Cố Đô Sukhothai, Cội Nguồn Của Nền Văn Hóa, Nghệ Thuật Thấm Nhuần Hương Sắc Phật Giáo

14/09/201112:00 SA(Xem: 22671)
Cố Đô Sukhothai, Cội Nguồn Của Nền Văn Hóa, Nghệ Thuật Thấm Nhuần Hương Sắc Phật Giáo

CỐ ĐÔ SUKHOTHAI,
cội nguồn của nền văn hóa, nghệ thuật
thấm nhuần hương sắc Phật giáo

Minh Nguyên

Sukhothai là kinh đô của vương quốc đầu tiên của Xiêm La trong thế kỷ 13 và 14, lớn hơn so với đất nước Thái Lan hiện nay. Cố đô Sukhothai có những công trình lịch sử rất tinh xảo, minh chứng cho sự khởi đầu của nền kiến ​​trúc Thái. Nền văn minh tuyệt vời gắn với Vương quốc Sukhothai đã hấp thụ tinh hoa của các truyền thống văn hóa cổ đại; đồng hóa nhanh chóng tất cả những yếu tố này để hình thành nên một nét rất riêng, được gọi là ‘phong cách Sukhothai’. Đây là một trong những nơi tiêu biểu cho nền nghệ thuật Xiêm trong giai đoạn đầu và tiêu biểu cho sự sáng tạo của đất nước Thái Lan đầu tiên. Ngày nay, Sukhothai chỉ là thủ phủ của tỉnh Sukhothai với diện tích 6.596km2, cách thủ đô Bangkok khoảng 427km về phía Bắc. Cố đô Sukhothai được UNESCO công nhậnDi sản Văn hóa Thế giới vào năm 1991.

Người ta tin rằng, người Thái có nguồn gốc cách đây khoảng 4.500 năm ở khu vực núi Ulthai của Mông Cổ ngày nay. Những cuộc di cư diễn ra sau đó đã đưa họ đến vùng phía Nam của Trung Quốc. Tại đấy, họ xây dựng một vương quốc gọi là Nanchao, vương quốc này trải dài từ Nam Trung Quốc đến bán đảo Ấn-Trung.

Việc di cư xuống phía Nam có một động lực rõ rệt trong thời của Hốt Tất Liệt, ông là một vị vua đã nhanh chóng mở mang bờ cõi của quốc gia tiến về phía Nam Trung Quốc trong thế kỷ thứ 13. Kết quả là một bộ phận khá đông dân cư Thái Lan đến sinh sống trong một khu vực mà trước đây người Khmer và Mon đã định cư.

Người Thái đã định cư ở những khu vực khác nhau của miền Bắc, khu vực ấy so với các tỉnh thành hiện tại của đất nước Thái Lan thì không có nhiều sự liên hệ với nhau. Vào giữa thế kỷ 13, hai hoàng tử Thái Lan ở khu vực Sukhothai, Hoàng tử Phor Khun Pha Muang của Muang Rad và Hoàng tử Phor Khun Bang Klang Thao của Muang Banyang, đã kết hợp lực lượng với nhau để đánh đuổi người Khmer, những người kiểm soát một vương quốc rộng lớn trên bán đảo Ấn-Trung thời bấy giờ.

Họ đã đánh đuổi người Khmer ra khỏi Sukhothai rồi xác lập biên giới chính thức của vương quốc Angkor, và chọn Sukhothai làm kinh đô vào năm 1238. Hoàng tử Phor Khun Bang Klang Thao được nhân dân tôn lên làm vua, và đã chính thức đăng quang với vương hiệu Phor Khun Si Sri Inthrathit. Sukhothai trở thành vương quốc đầu tiên của người Thái, do chính người Thái nắm quyền. Người dân Thái ngày nay xem Sukhothai như là cái nôi của dân tộc Thái.

Vua Phor Khun Si Sri Inthrathit có hai người con trai, Phor Khun Ban Muang và Phor Khun Ramkhamhaeng. Sau khi vua băng hà, người con cả là Hoàng tử Phor Khun Ban Muang đã nối ngôi. Và sau đó thì người em là Hoàng tử Phor Khun Ramkhamhaeng đã lên ngôi vào năm 1278, trị vì trong 40 năm. Vua Phor Khun Ramkhamhaeng là một trong những chiến binh vĩ đại nhất của Thái Lan. Vua đã làm cho Sukhothai trở thành một vương quốc hùng mạnh và rộng lớn.

