Cư Trần Lạc Đạo Phú: Đọc 2 Hội, Nghĩ Về Giải Thoát

02/12/20224:51 SA(Xem: 3603)
Cư Trần Lạc Đạo Phú: Đọc 2 Hội, Nghĩ Về Giải Thoát

 

CƯ TRẦN LẠC ĐẠO PHÚ:
ĐỌC 2 HỘI, NGHĨ VỀ GIẢI THOÁT

Nguyên Giác

 

CU TRAN LAC DAO PHUBài này sẽ phân tích về một số ý chỉ trong hai hội đầu trong Cư Trần Lạc Đạo Phú của Vua Trần Nhân Tông (1258-1308), người sáng lập dòng Thiền Trúc Lâm. Bài phú này có 10 phần, chữ xưa gọi là 10 hội, chỉ ra đường lối của Thiền Trúc Lâm. Bản tiếng Việt dùng nơi đây là từ công trình của Thiền sư Thích Thanh Từ (sinh năm 1924), người hồi phụcquảng bá Thiền Trúc Lâm tại Việt Nam hiện nay. Bản nơi đây đã dịch ra Anh ngữ nơi cuối sách song ngữ “The Way of Zen in Vietnam / Thiền Tông Việt Nam” (1). Bài phú rất dài, do vậy phần chú giải nơi đây sẽ chỉ ghi một số điểm thực dụng để bất kỳ độc giả nào cũng có thể nương theo bài phú mà tu giải thoát. Hầu hết nơi đây sẽ trích lời Đức Phật dạy. Dù vậy, với những sai sót có thể có, người viết xin được sám hối.

 

Trong Thiền Tông có câu rằng, gặp đúng kiếm khách mới nên bàn kiếm thuật, không gặp nhà thơ thì chớ bàn chuyện thơ. Bài Cư Trần Lạc Đạo Phú được ngài Trần Nhân Tông viết rất dài, rất thiết tha – thấy rõ trong giọng văn là để giúp những độc giả có tâm tương ưng vào được cửa Thiền. Hẳn là, các yếu tố như văn học sẽ chỉ là rất phụ. Nghĩa là nhu cầu sáng tác văn học không phải là chủ ý, chỉ là mượn văn để nói pháp.

 

Chúng ta có thể nhớ thời Đức Phật, rất nhiều vị chỉ nghe dạy vài câu, hay chỉ một câu là đủ trở thành A La Hán, hay có vị đắc sơ quả Dự Lưu. Thí dụ như ngài Bahiya, hay chàng Uggasena trong gánh xiếc, hay 32 thanh niên Bà La Môn trong hai phẩm cuối của Kinh Tập. Chỉ nghe một lần, là đắc quả A La Hán. Trong Thiền Tông, thường có nghĩa là, chỉ nghe một lần là biết cách an tâm, như Thượng Tọa Minh trong Kinh Pháp Bảo Đàn khi được ngài Huệ Năng dạy chớ nghĩ thiện, chớ nghĩ ác… Bài Cư Trần Lạc Đạo Phú cũng có sức mạnh như thế.

 

Chúng ta nhớ rằng có khi Đức Phật dạy đừng thuyết pháp. Không phải khi nào các Thiền sư cũng thuyết pháp, cũng viết về pháp. Trong Kinh AN 5.157, Đức Phật dạy rằng khi nói pháp cũng phải xem người nghe có nên nghe pháp mình nói hay không, rằng đừng nói về tín tâm với người không có tín tâm, đừng nói về giới với người phạm giới, đừng nói về ưa học pháp với người không ưa học, đừng nói về bố thí với kẻ keo kiệt, đừng nói về trí tuệ với kẻ tà tuệ. Và ngược lại, chỉ nói về tín tâm với người có tín tâm... Bản dịch của Thầy Minh Châu viết, trích: “Nói về tín với người không tin, này các Tỷ-kheo, là ác thuyết; nói về giới với người ác giới là ác thuyết; nói về nghe nhiều với người nghe ít là ác thuyết; nói về bố thí với người xan tham là ác thuyết; nói về trí tuệ với người ác tuệ là ác thuyết.”(2)

 

Khi thuyết pháp phải vì lòng lân mẫn, từ bi, và phải hướng người nghe vào sơ quả Dự Lưu. Mặt khác, trong khi thuyết pháp phải thực sự vì lòng từ bi. Đức Phật dạy rằng thuyết pháp là một nhiệm vụ lớn của người tu đối với tất cả những người thân, và thuyết pháp phải khởi xuất vì lòng từ bi, vì yêu thương, thậm chí có khi phải cứng rắn để áp đặt người thân sao cho người nghe phải ít nhất là đắc sơ quả Dự Lưu. Trong Kinh SN 55.16, Đức Phật dạy là phải hối thúc người thân có 4 chi phần (Thánh quả Dự Lưu có 4 chi phần: Tín Phật, Tin Pháp, Tin Tăng, Giữ Giới), trích bản dịch của Thầy Minh Châu:

 

Tất cả những ai, này các Tỷ-kheo, các Ông có lòng từ mẫn, và những người mà các Ông nghĩ cần phải nghe theo, những ai là bạn bè, hay thân hữu, hay bà con, hay cùng một huyết thống; tất cả những vị ấy, này các Tỷ-kheo, cần phải được khuyến khích, phải được áp đặt, phải được an trú trong bốn Dự lưu phần. Thế nào là bốn?

Họ cần phải được khuyến khích, phải được áp đặt, phải được an trú vào tịnh tín bất động đối với đức Phật: “Đây là bậc Ứng Cúng, … Phật, Thế Tôn” … đối với Pháp … đối với Tăng … đối với các giới được các bậc Thánh ái kính … đưa đến Thiền định.” (3)

 

Mời gọi hướng về định. Nhưng, không phải tin là chỉ để tin thôi. Nếu chúng ta để ý tới dòng chữ cuối vừa dẫn trên, rằng tin Tam Bảogiữ giới không thuần túy chỉ là tin Tam Bảogiữ giới, mà phải là đưa đến Thiền định. Nghĩa là, phải tu định. Định đây không có nghĩa là phải ngồi, nhưng là thường trực giữ tâm tỉnh thứclặng lẽ trong mọi thời đi đứng nằm ngồi, ít nhất là ở mức Sơ thiền, nơi Đức Phật nói rằng từ Sơ thiền nên hướng tâm về bất tử.

 

Ngay trong các câu đầu bài phú, ngài Trần Nhân Tông đã nói ngay về định. Nơi đây, chúng ta viết theo thể văn xuôi để dễ theo dõi, trích:

 

Mình ngồi thành thị; Nết dụng sơn lâm. Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tính; Nửa ngày rồi tự tại thân tâm. Tham ái nguồn dừng...”

 

Đoạn này có nghĩa là, ngài ở nơi thị tứ đô hội, nhưng tâm ngài tịch lặng như ở nơi rừng sâu núi thẳm. Ngài nói rằng với tâm định như thế, muôn nghiệp sẽ tịch lặng, tới nửa ngày vẫn thấy thân tâm tự tại. Với cách nói như thế, tu định này không có nghĩa là ngồi cả ngày, nhưng có nghĩa là định nơi tất cả các tư thế đi đứng nằm ngồi. Đức Phật dạy rằng phải tu ba môn học: giới, định, huệ. Phải có giới mới sanh định, phải có định, mới sanh tuệ. Thực tế, một số vị có cơ duyên nhiều đời, đã có thể vào cửa tuệ trước, như trường hợp Uggasena đứng trên cột cây làm xiếc, khi nghe Đức Phật dạy một câu là đắc quả A La Hán liền. Đó cũng là chỗ thắc mắc của ngài Susima khi thấy nhiều môn đệ của Đức Phật đã có được Tuệ giải thoát trong khi chưa đắc định.

