhiều làng mạc trong quốc gia này. Khí hậu phong thổ lạnh. Nhân tình hiền hậu. Lời nói dễ nghe, cưới hỏi phức tạp. Chữ viết giống như nước Đổ Hóa La, nhưng phong tục ngôn ngữtôn giáo có nhiều khác biệt. Ăn mặc toàn dùng đồ lông và da. Tiền tệ thì sử dụng tiền vàng, tiền bạc và tiền đồng. Về cách thức sử dụng cũng có nhiều khác biệt tại quốc gia này. Nhà vua nước này cũng có mưu trí mãnh liệt, hay đi uy hiếp lân bang, thống hợp hơn 10 nước, nhưng có tâm thương bá tánhtôn sùng Tam Bảo, đã kiến tạo tám tượng Phật bằng bạc và thường chẩn tế để cứu độ sanh linh. Chu cấp cho những người nghèo khổ. Già lam có hơn 100 ngôi. Tăng tín đồ có hơn 6000 người, đa phần người ở đây theo Phật giáo Đại Thừa. Tháp, chùa được xây dựng rộng lớn để hoằng pháp giáo hóa một cách nghiêm tịnh. Chùa viện của tôn giáo khác hơn mười ngôi, hoặc lõa thể, hoặc bôi mình, hoặc nhuộm từ đầu đến chân”.

(trang 49, 50).

Minh Di.

- “Nước Ca Tất Thí chu vi hơn 4,000 dặm, mặt Bắc dựa Tuyết Sơn, 3 mặt (kia) đều là Hắc Lãnh. Quốc đô chu vi hơn 10 dặm.

Thổ sảncác loại đậu, lúa mạch, trái cây nhiều. Có giống ngựa hay, uất kim hương. Các thứ hàng hóa lạ lùng của các xứ khác tụ về nước này nhiều! Khí hậu thì lạnh, (có) gió (nhiều), con người thì tính tình thì hung hãn, ăn nói thô tục, hôn nhân thì tạp loạn trái với lễ giáo! Về mặt phục sức thì dùng vải sợi mịn, áo thì kiêm bận áo da ngắn. Về tiền tệ thì dùng tiền vàng, tiền bạc và tiền đồng có cỡ nhỏ, hình thức, qui cách chế tạo khác với các xứ khác! Vua nước này là người Toát Lợi, mưu trí, dũng cảm cương trực có uy thế khiến các nước láng giềng khiếp sợ, thần phục hơn 10 nước! Vua nước này là người thương dân, lo cho dân, sùng kính Tam Bảo, mỗi năm chế tạo 1 Phật Tượng bằng bạc, cao 1 trượng 8 thước, đồng thời cử hành Đại hội Vô Già, chu cấp những kẻ nghèo khổ, bố thí cho kẻ góa chồng, người không vợ.

Trong nước có hơn trăm ngôi Chùa, tăng chúng có hơn 6,000 người, phần nhiều tu tập giáo pháp Đại Thừa. Tháp Phật, chùa chiền đều cao rộng, khoảng khoát, trang nghiêmthanh tịnh

Đền thờ các thần thánh có vài chục cái, theo các Đạo khác có hơn ngàn người, những người này là những người hoặc lỏa thể, hoặc trát tro lên người, xâu sọ người đội, để trang sức đầu tóc”.

[Phụ chú.

Hôn nhân tạp loạn. Ý nói không theo quy định của Lễ giáo, và Lễ giáo ở đây Lễ giáo theo tiêu chuẩn, mẫu mực của Trung Quốc.

Người không vợ, kẻ góa chồng. Nguyên tác là “quan, quả”.

Trong “Gia Huấn Ca” (tương truyền của Nguyễn Trãi [1382 - 1442]) có câu:

Thương người quan, quả cô đơn.

Chữ Quan đầu tiên có nghĩa là đàn ông, cả già lẫn trẻ, không có hoặc chưa có vợ:

- “Hữu quan tại hạ viết Ngu Thuấn”.

Thượng Thư. Nghiêu Điển /.

- “Ở dưới có kẻ chưa vợ là Ngu Thuấn”.

Phái Lõa Thể. Phái Thiên Y, một biệt phái của Kỳ Na giáo. Phạn ngữDigambara.

Thành lập vào thế kỷ I Công nguyên. Giáo phái này chủ trương giáo đồ không được có tài sản riêng, ngay cả y phục cũng không được có, chỉ lấy Trời làm y phục - vì vậy mà được gọi là phái “Thiên Y”! Người phái này cầm một cây phất lông công để xua sâu bọ trong khi đi đường, đề phòng sâu bọ làm hại! 

Phái này chủ yếu lưu hànhmiền bắc Ấn Độ. Họ sinh hoạt trong các đền miếu, hoặc ở những chỗ xa vắng, cách biệt xã hội! Để nuôi thân thì họ đi khất thực, và mỗi ngày chỉ được ăn một bữa! Khinh bỉ đàn bà, không cho đàn bà tham gia hoạt động xã hội!

Về sinh hoạt tông giáo thì ngoài đền miếu của Kỳ Na Giáo có lúc họ cũng đi mượn các đền miếu của Ấn Độ Giáo. Hiện nay Kỳ Na Giáo phân ra một số chi phái. 

Trát tro lên người. Tức Giáo phái Đại Tự Tại Thiên, hay cũng gọi Thấp Bà Giáo, trong Kinh điển Phật giáo có lúc gọi là “Đồ Hôi Ngoại Đạo” (Đồ hôi = Trát tro).

Đại Tự Tại Thiên Phạn ngữMahā-iśvara.

Thấp Bà Giáo là 1 trong 3 biệt phái lớn của Ấn Độ Giáo, chủ yếu tôn sùng, thờ phụng Thần “Hủy Diệt” (Siva, hoặc viết là Shiva). Thấp Bà là tiếng phiên âm từ Siva.

Giáo phái này có rất nhiều chi phái, trong đó chủ yếu có:

1). Tam Tướng Thần Thấp Bà Giáo Phái.

Lưu hành ở khu Khắc Thập Mễ Nhĩ (Kashmir), Giáo phái này phủ nhận đặc quyền của Bà La Môn, chủ trương chỉ cần tin Thần thì mới có thể được giải thoát.

2). Lâm Già Phái.

Phái này thành lập vào khoảng thế kỷ XII. Tín đồ giáo phái này trong nghi thức tế Thần thì hoặc đầu đội, hoặc tay cầm hình tượng bộ phận Sinh dục. Cũng phản đối uy quyền của Bà La MônPhệ Đà, chủ trương nam, nữ bình quyền.

Hiện nay giáo phái này có ảnh hưởng ở Miền nam Ấn Độ.

3). Thấp Bà Tất Đàn Đa Phái.

Hoặc còn gọi là Thấp Bà Giáo Nghĩa Phái. đây cũng là một Giáo pháiảnh hưởng ở miền Nam Ấn Độ, coi động vật thần thánh, dạy giáo chúng chỉ có thờ Thần Siva mới có thể tiêu trừ được sự ô uế của linh hồn, từ đó đạt được sự giải thoát sau cùng.

Kinh điển phái này được ghi chép bằng văn tự Thái Mễ Nhĩ (Tamil)].

+ Những cái Sai của Thích Như Điển.

~ Nguyên tác: “tam thùy Hắc Lãnh” (3 mặt (kia) đều là Hắc Lãnh).

Thích Như Điển dịch thiếu chính xác là “ba bên có ngọn núi cao”.

~ Nguyên tác: “Dị phương kỳ hóa, đa tụ thử Quốc!” (Các thứ hàng hóa lạ lùng của các xứ khác tụ nhiều về nước này!).

Vậy mà không rõ tại sao Thích Như Điển lại dịch một cách quái đản không tưởng được là “Có nhiều làng mạc trong quốc gia này”.

Trong nguyên tác không có một chữ nào là “làng mạc” cả!

~ Nguyên tác: “nhân tình bạo quảng, ngôn từ bỉ tiệt, hôn nhân tạp loạn”.

(tính tình thì hung hãn, ăn nói thô tục, về hôn nhân thì tạp loạn trái lễ giáo!).

Thích Như Điển lại dịch là “Nhân tình hiền hậu. Lời nói dễ nghe, cưới hỏi phức tạp”!

Câu “tính tình hung hãn” (nhân tính bạo quảng) Thích Như Điển lại dịch cực lếu láo là “nhân tình hiền hậu” thì có lẽ nên đem Thích Như Điển mà câu sấu!

Câu “ăn nói thô tục” (ngôn từ bỉ tiệt) lại dịch là “lời nói dễ nghe” thì hẳn Thích Như Điển sau này sẽ mất lưỡi (vì nói bậy), mất tay (vì viết bậy), mất kiếp này hay kiếp sau đây? 

Câu cuối Thích Như Điển không hiểu rằng Huyền Trang nói “hôn nhân tạp loạn” là hàm ý “trái với lễ giáo” của Trung Quốc, như vợ hay chồng của anh chị em chết, 2 người kia có thể lấy nhau được! Xin hỏi: “Cưới hỏi phức tạp” là cưới hỏi ra làm sao đây?

~ Nguyên tác: “qui củ, mô dạng dị ư chư quốc!”, dịch ra là: “hình thức, qui cách chế tạo khác với các nước khác!”.

Câu này nói về vật liệu đúc tiền, hình thức cũng như qui cách đúc của tiền.

Một câu rất dễ, hết sức giản dị, thế nhưng, bởi không hiểu cho nên Thích Như Điển đã dịch là “Về cách thức sử dụng cũng có nhiều khác biệt tại quốc gia này”.

~ Nguyên tác: “hữu trí lược, tính dũng liệt, uy nhiếp lân cảnh”. 

- “có mưu trí, dũng cảm cương trực có uy thế khiến các nước láng giềng khiếp sợ”.

Cũng là một câu rất dễ, nhưng Thích Như Điển cũng lại dịch sai là:

- “có mưu trí mãnh liệt, hay đi uy hiếp lân bang”. 

Trong tiếng Việt không ai nói “mưu trí mãnh liệt” cả, Thích Như Điển là người gì đây?

Thích Như Điển không biết 2 chữ “dũng liệt” Từ điển Từ Nguyên giảng như sau:

- “[Dũng liệt]. Dũng cảm cương trực”.

Tiếp đến, câu “uy nhiếp lân cảnh” nghĩa là cái uy thế cũng như cái uy phong của vị Vua nước Ca Tất Thí rồi làm cho các nước láng giềng phải khiếp sợ, tuyệt không có nghĩa là “hay đi uy hiếp lân bang” như Thích Như Điển dịch ba láp!

~ Nguyên tác: “tuế tạo trượng bát xích ngân Phật tượng”.

- “mỗi năm chế tạo một Phật Tượng bằng bạc, cao 1 trượng 8 thước”.

Bất cứ người nào biết một chút Hán văn, một chút thôi, thì cũng đều có thể dịch được câu trên đây dễ dàng, và không sai trật!

Thế nhưng với Thích Như Điển thì khác, Thích Như Điển đã dịch câu trên như đã thấy:

- “đã kiến tạo tám tượng Phật bằng bạc”.

Chúng ta thấy:

Thứ nhất, Thích Như Điển dịch thiếu chữ “tuế” (ở đây hàm ý “mỗi tuế”, mỗi năm).

Kế đến, nguyên tác viết rất sáng rõ “Tượng Phật cao 1 trượng 8 thước”, cú pháp ở đây là cú pháp bình thường, không rắc rối, không thể nào hiểu ra cách khác được!

Thế nhưng, Thích Như Điển dịch thành “đã kiến tạo tám tượng Phật bằng bạc”.

2 ý khác nhau cả bất khả thuyết bất khả thuyết khoảng cách!

Không rõ cái gì đã làm cho Thích Như Điển, đã khiến Thích Như Điển dịch như vậy?

Có cái gì chăng thì đó hẳn phải là “CÁI DỐT NÁT”!

Trước một sự việc làm cho người ta giận dữ nổi nóng người bình dân chúng ta thường nói “Thấy mà muốn chửi thề!”.

Ở đây, đọc một bản dịch, như bản dịch của Thích Như Điển đây, dĩ nhiên và rất chắc là tôi không chửi thề, tôi chỉ nói “Thiệt là Dốt không chịu được, Dốt không để ai dốt cả!”

~ Nguyên tác:

- “Toát đổ ba, tăng già lam, sùng cao hoằng xưởng, quảng bác nghiêm tịnh”. 

- “Tháp Phật, chùa chiền đều cao rộng, khoảng khoát, trang nghiêm và thanh tịnh”.

Lại một câu rất dễ, một câu mà bậc sơ học dịch cũng xuôi!

Thế mà Thích Như Điển lại dịch không xuôi là “Tháp, chùa được xây dựng rộng lớn để hoằng pháp giáo hóa một cách nghiêm tịnh”.

~ Nguyên tác: “liên lạc độc lâu, dĩ vi quán man”, dịch là “xâu sọ người đội, để trang sức đầu tóc”.

- 2 chữ “liên lạc” trong câu trên có nghĩa là “xâu lại với nhau”, và ở đây là “xâu” những cái đầu lâu (độc lâu), những cái sọ người, “lại với nhau” thành chuỗi! Lại 1 câu rất dễ!

Vậy mà Thích Như Điển lại dịch lếu láo là “nhuộm từ đầu đến chân”.

Nguyên tác có câu nào nói “nhuộm từ đầu đến chân” để Thích Như Điển dịch như vậy! Thích Như Điển bởi không hiểu câu “liên lạc độc lâu”, không dịch được, và rồi sẵn thấy câu “trát tro lên người” (đồ hôi) ở trước nên cương ẩu như đã thấy!

Tiếp theo đoạn trên nguyên tác tự thuật:

- “Đại Thành Đông tam, tứ lí, Bắc sơn hạ hữu đại già lam, tăng đồ tam bách dư nhân, tịnh học Tiểu Thừa pháp giáo. Văn chư tiên Chí viết:

~ Tích Kiền Đà La Quốc Ca Nị Sắc Ca vương uy bị lân quốc, hóa hợp viễn phương, trị binh quảng địa chí Thông Lãnh Đông, Hà Tây phiên duy úy uy tống chất! Ca Nị Sắc Ca vương kí đắc Chất tử, đặc gia lễ mệnh, hàn, thử cải quán, Đông Ấn Độ chư quốc, Hạ hoàn Ca Tất Thí quốc, Xuân, Thu chỉ Kiền Đà La quốc. Cố Chất tử tam thời trú xứ các kiến già lam.

Kim thử già lam tức Hạ cư chi sở kiến dã. Cố chư ốc bích đồ họa Chất tử, dung mạo phục sức, phả đồng Trung Hạ. Kỳ hậu đắc hoàn bản quốc, tâm tồn cố cư, tuy trở sơn xuyên, bất thế cung dưỡng. Cố kim tăng chúng mỗi chí nhập An Cư, giải An Cư, đại hưng Pháp hội, vị chư Chất tử kỳ phúc thụ thiện, tương kế bất tuyệt, dĩ chí vu kim.

Già lam Phật Viện Đông môn Nam Đại Thần Vương tượng hữu túc hạ, khảm địa tàng bảo, Chất tử chi sở tàng dã! Cố kỳ Minh viết: “Già lam hủ hoại, thủ dĩ tu trị”.

Cận hữu biên vương, tham lam hung bạo, văn thử già lam đa tàng trân bảo, khu trục tăng đồ, phương sự phát quật. Thần vương quan trung anh vũ nãi phấn vũ kinh minh, địa vi chấn động. Vương cập quân nhân, tịch dịch cương phó, cửu nhi đắc khởi, tạ cữu dĩ qui.

Già lam Bắc lãnh thượng hữu sổ thạch thất, Chất tử tập định chi xứ dã, kì trung đa tàng tạp bảo. Kỳ trắc hữu Minh, Dược Xoa thủ vệ. Hữu dục khai phát thủ trung bảo giả, thử Dược Xoa thần biến hiện dị hình, hoặc tác sư tử, hoặc tác mãng xà, mãnh thú độc trùng thù hình chấn nộ, dĩ cố vô nhân cảm đắc công phát.

Thạch thất Tây nhị, tam lí đại sơn lãnh thượng hữu Quán Tự Tại Bồ Tát tượng. Hữu nhân chí thành nguyện kiến giả, Bồ Tát tòng kỳ Tượng trung xuất diệu sắc thân, an úy hành giả ”.

Đại Đường Tây Vực Ký. Qu. I. Ca Tất Thí Quốc. Chất tử Già lam /.

Thích Như Điển dịch:

- “Thành lớn phía đông hơn ba dặm tư, dưới chân núi phía bắc cũng có một đại Già Lam, Tăng tín đồ hơn 300 người. Họ tin theo Tiểu Thừa giáo. Nghe người xưa nói lại rằng đây là nước Kiền Đà La của vua Ca Nị Sắc Ca uy hiếp lân bang chinh phục những nuớc ở xa, bình lính dàn trải cho đến dãy núi phía đông. vượt sông sang phía tây để uy hiếp tiếp tục. Vua Ca Nị Sắc Ca được toại nguyện, xây dựng cung điện ở nhiều nơi theo mùa nóng và lạnh. Mùa đông ở các nước ở Ấn Độ, mùa hè trở về Ca Tất Thí. Mùa xuânmùa thu thì đến kiến thiết nước Kiền Đà La. Nhà vua nầy chia cách sinh hoạt làm ba nơi, kiến tạo Già Lam và những Già Lam nầy là chỗ ở mùa hạ vậy. Trên tường của những nơi nầy có những bức họa dung nhan phục sức khác nhau, giữa mùa hạ, trở lại bổn quốc để dưỡng tâm. Tuy cách trở giang sơn nhưng vẫn phát tâm cúng dường cho tăng chúng trong mùa an cư kiết hạ. Tổ chức nhiều trai đàn pháp hội để cầu phước bố thí, điều đó luôn luôn được diễn ra, không bao giờ ngừng nghỉ. Chùa Viện ở cửa đông có tạo nên tượng Nam Thần Đại Vương. Chân bên phải có những vật quý, có nghĩa rằng người nầy giữ gìn cho Già Lam. Tướng của vị nầy rất hung bạo. Nghe chùa nầy có nhiều của quý, được tồn trữ, nên nhiều người muốn khai quật. Các tượng thần vương cũng có hình chim oanh vũ, có cất được tiếng kêu. Đất nơi đây có thể giao động. Nhà vua và quân lính đến nơi đây thì trở lại an ổn và lại ra về.

Phía bắc Già Lam nầy có núi cao, và trong núi ấy có nhiều phòng ốc bằng đá, dùngđể học tập. Trong nầy cũng có chứa nhiều của quý. Ở trong nầy cũng có bảo tồn những loài thuốc quý, nếu có ai muốn khai quật lấy đi bảo vật, thì thuốc nầy sẽ được biến hiện khác hình hoặc trở thành Sư Tử, hoặc trở thành mãng xà mãnh hổ độc trùng, hình thù biến dị cho nên chẳng có người nào có thể lấy được. Từ những động đá nầy hơn bốn trăm hai mươi ba dặm, đến núi cao và trên ấy có tượng đức Quán Tự Tại Bồ Tát, người nào có lòng thành sẽ thấy được. Bồ Tát từ nơi tượng nầy phát xuất ra những màu sắc vi diệu để an ủi những người muốn cầu”.

(trang 50, 51). 

Minh Di.

- “Phía Đông Kinh thành 3, 4 dặm, dưới chân núi phía Bắc, có ngôi Chùa lớn, tăng đồ hơn 300 người, tất cả tu tập theo Pháp Tiểu Thừa. [Tôi] nghe các Ghi chép đời trước nói rằng:

~ Xưa kia Vua nước Kiền Đà LaCa Nị Sắc Ca uy thế bao trùm các nước láng giềng

Thần phục các nước xa xôi, đưa quân đến tận phía Đông dãy Thông Lãnh. Các nước chung quanh, ở mạn Tây sông, sợ uy, gởi Con tin đến Kiền Đà La! Vua Ca Nị Sắc Ca được Con tin thì đối đãi đặc biệt, đúng lễ, (tùy) mùa lạnh, mùa nóng mà đổi chỗ cho các Con tin này, mùa Đông thì các nước ở Ấn Độ, mùa trở về nước Ca Tất Thí, mùa Xuân, mùa Thu thì ở nước Kiền Đà La. Cho nên tại các nơi cư trú 3 Mùa của các Con tin (vua Ca Nị Sắc Ca) nơi nào cũng cho xây Chùa.

