BỨC TRANH “CHÂN DUNG TRẦN NHÂN TÔNG”
Tác giả: Bửu Ý | Ảnh: Tranh vẽ của Đinh Cường
Họa sĩ Đinh Cường có hoàn thành một tấm chân dung vua Trần Nhân Tông.
Tấm tranh này thực hiện bằng chất liệu sơn dầu, khổ 60 x 80cm, năm 1983, theo lời đề xuất của thầy Tuệ Sĩ, nhân “Tuần lễ Văn hóa” tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh.
Tranh vẽ với màu chủ đạo là vàng đất và nâu.
Khi tấm tranh được họa sĩ đưa đến chùa Già Lam, Gò Vấp, Hòa thượng Thích Trí Thủ (bấy giờ hãy còn tạI thế, năm sau thì viên tịch) vô cùng hoan hỷ và cầm bút ghi lên một dòng chữ Hán: “Điều Ngự Giác Hoàng mục tượng, Thích Trí Hải bái đề”, kèm theo hai dòng chữ Nôm: “Cảm đức từ bi để nhiều kiếp nguyện cho thân cận; Đội ơn cứu độ nát muôn thân thà chịu đắng cay”, là hai câu trích từ bài “Cư trần lạc đạo phú” của Trần Nhân Tông. Họa sĩ Đinh Cường ký tên mình bằng chữ Hán.
Đứng bên cạnh Hòa thượng Thích Trí Thủ lúc ấy là Thượng tọa Thích Đức Tâm, là đệ tử của Hòa thượng Thích Trí Thủ vừa là vị giám đốc đầu tiên của trung tâm Văn Hóa Liễu Quán – Huế.
Sau đó, Ts Lê Mạnh Thát cho chụp hình tấm tranh đưa vào pho sách “Toàn tập Trần Nhân Tông” của mình xuất bản vào năm 2000.
Hoạ sĩ Đinh Cường đã phát Bồ đề tâm họa hình Trúc Lâm Đại Sĩ đã từ bỏ ngôi báu, thần thái khoan thai, lẫm liệt, ngồi chống gậy trúc bên cội tùng có chim chóc, trên đầu là trời cao lồng lộng, dưới chân là cõi thành quách trần ai.
Chân dung do Đinh Cường vẽ có giống với người mẫu không?
Ta có thể trả lời ngay: nó không thể giống người mẫu vì làm sao có người mẫu được? Nhưng nó giống với ý niệm về người mẫu và, như vậy, sự thể giống hay không giống người mẫu tựu trung chẳng khác gì nhau. Chẳng qua chân dung ấy chỉ là vật thể phụ trợ cho ý niệm trên con đường vượt không gian và thời gian để không ngừng hiện tại hóa hình tượng. Và nó luôn là ngoại diện, là lớp vỏ bọc ngoài.
Đinh Cường vẽ Trần Nhân Tông nhưng thừa hiểu điều đó đâu phải là Trần Nhân Tông.
Trần Nhân Tông không phải như vậy.
Và chẳng ai biết Trần Nhân Tông là như thế nào và cũng chẳng ai biết nên vẽ Trần Nhân Tông như thế nào mới phải.
Đinh Cường, qua bao nhiêu bôi xóa, bồi dập, cuối cùng hoàn thành bức tranh, và chỉ chấp nhận đó là tấm tranh Trần Nhân Tông qua nét họa của mình chừng nào tấm tranh ấy không chỉ là chân dung của Trần Nhân Tông.
Quả tình trong tấm tranh ấy: Một phần là chân dung.
Và một phần là chung quanh chân dung. Và phần chung quanh chân dung, đã không làm tổn hại chân dung, còn bồi đắp chân dung bằng bao thuộc tính của người mẫu, luôn cả những thuộc tính của họa sĩ, cộng thêm vào duyên khởi phát sinh từ họa sĩ nối kết với đề tài.