 

Tu định thế nào? Đức Phật dạy rằng, phải tu sáng trưa chiều tối. Có nghĩa là ở mọi tư thế. Trong Kinh AN 3.19, Đức Phật dạy là phải tu vào buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều, tu bằng cách nhiệt tâm chăm chú vào định tướng. Bản dịch của Thầy Minh Châu, trích:

 

“…này các Tỷ-kheo, thành tựu ba pháp, Tỷ kheo thâu nhận được thiện pháp chưa được thâu nhận, tăng trưởng thiện pháp đã được thâu nhận. Thế nào là ba? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ kheo vào buổi sáng có nhiệt tâm chăm chú vào định tướng, vào buổi trưa có nhiệt tâm chăm chú vào định tướng, vào buổi chiều có nhiệt tâm chăm chú vào định tướng. Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo thâu nhận được thiện pháp chưa được thâu nhận, và tăng trưởng thiện pháp đã được thâu nhận.” (4)

 

Định tướng (samadhinimitte) là một tướng nào đó có thể giúp thuận lợi vào định. Mỗi người có thể sẽ có một thói quen giúp vào định khác nhau. Đặc biệt, chuyên tu định, rồi cũng sẽ giải thoát, và Đức Phật nói rằng đó là giải thoát xứ thứ năm.

 

Trong Kinh AN 5.26, Đức Phật dạy về 5 giải thoát xứ. Khi đọc bản kinh quan trọng này nên đối chiếu bản Việt và 2 bản dịch tiếng Anh của Sujato, Bodhi (sẽ có links cuối bài) để rõ nghĩa hơn. Trong 5 lối này, lối nào cũng có thể giúp đi đến “tâm được định tĩnh” (hiểu là, ít nhấtSơ thiền)… và rồi đi đến đoạn diệt hoàn toàn, đạt được vô thượng an ổn.

 

- Giải thoát xứ thứ nhất: giải thoát nhờ nghe thuyết pháp. Kinh AN 5.26, bản dịch Thầy Minh Châu trích: “Thế nào là năm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, bậc Đạo Sư hay một vị đồng Phạm hạnh đóng vai trò vị Đạothuyết pháp cho vị Tỷ-kheo. Tùy theo bậc Đạo Sư, hay một vị đồng Phạm hạnh đóng vai trò vị Đạothuyết pháp cho vị Tỷ-kheo như thế nào, như thế nào,tùy theo như vậy, như vậy, vị Tỷ-kheo tín thọ về nghĩa và tín thọ về pháp trong pháp ấy. Do vị ấy tín thọ về nghĩa, tín thọ về pháp, nên hân hoan sanh. Do hân hoan, nên hỷ sanh. Do ý hoan hỷ, thân được khinh an. Do thân được khinh an, vị ấy cảm giác lạc thọ. Do lạc thọ, tâm được định tĩnh. Đây là giải thoát xứ thứ nhất; ở đấy, vị Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, thời tâm chưa giải thoát được giải thoát, hay các lậu hoặc chưa được đoạn diệt hoàn toàn, đi đến đoạn diệt hoàn toàn, hay vô thượng an ổn khỏi các khổ ách chưa đạt, được đạt tới.” (5)

 

- Giải thoát xứ thứ nhì: giải thoát nhờ thuyết pháp cho người khác nghe. Nhà sư này tuy chưa giải thoát, nhưng đi thuyết pháp cho người khác nghe “như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng” và tương tự [như trên], tâm được định tĩnh… sẽ tới lúc đoạn diệt hoàn toàn.

 

- Giải thoát xứ thứ ba: đọc tụng Kinh điển. Đó là trường hợp giải thoát nhờ “đọc tụng pháp một cách rộng rãi như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng” và tương tự [như trên], tâm được định tĩnh…  sẽ tới lúc đoạn diệt hoàn toàn.

 

- Giải thoát xứ thứ tư: giải thoát nhờ suy nghĩ, nghiền ngẫm kinh điển. Kinh viết, "vị ấy với tâm tùy tầm, tùy tứ, với ý quán sát pháp như đã được nghe, như đã được đọc tụng" và tương tự [như trên], tâm được định tĩnh…  sẽ tới lúc đoạn diệt hoàn toàn.

 

- Giải thoát xứ thứ năm: nhờ tu định. Kinh viết, "vị ấy khéo nắm giữ một định tướng, khéo tác ý, khéo thọ trì, khéo thông đạt với trí tuệ như thế nào, như thế nào, tùy theo như vậy, như vậy, vị ấy tín thọ về nghĩa, tín thọ về pháp trong pháp ấy. Do vị ấy tín thọ về nghĩa, tín thọ về pháp nên hân hoan. Do hân hoan, nên hỷ sanh… tâm được định tĩnh. Đây là giải thoát xứ thứ năm..."

 

Tức là, chuyên tu định, cũng sẽ giải thoát, cũng lìa được tham sân si. Vậy thì, "nắm giữ một định tướng" hàm nghĩa gì?

 

Bản dịch Sujato: “… a meditation subject as a foundation of immersion is properly grasped, attended…” (một đề mục thiền định như một nền tảng cho định được một cách thích nghi nắm lấy, chú tâm vào…”

Bản dịch Bodhi: “… he has grasped well a certain object of concentration, attended to it well…” (vị đó khéo nắm lấy một đề mục tu định, chú tâm vào…)

 

Như vậy, định tướng là một tướng để chúng ta nương lấy cho dễ vào định, có thể là cảm thọ nơi hơi thở, có thể là tưởng về xương khô, có thể là hào quang ánh sáng. Nương vào định tướng cần thích nghi, như trường hợp Kinh SN 54.9 kể rằng một số vị tăng nhiệt tình tu pháp quán bất tịnh rồi tự sát, sau đó Đức Phật khuyên tập trung vào định niệm hơi thở. Trong Kinh MN 128, Đức Phật từng kể rằng ngài đã từng có định tướnghào quang; khi định mất thì hào quang biến mất.

 

Ngài Trần Nhân Tông nói rằng muôn nghiệp lặng, an nhàn thể tính. Nơi đây có thể hiểu rằng, trong định, tất cả muôn duyên ràng buộc biến mất, thân tâm đều buông thư, lặng lẽ (an nhàn) nhưng thể tính hiển lộ ra (và có thể hiểu đây là định tướng của ngài Trần Nhân Tông, khi lấy tánh làm định tướng). Thể tính nơi đây là tâm tịch lặng, rỗng rang, một cái biết vô niệm, một cái biết về cái không biết. Và vì tịch lặng, vì rỗng rang, nên tâm này bất động, không do duyên hợp mà thành, không từ đâu và cũng không về đâu, y hệt tánh sáng của gương không đi, không tới, bất kể vô lượng hình ảnh trong gương hiện rồi mất.

