Phần Ii: Thơ Tuyển Chọn

11/04/201112:00 SA(Xem: 10955)
Phần Ii: Thơ Tuyển Chọn

RYOKAN GÃ THIỀN SƯ ĐẠI NGU
CÔ ĐƠN TRÊN CON ĐƯỜNG TRỐNG KHÔNG (CUỘC ĐỜI VÀ THI PHÚ)
Hoang Phong
Nhà Xuất Bản Văn Hoá Sài Gòn 2009


PHẦN II
Thơ tuyển chọn

1
Những vần thơ cô quạnh

Khu rừng Gogôan hoang vắng,
Chiếc am cỏ như treo giữa không trung.
Phía sau là rừng tùng bát ngát.
Vài bài thơ cài trên vách,
Chiếc nồi đất bám đầy bụi bặm,
Đặt trên chiếc bếp lạnh tanh.
Thỉnh thoáng mới thấy lão già nơi ngôi làng phía đông,
Đến gõ cửa dưới ánh trăng.

Túp lều nơi tận cùng trong khu rừng vắng.
Mỗi năm những giây hoa đậu tím mọc càng nhiều.
Xa lìa cõi thế tục,
Thỉnh thoảng mới nghe thấy tiếng hát của một gã tiều phu.
Giũ chiếc áo cà-sa trong nắng sớm,
Đọc một vần thơ dưới ánh trăng,
Tôi muốn nhắn với kẻ thế tục rằng,
Mưu cầu hạnh phúc cũng đâu cần gì nhiều.

Một túp lều đổ nát và chật hẹp,
Suốt ngày chẳng thấy một bóng người.
Yên lặng một mình bên cửa sổ,
Chỉ nghe thấy tiếng lá rơi trên mặt đất mà thôi.

Sau một ngày khất thực, trở về am,
Khép lại tấm phên cửa kết bằng cành ngải hương.
Đốt bếp với vài cành khô còn lá,
Yên lặng đọc vài vần thơ của Hàn San.
Gió Tây lại thổi về, mưa đêm lăn trên mái cỏ.
Thỉnh thoảng lại duỗi chân,
Có gì đâu để bận tâm,
Chẳng có một hoài nghi nào trong tâm thức.

Suốt đời lười biếng nên chẳng giữ được một giới luật nào,
Hân hoan, và chỉ biết hân hoan, buông trôi theo bản thể.
Trong tay nải có ba lượng gạo,
Cạnh bếp một bó củi khô.
Tại sao phải thắc mắc về giác ngộảo giác để làm gì?
Chẳng hề quan tâm đến những ai chỉ biết có danh vọng 
 lẫn bạc tiền.
Mưa đêm lẳng lặng rơi trên mái am lợp cỏ,
Nhẹ nhàng tôi duỗi thẳng hai chân.

Một nghìn ngọn núi cao, im lìm trong giá rét,
Một vạn con đường mòn, không một bóng người đi.
Mỗi ngày quay vào vách để ngồi thiền,
Thỉnh thoảng lại nghe thấy tiếng tuyết rơi,
Gõ nhẹ vào tấm phên cửa khép.

Đêm lạnh và gian phòng vắng vẻ,
Những nén hương cháy dở, thời gian trôi.
Ngoài kia rừng tre,
Trên giường vài quyển sách.
Mặt trăng ló dạng bên khung cửa trắng xoá.
Tiếng côn trùng rả rích, cả bốn bề lặng im.
Hân hoan tràn ngập trong tôi,
Nhưng không sao mô tả được bằng lời.

Từ khi tôi đến đây,
Không biết đã được bao năm rồi.
Khi mệt, tôi duỗi hai chân để ngủ,
Lúc khoẻ, lại xỏ đôi dép rơm để ra ngoài.
Ngợi khen của thế tục,
Chẳng làm tôi xao xuyến.
Ngợi khen thì có khác gì với nhạo báng?
Thân xác này do cha mẹ sinh ra,
Thì nó cứ theo cái nghiệp của nó mà đi,
Được như thế cũng đã là hạnh phúc lắm rồi.

Cánh cửa sổ mở ra trong đêm tối an bình.
Ngồi yên để thiền định, manh cà-sa quấn lên người.
Hai lỗ mũi thẳng hàng với rốn,
Hai vai thẳng,
Mặt trăng ló dạng và khung cửa sổ trắng xoá.
Mưa đã dứt, nhưng vẫn còn rơi vài hạt.
Trong cái khoảnh khắc đó, một xúc cảm tuyệt vời lan 
 rộng trong tôi,
Và chỉ riêng tôi mới ý thức được xúc cảm ấy mà thôi.

hoangphong-ryokan-05
Này cánh nhạn của đêm đen! Trên đỉnh Tu-di,
nơi cha ta đang sống trong cõi nghìn thu,

hãy gởi về cho ta tin tức nhé”

do nhà sư Ryokan viết

Có thể đây là bài thơ mà Ryokan đã viết khi hay tin cha qua đời. Theo vũ trụ quan Phật giáo, núi Tu-di là trung tâm của thế giới trong số hàng muôn nghìn thế giới trong vũ trụ này. Nét bút cho thấy rất nhiều xúc động.

hoangphong-ryokan-06
Được tiếp dẫn bởi Thiện Chân Phật
một thân xác mang tên Inan

đã gieo mình xuống dòng sông Katsura”

Inan là bút hiệu của cha Ryokan. Chính thức thì ông đã gieo mình trong dòng sông Katsura, nhưng cái chết của ông vẫn còn nhiều nghi vấn. Ông không để lại một di bút nào để giải thích về cái chết của ông. Trong tờ thư pháp của Ryokan trên đây, các dòng chữ như đang bập bềnh và trôi giạt trên mặt nước.

Ryokan đã khóc khi tìm thấy một di cảo với nét bút của cha:

Những nét bút của cha,
Nhoè đi trong nước mắt.
Một thời quá khứ của cha,
Hiện về trong trí nhớ.

Khi biết từ bỏ dục vọng,
Tất cả sẽ an bài.
Khi dục vọng còn nguyên,
Vạn thứ cũng chưa vừa.
Một ít rau cũng đủ sống,
Manh áo của người tu hành,
Cũng đủ ấm để che thân.
Lang thang một mình, tôi đi giữa đàn hươu,
Vào làng, tôi hát với đám trẻ con.
Rửa tai trong khe suối,
Ngước nhìn lên đỉnh núi,
Vẻ đẹp của nghìn thông.

Cô đơn, mùa xuân đã hết rồi,
Lặng câm, im lìm phên cửa khép.
Vài dây hoa đậu tím,
Dăm ngọn tre che khuất cả bầu trời.
Cỏ hoang giăng kín lối,
Trên vách, tay nải và chiếc bình bát vẫn còn treo.
Bình hương không một làn khói mỏng.
Thanh thảnan bình, chẳng một lo toan thế tục.
Con chim gáy kêu mãi suốt trong đêm.