Nay như Chùa này tức là Chùa được xây tại chỗ ở mùa Hè của các Con tin. Cho nên những tranh vẽ hình các Con tin trên các vách phòng, từ dung mạo, cho đến phục sức rất giống Trung Quốc. Sau này lúc được trở về nước mình mà lòng vẫn hoài niệm chỗ ở xưa kia, (cho nên) tuy sông núi cách trở nhưng việc cúng dường (cho Chùa này) vẫn không bỏ! Cho nên hiện nay tăng chúng mỗi lần vào mùa An Cư, và kết mùa An Cư thì tưng bừng tổ chức Pháp hội, vì các Con tin (xưa kia) mà cầu phúc, trồng thiện căn, và (việc cầu phúc này) vẫn tiếp nối không thôi, cho đến ngày nay!

Ở Cổng bên mặt Đông của Phật Viện của Chùa, ở dưới chân phải của tượng Nam Đại Thần Vương, có đào một cái hầm chôn giữ các vật quí, đây là những vật quí của các Con tin cất giữ. Cho nên lời khắc viết: “Già lam mục nát, lấy của này sửa”.

Gần đây có ông vua ở vùng xa, là người tham lam, hung bạo, nghe nói ở Chùa này có chôn nhiều vật quí cho nên tới đuổi các tăng đi để đào lấy vật quí. Con chim két khắc ở giữa cái mão của tượng Thần liền đập cánh kêu kinh hoảng, đất do đó chấn động! Ông vua này và quân binh ngã lăn ra đất, lâu lắm mới chỗi dậy được, tạ lỗitrở về.

Trên núi phía Bắc của Chùa có mấy căn nhà đá, là nơi các Con tin tập thiền định, trong những căn nhà đá này cất giữ nhiều loại vật quí! Bên cạnh (những thứ này) khắc mấy chữ “Dược Xoa Thủ Vệ”! Nếu người nào muốn mở cửa nhà đá vào lấy vật quí thì Thần Dạ xoa này rồi biến hiện nhiều hình tướng kỳ dị, hoặc hiện hình sư tử, hoặc hiện hình mãng xà, thú dữ, độc trùng, các hình thù quái dị với vẻ giận dữ, vì những việc này mà không một người nào dám phá nhà đá vào lấy bảo vật!

Phía Tây các nhà đá 2, 3 dặm, trên đỉnh núi lớn, có tượng Quán Tự Tại Bồ Tát. Nếu có người tâm chí thành, nguyện được thấy Bồ Tát thì Bồ Tát liền từ trong thân tượng hiện ra diệu sắc thân vỗ về người tới đây ước nguyện”. 

+ Những cái Sai của Thích Như Điển.

Trước hết, như tiêu đềnội dung cho thấy, đây là một ngôi Chùa vua Ca Nị Sắc Ca nước Kiền Đà La xây cho các “Con tin” đến từ các nước khác, nói hơn là các nước thần phục nước Kiền Đà La. Thế nhưng, Thích Như Điển lại chẳng thấy gì hết!

Con tin thường là con vua, hoặc là một nhân vật quan trọng của một nước. Thường là nước mạnh bắt nước yếu đưa con tin qua để kiềm chế, thế nhưng cũng trường hợp nước mạnh gởi con tin qua nước yếu như là một ân huệ, chẳng hạn Tần Trang Tương vương qua làm con tin nước Triệu thời Chiến Quốc (403 - 221 tr. Cn) ở Trung Quốc.

~ Nguyên tác: “trị binh quảng địa chí Thông Lãnh Đông”.

- “đưa quân đến tận phía Đông dãy Thông Lãnh”.

Thích Như Điển dịch là “binh lính dàn trải cho đến dãy núi phía đông”. 

Dãy núi phía đông tên là gì đây, Thích Như Điển?

~ Nguyên tác: “Hà Tây phiên duy úy uy tống chất”.

- “Các nước chung quanh, ở mạn Tây sông, sợ uy, gởi Con tin đến Kiền Đà La!”.

Thích Như Điển lại dịch ngu ngơ là “vượt sông sang phía tây để uy hiếp tiếp tục”.

~ Nguyên tác: “Ca Nị Sắc Ca vương kí đắc chất tử, đặc gia lễ mệnh, hàn, thử cải quán, Đông Ấn Độ chư quốc, Hạ hoàn Ca Tất Thí quốc, Xuân, Thu chỉ Kiền Đà La quốc. Cố Chất tử tam thời trú xứ các kiến già lam”.

- “Vua Ca Nị Sắc Ca được con tin thì đối đãi đặc biệt, đúng lễ, (tùy) mùa lạnh, mùa nóng mà đổi chỗ cho các Con tin này, mùa Đông thì các nước ở Ấn Độ, mùa trở về nước Ca Tất Thí, mùa Xuân, mùa Thu thì ở nước Kiền Đà La. Cho nên tại các nơi cư trú 3 Mùa của các Con tin (vua Ca Nị Sắc Ca) nơi nào cũng cho xây Chùa”.

Cả đoạn này Thích Như Điển dịch càng ngu ngơ hơn:

- “Vua Ca Nị Sắc Ca được toại nguyện, xây dựng cung điện ở nhiều nơi theo mùa nóng và lạnh. Mùa đông ở các nước ở Ấn Độ, mùa hè trở về Ca Tất Thí. Mùa xuânmùa thu thì đến kiến thiết nước Kiền Đà La”. 

Thích Như Điển hãy cho biết:

1). Trong đoạn dẫn trên, chỗ nào nói tới vua Ca Nị Sắc Ca xây dựngcung điện”?

2). Ở chỗ nào trong đoạn dẫn trên nói vua Ca Nị Sắc Ca “Mùa xuânmùa thu thì đến kiến thiết nước Kiền Đà La”?

Và ở đoạn tiếp theo đó Thích Như Điển đều dịch bậy!

Như dịch văn của tôi cho thấy đoạn này tự thuật sinh hoạt của các Con tin từ các nước ở nước Kiền Đà La, nói tóm lại đoạn trên tự thuật về các con tin này, không có chỗ nào nói về sinh hoạt của vua Ca Nị Sắc Ca như Thích như Điển vì dốt quá nên dịch láo!

~ Nguyên tác: “Già lam Phật Viện Đông môn Nam Đại Thần Vương tượng hữu túc hạ khảm địa tàng bảo, Chất tử chi sở tàng dã! Cố kì minh viết: “Già lam hủ hoại, thủ dĩ tu trị”.

- “Ở Cổng bên mặt Đông của Phật Viện của Chùa, ở dưới chân phải của tượng Nam Đại Thần Vương, có đào một cái hầm chôn giữ các vật quí, đây là những vật quí của các Con tin cất giữ! Cho nên lời khắc viết: “Già lam mục nát, lấy của này sửa”. 

Đoạn trên đây Thích Như Điển dịch ba láp như sau:

- “Chùa Viện ở cửa đông có tạo nên tượng Nam Thần Đại Vương. Chân bên phải có những vật quý, có nghĩa rằng người nầy giữ gìn cho Già Lam”.

Đây là chưa nói 2 câu khắc “Già lam hủ hoại, thủ dĩ tu trị” ở chỗ chôn giấu các trân bảo rồi không thấy ở đâu cả trong phần dịch của Thích Như Điển!

Có lẽ không cần nói độc giả cũng thấy ngay cái ba láp của Thích Như Điển ở đây!

~ Nguyên tác: “Cận hữu biên vương, tham lam hung bạo, văn thử già lam đa tàng trân bảo, khu trục tăng đồ, phương sự phát quật. Thần vương quan trung anh vũ nãi phấn vũ kinh minh, địa vi chấn động. Vương cập quân nhân, tịch dịch cương phó, cửu nhi đắc khởi, tạ cữu dĩ qui”.

- “Gần đây có ông vua vùng xa, là người tham lam, hung bạo, nghe nói ở Chùa này có chôn nhiều vật quí cho nên tới đuổi các tăng đi để đào lấy vật quí! Con chim két khắc giữa cái mão của Tượng Thần liền đập cánh kêu kinh hoảng, đất do đó chấn động! Ông vua này và quân binh ngã lăn ra đất, lâu lắm mới chỗi dậy được, tạ lỗi mà trở về”.

Thích Như Điển dịch bậy như sau:

- “Tướng của vị nầy rất hung bạo. Nghe chùa nầy có nhiều của quý, được tồn trữ, nên nhiều người muốn khai quật. Các tượng thần vương cũng có hình chim oanh vũ, có cất được tiếng kêu. Đất nơi đây có thể giao động. Nhà vua và quân lính đến nơi đây thì trở lại an ổn và lại ra về”.

Ở đây, cũng không cần nói độc giả cũng nhận ra được cái DỐT, cái NÁT Hán văn của Thích Như Điển.

~ Nguyên tác: “Già lam Bắc lãnh thượng hữu sổ thạch thất, Chất tử tập định chi xứ dã”.

- “Trên núi phía Bắc của Chùa có mấy căn nhà đá, là nơi các Con tin tập thiền định”.

Thích Như Điển dịch bậy như sau:

- “Phía bắc Già Lam nầy có núi cao, và trong núi ấy có nhiều phòng ốc bằng đá, dùng để học tập”.

~ Nguyên tác: “kỳ trung đa tàng tạp bảo. Kỳ trắc hữu minh, ‘Dược xoa thủ vệ’. Hữu dục khai phát thủ trung bảo giả, thử Dược xoa thần biến hiện dị hình...…”.

- “trong những căn nhà đá này cất giữ nhiều loại vật quí! Bên cạnh (những thứ này) khắc mấy chữ “Dược xoa thủ vệ”! Nếu người nào muốn mở cửa nhà đá vào lấy vật quí thì Thần Dạ xoa này rồi biến hiện nhiều hình tướng kỳ dị...…”. 

Thích Như Điển dịch bậy như sau:

- “Ở trong nầy cũng bảo tồn những loài thuốc quý, nếu có ai muốn khai quật lấy đi bảo vật, thì thuốc nầy sẽ được biến hiện khác hình”.

Tôi đến không rõ Thích Như Điển tu hành thế nào, đọc Kinh Điển Phật giáo thế nào mà đến đỗi không biết được “Dược xoa” tức “Dạ xoa”, để rồi phóng tay dịch bậy, dịch bạ như hạng “thất tu”, dịch tiếng “Dược xoa” là “loài thuốc quý”! 

Lại nữa, Thích Như Điển còn thiếu “4 chữ khắc bên cạnh những bảo vật trong nhà đá là “Dược xoa thủ vệ”, nghĩa là “Dạ xoa giữ và bảo vệ”.

Đinh Phúc Bảo (1874 - 1952) viết trong “Phật Học Đại Từ Điển”:

- “[Dạ Xoa]. (Dị loại). Yakṣa. Hoặc viết Duyệt xoa, tân tác Dược xoa, Dạ khất xoa, dịch ngôn “năng cảm Quỉ”, Tiệp tật Quỉ, Dũng kiện, Khinh tiệp, Bí mật đẳng.

Huyền Ứng Âm Nghĩa tam viết:

~ Duyệt xoa hoặc vân Dạ xoa giai ngoa dã, chính ngôn Dược xoa! Thử dịch vân ‘năng cảm Quỉ’ vị thực cảm nhân dã! Hựu vân ‘thương’ giả, vị năng thương hại nhân dã”.

- “[Dạ Xoa]. (Dị loại). Yakṣa. Cũng có các danh xưng như Duyệt xoa, tên mới gần đây được viết là Dược xoa, Dạ khất xoa, ngữ dịch là “Quỉ ăn thịt”, Tiệp tật Quỉ, Dũng kiện, Khinh tiệp, Bí mật.

Sách “Huyền Ứng Âm Nghĩa”, Quyển 3, viết:

~ Duyệt xoa, hay gọi Dạ xoa, đều sai, đúng gọi là Dược xoa! Phần ngữ dịch này gọi là ‘Quỉ ăn thịt’ (‘ăn thịt’ đây) ý nói ‘ăn thịt người’! Cũng lại nói là ‘(năng) thương (Quỉ)’, ý nói làm ‘thương tổn, hại người’.”.

Bộ “Phật Học Đại Từ Điển” nói trên còn trưng dẫn một số Kinh Điển Phật giáo nói về loài “Dược xoa” nhưng như thế đã đủ cho mọi người thấy cái dốt của Thích Như Điển!

~ Sau hết, nguyên tác viết: “Tượng trung xuất diệu sắc thân”.

Thích Như Điển dịch là “phát xuất ra những màu sắc vi diệu”.

Diệu sắc thân dịch là “màu sắc vi diệu” thì tôi đây chẳng rõ Thích Như Điển tu hành ra làm sao? 

Tiếp theo Chùa của các Con tin (Chất tử Già lam) là một ngôi Chùa khác:

- “Đại Thành Đông nam tam thập dư lí, chí “Át La Hổ La Tăng Già Lam” - Bàng hữu Toát đổ ba, cao bách dư xích, hoặc chí Trai nhật, thời chúc quang minh. Phú bát thế thượng thạch khích gian lưu xuất hắc hương du. Tĩnh dạ trung thời văn âm nhạc chi thanh. Văn chư tiên chí viết:

~ Tích thử quốc đại thần Át La Hổ La chi sở kiến dã! Công kí thành dĩ, ư dạ mộng trung hữu nhân cáo viết:

- Nhữ sở kiến lập Toát đổ ba vị hữu Xá lợi. Minh đán hữu hiến thượng giả, nghi tòng vương thỉnh’.

Đán nhập triều tiến thỉnh viết:

- Bất lượng dung muội, cảm hữu nguyện cầu!.

Vương viết:

- Phu hà sở dục?

Đối viết:

- Kim nhật hữu tiên hiến giả, nguyện thùy ân tứ!

Vương viết: “Nhiên”!

Át Hổ La trữ lập Cung môn, chiêm vọng sở chí. Nga hữu nhất nhân trì Xá lợi bình.

Đại thần vấn viết:

- Dục hà hiến thượng?

Viết: “Phật Xá lợi”!

Đại thần viết:

- Ngô vị nhĩ thủ, nghi tiên bạch vương.

Át La Hổ La khủng vương trân quí Xá lợi, truy hối tiền ân, tật vãng già lam, đăng Toát đổ ba, chí thành sở cảm kì thạch phú bát tự khai, an trí xá lợi, dĩ nhi tật xuất, thượng câu y khâm!

Vương sử trục chi, thạch dĩ yểm hĩ!

Cố kì khích gian lưu hắc hương du”.

Thích Như Điển dịch:

- “Cách thành lớn từ phía đông nam hơn ba mươi dặm thì đến Tăng Già Lam Yết La Cổ La, nơi đó cũng có đại tháp cao hơn 100 thước. Khi đến giờ Ngọ trai thì đốt đèn, dùng đèn dầu để đốt ra màu khói đen. Vào đêm tối lại nghe âm nhạc. Chuyện xưa kể rằng đây là nơi được kiến thiết bởi vị Đại Thần Yết La Cổ La, sau khi xây thành xong nằm mộng thấy có người bảo rằng: Ngươi nên kiến lập bảo tháp, sau đó ắt có xá lợi. Ngày hôm sau quả nhiên như vậy có người hiến xá lợi. Nhà Vua đã cho thỉnh vào triều. Do chỗ cầu nguyện mà nhà vua muốn rằng nhà vua có trước. Vua bảo sau này sẽ làm một nơi để bái vọng tại nước Yết La Cổ La. Ta chỉ là một người mang Xá Lợi. Vị Đại Thần hỏi rằng:

- Cúng Xá Lợi nào?

Đáp:

- Xá Lợi của Phật

Vị Đại Thần nói:

- Hạ Thần đang giữ đây, xin tâu bệ hạ biết Nước Yết La Cổ La, sợ vua trân quý Xá Lợi mà không suy nghĩ. Do đó cho nên dựng xây già lambảo tháp.

Vì lẽ chí thành cho nên được cảm ứng, bát bằng đá kia tự mở nắp để an trí Xá Lợi vào. Khi an trí xong, niêm phong rồi bảo mọi người thối lui, đóng cửa đá lại. Từ đó sinh ra mùi hương dầu màu đen”.

(trang 51, 52).

Minh Di.

- “Đi về phía Đông nam Kinh Thành hơn 30 dặm thì tới Chùa Át La Hổ La. Ở mé bên của Chùa có Tháp Phật cao hơn 100 thước, vào ngày Chay có lúc Tháp phát ánh sáng rỡ ràng. Từ một khe nứt trên vách đá của Cái Tháp dạng như cái bát úp này, rỉ ra một thứ dầu đen có mùi thơm. Vào những đêm tĩnh lặng đôi lúc rồi nghe có tiếng nhạc vang ra từ Tháp. [Tôi] nghe các Ghi chép đời trước nói rằng:

~ Tháp này xưa kia do Đại thần Át La Hổ La nước này xây! Tháp xây xong thì đêm đó trong giấc mộng có người nói với Át La Hổ La:

- Cái Tháp ngươi xây chưa có Xá lợi, sáng ngày mai sẽ có người dâng Xá lợi cho vua, ngươi nên xin vua Xá lợi đó!

Sáng hôm sau Át La Hổ La vào triều xin vua, nói rằng:

- (Hạ thần) không lượng là kẻ ngu muội bất tài, xin được thỉnh cầu bệ hạ một việc!

Nhà vua hỏi:

- Ông muốn xin điều chi?

Át La Hổ La trả lời:

- Ngày hôm nay nếu có ai dâng lên cái gì trước nhất thì xin bệ hạ ra ơn ban cho!

Nhà vua nói: “Được!”.

Át La Hổ La đứng trước cửa Cung một hồi lâu, ngóng trông coi có ai tới không. Sau đó chợt có một người cầm một bình Xá lợi đi tới.

Đại thần hỏi:

- Ngươi muốn dâng cái gì cho nhà vua?

Người kia trả lời: - Xá lợi Phật.

Đại thần nói:

- Đưa vật tiến dâng của ngươi cho ta giữ, ta phải báo trước cho vua biết!

Át La Hổ La sợ vua quí Xá lợihối hận lời hứa ban cho mình cho nên vội vã chạy về Chùa, chạy lên Tháp, vì lòng chí thành cảm ứng, cửa của Tháp đá như cái Bát úp này liền tự mở ra. An trí Xá lợi xong Át La Hổ La chạy vội trở ra, có điều, vì vội quá cho nên cái vạt áo bị móc vướng lại.

Nhà vua cho người đuổi theo (lấy lại Xá lợi), tới nơi thì Tháp đã đóng!

Đó là lý do tại sao có cái khe nứt rỉ ra chất dầu màu đen có hương thơm này”.

+ Những cái Sai của Thích Như Điển.

~ Nguyên tác: “…hoặc chí Trai nhật, thời chúc quang minh. Phú bát thế thượng thạch khích gian lưu xuất hắc hương du”.

- “.... vào ngày Chay có lúc Tháp phát ánh sáng rỡ ràng. Từ một khe nứt trên vách đá của Cái Tháp dạng như cái bát úp này, rỉ ra một thứ dầu đen có mùi thơm”.

Vậy mà Thích Như Điển dịch lếu láo như sau:

- “Khi đến giờ Ngọ trai thì đốt đèn, dùng đèn dầu để đốt ra màu khói đen”. 

Cái “giờ Ngọ trai” nằm ở đâu trong đoạn nguyên tác trên đây, Thích Như Điển?

Cái “đèn dầu để đốt ra màu khói đen” ở chỗ nào trong đoạn trên đây, Thích Như Điển?

Và Thích Như Điển không hiểu 3 chữ “phú bát thế” là cái chi chi nên không dịch.

Phú bát thế nghĩa là “(tư thế như cái bát úp”, tức nói về hình dạng của Tháp.