 

Chúng ta có thể nhớ tới Bồ Đề Đạt Ma, với lời dạy: “Ngoại tức chư duyên, nội tâm vô đoan. Tâm như tường bích, khả dĩ nhập đạo.” (Ngoài bặt hết các duyên, trong không chút tư lường nào, tâm y hệt tường vách, mới có thể vào đạo.) Chính cái tâm tường bích đó, cái tâm ngoài không vương gì và trong không khởi một niệm, chính là cái rỗng lặng của gương tâm. Xin chú ý rằng trong Sơ thiền, vẫn còn tầm (đặt tâm vào – placing the mind) và tứ (dán tâm vào - keeping it connected).  Khi Ngài viết rằng “nội tâm vô đoan, tâm như tường bích” có thể hiểu rằng ít nhất, lời dạy này nói về Nhị thiền, vì lúc đó đã biến mất cả tầm (tầm: placing the mind, còn nghĩa là niệm, thoughts) và tứ, nhưng tâm vẫn trong định. Và theo ngài, với tâm như thế, mới “khả dĩ nhập đạo” được. Đọc kỹ hơn, sẽ thấy cũng có thể ngài Bồ Đề Đạt Ma nói về một bất động tâm giải thoát.

 

Đức Phật nói gì về tâm bất động này? Nơi đây, chúng ta trích Kinh DN 34, bản dịch của Thầy Minh Châu:

Vii) Thế nào là một pháp rất khó thể nhập? Vô gián tâm định. Đó là một pháp rất khó thể nhập.

Viii) Thế nào là một pháp cần được sanh khởi? Bất động trí. Đó là một pháp cần được sanh khởi.

Ix) Thế nào là một pháp cần được thắng tri? Tất cả loài hữu tình do ăn uốngan trú. Đó là một pháp cần được thắng tri.

X) Thế nào là một pháp cần được tác chứng? Bất động tâm giải thoát. Đó là một pháp cần được tác chứng.” (6)

 

Khi đọc Kinh AN 5.26 về 5 giải thoát xứ, chúng ta biết rằng đi đứng nằm ngồi đều có thể giải thoát, trong khi chuyên tu định chỉ là giải thoát xứ thứ năm. Nhưng xuyên suốt cả 5 giải thoát xứ đều là hướng trọn tâm vào pháp (5 hướng khác nhau nhưng xuyên suốt trong Chánh pháp: nghe thuyết pháp, thuyết pháp cho người khác, tụng đọc kinh điển, suy tư nghiền ngẫm kinh điển, nắm giữ định tướng để tu định). Và rồi, tới Kinh DN 34, Đức Phật dạy rằng có một pháp gọi là Vô gián tâm định, tức là tâm định liên tục không bị gián đoạn, không bị ngưng nghỉ. Đây là chỗ cần suy nghĩ. Đức Phật không hề muốn chúng ta ngồi trọn cả ngày đêm. Đức Phật muốn chúng ta nghe thuyết pháp, muốn chúng ta đi thuyết pháp, muốn chúng ta đọc tụng kinh điển, muốn chúng ta suy tư nghiền ngẫm kinh điểntrong khi tâm định không hề gián đoạn.” Như thế, tâm định này không liên hệ tới thức vì thức có sinh có diệt, nhưng tâm định vô gián đoạn hiển nhiên là nói tới một trí tuệ bất động, trí tuệ bát nhã, trí tuệ của không sinh, không diệt. Có nghĩa là xuyên suốt những thức sinh diệt vẫn tàng ẩn [mà khó nhận ra] một tâm định không gián đoạn bất kể là vẫn đi đứng nằm ngồi. Tâm định không gián đoạn đó hiển lộ từ Bất động trí, mà Đức Phật nói là “một pháp cần sinh khởi.” Trí tuệ bất động? Tức là, tâm chúng sanh là tâm có sanh, có diệt; và tâm giải thoáttâm không sanh, không diệt. Và từ đó, mới khởi xuất tuệ giải thoát. Hiển nhiên, như thế, lời Đức Phật nói y hệt như các Thiền sư Việt Nam.

  

Thiền sư Đạo Tuân Minh Chánh ở chùa Bích Động thuộc tỉnh Ninh Bình (Bắc Việt) thời thế kỷ 19 đã soạn sách Tâm Kinh nhan đề "Bát Nhã Tâm Kinh Trực Giải" viết, bản dịch của Thầy Thích Thanh Từ, trích:

Bởi vì tâm chúng sanh, chân như chẳng giữ tự tánh nên sanh diệt. Luận về nguồn tâm vốn vắng lặng, vắng lặng tức chân như. Tâm vắng lặng chân như là thể của tâm. Tâm có tri giác, giác ấy là chiếu soi. Giác chiếu là dụng của tâm. Nhưng hay chiếu soi mà không lay động, đó là chiếu mà thường tịch. Tịch mà chẳng hôn trầm, đó là Tịch mà thường Chiếu. Nếu Chiếu Tịch chẳng hai thì thuần là Chân như, ấy gọi là Tâm đệ nhứt nghĩa, cũng gọi là Tâm vô sanh, chính đoạn trước nói là Tâm chân như môn.” (7)

Khi Đức Phật nói Bất động trí, Thiền sư Minh Chánh nói là Tâm vô sanh. Y hệt một ý.

 

Khi nói hữu tình do ăn uốngan trú, nơi đây Đức Phật muốn nói tới 4 loại thức ăn: đoàn thực (thức ăn nuôi thân), xúc thực (thức ăn xúc chạm bởi thân), niệm thực (những gì được niệm tưởng, được tư duy trong ý), thức thực (những gì được niệm tưởng bởi thức, được nhận biết bởi ý). Đối với người đã giải thoát (đã vào bất động tâm giải thoát) thì vẫn nuôi thân bằng thức ăn như thế, nhưng không an trú trong đó. Thấy chỗ khác này, sẽ hiểu tại sao Đức Phật vẫn ăn uống, tư duy, nói năng bình thường như chúng ta nhưng không hề an trú trong các thức ăn đó, mà tâm vẫn hằng an trú trong Bất động trí. Đó cũng là ý của ngài Trần Nhân Tông như thơ trên đã dẫn: “Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tính.”

 

Và chính nơi đó, nơi Bất động trí đó, thì ngài Trần Nhân Tông viết: “Tham ái nguồn dừng.”

Chỗ này, chúng ta có cách tiếp cận khác, rằng trong khi chưa hiển lộ được Bất động trí, chúng ta có thể vào Sơ thiềncố gắng giữ thường trực nơi đây, vì nơi Sơ thiền thì “dục tưởng biến mất.” Tại sao? Bởi vì Sơ thiền hay Thiền thứ nhất là “một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ.” Nếu trong khi ngồi mà tham dục còn khởi, thì không vào được Sơ thiền. Tầm nơi đây là hướng tâm vào, đặt tâm vào (placing the mind); chữ tứ có nghĩa là dán tâm vào (keeping it connected). Sơ thiền này có thể đạt được trong khi đi đứng nằm ngồi (như khi Thiền hành, hay như trong 4 Giải thoát xứ đầu tiên). Bạn có thể nghiệm được rằng, buổi sáng dậy sớm, ngồi pha trả, ra hàng hiên ngồi nhìn núi rừng cây lá, nếu lúc đó có tầm, có tứ, có hỷ (niềm vui), có lạc (hạnh phúc) và nhất tâm (không phân tâm) thì đó là Sơ thiền. Ngay khi đó, bạn không thấy các dục tưởng nữa. Hãy giữ trạng thái Sơ thiền thường trực, vì đó sẽ là khởi đầu cho một chìa khóa giải thoát. (Sơ thiền đã được viết trong nhiều bài trong 2 năm qua, nên nơi đây không bàn về chi tiết.)