Thuở nhỏ tôi bỏ việc bút nghiên,
Xuất gia nơi thiền viện.
Chiếc tay nải trên vai, hai tay ôm bình bát,
Tôi lang thang, đã những mấy mùa xuân?
Cố hương quay trở lại, dưới chân ngọn núi này,
Tôi sống an bình trong am cỏ.
Chim hót là tiếng nhạc chốn rừng hoang.
Ngắm mây, ngỡ láng giềng quanh bốn phía.
Cạnh bên bờ đá dốc, một con suối dưới khe,
Bước xuống giặt áo, lại giặt khăn.
Trên kia, rừng thông và rừng tùng,
Đủ cành khô đốt bếp.
An nhàn tôi tản bộ,
Tận hưởng cái hiện tại của những giây phút này.

Một túp lều lợp cỏ,
Giữa hàng nghìn đỉnh cao.
Vải thô, manh cà-sa trên người.
Mặc kệ cứ rêu mốc quanh môi,
Quá lười để phủi bụi trên tóc.
Chẳng thấy con chim nào,
Cắp một cành hoa trên mỏ.
Trên giá đâu cần tấm gương soi.
Lòng thênh thang không vướng mắc,
Xá gì đâu những lo toan thế tục.
Cứ mặc ai bảo tôi là kẻ điên hay ngốc nghếch,
Dưới chân núi Kugami, trong khu rừng Otogo,
Tôi sống trong một túp lều lợp cỏ.
Một cửa cổng màu đỏ, một lâu đài sơn vàng,
Đời sống trong dinh thự, sẽ buồn chán biết bao.

Sống hoà mình với gió, với ánh trăng vằng vặc,
Gặp được đàn trẻ và cùng nhau ném bóng.
Buông thả trong hân hoan, tôi viết lên những vần thơ này.
Một hôm, hình như có một người nào đó bỗng hỏi rằng:
“Gã thiền sư mê mãi đến hoá điên,
Hôm nay hắn đâu rồi?”

Đêm đông dài, một đêm đông thật dài,
Một đêm dài bất tận của mùa đông,
Khi nào trời sẽ sáng?
Gác đầu lên gối, chỉ nghe thấy tiếng mưa rơi.

Bỗng nhiên lại nghĩ đến những ngày tuổi thơ,
Khi đang ngồi đây đọc sách,
Trong gian phòng trống không.
Đã mấy lần đứng lên để châm dầu,
Nhưng chẳng bao giờ tôi nguyền rủa
Những đêm dài đăng đẳng của mùa đông.

Già nua và mòn mỏi,
Thường hay giật mình tỉnh giấc giữa cơn mơ.
Thức dậy trong gian phòng trống rỗng,
Trong am tối, một ngọn đèn,
Tôi cơi thêm ngọn lửa, đêm đông dài.

Trên đường mòn đưa đến chân núi,
Ngổn ngang vô số những ngôi mộ cổ.
Những cội thông và tùng đã xưa từ ngàn năm.
Suốt ngày những cơn gió buồn thảm,
Dần dần xóa hết tên tuổi trên mộ bia.
Con cháu họ đã quên mất họ rồi.
Tôi bật khóc trong yên lặng, không thốt được lời nào,
Lẳng lặng chống gậy tôi bước đi.

hoangphong-ryokan-07
Quả bóng trong tay áo của tôi
Đáng giá hơn ngàn tiền vàng

Trò chơi này à, khó có ai bì kịp!

Nhưng nếu hỏi tôi ý nghĩa là gì

Tôi sẽ trả lời: 1 2 3 4 5 6 7”

do nhà sư Ryokan viết

Các nét bút được phác thật nhanh và thật mạnh, có khi nhịp nhàng và đều, có khi lệch lạc và xiên xẹo giống như khi quả bóng được đánh tung lên cao và vạch ra những đường nét trong không trung.

Đã bước sang tháng tám, trời vào thu giá rét.
Trong khu vườn trống trải, nhìn thấy cả những chiếc gai 
 nhọn trên các quả hạt dẻ.
Dưới bầu trới thênh thang, tiếng ve đã ngưng bặt.
Bản tính của tôi là mặc kệ những gì của thế tục,
Dù đang đứng hay đang ngồi, tâm thức tôi không bờ bến.
Tám bộ kinh Liên hoa đặt ở đầu giường,
Quyển thì mở quyển thì khép.

Một ngọn đèn dầu trên tay,
Giữa đêm trên núi, tuyết rơi đầy.
Trong yên lặng của đêm dài, hoa tuyết ngập trời bay.
Cái đúng và cái sai có gì đâu hệ trọng?

Vừa sương mù lại mưa phùn, thế là mùa xuân đã hết rồi.
Một nghìn ngọn núi một vạn thung lũng mờ khuất trong 
sương mù.
Con chim gáy kêu vang lúc ban chiều,
Nửa đêm đã đến gần, kìa nó đang kêu trong bụi tre cạnh 
nhà.

Thật xa trong núi thẳm, những con chim nằm nghỉ.
Thầm lặng, những chiếc lá rơi trong vườn.
Cô đơn trong gió thu,
Quấn một manh áo cà-sa đen,
Đứng yên, một bóng người.

Trong bếp khói tro tàn,
Ngọn đèn dầu đã tắt.
Cô đơn, đã quá nửa đêm rồi,
Chỉ nghe thấy tiếng thác đổ từ xa.

hoangphong-ryokan-08
 “Một – Hai – Ba”
 “Nhất Nhị Tam” (tiếng Hán),

 “Ichi Ni San” (Tiếng Nhật)

Ba con số 1 – 2 – 3 là những gì nhân lên, làm phát sinh ra mọi vật thể và biến cố trong thế giới hiện tượng. Trên tờ giấy với khuôn khổ và kích thước nhất định, nhưng Ryokan đã phóng bút viết ba chữ nhất, nhị, tam một cách thật tuyệt vời, tạo ra cảm giác của một không gian rộng lớn. Nếu nhìn lâu vào tờ thư pháp ta sẽ nhận ra một không gian mênh mông và trống không, trong cái không gian trống không ấy hiện lên những chuyển động hết sức linh hoạt, tượng trưng bằng những chấm phá lơ lửng trong không trung. Xin chú ý thêm là dòng chữ ký tên (viết bởi nhà sư Ryokan) với nét bút thật nhỏ không lôi kéo sự chú ý của người nhìn và cũng không phá “hỏng” cái không gian bát ngát của tờ giấy.