Trước khi họa bức tranh này, Đinh Cường có phác họa một tấm hình đầu tiên bằng bút sắt và mực đen, phỏng theo một tấm tranh cổ. Nhưng rõ ràng giữa họa phẩm và vẽ bút sắt, thì nét bút hãy còn là sự trống rỗng, không chứa đựng gì, chưa gây được xung động cho chính họa sĩ, nhiều lắm là chỉ khơi dậy những cảm xúc phôi thai như sự trầm lắng, nỗi buồn vẩn vơ, tâm trạng bất định… Tuy nhiên mặc lòng, những đường, những nét còn thô sơ ấy, còn giản ước ấy, vẫn khiến con người trong cuộc xúc động bước đầu, cũng chính là do sự mò mẫm, dò dẫm, thiếu trước hụt sau, nét nguyệch ngoạc khéo, thiếu trấn tĩnh, do dự, bất lực lúc ban đầu của họa sĩ đối diện với đề tài phủ ngợp lên mình.
Những xúc cảm chuyển hóa tâm linh thực thụ trẩy mầm dần dần theo tranh kể từ khi biệt màu đầu tiên chạm vào thớ vải, kể từ khi sắc nâu non, sắc thổ hoàng xóa nhòa từng nét cọ nào còn cứng ngắc để bén gót theo từng nhịp phập phồng, từng giây nín thở, từng ẩn hiện của tâm tư.
Một chốn linh thiêng thu hút một số đông người đến chiêm bái, có thể nào quan niệm một nơi như vậy hoàn toàn không có ảnh, có tượng được không? Hay là, ta có thể quan niệm một ngôi chùa hoàn toàn không có một tượng Phật nào hết?
Chúng ta đã từng thấy rất nhiều nơi, trong dân gian, trong các góc làng, trên các tỉnh lộ, rải rác nhiều nơi thờ tự không có ảnh tượng vẫn được chiêm bái. Những ảnh tượng vắng bóng ấy tự nhiên đã được người ta mang hết ở trong lòng.
Những hình ảnh, những tượng thờ, chẳng qua giúp tư niệm có nơi gửi gắm, bám víu vào, tá túc vào, kết tụ những suy nghĩ lạc lõng, tạo nên một niềm gần gũi.
Trong cõi vô ảnh vô hình, con người dễ tán lạc. Qua ảnh tượng mà ánh mắt chiêm ngưỡng, con người tìm thấy một phần nhỏ hình ảnh khác nhau của từng cá nhân. Hình tượng ấy mỗi ngày mỗi mới, mỗi ngày mỗi khác qua con mắt của con người, tuy vẫn biết hình tượng tồn tại hàng thế kỷ nếu không phải là miên viễn. Nghệ nhân hay nghệ sĩ khỏi phải lo tranh mình không được đẹp hay tượng đá tượng đồng của mình còn khiếm khuyết, vì đã có con mắt nội tâm thường hằng làm đẹp thêm và mới mãi. Và một khi đã có sự sùng mộ, kính ngưỡng thì không có sự bàng quan hay khách quan và như vậy tấm tranh đã đi vào bên trong con người ngắm tranh. Sự đi vào bên trong con người không phải chỉ do người ngắm tranh mở rộng lòng, cũng không hẳn do đức độ lan tỏa từ nhân thân họa phẩm, mà chủ yếu, theo tôi nghĩ, do cái hùng lực phi phàm của người mẫu như là một khối áp lực thiêng liêng mà người đứng bên ngoài hân hoan hấp thu.
Xưa nay, hễ phác họa chân dung của ai, họa sĩ trước đây thường nghĩ đến phương cách truyền chân hay là truyền thần, vẽ làm thế nào tác phẩm của mình trông giống y hệt người ngồi làn mẫu. Phương cách này đòi hỏi kỹ thuật hơn là nghệ thuật, thường được giao phó cho nghệ nhân hơn là nghệ sĩ và chú trọng vào ngoại diện của người mẫu mà thôi.
Họa sĩ có thể vẽ cảnh, vẽ người, hay một hình thể tĩnh vật, hay một bố cục màu sắc, hay một ý tưởng. Đề tài vô cùng đa dạng, rộng mở, nhưng đề tài trước sau vẫn không quyết định được tầm vóc của bức tranh.
Vẽ một đề tài giữa muôn đề tài trước tiên là sự chọn lựa. Chọn lựa đi kèm với sự định thần. Định thần là sự kết tủa của nhiều ý tưởng nảy sinh, đua chen, dãn nở và kết tinh lại. Bức tranh như đã thành hình ngay từ lúc ấy.