~ Đoạn trên nói về việc xây Tháp, Thích Như Điển không hiểu cho nên mới có câu dịch bậy bạ là “đây là nơi được kiến thiết bởi vị Đại Thần Yết La Cổ La ”.

Nói “đây là nơi” Thích Như Điển ý muốn nói là ngôi Chùa được Át La Hổ La xây. Sai!

~ Nguyên tác: “Công kí thành dĩ, ư dạ mộng trung hữu nhân cáo viết:

- Nhữ sở kiến lập Toát đổ ba vị hữu Xá lợi. Minh đán hữu hiến thượng giả, nghi tòng vương thỉnh’”.

- “Tháp xây xong thì đêm đó trong giấc mộng có người nói với Át La Hổ La:

- Cái Tháp ngươi xây chưa có Xá lợi, sáng ngày mai sẽ có người dâng Xá lợi cho vua, ngươi nên xin vua Xá lợi đó!”.

Thích Như Điển dịch láo như sau:

- “sau khi xây thành xong nằm mộng thấy có người bảo rằng: Ngươi nên kiến lập bảo tháp, sau đó ắt có xá lợi”.

~ “Do chỗ cầu nguyện mà nhà vua muốn rằng nhà vua có trước. Vua bảo sau này sẽ làm một nơi để bái vọng tại nước Yết La Cổ La. Ta chỉ là một người mang Xá Lợi. Vị Đại Thần hỏi rằng:

- Cúng Xá Lợi nào? 

Đáp:

- Xá Lợi của Phật

Vị Đại Thần nói:

- Hạ Thần đang giữ đây, xin tâu bệ hạ biết Nước Yết La Cổ La, sợ vua trân quý Xá Lợi mà không suy nghĩ. Do đó cho nên dựng xây già lam và bảo tháp”.

Đối chiếu với nguyên tác độc giả thấy cả đoạn dịch này của Thích Như Điển là bá láp!

~ Nguyên tác: “Át La Hổ La khủng vương trân quí Xá lợi, truy hối tiền ân, tật vãng già lam, đăng Toát đổ ba, chí thành sở cảm kì thạch phú bát tự khai, an trí xá lợi, dĩ nhi tật xuất, thượng câu y khâm!

Vương sử trục chi, thạch dĩ yểm hĩ!

Cố kì khích gian lưu hắc hương du”.

- “Át La Hổ La sợ vua quí Xá lợihối hận lời hứa ban cho mình cho nên vội vã chạy về Chùa, chạy lên Tháp, vì lòng chí thành cảm ứng, cửa của Tháp đá như cái Bát úp này liền tự mở ra. An trí Xá lợi xong Át La Hổ La chạy vội trở ra, có điều, vì vội quá cho nên cái vạt áo bị móc vướng lại.

Nhà vua cho người đuổi theo (lấy lại xá lợi), tới nơi thì Tháp đã đóng!

Đó là lý do tại sao có cái khe nứt rỉ ra chất dầu màu đen có hương thơm này”.

Vậy mà Thích Như Điển lại dịch láo như sau:

- “Hạ Thần đang giữ đây, xin tâu bệ hạ biết Nước Yết La Cổ La, sợ vua trân quý Xá Lợi mà không suy nghĩ. Do đó cho nên dựng xây già lambảo tháp.

Vì lẽ chí thành cho nên được cảm ứng, bát bằng đá kia tự mở nắp để an trí Xá Lợi vào. Khi an trí xong, niêm phong rồi bảo mọi người thối lui, đóng cửa đá lại. Từ đó sinh ra mùi hương dầu màu đen”.

Những câu dịch lếu láo của Thích Như Điển:

- “......... sợ vua trân quí xá lợi mà không suy nghĩ. Do đó cho nên dựng xây già lam và bảo tháp”.

> Không suy nghĩ cái chi đây? Vua dựng xây già lambảo tháp hồi nào đây?

- “bát bằng đá kia tự mở nắp để an trí Xá Lợi vào”.

> Bát bằng đá ở đâu ra đây, Thích Như Điển? 

Từ đầu nguyên tác đã mô tả cái Tháp đá của Chùa Át La Hổ La có dạng cái Bát úp.

Thích Như Điển không hiểu 2 chữ “Phú bát” (Bát úp) nghĩa là gì cho nên dịch bậy!

- “Khi an trí xong, niêm phong rồi bảo mọi người thối lui, đóng cửa đá lại. Từ đó sinh ra mùi hương dầu màu đen”.

> Nguyên tác nói “niêm phong” ở chỗ nào đây, Thích Như Điển chỉ ra coi? Nguyên tác nói Át Hổ Labảo mọi người thối luihồi nào đây? nói Át Hổ Lađóng cửa đá lạivào hồi nào đây, Thích Như Điển?

Nguyên tác.

- “Vương Thành Tây bắc nhị bách dư lí, chí Đại Tuyết Sơn, sơn đỉnh hữu trì, thỉnh vũ kỳ tình tùy cầu quả nguyện. Văn chư tiên chí viết:

~ Tích Kiền Đà La quốc hữu A La Hán, thường thụ thử trì Long vương cung dưỡng! Mỗi chí trung thực, dĩ thần thông lực tính tọa thằng sàng lăng hư nhi vãng. Thị giả sa di mật ư thằng sàng chi hạ phan viện tiềm ẩn, nhi A La Hán thời chí tiện vãng. Chí Long cung nãi kiến sa di. Long vương nhân thỉnh lưu thực. Long vương dĩ thiên cam lộ phạn A La Hán, dĩ nhân gian vị nhi soạn sa di. A La Hán phạn thực dĩ cật tiện vị Long vương thuyết chư Pháp yếu. Sa di như thường vị sư địch khí, khí hữu dư lập, hãi kì hương vị tức khởi ác nguyện, hận sư, phẫn Long, “nguyện chư phước lực, ư kim tất hiện, đoạn thử Long mệnh, ngã tự vi vương”. Sa di phát thị nguyện thời, Long vương giác đầu thống hĩ! La Hán thuyết Pháp hối dụ, Long vương tạ cữu, trách cung! Sa di hoài phẫn vị tòng hối tạ. ~

Ký hoàn già lam chí thành phát nguyện, phúc lực sở trí, thị dạ mệnh chung, vi đại Long vương, uy mãnh phấn phát! Toại lai nhập trì, sát Long vương, cư Long cung, hữu kỳ bộ thuộc, tổng kỳ thống mệnh. Dĩ túc nguyện cố, hưng bạo phong, tồi bạt thụ mộc dục hoại già lam!

Thời Ca Nị Sắc ca vương quái nhi phát vấn, kì A La Hán cụ dĩ bạch vương. Vương tức vị Long ư Tuyết Sơn hạ lập tăng già lam, kiến toát đổ ba, cao bách dư xích. Long hoài túc phẫn, toại phát phong vũ. Vương dĩ hoằng tế vi tâm, Long thừa sân độc tác bạo! Tăng già lam, Toát đổ ba lục hoại thất thành! Ca Nị Sắc Ca sỉ công bất thành, dục điền Long trì, hủy kỳ cư thất. Tức hưng binh chúng chí Tuyết Sơn hạ.

Thời bỉ Long vương thâm hoài chấn cụ, biến tác lão Bà la môn, khấu vương tượng nhi gián viết:

~ Đại vương túc thực THIỆN BẢN, đa chủng THẮNG NHÂN, đắc vi nhân vương, vô tư bất phục, kim nhật hà cố dữ Long giao tranh? Phù Long giả súc dã, ti hạ ác loại, nhiên hữu đại uy, bất khả lực cạnh; thừa vân ngự phong, đạp hư lí thủy, phi nhân lực sở chế, khởi vương tâm sở nộ tai? Vương kim cử quốc hưng binh dữ nhất Long đấu, thắng tắc vương vô phục viễn chi uy, bại tắc vương hữu phi địch chi sỉ! Vị vương kế giả, nghi khả qui binh!”.

Ca Nị Sắc Ca vương vị chi tòng giả, Long tức hoàn trì, thanh chấn lôi động, bạo phong bạt mộc, sa thạch như vũ, vân vụ hối minh, quân mã kinh hãi.

Vương nãi qui mệnh Tam Bảo, thỉnh cầu gia hộ, viết:

- Túc thực đa phúc, đắc vi nhân vương, uy nhiếp cường địch, thống Chiêm Bộ Châu kim vị Long súc sở khuất, thành nãi ngã chi bạc phúc dã. Nguyện chư phúc lực ư kim hiện tiền!

Tức ư lưỡng kiên khởi đại yên diệm, Long thoái phong tĩnh, vụ quyển vân khai. Vương lệnh quân chúng nhân đảm nhất thạch, dụng điền Long trì.

Long vương hoàn tác Bà la môn, trùng thỉnh vương viết:

- Ngã thị bỉ trì Long vương, cụ uy qui mệnh, duy vương bi mẫn, xả kì tiền quá! Vương hàm dục, phú đáo sinh linh, như hà ư ngã, độc gia ác hại? Vương nhược sát ngã, ngã chi dữ vương câu đọa ác đạo! Vương hữu đoạn mệnh chi tội, ngã hoài oán thù chi tâm, nghiệp báo kiểu nhiên, thiện ác minh hĩ!

Vương toại dữ Long minh thiết yếu khế, hậu canh hữu phạm, tất bất tương xả.

Long viết:

- Ngã dĩ ác nghiệp, thụ thân vi Long, Long tính mãnh ác, bất năng tự trì, sân tâm hoặc khởi, đương vong sở chế. Vương kim cánh lập già lam, bất cảm tồi hủy. Mỗi khiển nhất nhân hậu vọng sơn lãnh, hắc vân nhược khởi, cấp kích kiên trùy, ngã văn kỳ thanh, ác tâm đương tức!

Kỳ vương ư thị canh tu già lam, kiến toát đổ ba, hậu vọng vân khí ư kim bất tuyệt”.

Thích Như Điển dịch:

- “…Vương thành phía tây bắc hơn 200 dặm thì đến núi Tuyết, trên đỉnh có hồ. Do sự cầu nguyện mà nước mưa luôn có. Nghe người xưa thuật lại rằng: xưa có vị A La Hán ở nước Kiền Đà La thường hay nhận sự cúng dường từ Long Vương ở ao hồ này. Mỗi ngày cho đến bữa ăn trưa hay dùng thần thông để ngồi trên giường bay qua lại nơi hư không. Các thị giả Sa Di đều được an ổn nơi ấy. Chỉ có vị A La Hán thì hay qua lại Long Cung. Khi gặp Sa Di, Long Vương mời ở lại dùng cơm. Long Vương dùng đồ ăn cam lồ của A La Hán biến thành hương vị của nhân gian cho vị Sa Di, A La Hán khi dùng cơm xong vì Long Vương mà thuyết các Pháp quan trọng. Sa Di như thường lệ vì Thầy mà rửa bát. Trong bát có dư hạt cơm có hương vị liền khởi lên niệm ác rằng hận Thầy và phẫn nộ với Long Vương. Nguyện cho các phước lực ngay bây giờ đoạn mất mệnh của Long Vương và ta tự làm vua. Khi Sa Di phát nguyện như vậy rồi thì Long Vương bị đau đầu. Khi A La Hán thuyết Pháp xong, Long Vương tạ lễ, Sa Di phẫn nộ vì chưa được có lời tạ nên trở lại Già Lamphát nguyện tiếp: nhờ phước lực mà đêm nay mệnh chung vì Đại Long Vương uy đức mà phát. Chờ vào nơi ao để sát hại Long Vương và ở luôn nơi Long Cung, để thống lĩnh tất cả mọi loài. Do lời nguyện đó mà mưa gió nổi dậy làm gẫy đổ cây cối và hại cả Già Lam. Cho nên Vua Ca Nị Sắc Ca kinh ngạchỏi rằng vị A La Hán nầy có phải là Vua không? Vị Vua đó tức là rồng đang ở trong núi tuyết, lập Tăng Già Lam kiến tạo bảo tháp cao hơn 100 thước. Rồng vì giận mà làm cho nổi mưa nổi gió. Vua vì có tâm hoằng truyền Phật Pháp, rồng sân hận mà làm dữ, nên chùa viện và bảo tháp sáu cái bị hư biến thành bảy. Vua Ca sắc Nị Ca xấu hổ vì chẳng thành công nên muốn trấn hồ rông nầy để làm chỗ cư ngụ. Cho nên đã đem binh lính đến dưới núi Tuyết Sơn. Lúc ấy bị Long Vương nhớ lại chuyện xưa làm chấn động biến thành một người Bà La Môn già lạy Vua mà trần tình rằng: Đại Vương ngày xưa đã trồng nhiều căn lành nhiều loại khác nhau cho nên thắng vậy. Được làm vua trên đời, chẳng có ý niệm báo ân. Ngày hôm nay, vì cớ sao mà giao tranh với Long Vương. Phàm là rồng thuộc về loại súc sanh vậy, cũng thuộc loài ác. Vì sao mà uy lực không đủ để cạnh tranh, như hô phong hoán vũ để có nước mà người thường không làm được. Há rằng tâm vua vẫn còn phẫn nộ sao? Vua bây giờ vừa vừa cầm nước vừa cầm binh cùng chiến đấu với một con rồng, sự thắng chắc thuộc về vua, không còn xa xôi gì nữa. Do vậy mà vua cũng không có gì xấu hổ, cho nên Vua lập kế rút binh. Về sau trở thành Vua Ca Nị Sắc Ca vậy. Rồng cũng trở lại hồ nghe được âm thanh chấn động, gió mưa cuồn cuộn làm cho cây cối đất đá lung lay, mưa rơi nặng hạt làm binh mã kinh hoàng. Nhà vua qui y Tam Bảo, thỉnh cầu lực gia hộ cho nên ngay lúc đó có được nhiều phước và được làm vua trên cõi đời. Uy hiếp những cường địch thống lĩnh các bộ châu. Cho nên nay mới đến đảo tìm rồng mà té ra ta là người bạc phước. Nguyện cho các phước đức hiện tiền nếu có thì ở nơi hai vai ta bốc khói lên. Rồng liền dứt gió ngưng mưa, trời trở nên trong lặng. Vua đã ra lệnh cho quân lính dùng đá để trấn Long Trì. Long Vương biến lại thành Bà La Môn yêu cầu Vua rằng:

Ta là Long Vương của ao kia, xin quy mệnh. Nhưng xin Vua vì lòng từ mà nghĩ về quá khứ, nếu vua muốn các sinh linh được sống lâu sao để cho ta bị sát hại. Nếu Vua muốn sát hại ta, ta sẽ cùng vua bị đọa vào ác đạovua sẽ trở thành đoản mệnh. Ta nhớ lại tâm sợ hãi lo lắng kia vì nghiệp báothiện ác sẽ rõ ràng. Vua lùi bước và rồng minh thị rằng nếu ai phạm thì không xứng đáng. Rồng nói rằng ta vì ác nghiệp mà thọ thân làm rồng. Tánh rồng hung ác không thể tự giữ được tâm sân hận khi khởi lên lại hay quên mà không chế ngự được. Nay vua làm chùa, đừng hủy hoại nữa. Mỗi người chúng ta nên trở về núi, nếu có mây đen nổi lên thì nên thối lui. Ta nghe tiếng rằng do tâm ác kia mà vua này tu phước kiến tạo Già Lam, Bảo Tháp, hầu muốn mưa gió không dứt. Nghe tục lệ chép lại rằng : Nơi bảo tháp kia có nhục cốt xá lợi của Như Lai có thể hơn một thăng, biến hóa vô cùng khó nói hết được, có lúc ở trong tháp nầy có khói phát ra, từ cửa nhỏ phát ra khói lớn . Lúc đó có người nghi rằng tháp kia tự bốc cháy. Chiêm ngưỡng lâu thì lửa tắt khói tiêu. Lại thấy Xá Lợi trắng như lưu ly trở vào nơi bát và thăng lên không trung, thăng lên trên cao rồi hạ xuống trở lại”. 

(trang 53, 54).

Minh Di.

- “Từ Vương Thành đi về phía Tây bắc hơn 200 dặm thì tới Đại Tuyết Sơn! Trên đỉnh núi có một cái hồ, đến đây cầu mưa cầu tạnh theo lời cầu đều được thỏa nguyện. [Tôi] nghe các Ghi chép đời trước kể rằng:

~ Xưa kia nước Kiền Đà La có một vị A La Hán thường được Long vương tại hồ này cúng dường! Cứ đến giờ ăn trưa thì dùng thần thông ngồi trên ghế xếp bay trên không tới hồ. Sa di thị giả của vị A La Hán lén núp dưới ghế đi theo! A La Hán thì cứ đến giờ là đi, chừng tới Long cung mới thấy sa di! Long vương tiện đó mời sa di ở lại ăn! Long vương lấy cam lộ cõi trời đãi A La Hán, còn với sa di thì đãi món ăn của nhân gian. Lúc ăn xong La Hán thuyết pháp cho Long vương! Như thường lệ, sa di rửa (bình) bát cho thầy mình, thấy trong bát còn sót lại vài hột cơm, (lấy ăn thử), để rồi phải kinh ngạc cho cái hương vị của nó, để rồi ác nguyện chợt đâu khởi lên, nghĩ mà hận thầy mình, giận Long vương, (nguyện rằng): “Nguyện tất cả phúc lực của tôi ngày hôm nay hiện ra hết để dứt mạng của con Rồng này, để tôi tự làm vua”. Vào lúc sa di khởi lên nguyện này Long vương đã cảm thấy đầu đau nhức! Vị A La Hán (này) thuyết Pháp dạy bảo, dạy Long vương tạ lỗi người, tự trách mình! Thế nhưng, sa di ôm lòng oán hận đến thế mà (A La Hán) lại chẳng hề dạy (Long vương) tạ lỗi sa di!

Về tới Chùa, chí thành phát nguyện, phúc lực khiến nên, đêm đó sa di chết đi, thành Đại Long vương, uy thế mãnh mẽ bừng lên, liền (lên núi) xuống hồ giết Long vương, Long cung, tất cả bộ thuộc của Long vương đều tuân lệnh. Do nơi nguyện lực trước đó nên Đại Long vương nổi mưa, nổi gió ầm ầm, mờ mịt, làm cây cối trốc rễ, những muốn hủy hoại Chùa.

Bấy giờ vua Ca Nị Sắc Ca lấy làm lạ, đặt câu hỏi, vị A La Hán kia liền thưa mọi việc cho nhà vua biết! Nhà vua liền vì Long vương mà xây Chùa, dựng Tháp Phật cao hơn trăm thước ở dưới chân Tuyết Sơn. Rồng vẫn ôm mối hận cũ nên lại nổi mưa gió! Vua vì tâm cứu độ khắp tất cả, trong khi Rồng thì theo lòng sân độc mà làm việc bạo ác, để rồi Chùa, rồi Tháp Phật bị hư hại tới 6, 7 phần! Vua Ca Nị Sắc Ca rồi thẹn vì công việc của mình không có kết quả, muốn lấp cái hồ kia đi, hủy diệt nhà cửa Long cung, nên lập tức điều động quân binh tới dưới chân Tuyết Sơn.

Bấy giờ Long vương kia thì lòng những canh cánh nỗi kinh sợ sâu xa, do đó biến hình thành một Bà La Môn già, đến khấu đầu trước voi của vua, can rằng:

- Nhà vua thuở xưa trồng thiện căn, gieo các nhân lành thù thắng nên (kiếp này) được làm Vua cõi người, không ai là không phục! Ngày hôm nay vì duyên cớ gì lại giao tranh với Rồng? RỒNG là loài súc vật, ác độc hèn mọn, nhưng có uy lớn, không thể lấy sức mà tranh được! Rồng nương mây cỡi gió, bay trên không, đi xuống nước không phải là sức con ngườithể chế ngự, lẽ nào nhà vua có điều chi giận dữ chăng? Bây giờ đây nhà vua động dụng quân binh cả nước giao chiến với một con Rồng, thắng thì nhà vua mất đi cái uy hàng phục các phương xa, còn thua thì nhà vua sẽ phải hổ thẹn vì không địch lại người! Tôi xin vì nhà vua mà tính kế, nhà vua nên đưa quân trở về!