Ngày đã hết, tất cả đều im lìm,
Khép tấm phên cửa bằng cành khô,
Tiếng dế cũng từ từ im bặt.
Cây cỏ tối sầm,
Đêm dài, mấy lần thức giấc để thắp hương.
Hơi lạnh thấm vào da, tôi khoác thêm manh áo,
Ngồi xuống để thiền định,
Thời gian trôi đi trong hạnh phúc.

Một buổi tối an bình, ra phía sau am cỏ,
Ngồi dạo một khúc hát với cây đàn không dây.
Tiếng nhạc tan trong mây, quyện theo làn gió thổi,
Rồi hoá thành dòng suối,
Lan xa và ngập tràn thung lũng,
Thấm vào rừng sâu, xuyên qua cả núi đồi.
Chỉ có kẻ nào ngăn được những tiếng động bên ngoài,
Mới có thể nghe thấy tiếng nhạc huyền diệu ấy mà thôi.

Từ khi tôi bước vào con đường của Thiền,
Một nghìn ngọn núi cao khép lại ngưỡng cửa chốn ẩn cư.
Cổ thụ, leo đầy những dây hoa đậu tím, che khuất chốn 
 thâm u.
Rêu mọc dầy, con suối sâu nước buốt,
Chiếc gậy đã mục vì mưa đêm,
Manh áo cà-sa bạc màu vì sương sớm.
Không một ai nhắn hỏi đến tên tôi,
Trôi đi những năm tháng dài.

Dưới chân núi Kugami, trong chiếc am của một người 
tu hành,
Hắn ngồi uống trà và ăn thật ít.
Năm tháng trôi đi, hắn chưa gặp được một người nào có 
tâm hồn cởi mở,
Chỉ thấy những kẻ đi nhặt hạt dẻ trong khu rừng trống 
không.

Già yếu và lọm khọm
Hay thức giấc giữa đêm khuya
Một ngọn đèn lung linh, mưa đêm trên mái cỏ
Nắn lại chiếc gối, lẳng lặng nghe tiếng mưa rơi
trên những tàu lá chuối
Biết chia sẻ với ai xúc cảm của những giây phút này?

Một mảnh cà-sa một bình bát là tất cả những gì tôi có 
trong thế gian này
Gượng dậy để đốt một nén hương và ngồi xuống thiền định
Suốt đêm, mưa nhẹ rơi trong bóng đen bên ngoài cửa sổ
Những năm tháng dài lang thang và cực khổ cũng đã qua rồi.

 

2
Những vần thơ lang thang

Láng giềng toàn là núi cao và sông suối,
Mây che cả bóng tôi đang bước đi trên đường vắng.
Bên gềnh đá, một con chim xuýt chạm cả vào vai.
Chân mang dép rơm, tôi xuyên ngang một ngôi làng heo 
 hút, trong một vùng tuyết phủ.
Mùa xuân, lại chống gậy lang thang trong cánh đồng ngập 
 nắng.
Trong sáng thay, nếu nắm được bản thể đích thực của 
 chính mình.
Hoa chỉ là những hạt bụi bám trong thế gian này.
Tôi thường trèo lên ngôi chùa “Vô lượng từ bi”,
Để ngắm mây và sương mù.
Những gốc thông và gốc tùng cổ thụ xưa cả nghìn năm,
Một ngọn gió tinh khiết thổi xuyên ngang muôn ngàn thế hệ.
Bốn mùa và chim muông sống hài hoà,
Róc rách tiếng suối lạnh không ngưng.
Tôi muốn nhắn với những ai có thể trút bỏ được gánh nặng,
Để cùng tôi lang thang trên đỉnh biếc ngọn núi này.

Từ ngày rời bỏ gia đình ra đi,
Tôi để lại vết chân trong mây và trong sương mù.
Thỉnh thoảng giao du với những người chài lưới và những kẻ tiều phu.

Từ lâu tôi quen nô đùa với trẻ con,
Làm thế nào có thể sống với những vị đế vương?
Tôi cũng chẳng muốn được làm một vị Trời hay một Thánh nhân,
Vì tôi đang trú ngụ trong hiện hữu của tôi.
Tại sao tôi muốn phải được đứng trên đỉnh núi Song?
Tôi buông thả với những chuyển động của từng ngày,
chấm dứt đời tôi trong những niềm vui an bình.
Bất cần đến giàu sangdanh vọng,
Tôi cũng chẳng muốn trở thành bất tử để làm gì.
Cảnh cơ hàn của một người tu hành cũng giúp tôi đủ sống.
Chẳng có nghĩa gì cả một danh xưng, nào có lợi ích gì?
Ôm bình bát và đeo lên người một chiếc túi vải thô,
Thỉnh thoảng tôi đi ngang cổng chùa,
Gặp được một đàn trẻ con.
Làm thế nào để ý thức được sự hiện hữu của tôi?
Chỉ biết sống như thế này đây, trong thanh thản của tâm hồn.

Từ ngày rời ngôi chùa “Bạch liên”,
Cuộc sống của tôi trải qua trong thanh thảnvô tư.
Tôi mang theo bên người chiếc gậy bằng gỗ hoa đậu tím.
Chiếc áo cà-sa đã rách nhưng chẳng hề gì.
Đêm khuya trong túp lều cỏ, tôi ngồi bên cửa sổ để nghe 
 tiếng mưa rơi.
Mùa xuân, lại chơi ném bóng trên đường cái,
Nếu kẻ qua đường đứng hỏi, tôi sẽ trả lời rằng:
“Tôi là một người không bận rộn, sống trong an bình”.
Một gã sư già bên góc trời phía Tây,
Đang xoá vết chân mình trên đỉnh núi Kugami.
Hắn không đếm những năm tháng dài,
Chẳng biết đã mặc mòn bao nhiêu chiếc áo cà-sa?
Những manh áo ấy đã biến thành khói mỏng và sương mù.
Chỉ còn lại độc nhất một chiếc gậy bằng gỗ hoa đậu tím.
Hắn tản bộ bên bờ nước trong thung lũng để ngâm thơ,
Ngồi xuống để thiền định, ngắm mây trắng bao quanh 
trên đỉnh núi.
Thương thay cho những ai đang chạy theo danh vọng và 
 bạc tiền trong thế giới nổi trôi.
Suốt đời họ lang thang trong gió cuốn, bụi mù bay.

Rách bươm, chỉ toàn là áo rách,
Tả tơi là số phận của tôi.
Cái ăn, tôi khất thực ở vệ đường.
Phó mặc cả túp lều, mọc hoang hoa cúc dại.
Đêm khuya tôi nhìn trăng để hát.
Ngắm hoa quên mất cả đường về.
Từ ngày rời khỏi chùa,
Dù không muốn như thế,
Nhưng tôi vẫn trở thành một lão già ngô nghê.

