PHẬT PHÁP GIỮA LOÀI CHIM
Anh dịch: Edward Conze
Việt dịch: Đỗ Đình Đồng
Nguyên tác Tạng Ngữ: Bya chos rin-cheṅ, phreṅ-pa
Anh dịch của Edward Conze: The Buddha’s Law among the Birds
Ấn bản đầu tiên: Oxford, 1955 Nhà xuất bản: Cassirer Ltd
Tái bản: Delhi, 1974, 1975 Nhà xuất bản: Motilal Banarsidass
Mục Lục
Ghi chú của người dịch,
Lời nói đầu của G. s. J. Bacot,
Lời giới thiệu của Giáo sư Conze,
Bản dịch,
Bối cảnh của Bya chos,
Ghi chú của người dịch
Đa số chúng ta, những người có duyên với Phật Giáo, hầu hết đã nghe nói đến, không nhiều thì ít, rằng Phật thuyết pháp, Tổ sư thuyết pháp, Pháp sư thuyết pháp, Hòa thượng hay Thượng tọa thuyết pháp, v.v…, nhưng ít ai nghe nói chim muôn thuyết pháp, phải không? Vì chúng ta thiết nghĩ rằng các loài động vật hay thực vật thì khác với loài người, không có Phật Pháp, không thể nghe hay thuyết Phật pháp, do đó, nên chúng ta có thể nghĩ rằng làm gì có chuyện chim muôn, cây cỏ, v.v… có thể thuyết Phật pháp bằng ngôn ngữ của chúng. Nhưng trong Kinh có thuật lại lời của đức Phật rằng Ngài có thể dùng ngôn ngữ của từng loài khác nhau mà nói pháp với chúng khiến chúng nghe, hiểu, thực hành và giác ngộ để thoát khỏi sự khổ của chúng. Do đó, chúng có thể giúp nhau bằng cách truyền Phật pháp cho nhau tu tập để thoát khổ. Chim có giống người chăng? Và người có giống chim chăng?
Tập sách nhỏ này “Phật Pháp Giữa Loài Chim” của một vị sư Tây Tạng (không rõ danh tánh) có thể đã biết và hiểu được tiếng chim viết ra trình bày điều đó. Tập sách này đã được Giáo sư Tiến sĩ Edward Conze dịch từ Tạng ngữ sang tiếng Anh và được nhà Cassier (Publishers) Ltd. xuất lần đầu tiên vào năm 1955 ở Oxford, Anh Quốc, và được nhà Motilal Banarsidass tái bản vào các năm 1974, 1975 ở Delhi, Ấn Độ.
Khi dịch tập sách này chúng tôi cũng gặp điều khó giải quyết là tên các loài chim có mặt trong hội chúng thật khó mà dịch cho đúng. Vì cùng một loại chim mà có thể có nhiều tên khác nhau tùy theo cách gọi của người dân ở những miền hay địa phương khác nhau. Ví dụ, chim Cuckoo, có thể dịch là chim đất, chim đỗ quyên, chim tử qui,… Nhưng điều này sẽ trở thành không mấy quan trọng khi người đọc chú ý đến ý nghĩa của những lời Pháp do các chim thuyết trong tập sách này.
Dù đã cố gắng nhiều nhưng chắc vẫn còn nhiều sai sót, mong các bậc cao minh rộng lượng chỉ bảo cho. Xin đa tạ.