Vua Ca Nị Sắc Ca chưa chịu nghe theo, Long vương liền trở về hồ nổi sấm sét, nổi gió thực lớn, nhổ bật cây cối, cát đá bay như mưa, mây sương mờ mịt, tất cả binh mã đều khiếp hãi!

Nhà vua liền qui mạng Tam Bảo, cầu xin gia hộ, nói rằng:

- Xưa kia tôi trồng nhiều phúc được làm vua cõi người, uy phong nhiếp phục tất cả cường địch, thống lãnh Chiêm Bộ Châu, bây giờ bị một con Rồng làm nhục, thực đúng là tôi phúc mỏng. Nguyện các phúc lực của tôi bây giờ hiện ra trước mặt!

Lời nguyện vừa dứt thì 2 bên vai nhà vua lập tức cuộn lên 2 luồng khói lớn, chừng đó thì Rồng (mới) lui, gió rồi lặng, sương rồi tan, mây rồi tạnh! Nhà vua liền ra lệnh cho quân binh khiêng một khối đá (lớn) để lấp Hồ Rồng (Long Trì).

Long vương lại hóa thành Bà La Môn, lại xin với nhà vua:

- Tôi là Long vương ở Hồ kia, sợ oai tới xin qui thuận, xin nhà vua từ bi thương xóttha cho cái lỗi trước đây! Nhà vua dưỡng dục, che chở mọi sanh linh, cớ sao lại ác tâm gia hại mỗi mình tôi? Nếu nhà vua giết tôi thì tôi và nhà vua đều đọa ác đạo! Nhà vua có tội giết hại sanh mạng, tôi cũng mang lòng oán thù, nghiệp báo rõ ràng, thiện ác phân minh!

Nhà vua liền cùng Long vương lập 1 giao ước quan trọng là sau này nếu Long vương lại phạm nữa thì chắc chắn nhà vua sẽ không tha. 

Long vương nói:

- Tôi vì ác nghiệpthọ thân Rồng, (mà) Rồng thì tính hung hăng, ác độc, không tự kềm chế được, chẳng may sân tâm nổi lên thì quên đi sự ước chế. Bây giờ nhà vua có xây dựng Chùa chiền tôi không dám phá hủy nữa! Xin nhà vua sai một người quan sát đỉnh núi, nếu thấy mây đen nổi lên thì mau mau gióng trống, khua chiêng! Tôi mà nghe tiếng này thì ác tâm liền dứt!

Nhà vua do đó cho sửa sang lại Chùa, xây Tháp Phật, cho người quan sát hơi mây, sự việc này cho đến nay vẫn không dứt.

[Tôi] nghe các Ghi chép đời trước kể lại:

- Trong Tháp Phật có Xá lợi của xương, thịt Như Lai, lượng cũng tới hơn 1 thăng. Các việc thần kỳ, biến hóa của những Xá lợi này (rất nhiều), khó mà kể cho hết! Có một lúc trong Tháp này bỗng đâu có khói bốc lên, (để rồi) một lúc không lâu sau đó thì lửa bốc cháy bừng bừng! Lúc ấy, người ta cho là Tháp đã bị lửa thiêu ra tro. (Mọi người) đứng coi một hồi thật lâu, tới chừng khói tan, lửa tàn mới thấy Xá lợi (phát ra ánh sáng, tạo thành một phiến trắng) như một lá cờ màu ngọc trai trắng, lượn vòng quanh cây cột ở phía ngoài [Chùa], uyển chuyển vút lên tận ven mây, bay lượn vòng vòng giữa khoảng không rồi hạ xuống”.

[Phụ chú.

Ghế xếp. Nguyên tácThằng Sàng”, hoặc còn gọi Hồ Sàng, Giao Ỷ, Tiêu Dao Tọa và Thái Sư Ỷ.

Chú thích chữ “Thằng Sàng” Quí Diễn Lâm viết:

- “Thằng sàng: Nhất danh hồ sàng, nhất chủng khả dĩ chiết điệp đích khinh tiện tọa cụ. “Tấn Thư. Phật Đồ Trừng truyện”: “Tọa thằng sàng, thiêu An Tức hương”.

Trình Đại Xương “Diễn Phiền Lộ” quyển thập tứ vị: “Kim chi giao sàng, thành bản tự Lỗ lai, thủy danh Hồ sàng. Hoàn Y há mã cứ Hồ sàng thủ địch tam lộng thị dã. Tùy dĩ Sấm hữu Hồ, cải danh Giao sàng”.

Đào Cốc “Thanh Dị Lục. Trần Thiết môn”: “Hồ sàng thi chuyển quan dĩ giao túc, xuyên tiện thao dĩ dung tọa, chuyển súc tu du, trọng bất sổ cân”.”.

Dịch:

- “Thằng sàng: còn 1 tên nữa là Hồ sàng, là một thứ đồ dùng để ngồi (tọa cụ) gọn nhẹ có thể xếp lại được.

Sách “Tấn Thư. Phật Đồ Trừng truyện”: “Ngồi ghế xếp, thắp hương An tức”.

Sách “Diễn Phiền Lộ, quyển 14, của Trình Đại Xương viết: “Nay gọi là giao sàng, chính gốc từ xứ rợ nhập vào mới bắt đầu gọi là Hồ sàng. Hoàn Y xuống ngựa, ngồi Hồ sàng thổi 3 khúc sáo, (Hồ sàng đây) chính là loại ghế này! Tùy triều vì trong lời Sấm nói đến rợ Hồ cho nên đổi gọi là Giao sàng”.

Sách “Thanh Dị Lục. Trần Thiết môn” của Đào Cốc viết: “Hồ sàng có chỗ vặn cho chân ghế xếp lại, bện giây tơ làm thành để ngồi cho thoải mái, (ghế) xếp lại rất nhanh, nặng không quá mấy cân”.”. 

Tùy Cao tổ (541 - 604; tại vị: 581 - 604) do kỵ những vật dụng có chữ “Hồ” nên hạ lệnh đổi tên gọi Hồ sàng thành Giao Sàng.

Đường Huyền tông (685 - 762; tại vị: 712 - 756) rất thích loại ghế xếp này, đi đâu cũng mang theo, và gọi loại ghế ngồi rất thoải mái này là “Tiêu dao Tọa”.

+ Những cái Sai Của Thích Như Điển.

Càng dịch, càng viết, Thích Như Điển càng để lộ cái tồi tệ, yếu kém của mình về tất cả mọi phương diện: Hán văn, kiến thức, và cả về Văn pháp Việt ngữ!

Đoạn dịch văn ở đây, cũng như những đoạn dịch văn trước đây, của Thích Như Điển cho thấy rất rõ những cái yếu kém tôi vừa nêu trên.

~ Nguyên tác: “thỉnh vũ kỳ tình, tùy cầu quả nguyện”.

- “cầu mưa cầu tạnh, theo lời cầu đều được như nguyện”.

Thích Như Điển dịch lếu láo là:

- “Do sự cầu nguyện mà nước mưa luôn có”.

~ Tiếp đó, câu “Các thị giả Sa Di đều được an ổn nơi ấy” của Thích Như Điển, câu này tôi đến không rõ Thích Như Điển đã dịch từ đâu ra?

Nguyên tác có câu “Thị giả sa di mật ư thằng sàng chi hạ phan viện tiềm ẩn”, có nghĩa là “Sa di thị giả của vị A La Hán lén núp dưới ghế đi theo”.

Có lẽ Thích Như Điển đọc câu này lạng quạng để rồi dịch bậy như trên?

~ Nguyên tác:

- “Mỗi chí trung thực, dĩ thần thông lực tính tọa thằng sàng lăng hư nhi vãng”.

- “Cứ đến giờ ăn trưa thì dùng thần thông ngồi trên ghế xếp bay trên không tới hồ”.

Thích Như Điển hiểu không hết nên dịch sai như sau:

- “Mỗi ngày cho đến bữa ăn trưa hay dùng thần thông để ngồi trên giường bay qua lại nơi hư không”.

Tiếng “thằng sàng” trong nguyên tác là cái “ghế xếp”, còn gọi là “giao ỷ”, không phải là cái “giường” như Thích Như Điển dịch sai.

Và mỗi trưa, tới giờ cơm, A La Hán ngồi trên “ghế xếp” để bay lên núi, tới Long trì, chứ không phải khơi khơi “bay qua lại giữa hư không”, như Thích Như Điển viết ba láp!

~ Kế đến, “Khi gặp Sa Di, Long Vương mời ở lại dùng cơm” thì câu này cũng bỗng đâu như từ trời rớt xuống cái độp!

~ “Long Vương dùng đồ ăn cam lồ của A La Hán biến thành hương vị của nhân gian cho vị Sa Di”.

Nguyên tác không có chỗ nào nói Long vương biến đồ ăn cõi trời đãi A La Hán thành đồ ăn nhân gian cho sa di ăn cả!

~ Nguyên tác: “Sa di như thường vị sư địch khí, khí hữu dư lập, hãi kỳ hương vị”.

- “Như thường lệ, sa di rửa (bình) bát cho thầy mình, thấy trong bát còn sót lại vài hột cơm, (lấy ăn thử), để rồi phải kinh ngạc cho cái hương vị của nó”.

Thích Như Điển dịch vừa sai vừa thiếu là:

- “Sa Di như thường lệ vì Thầy mà rửa bát. Trong bát có dư hạt cơm hương vị liền khởi lên niệm ác...…”.

Sai: Nguyên tác nói còn sót lại “vài hột cơm” (“sổ lập”), dịch như Thích Như Điển chỉ có mỗi “hạt cơm”.

Thiếu: Thích Như Điển dịch thiếu chữ “Hãi”, ý nói “rất kinh ngạc”.

Ngoài ra, Cổ văn Trung Quốc rất súc tích, do đó, những ý tưởng hàm, ẩn trong câu là điều rất thường, dịch từng chữ một nhiều lúc sẽ không hiểu hết Kinh nói gì, Sử nói gì?

Như ở đây phải hiểu thêm là sa di thấy mấy hột cơm sót lại, lấy ăn thử.

~ Nguyên tác: “La Hán thuyết Pháp hối dụ, Long vương tạ cữu, trách cung! Sa di hoài phẫn vị tòng hối tạ”.

- “Vị A La Hán (này) thuyết Pháp dạy bảo, dạy Long vương tạ lỗi người, tự trách mình! Thế nhưng, sa di ôm lòng oán hận đến thế mà (A La Hán) lại chẳng hề dạy (Long vương) tạ lỗi sa di!”.

Vậy mà Thích Như Điển lại dịch bậy là:

- “A La Hán thuyết Pháp xong, Long Vương tạ lễ, Sa Di phẫn nộ chưa được có lời tạ”.

~ Nguyên tác: “ hoàn già lam, chí thành phát nguyện, phúc lực sở trí, thị dạ mệnh chung, vi đại Long vương, uy mãnh phấn phát!”.

- “Về tới Chùa, vì chí thành phát nguyện, phúc lực khiến nên, đêm đó sa di chết đi, thành Đại Long vương, uy thế mãnh mẽ bừng lên”.

Thích Như Điển dịch bậy như sau:

- “trở lại Già Lamphát nguyện tiếp: nhờ phước lực mà đêm nay mệnh chung vì Đại Long Vương uy đức mà phát”. 

Làm gì có câu sa diphát nguyện tiếp” lúc trở về Chùa?

Làm gì có câu “vì Đại Long Vương uy đức mà phát”.

~ Nguyên tác: “toại lai nhập trì, sát Long vương, Long cung, hữu kỳ bộ thuộc, tổng kỳ thống mệnh”. 

- “liền (lên núi) xuống hồ giết Long vương, ở Long cung, tất cả bộ thuộc của Long vương đều tuân lệnh”.

Thích Như Điển kém quá, không hiểu nguyên tác nói gì nên dịch bậy là:

- “Chờ vào nơi ao để sát hại Long Vương và ở luôn nơi Long Cung, để thống lĩnh tất cả mọi loài”.

Làm gì có chuyện “Chờ” ở đây, Thích Như Điển?

Làm gì có chuyện “thống lĩnh tất cả mọi loài” ở đây, Thích Như Điển?

~ Nguyên tác:

- “Thời Ca Nị Sắc Ca vương quái nhi phát vấn, kỳ A La Hán cụ dĩ bạch vương. Vương tức vị Long ư Tuyết Sơn hạ lập tăng già lam, kiến toát đổ ba, cao bách dư xích. Long hoài túc phẫn, toại phát phong vũ”.

- “Bấy giờ vua Ca Nị Sắc Ca lấy làm lạ, đặt câu hỏi, vị La Hán kia liền thưa mọi việc cho nhà vua biết! Nhà vua liền vì Long vương mà xây Chùa, dựng Tháp Phật cao hơn trăm thước ở dưới chân Tuyết Sơn. Rồng vẫn ôm mối hận cũ nên lại nổi mưa gió!”.

Vậy mà Thích Như Điển dịch bậy như sau:

- “Cho nên Vua Ca Nị Sắc Ca kinh ngạchỏi rằng vị A La Hán nầy có phải là Vua không? Vị Vua đó tức là rồng đang ở trong núi tuyết, lập Tăng Già Lam kiến tạo bảo tháp cao hơn 100 thước. Rồng vì giận mà làm cho nổi mưa nổi gió”.

Đầu câu là chữ “Thời”, nghĩa là “lúc bấy giờ”, Thích Như Điển dịch bậy là “Cho nên”.

Còn câu “vị A La Hán nầy có phải là Vua không?” thực là ngu ngơ.

Ở đây vua Ca Nị Sắc Ca hỏi là hỏi tại sao lại có mưa to gió lớn làm cây tróc gốc, bật rễ chứ không hỏi ai là vua, ai không là vua!

Câu: “Vị Vua đó tức là rồng đang ở trong núi tuyết, lập Tăng Già Lam kiến tạo bảo tháp cao hơn 100 thước. Rồng vì giận mà làm cho nổi mưa nổi gió”.

Dịch như Thích Như Điển ở đây thì hóa ra Long vương xây Chùa, dựng Tháp Phật?

Nguyên tác kể rằng, sau khi biết duyên cớ mà có mưa to, gió lớn vua Ca Nị Sắc Ca đã vì Long vương mà xây Chùa, dựng Tháp dưới chân Tuyết Sơn, mong Long vương đừng gây hại nữa!

Thích Như Điển thực là kém cỏi, một câu rất dễ như vậy mà cũng không hiểu, cho nên dịch bậy!

~ Nguyên tác: “Vươnghoằng tế vi tâm, Long thừa sân độc tác bạo! Tăng già lam, Toát đổ ba lục hoại thất thành!”. 

- “Vuatâm cứu độ khắp tất cả, trong khi Rồng thì theo lòng sân độc mà làm việc bạo ác, để rồi Chùa, rồi Tháp Phật bị hư hại tới 6, 7 phần!”.

Thích Như Điển thì dịch hết sức bậy bạ như sau:

- “Vua vì có tâm hoằng truyền Phật Pháp, rồng sân hận mà làm dữ, nên chùa viện và bảo tháp sáu cái bị hư biến thành bảy”.

Long vương làm mưa, làm gió, tàn hại cỏ cây, hủy Chùa, hoại Tháp, dân tình khổ sở vì thế vua Ca Nị Sắc CaLong vươngxây Chùa dựng Tháp để Long vương đừng gây tai họa làm khổ dân chúng nữa. Nguyên tác nói “hoằng tế” là chỉ việc này.

Thích Như Điển dốt quá không hiểu nên dịch bậy là “hoằng truyền Phật Pháp”.

Sau cùng, Thích Như Điển nói “chùa viện và bảo tháp sáu bị hư biến thành bảy”.

Ô hô, hư kiểu nào đây, Thích Như Điển? Hư mà sao 6 lại biến thành 7 đây? Thiệt đúng là “bất khả tư nghì”! Có lẽ từ đây phải gọi Thích Như Điển là “Thích sáu thành bảy”!

~ Nguyên tác: “Ca Nị Sắc Ca sỉ công bất thành, dục điền Long trì, hủy kỳ cư thất”.

- “Vua Ca Nị Sắc Ca rồi thẹn vì công việc của mình không có kết quả, muốn lấp cái hồ kia đi, hủy diệt nhà cửa ở Long cung”.

Thích Như Điển dịch bậy như sau:

- “Vua Ca Nị Sắc Ca xấu hổchẳng thành công nên muốn trấn hồ rồng nầy để làm chỗ cư ngụ”.

Nguyên tác nói “lấp Long trì”, không nói “trấn hồ rồng” như Thích Như Điển dịch bậy!

Nguyên tác nói “hủy diệt nhà cửa ở Long cung”, Thích Như Điển kém quá nên dịch bậy là “để làm chỗ cư ngụ”! Ai “cư ngụ” đây, Thích Như Điển?

~ Nguyên tác: “Thời bỉ Long vương, thâm hoài chấn cụ, biến tác lão Bà La Môn, khấu vương tượng nhi gián viết”.

- “Bấy giờ Long vương kia thì thâm tâm những canh cánh nỗi kinh sợ cho nên biến hình thành một Bà La Môn già, khấu đầu trước voi của vua mà can rằng....…”.

Thích Như Điển dịch ba láp là:

- “Lúc ấy bị Long Vương nhớ lại chuyện xưa làm chấn động biến thành một người Bà La Môn già lạy vua mà trần tình rằng....…”.

Chữ “Chấn” ở đây nghĩa là “Kinh sợ”, Thích Như Điển dịch bậy là “chấn động”.

Lại nữa Nguyên tác nói “Can gián”, không nói “trần tình” như Thích như Điển dịch sai. Lại nữa, trong dịch văn của Thích Như Điển không thấy con voi của vua ở đâu hết!

~ Nguyên tác:

- “Đại vương túc thực thiện bản, đa chủng thắng nhân, đắc vi nhân vương, vô tư bất phục”.

- “Nhà vua thuở xưa trồng thiện căn, gieo các nhân lành thù thắng nên (kiếp này) được làm Vua cõi người, không ai là không phục!”.

Thích Như Điển dịch bậy là: 

- “Đại Vương ngày xưa đã trồng nhiều căn lành nhiều loại khác nhau cho nên thắng vậy. Được làm vua trên đời, chẳng có ý niệm báo ân”.

Nguyên tác, “đa chủng thắng nhân” nghĩa là “gieo nhiều nhân lành cực tốt đẹp”, câu dễ như vậy mà Thích Như Điển lại dịch là “đã trồng nhiều căn lành nhiều loại khác nhau”.

Chữ “thắng” đi với chữ “nhân” thành “thắng nhân”, nghĩa là “nhân lành cực tốt đẹp”.

Thích Như Điển lại tách ra mà dịch thành một câu rất bậy là “cho nên thắng vậy”.

Còn câu “Được làm vua trên đời, chẳng có ý niệm báo ân” thì tôi chẳng rõ mò ở đâu ra mà tìm không thấy trong nguyên tác! 

~ Nguyên tác:

- “Phù Long giả súc dã, ti hạ ác loại, nhiên hữu đại uy, bất khả lực cạnh; thừa vân ngự phong, đạp hư lí thủy, phi nhân lực sở chế”.

- “Rồng là loài súc vật, ác độc hèn mọn, nhưng uy lớn, không thể lấy sức mà tranh được! Rồng nương mây, cỡi gió, bay trên không, đi xuống nước, không phải sức con ngườithể chế ngự”.

Thích Như Điển lại dịch rất bậy, mà văn viết thì chẳng ra làm sao cả:

- “Phàm là rồng thuộc về loại súc sanh vậy, cũng thuộc loài ác. Vì sao uy lực không đủ để cạnh tranh, như hô phong hoán vũ để có nước mà người thường không làm được”.

Nguyên tác nói Rồnghữu đại uy, bất khả lực cạnh”, nghĩa là “có uy lớn, không thể lấy sức mà tranh được”, Thích Như Điển dịch bậy là “Vì sao không đủ để cạnh tranh”.

Tôi chẳng rõ câu “hô phong hoán vũ để có nước mà người thường không làm được” ở chốn nào ra?