Từ khi rời tổ ấm, ngày tháng trôi theo những chuyển động 
 của cuộc đời.
Hôm qua vẫn còn trong vùng núi biếc,
Hôm nay đang tản bộ chốn phồn hoa.
Chiếc áo cà-sa đã sờn vai,
Bình bát, vẫn nguyên một chiếc từ những năm tháng dài.
Chống gậy, tôi đứng hát giữa đêm sâu rạng rỡ.
Ngồi im trên manh chiếu dưới trăng.
Người ta có thể cho đấy là một kiếp sống vô ích,
Nhưng nó lại thích hợp với tôi.
Mảnh cà-sa quá ngắn, chiếc áo tơi lại dài,
Tôi bước đi trong thanh thản của vô tư.
Bọn trẻ con gặp tôi trên đường cái,
Chúng vừa vỗ tay vừa hát và rủ tôi cùng nhau chơi ném 
bóng.

Tháng tám gió thu về,
Đàn nhạn bay xuống phương Nam.
Tôi rời chiếc am trong núi,
Quấn lên người mảnh cà-sa, hai tay ôm bình bát,
Chợt ngửi thấy mùi thơm hoa cúc dại,
Núi và sông bỗng hoá đẹp lạ lùng.
Xúc cảm trong lòng cũng biến đổi theo,
Làm thế nào có thể tập trung để thiền định,
Cho đến lúc tuổi già?

Tôi vẫn tiếp tục lang thang với manh áo cà-sa trên người
và chiếc bình bát trên tay.
Mặc dù thân xác đang ốm đau, nhưng vẫn đứng lên 
để thắp một nén hương.
Đêm xuống nhìn mưa yên lặng rơi bên cửa sổ tối đen,
Bỗng nhiên hiện ra trước mắt mười năm dài của kiếp
sống tha phương.

Chiều xuống, vừa đến được ngôi chùa của các vị tu hành,
Tôi rửa mặt, súc miệng rồi quỳ lạy một đoá sen màu biếc.
Một ngọn đèn dầu leo lét trong một gian phòng tối đen,
Tất cả đều yên lặng.
Bốn giờ sáng, chuông nổi lên vang rền,
Tiếng ngân làm giao động cả lá cành trong bụi rậm và mặt nước trong dòng suối.

Mặt trời ló dạng ở phương Đông,
Bầu trời trống rỗng và yên lặng sau cơn mưa.
Đúng là cái lạnh khi bước vào tháng thứ hai và thứ ba của 
mùa thu.
Một cơn gió căm căm mài mòn cả núi đồi và sông suối,
Chỉ có sương mù toả rộng trong thung lũng tối om.

Ngày đã lên trên đỉnh núi,
Ngôi chùa hiện ra trong bầu trời trống rỗng.
Toàn cảnh ngôi chùa vàng như lơ lửng trên đỉnh các ngọn 
cây.
Nước đổ như thác bên triền núi.
Từ xa, những gợn sóng như chạm với bầu trời biếc...
Ngày xưa, bước theo con đường Phật pháp, tôi lê gót trên 
khắp địa cầu,
Hôm nay, không biết làm thế nào để mô tả hết cái vẻ đẹp
của thế gian này.

Kẻ tu hành chân chính đâu có thể lười biếng được
Đeo bầu nước lên vai và giã biệt thầy tôi
Hăng say và quả quyết tôi rời bỏ quê nhà
Ban ngày, trèo lên những đỉnh núi cô đơn
Hoàng hôn, lội ngang những đại dương nước đục
Thề nguyện khi nào chưa đạt được mục đích
Thì tôi sẽ còn bước tới cho đến cuối cuộc đời.

Bướng bỉnh và đần độn, tôi chọn kiếp sống cô đơn,
Làm bạn với cây rừng và cỏ dại.
Quá lười để phân biệt thế nào đúng, thế nào sai.
Tôi bật cười chẳng quan tâm gì cả
Kéo vạt áo đưa đôi chân khẳng khiu, lội ngang con suối 
nhỏ,
Tay nải đeo lên vai, tiết xuân về tươi mát.
Sống như thế tôi đâu cầu mong gì hơn nữa,
Ngoài sự bình an cho tất cả thế gian này.

3
Những vần thơ hội ngộ

Túp lều của tôi cheo leo trên đỉnh một ngọn núi cô đơn,
Thân xác tôi lang thang giữa mây trời.
Trong ngôi làng buổi tối, gió, trăng.
Thật bình thản, nhưng rồi đây tôi sẽ dùng chiếc gậy này
để gõ vào cửa nhà anh đấy.
Lòng tôi chẳng một tham vọng nào của mưu toan thế tục.
Cạnh giường, mùi hương trà bốc cao,
Chậm chạp đêm thu đang cạn dần.
Vẫn còn cháy, ngọn nến đặt bên thềm cửa sổ mở vào 
phương Nam.

Tháng thứ nhất khi vào hạ là mùa gieo trồng,
Tôi chống gậy lang thang.
Một người nông dân già bắt gặp và lôi tôi đi đánh chén.
Lau sậy và cỏ khô làm ghế,
Lấy lá cây đồng làm đĩa.
Giữa cánh đồng, sau khi uống và đã uống không biết bao 
nhiêu chén,
Hả hê tôi nằm ngủ, gối đầu lên vệ đường.

Thu tàn, bầu trời tháng chín xanh biếc,
Một mình hai tay ôm bình bát,
Tuy không báo trước, nhưng tôi sẽ đến gõ cửa nhà anh đấy.
Tôi à, tôi là một người tu hành đã trút bỏ mọi thèm khát 
thế tục.
Còn anh, một người lười biếng, sống trong một thời đại 
an bình,
Suốt ngày chẳng biết làm gì,
Chỉ uống rượu sa-kê rồi nhìn núi non mà cười.

Đầu tháng hai xuân lại về,
Màu sắc của thiên nhiên đều đổi mới.
Đi xuống phố, chiếc bình bát trên tay,
Một đứa trẻ trông thấy,
Chúng gọi nhau đến hàng đàn và vui vẻ đứng nhìn tôi,
Lại rủ tôi cùng nhau đến cổng chùa,
Chúng chậm rãi bước theo tôi.
Đặt bình bát lên một tảng đá trắng,
Tay nải treo lên một cành cây xanh.
Nào, chúng ta vật nhau trên cỏ.
Này, chúng ta chơi ném bóng.
Tôi chơi thì chúng hát,
Tôi hát, chúng lại chơi.
Cứ thế và cứ thế,
Tôi quên cả thời gian đang trôi,
Một người đi đường quay cổ lại và cười:
“Tại sao lại chơi đùa như thế?”
Tôi cúi đầu nhưng không trả lời gì cả,
Thực ra nếu tôi có đủ sức giải thích đi nữa, thì tại sao phải
giải thích?
Nếu ai muốn hiểu chốn tận cùng của tâm hồn tôi:
thì nó chỉ là như thế, không có lý do gì cả.

