Ảnh Hưởng Phật Giáo Trong Pháp Luật Triều Lý

26/05/201511:11 SA(Xem: 9471)
Ảnh Hưởng Phật Giáo Trong Pháp Luật Triều Lý

ẢNH HƯỞNG PHẬT GIÁO TRONG PHÁP LUẬT TRIỀU LÝ
Nguyễn Vĩnh Thượng

blankLời tác giả:  Bài tiểu luận "Ảnh hưởng Phật giáo trong pháp luật triều Lý" đã được viết vào tháng giêng năm 1971 tại Saigon. Tạp chí Từ Quang đã đăng từ số 225 đến 258 (từ tháng 6 đến 9 năm 1974). Tạp chí Từ QuangCơ quan truyền bá đạo Phật của Hội Phật Học Nam Việt, trụ sở ở chùa Xá Lợi tại Saigon (bên hông trường Gia Long cũ), do cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, cố Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn Hoá thời Đệ Nhị Cộng Hoà miền Nam, làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Sau khi cụ Mai Thọ Truyền qua đời thì cụ Minh Lạc Vũ Văn Phường làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Tôi xin trân trọng cống hiến quý độc giả Đặc San Chánh Giác của Chùa Hoa Nghiêm ở Toronto.

                                                                               Toronto, ngày 01 tháng 04 năm 1991

                                                                                                        NVT

Con người sống qui tụ lại thành một xã hội, và phát triển tập thể này rộng lớn dần dần thành một quốc gia. Mỗi cá nhân trong tập thể đó không thể tự sống riêng mà cũng không thể có tự do hoàn toàn để muốn làm gì thì làm. Cá nhân trong tập thể phải tuân theo một số qui luật mà tập thể đưa ra để lấy nó làm tiêu chuẩn hướng dẩn đời sống của mình, và chính những tiêu chuẩn sống này sẽ giúp cá nhân hòa hợp được giữa cá nhân mình với người khác sống trong cùng một xã hội. Do đó, trong một xã hội nào cũng phải đưa ra một số qui luật để mỗi cá thể sống trong đó tuân theo, và có như vậy thì xã hội mới có một trật tự, mới có một nếp sống tương hợp với tất cả mọi người. Những qui luật của xã hội có thể do một số người có đời sống đạo đức khả kính đưa ra để mọi người lấy đó làm ánh sáng soi tỏ các hành động của mình; nhưng thông thường những qui luật này được thể hiện dưới hình thức những luật lệ xã hội, các luật lệ xã hội này do những người đang nắm vận mệnh của quốc gia đặt ra. Người đang nắm quyền chủ tể của quốc gia bao giờ cũng muốn điều khiển quốc gia theo những định hướng của mình; nhất là bình định những rối loạn trong xã hội, và sau đó có thể cũng cố địa vị, ngai vàng của mình cho được lâu bền.

Khi ban hành một bộ luật, vị chủ tể quốc gia  đưa vào đó một quan niệm, một thái độ sống của mình trước cuộc đời, và nói đúng hơn là họ sẽ lấy một căn bản triết lý để làm nền tảng cho bộ luật của mình trước khi ban hành nó. Trong phạm vi bài này, chúng tôi sẽ tìm hiểu và xác định một căn bản triết lý của pháp luật triều Lý. Chúng ta đều biết rằng bất cứ một hệ thống tư tưởng nào, bất cứ một triết lý nào, hay nói hạn hẹp trong phạm vi ta đang nghiên cứu là một bộ luật nào ra đời cũng đều chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh lịch sử, của xã hội lúc đó. Thật vậy, chính hoàn cảnh lịch sử sẽ tạo nên một quan niệm cai trị của vị chủ tể để thích ứng và đương đầu với thời cuộc.

 Một bộ luật ra đời là do hậu quả của một hoàn cảnh lịch sử, lấy nền tảng qua một căn bản triết lý. Do vậy, chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu hoàn cảnh lịch sử của triều đại nhà Lý, và nguyên nhân ban hành bộ luật nhà Lý; rồi sau đó chúng ta sẽ xác định một căn bản triết lý cho bộ luật của triều đại nhà Lý.