Levittown, Tháng Giêng 2020
Đỗ Đình Đồng
Lời Nói Đầu
Độc giả phương Tây của tập sách này, dù thiện nghệ trong văn học Phật Giáo, vẫn có thể thấy hơi khó vượt qua những ý niệm có trước về thế giới động vật. Ở châu Âu một cái hố sâu rộng phân cách con người với ngay cả những loài động vật tiên tiến, và đối với người ấy một bài thơ về Phật Giáo giữa loài chim có thể có tác động không gì hơn một sự tưởng tượng văn chương. Tuy nhiên ở Ấn Độ, cái hố này không bao giờ sâu hơn một chỗ lõm cạn, hiển nhiên có thể vượt qua được với chút ít nỗ lực. Ngay cả ngày nay, ở Ấn Độ, người ta có thể thấy động vật, ngay cả nuôi trong nhà và hoang dã, cùng sống với loài người trong những điều kiện quen thuộc mà người phương Tây thấy bất thường và đôi khi còn xúc động. Khái niệm về tính phổ quát của Phật Giáo không phải chỉ đóng khung trong loài người. Nó là tính phổ quát tổng thể vươn ra đến tất cả mọi sinh vật cả bên trên và bên dưới con người, và nó là cái tổng thể có yếu tính của giáo thuyết. Như thế Hội Nghị Chim không làm phật ý hay có vẻ kỳ lạ đối với những tín đồ chính thống. Bản văn giới thiệu ở đây là một tác phẩm tôn giáo cùng loại như là những biến thể của các đề tài trong Jataka (Bản Sinh), nơi mà văn học Tây Tạng tìm thấy đa số những đề mục khai sáng của nó.
Đối với con người, công đức là để chuyển hóa loài chim. Theo một tiểu thuyết nổi tiếng của Tây Tạng, phát ngôn viên của họ là một hoàng tử bất hạnh của Ấn Độ, một Avatar của Avalokita, con trai của một vị vua ở Benares, người bất ngờ trở thành một chim đỗ quyên. Câu chuyện của hoàng tử là một câu chuyện hấp dẫn nhất từng xảy ra từ nguồn vốn vô tận của truyền thuyết Ấn Độ.
Bề ngoài rất có thể gây ấn tượng sai lầm về sự khó khăn trong công tác dịch giả. Khi chuyển ngôn ngữ của người Phật Giáo Tây Tạng vào miệng của những con chim ở Hy-mã-lạp sơn mà thói quen, tính tình, và đôi khi ngay cả tên cũng không biết đối với các nhà điểu học của chúng ta, dịch giả đối mặt với những vấn đề lớn hơn những tranh tranh luận của những luận thư có nhiều tính cách kinh điển và sâu xa hơn trình bày. Kết quả, nếu có người gặp ở chỗ này hay chỗ kia sự khó hiểu, có lẽ chúng ta qui chúng phần nào cho những huyền bí vốn có trong ngôn ngữ loài chim!
Ở Tây Tạng, nơi sự in ấn vẫn còn tương đối ít được dùng, những tác phẩm phổ biến thường được truyền miệng hơn là ghi lại bằng chữ viết. Đương nhiên chúng vẫn còn ít được biết đến đối với các học giả phương Tây. Sự hiếm hoi của quyển Precious Garland (Vòng Hoa Quí), cùng với tính uyên nguyên của chủ đề, còn hơn là biện hộ cho sự xuất bản của nó. Ở đây là lời chứng nhận khéo léo nhưng hùng hồn cách mà loài chim trên hư không đến chia xẻ sự giải mê loài người.
J. Bacot
Lời Giới Thiệu
Bản văn Tạng ngữ của tập sách hấp dẫn này được xuất bản lần đầu tiên ở Calcutta vào năm 1904, một tập mỏng gồm 40 trang. Satis Chandra Vidyabhushana, người hiệu đính, không cho chúng tôi biết bản băn của ông ấy căn bản là khẩu truyền, thủ bản hay mộc bản. Bản dịch của tôi, mặc dù được thự hiện trực tiếp từ Tạng ngữ, vẫn nợ lớn đối với bản dịch tiếng Pháp của Henriette Meyer, được nhà Cahiers du Sud phát hành, với nhan đề Précieuse guirlande de la loi ses oiseaux (Vòng Hoa Pháp Trân Quí của Loài Chim). Tuy nhiên, trong tình trạng nghiên cứu về Tây Tạng hiện tại, không có gì ngạc nhiên, vị đồng nghiệp người Pháp của tôi và tôi sẽ khác nhau nhiều điểm chi tiết.