hoangphong-ryokan-09

Bên cạnh chùa
Trong khu rừng mùa xuân

Tôi chơi ném bóng với đàn trẻ con

ước mong rằng

Ngày hôm nay

Chẳng bao giờ sụp tối”

Thủ bút của Ryokan

hoangphong-ryokan-10

Quả bóng ném khâu bằng vải của Ryokan vẫn còn giữ được đến nay

 

4
Những vần thơ khất thực

Vào độ con trăng đầu tháng tám,
Tôi vào làng khất thực.
Từ hừng đông hàng nghìn nhà đã mở cửa,
Hàng vạn gia đình, khói bếp bốc lên cao.
Mưa đêm rửa sạch cả phố phường,
Gió thu thổi luồn ngang các khoen đồng trên chiếc gậy.
Tôi thăm hỏi cả đàn ông lẫn đàn bà,
Của bố thí họ cho, đáp lại tôi hiến dâng Phật pháp,
Cùng nhau khép lại một vòng tròn.
Khất thực hết nhà này sang nhà khác,
Ấy là Phật pháp trải rộng đến vô biên.

Sau khi xin được thức ăn
Tôi đi về phía ngôi chùa Hachiman
Bọn trẻ con bắt gặp và kháu với nhau rằng
“Gã sư khùng của mùa thu năm ngoái, năm nay lại trở về”.

Ngay cả những lúc
Tôi còn đói
Nhưng mặt nước cháo trong đáy bình bát
Vẫn hiện lên hình bóng của tôi.

Dù nâng bằng hai tay, nhưng hôm nay trở về,
Lại thêm một lần, chiếc bình bát trống không.
Trong Thiền đâu có gì là lạ,

Một chiếc bình bát, một mảnh cà-sa,
Tôi ngao du trên con đường tuyệt vời, tận phương trời phía 
Tây.

Hôm nay đi khất thực bị một cơn mưa rào,
Đứng trú mưa một lúc trong ngôi đền Thần đạo cổ xưa.
Kiếp sống của một nhà sư phiêu bạt bỗng làm cho tôi bật 
cười.
Cô đơntinh khiết, cái kiếp sống ấy cũng giống như
chiếc gậy hư nát của tôi đây.

Vừa khất thực trong làng xong,
Quay về trong sung sướng, chiếc tay nải trên vai.
Nhưng có ai muốn biết tôi quay về đâu không?
Chỗ tôi ở, bên cạnh những đám mây trắng phía đằng kia.

Hôm qua tôi xuống phố,
Khất thực cả hướng Tây và cả hướng Đông,
Tay nải quá nặng trên đôi vai già yếu.
Băng giá đóng dầy, mảnh cà-sa mong manh.
Những người bạn ngày xưa nay đâu rồi?
Bạn bè mới chẳng có ai.
Tôi đi ngang khu ăn chơi ngày trước,
Một cơn gió buồn thiu thổi ngang những cành thông và 
cành tùng.

Bên vệ đường,
Tôi bỏ quên thằng con bình bát của tôi,
Dù có bỏ quên nó,
Cũng chẳng ai thèm nhặt.
Nào có ai thèm nhặt một chiếc bình bát bao giờ,
Tủi thân cho con tôi quá!

Buồn đau, trong chiếc am chật hẹp,
Co ro và mòn mỏi tấm thân già.
Trong sâu thẳm của mùa đông,
Lại còn khó giải thích hơn nữa những ray rứt trong tôi?
Húp một bát cháo để đuổi cái lạnh của đêm dài.
Chờ mãi mấy hôm rồi, mùa xuân sao chậm đến,
Nếu không khất thực được lượng gạo nào,
Lấy gì chống lại giá rét những ngày đông?
Chẳng có gì làm, nghĩ vẩn vơ những chuyện ấy trong yên 
lặng,
Rồi viết lên những vần thơ này,
Để gởi đến một người bạn những ngày xưa.

Sáng sớm đi khất thực
Qua cánh đồng mùa xuân
Mải mê hái hoa tím
Hoàng hôn xuống không hay.

Sự đần độn và bướng bỉnh này đến bao giờ mới dứt
Nghèo đóicô đơn là cuộc sống của tôi
Chiều xuống trên đường phố của một thị trấn điêu tàn
Lại thêm một lần quay về với chiếc bình bát trống không.

Chiếc bình bát đựng cơm của nghìn nhà
Mảnh cà-sa khoác lên thân xác nhẹ tênh
Ăn no, có gì đâu để lo toan
Tôi già đi trong an bình mênh mông, bay bổng trong êm 
 đềm và thanh thoát.

Đi xuống phố để khất thực,
Trên đường bắt gặp một cụ già thông thái,
Cụ hỏi tôi: “Này, Thầy làm gì đấy
Trên những đỉnh non, mây trắng phủ”?
Tôi hỏi cụ: “Còn cụ, cụ làm gì đấy,
Hay chỉ để già đi trong những đám bụi hồng?”
Chúng tôi định giải đáp cho nhau, nhưng chưa kịp cất lời,
Bỗng tiếng chuông canh năm vụt lôi tôi ra khỏi cơn mê này.

Trời cao, lạnh buốt tiếng nhạn kêu
Trên ngọn đồi trơ trụi, những cánh lá tung bay
Hoàng hôn xuống, xuyên ngang một ngôi làng mờ sương
Trên đường về, hai tay ôm chiếc bình bát trống không.

Đã bao năm mới quay lại chốn này?
Biết bao nhiêu đổi thay?
Những người gặp trên đường, tôi không quen biết họ
Họ cũng chưa hề biết tôi
Đối với họ, tôi cũng chỉ là một kẻ ăn mày khác mà họ bắt gặp ở ngã tư đường

hoangphong-ryokan-11
Chiếc bình bát bằng gỗ sơn đen của Ryokan
(ngày nay đã nứt rạn)

5
Những vần thơ đau buồn

Đêm cô đơn trong núi,
Vừa mưa lại vừa tuyết, buồn tênh.
Tiếng vượn kêu vang rền trên đỉnh non.
Hơi lạnh trong thung lũng làm ngưng cả tiếng nước chảy.
Cạnh cửa sổ, ngọn lửa của chiếc đèn dầu im lìm.
Đầu giường, mực trong nghiên đã khô.
Suốt đêm không ngủ được,
Hà hơi vào đầu bút, cố viết một vần thơ.

Một mùa thu buồn bã,
Phía ngoài kia gió lạnh.
Ngôi làng cô đơn chìm khuất trong sương mù.
Dân làng trở về trên chiếc cầu cũ kỹ,
Đàn quạ tụ lại trong lùm cây,
Trên bầu trời, những con nhạn xa dần,
Lẻ loi một nhà sư, quấn một mảnh cà-sa đen,
Đứng lặng nhìn dòng sông, khi trời chiều nghiêng xuống.