Đinh Cường là một hoạ sĩ lớn lên ở miền Nam nhưng mấy chục năm làm sinh viên, tốt nghiệp, rồi đi dạy, triển lãm tranh đều phần lớn ở tại quê mẹ là Huế, sống nhiều giữa thiên nhiên, giữa thành quách cổ kính, bao nhiêu năm đã hun đúc ở người nghệ sĩ này một tâm hồn gắn bó với quê hương cội nguồn.
Tôi nghĩ rằng Đinh Cường khi đã hoàn tất công việc đối với tác phẩm của mình, đã nhìn đi ngắm lại những gì mình đã làm được, không khỏi nhận thấy rằng, trước mắt mình, không chỉ có màu sắd, đường nét, không phải chỉ có chân dung một con người, vẫn biết con người ở đây là con người ngoại hạng, cũng chẳng phải mọi thứ đã được cây đũa nghệ thuật cách điệu hoá thân, mà phải nói rằng có một huyền nhiệm đã làm nên tác phẩm. Tác phẩm như thể tự nhiên thành, ra khỏi cá nhân hoạ sĩ, và cá nhân vui lòng thu mình lại.
Và tôi cũng nghĩ rằng chính sáng tác này đã mưa móc lên đời hoạ sĩ, đã giải thông cho trí tuệ và nghệ thuật của Đinh Cường khiến cho hoạ sĩ, sau đó, từ năm này sang năm khác, cho ra đời một loạt tác phẩm trong cùng một mạch nguồn cảm xúc, như những tấm tranh mang tên: Trên Núi, Áo Lam, Bồ Tát Qua Sông, Phật ngồi Trên Tảng Đá Đỏ, Xúc Địa Ấn, Niệm Phật, Kiết Già, Niệm, Phật Chỉ Trăng, Chim Trắng, Mật Ngôn Của Núi, Nguyện Cầu, Chân Dung Đội Là Bồ Đề, Dưới Cội Tùng Già, Đêm Thắp Nhang Ngoài Trời Mù Sương… mà hy vọng chúng ta sẽ có dịp thưởng thức trong một tương lai gần đây.
Trường hợp này của Đinh Cường khiến tôi liên tưởng đến Lê Thành Nhơn, một nghệ sĩ Ki-tô giáo, hoạ sĩ vừa là điêu khắc gia, qua đời năm 2002, đã để lại những pho tượng Phật nghệ thuật thượng đẳng được tàng trữ tại viện bảo tàng Úc và Việt Nam, trong đó có một pho tượng hiện nay ở Trung tâm Văn hoá Phật giáo Liễu Quán Huế.
Một hoạ sĩ lừng danh người Pháp, gốc Ba Lan, là Baltus, mất năm 2001, khi được chất vấn: “Muốn vẽ thì phải làm gì?”, đã trả lời: “Muốn vẽ thì phải quên bản thân mình và rũ bỏ hẳn cái ngã của mình. Chừng nào còn tin vào cái ngã, chừng ấy còn ở trong tình trạng vô minh”.
Đinh Cường hoàn thành tác phẩm này vẫn chưa khiến người ta cho rằng họa sĩ đã đốn ngộ, đã đi đến chỗ đạt đạo, nhưng tối thiểu người ta có thể nghĩ rằng Đinh Cường trước nay là một họa sĩ đã thành danh trong nước lẫn nước ngoài qua nhiều thể tài khác nhau và đây là lần đầu tiên thử thách với một đề tài có thể gọi là mới mẻ đối với họa sĩ. Cái mới mẻ này tất nhiên chẳng lien quan đến chất liệu, chẳng liên quan đến kỹ thuật nghề nghiệp, nhưng đòi hỏi một sự chuẩn bị tinh thần, một công phu nhẫn nại, một sự dọn lòng đón ánh sáng từ bên trong.
Tất cà chúng ta, không nhiều thì ít, đều là bệnh nhân, đều là những người sống trong tình trạng mà Cẩm nang chẩn trị bệnh tâm thần, thiết lập năm 1980, gọi là “Hội chứng hậu chấn thương”. Chúng ta đã nhận chịu chấn thương đủ loại, cho nên cần quy hướng đến những ý tưởng, tình cảm và ánh sáng thiện hạnh.■
Tháng 11. 2008.
Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo số 71
- Từ khóa :
- Bức Tranh
- ,
- Chân dung
- ,
- Trần Nhân Tông”