HUYỀN TRANG, HUYỀN TRÁNG HAY HUYỀN TẢNG?
Lời giới thiệu: Đây là bức thư riêng của nhà nghiên cứu và giảng dạy Hán văn Phạm Phú Thành gởi cho tôi (Giác Hoàng), một trong các học trò cũ của ông. Nhân vì thấy bài viết hữu ích cho những ai muốn xác định cách đọc phương danh của Đường Tam Tạng Pháp Sư nhà Đường là Huyền Trang hay Huyền Tráng, nên chúng tôi sao lại và phân chia bố cục theo ý mình, đồng thời có bổ sung vài điểm cần thiết. Vài năm trước tôi có đánh máy lại rồi chia sẻ với bạn bè, nhưng vì không có phông chữ Hán. Nay có thân hữu nhờ sao lại đính kèm chữ Hán, thế là tôi đánh máy lại một lần nữa, xin gởi tặng bạn bè. Kính mong đón nhận sự đóng góp của các bậc tinh thông Hán học. I. Lời Tự Sự Việc phiên âm chữ Hán Việt cho tới ngày nay vẫn còn là một vấn đề cần phải minh định, đặc biệt là giới học giả có thẩm quyền về ngữ văn Hán Nôm, có lẽ nên quan tâm hơn về vấn đề này. Cách phiên âm của miền Bắc và miền Nam thỉnh thoảng có khác biệt chút đỉnh do địa phương tính, người đọc tạm có thể chấp nhận. Ví dụ: cùng một chữ 命 mà miền Bắc đọc là “mệnh”, miền Nam đọc là “mạng”, hoặc 山 “sơn” và “san” tuỳ theo âm điệu trong thi ca mà có thể dùng cả hai. Nhưng có lẽ khó lòng chấp nhận tên của một bậc pháp sư lỗi lạc có công rất lớn cho nền Phật học Đại thừa ở Trung Quốc, và sau này ảnh hưởng đến các nước láng giềng khác như Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên lại có sự khác biệt trong cách phiên âm của người Việt. Thông thường, trong các sách bằng tiếng Anh và Pháp, các tác giả, dịch giả phương Tây thường phiên âm chữ Hán theo hệ thống của Sir Thomas F. Wade và H. S. Giles. Họ thường không đánh dấu thanh hoặc đánh không chuẩn xác như trong trường hợp của hệ thống phiên âm tiêu chuẩn Bắc Kinh của Trung Quốc hiện nay. Vì thế, cách phiên âm danh từ riêng Trung Quốc trở nên thiếu nhất quán, ví dụ tên của một vị đại sư rất nổi danh như đã nói ở trên có ít nhất 6 cách phiên âm: Huan Chwuang, Yuén Chwàng, Hiuen Tsiang, Hsuan Chwuang, Hhuen Kwân và Yuan Chwuang tuỳ theo cách đọc của mỗi học giả, giáo sư như: Mayers, Wylie, Beal, Legge, Bunjiu Nanjio và Thomas Watters. Chưa kể cách phiên âm theo cách đọc của người Pháp như Hiouen Thsang hoặc Youan Thsang mà trong một số tác phẩm nghiên cứu viết bằng Anh ngữ vẫn sử dụng. Cách phiên âm không nhất quán như vậy làm cho người đọc không biết từ nào là chuẩn xác nhất và rất bất tiện khi tra lại từ gốc nếu không có kiến thức thật tốt về Hán ngữ. May thay, nền Hán Việt Việt Nam mang tính thống nhất hơn, chỉ có một hai trường hợp ngoại lệ. Tuy nhiên, gần đây có một vài vị (Thầy Tuệ Sĩ, Sư Giác Nguyên và một số vị nghiên cứu văn học Trung Quốc) phiên âm tên của vị Pháp Sư lâu nay đã quen là Huyền Trang thành Huyền Tráng, làm cho một vài vị hơi bỡ ngỡ không biết đó có phải là đánh máy nhầm không ? Điều này thật ra chẳng có gì mới mẻ lắm, Đào Duy Anh đã phiên âm Huyền Tráng từ lâu rồi, nhưng phần lớn không được các học giả sử dụng và vẫn giữ theo truyền thống là “Huyền Trang” như Thiều Chửu. Vậy cách phiên thiết (cách đọc một chữ mới chưa có phiên âm cụ thể) tên của Ngài Huyền Trang, hoặc Huyền Tráng, cách nào đúng nhất ? Nhân đây, xin trình bày một vài ý để các học giả và các nhà ngữ văn Hán nôm góp ý và bổ sung. II. Chữ 