Vua Ramkhamhaeng mở quan hệ chính trị trực tiếp với Trung Quốc, chuyến đi Trung Quốc đầu tiên vào năm 1282 để thăm viếng Hoàng đế Hốt Tất Liệt và lần thứ hai vào năm 1300 sau khi Hốt Tất Liệt băng hà. Từ chuyến thăm thứ hai, vua mời nghệ nhân Trung Quốc về nước, và những nghệ nhân ấy đã dạy người Thái nghệ thuật làm đồ gốm. Ngày nay, đồ gốm Sangkhalok cổ là những thứ mà các nhà sưu tập đồ cổ đang truy lùng.

Người Thái hiện nay có một quan niệm khá lãng mạn về Sukhothai, họ cho rằng Sukhothai là vương quốc của hạnh phúc, từ Sukhothai có nghĩa đen là sự khởi đầu của hạnh phúc. Trên thực tế, nhận thức này là có phần dựa trên các cứ liệu lịch sử. Một phần trong một bản văn khắc trên đá nổi tiếng, ghi rằng: “Vùng Muang Sukhothai này rất tốt. Dưới nước thì có cá, trên đồng ruộng thì có lúa. Nhà vua không đánh thuế vào những đoàn thương gia. Người nào muốn buôn bán ngựa thì cứ buôn bán, ai muốn buôn bán voi thì cứ buôn bán. Ai muốn buôn bán bạc, vàng thì cứ buôn”.

Vua Ramkhamhaeng cũng hỗ trợ cho việc phát triển tôn giáo. Nhờ những nỗ lực của vua mà Phật giáo đã trở nên gắn bó mật thiết với nền văn hóa Thái, sản sinh ra các hình thức cổ điển của nghệ thuật tôn giáo Thái Lan. Những hình tượng Đức Phật được điêu khắc trong thời kỳ Sukhothai là những bảo vật văn hóa, đem đến cho người xem cảm giác của sự an bìnhthanh thản.

Tổng cộng có tám vị vua trị vì Sukhothai. Sự suy thoái của Sukhothai diễn ra trong triều đại của hai vị vua cuối cùng. Sự kết thúc của Vương quốc Thái đầu tiên là vào năm 1365. Lúc đó nó bị giáng cấp thành một nước chư hầu của nước Ayutthaya, một nền quyền lực trẻ và đang mở rộng dần về phía Nam.

Sự vĩ đại trước đây của Sukhothai đã được bảo quản trong các di tích kiến ​​trúc. Tàn tích của các cung điện hoàng gia, các ngôi chùa, cổng thành, tường thành, các hào lũy, ao hồ, kênh, rạch và hệ thống thủy lợi, đê điều, những công trình vốn là nền tảng kinh tế của vương quốc Sukhothai đã được Cục Mỹ thuật, với sự hợp tác của UNESCO, phục hồi. Việc làm này không chỉ để phát huy bản sắc dân tộc Thái mà còn bảo vệ một phần quan trọng của di sản văn hóa của nhân loại.

Thị trấn mới của Sukhothai, cách cố đô Sukhothai khoảng vài kilômet, ở đấy hiện nay các khách sạn, nhà hàng và cơ sở hạ tầng khác được xây dựng rất sang trọnghiện đại.

Ngày nay, du khách đến Sukhothai không thể không viếng thăm cung điện hoàng gia và chùa Mahathat. Cung điện hoàng gia nằm ở trung tâm của phố cổ, với diện tích 160.000m2, chiếm khoảng 1/4 diện tích của phố cổ, nơi được bao quanh bởi các bức tường. Tổng thể cung điện được bao quanh bởi một cái hào và gồm có hai phần chính, nơi ở của hoàng gia và cung điện, chùa Mahathat.