Tác phẩm nặc danh và không đề ngày tháng. Đặc điểm ngôn ngữ dường như chỉ vào thế kỷ 17 hay 18. Những con chim bằng lòng với sự bộc bạch đơn giản niềm tin và thái độ chung đối với tất cả những người Phật Giáo, và chúng không đứng bên nào trong những tranh luận của các phái. Tuy nhiên, đề tài của tập sách mang dấu ấn giống nhau đối với một vài giáo lý của phái Kahgyudpa, Bka’-bryud-pa, và tác giả có thể là một lạt-ma nào đó của phái Kahgyudpaba bằng lòng giữ nặc danh. Nhan đề Tạng ngữ Bya chos rinchen’ phreṅ-ba, nghĩa đen là, “Pháp giữa loài chim, vòng hoa quí”.
Cả ngôn ngữ lẫn ý tưởng làm cho tập sách này thành một tập sách phổ biến, một mảnh văn học dân gian, dành cho nông dân và mục đồng du mục. Nhiều hơn nhiều luận thư thông thái, nó chuyển vận đến chúng ta những ngụ ý tình cảm của tôn giáo đã ngự trị Tây Tạng rất lâu, và cho chúng ta một ý niệm nào đó về những gì nó cảm thấy như là một người Phật Giáo. Bút pháp đơn giản, trực chỉ và hồn nhiên. Chỉ sử dụng một số rất tối thiểu các thuật ngữ Phật Giáo, và chúng sẽ đem lại chút ít khó khăn cho người đọc.
Chữ Pháp (Dharma) ở đây, không có những phức tạp có tính cách học giả, mà chỉ là giáo pháp của đức Phật. Tam Bảo là Phật, Pháp, và Tăng-già, tức là ba đối tượng căn bản của tín ngưỡng Phật Giáo. Thế giới luân hồi là một từ cho vũ trụ hiện tượng chóng biến đổi này mà chúng ta lang thang một cách vô nghĩa trong đó, và nó là cái đối nghịch với Niết-bàn, chân mục đích của đời sống chúng ta. Những cảnh Thống khổ là một thuật ngữ cho sự tái sinh làm súc sinh, ở địa ngục, hay làm ngạ quỉ. Chữ Phạn là durgati. Mặc dù chúng không bao giờ xa lìa tâm người Phật Giáo. Những cảnh Thống khổ được nhắc đến ở đây rất ư thường xuyên vì lý do đơn giản là những nhân vật của vở kịch đều ở một trong những cảnh ấy. Muni (Mâu-ni) và Jina (bậc Chiến Thắng) là hai danh hiệu thông thường của đức Phật. Danh hiệu thứ nhất có nghĩa là bậc Hiền Triết (Sage), và danh hiệu thứ nhì có nghĩa là bậc Chiến Thắng” (Victor hay Conqueror). Mara (Ma vương) là sự nhân cách hóa nguyên lý ác, quỉ của Phật Giáo hay Satan. Jambudvipa (Diêm-phù-đề) trong văn mạch này chỉ có nghĩa là Ấn Độ. Đôi khi tôi đã giữ cách dịch chính xác hơn là thiện (wholesome) cho chữ Tây Tạng bde-ba (Phạn: kuśala), thường được dịch một cách lỏng lẻo hơn là good (tốt). Một hành động là thiện nếu nó đem lại công đức, tức là, nếu nó dẫn đến hạnh phúc nhiều hơn, hoặc vật chất hoặc tinh thần, trong vị lai.
Mặc dù bản dịch nhằm mục tiêu là trung thành, tôi đã cố gắng, không bám vào văn tự một cách học giả, để tái tạo tinh thần của nguyên tác và chuyển vận cái nhìn đại cương về đời sống của một người trong nhiều thế kỷ đã sống dưới ảnh hưởng của giáo lý Phật Giáo. Sẽ là thích thú thấy người châu Âu phản ứng thông điệp này.