Già nua và mòn mỏi
Thường hay giật mình tỉnh giấc giữa cơn mơ
Thức dậy trong gian phòng trống không
Trong am tối, một ngọn đèn
Tôi cơi thêm ngọn lửa, đêm đông dài

Đêm đông dài, một đêm đông thật dài,
Một đêm dài bất tận của mùa đông,

hoangphong-ryokan-12

Nếu tôi không nói một lời nào
Ai đoán được nỗi sầu muộn trong tôi”

do nhà sư Ryokan viết

“Cứ nhìn vào bóng tối
Trong tận cùng của mắt tôi”

do nhà sư Ryokan viết

Khi nào trời sẽ sáng?
Gác đầu lên gối, chỉ nghe thấy tiếng mưa rơi.

Một đêm mùa thu quá dài,
Hơi lạnh thấm cả vào giường.
Sắp đến cái tuổi sáu mươi rồi,
Nào có ai nghĩ đến một kẻ như tôi, cô đơn và thầm lặng.
Mưa đã dứt, nhưng còn rơi vài hạt,
Tiếng côn trùng tăng thêm.
Thức giấc nhưng không ngủ lại được,
Dựa lưng vào gối, tôi ngồi chờ một buổi bình minh trong 
 sáng.

Đã già lại ốm đau, thức giấc không sao ngủ lại được,
Giữa bốn vách, thật yên lặng.
Bên ngoài, đêm thật sâu.
Ngòn đèn dầu không ánh sáng, trong bếp đã hết củi.
Hơi lạnh thấm vào giường,
Làm thế nào sưởi ấm được lòng tôi.
Chống chiếc gậy bằng gỗ hoa đậu tím,
Tôi bước đi trong bóng tối của khu vườn.
Sao trời giống như những cánh hoa trên những cành cây 
 trơ trụi.
Tiếng thác đổ trong thung lũng xa xa,
Giống như tiếng nhạc từ một chiếc đàn không dây.
Trong đêm tối bỗng bật lên trong tôi những xúc cảm này,
Nhưng rồi ngày mai, nào biết sẽ đọc bài thơ này cho ai 
nghe?

Biết có ai lo lắng cho cuộc đời tôi?
Cánh cửa kết bằng cành khô heo hút trên đỉnh núi.
Hoa cúc dại xoá mất cả ba con đường mòn.
Chiếc bầu đựng nước vẫn còn treo trên vách,
Nghe thấy tiếng đẵn cây xa xa phía bên kia thung lũng.
Gác đầu lên gối, một buổi sáng êm đềm đang dần trôi.
Một con chim bay ngang và cất tiếng,
Như an ủi cho cảnh hiu quạnh của riêng tôi.

Gió đã chết
Nhưng hoa vẫn rụng.
Tiếng chim réo gọi
Nhưng yên lặng vẫn thấm sâu
Trong từng tiếng hót.

Trong mưa tuyết nhẹ rơi,
Có ba nghìn thế giới.
Nơi ba nghìn thế giới,
Có mưa tuyết nhẹ rơi.

6
Những vần thơ quá khứ

Đi ngang ngôi chùa Arima,
Nghe tiếng mưa đá rơi trên lá tre.
Nhưng nơi chốn quê nhà,
Biết đâu dân làng có thể trông thấy,
Trăng sáng tối hôm nay.

Năm sắp hết, êm ả thời gian trôi.
Dưới bầu trời, băng giá đóng dầy.
Một ngàn ngọn núi cao, những cây rừng trụi lá.
Một vạn lối mòn, chẳng một bóng người đi.
Tôi đốt lá khô trong đêm,
Thỉnh thoảng lại nghe thấy tiếng gió lẫn tiếng mưa.
Bỗng nhớ lại một quảng đời quá khứ,
Hiện lên như một giấc mộng mênh mộng.

Trong thế giới này, danh vọng và bạc tiền là những
 đám mây muôn hình.
Hơn năm mươi năm trôi đi như một giấc mộng,
Bỗng nghe thấy tiếng mưa rơi trên mái am.
Chẳng phải làm gì cả, thu mình trong manh áo cà-sa,
Tôi ngồi im, chống khuỷu tay lên thềm cửa sổ.

Ngày còn trẻ tôi rời tổ ấm ngao du khắp quê hương,
Cố tập tành để biến thành một con cọp,
Nhưng lại không đủ sức để bắt chước một con mèo.
Nếu có ai hỏi tôi thật sự đang nghĩ gì, tôi sẽ trả lời rằng:
“Tôi vẫn là thằng Eizo ngày còn nhỏ, nhưng đã già...”

Hơn bảy mươi năm trôi qua,
Những gì người ta gọi là đích thực hay sai lầm,
Nào tôi có quan tâm.
Tuyết đổ trong đêm xoá cả vết chân tôi,
Cạnh cửa sổ, những nén hương đang cháy dở.

Tôi nghỉ đến ngày còn trẻ,
Chẳng biết khổ đau là gì.
Mặc chiếc áo bằng lông ngỗng vàng,
Cưỡi con ngựa màu nâu mõm trắng.
Buổi sáng, tôi uống rượu ở Xingpeng
Buổi chiều, tôi ngắm hoa mận ở Heyang
Nhưng khi trở về, nếu trong nhà có hỏi,
Tôi sẽ lấy tay để chỉ căn nhà của người con gái làng chơi 
 Mô Lhor.

Bỗng nhiên lại nghĩ đến những ngày tuổi thơ,
Khi đang ngồi đây đọc sách,
Trong gian phòng trống không.
Đã mấy lần đứng lên để châm dầu,
Nhưng chẳng bao giờ tôi nguyền rủa
Những đêm dài đăng đẳng của mùa đông.

Trên đường mòn đưa đến chân núi,
Ngổn ngang vô số những ngôi mộ cổ.
Những cội thông và tùng đã xưa từ ngàn năm.
Suốt ngày những cơn gió buồn thảm,
Dần dần xóa hết tên tuổi trên mộ bia.
Con cháu họ đã quên mất họ rồi.
Tôi bật khóc trong yên lặng, không thốt được lời nào,
Lẳng lặng chống gậy tôi bước đi.

7
Những vần thơ Đạo Pháp

hoangphong-ryokan-13

Trên đây là một đoạn trong bản Tâm Kinh, do chính tay của Ryokan chép. Thông thường khi chép kinh phải tuân theo các lối viết và những quy ước rõ rệt, nhưng Ryokan đã sử dụng bút pháp riêng của ông, lưu loát, đơn giản và nhẹ nhàng. Tuy nhiên các nét chữ rất minh bạch có thể dùng làm bản mẫu để khắc vào gỗ. Tâm kinh là một bản kinh rất phổ biến và quan trọng trong Thiền học và cả Đại thừa. Bài kinh rất ngắn, chỉ gồm có 262 chữ và được người tu tập thường xuyên tụng niệm như một man-tra.