奘 Trong Các Tự Điển và Từ Điển 1. Khang Hy Tự Điển Trong Quảng Vận (廣 韻), chữ 奘 này được phiên thiết là “trở lãng thiết” (俎 朗 切). Trong Tập Vận (集 韻) được phiên thiết là “tài lãng thiết” (才 朗 切). Trong Chính Vận nó được phiên thiết là “tại đảng thiết” (在 黨 切), đọc theo âm chữ tàng (藏) thượng thanh (tức là đọc tảng hoặc tãng, vì chữ thượng thanh thuộc dấu hỏi hoặc dấu ngã). Trong sách Dương Tử Phương Ngôn (楊 子 方 言) ghi: Vào thời Tần, Tấn, người to lớn gọi là tảng (奘) hoặc gọi là tráng (壯). Lại nữa, trong Tập Vận (集韻), Vận Hội (韻 會), Chính Vận (正 韻), 奘 được phiên thiết là “tài lãng thiết”, âm táng 葬; vào thời Đường Trinh Quán, Tam Tạng Pháp Sư Huyền Tảng dịch Tâm Kinh. 2. Từ Nguyên: 奘 tự lãng thiết (字 朗 切), tàng thượng thanh (藏 上 聲), vần dưỡng [dãng] (養 韻 ); có nghĩa là: 1. To lớn, 2. tên người, đời Đường có pháp sư Huyền Tảng. 3. Từ Hải: 奘 tự lãng thiết, vần dưỡng [dãng], nghĩa là to lớn. Vào thời Tần Tấn, phàm người to lớn gọi là “tảng”. Xem sách Phương Ngôn. 4. Hình Âm Nghĩa Tổng Hợp Đại Tự Điển của Cao Thụ Phiên (Đài Loan). 奘 là chữ hội ý và hình thanh, trong Giáp văn (甲 文) và Kim văn (金 文) không có chữ 奘 ; trong Tiểu triện (小 篆), 奘 hợp 2 chữ “đại” (大) và “tráng” 壯 , đọc theo thanh tráng 壯. Phàm to, khoẻ gọi là 奘. Nguyên nghĩa của nó được giải thích bằng câu: “Vào thời Tấn, Tần, phàm người to lớn được gọi là 奘 (xem sáchPhương Ngôn),” ngụ ý là hình dung người to lớn, khoẻ mạnh. Nghĩa gốc này, thời cổ vẫn thấy ít dùng; nay chữ này được dùng theo nghĩa khác. [Âm]: 1. tài lãng thiết. Trang thượng thanh. “Joang” đọc thượng thanh, như thanh của chữ dưỡng [dấu hỏi hoặc dấu ngã]. 2. tài lãng thiết: âm táng (葬); “Tzang” đọc khứ thanh, như thanh của chữ dạng 漾 [dấu hỏi hoặc dấu ngã]. [Nghĩa]: (danh từ) Huyền 奘 [ T?], tên vị cao Tăng đời Đường. [Biện chính]: Chữ 奘 không đọc như chữ 壯 (Tráng), cũng không đọc là 裝 (Trang). Người ta thường đọc lầm. 5. Pletit Lexique Chinói-Annamite- Francais (Tây Dương, Hà Nội, 1932). 奘 , được phiên âm là Tảng: Khoẻ, lớn: Fort et grand. 6. Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh. 奘 được phiên âm là Tráng, có nghĩa: mạnh mẽ, thịnh vượng. 7. Hán Việt Tự Điển của Thiều Chửu. 奘 được phiên âm là Trang; 1. To lớn, 2. Tên người, đời Đường có Ngài Huyền Trang pháp sư. 8. Từ Điển Hán Việt Hiện Đại của Mai Lý Quảng (Hà Nội, NXB Thế Giới, 1994). 奘 / Zhuăng / tráng : (phương ngữ): to lớn. III. Đối Chiếu Với Các Cách Phiên Thiết Của Chữ 奘 Trong Quảng Vận: 俎 朗 trở lãng > trãng / trảng Trong Tập Vận: 才 朗 tài lãng > tãng / tảng Trong Chính Vận: 1. 在 黨 tại đảng > tảng / tãng; 2. 才 朗 tài lãng > tãng / tảng Trong Vận Hội: 才 朗 tài lãng > tãng / tảng Trong Từ Nguyên: 字 朗 tự lãng > tãng / tảng Trong Từ Hải: 字 朗 tự lãng > tãng / tảng. Cao Thụ Phiên: 才 朗 tài lãng > tãng / tảng 才 浪 tài lãng > tãng / tảng Tóm lại, nếu căn cứ vào bảng so sánh các cách phiên thiết đối chiếu ở trên, chữ 奘 phải đọc là “tãng” hoặc “tảng.” Cao Thụ Phiên ở phần biện chính nói: chữ 奘không đọc là “tráng” 壯, cũng không đọc là “trang” 裝. Vậy tại sao có hiện tượng phiên âm chữ 奘 thành “trang” (Thiều Chửu), hoặc tráng (Đào Duy Anh, Mai Lý Quảng, ….), còn trong cuốn Petit Lexiquet Chinois-Annamite – Francais của Tây Dương lại phiên âm đúng là “tảng.” IV. Vài Ý Kiến Nhỏ 1 Chữ Trang