Triều đại nhà Lý kéo dài từ năm 1010 đến năm 1225 trải qua chín vị vua là:

1* Lý Thái Tổ (1010 - 1028)

2* Lý Thái Tông (1028 - 1054)

3* Lý Thánh Tông (1054 - 1072)

4* Lý Nhân Tông (1072 - 1127)

5*Lý Thần Tông (1128 - 1138)

6* Lý Anh Tông (1138 - 1175)

7* Lý Cao Tông (1176 - 1210)

8* Lý Huệ Tông (1211 - 1224)

9* Lý Chiêu Hoàng (1224 - 1225)

Đây là một triều đại đáng lưu ý về mọi phương diện vì nó kéo dài hai trăm mười sáu năm (216 năm), với hai thế kỷ này, nhà Lý đã đặt một nền tảng vững chắc cho chính thể quân chủ và nền độc lập cho nước ta. Có thể nói nhà Lý đã đảm nhiệm một sứ mệnh lịch sử quan trọng trong quá trình tiến hoá của dân tộc Việt-Nam.

Vua Lý Thái Tổ đã sáng lập ra nhà Lý, nguyên là Lý Công Uẩn, thuở nhỏ đã vào sống ờ chùa từ năm lên ba, được nhà sư Lý Khánh Vân trú trì chùa Cổ Pháp nuôi nấng. Khi đến tuổi trưởng thành, ông vào phụng sự nhà Tiền Lê ở Hoa-lư, trong suốt thời gian này ông đem tất cả mọi khả năng để chu toàn các nhiệm vụ, ông có nhiều  đức độ đáng kính để đối xử với mọi người nên đã được nhiều người quý mến.

Nguyên Lê Long Đỉnh, vị vua cuối cùng của đời Tiền Lê, tính tình bạo ngược và ác độc. Lòng dân đã oán giận Long Đỉnh và chán ngán nhà Tiền Lê. Năm 1009, Lê Long Đỉnh bị bệnh mất giữa lúc nước nhà đang nguy ngập: nước Tàu lăm le xâm lăng, các phe phái tranh chấp ngôi vị, nhân dân mất niềm tin nơi nhà Tiền Lê. Bởi vậy nên thiền sư Vạn Hạnh và đại quan Đào Cam Mộc đã vận động các triều thần, tôn Lý Công Uẩn  lên ngôi vua.

Lên ngôi xong, ngài dời kinh đô từ Hoa-lư là nơi hiểm trở về đất Đại-la mà sau này đổi ra Thăng Long thành, là nơi trù phú rộng rãi và bao quát cả thiên hạ. Do chỗ xuất thân từ cửa chùa, nên Lý Công Uẩn rất hậu đãi và khuyến khích việc khuếch trương đạo Phật; và các vị vua sau cứ tiếp tục truyền nối công việc ấy cho đến năm 1224 khi công Chúa Chiêu Thánh lên ngôi tức là Lý Chiêu Hoàng thì quyền hành đã nằm trong tay của Trần Thủ Độ, để rồi trước thế lực quá mạnh của họ Trần, nhà Lý phải cáo chung từ năm đó.

Với cái nhìn tổng quát trên hai thế kỷ của triều đại nhà Lý, chúng ta nhận thấy nhà Lý đã lãnh hội và rút tỉa nhiều kinh nghiệm của các triều đại trước, nên các vua nhà Lý đã hết sức củng cố chính quyền trung ương để tạo một nền quản chủ vững chắc, và lập một nền độc lập hoàn toàn đối với Trung-hoa sau hơn một ngàn năm lệ thuộc dưới ách của người Tàu. Sau khi uy quyền đã vững mạnh, nhà Lý bắt đầu mở mang và kiến thiết quê hương xứ sở trong các lãnh vực văn học, tôn giáo, chính trị, kinh tế... Nhà Lý đã kiến tạo một công trình văn hoá vĩ đại và dồi dào cho dân tộc Việt Nam và tạo một niềm tin vào tinh thần tự lập của một dân tộc đang vươn mình lên khỏi sự lệ thuộc của nền văn hóa Trung-hoa. Đồng thời cho thấy một cá tính độc lập của văn hoá Việt-Nam đối với các nền văn hoá Á châu đương thời. Do những đặc điểm này, chúng ta sẽ thấy rõ vì sao mà nhà Lý đã vượt qua được mọi trở ngại và kiến tạo một sự phồn thịnh cho triều dại mình.