Nguyên tác nói Rồng “nương mây cỡi gió, bay trên không, đi xuống nước”, bởi dốt nên Thích Như Điển dịch bậy như trên!

~ Nguyên tác: “Vương kim cử quốc hưng bình dữ nhất Long đấu, thắng tắc vương vô phục viễn chi uy, bại tắc vương hữu phi địch chi sỉ! Vị vương kế giả, nghi khả qui binh!”.

- “Bây giờ đây nhà vua động dụng quân binh cả nước giao chiến với một Con Rồng, thắng thì nhà vua mất đi cái uy hàng phục các nước phương xa, còn thua thì nhà vua sẽ phải hổ thẹn vì việc không địch lại người! Tôi xin vì nhà vua mà tính kế, nhà vua nên đưa quân trở về!”.

Thích Như Điển dịch ba láp là:

- “Vua bây giờ vừa cầm nước vừa cầm binh cùng chiến đấu với một con rồng, sự thắng chắc thuộc về vua, không còn xa xôi gì nữa. Do vậy mà vua cũng không có gì xấu hổ, cho nên Vua lập kế rút binh”.

Những cái sai trong đoạn trên của Thích Như Điển:

1). Nguyên tác nói “cử quốc” nghĩa là “toàn quốc, cả nước”.

Thích Như Điển dịch thiếu học vấn là “cầm nước”.

2). Nguyên tác nói “thắng tắc vương vô viễn phục chi uy”, vậy mà Thích Như Điển dịch là “thắng chắc thuộc về vua, không còn xa xôi gì nữa”. Thiệt “bất khả tư nghì”!

3). Nguyên tác: “bại tắc vương hữu phi địch chi sỉ! Vị vương kế giả, nghi khả qui binh!”.

Thích Như Điển dịch là “vua cũng không có gì xấu hổ, cho nên Vua lập kế rút binh”. 

3 cái sai trên đây của Thích Như Điển, cứ coi phần dịch của tôi độc giả sẽ thấy ngay!

~ Nguyên tác: “Ca Nị Sắc Ca vương vị chi tòng giả, Long tức hoàn trì, thanh chấn lôi động, bạo phong bạt mộc, sa thạch như vũ, vân vụ hối minh, quân mã kinh hãi”.

- “Vua Ca Nị Sắc Ca chưa chịu nghe theo, Long vương liền trở về Hồ, nổi sấm sét, nổi gió thực lớn, nhổ bật cây cối, cát, đá bay như mưa, mây sương mờ mịt, tất cả binh mã đều khiếp hãi!”.

Đoạn trên Thích Như Điển dịch là: 

- “Về sau trở thành Vua Ca Nị Sắc Ca vậy. Rồng cũng trở lại hồ nghe được âm thanh chấn động, gió mưa cuồn cuộn làm cho cây cối đất đá lung lay, mưa rơi nặng hạt làm binh mã kinh hoàng”.

Những cái bậy của Thích Như Điển trong đoạn dịch trên đây:

1). Nguyên tác là “Ca Nị Sắc Ca vương vị chi tòng giả”.

Thích Như Điển dịch là “Về sau trở thành Vua Ca Nị Sắc Ca vậy”.

2). Nguyên tác viết là “Long tức hoàn trì, thanh chấn lôi động, bạo phong bạt mộc, sa thạch như vũ, vân vụ hối minh”. 

Thích Như Điển dịch hết sức ba láp lếu láo: “Rồng cũng trở lại hồ nghe được âm thanh chấn động, gió mưa cuồn cuộn làm cho cây cối đất đá lung lay, mưa rơi nặng hạt”.

~ Nguyên tác: “Vương nãi qui mệnh Tam Bảo, thỉnh cầu gia hộ, viết:

- Túc thực đa phúc, đắc vi nhân vương, uy nhiếp cường địch, thống Chiêm Bộ Châu kim vị Long súc sở khuất, thành nãi ngã chi bạc phúc dã. Nguyện chư phúc lực ư kim hiện tiền!”. 

- “Nhà vua liền qui mạng Tam Bảo, cầu xin gia hộ, nói rằng:

- Xưa kia tôi trồng nhiều phúc mà được làm vua cõi người, uy phong nhiếp phục tất cả cường địch, thống lãnh Chiêm Bộ Châu, bây giờ bị một con Rồng làm nhục, thực đúng là tôi phúc mỏng. Nguyện các phúc lực của tôi bây giờ hiện ra trước mặt!”.

Thích Như Điển thì dịch bậy bạ như sau:

- “Nhà vua qui y Tam Bảo, thỉnh cầu lực gia hộ cho nên ngay lúc đó có được nhiều phước và được làm vua trên cõi đời. Uy hiếp những cường địch thống lĩnh các bộ châu. Cho nên nay mới đến đảo tìm rồng mà té ra ta là người bạc phước. Nguyện cho các phước đức hiện tiền nếu có thì ở nơi hai vai ta bốc khói lên”.

Những cái dịch bậy của Thích Như Điển:

1). Nguyên tác nói “Túc thực đa phúc, đắc vi nhân vương, uy nhiếp cường địch, thống Chiêm Bộ Châu”.

Thích Như Điển dịch “cho nên ngay lúc đó có được nhiều phước và được làm vua trên cõi đời. Uy hiếp những cường địch thống lĩnh các bộ châu”.

2). Nguyên tác nói “kim vị Long súc sở khuất, thành nãi ngã chi bạc phúc dã”.

Thích Như Điển “Cho nên nay mới đến đảo tìm rồng mà té ra ta là người bạc phước”.

Đến đảo nào ở đây Thích Như Điển?

Câu dịch này chẳng ra đầu cua tai nheo gì cả! Ý đã chẳng ăn nhập gì với nhauvăn thì không không khác chi văn của hạng chẳng học hành chi!

3). Nguyên tác viết “Nguyện chư phúc lực ư kim hiện tiền!”.

Thích Như Điển dịch bậy “Nguyện cho các phước đức hiện tiền nếu có thì ở nơi hai vai ta bốc khói lên”.

Vua Ca Nị Sắc Ca đâu nguyện cho khói bốc lên từ 2 vai, sau lời nguyện thì khói tự bốc lên, Thích Như Điển dốt Hán văn đến thế thời thôi!

~ Nguyên tác: Long vương hoàn tác Bà la môn, trùng thỉnh vương viết:

- Ngã thị bỉ trì Long vương, cụ uy qui mệnh, duy vương bi mẫn, xả kì tiền quá! Vương hàm dục, phú đáo sinh linh, như hà ư ngã, độc gia ác hại? Vương nhược sát ngã, ngã chi dữ vương câu đọa ác đạo! Vương hữu đoạn mệnh chi tội, ngã hoài oán thù chi tâm, nghiệp báo kiểu nhiên, thiện ác minh hĩ.

Vương toại dữ Long minh thiết yếu khế, hậu canh hữu phạm, tất bất tương xả!”.

- “Long vương lại hóa thành Bà La Môn, lại xin với nhà vua:

- Tôi là Long vương ở Hồ kia, sợ oai tới xin qui thuận, xin nhà vua từ bi thương xóttha cho cái lỗi trước đây! Nhà vua dưỡng dục, che chở mọi sanh linh, cớ sao lại ác tâm gia hại mỗi mình tôi? Nếu nhà vua giết tôi thì tôi và nhà vua đều đọa ác đạo! Nhà vua có tội giết hại sanh mạng, tôi cũng mang lòng oán thù, nghiệp báo rõ ràng, thiện ác phân minh!

Nhà vua liền cùng Long vương lập 1 giao ước quan trọng là sau này nếu Long vương lại phạm nữa thì chắc chắn nhà vua sẽ không tha”.

Thích Như Điển dịch:

- “Long Vương biến lại thành Bà La Môn yêu cầu Vua rằng:

Ta là Long Vương của ao kia, xin quy mệnh. Nhưng xin Vua vì lòng từ mà nghĩ về quá khứ, nếu vua muốn các sinh linh được sống lâu sao để cho ta bị sát hại. Nếu Vua muốn sát hại ta, ta sẽ cùng vua bị đọa vào ác đạovua sẽ trở thành đoản mệnh. Ta nhớ lại tâm sợ hãi lo lắng kia vì nghiệp báothiện ác sẽ rõ ràng. Vua lùi bước và rồng minh thị rằng nếu ai phạm thì không xứng đáng”. 

Những cái sai của Thích Như Điển trong đoạn trên:

1). Nguyên tác viết “duy vương bi mẫn, xả kì tiền quá!”.

Thích Như Điện dịch rất sai lạc là “xin Vua vì lòng từ mà nghĩ về quá khứ”.

2). Nguyên tác: “Vương hàm dục, phú đáo sinh linh, như hà ư ngã, độc gia ác hại?”.

- “Nhà vua dưỡng dục, che chở mọi sanh linh, cớ sao lại ác tâm gia hại mỗi mình tôi?”. 

Thích Như Điển dịch bậy là:

- “nếu vua muốn các sinh linh được sống lâu sao để cho ta bị sát hại”.

3). Nguyên tác viết rõ ràng:

- “Vương nhược sát ngã, ngã chi dữ vương câu đọa ác đạo! Vương hữu đoạn mệnh chi tội, ngã hoài oán thù chi tâm, nghiệp báo kiểu nhiên, thiện ác minh hĩ!”. 

- “Nếu nhà vua giết tôi thì tôi và nhà vua đều đọa ác đạo! Nhà vua có tội giết hại sinh mạng, mà tôi cũng mang lòng oán thù, nghiệp báo rõ ràng, thiện ác phân minh!”.

Nguyên tác nói vua “có tội giết hại sinh mạng”, câu rất dễ hiểu, vậy Thích Như Điển lại dịch rất bậy là “vua sẽ trở thành đoản mệnh”.

Nguyên tác nói “ngã hoài oán thù chi tâm, nghiệp báo kiểu nhiên, thiện ác minh hĩ!”.

- “tôi cũng mang lòng oán thù, nghiệp báo rõ ràng, thiện ác phân minh”.

Chữ “hoài” ở đây nghĩa là “ôm, mang”, Thích Như Điển lại hiểu là “nhớvì vậy mới dịch rất bậy là “Ta nhớ lại tâm sợ hãi lo lắng”.

Ngoài ra, “oán thù” mà Thích Như Điển dịch là “sợ hãi lo lắng” thì quả là hết ý kiến!

4). Nguyên tác:

- “Vương toại dữ Long minh thiết yếu khế, hậu canh hữu phạm, tất bất tương xả!”.

- “Nhà vua liền với Long vương lập 1 giao ước quan trọng là sau này nếu Long vương lại phạm nữa thì chắc chắn nhà vua sẽ không tha”.

Thích Như Điển lại dịch rất ngu ngơ, chẳng ra đầu cua tai nheo gì cả:

- “Vua lùi bước và rồng minh thị rằng nếu ai phạm thì không xứng đáng”. 

~ Nguyên tác:

- “Vương kim cánh lập già lam, bất cảm tồi hủy. Mỗi khiển nhất nhân hậu vọng sơn lãnh, hắc vân nhược khởi, cấp kích kiên trùy, ngã văn kỳ thanh, ác tâm đương tức!

Kỳ vương ư thị canh tu già lam, kiến toát đổ ba, hậu vọng vân khí ư kim bất tuyệt”. 

- “Bây giờ nếu nhà vua có xây dựng Chùa chiền, tôi không dám phá hủy nữa! Xin nhà vua sai 1 người (thường) quan sát đỉnh núi, hễ thấy mây đen nổi lên thì mau mau gióng trống, khua chiêng! Tôi mà nghe tiếng này thì ác tâm liền dứt!

Nhà vua do đó cho sửa sang lại Chùa, xây Tháp Phật, cho người quan sát hơi mây, sự việc này cho đến nay vẫn không dứt”. 

Thích Như Điển dịch bậy là:

- “Nay vua làm chùa, đừng hủy hoại nữa. Mỗi người chúng ta nên trở về núi, nếu có mây đen nổi lên thì nên thối lui. Ta nghe tiếng rằng do tâm ác kia mà vua này tu phước kiến tạo Già Lam, Bảo Tháp, hầu muốn mưa gió không dứt”. 

Những cái sai của Thích Như Điển trong đoạn trên:

1). Nguyên tác:

- “Vương kim cánh lập già lam, bất cảm tồi hủy!”.

- “Bây giờ nhà vua có xây dựng Chùa chiền, tôi không dám phá hủy nữa!”.

Thích Như Điển lại dịch quá bậy là: 

- “Nay vua làm chùa, đừng hủy hoại nữa!”.

2). Nguyên tác:

“Mỗi khiển nhất nhân hậu vọng sơn lãnh, hắc vân nhược khởi, cấp kích kiên trùy, ngã văn kỳ thanh, ác tâm đương tức!”.

- “Xin nhà vua sai một người (thường) quan sát đỉnh núi, hễ thấy mây đen nổi lên thì mau mau gióng trống, khua chiêng! Tôi mà nghe tiếng này thì ác tâm liền dứt!”.

Thích Như Điển dịch vừa bậy lại vừa thiếu :

- “Mỗi người chúng ta nên trở về núi, nếu có mây đen nổi lên thì nên thối lui”.

Thích Như Điển dịch thiếu các câu:

- “cấp kích kiên trùy” và “ngã văn kỳ thanh ác tâm đương tức”.

< Câu đầu tiên>: “Mỗi khiển nhất nhân hậu vọng sơn lãnh” mà Thích Như Điển dịch là “Mỗi người chúng ta nên trở về núi” thì tội lỗi quá!

Thích Như Điển dịch mà đầu óc rỗng tuếch, không rỗng thì cũng đặc sệt, chẳng có đến suy nghĩ, dịch “nếu có mây đen nổi lên thì nên thối lui”. Ai thối lui đây?

3). Nguyên tác:

- “Kỳ vương ư thị canh tu già lam, kiến toát đổ ba, hậu vọng vân khí ư kim bất tuyệt”.

- “Nhà vua do đó sửa sang lại Chùa, xây Tháp Phật, cho người quan sát hơi mây, sự việc này cho đến nay vẫn không dứt”.

(Nói “sự việc nàytức chỉ việc “quan sát hơi mây”).

Thích Như Điển lại dịch bậy không thể tưởng được là:

- “Ta nghe tiếng rằng do tâm ác kia mà vua này tu phước kiến tạo Già Lam, Bảo Tháp, hầu muốn mưa gió không dứt”.

~  Nguyên tác

- “Văn chư tiên chí:

< Toát đổ ba trung hữu Như Lai cốt nhục Xá lợi, khả nhất thăng dư, thần biến chi sự nan dĩ tường thuật! Nhất thời trung toát đổ ba nội hốt hữu yên khởi, thiểu gian tiện xuất mãnh diệm, thời nhân vị toát đổ ba dĩ tòng hỏa tận. Chiêm ngưỡng lương cửu, hỏa diệt yên tiêu nãi kiến xá lợi, như bạch chu phan, tuần hoàn biểu trụ, uyển chuyển nhi thướng, thăng cao vân tế, oanh tuyền nhi há >”.

- “[Tôi] nghe các Ghi chép đời trước kể rằng:

< Trong ThápXá lợi của xương, thịt Như Lai, lượng cũng đến hơn một thăng! Các việc thần kỳ, biến hóa của những Xá lợi này (rất nhiều), khó mà kể cho hết! Có một lúc trong Tháp này bỗng đâu có khói bốc lên, (để rồi) một lúc không lâu sau đó thì lửa bốc cháy bừng bừng! Lúc ấy, người ta cho là Tháp đã bị lửa thiêu ra tro. (Mọi người) đứng coi một hồi thật lâu, tới chừng khói tan, lửa tàn mới thấy Xá lợi (phát ra ánh sáng, tạo thành một phiến trắng) như một lá cờ màu ngọc trai trắng, lượn vòng quanh cây cột ở phía ngoài [Chùa], uyển chuyển vút lên tận ven mây, bay lượn vòng vòng giữa khoảng không rồi hạ xuống >”.

Thích Như Điển dịch như sau:

- “Nghe tục lệ chép lại rằng: Nơi bảo tháp kia có nhục cốt xá lợi của Như Lai có thể hơn một thăng, biến hóa vô cùng khó nói hết được, có lúc ở trong tháp nầy có khói phát ra, từ cửa nhỏ phát ra khói lớn . Lúc đó có người nghi rằng tháp kia tự bốc cháy. Chiêm ngưỡng lâu thì lửa tắt khói tiêu. Lại thấy Xá Lợi trắng như lưu ly trở vào nơi bátthăng lên không trung, thăng lên trên cao rồi hạ xuống trở lại”.

 

Những cái sai của Thích Như Điển trong đoạn dịch trên đây:

1). Nguyên tác: “Văn chư tiên chí viết:”. ([Tôi] nghe các Ghi chép đời trước kể rằng:).

Thích Nhi Điển dịch bậy là: “Nghe tục lệ chép lại rằng:”.

2). Nguyên tác nói khói từ bên trong Tháp “bỗng đâu” (hốt) bốc lên.

Thích Như Điển dịch thiếu chữ “hốt” này.

3). Nguyên tác nói “một lúc không lâu” (thiểu gian).

Thích Như Điển dịch thiếu 2 chữ “thiểu gian” này.

4). Nguyên tác nói “thời nhân vị toát đổ ba dĩ tòng hỏa tận”.

Thích Như Điển dịch bậy là “Lúc đó có người nghi rằng tháp kia tự bốc cháy”.

Nguyên tác không có chữ nào có nghĩa là “nghi rằng”, cũng không có câu nào kể rằng Tháp “tự bốc cháy” cả!

5). Câu “từ cửa nhỏ phát ra khói lớn” của Thích Như Điển không rõ dịch từ cõi nào?

Trong nguyên tác không có chữ nào là “cửa nhỏ” hết!

6). Thích Như Điển dịch “Chiêm ngưỡng lâu”.

Tiếng Việt Thích Như Điển còn chưa rành thì nói chi đến chữ Hán!

Trong tiếng Việt, không ai nói là “chiêm ngưỡng một đám cháy”, hoặc “chiêm ngưỡng một đám đánh nhau” cả! Nếu có, cũng chỉ một mình Thích Như Điển nói!

7). Nguyên tác: “nãi kiến xá lợi, như bạch chu phan, tuần hoàn biểu trụ”.

Câu này Thích Như Điển dịch bậy là: “Lại thấy Xá Lợi trắng như lưu ly trở vào nơi bát”.

Nguyên tác không có chữ nào là “lưu ly”, cũng không có chữ nào là cái “bát” cả!

8). Nguyên tác: “tuần hoàn biểu trụ” (lượn vòng quanh cây cột ở phía ngoài [Chùa]).

Thích Như Điển dịch thiếu câu này!

Tạm kết.

Qua mấy chục trang phê bình trên đây độc giả có thể - chắc thì đúng hơn, về trình độ Hán văn của Thích Như Điển.

(1). Phiên âm.

Phiên âm Hán Việt thì “Chữ Tác đánh ra chữ Tộ, chữ Ngộ độ ra chữ Quá” - tóm lại là những lỗi loại “Lỗ Ngư, Hợi Thỉ”, nhìn lộn chữ này qua chữ kia, rồi thấy khá nhiều trong bản dịch của Thích Như Điển.

(2). Phiên dịch.

Phiên dịch thì dịch thiếudịch sai thì tràn lan trong bản dịch của Thích Như Điển.

~ Dịch thiếu, vì trình độ Hán văn của Thích Như Điển rất thấp, chỗ nào không hiểu - và liệu là dịch ẩu không được, thì Thích Như Điển lờ luôn không dịch.

~ Dịch sai vì hiểu chưa tới mà cứ tưởng là đã hiểu tới, do đó dịch sai.

Đại khái có thể liệt Thích Như Điển vào hạng mà Phật gọi là “tăng thượng mạn”.