trong Hán Việt Từ Điển của Thiều Chửu đã phiên âm nhầm. 2. Phải chăng có vị đã diễn dịch câu trong Khang Hy Tự Điển, mà các từ điển về sau thường dẫn lại, đó là câu: “秦 晉 閒 人 大 謂 之 奘 或 謂 之 壯: Tần Tấn gian nhân đại vị chi 奘 hoặc vị chi 壯”, nghĩa là: vào thời Tần, Tấn, người to lớn gọi là tãng (奘) hoặc gọi là tráng (壯). Câu này không có nghĩa là hai chữ 奘 và 壯đồng âm, đồng nghĩa. Hiểu nhầm sẽ dịch là: Vào thời Tần Tấn, người to lớn gọi là tráng 奘 hoặc gọi là tráng 壯. Nếu câu văn trên đồng âm đồng nghĩa, thì câu văn ấy sẽ là: “秦 晉 閒 人 大 謂 之 奘, 奘 亦 [又 也 …] 作 壯. Tần, Tấn gian nhân đại vị chi tráng, tráng diệc [hựu, dã] tác tráng 壯” (vào thời Tấn, Tần người to lớn gọi làtráng 奘, tráng 奘 cũng viết là tráng 壯 . Ta thử nêu một câu văn có cấu trúc tương tự: Việt Nam nhân trư vị chi lợn hoặc vị chi heo: người Việt Nam, trư gọi là lợn hoặc gọi là heo; lợn và heo chữ nôm đồng nghĩa chứ không đồng âm. 3. Tâm lý chung, tên của các bậc cao Tăng khi đọc lên nghe hay cả âm lẫn nghĩa thì người ta dễ chấp nhận hơn, như trường hợp âm Trang, hoặc Tráng so với âm Tãng hoặc Trảng. 4. Cách phiên thiết truyền thống của tiếng Hán Việt vốn dựa trên cơ sở ngữ âm tiếng Hán cả. Chẳng hạn chữ 慧, âm cổ là tuệ, âm hiện đại là huệ. Sao chổi, tiếng Hán Việt là tuệ tinh 彗 星 (theo âm cổ), nhưng người Hoa hiện nay gọi là hùixing / huệ tinh. 5. Vậy, nếu chúng ta dựa vào âm Hán ngữ hiện đại để phiên âm chữ Hán Việt thì chưa hẳn là biện pháp tốt. Phương pháp phiên thiết vẫn có nhược điểm của nó, chẳng hạn, trong tự điển của người Trung Quốc, có nhiều chữ sau phiên thiết được kèm theo một chữ đồng âm, chữ này lại khác âm người Việt Nam đọc. Thí dụ: Khang Hy : 抓 trảo, phiên thiết …., chữ đồng âm là: 蚤 tảo. Từ Hải : 悼 điệu, phiên thiết …., chữ đồng âm là 導 đạo. Từ Nguyên : 奸 gian, phiên thiết…, chữ đồng âm là 干 can. Vương Vân Ngũ : 仕 Sĩ: (không có phiên thiết), chữ đồng âm là 事 sự. Dù sao, đối với người Việt Nam, cách tốt nhất vẫn là căn cứ trên phiên thiết đối chiếu để chọn âm thích hợp, và đành chấp nhận một sự tương đối nhất định về tính chính xác. Âm Trang gợi lên cái biểu tượng trang nghiêm, âm Tráng gợi lên biểu tượng hùng tráng, cả hai đều tốt cả. Chỉ có âm Tãng hoặc Tảng hợp phiên thiết hơn hết, và nghĩa chữ cũng hay, nhưng có lẽ vì âm lạ tai và không gợi cho người nghe ý vị gì nên quần chúng, nhất là quần chúng không có duyên học chữ Hán, lại vốn quen cách phiên âm từ trước, khó lòng mà chấp nhận. Lại nữa, ngữ âm tiếng Hán hiện đại là kết quả của quá trình biến hoá từ ngữ âm cổ của họ. Nếu chúng ta lấy nó làm chuẩn tắc để phiên âm, e rằng chúng ta không giữ được sự nhất quán với cách phiên âm của tiền nhân. Về lâu về dài, điều này sẽ gây khó khăn cho hậu thế khi nghiên cứu cổ thư. Tóm lại, theo thiển ý chúng tôi, chúng ta nên áp dụng cách phiên thiết cổ điển, và chỉ khi nào gặp khó khăn, mới nên có sự đối chiếu với ngữ âm tiếng Hán hiện đại của người Trung Quốc. Viết bài này, chúng tôi không có ý đề nghị điều chỉnh một âm thanh quen thuộc vốn được lưu truyền từ lâu trong các thư tịch, và chính mình cũng quen gọi là “Huyền Trang.” Nhân vì hiện có một số vị đang phân vân về vấn đề này, chúng tôi tìm hiểu để đưa ra một nhận định, chủ yếu cho chính mình, tạm gọi là có phần dựa trên cơ sở ngữ âm học. |