Khu chánh điện của chùa Mahathat nằm về phía Tây cung điện hoàng gia. Đây là ngôi chùa lớn nhất ở Sukhothai. Ở đấy hiện còn lại một ngôi bảo tháp chính có hình búp sen và một ngôi chánh điện đã bị hư hại. Nền của ngôi bảo tháp khắc hình những vị đệ tử của Phật đang kính lễ. Trên bệ là những tượng Phật trong tư thế thiền tọa. Phía trước của ngôi tháp là một ngôi chùa lớn, vốn là nơi tôn thờ một pho tượng Phật ngồi bằng đồng theo phong cách Sukhothai rất đặc biệt, pho tượng do vua Litahi của vương quốc Sukhothai đúc và dựng vào năm 1362. Vào cuối thế kỷ 18, theo lệnh của vua Rama đệ nhất, pho tượng ấy đã được chuyển đến chánh điện Luang của chùa Suthat, tại Bangkok, và từ đó pho tượng được đặt tên là Phra Si Sakaya Muni. Phía trước chánh điện rộng lớn là một chánh điện nhỏ hơn, có lẽ được xây dựng vào thời kỳ Ayutthaya. Pho tượng Phật chính cao 8m được tôn trí bên trong một tòa nhà riêng biệt.

Phía Nam là khuôn viên của một ngôi tháp lớn, ngôi tháp được xây dựng theo dạng bậc cấp. Nền thấp nhất của ngôi tháp được trang trí bởi những hình tượng trát vữa sắc sảo của các loài ma quỷ, voi, sư tử có các thiên thần cưỡi trên lưng. Những bức bích họa điểm tô cho ngôi tháp.

Chùa Si Sawai nằm phía Tây nam của chùa Mahathat. Ngôi chùa này có bức tường bao quanh. Bên trong bức tường, ngôi tháp ở phía Tây nằm tách biệt với ngôi tháp chính được xây dựng theo phong cách Lopburi, phong cách Ấn giáo. Những ngôi tháp khác bên cạnh chánh điện là theo phong cách Phật giáo. Khu vực này rõ ràng vốn là một đền thờ của Ấn giáo, nhưng sau đó được chuyển đổi thành một tu viện Phật giáo. Đặc biệt, hai ngôi tháp của chùa Si Sawai phản chiếu hình bóng xuống hồ nước lớn nhất của khu vực, trông thật ngoạn mục và đầy ấn tượng

Chùa Phra Phai Luang, cách khoảng 500m về phía Bắc của cổng San Luang. Ngôi chùa này đã từng là một ngôi đền Ấn giáo của người Khmer, nhưng sau đó đã được chuyển đổi thành một tu viện Phật giáo, được bao quanh bởi một cái hào. Ở Sukhothai, chùa Phra Phai Luang là ngôi chùa quan trọng thứ hai, sau chùa Mahathat.

Công viên lịch sử của Sukhothai rộng 3,38km2 trở thành một kiệt tác của lối kiến​​ trúc Xiêm đầu tiên. Đây là một trong những nơi tiêu biểu cho nền nghệ thuật Xiêm trong giai đoạn đầu và tiêu biểu cho sự sáng tạo của đất nước Thái Lan đầu tiên.

Các phòng họp rộng rãi với bức tường lớn được trang trí bằng một bức chân dung Đức Phật thật lớn là mô hình đặc trưng của kiến trúc Sukhothai, và sau đó ảnh hưởng đến tất cả nền nghệ thuật Thái Lan. Trong số các pho tượng, các pho tượng điêu khắc mang phong cách Thái đầu tiên được phân biệt bởi các chi tiết cụ thể trên thân thể của các tượng Phật: có mũi dài và tinh tế, một nhục kế nổi lên giống như ngọn lửa trên đỉnh đầu (ảnh hưởng bởi người Sinhala, Sri Lanka) và một dòng kép quanh miệng (theo truyền thống Khmer). Đức Phật thường được tạc trong tư thế đứng thẳng, quần áo bám sát vào thân thể.

Sukhothai là một cố đô ít chịu sự tác động của quá trình đô thị hóa. Các di tích lịch sử cùng phong cảnh nơi đây đã trở thành điểm du lịch lý tưởng, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử của dân tộc Thái Lan. Để ngắm nhìn toàn cảnh cố đô Sukhothai, để có thể cảm nhận một cách sâu sắc vẻ đẹp huy hoàng và tráng lệ của cố đô Sukhothai, du khách nên đến đó với tâm trạng thoải mái, đừng quá gò bó về thời gian, đừng quá vội vã. Hãy đến đấy và hòa mình vào không gian cổ kính, hài hòa với thiên nhiên của Sukhothai để cảm nhận và trải nghiệm những cung bậc cảm xúc trong ta khi ngắm nhìn cố đô Sukhothai

(NGUYỆT SAN GIÁC NGỘ SỐ 186)
(Thư Viện Hoa Sen)
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
18/10/2010(Xem: 45160)
18/01/2012(Xem: 28598)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.