Ngoài ra, qua những đoạn, những câu, những chữ dịch thiếu - và tất cả đều liên quan những sự, những vật, những việc........... rất thông thường, rất giản dị - thấy dài dài và rất nhiều trong bản dịch của Thích Như Điển - tôi có điều ngờ rằng Thích Như Điển đã không dịch cuốn “Đại Đường Tây Vực Ký” từ nguyên tác Hán văn như ông ta đề rõ ở đầu bản dịch: “Thích Như Điển dịch từ chữ Hán sang tiếng Việt”. 

Trong “Lời tựa” cho bản dịch “Đại Đường Tây Vực Ký”, Thích Như Điển viết:

- “Quý vị đang cầm trên tay quyển “Đại Đường Tây Vức Ký” được chuyển dịch từ chữ Hán sang tiếng Việt là do kết quả của sự miệt mài dịch thuật của chúng tôi từ ngày 24 tháng 10 năm 2003 đến ngày 10 tháng 12 năm 2003 tại Tu Viện Đa Bảo, Úc Đại Lợi nhân mùa nhập thất lần đầu tại đây.

Xin tạ ơn Tam bảo đã soi chiếu cho chúng con để lần dò từng câu văn từng ý chữ mà ngài Huyền Trang, mọt bậc danh tăng đời Đường đã thể hiện trọn vẹn hết tâm ý khi đi chiêm bái, học hỏi và ghi lại nơi Thánh Địa ròng rã 17 năm trời...…”.

............ ......... ......... ......... ......... .........…

Chúng tôi được một điều là biết thêm tiếng Nhật, cho nên việc tra cứu có phần dễ hơn một ít. Riêng chữ Hán nào không rõ thì phải tra tự điển cùng với Thầy Đồng Văn để làm cho rõ nghĩa trước khi dịch. Thầy Đồng Văn biết nhiều chữ Hán và đã tốt nghiệp Tiến Sĩ Phật HọcẤn Độ năm 2001 tại Đại Học New Delhi nên những phong tục tập quán và địa danh Thầy ấy tương đối rành rẽ.

Sau khi dịch xong chúng tôi trao qua Hòa Thượng Thích Bảo Lạc, bào huynh của tôi cũng đã tốt nghiệp Đại Học Phật Giáo Thiền Tào Động (Komazawa) tại Nhật để xem lại cho thật kỹ một lần nữa, trước khi cho in thành sách. Cho nên có thể tin tưởng thêm một phần lớn của dịch phẩm này. Thêm vào đó, Hạnh Giới là đệ tử xuất gia của tôi cũng mới vừa tốt nghiệp Tiến Sĩ Triết Học về Tôn GiáoNgôn Ngữ Học tại Đại Học Hannover, Đức Quốc cũng đã phụ lực trong việc đánh máy, tham cứu bài vở.......…”.

(Trang 1 và trang 8).

Tôi không rõ Tam Bảo nào lại chứng cho những kẻ như bộ 4 Thích Như Điển trên đây!

Không cố gắng học hỏi, trình độ kém cỏi, và cũng chỉ vì háo danh mà đi làm một việc vượt quá khả năng mình rất xa, tôi tới không rõ Tam Bảo nào mà chứng cho những hạng như thế! Cũng chẳng khác nào không tu mà muốn Phật độ về cõi Diệu Độ!

Muốn được Tam Bảo chứng cho trong những việc làm như dịch bộ “Tây Vực Ký” này thì cố học thêm Hán văn thật nhiều nữa, Thích Như Điển!

Được 2 ông Tiến Sĩ Phật Học, 1 ông Tiến Sĩ Ngôn Ngữ Học trợ giúp vậy mà kiến thức Nội học căn bản trong bản dịch thì quá tệ, Văn chương của bản dịch thì lộn xà lộn xộn như một đống xà bần, ngây nga ngây ngô, viết như 1 kẻ mê sảng, đọc đến nhức đầu!

~ Cuối bài “Lời tựa” cho bản dịch của mình Thích Như Điển có ghi lại mấy câu in rất là đậm như sau:

Dịch Kinh công đức thù thắng hạnh

Vô biên thắng phước đều hồi hướng

Khắp nguyện chúng sanh trong Pháp Giới

Đều được vãng sanh về Cực Lạc

~ Một bản dịch tồi tệ như bản dịch đây của Thích Như Điển mà Thích Như Điển còn nói bản dịch của mình là “công đức thù thắng hạnh”, là “vô biên thắng phước”! Ô hô! Thích Như Điển đúngvô minh, không phân biệt đâu là “Tội / Phước”! Tôi biết chắc bản dịch bộ “Tây Vực Ký” này đưa về Chùa Viên Giác chắc Thích Như Điển tha hồ mà khoe khoang “tài” (ngu dốt) Hán văn của mình!

Thích Như Điển rồi làm nhục vị Tổ của Duy Thức tông với một bản dịch tồi tệ như vậy!

Với một bản dịch vừa sai vừa lầm, vừa thiếu sót như bản dịch của Thích Như Điển đây Phật tử Chùa Viên Giác - đây là chưa nói những người khác nữa, đọc rồi sẽ ôm trọn những sai, lầm đó! Vậy mà, Thích Như Điển còn dám mở miệng tự ca tụng một cách xấc láo là mình có “thắng hạnh”, “thắng phước”. 

Thích Như Điển đúng là mù mờ thế nào là “Tội”, thế nào là “Phước”!

Hay là Thích Như Điển nghĩ “chư pháp đoạn diệt” để tha hồ viết bậy, lấy tiền bỏ túi!

Các đệ tử thân tín của Thích Như Điển, những người còn tin theo Thích Như Điển, nếu có tài, cứ thử chỉ ra chỗ nào tôi phê bình Thích Như Điển là sai!

Bản dịch của Thích Như Điển đã là một “Vọng tả”.

Bây giờ, với mấy câu nói trên mà Thích Như Điển đổi lại vài chữ từ Bài “Hồi hướng để khen công đức của mình thì ở đây Thích Như Điển lại chuốc thêm một cái “VỌNG” nữa là “Vọng ngữ”!

~ Mùa “Kết Chếsắp tới đây, ngày “Tự Tứsắp tới đây, không rõ là Thích Như Điển có nêu 2 cái lỗi này của mình cho người khác thấy, để sám hối cái tội trong “Tam sự”, về cái “Vọng” trên đây của mình không? “Hồi đầu thị Ngạn”.

*

Xuất.

Tôi có một cái nhìn về con người Thích Như Điển, nhìn từ một vài góc độ khác nhau. 

Về Thích Như Điển, chủ chùa Viên Giác, thì phải nói là phê bình đã bao nhiêu năm nay trong lãnh vực Hán học, đặc biệtCổ học, tôi chưa từng thấy một kẻ nào mà trình độ Hán văn lại tồi tệ và cực kỳ ngu dốt như Thích Như Điển, chủ Chùa Viên Giác đây!

Bất cứ người biết Hán văn nào khi đối chiếu nguyên tác “Đại Đường Tây Vực Ký” và bản dịch của Thích Điển cũng phải kinh hãi vì một bản dịch tràn lan những cái lếu láoba láp! Và hơn nữa, không phải lâu lâu mới gặp, ở mỗi một trang, mỗi một đoạn những cái ba láp, lếu láo, ngu dốt...... thôi thì cứ tràn lan!

Về kiến thức thế tục, với một kẻ tu như Thích Như Điển thôi thì tạm không nói, nhưng về kiến thức Phật học thì ngay cả những kiến thức căn bản Thích Như Điển đến cũng mù mờ, ù ù cạc cạc, điều này thì không thể không nói!

Về điểm sau này, ở đây tôi gom lại những điều bất thông Phật học của Thích Như Điển trong những trang phê bình ở trước để tiện cho độc giả theo dõi .

(1). Lục Trai. [37 / 39].

~ “Phàm thử tam vật, mỗi chí Lục Trai, pháp tục hàm hội, trần thiết cung dưỡng! Chí thành sở cảm, hoặc phóng quang minh”.

- “3 vật quí này, cứ đến ngày Lục Trai thì tăng cũng như tục đều tụ hội lại đem ra bày để mọi người cúng dường! Và rồi, do lòng chí thành cảm ứngcó lúc những vật này phát ra ánh sáng!”.

Lục Trai là 6 ngày chay trong tháng, là các ngày mồng 8, 14, 15, 23, 29, 30 âm lịch.

Phật tử cho rằng 6 ngày này là 6 ngày Tứ Thiên Vương đi quan sát việc thiện, ác của loài người, và cũng là những ngày ác quỉ đi dò xét nhân gian. Bởi thế trong 6 ngày này thì phải cẩn thận trong mọi hành vi.

Thích Như Điển dịch đoạn dẫn trên như sau:

- “Ba vật quý này mỗi năm đến kỳ tế lễ chư Tăng đem trần thiết trang hoàng để cúng dường. Vì sự chí thành cảm ứng nên răng đã phóng quang”.

Cứ như câu dịch của Thích Như Điển trên đây thì rõ ràng ông chủ Chùa Viên Giác đã dịch 2 tiếng “Lục Traihết sức ngu dốt là “kỳ tế lễ chư tăng”.

(2). Vô già Đại hội. [47 / 50, 56].

~ “Kỳ vương mỗi thử thiết Vô già Đại hội, thượng tự thê tử, hạ chí quốc trân, Phủ khố khuynh, phục dĩ thân thí!”. 

[Tây Vực Ký. Qu. I. Phạm Diễn Na Quốc. Đại Lập Phật cập Ngọa Phật Tượng].

- “Vua xứ này thường cử hành Đại hội Vô già, trên từ vợ con, dưới đến những vật quí của Quốc gia, chẳng những các Kho của các Phủ đã dốc hết ra còn lấy thân mình để bố thí!”.

Vậy mà Thích Như Điển dịch bậy là:

- “Vua nước này thường thiết lễ cầu siêu. Trên từ vợ con, dưới đến thần dân đều lấy của trong kho của Vua, đem ra bố thí”.

Cầu siêu cho ai đây, Thích Như Điển?

Đại Hội Vô GiàPháp Hội bố thí, Thí Tài, Thí Pháp, và bình đẳng thí, mở rộng lòng với tất cả mọi người, không phân biệt hiền thánh, đạo tục, giàu nghèo, trên dưới.… tức bố thí mà lòng không bị che chướng (vô già) bởi tâm phân biệt!

Thời cổ ở Ấn Độ thường cử hành Đại Lễ này.

Trong khi đó Trung Quốc Pháp Hội này được cử hành lần đầu tiên vào năm đầu tiên Niên hiệu Đại Thông (527 - 529) dưới triều Lương Vũ đế (464 - 549; tại vị: 502 - 549).

Vô Già Đại Hội, Phạn ngữ Pañcapariṣad, Pañcavarṣika-pariṣad

Hán Việt phiên âm là Bát Chà Vu Sắt

Thích Như Điển tu bao nhiêu năm mà không biết “Vô Già Đại Hội” là gì, chuyện này có ai tưởng ra nổi không? Có đọc Kinh Viên Giác, Kinh Lăng Nghiêm không đây?!

Thiệt là “bất khả tư nghì”! 

(3). Thân Thí [47 / 50].

Lại nữa, đoạn trên có câu “thân thí” - nghĩa là “lấy thân mình bố thí”, bởi không hiểu 2 tiếng này Thích Như Điển cho nên chỉ dịch là “đem ra bố thí”. Thích Như Điển có đọc Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Pháp Hoa không đây mà không hiểu tiếng “thân thí”?

~ Ở một đoạn khác: “...... thiết Vô già Đại hội”, nghĩa là “...... cử hành Đại hội Vô già”.

[Tây Vực Ký. Qu. I. Ca Tất Thí Quốc].

Thích như Điển dịch câu trên là: “thường chẩn tế để cứu độ sanh linh”.

(4). Kiếp Sơ. [trang 51 / 53].

~ “Hữu tăng già lam, trung hữu Phật xỉ cập kiếp sơ thời Độc giác xỉ...…”.

[Tây Vực Ký. Qu. I. Phạm Diễn Na Quốc. Tiểu Xuyên Trạch Tăng Già Lam].

- “Tại đây có ngôi Chùa, trong Chùa có răng của Độc giác từ thời rất lâu xa...…”.

Thích Như Điển đã dịch thiếu: “có một cảnh chùa khác giữa chùa có thờ Răng Phật, và thờ Răng Phật của Bích Chi”. Tức không dịch tiếng “Kiếp Sơ”, nói rõ ra là không hiểu!

Từ thời rất lâu xa, nguyên tác là “Kiếp Sơ”, cũng phiên âm từ Phạn ngữ là “Kiếp Ba”. 

Phạn ngữ là “Kalpa”, tiếng Pali là “Kappa”, chỉ khoảng thời gian rất dài, không thể dùng năm tháng mà tính được. Do đó cũng được dịch là “Đại Thời”.

Kiếp Sơ có nghĩa là lúc Kiếp mới thành lập, tức chỉ Thế Giới lúc mới thành hình, ở đây phiếm chỉ thời cực cổ, cực lâu xa.

Đinh Phúc Bảo viết trong “Phật Học Đại Từ Điển”:

-“[Kiếp Sơ]. (Tạp danh). Thành kiếp chi , thành thử thế giới chi sơ dã.

Quán Vô Lượng Thọ Kinh viết: ‘Kiếp sơ dĩ lai hữu chư ác vương’”.

- “[Kiếp Sơ]. (Tạp danh). Lúc mới thành kiếp, (lúc mới) thành thế giới này.

Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: ‘Từ kiếp sơ (thuở lâu xa) đến nay có những vua ác’”.

Kinh Hoa Nghiêm:

Tỷ như Kiếp Sơ vân thụ vũ,

Nhi khởi tứ chủng Đại phong luân.

Hoa Nghiêm Kinh. Như Lai xuất hiện phẩm 37 /.

Như thời Lâu Xa mưa nhuận vật,

Mà khởi bốn loại Đại phong luân.

Thụ vũ, chữ “Thụ” cũng đọc âm “Chú”.

Mưa nói ở đây là nói trận mưa trước lúc vạn vật trên trái đất này sinh.

Vào thuở lâu xa, lúc vạn vật sắp sinh, sấm sét dậy đầy không gian, kích xúc, tác động làm nảy những mầm sống đầu tiên, liền sau đó là mưa lớn tối tăm trời đất liên miên đổ xuống trong một thời gian dài để thấm nhuần, dưỡng những mầm sống đầu tiên đó.

Những bậc giác ngộ thời xưa đã “quán” được hiện tượng này.

Cơn Mưa Kiếp Sơ này cũng thấy trong Dịch Kinh:

Quẻ Truân (Khảm / Chấn), Tượng Quẻ:

Ở trên là quẻ Khảm (là Mây, là Mưa, là Nước).

Ở dưới là quẻ Chấn (là Sấm sét) ở dưới.

Sấm sét, mây mưa tối tăm trời đất, nước dâng tràn, đây là tình cảnh

- “Truân, cương nhu thủy giao nhi nạn sinh, động hồ hiểm trung...... Lôi, chi động mãn doanh, thiên tạo thảo muội......”. (Truân. Thoán Từ).

- “Quẻ Truân, CươngNhu mới giao nhauhiểm nạn nảy sinh, động giữa cảnh Hiểm...... Sấm sétMưa dậy đầy không gian, trời đất mờ mịt...… ”.

2 chữ “Cương, Nhu” trên đây chỉ 2 Quẻ Càn / Khôn, 2 Quẻ đầu tiên của Kinh Dịch, và ở đây chỉ thuở đầu tiên của vạn vật, thuở Kiếp Sơ

Quẻ Truân là Quẻ thứ 3, tiếp sau 2 Quẻ Càn (Càn / Càn) và Khôn (Khôn / Khôn).

Cảnh Sấm sét, mây mưa tối tăm trời đất trong Quẻ Truân chỉ cảnh “Vân thụ vũ” đề cập trong Hoa Nghiêm Kinh

(5). Thân. [51 / 54].

~ “Thừa tư phúc lực ư ngũ bách thân trung ấm, sinh ấm hằng phục thử y!”.

[Tây Vực Ký. Qu. I. Phạm Diễn Na Quốc. Tiểu Xuyên Trạch Tăng Già Lam].

- “Nhờ phước lực này mà trong năm trăm đời các thân trung ấm, sinh ấm thường mặc thứ áo này!”.

Thích Như Điển lại dịch “ngũ bách thân” là “năm trăm lần”.

(6). Tập Định. [61 / 65].

~ “Già lam Bắc lãnh thượng hữu sổ thạch thất, Chất tử tập định chi xứ dã”.

[Tây Vực Ký. Qu. I. Ca Tất Thí Quốc. Chất Tử Già Lam].

- “Trên núi phía Bắc của Chùa có mấy căn nhà đá, là nơi các Con tin tập thiền định” 

Thích Như Điển dịch như sau:

- “Phía bắc Già Lam nầy có núi cao, và trong núi ấy có nhiều phòng ốc bằng đá, dùng để học tập”.

Thích Như Điển làm thế nào đến đỗi mù mờ không biết 2 tiếng “Tập Định” nghĩa là gì?

(7). Dược Xoa. [trang 61 / 66].

~ “... kì trung đa tàng tạp bảo. Kì trắc hữu minh: “Dược Xoa thủ vệ”. Hữu dục khai phát thủ trung bảo giả, thử Dược Xoa thần biến hiện dị hình...…”.

[Tây Vực Ký. Qu. I. Ca Tất Thí Quốc. Chất Tử Già Lam].

- “.…trong các căn nhà đá này cất giữ nhiều loại vật quí. Bên cạnh (những thứ này) có khắc: “Dược Xoa thủ vệ”. Nếu có người nào muốn mở cửa nhà đá lấy bảo vật thì Thần Dược xoa này biến hiện nhiều hình tướng kỳ dị...…”.

Thích Như Điển dịch cực kỳ “thất tu”, và thất học, như sau:

- “Ở trong nầy cũng bảo tồn những loài thuốc quý, nếu có ai muốn khai quật lấy đi bảo vật, thì thuốc nầy sẽ được biến hiện khác hình”.

Tôi đến không rõ Thích Như Điển tu hành thế nào, đọc Kinh Điển Phật giáo thế nào mà đến đỗi không biết được “Dược xoa” tức “Dạ xoa”, để rồi phóng tay dịch bậy, dịch bạ như hạng “thất tu”, thất học ngu si, dịch tiếng “Dược xoa” là “loài thuốc quý”!

Tôi đến chẳng rõ 2 ông Tiến sĩ Phật học Thích Bảo Lạc và Thích Đồng Văn trợ dịch ra làm sao, “xem lại cho thật kỹ một lần nữa, trước khi cho in thành sách” như thế nào mà để cho Thích Như Điển viết bậy viết bạ chẳng khác chi một phàm phu ngu dốt. 

Phải nói như vậy, vì đối với tăng sĩ Phật giáo cái SAI này không thể chấp nhận được!

Đinh Phúc Bảo (1874 - 1952) viết trong “Phật Học Đại Từ Điển”:

- “[Dạ Xoa]. (Dị loại). Yakṣa. Hoặc viết Duyệt xoa, tân tác Dược xoa, Dạ khất xoa, dịch ngôn “năng cảm Quỉ”, Tiệp tật Quỉ, Dũng kiện, Khinh tiệp, Bí mật đẳng.

Huyền Ứng Âm Nghĩa tam viết:

~ Duyệt xoa hoặc vân Dạ xoa giai ngoa dã, chính ngôn Dược xoa! Thử dịch vân ‘năng cảm Quỉ’ vị thực cảm nhân dã! Hựu vân ‘thương’ giả, vị năng thương hại nhân dã”.

- “[Dạ Xoa]. (Dị loại). Yakṣa. Cũng có các danh xưng như Duyệt xoa, tên mới gần đây được viết là Dược xoa, Dạ khất xoa, ngữ dịch là “Quỉ ăn thịt”, Tiệp tật Quỉ, Dũng kiện, Khinh tiệp, Bí mật.

Sách “Huyền Ứng Âm Nghĩa”, Quyển III, viết:

~ Duyệt xoa, hay gọi Dạ xoa, đều sai, đúng gọi là Dược xoa! Phần ngữ dịch này gọi là ‘Quỉ ăn thịt’ (‘ăn thịt’ đây) ý nói ‘ăn thịt người’! Cũng lại nói là ‘(năng) thương (Quỉ)’, ý nói làm ‘thương tổn, hại người’.”.