Về nội bộ, nhà Lý vẫn phải đối phó với nhiều cuộc nổi loạn, nhất là các cuộc âm mưu tiến chiếm vương quyền. Bất cứ triều đại nào cũng vậy, mối ưu tư của nhà cầm quyền là phải đề phòng mọi âm mưu đảo chính, mọi mưu toan lật đổ ngai vàng. Trong suốt triều đại nhà Lý đã xảy ra nhiều cuộc nổi loạn tại vương cung nhầm lật đổ nhà Lý; những cuộc nỗi loạn thường xảy ra vào lúc có một vị vua vừa băng hà. Có thể kể cuộc nổi loạn trong Vương triều tiêu biểu nhất là sau khi Lý Thái Tổ vừa băng hà (năm 1028), anh em Vũ Đức Vương, Dực Thánh Vương, Đông Chính Vương đem quân đại náo kinh thành. Nhưng nhờ có Võ Vệ tướng quân là Lê Phụng Hiểu dẹp tan được loạn này và thái tử Phật Mã mới lên ngôi tức vua Lý Thái Tông. Còn trong dân gian thì cũng có một vài cuộc nỗi loạn của các người Thổ ở vùng thượng du Cao-bằng, Lạng-sơn do giòng họ Nùng cầm đầu.

Về đối ngoại, nhà Lý phải đương đầu với nhiều mối lo âu lớn lao là nhà Tống lăm le thôn tính Việt-Nam. Nhờ binh chế Việt-Nam lúc bấy giờ đã tổ chức hoàn bị, và còn có các vị tướng lãnh tài ba là Lý Thường Kiệt đã áp dụng các phép dụng binh đặc sắc để chiến thắng quân Tống trong các trận đánh vào cuối năm 1075 tại Quảng-đông, tại Quảng-tây vào năm 1076. Và nhất là trận đại thắng quân Tống vào cuối năm 1076 khi nhà Tống cử binh sang báo thù, Lý Thường Kiệt đã làm tiêu hao binh lực của Tống, tạo ra một ưu thế cho Đại Việt để nghị hòa với quân Tống. Chúng ta còn thấy mộng mở mang bờ cõi của nhà Lý trong việc chinh phạt Chiêm-thành để mở rộng biên cương về phương Nam, điển hình là các cuộc chinh phạt Chiêm-thành vào các năm 1044, năm 1069, năm 1079 và năm 1082.

Nói tóm lại, chúng ta thấy các vua thuộc triều đại nhà Lý đã phải đối phó với những kẻ nội phản ở vương triều và vài cuộc nổi loạn của bọn người Thổ trong dân chúng, còn bên ngoài thì phải đối phó với nạn ngoại xâm của đế quốc Trung-hoa. Nhưng đồng thời nhà Lý cũng không quên việc mở mang bờ cõi về phía Nam bằng các cuộc chinh phạt Chiêm-thành. Ngoài việc củng cố uy quyền Lý triều nói riêng và của nước Đại Việt nói chung, nhà Lý còn lo kiến thiết xứ sở trong mọi lãnh vực, đặc biệt đáng lưu ý nhất là dưới các triều Vua Thái Tổ (1010 -1028), Thái Tông (1028 - 1054), Nhân Tông (1072 - 1127), Anh Tông (]138 - 1175).

Trên kia chúng ta đã điểm qua những biến cố quan trọng của triều đại nhà Lý về quân sự và chính trị. Như đã biết, vua Lý Thái Tổ xuất thân từ chốn thiền môn nên hết lòng sùng mộ đạo Phật, và với sự hổ trợ của nhà Sư Vạn Hạnh nên Lý Thái Tổ đã từ chốn Phật đài mà bước vào chính trị để cuối cùng thu giang sơn về tay mình. Do lẽ đó, nên ngài đã đặc biệt ưu đãihết lòng phù trợ cho Phật giáo đạt đến chỗ phát triển cao nhất và các vua kế nghiệp vẫn tiếp tục việc tôn sùng Phật giáo. Vua Lý Thái Tổ đã xây gần hai mươi cảnh chùa. và sai Nguyễn Đạo Thành sang Tống thỉnh Tam Tạng kinh điển vào năm 10l8. Vua Lý Thái Tông đã cho lập chùa Diên Hựu (tức chùa Một Cột) với lối kiến trúc đặc biệt mà hiện nay vẫn còn di tích ở tại Hà-nội. Lý Thánh Tông xây tháp Bảo-thiên cao 12 tầng. Lý Nhân Tông đã cho xây trên một trăm cảnh chùa tại các nơi danh lam thắng cảnh khắp nước.