 

Khi ngài Trần Nhân Tông viết “Tham ái nguồn dừng” có nghĩa là, lúc đó, ít nhất sẽ là Sơ thiền. Có một điểm để nghiệm ra nữa, rằng trong Sơ thiền, lời nói đoạn diệt. Tức là, không có lời nào hiện ra trong tâm. Bạn có thể gọi là “vô ngôn” cũng được, nhưng Đức Phật nói đó là nơi, lời nói được đoạn diệt (speech has ceased). Sơ thiềnthể đạt được trong đời thường, và khi ngồi thiềnthể đạt được bằng rất nhiều cách, như pháp thở, pháp chỉ, pháp quán, hay niệm thân, niệm thọ… và kể cả bằng cách “buông hết muôn duyên, dứt bặt niệm tư lường…” như ngài Bồ Đề Đạt Ma dạy, để rồi đời sau một số Thiền sư dạy phương tiện dùng công án, thoại đầu để ngoại duyên buông hết và nội tâm vắng lặng rỗng rang. Bởi vì tham công án hay thoại đầu là hướng tâm vào nghi tình, vào cái Tâm không biết, liên tục hướng tâm như thế sẽ tới lúc ly dục, ly bất thiện pháp, do ly dục nên sinh hỷ lạc, nhưng Sơ thiền còn tầm và tứ; trong khi đoạn tận tầm (khi tầm biến mất, tức là vô niệm) và tứ, và đạt nhất tâm, đó là Nhị thiền.

 

Đức Phật dạy trong Kinh AN 4.123 rằng hễ có ai thường trực sống trong sơ thiền, dù là chưa đắc quả thánh, khi từ trần, oai lực Sơ thiền trong giây phút cận tử sẽ dẫn tới quả Bất Lai. Điều khó cho chúng ta là làm sao thường trực Sơ thiền 24 giờ trong một ngày và ngày này qua ngày kia.

 

Tới vài câu sau đó trong Cư Trần Lạc Đạo Phú, chúng ta thấy ngài Trần Nhân Tông viết: “Nguyệt bạc vừng xanh, soi mọi chỗ thiền hà lai láng; Liễu mềm hoa tốt, ngất quần sinh tuệ nhật sâm lâm.”

Nghĩa là, mặt trăng màu bạc, chiếu ánh sáng xanh, lam cho mọi chỗ trở thành sông Thiền. Rồi khi chúng ta thấy liễu mềm, thấy hoa tốt, lúc nào mặt trời trí tuệ cũng hiển lộ trước mắt. Tức là, người tu phải thường trực sống trong cảnh giới của định (mọi chỗ Thiền hà lai láng), hiểu là ít nhấtSơ thiền thường trực. Và người tu phải thường trực tỉnh thức của tuệ (hễ mắt nhìn tới đâu, hễ tai nghe tới đâu… thì chỗ nào cũng sinh khởi mặt trời tuệ), tức là một cái biết thường trực hiển lộ từ định (Thiền hà) và tuệ (tuệ nhật) đẳng dụng. Nếu chúng ta muốn nhớ ngắn gọn chỗ này, có thể nói là “tỉnh tỉnh, lặng lặng; lặng lặng, tỉnh tỉnh” như cổ đức dạy.

 

Một điểm nên ghi nhận, Đức Phật dạy rằng khi vào Sơ thiền, học nhân chuyển sang pháp quán các pháp ấn (khổ, vô thường, vô ngã) trong sắc thọ tưởng hành thức thì sẽ đoạn tận lậu hoặc và được hóa sanh, nhập Niết bàn. Do vậy, Sơ thiền là một bước cực kỳ quan trọng. Trong Kinh MN 64, Đức Phật dạy  chuyển từ Sơ thiền sang quán pháp ấn để chứng nhập Niết bàn như sau, trích bản dịch của Thầy Minh Châu (và nếu chưa giải thoát hoàn toàn, thì cũng sẽ đắc quả Bất lai):

 

Tỷ-kheo do viễn ly các sanh y (Upadhiviveka), do đoạn trừ các bất thiện pháp, do làm cho an tịnh thân thô ác hành một cách toàn diện, ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Vị này chánh quán mọi sắc pháp, thọ pháp, tưởng pháp, hành pháp, thức pháp là vô thường, khổ, như bệnh, như cục bướu, như mũi tên, như điều bất hạnh, như bệnh chướng, như kẻ địch, như phá hoại, là không, là vô ngã. Vị này giải thoát tâm khỏi các pháp ấy. Sau khi giải thoát tâm khỏi các pháp ấy, vị ấy tập trung tâm vào bất tử giới (Amatadhatu) và nghĩ rằng: “Đây là tịch tịnh, đây là vi diệu, tức là sự an chỉ tất cả hành, sự xả ly tất cả sanh y, sự ái diệt, vô tham, đoạn diệt, Niết-bàn”. Nếu an trú vững chắc ở đây, vị này đạt đến sự đoạn tận các lậu hoặc. Nếu vị ấy không đạt đến sự đoạn tận các lậu hoặc, thời do sự tham pháp, hỷ pháp của mình, thời do sự đoạn tận năm hạ phần kiết sử, vị ấy được hóa sanh, nhập Niết-bàn ở đấy, không phải trở lui đời này nữa.” (8)

 

Câu hỏi là, ngài Trần Nhân Tông chỗ này dạy như thế nào? Chúng ta sẽ thấy trong nhiều đoạn sau, Cư Trần Lạc Đạo Phú dạy quán không, quán vô thường, quán vô ngã. Kế tiếp, nơi Hội Thứ Hai, Cư Trần Lạc Đạo Phú viết:

Biết vậy! Miễn được lòng rồi; Chẳng còn phép khác. Gìn tính sáng tính mới hầu an; Nén niềm vọng, niềm dừng chẳng thác. Dứt trừ nhân ngã, thì ra tướng thực kim cương; Dừng hết tham sân, mới lảu lòng màu viên giác.”

 

Miễn được lòng rồi, nơi đây là nhận ra tâm. Theo ý ngài Trần Nhân Tông, chỉ như thế thôi, không có pháp nào khác. Vì khi nhận ra tâm, phải thường trực giữ gìn tính sáng. Chỗ này rất phức tạp, do vậy sẽ dẫn ra nhiều kinh để ghi lời Đức Phật dạy về cách nhận ra tâm. Và rồi sẽ nhắc về chữ “thể tính” ngài đã nói ở trên.

 

Trước tiên, Đức Phật dạy trong Kinh SN 35.23 rằng tất cả những gì trong thế giới này đều hiển lộ từ tấm thân ngũ uẩn của chúng ta: “Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết về tất cả. Hãy lắng nghe. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tất cả? Mắt và các sắc; tai và các tiếng; mũi và các hương; lưỡi và các vị; thân và các xúc; ý và các pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, gọi là tất cả. Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: “Sau khi từ bỏ tất cả này, ta sẽ tuyên bố (một) tất cả khác”, thời lời nói người ấy chỉ là khoa ngôn.” (9)

 

Có nghĩa là, tất cả thế giới chúng ta kinh nghiệm là: mắt và cái được thấy, tai và cái được nghe, mũi và cái được ngửi, lưỡi và cái được nếm, thân và cái được chạm xúc, ý và những cái được suy nghĩ tư lường. Gọi tắt là 6 nội xứ và 6 ngoại xứ.

 

Kinh này tương đương với bài kệ đầu tiên của Kinh Pháp Cú (Kinh Pháp Cú, Kệ 1: Ý dẫn đầu các pháp, Ý làm chủ, ý tạo; Nếu với ý ô nhiễm, Nói lên hay hành động, Khổ não bước theo sau, Như xe, chân vật kéo".). Đức Phật dạy trong Kinh SN 1.62, bản dịch của Thầy Minh Châu là: “Chính tâm dắt dẫn đời, Chính tâm tự não hại, Chính tâm là một pháp, Mọi vật đều tùy thuộc.” (10)

 

Bản dịch của Thầy Sujato như sau: “The mind leads the world on. The mind drags it around. Mind is the one thing that has everything under its sway.” (Dịch: “Tâm dắt dẫn thế gian. Tâm kéo thế giới tới nơi này, nơi kia. Tâm là một pháp và pháp này tất cả thế gian đều bị kiểm soát.”)