Bộ “Phật Học Đại Từ Điển” nói trên còn trưng dẫn một số Kinh Điển Phật giáo nói về loài “Dược xoa” nhưng như thế đã đủ cho mọi người thấy cái dốt của Thích Như Điển!

(8). Diệu Sắc Thân. [trang 61 / 66].

~ “Bồ Tát tòng kỳ tượng trung hiện Diệu Sắc Thân...…”.

[Tây Vực Ký. Qu. I. Ca Tất Thí Quốc. Chất tử Già lam].

- “Bồ Tát liền từ trong tượng (này) hiện ra Diệu Sắc Thân...…”.

Thích Như Điển dịch là “Bồ Tát từ nơi tượng nầy phát xuất ra những màu sắc vi diệu”.

Tiếng “Diệu Sắc Thân mà Thích Như Điển dịch những màu sắc vi diệu” thì quả thực đúng là “bất khả tư nghì”!

Một Phật tử bình thường có đọc chút ít cũng hiểu nghĩa Diệu Sắc Thân là gì.

Vậy mà một kẻ tu bao nhiêu năm nay, bây giờ lại trụ trì chùa, như Thích Như Điển đây lại ù ù cạc cạc về Diệu Sắc Thân, ô hô, mạt Pháp, mạt Pháp!!

(9). Thắng Nhân. [trang 72 / 83].

~ “......... Đại vương túc thực thiện bản, đa chủng thắng nhân, đắc vi nhân vương”.

[Tây Vực Ký. Qu. I. Ca Tất Thí Quốc. Đại Tuyết Sơn Long Trì cập Kỳ Truyền Thuyết].

- “......... Nhà vua ngày trước đã trồng thiện căn, gieo nhiều nhân lành cực tốt bởi vậy (kiếp này) được làm vua cõi người”. 

Thích Như Điển dịch câu trên đây:

- “......... Đại Vương ngày xưa đã trồng nhiều căn lành nhiều loại khác nhau cho nên thắng vậy”.

Với câu dịch trên đây thì rõ ràng Thích Như Điển không biết 2 chữ “thắng nhân”, bởi lẽ nếu biết thì đã không dịch bậy, dịch cực kỳ ngu dốt là “cho nên thắng vậy”.

Chẳng ông Tiến sĩ Phật học – kiêm “biết nhiều chữ Hán” Thích Đồng Văn trợ dịch ra làm sao, ông anh Thích Bảo Lạc, cũng Tiến sĩ Thiền học, “xem lại cho thật kỹ” bản dịch như thế nào mà để Thích Như Điển sai tệ hại đến thế!

Đinh Phúc Bảo viết trong Phật Học Đại Từ Điển:

- “[Thắng Nhân]. (Thuật ngữ). Thù thắng chi thiện nhân dã.

Phật Thuyết Vô Thường Kinh viết: “Thắng nhân sinh thiện đạo, ác nghiệp đọa Nê lê”.’.

Dịch:

- “[Thắng Nhân]. (Thuật ngữ). Cái nhân thiện cực tốt.

Phật Thuyết Vô Thường Kinh nói: “Gieo nhân thiện cực tốt thì sanh vào thiện đạo, gieo ác nghiệp thì đọa Địa ngục”.”. 

Sau cùng, nhìn từ góc độ hành văn:

Văn của Thích Như Điển như văn của học trò tiểu học! 

Câu mà câu rồi chẳng thành cú, cứ lủng cà lủng củng, mà rồi nhiều chỗ chẳng ra đầu cua tai nheo gì cả! Muốn chấm lúc nào thì chấm, muốn phết chỗ nào thì phết, loạn cả lên! Ý tưởng do đó lộn xộn, không diễn được những gì nguyên tác tự thuật!

Sở dĩ vậy là vì Hán văn bất thông, cho nên, cứ lúng ta lúng túng, ấp a ấp úng, gỡ mãi không ra!

Đúng như Boileau (1636 - 1711) nói trong “Nghệ Thuật Thi Ca” (L’Art Poétique):

- “Những gì hiểu thấu đáo thì cũng diễn tả được một cách rõ ràng”.

(Ce que l’on conçoit bien s’énonce clairement)! [1674]. 

Con người của Thích Như Điển là như vậy! Bất tài mà háo danh!

Tóm lại, đọc bản dịch “Đại Đường Tây Vực Ký” của Thích Như Điển - với sự trợ dịch của 2 ông Thích Đồng Văn, Thích Hạnh Giới, tôi không thấy gì ngoài một, hai, rồi ba kẻ thất học, và thất tu nữa!

Không phải cứ ôm cái “tờ giấytiến sĩ thì không thể không là kẻ thất học! Hiểu cái Học qua một “tờ giấy”, hoặc năm ba “tờ giấy” đi nữa thì chẳng hiểu chi hết! Bản dịch cuốn “Tây Vực Ký” của bộ baĐiển, Văn, Giới” đây chẳng là một bằng chứng đó sao?

Cũng vậy, mặc “cái áo” thì không hẳn không có thể là kẻ “thất tu” - Kiến thức Căn bản về Nội học của bộ baĐiển, Văn, Giới” đây trong Bản dịch “Tây Vực Ký” đây không là một chứng cứ đó sao? *

Như thị ngã văn, Thích Như Điển nhận tiền của Chính phủ Đức để in ấn, phổ biến các sách liên quan Văn hóa Việt Nam.

như thị ngã kiến, nếu cho in, cho phổ biến những trang sách rác rến như bản dịch Bộ “Đại Đường Tây Vức Ký” này của 3 thầy trò Thích Như Điển, Thích Đồng Văn Thích Hạnh Giới thì Chính phủ Đức nên xét lại tiền mình bỏ ra thực sự phục vụ cho những người tị nạn Việt Nam tại Đức hay không - hay là chỉ chui vào túi những bọn tham “lợi dưỡng” như Phật đã nói trong “Hoa Nghiêm Kinh”, “Pháp Hoa Kinh”.

 

từ trang 01 – đến trang 106
Phân đoạn theo đề nghị của tác giả
Đoạn 3 (từ trang 12 – đến trang 22)

(tiếp theo đoan 2)

Tiếp liền đoạn trên, “Tây Vực Ký” tự thuật về một ngôi Chùa nổi tiếng của Khuất Chi:

- “Hội trường Tây bắc, độ hà chí A Xa Lí Nhị già lam (Đường ngôn kì đặc), đình vũ hiển xưởng, Phật tượng công sức, tăng đồ túc mục, tinh cần phỉ đãi, tịnh thị kì ngải túc đức, thạc học cao tài, viễn phương tuấn ngạn, mộ nghĩa chí chỉ! Quốc vương, đại thần, sĩ thứ, hào hữu tứ sự cung dưỡng, cửu nhi di kính! Văn chư tiên chí viết:

~ Tích thử Quốc tiên vương sùng kính Tam Bảo, tương dục du phương, quan lễ Thánh tích, nãi mệnh mẫu đệ nhiếp tri lưu sự. Kỳ đệ thụ mệnh, thiết tự cát thế, phòng vị manh dã! Phong chi kim hàm, trì dĩ thượng vương.

Vương viết:

< Tư hà vị dã?>.

Đối viết:

< Hồi giá chi nhật, nãi khả khai phát >.

Tức phó chấp sự, tùy quân chưởng hộ.

Vương chi hoàn giả, quả hữu cấu họa giả viết:

< Vương lệnh giám quốc, dâm loạn trung cung >.

Vương văn chấn nộ, dục trí nghiêm hình. Đệ viết:

< Bất cảm đào trách, nguyện khai kim hàm>.

Vương toại phát nhi thị chi, nãi đoạn thế dã! Viết:

< Tư hà dị vật, dục hà phát minh? >.

Đối viết:

< Vương tích du phương, mệnh tri lưu sự, cụ hữu sàm họa, cát thế tự minh. Kim quả hữu trưng, nguyện thùy chiếu lãm! >.

Vương thâm kinh dị, tình ái di long, xuất nhập hậu đình, vô sở cấm ngại.

Vương đệ ư hậu hành, ngộ nhất phu ủng ngũ bách ngưu, dục sự hình hủ. Kiến nhi duy niệm, dẫn loại tăng hoài “Ngã kim hình khuy, khởi phi túc nghiệp?”. Tức dĩ tài bảo thục thử quần ngưu, dĩ từ thiện lực, nam hình tiệm cụ. Dĩ hình cụ cố, toại bất nhập Cung.

Vương quái nhi vấn chi, nãi trần kỳ thủy mạt. Vương dĩ vi kỳ đặc dã, toại kiến Già lam, thức tinh mỹ tích, truyền phương hậu điệp”.

Sđd. Qu. I. Khuất Chi Quốc. A Xa Lí Già Lam cập Kỳ Truyền Thuyết /. 

Thích Như Điển dịch:

- “Từ hội trường tây bắc qua sông đến A Nhã Lý có hai ngôi Già Lam, nơi đây thờ tự Phật tượng rất đẹp đẽ. Tăng tín đồ siêng năng tu học không giải đãi. Họ là những người có đức độ và học vấn cao. Xa xôi cách mấy cũng có nhiều người đến không dừng. Quốc Vương đại thần thứ dân tả hữu luôn luôn có sự tứ cúng dường và có tâm cung kính. Nghe người xưa nói lại rằng Vua đời trước rất sùng kính Tam Bảo, muốn đi chiêm bái các Thánh Tích, nên để cho mẹ và em nhiếp chính. Người em lãnh giữ, nhưng chưa tự phòng được như vua anh, nên có vấn đề. Khi ngài trở về lại chẳng như ý nên Vua đã cho người khác thay thế. Nhưng kết quả của Vua em làm đã tạo nên những việc loạn dâm trong triều đình cung nội. Khi Vua nghe được như vậy liền giận dữ muốn nghiêm phạt. Người em nói rằng: “Em muốn cho Vương Triều phát đạt tạo nên thế lực lớn, mà sanh ra kết quả khác thường như vậy. Có ngờ đâu sanh ra việc ấy”.

Lại nói khi Vua đi du hành để lại những công việc triều chính, mà người em đã làm hại thì kết quả bây giờ đã có nhật nguyệt chiếu soi. Nhà Vua vì tình cảm anh em mà cho vào ra nơi cung đình không có nghiêm cấm. Sau đó Vua em đã tự tiện giết 500 con bò, thấy thế liền nghi mọi việc băng hoại. Chẳng qua là túc nghiệp của ta giống như loài bò nầy, lòng từ thiện mà hy sinh vậy. Những kẻ có hình người nam không được nhập cung. Nhà Vua được điều trần trước sau như vậy; nhưng nhà Vua vẫn đặc biệt cho kiến tạo già lam xây dựng chỗ ở cho Tăng”.

(trang 34, 35). 

Phải nói là tôi phải rùng mình cho một cái sự không biết phải dùng hình dung từ nào để diễn tả cho hết cảm nghĩ của tôi khi duyệt đoạn dịch văn trên đây của ông trụ trì Chùa Viên Giác Thích Như Điển!

Một câu chuyện có đầu có đuôi, mạch lạc đâu ra đó, tự thuật cũng bình dị, bất cứ ai có trình độ trung bình về Hán văn cũng có thể hiểu rõ! Nhưng gặp ông trụ trì này thì thành một đống xà bần, Câu chuyện kể lại trở nên tối tăm, u ám, Thích Như Điển rồi viết như một kẻ mê sảng!

Nói hành văn! Hành làm, là đi, thế nhưng, ở đây Thích Như Điển lại “không đi”, mà oặt òa oặt oại lê lết, đến thảm thương!

Đọc phần dịch của tôi sau đây độc giả sẽ thấy cái mê sảng, cái oặt òa oặt oại của Thích Như Điển, trụ trì Chùa Viên Giác.

Minh Di dịch: 

- “Đi về phía Tây bắc Hội trường, qua sông thì tới Chùa A Xa Lí Nhị (Hán ngữ có nghĩa là kì đặc), Chùa sáng sủa rộng rãi, tượng Phật tạc rất công phu đẹp đẽ, còn tăng chúng thì nét mặt cử chỉ nghiêm trang thư thái, siêng năng tinh tấn [tu tập] không biếng trễ, và tất cả đều là những người già cả nổi tiếng đức độ, học rộng tài cao, (do đó) những bậc tài giỏi xuất chúng ở nơi xa nghe tiếng mà tới thăm Chùa này! Tới cúng dường Tứ Sự như Quốc vương, đại thần, thứ dân, những kẻ giàu cóthế lực, cúng dường lâu dần thì càng thêm tôn kính các vị! [Tôi] nghe các Ghi chép đời trước kể rằng:

~ Xưa kia, vua đời trước Nước này là người sùng kính Tam Bảo, ông ta muốn đi khắp bốn phương chiêm bái các nơi có Thánh Tích nên ra lệnh cho người em cùng mẹ ở lại nắm giữ Chính sự. Em vua tiếp nhận lệnh xong thì kín đáo tự cắt bỏ bộ phận sinh dục của mình, để dự phòng việc không hay sau này! (tự hoạn xong) đem (vật đó) để trong một cái hộp bằng vàng, mang đến dâng lên vua. Vua hỏi:

< Cái này là cái gì?>.

Người em trả lời:

< Ngày nhà vua hồi giá trở lại thì có thể mở ra được! >.

Sau đó tức thời trở về lo việc nước, nắm giữ quân binh.

Lúc vua trở về thì quả nhiên có kẻ muốn gieo họa cho người em, tâu với vua rằng:

< Em của nhà vua nắm giữ việc nước đã làm chuyện dâm loạn trong cung >.

Vua nghe thì nổi giận muốn xử trị nghiêm khắc em mình. Người em nói:

< Tôi không dám trốn tránh trách nhiệm, xin nhà vua mở cái hộp vàng kia ra! >.

Vua liền mở cái hộp đó ra coi, thấy cái bộ phận sinh dục, thì hỏi:

< Cái này là cái vật lạ gì đây? ngươi muốn giở trò gì đây? >.

Người em nói:

< Trước đây nhà vua đi xa, lệnh cho tôi coi giữ việc nước, tôi sợ rồi sẽ bị họa hủy báng nên đã tự hoạn để sự việc tự sáng tỏ! Bây giờ quả nhiên sự việc đã xảy ra xin nhà vua soi xét cho >.

Nhà vua rất lấy làm kinh dị, lòng thương yêu em càng thêm cao, cho phép người em ra vào hậu cung không ngăn cấm, e ngại gì cả!

Về sau, trong một lần đi ra ngoài, người em của vua gặp 1 người lùa 1 đàn500 con đem đi thiến. Thấy thế người em nghĩ lại thân mình mà càng thêm ngậm ngùi: “Bây giờ thân thể ta khiếm khuyết thế này biết đâu chẳng là cái nghiệp của ta từ kiếp trước?”.

Lập tức lấy tiền bạc, vật quí giá mà chuộc đàn bò này! Do cái lực của lòng từ thiện này mà bộ phận sinh dục dần dần phục hồi trở lại như một người đàn ông bình thường!

Đã trở lại 1 người đàn ông bình thường do đó người em không vào cung nữa! Nhà vua lấy làm ngạc nhiên, hỏi thì người em thuật lại đầu đuôi câu chuyện. Nhà vua cho rằng đây một chuyện kỳ lạ, đặc biệt nên cho xây Chùa để tuyên dương việc làm tốt đẹp lưu lại tiếng thơm cho đời sau”.

[Phụ chú.

Tứ sự Cúng dường. Tức 4 thứ cúng dường: Ẩm thực, Y phục, Ngọa cụ, Y dược.

Ngọa cụ tức như mền, chiếu, gối...…tất cả những gì liên quan việc ngủ nghỉ.

Mẫu đệ. Em cùng mẹ sinh ra.

Bộ Từ Vị giảng tiếng mẫu đệ như sau:

- “[Mẫu đệ]. Đồng mẫu sở sinh đích đệ đệ”.

- “[Mẫu đệ]. Em cùng mẹ sinh ra”.

Cát thế. Cắt bộ bộ phận sinh dục, tức hoạn, thiến. Cũng gọi là “Khử thế”.

Từ điển Từ Nguyên giảng chữ “Thế” như sau:

- “[Thế]. …(4). Nam tính sinh thực khí. Thái Bình Ngự Lãm, 648, dẫn Thượng Thư Hình Đức Phóng: “Cát giả, trượng phu dâm, cát kỳ thế dã dĩ!”.

- [Thế]. ... (4). Bộ phận sinh dục của phái nam. Thái Bình Ngự Lãm, [Quyển] 648, dẫn cuốn Thượng Thư vĩ Hình Đức Phóng (nói): “Cắt, đàn ông (mà) dâm dục (thái quá) thì cắt bỏ bộ phận sinh dục của nó đi!”.

Từ điển Từ Hải giải chữ “thế”:

- “[Thế]. Ngoại thận vi Thế”.

- “[Thế]. Ngoại thận gọi là Thế”.

Cuốn Thượng Thư Hình Đức Phóng viết:

- “Cung giả, nữ tử dâm loạn, chấp trí cung trung, bất đắc xuất dã! Cát giả, trượng phu dâm, cát kỳ thế dã dĩ!”.

Vĩ Thư Tập Thành. Thượng Thư Hình Đức Phóng /.

- “Cung, là đàn bà, con gái (mà) dâm loạn thì bắt nhốt trong nhà, không cho ra ngoài! Cắt, là đàn ông (mà) dâm dục (thái quá) thì cắt bỏ bộ phận sinh dục của nó đi!”.

Trung cung. Có 2 cách giải thích:

1). Trong Cung

Trong Hán ngữ, thông thường chữ “trung” khi đi kèm với một danh từ chỉ nơi chốn thì chữ “trung” này đứng sau danh từ đó, chẳng hạn:

- “trong lòng” thì nói “tâm trung”, “trong rừng” thì nói “lâm trung”....…

Thế nhưng, trong Cú pháp Trung Quốc thời tối cổ người ta rất thường nói ngược lại.

Như 2 thí dụ nêu trên người ta lại nói là “trung tâm” và “trung lâm”.

Duyệt qua “Thi Kinh”.

PHONG.

+ Bội Phong (Phong dao nước Bội).

- Chung phong.

Hước lãng tiếu ngạo, (Thoải mái cười vui),

Trung tâm thị đáo. (Trong lòng bi thương).

- Cốc phong.

Hành đạo trì trì, (Chầm chậm đi trên đường),

Trung tâm hữu vi. (Trong lòng ngập ngừng).

 

+ Chu Nam.

- Cát đàm.

Cát chi đàm hề! (Dây leo bò lan)!

Dị vu trung cốc. (Bò lan trong hang).

...........…

Chú thích tiếng “trung cốc”, Chu Hi (1130 - 1200) viết trong “Thi Tập Truyện”:

- “Trung cốc, cốc trung dã”. (Trung cốc, là ở trong động).

- Thố ta.

Túc túc thố ta, (Bẫy thỏ ngay ngắn),

Thi vu trung quì. (Đặt giữa đường lớn).

...........…

Túc túc thố ta, (Bẫy thỏ ngay ngắn),

Thi vu trung lâm. (Đặt ở trong rừng).

Chú thích tiếng “trung lâm”, Chu Hi viết:

- “Trung lâm, lâm trung”. (Trung lâm, là ở trong rừng).

+ Bội Phong (Phong dao nước Bội).

- Thức vi.

Thức vi, thức vi! (Trời chiều, chiều rồi)!

Hồ bất qui? (Sao chẳng về)?

Vị quân chi cố, (Chẳng phải vì ông),

Hồ vi hồ trung lộ? (Sao ta dãi dầu trong sương)?

Chú thích tiếng “trung lộ”, Chu Hi viết:

- “Trung lộ, lộ trung dã”. (Trung lộ, là trong sương).

+ Dung Phong (Phong dao nước Dung).

- Bách chu.

Phiếm bỉ bách chu, (Dạo thuyền gỗ bách kia),

Tại bỉ trung hà. (Ở trong sông kia).