Con đường Chánh Đạo không có lối đi,
Tôi hiểu được sự an bình trong tâm thức đang ở đâu
Người ta vẫn xem Tánh không hay sự hiện hữumục đích
Nào có khác gì đâu giữa một kẻ bình thường và một người giác ngộ
Nếu bám víu vào thế gian này, ta sẽ chạy theo chiếc bóng của chính ta
Chiếc bóng ngày càng xa thêm
Nếu ta xô bỏ cái sai để tìm cái đúng
Cái đúng sẽ trở thành một vết xẹo
Nên hiểu lấy điều ấy bằng chính kinh nghiệm của mình 
một cách thật thâm sâu
Trong tâm thức, chỉ cần trợt chân một li như sợi tóc
Ta sẽ tách rời với chân như bằng khoảng cách của một 
nghìn vũ trụ.

Ngày xưa tôi học được sự trong sáng của tập trung 
tâm thức và biết kiểm soát hơi thở của chính mình
Vượt ngang sao trời và giá băng trắng xoá
Tôi quên cả ngủ và cả ăn
Hiểu được sự an bình là gì
Có thể chính là nhờ vào tu tập
Nhưng nếu không tỏ ra trong hành động
Làm thế nào có thể chứng minh được là nó sẽ trường tồn 
mãi mãi?

Từ nguyên thủy con đường Chánh Đạo không có lối đi
Tôi cũng chẳng hiểu sự hoàn thiện của nó sẽ là gì
Càng chạy theo nó, càng lúc nó càng xa
Nếu tìm nó, sẽ không tìm thấy

hoangphong-ryokan-14

Những lời Phật dạy chân thậtmênh mông như không gian vô tận
đã đưa tôi vào cảnh giới của vô biên”
do nhà sư Rykan viết

 

Nét bút và các hàng chữ giống như đang cuốn theo những làn gió và tung bay trong không trung.

Ngay khi thuyết giảng cho thiên hạ về thực thể của trống không
Phần ta thì noi theo con đường Trung đạo, nhưng rồi cả họ
và cả ta sẽ gặp nhau trong ngõ cụt,
Chỉ vì điều ấy không thể mô tả được,

Nếu diễn đạt bằng lời, nó sẽ mất đi ý nghĩa.
Giác ngộ lệ thuộc vào Ảo giác.
Đạo pháphiện tượng buộc chặt với nhau.
Suốt ngày ngồi tụng những bài kinh không lời.
Đêm đến, thiền định nhưng lại không hành thiền.
Con chim cu gáy vang bên dòng suối, cạnh nơi gốc liễu đang rủ bóng.
Trong đêm một con chó sủa dưới trăng.
Đạo Pháp của Phật không đối nghịch với sự hài hoà của vạn vật.
Đâu có gì khác lạ để cho tôi truyền lại?
Báu vật ấy đã có sẵn từ muôn đời,
Ngày cũng như đêm, nó rạng ngời và xoá hết bóng tối trong thế gian này.
Dù cho đạt được, cũng không có cách nào để trao nó cho kẻ khác.

Hãy suy tư về không hoài nghi và không do dự,
Khi người tu hành trên đường Phật pháp chỉ cho điều ấy, 
kẻ mê lầm sẽ đảo điên.
Khi đứa con gái của long thần nói lên điều ấy, 
những người tu hành gia nua sẽ bối rối.
Ha! Ha! Ha! Báu vật ấy đang hiện hữu bên dưới vòm trời 
và bên trên mặt đất này, nhưng có 
mấy ai biết được.

Chớ hỏi rằng nó xuất phát từ ngọn núi Kunlun hay ngọn 
núi Gepu,
Vì báu vật ấy đang ở trong ta,
Ánh sáng của nó che lấp cả ánh sáng của mặt trời lẫn 
mặt trăng,
Rạng ngời và vượt xa hơn cả bốn biên giới của vũ trụ này.
Màu sắc của nó rực sáng đến độ làm cho lòa cả mắt.
Đánh mất nó, ta sẽ rơi vào đại dương của khổ đau.
Đạt được nó, tức thời ta sẽ vượt sang được bờ bên kia.
Tôi trình ra đây vật báu ấy và sẵn sàng hiến dâng cho 
mọi người,
Nhưng biết phải làm thế nào, khi mà kẻ khác không muốn 
 nhận.

Ngón tay chỉ mặt trăng,
Nhưng ngón tay mù loà cho đến khi nào trăng mọc.
Đâu là sự liên hệ giữa mặt trăng và ngón tay?
Chúng khác biệt hay liên hệ với nhau?
Thắc mắc ấy chỉ là chuyện của những kẻ mới tu hành,
Đang thu mình trong vô minh.
Nếu biết nhìn xa hơn quy ước của ngôn từ,
Sẽ hiểu rằng không có ngón tay, cũng chẳng có mặt trăng.

Nhờ ngón tay mới chỉ được mặt trăng
Nhờ mặt trăng mới hiểu được ngón tay
Mặt trăng và ngón ta không phải một thứ nhưng cũng 
 không khác nhau
Câu châm ngôn ấy chỉ hữu ích đối với kẻ mới tu hành 
 muốn đạt đến giác ngộ
Khi nào nhìn thấy vạn vật đúng với bản thể của chúng
Lúc ấy mặt trăng sẽ không còn mà ngón ta cũng không có.

Huyền diệu thay!
Thoát khỏi mọi cảm nhận,
Vượt ra ngoài hiểu biết,
Sự tuyệt vời của Quán Thế Âm.

hoangphong-ryokan-15
 “Nam Mô A-Di-Đà Phật”
 do nhà sư Ryokan viết

Đây là câu tụng niệm rất phổ biến trong Tịnh độ tông, thanh âm mang tính cách thiêng liêng của câu tụng niệm sẽ trợ giúp cho tâm thức người tu tập. Tuy rằng Ryokan chọn con đường của Thiền học, nhưng ông vẫn quan tâm đến tất cả các tông phái khác và am hiểu rất tường tận về Tịnh độ.

Không tự buộc chặt vào bất cứ một giáo điều nào, Ryokan đã phóng bút viết câu man-tra trên đây để hướng tâm vào vị Phật Vô Lượng Ánh Sáng, tức là Phật A-Di-Đà. Sự phóng khoáng trong tâm thức của Ryokan hiển hiện một cách tuyệt vời trên những nét bút nhẹ nhàng và lưu loát, mở rộng ra tám hướng, tuy nhiên vẫn giữ được sự trang nghiêm và ngay ngắn của khổ chữ và cả từng nét chữ.