 

Về sau, nhiều luận sư nói rằng vạn pháp duy tâm, rằng tất cả các pháp trong cõi Ta bà – Samsara – tức là thế giới của sinh tử luân hồi đều do tâm tạo. Như thế, khi Đức Phật nói rằng cái Tất Cả của thế gian này là tương tác của sáu nội xứ và sáu ngoại xứ, thế thì giải thoát ở chỗ nào trong Tất Cả này? Đức Phật trả lời trong Kinh Iti-7 là: phải biết trực tiếp (chứng ngộ, không qua suy luận) cái Tất Cả, phải hiểu đầy đủ cái “Tất Cả” và phải tách rời tâm ra khỏi cái “Tất Cả” và rồi buông bỏ cái “Tất Cả” là giải thoát. Tức là, buông bỏ tất cả các pháp hữu vi thì pháp vô vi hiển lộ, tức là Niết Bàn hiển lộ. Tức là, Niết Bàn không phải do bồi đắp hay xây dựng, mà chĩ là do buông bỏ các pháp hữu vi.

 

Kinh Như Thị Ngữ số 7 (Iti 7) ghi lời Đức Phật dạy, nơi đây, chúng ta dịch theo bản Anh văn của Ireland trên SuttaCentral: “Những người nào biết trực tiếp cái Tất Cả và hiểu đầy đủ cái Tất Cả, và những người nào đã tách rời tâm mình ra khỏi cái Tất Cả và buông bỏ, mới có thể vượt qua tất cả sầu khổ.” (11)

 

Bản dịch của Thầy Minh Châu cho Kinh Iti-3 (Có dị biệt về Ký số vì trong SuttaCentral là Iti-7) là: “Ai hiểu, rõ biết được, Tất cả là tất cả, Đối với tất cả chỗ, Không có sự tham đắm, Vị như vậy chắc chắn, Liễu tri được tất cả, Và có thể vượt qua, Tất cả mọi đau khổ.”

 

Câu hỏi là, làm sao buông bỏ cái Tất Cả, tức là thế giới này, và là mắt tai mũi lưỡi thân ý và đối tượng của chúng? Buông bỏ Tất Cả, chính là hiển lộ Tâm giải thoát. Không có nghĩa Tâm giải thoát là ngoài thân ngũ uẩn của mình, cũng không thể nói là trong thân ngũ uẩn của mình, mà chỉ là tách rời tâm mình ra khỏi cái Tất Cả và buông bỏ cái Tất Cả thì còn Tâm giải thoát. Xin chú ý rằng không có gì bồi đắp, mà chỉ là buông bỏ (tuy còn đi đứng nằm ngồi trong cái Tất Cả). Không nói được, vì Tâm giải thoátpháp vô vi, trong khi thân tâm ngũ uẩnpháp hữu vi. Chỗ này [khi buông tất cả hữu vi là vào vô vi pháp], đời sauluận sư nói rằng phiền não chính là Niết bàn (tuy nhiên, chúng ta tránh bàn chuyện này, cũng không dám nói đúng hay sai, vì ngôn ngữ nơi này lẽ ra là dứt bặt).

 

Trong Kinh MN 30, Đức Phật dạy phải tìm cái lõi cây, vì tận cùng là Tâm giải thoát bất động. Bản dịch của Thầy Minh Châu viết:

Như vậy, này Bà-la-môn, phạm hạnh này không phải vì lợi ích, lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng, không phải vì lợi ích thành tựu giới đức, không phải vì lợi ích thành tựu Thiền định, không phải vì lợi ích tri kiến. Và này Bà-la-môn, tâm giải thoát bất động chính là mục đích của phạm hạnh này, là lõi cây của phạm hạnh, là mục tiêu cuối cùng của phạm hạnh.” (12)

 

Đó là ý nghĩa của chữ Thể tính mà ngài Trần Nhân Tông sử dụng, vì khi tách rời tâm mình ra cái Tất Cả và buông bỏ nó (như Kinh Iti-7 dạy) thì là thấy Tâm giải thoát bất động (như Kinh MN30 dạy). Nghĩa là, buông hết tất cả sáu nội xứ và sáu ngoại xứ thì là hiển lộ Thể tính, là Tâm giải thoát bất động. Chúng ta không thể nói Tâm này là trong hay ngoài, chỉ nói được rằng là buông hết thì thấy.

 

Nhắc lại, trong Hội Thứ Hai, bài Cư Trần Lạc Đạo Phú viết: “Biết vậy! Miễn được lòng rồi; Chẳng còn phép khác. Gìn tánh sáng, tánh mới hầu an; Nén niềm vọng, niềm dừng chẳng thác. Dứt trừ nhân ngã thì ra tướng thật kim cang; Dừng hết tham sân mới lảu lòng mầu viên giác.”

 

Cốt tủy là phải biết như thế. Chỉ cần được lòng --- tức là, thấy được, sống được thường trực với Tâm giải thoát bất động (như đã dẫn mấy đoạn trước) --- không còn phép gì khác. Lòng là tâm. Khi đã ngộ nhập được Tâm giải thoát bất động thì tất cả việc khác trở thành chuyện phụ. Khi nói không còn phép nào khác, là nói trên ý chỉ Thiền Tông. Vì nhà Thiền đặt ưu tiên là Thấy Tánh trước, chữ Tánh chúng ta gọi bây giờ, ngày xưa ngài Trần Nhân Tông gọi là Thể tính (đã nói ở trên).

Tại sao nói không còn pháp nào khác? Đơn giản, như Đức Phật nói, đây là lõi cây. Do vậy tất cả các pháp khác đều không cần thiết, như “được lòng” rồi.

 

Kế tiếp, ngài Trần Nhân Tông dặn dò rằng đè nén vọng niệm (nén niềm vọng) chỉ vô ích, vì sẽ thấy niềm dừng chẳng thác. Chư Tổ thời xưa nói rằng đè nén niệm chỉ y hệt như trên đầu chắp thêm đầu, trên tuyết lại phả thêm sương, chỉ vô ích. Nơi đây còn so sánh niệm như dòng sông thời gian chảy. Nơi hội đầu, có nói về thời gian (nửa ngày), và tham ái cũng ví như dòng sông (tham ái nguồn dừng). Khi chúng ta còn sống trong thế giới hữu vi, bất kỳ suy nghĩ tư lường nào cũng đóng trong khung của không gianthời gian. Thí dụ, khi chúng ta nghĩ về mẹ, chúng ta có thể nhớ tới hình ảnh mẹ nơi Nha Trang, hay hình ảnh mẹ khi vào Sài Gòn học, hay hình ảnh mẹ khi kết hôn, hay hình ảnh mẹ lúc nằm giường bệnh cận tử. Nghĩa là tất cả đều là hình ảnh trong khung của một không gian và một thời gian. Đó là khung của Tất Cả.