"Nếu ở Trung-hoa, đời Đường là đời Phật giảo được thịnh hành nhất, thì ở Việt-nam, đời Lý là đời Phật giáo được thạnh hành nhất."                                                                                                                                          (Thích Thiện Hoa, Phật học phổ thông, khoá V, trang 51).

Thêm vào đó, triều đình cũng đã thành lập một hệ thống tăng già rộng lớn từ triều đình trung ương ở thành Thăng-Long đến các thôn xóm nhằm mục đích hướng dẩn mọi tầng lớp quần chúng trong nhân dân, và nắm vững nhân tâm. Song song với mặt này, triều đình cần phải sử dụng một lớp người trí thức để giữ việc cai trị và phổ biến những văn thư và các hịch do triều đình trung ương ban hành. Nhưng số trí thức lúc bấy giờ hiếm hoi, mà các nhà sư phần lớn đều là những người thông tháihiểu biết hơn cả, nên triều đình còn trưng dụng các nhà sư vào các dịch vụ hành chánh và làm việc như các quan lại. Ngoài công việc này, các nhà sư còn giữ một vai trò quan trọng trong việc giáo dục quần chúng ở khắp mọi nơi trong nước. Do đó, "mỗi ngôi chùa vào thời ấy là một nơi diễn dàn, một chốn học đường mà số người theo học không những là thường dân mà là cả những công hầu khanh tướng. Mỗi chùa có thể gọi là một trường đại học về tâm học. Ở đó có sự học hỏi nhất luật bình đẳng, không phân biệt sang hèn, già trẻ. Học trò không quản công lao gian khổ, các bực danh thần như Thái-uý Tô Hiến Thành và Thái-bảo Ngô Hoà Nghĩa cũng phải xin thụ giáo theo lễ, học với thiền sư núi Cao-dã, trải qua mười năm học mới được gặp mặt thầy. Người nào được thầy truyền cho tâm ấn mới là mãn nguyện".                                                                                                                         (Trần Thạc Đức, Phật giáo Việt-nam và hướng đi nhân bản đích thực, Sài-gòn 1967, trang 22-23).

Nói tóm lại, các vị cao tăng là tầng lớp trí thức quan trọng trong buổi đầu của thời kỳ độc lập, và tầng lớp này đã gây nhiều uy thế ảnh hưởng đến quần chúng trong xã hội Việt-Nam lúc bấy giờ về mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hoá và trong phạm vi riêng biệt, chúng ta có thể nói là Phật giáo đã ảnh hưởng đến pháp luật của nhà Lý rất nhiều. Nói cách khác, luật pháp nhà Lý đã lấy đạo Phật làm nền tảng căn bản cho triết lý của bộ luật đương thời. Ai cũng biết rằng sự ra đời của một bộ luật của một nước về nội dung cũng như hình thức đều tuỳ thuộc vào chế độ chính trị đương thời của nước ấy. Sự tìm hiểu pháp luật đời Lý sẽ giúp ta thấu triệt được lịch sử của thời đại ấy cũng như mọi khía cạnh khác, là vì luật pháp là sản phẩm riêng của một thời đại và do sự kết thành của những sự kiện lịch sử của dân tộc ta trong giai đoạn đó.

Sau đây chúng ta sẽ xét về nguồn gốc phát sinh luật triều Lý, ảnh hưởng của triết lý Phật giảo đối với luật triều Lý và cuối cùng xét hiệu quả của pháp luật triều Lý sau khi được đem ra áp dụng.
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
23/02/2023(Xem: 3909)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.