Trong sự chuẩn bị cho tác phẩm này, tôi mắc nợ lớn những người khác. Trước hết tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối với Giáo sư J. Bacot, người đã cho phép chúng tôi tái tạo ở đây Lời Nói Đầu ông ấy đã viết cho bản dịch tiếng Pháp. Ông Peter Swan, của Viện Bảo Tàng Nghệ Thuật Phương Đông ở Oxford, đã không tiếc khó nhọc để cải thiện sự chọn lựa từ ngữ của bản dịch. Tên ông thực sự phải xuất hiện trên trang nhan đề sách, cùng với tên tôi. Điều này chỉ là công chính, - nhưng công lý hiếm khi được thực hiện trên thế gian này. Hơn nữa, tôi phải cảm ơn bạn tôi, T.s. Erik Haarh, của Thư Viện Hoàng Gia Compenhagen, vì rất sẵn sàng gửi đến tôi những hình chụp tác phẩm dược khoa, mà dường như không tìm được ở bất cứ chỗ nào khác ở châu Âu. Thêm nữa, Thượng tọa Trí Không, T.s. Haarh, T.s. Eichhorn và T.s. Newesky de Woikowickz đã cho nhiều gợi ý có giá trị về cả bản văn lẫn các minh họa. Nhân viên Thư viện của Trường Nghiên Cứu Phương Đông và Châu Phi của Luân Đôn đã rất tử tế cho tôi dùng quyển bách khoa từ điển đời nhà Minh rất hiếm có của họ. Một phần của bản dịch trước kia đã xuất hiện trên tập san Middle Way (Trung Đạo), và tôi muốn cảm ơn người chủ biên vì sự cho phép của bà để in lại nó ở đây.
London
Edward Conze
Tháng Giêng 1955
Phật Pháp giữa Loài Chim - Đỗ Đình Đồng dịch
Vài bét về dịch giả:
Đỗ Đình Đồng là tên thật; Pháp danh: Chơn Trí.
Sinh ngày 14 tháng 4 năm 1947 tại Nhơn Mỹ, Phước Hậu, Tuy Phước, Bình Định, nay thuộc thành phố Qui Nhơn.
Lúc nhỏ học tiểu học ở trường làng, học trung học đệ nhất cấp ở trường Trung Học Cường Đễ, thành phố Qui Nhơn. Học trung học đệ nhị cấp ở thành phố Nha Trang và thành phố Sài Gòn. Rồi ghi danh vào học Đại Học Khoa Học Sài Gòn, sau chuyển qua học Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Không chú trọng nhiều đến khoa cử. Dạy tiếng Anh ở một trường trung học đệ nhị cấp ở Sài Gòn và dịch sách.
Đến tháng 8 năm 1988, được phép chính thức định cư ở Hoa Kỳ. Đã tranh thủ học đại học trở lại, rồi làm việc cho một vài công ty kinh doanh nhà đất ở bang
Về cơ duyên học Phật. Ngay khi còn rất trẻ, khoảng 13 tuổi, một tâm thái rất kỳ lạ đã xảy ra khiến bản thân phải tìm hiểu về nó. Trên đường tìm hiểu, đã gặp được Kinh Lăng Nghiêm (bản dịch của Tuệ Quang thuộc Viện Phật Học Huyền Cơ) từ đó cứ theo lời Phật dạy trong kinh tự mình tu tập hằng ngày. Có lẽ bản thân không đủ duyên để qui y thọ giới với một vị sư nào khi còn ở Việt Nam cũng như khi định cư ở nước ngoài, dù đã có cơ hội gặp một vài vị Thượng tọa danh tiếng trong nước lúc bấy giờ. Tiếp theo là gặp được Kinh Pháp Bảo Đàn của Lục Tổ Huệ Năng bồi đắp cho rất nhiều, và sau đó là những chỉ dạy của các Thiền sư Nhật hiện đại về tu tập trong sách Ba Trụ Thiền của Thiền sư Philip Kapleau. Có nói chuyện về Thiền (bằng tiếng Anh) với độc giả các nơi trên thế giới trên website Zenguide.com trong một thời gian, nhưng đã không còn nói nữa từ lâu.
Các Dịch Phẩm:
Xin xem thư mục của dịch giả tại Thư Viện Hoa Sen.
Trên đây là dịch phẩm cuối cùng của Dịch giả Cư sĩ Đỗ Đình Đồng; Cư sĩ có Pháp danh: Chơn Trí đã an nhiên trút hơi thở tại Hoa Kỳ vào lúc 01 giờ 02 phút khuya ngày 17 tháng 2 năm 2021 (mồng 6 tháng giêng năm Tân Sửu). Hưởng thọ 76 xuân.
- Từ khóa :
- Phật Pháp
- ,
- Giữa Loài Chim