Chú thích tiếng “trung hà”, Chu Hi viết:

- “Trung hà, trung ư hà dã”. (Trung hà, là ở trong sông).

+ Vương Phong (Phong dao nước Vương).

- Trung cốc hữu thôi.

Trung cốc hữu Thôi, (Cỏ Thôi trong hang),

Kỳ kiên hĩ! (Cỏ thôi héo)!

...........…

Trung cốc hữu Thôi, (Cỏ Thôi trong hang),

Hán kỳ túc hĩ! (Thân dài khô héo)!

...........…

Trung cốc hữu Thôi, (Cỏ Thôi trong hang),

Hán kỳ thấp hĩ! (Dầu ẩm cũng héo)

TIỂU NHÃ.

- Tinh tinh giả Nga.

Tinh tinh giả Nga, (Cỏ Nga xanh xanh),

Tại bỉ trung chỉ. (trong cù lao nhỏ).

...........…

Tinh tinh giả Nga, (Cỏ Nga xanh xanh),

Tại bỉ trung lăng. (Trong cái gò kia).

- Thân Nam sơn.

Trung điền hữu lư, (Trong ruộng có nhà),

Cương dịch hữu qua. (Bờ ruộng có dưa).

Ngoài ra, trong thiên “Ly Tao” Khuất Nguyên (343 - 299 tr. Cn) có câu:

Triêu kiển bi chi mộc lan hề, (Sáng nhổ mộc lan trên gò kia),

Tịch lãm trung châu túc mộ. (Chiều hái cỏ bất tử trong cồn).

Vương Dật chú thích tiếng “túc mộ”:

- “Thảo Đông sinh bất tử giả, Sở nhân danh viết túc mộ”.

- “Loài cỏ vào mùa Đông mà vẫn không chết người nước Sở gọi là túc mộ”.

Cũng Khuất Nguyên trong thiên “Viễn du”:

Nhất khí khổng thần hề, (Một khí rất thần kìa),

Ư trung dạ tồn hư dĩ đãi chi hề! (Trong đêm tâm không để tiếp nhận kìa)!

> Mục Thiên Tử Truyện.

Xuy sinh cổ hoàng,

Trung tâm tường tường!

Mục Thiên Tử Truyện. Qu. III /.

Thổi sênh chơi sáo,

Trong lòng lâng lâng! 

Minh Di án:

+ Trung tâm tường tường.

Đỗ Văn Lan (1815 - 1881) trong Tập “Cổ Dao Ngạn” sưu tập Phong dao, Ngạn ngữ cổ của Trung Quốc cũng đã dẫn 2 Câu nói trên từ “Mục Thiên Tử Truyện”, nhưng 2 tiếng “tường tường” ông lại ghi là “ngao ngao”: “trung tâm ngao ngao”.

(Tham khảo: Đỗ Văn Lan, Cổ dao Ngạn. Qu. XV).

2 tiếng “ngao ngao”, “tường tườngdiễn tả tư thế của chim lúc bay.

Chim bay 2 cánh đập lên, đập xuống, gọi là “ngao”, còn 2 cánh xòe ngang bất động gọi là “tường”.

Sau hết, về chữ “trung” đứng trước 1 chữ khác và có nghĩa là “trong”, “ở trong”, ở đây xin dẫn thêm một số thí dụ trong Văn xuôi.

- Trung triều.

Sử gia Tư Mã Thiên (145 - 86 tr. Cn) viết:

- “Kim đại vương trung triều nhi ưu, thần cảm thỉnh kỳ tội”.

 / Sử Ký. Qu. LXXXIX. Phạm Tuy truyện /.

- “Bây giờ đại vươngtrong triềulo lắng, thần xin chịu cái tội này”.

Âu Dương Tu (1007 - 1072) chép trong “Tân Đường Thư”:

- “Đức Dụ vi Tướng, dữ Tông Mẫn cộng đương quốc. Đức Dụ nhập tạ.

Văn tông viết: - Nhĩ tri triều đình hữu bằng đảng hồ?”.

Đức Dụ viết: - Kim trung triều bán vi đảng nhân”.

 / Tân Đường Thư. Qu. CLXXIV. Lý Tông

Mẫn truyện /.

- “(Lý) Đức Dụ làm quan đầu triều, cùng (Lý) Tông Mẫn chung lo Quốc sự. Đức Dụ vào tạ ơn.

(Đường) Văn tông nói: - Ông có biết triều đình có nạn bè đảng không?

Đức Dụ thưa: - Hiện nay trong triều phân nửa là người bè đảng!”.

Từ điển Từ Nguyên giảng tiếng “trung triều” như sau:

- “[Trung triều]. 1. Triều trung”.

- “[Trung triều]. 1. Trong triều”.

Từ điển Từ Hải giảng tiếng “trung triều”:

- “[Trung triều]. 4. Vị triều nội dã”.

- “[Trung triều]. 4. Ý nói ở trong triều”.

2). Hoàng hậu.

Trung Cung ở đây có nghĩa là Cung ở giữa, tức Cung của hoàng hậu.

Sách “Chu Lễ” viết:

- “Dĩ âm lễ giáo Lục Cung”.

Chu Lễ Chú Sớ. Qu. VII. Thiên quan. Nội Tể /.

- “Lấy Lễ của phụ nữ dạy cho Lục Cung”. 

Trịnh Huyền (127 - 200) thời Đông Hán (25 - 220) chú thích câu trên có đoạn viết:

- “Huyền vị Lục Cung vị hậu dã. Phụ nhân xưng tẩm viết Cung, Cung, “ẩn tế” chi ngôn. Hậu tượng Vương, lập Lục cung nhi cư chi, dịch chính tẩm nhất, yến tẩm ngũ! Giáo giả bất cảm xích ngôn chi, vị chi Lục Cung, nhược kim xưng hoàng hậu vi Trung Cung hĩ!”.

Dịch:

- “(Trịnh) Huyền tôi cho rằng (2 chữ) Lục Cung tức chỉ (hoàng) hậu. Chỗ ở của đàn bà gọi là Cung, (chữ) Cung ý nói sự “kín đáo”! Cũng như vua, Hoàng hậu lập Lục Cung để ở, cũng gồm 1 Phòng Chính, 5 Yến Tẩm. Người dạy (hoàng hậu) không dám vô lễ nên gọi hoàng hậu là Lục Cung, như hiện nay gọi hoàng hậu là Trung Cung vậy!”.

+ Những cái Sai của Thích Như Điển.

Dịch văn của Thích Như Điển, như đã thấy, chỉ là sự mê sảng của một kẻ (của bốn kẻ có lẽ đúng hơn, tức kể cả Thích Đồng Văn + Thích Hạnh Giới + Thích Bảo Lạc).

Ở đây tôi xin nêu những cái kém cỏi về Hán văn của bộ 4 trên đây mà Thích Như Điển đại diện ký tên Bản dịch!

~ Nguyên tác: “...… độ hà chí A Xa Lí Nhị Già Lam (Đường ngôn kì đặc)...…”.

- “...… qua sông thì tới Chùa A Xa Lí Nhĩ (Hán ngữ có nghĩa là kì đặc)...…”.

Tên Chùa A Xa Lí Nhị, như chú thích của Huyền Trang in chữ nhỏ trong ngoặc đơn, có nghĩa là “kì đặc”, Thích Như Điển đã ghi vừa thiếu lại vừa sai thành “A Nhã Lý”, nhất là không hiểu, tưởng A Xa Lí Nhị là 1 địa danh, và hơn thế nữa, chữ “Nhị” trong tên Chùa Thích Như Điển lại tưởng là “2 (số 2)” do đó đã dịch câu trên mê sảng như sau:

- “qua sông đến A Nhã Lý có hai ngôi Già Lam”. 

~ Nguyên tác: “sĩ thứ, hào hữu”, nghĩa là “thứ dân, những kẻ giàu cóthế lực”.

Thích Như Điển dốt quá nên dịch tiếng “hào hữu” là “tả hữu”:

- “thứ dân tả hữu”. 

~ Nguyên tác: “...… nãi mệnh mẫu đệ nhiếp tri lưu sự”.

- “...… nên ra lệnh cho người em cùng mẹ ở lại nắm giữ Chính sự”. 

Tiếng “mẫu đệ” nghĩa là “em cùng mẹ sinh ra”.

Một tiếng rất thông thường như vậy mà Thích Như Điển dịch bậy bạ là:

- “...… nên để cho mẹ và em nhiếp chính”. 

~ Nguyên tác: “Kỳ đệ thụ mệnh, thiết tự cát thế, phòng vị manh dã!”.

- “Em của vua tiếp nhận lệnh xong thì kín đáo tự cắt bỏ bộ phận sinh dục của mình, để dự phòng việc không hay sau này!”.

Thích Như Điển dịch mê sảng, chẳng dính gì tới nguyên tác, như sau: 

- “Người em lãnh giữ, nhưng chưa tự phòng được như vua anh, nên có vấn đề. Khi ngài trở về lại chẳng như ý nên Vua đã cho người khác thay thế”.

Nguyên tác: “tự cát thế”. “tự cắt bỏ bộ phận sinh dục của mình”.

Thích Như Điển không hiểu, mà cho tới cả ông Hòa thượng anh của Thích Như Điển là Thích Bảo Lạc, cũng như cho đến luôn 2 ông tỳ kheotrợ dịch” cho Thích Như Điển là Thích Đồng Văn, Thích Hạnh Giới rồi cũng ù ù cạc cạc chẳng hiểu tiếng “cát thế” nghĩa là chi! Bởi vậy mới có đoạn văn dịch “mê sảng” trên đây của Thích Như Điển!

Câu “vị manh” nghĩa là “chưa chớm”, ở đây ý nói việc chưa xảy ra thì phải ngăn ngừa từ lúc chưa có gì!

(Xin đọc tiếp đoạn 4)

Minh Di.
Úc Châu.
16 tháng 4 / 2010.
13 tháng 5 / 2010. Đầu Cuối Thu / Canh Dần. Tam nguyệt. Hối nhật.

_________________________________________________________________________________

Thư mục.

 

[1]. Đại Đường Tây Vực Ký Hiệu Chú.
Đường. Huyền Trang. Biện Cơ.
Quí Diễn Lâm đẳng hiệu chú.
Trung Hoa Thư Cục (TQ) 2008 / 4.
[2]. Tây Vực Thủy Đạo Ký.
Thanh. Từ Tùng.
Chu Ngọc Kỳ chỉnh lý.
Trung Hoa Thư Cục (TQ) 2005 / Sơ.
[3]. Chu Dịch Vương Hàn Chú. (Tướng Đài Nhạc Thị Bản).
Tam Quốc - Ngụy. Vương Bật chú. [Lục thập tứ Quái].
Tây Tấn. Hàn Khang Bá chú [Hệ Từ].
[Phụ: Chu Dịch Lược Lệ.
Vương Bật.
Đường. Hình Thọ chú].
Tân Hưng Thư Cục (ĐL) Dân Quốc 50 niên (1961)
[4]. Hoa Nghiêm Kinh Sớ Sao.
Đường. Sa môn Trừng Quán soạn thuật.
Tài Đoàn Pháp Nhân Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội (ĐL) Dân Quốc 86 niên (1997).
[5]. Phật Học Đại Từ Điển.
Dân Quốc. Đinh Phúc Bảo.
Phúc Kiến Bồ Điền Quảng Hóa Tự Phật lịch 2534 / Công nguyên 1990. [1921 / Sơ].
[6]. Tông Giáo Từ Điển.
Nhiệm Kế Dũ chủ biên.
Thượng Hải Từ Thư Xuất Bản Xã 1981 / Sơ.
[7]. Sử Ký.
Tây Hán. Tư Mã Thiên.
Lưu Tống. Bùi Ân tập giải (Bùi Ân, Ân cũng đọc âm Nhân).
Đường. Tư Mã Trinh sách ẩn.
Trương Thủ Tiết chính nghĩa.
Thượng Hải Thư Điếm 1988 / Sơ.
[8]. Hán Thư.
Đông Hán. Ban Cố.
Đường. Nhan Sư Cổ chú.
Trung Hoa Thư Cục (TQ) 1983 / 4.
[9]. Tân Đường Thư.
Bắc Tống. Âu Dương Tu.
Nhị Thập Ngũ Sử Bản.
Thượng Hải Cổ Tịch Xuất Bản Xã 1991 / 8.
[10]. Tiên Tần Chư Tử Hệ Niên. (Tăng định Bản. 1956).
Tiền Mục (1895 - 1990).
Trung Hoa Thư Cục (TQ) 1985 / Sơ. [Thương Vụ Ấn Thư Quán 1935 Sơ bản].
[11]. Thượng Thư Hình Đức Phóng.
Khuyết danh.
Vĩ Thư Tập Thành Bản.
Nhật Bản. An Cư Hương Sơn. Trung Thôn Chương Bát tập lục.
Hà Bắc Nhân Dân Xuất Bản Xã 1994 / Sơ.
(Vĩ Thư là danh xưng chỉ chung những sách viết ra nhằm giảng giải rộng ý nghĩa của Kinh, chủ yếu căn cứ Kinh nghĩa Nho gia, người thời Hán soạn, nhưng lại mượn danh Khổng Tử (551 - 479 tr. Cn). Nội dung Vĩ Thư, luận đoán họa phúc, cát hung, suy trắc lẽ trị loạn, hưng phế trong phạm vi nhân sự, phần lớn có tính cách thêm thắt với những luận đàm quái đản, vô căn cứ.
Danh xưng là nhằm đối với danh xưng KINH - như những sợi dệt dọc (Kinh) giao những sợi dệt ngang () trên một tấm vải. Thời Hán có 7 tác phẩm được liệt vào hàng KINH: - Dịch. Thư. Thi. Lễ. Nhạc. Xuân Thu. Hiếu, do đó Vĩ Thư cũng có Thất Vĩ, và mỗi lại phân nhiều Tập, mỗi tập có một danh xưng khác. Vì lượng các tập khá nhiều không tiện nêu hết ra đây, tôi chỉ nêu tổng số Tập của mỗi Vĩ Thư như sau:
~ *Dịch 28 Tập. Thư 29 Tập. Thi 04 Tập. Lễ 04 Tập. Nhạc 04 Tập. Xuân Thu 29 Tập. Hiếu Kinh 15 Tập).
[12]. Mục Thiên Tử Truyện.
Khuyết danh.
Đông Tấn. Quách Phác chú.
Hán Ngụy Tùng Thư Bản.
Cát Lâm Đại Học Xuất Bản Xã 1992 / Sơ.
[13]. Trung Quốc Độ Lượng Hành Sử.
Dân Quốc. Ngô Thừa Lạc.
Thượng Hải Thư Điếm 1984 / Sơ. [Thương Vụ Ấn Thư Quán 1937 Sơ bản].
[14]. Trung Quốc Lịch Đại Danh Nhân Đại Từ Điển.
Nam Kinh Đại Học Lịch Sử Hệ Biên Tả Tổ
Giang Tây Nhân Dân Xuất Bản Xã 1982 / Sơ.
[15]. Trung Quốc Lịch Sử Đại Từ Điển (Tùy. Đường. Ngũ Đại Sử).
Chủ biên: Trịnh Thiên Đỉnh. Ngô Trạch. Dương Chí Cửu.
Thượng Hải Từ Thư Xuất Bản Xã 1995 / Sơ.
[16]. Trung Quốc Mỹ Thuật Gia Nhân Danh Từ Điển.
Du Kiếm Hoa.
Thượng Hải Nhân Dân Mỹ Thuật Xuất Bản Xã 2006 / 14.
[17]. Chu Lễ Chú Sớ.
Đông Hán. Trịnh Huyền chú.
Đường. Giả Công Ngạn sớ.
Dân Quốc. Hoàng Khản (1886 - 1935) Kinh văn cú đậu.
Thượng Hải Cổ Tịch Xuất bản Xã 1990 / Sơ.
[18]. Nhân Thoại Lục.
Đường. Triệu Lân.
Bút Ký Tiểu Thuyết Đại Quan Bản (Đệ I Sách).
Giang Tô Quảng Lăng Cổ Tịch Khắc Ấn Xã 1983 / Sơ.
[19]. Trung Quốc Lịch Đại Chức Quan Biệt Danh Từ Điển.
Cung Diên Minh.
Thượng Hải Từ Thư Xuất Bản Xã 2006 / Sơ.
[20]. Giản Minh Trung Quốc Lịch Đại Quan Chế Từ Điển.
An Tác Chương chủ biên.
Tề Lỗ Thư Xã 1990 / Sơ.
[21]. Thi Tập Truyện.
Nam Tống. Chu Hi.
Trung Hoa Thư Cục (HC) 1983 / trùng ấn.
[22]. Sở Từ Bổ Chú.
Đông Hán. Vương Dật chú.
Nam Tống. Hồng Hưng Tổ bổ chú.
Trung Hoa Thư Cục (TQ) 2006 / 5.
[23]. Cổ Dao Ngạn.
Thanh. Đỗ Văn Lan.
Chu Thiệu Lương điểm hiệu.
Trung Hoa Thư Cục (TQ) 2000 / 3.
[24]. Sầm Tham Thi Tập Biên Niên Tiên Chú.
Đường. Sầm Tham.
Lưu Khai Dương tiên chú.
Ba Thục Thư Xã 1995 / Sơ.
[25]. Vương Lâm Xuyên Toàn Tập.
Bắc Tống. Vương An Thạch.
Quảng Trí Thư Cục (HC) Không ghi năm xuất bản.
[26]. Trợ Ngữ Từ tập Chú.
Nguyên. Lư Dĩ Vĩ.
Vương Khắc Trọng tập chú.
Trung Hoa Thư Cục (TQ) 1998 / 2.
[27]. Kinh Truyện Thích Từ.
Thanh. Vương Dẫn Chi.
Dân Quốc. Hoàng Khản. Dương Thụ Đạt phê ngữ.
Nhạc Lộc Thư Xã (TQ) 1984 / Sơ.
[28]. Khang Hi Tự Điển.
Thanh. Thánh tổ (Khang Hi) sắc soạn.
Cao Thụ Phiên trùng tu / Lăng Thiệu Văn đẳng toản tu.
Trương Thư Ngọc đẳng tổng duyệt.
Linh Ký Xuất Bản Hữu Hạn Công Ty (HC) 1981 / Sơ.
[29]. Vương Lực Cổ Hán Ngữ Tự Điển.
Vương Lực chủ biên.
Đường Tác Phiên. Quách Tích Lương. Tào Tiên Trạc.
Hà Cửu Doanh. Tưởng Thiệu Ngu. Trương Song Đệ.
Trung Hoa Thư Cục (TQ) 2003 / 4.
[30]. Từ Nguyên. (Súc ấn Hợp đính Bản. 1987 Bản).
Quảng Đông. Quảng Tây. Hồ Nam. Hà Nam / Tu đính Tổ.
Thương Vụ Ấn Thư Quán (HC) 1987 / Sơ.
[31]. Từ Hải. (Hợp đính Bản).
Thư Tân Thành. Thẩm Di. Từ Nguyên Cáo. Trương Tướng.
Trung Hoa Thư Cục (HC) 1983 / Trùng ấn. [1947 / Sơ bản].
[32]. Từ Hải. (Súc ấn Bản. 1979 Bản).
Thượng Hải Từ Thư Xuất Bản Xã 1979 / Sơ.
[33]. Từ Hải. (Thái đồ Súc ấn Bản - 1999 Bản. Ngũ Quyển Bản).
Thượng Hải Từ Thư Xuất Bản Xã 2007 / 6.
[34]. Từ Vị.
Văn Hóa Đồ Thư Công Ty Biên Tập Bộ.
Lục Sư Thành chủ biên.
Văn Hóa Đồ Thư Công Ty (ĐL) Dân Quốc 74 niên (1985) / Khuyết.

(Nguồn: http://thongtinberlin.de/allg/phebinhbandichdaiduongtayvucky.htm)

Sách liên quan:

ĐẠI ĐƯỜNG TÂY VỨC KÝ - Pháp sư Huyền Trang - Thích Như Điển dịch

 

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
23/02/2023(Xem: 3909)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.