 

Về không gian, chúng ta cũng nhớ rằng, Đức Phật dạy trong nhiều Kinh, đặc biệt như Kinh Từ Bi (Karaniya Metta Sutta - Sn 1.8), nói rằng rải tâm ra xa tận cùng vũ trụ về tất cả phương hướng, kể cả hướng trên cao và hướng dưới thấp tất cả các cõi. Tức là, tập cho chúng ta gỡ cái khung về không gian. Bởi về, hễ còn vướng vào bất kỳ mảy bụi trần nào ở đâu (dù là Đông Tây Nam Bắc, Tây Tàu Mỹ Nhật), cũng đều hỏng. Về thời gian, Đức Phật dạy là tâm phải lìa cả ba thời. Chúng ta gặp trong nhiều Kinh, Đức Phật dạy rằng đừng nuối tiếc vấn vươngquá khứ, đừng mộng tưởng gì tương lai, và cũng đừng dính vào bất cứ mảy bụi trần nào trong hiện tại, như thế mới giải thoát. Cũng là gỡ khung thời gian. Đó là ý nghĩa, Đức Phật nói trong một Kinh về người đứng giữa dòng nước lũ, muốn giải thoát thì đừng bước tới (đừng mơ tưởng về tương lai), đừng lùi lại (đừng luyến tiếc quá khứ), cũng đừng đứng yên (đừng dính vào hiện tại). Nói về thời gian, khi tâm lìa cả ba thời, đó là giải thoát. Nói về không gian, khi thức không nghiêng về đâu, khi thức không hề có đặc tướng nào (consciousness without feature) thì đó là giải thoát.

 

Kế tiếp, ngài Trần Nhân Tông dặn dò rằng dứt trừ tướng nhân ngã (tướng thấy có ta, có người, có chúng sinh) thì mới thấy thật tướng kim cang, tức là trí tuệ kiên cố, hay là Tâm giảỉ thoát. Và dứt bỏ tham sân thì mới lộ ra vầng trăng sáng viên giác, cái biết tròn đầy (của Tuệ giải thoát, từ Tâm giải thoát). Ngài viết “lảu lòng viên giác” nghĩa là “làu làu hiển lộ Tâm viên giác” – các Thiền sư thường gọi Tâm viên giácNiết Bàn.

Nơi đoạn này cho thấy rằng người giác ngộ là người thấy không có mình, không có người, không có chúng sinh. Ngắn gọn, thấy thân tâm năm uẩn của mình không có gì là mình, không có gì là ta, và do vậy không thấy gì là của tôi, của ta. Quán sát mình như thế, thì quán sát người cũng như thế. Tức là, nhận ra pháp ấn vô ngã nơi tất cả các pháp hữu vi.

Thể tính mà ngài Trần Nhân Tông còn được nhà Thiền gọi là Tánh Không. Chỉ đơn giản, vì nó lìa sắc thanh hương vị xúc pháp, nó vi tế tới mức không thể thấy bằng mắt, không thể nghe bằng tai, vân vân.

Cho nên, cái lõi cây đó, Đức Phật chỉ ra là cái rỗng không. Trong Kinh SN 22.95, Đức Phật chỉ cách nhìn về tánh rỗng không của các pháp, tức là chỉ ra pháp ấn vô ngã. Bản dịch của Thầy Minh Châu viết:

 

Ví như, này các Tỷ-kheo, sông Hằng này chảy mang theo đống bọt nước lớn. Có người có mắt nhìn đống bọt nước ấy, chuyên chú, như lý quán sát. Do nhìn chuyên chú, như lý quán sát nó, đống bọt nước ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là rỗng không, hiện rõ ra là không có lõi cứng. Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cứng trong đống bọt nước được?

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có sắc gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; vị Tỷ-kheo thấy sắc, chuyên chú, như lý quán sát sắc. Do vị Tỷ-kheo nhìn chuyên chú, như lý quán sát sắc, sắc ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là rỗng không, hiện rõ ra là không có lõi cứng. Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cứng trong sắc được?” (13)

 

Kinh này viết thêm bài thơ Đức Phật đọc, nói rằng: “Sắc ví với đống bọt, Thọ ví bong bóng nước, Tưởng ví ráng mặt trời, Hành ví với cây chuối, Thức ví với ảo thuật... Nếu như vậy chuyên chú, Như lý chơn quán sát, Như lý nhìn các pháp, Hiện rõ tánh trống không... Hãy quán uẩn như vậy, Vị Tỷ-kheo tinh cần, Suốt cả đêm lẫn ngày, Tỉnh giác, chánh tư niệm... Hãy bỏ mọi kiết sử, Làm chỗ mình nương tựa, Sống như lửa cháy đầu, Cầu chứng cảnh bất động.

Như thế, Tâm giải thoát là một Tâm rỗng không và bất động. Trần Nhân Tông gọi là tướng thật kim cang và là cái biết tròn đầy viên giác. Chữ này còn gọi là Niết Bàn, vì là đã tắt lửa tham sân si.

 

Cần nêu rõ, vì sao nói không cần tu pháp gì khác? Trần Nhân Tông viết rất minh bạch: “Biết vậy! Miễn được lòng rồi; Chẳng còn phép khác. Gìn tánh sáng…”  Đây là chỗ ngoại đạo không bao giờ hiểu được, vì đây là cốt tủy của Thiền Tông. Chỉ cần thường trực nhận biết, thường trực tỉnh thức, thường trực thấy tâm, thường trực giữ gìn tánh sáng…

 

Trong tăng đoàn thời Đức Phật, có nhiều vị chưa đắc Sơ thiền, nhưng đã đắc quả A la hán. Đó là trường hợp quý ngài chứng được Tuệ giải thoát. Kinh này trong Tạng Pali là Kinh SN 12.70, vị đương cơ là ngài Susima (ban đầu xin vào Tăng đoàn là để trộm pháp). Kinh tương ưng trong Tạng A Hàm là Kinh SA 347, tên vị đương cơ phiên âm là Tu-thâm.

 

Chưa đắc Sơ thiền, nhưng đã hoàn toàn giải thoát được nói rất rõ trong Kinh SA 347, trích bản dịch của hai Thầy Tuệ Sỹ & Đức Thắng:

 

Bấy giờ, các Tỳ-kheo giúp cho Tu-thâm xuất gia, trải qua được nửa tháng. Một hôm có vị Tỳ-kheo nói với Tu-thâm: “Tu-thâm nên biết, chúng tôi đã chấm dứt sanh tử, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.”

Tu-thâm bạch Tỳ-kheo: “Bạch Tôn giả, thế nào, có phải học ly dục, ly pháp ác bất thiện, có giác, có quán, có hỷ lạc phát sanh do viễn ly, thành tựu Sơ thiền, là không khởi lên các lậu, tâm khéo giải thoát?”

Tỳ-kheo đáp: “Không phải vậy, Tu-thâm!”

Lại hỏi: “Thế nào, có phải lìa có giác, lìa có quán, nội tịnh nhất tâm, không giác, không quán, có hỷ lạc do định sanh, thành tựu Nhị thiền, là không khởi lên các lậu, tâm khéo giải thoát?”

Tỳ-kheo đáp: “Không phải vậy, Tu-thâm!”...” (14)

 

Kinh SN 12.70 qua bản dịch của Thầy Minh Châu đã cho thấy ngài Susima kinh ngạc khi biết có nhiều nhà sư chưa chứng đắc được nhiều pháp địnhthần thông nhưng được Đức Phật xác nhận đã giải thoát: “...chư Tôn giả ở trước mặt Thế Tôn đã tuyên bố chánh trí như sau: “Chúng con biết rõ rằng: 'Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa'”...” (14)

 

Kinh SN 12.70 ghi rõ rằng các nhà sư đã đắc quả A la hán nhờ chứng Tuệ giải thoát mặc dù chưa không chứng được nhiều loại thần thông khác nhau, không chứng được thiên nhĩ thông, không chứng được tha tâm thông, không thấy được nhiều đời quá khứ, không có thiên nhãn để thấy nơi thọ sanh của chúng sanh, không “vượt khỏi Sắc giới, thân cảm xúc Vô sắc giới, an trú vào tịch tịnh giải thoát”... Ngài Susima thắc mắc, mới tới hỏi Đức Phật về trường hợp các Thầy chứng Tuệ giải thoát trong khi chưa đắc cả định Sơ thiền.

 

Bấy giờ, Đức Phật mới nói về các nhà sư Tuệ giải thoát, “trước hết là trí về pháp trú, sau là trí về Niết-bàn” (Kinh SA 347 ghi lời Đức Phật: Trước hết họ biết pháp trụ, sau đến biết Niết-bàn.) Rồi Đức Phật bắt đầu một cuộc đối thoại rất dài với Susima. Pháp nghĩa là những gì sanh khởi, rồi hoại diệt (theo Luật duyên khởi). Niết bàntâm giải thoát, là tâm lìa tham sân si.

Kế tiếp, Đức Phật hỏi Susima rằng sắc (những cái được thấy, được nghe, được ngửi, được nếm, được cảm thọ qua xúc chạm, được tư lường suy nghĩ) là thường hay vô thường? Susima đáp là vô thường. Và tuần tự, nhận ra vô thường nên khổ, nên không hề có cái gì là tôi, không hề có cái gì là của tôi, không hề có cái gì là tự ngã của tôi... Tương tự với thọ, tưởng, hành, thức. Tương tự, nhận ra ba thời (quá, hiện, vị lai) của sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều không hề có cái gì là tôi, không hề có cái gì là của tôi, không hề có cái gì là tự ngã của tôi...

Thấy được như thế, nên các vị Thánh đệ tử nhàm chán với sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Đức Phật nói:

Do nhàm chán, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên biết rằng: “Ta đã giải thoát”. Vị ấy biết rõ: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”...”

Sau đó Đức Phật giải thích cho Susima về Luật duyên khởi: Do duyên sanh, già chết sanh khởi... Do duyên thủ, hữu sanh khởi. Do duyên ái, thủ sanh khởi. Do duyên thọ, ái sanh khởi. Do duyên xúc, thọ sanh khởi. Do duyên sáu xứ, thọ sanh khởi. Do duyên danh sắc, sáu xứ sanh khởi. Do duyên thức, danh sắc sanh khởi. Do duyên hành thức sanh khởi. Do duyên vô minh, hành sanh khởi. Do sanh diệt, già chết diệt. Do hữu diệt, nên sanh diệt. Do thủ diệt, nên hữu diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thọ diệt nên ái diệt. Do xúc diệt nên thọ diệt. Do sáu xứ diệt nên xúc diệt. Do danh sắc diệt, nên sáu xứ diệt. Do thức diệt, nên danh sắc diệt. Do hành diệt nên thức diệt. Do vô minh diệt, nên hành diệt.

Như thế, Kinh SA 347 và Kinh SN 12.70 cho thấy một lối đi tắt để chứng Tuệ giải thoát: thường trực thấy pháp ấn vô ngã, thường trực thấy không tôi, không của tôi, không tự ngã của tôi. Và ngay cả khi chưa đắc Sơ thiền, cũng đã có thể giải thoát (khi có Tuệ giải thoát).

Ý chỉ này được Trần Nhân Tông nói rõ, “Biết vậy! Miễn được lòng rồi; Chẳng còn phép khác. Gìn tánh sáng…” Thế gian này là cái Tất Cả, là cái tương tác của sắc, thọ, tưởng, hành, thức, tức là nhìn đâu cũng thấy tâm (được lòng), thường trực tỉnh thức với chánh niệm, với tánh sáng của Tuệ giải thoát sau khi “muôn nghiệp lặng, tham ái nguồn dừng...” Tức là: Do ly tham, vị ấy giải thoát…

 

Tuy nhiên, khi thấy như thật (thấy pháp ấn vô ngã, vô thường, khổ…) nhờ có trí tuệ, cũng chưa gọi là giải thoát vì cần thời gian đề lìa tham sân si, để lìa hết lậu hoặc. Có thể nói thêm về Tuệ giải thoát… Đây là pháp vô vi, là nhận biết về Niết bàn. Chỗ này, cần cảnh giác, vì với nhiều trường hợp, dù đã “khéo thấy như chơn nhờ chánh trí tuệ” nhưng vẫn có thể chưa đoạn tận lậu hoặc. Như trong Kinh SN 12.68, bản dịch của Thầy Minh Châu, nơi đoạn đối thoại giữa hai ngài Nārada và Saviṭṭha, trích:

 

“—Như vậy, Tôn giả Nārada là bậc A-la-hán, đã đoạn tận các lậu hoặc?

—Này Hiền giả, “Do hữu diệt là Niết-bàn”, tôi khéo thấy như chơn nhờ chánh trí tuệ. Nhưng tôi không phải là vị A-la-hán đã đoạn tận các lậu hoặc. Ví như trên một con đường hoang vắng có một giếng nước. Tại đấy không có dây, không có gàu nước. Rồi có người đi đến, bị nóng bức bách, bị nóng áp đảo, mệt mỏi, run rẩy, khát nước. Người ấy ngó xuống giếng và biết được: “Giếng này có nước”, nhưng đứng chịu, thân thể không chạm nước. Cũng vậy, này Hiền giả, “Hữu diệt là Niết-bàn”, tôi khéo thấy như chơn nhờ chánh trí tuệ, nhưng tôi không phải là vị A-la-hán đã đoạn tận các lậu hoặc.” (15)

 

Khi Trần Nhân Tông viết rằng “dứt trừ nhân ngã” chỉ muốn nói là dứt cái chấp có ngã, có nhân. Chữ của Thiền Việt Nam là phải quán thấy “ngã không, pháp không.” Ngắn gọn, là thường trực thấy Không tánh. Tức là, buông bỏ hết cái Tất Cả, là thể nhập Không tánh. Chỗ này, Đức Phật nói rất minh bạch trong Kinh Tập.

Kinh Snp 5.11, bản Anh văn của Thầy Anandajoti viết: “Having nothing, no attachment, this is the island with nothing beyond, this is called Nibbāna, I say, the end of old age and death. Knowing this, those who are mindful, who are emancipated in this very life…” (16)

Chúng ta có thể dịch là: “Không có gì hết, không vương vấn dính vào bất kỳ gì hết, đây là hòn đảo với không gì hơn nữa, đây ta gọi là Niết Bàn, là chấm dứt già chết. Những ai tỉnh thức trong cái biết này, sẽ giải thoát ngay trong đời này…”

 

Tương tự, Kinh Snp 5.16, bản Anh văn cùng thầy trên, viết: “Look on the world as empty, Mogharāja, being always mindful. Having removed wrong view of self, in this way one will cross beyond Death.” (17)

Dịch là: “Hãy nhìn thế giới (nội xứ và ngoại xứ) như là trống rỗng, hỡi Mogharāja, thường trực tỉnh thức nhìn như thế. Gỡ bỏ tà kiến về chấp ngã, như thế sẽ vượt qua cái Chết.”

 

Tuy nhiên, cần nói rõ rằng, buông hết sẽ thấy Tâm viên giác hiển lộ, tức là thấy Niết Bàn, quán không sẽ thấy Niết Bàn, nhưng Niết Bàn không phải là không gì hết.

 

Trong Kinh SN 43.14-43, Đức Phật nói rằng Niết Bàn (tức pháp vô lậu) có các đặc tính như sau: “Sự Thật, Bờ Bên Kia, Tế Nhị, Khó Thấy Được, Không Già, Thường Hằng, Không Suy Yếu, Không Thấy, Không Lý Luận, Tịch Tịnh, Bất Tử, Thù Thắng, An Lạc, An Ổn, Ái Đoạn Tận, Bất Khả Tư Nghì, Hy Hữu, Không Tai Họa,Không Bị Tai Họa, Niết Bàn, Không Tồn Tại, Ly Tham, Thanh Tịnh, Giải Thoát, Không Chứa Giữ, Ngọn Đèn, Hang ẩn, Pháo Đài, Quy Y.” (18)

 

Chỗ này, cũng nên ghi nhận: Niết Bàn là cuộc tranh cãi bất tận trong nhà Phật. Nói đơn giản, Niết Bàn là lìa tham sân si. Nhưng khi nói chi tiết, lại là tranh luận không ngừng. Để hiểu tận tường về Tâm viên giác, chúng ta khảo sát từ nhiều quan điểm khác nhau.

 

Nói về tổng quan các pháp, Đức Phật dạy trong Kinh SN 12.15 rằng, “Khi nói tất cả đều hiện hữu: đó là một cực đoan. Khi nói tất cả đều không hiện hữu: đó là một cực đoan thứ nhì. Tránh 2 cực đoan này, Như Lai dạy Pháp trung đạo... [tiếp theoDuyên sinh].”

Trong Kinh MN 72, Đức Phật nói “Không” đối với 4 câu hỏi: sau khi viên tịch, Như Lai hiện hữu... hay không hiện hữu, hay vừa hiện hữu vừa không hiện hữu, hay không hiện hữu cũng không không hiện hữu. Nên ghi nhận, Thiền sử Việt Nam ghi rằng Thiền sư Tông Diễn (1640-1711) lập lại cách nói của Đức Phật bằng thơ: “Hữu vô câu bất lập, nhật cảnh bổn đương bô” (Có và Không đều không lập, mặt trời trí tuệ sẽ lên cao).

Như vậy, hiểu thế nào về Niết Bàn? Nếu nói không có Niết Bàn, thì là hư vô, là một trong 62 tà kiến đã bị Đức Phật bác bỏ trong Kinh DN-1.

Có phải Niết Bàn có thể hiểu là như sông hòa vào biển lớn? Trong Kinh MN 73, ghi rằng sau khi Đức Phật dạy Tôn giả Vacchagotta về pháp “chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát” thì ngài Vacchagotta nói, theo bản dịch của Thầy Minh Châu: “Thưa Tôn giả Gotama, ví như con sông Hằng (Ganga) hướng về biển cả, chảy về biển cả, xuôi dòng về biển cả, liền đứng lại khi xúc chạm với biển cả; cũng vậy hội chúng này của Tôn giả Gotama, gồm có cư sĩxuất gia, hướng về Niết-bàn, chảy về Niết-bàn, xuôi dòng về Niết-bàn, đứng lại khi xúc chạm với Niết-bàn.” (19)

Như sông chảy xuôi dòng vào biển lớn, là cách nói không phải Hữu, không phải Vô? Chúng ta không biết.

Nhưng Niết Bàn là một pháp có thật, vì Đức Phật trong nhiều kinh nói rằng Niết Bàn là khi tâm lìa tham sân si, là khi thân mình chạm vào bất tử, là tâm vô ngã, là tâm bất động, là tâm giải thoát, là pháp vô vi, pháp vô lậu, pháp lìa thời gian ba thời, là một thức chói sáng không đặc tướng, và không diễn tả được bằng ngôn ngữ. Nói chung, chúng ta không nói được qua lý luận nơi đây, chỉ đành tự tu học, rồi sẽ hy vọng trong kiếp này sẽ trải nghiệm được Niết Bàn.

 

Tiếp theo, Trần Nhân Tông viết trong Cư Trần Lạc Đạo Phú nơi hội thứ nhì: “Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương; Di-đà là tánh sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực Lạc.

Nơi đây ngài Trần Nhân Tông viết rất minh bạch, rằng không cần phải tìm về cõi Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà, vì Đức Phật này chính là tánh sáng soi, là tâm viên giác, là Tuệ giải thoát, là các định nghĩa về Niết Bànchúng ta vừa thảo luận ở các đoạn trên.

Và cũng nơi đây, hãy giữ thái độ của các Thiền sư rằng chớ nói rằng Có hay Không... vì tất cả các pháp đều ly ngôn thuyết. Và các Thiền sư nói rằng, ngay cả khi gặp Phật cũng phài giết Phật, gặp ma cũng phải giết ma (xin chú giải: Phật và ma, đều là những khái niệm [do duyên trong cõi này] hiện lên trong tâm, vì ngay khi Tâm viên giác làu làu thì tất cả các pháp, tất cà thế giới này và thân tâm đều là rỗng rang tịch lặng, lấy chữ nào ra mà nói nữa).

Thế mới biết, tuyệt vời là ngài Trần Nhân Tông với Cư Trần Lạc Đạo Phú.

 

GHI CHÚ:

(1) The Way of Zen in Vietnam: https://thuvienhoasen.org/p30a34046/phan-10-  

(2) Kinh AN 5.157: https://suttacentral.net/an5.157/vi/minh_chau

(3) Kinh SN 55.16: https://suttacentral.net/sn55.16/vi/minh_chau

(4) Kinh AN 3.19: https://suttacentral.net/an3.19/vi/minh_chau

(5) Kinh AN 5.26, bản dịch Thầy Minh Châu: https://suttacentral.net/an5.26/vi/minh_chau

Bản dịch Sujato: https://suttacentral.net/an5.26/en/sujato

Bản dịch Bodhi: https://suttacentral.net/an5.26/en/bodhi

(6) Kinh DN 34: https://suttacentral.net/dn34/vi/minh_chau

(7) Bát Nhã Trực Giải: https://thuvienhoasen.org/images/file/oDLGWJ1G0QgQAONU/batnhatamkinhtrucgiai.pdf

(8) Kinh MN 64: https://suttacentral.net/mn64/vi/minh_chau

(9) Kinh SN 35.23: https://suttacentral.net/sn35.23/vi/minh_chau

(10) Kinh SN 1.62: https://suttacentral.net/sn1.62/vi/minh_chau

(11) Kinh Iti-7, bản dịch Ireland: https://suttacentral.net/iti7/en/ireland

(12) Kinh MN 30: https://suttacentral.net/mn30/vi/minh_chau

(13) Kinh SN 22.95: https://suttacentral.net/sn22.95/vi/minh_chau

(14) Kinh SA 347: https://suttacentral.net/sa347/vi/tue_sy-thang

Kinh SN 12.70 https://suttacentral.net/sn12.70/vi/minh_chau

(15) Kinh SN 12.68: https://suttacentral.net/sn12.68/vi/minh_chau

(16) Kinh Snp 5.11: https://suttacentral.net/snp5.11/en/anandajoti

(17) Kinh Snp 5.16:  https://suttacentral.net/snp5.16/en/anandajoti

(18) Kinh SN 43.14-43: https://suttacentral.net/sn43.14-43/vi/minh_chau

(19) Kinh MN 73: https://suttacentral.net/mn73/vi/minh_chau

 

 

 

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
26/06/2014(Xem: 23045)
13/01/2011(Xem: 72650)
24/07/2018(Xem: 7257)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.