Những gì đúng ngày hôm qua,
Có thể là sai ngày hôm nay.
Làm thế nào có thể hiểu được những gì đang đúng ngày 
hôm nay,
Lại không phải là sai vào ngày hôm qua?
Vì thế không thể khẳng định cái đúng với cái sai
Kẻ ngu đần cố chấp vào một lời ghi chép duy nhất,
Vì thế lúc nào hắn cũng rơi ra bên ngoài sự hài hoà.
Kẻ hiểu biết thấm sâu vào cội nguồn của vạn vật,
Sống thảnh thơi trong an nhiêntự tại.
Khi nào không còn cố chấp vào hiểu biết lẫn vô minh,
Thì mới gọi là bước vào con đường Đạo pháp.

Sự sống này của tôi từ đâu đến ?
Nó sẽ đi về đâu ?
Ngay cả trong từng giây phút của hiện tại, cũng chẳng có 
trường tồn.
Mọi vật đều biến động, mọi sự đều trống không.
Trong cái trống không ấy, cái “tôi” chỉ hiện hữu trong một 
khoảnh khắc phù du,
Vậy làm thế nào để biết được một cái gì đó thật sự hiện 
hữu hay không hiện hữu?
Tốt hơn chỉ cần đơn giản nghĩ rằng,
Cứ để cho mọi vật đi theo con đường của chúng,
Để giữ lấy sự an nhiênthanh thản.

Ảo ảnh hay giác ngộ
Chỉ là hai mặt của một đồng tiền
Toàn cầu hay cá biệt cũng chỉ là những thành phần của 
 tổng thể
Suốt ngày ngồi đọc những quyển kinh không lời
Suốt đêm thiền định cái phi thiền định
Trong khóm liễu bên bờ suối, tiếng côn trùng khóc than
Con chó sủa đưới trăng trong ngôi làng ngủ yên
Không có gì làm dao động được dòng cảm nhận thanh 
 thoát của tôi
Xúc cảm trong những giây phút này, biết làm sao ghi lại?

Nơi nào có cái đẹp cũng có cái xấu
Nơi nào có cái đúng cũng có cái sai
Hiểu biếtvô minh làm nguồn cội lẫn cho nhau
Ảo ảnhgiác ngộ tạo tác ra nhau
Từ nghìn xưa đã là như thế
Đâu phải hôm nay mới có
Xô bỏ hay bám víu vào đấy
Chẳng phải là ngu xuẩn lắm hay sao!
Nếu muốn đi tìm cái sự thực nội tại
Thì bận tâm làm gì cái bộ mặt vô thường của vạn vật 
 chung quanh

Ai đó đã từng nói: “Danh xưng chỉ là những người khách 
 tạm của hiện thực”
Câu ấy lưu lại từ nghìn xưa
Dù cho thiên hạ hiểu rằng danh xưng không phải là 
 hiện thực
Những họ vẫn không nhận thấy được hiện thực không có 
 cội nguồn
Danh xưng và hiện thực không phải là những gì hệ trọng 
 đáng quan tâm
Cứ an vui và thanh thản trong dòng chảy của vô thường.

Phật là một sự tạo dựng của tâm thức
Con đường Đạo pháp cũng chẳng hề hiện hữu
Cứ tin vào lời tôi nói
Đừng hướng theo một chiều gió nào cả!
Đẩy cái xe về phương bắc nhưng lại muốn nó tiến về 
phương nam
Thì đến bao giờ cho đến đích?

Tiếc thay ngày nay những người tu Phật
Chi biết bám víu vào ngôn từ để già đi và trở thành lọm 
khọm
Những năm tháng lý luận quẩn quanh nào có ích lợi
Có phải mục đích của môn phái [1] là nắm bắt trực tiếp mọi 
 vật thể đúng với sự hiện hữu của chúng?
Trong thế giới vô tạo tác không có ảo giác cũng chẳng hề 
giác ngộ
Qua những thời gian vô tận, phải chờ đến bao giờ mới 
hiểu được nguyên thủy của Tánh không
Nếu không hiểu thì cứ hỏi!
Tôi sẽ trả lời rằng: “Gian nhà của Văn Thù Sư Lợi nằm 
vào hướng đông của lâu đài giác ngộ” [2]

8
Vài vần Haiku

Suốt những ngày ròng rã
dưới những cơn mưa lũ
con người hoá thành già thêm.

Đi nhặt củi khô
bước lên chiếc cầu
trong sương mù buổi tối.

Giống như một người say
đang bước đến
kìa một ngọn gió xuân.

Trong an bình mênh mông
tôi gối đầu lên cỏ ở một nơi nào đó
xa lắm với túp lều của tôi.

Mùa thu đã hết rồi
có mấy ai hiểu được
những sầu muộn trong tôi?

Khắp mọi nơi chung quanh
tràn ngập một vũ trụ
của những gốc anh đào nở hoa.

Trong tĩnh lặng vô biên
cả nơi này và mãi chốn Rozan
kìa những giọt mưa mùa thu.

hoangphong-ryokan-16
 “Hôm nay đêm đầu hè
 từ chiếc am trong núi

 nghe vang lên êm ả

 tiếng nhái kêu

 trong thửa ruộng cạnh nhà”

9
Vài vần thơ bằng Nhật ngữ

Sau đây là một vài bài thơ viết theo thể Waka. Waka là một trong những thể thơ tiêu biểu nhất của thi ca Nhật bản, trong thể thơ này không được dùng các chữ gốc Hán. Thơ Waka gồm có hai thể loại chính là tanka gồm năm câu với số vần mỗi câu là 5-7-5-7-7, và thể loại thứ hai là chôka có số câu không nhất định, nên bài thơ có thể rất dài, chỉ cần các câu thơ đi từng cặp với số vần là 5-7. Trong phần tuyển chọn dưới đây, các bài thơ nguyên bản tiếng Nhật sẽ được trình bày bên cạnh các bài thơ đã được chuyển ngữ, trong mục đích giúp người đọc nào muốn tìm hiểu âm điệu và nhạc tính của các bài thơ gốc.

Kua makura 
Yogoto ni kawaru 
Yadori ni mo 
Musubu wa onaji 
Furusato no yume

Yugure ni 
Kugami no yama wo 
Koekureba 
Takane ni shika no 
Koe wo kiki keri 

Yama kage no 
Kusa no ihori wa 
Ito samushi 
Shiba wo takitsutsu 
Yo wo akashitemu 

Kusa no iho ni 
Nezamete kikeba 
Hisakata no 
Arare tobashiru 
Auretake no ue ni 

Kasumi tatsu 
Nagaki haru hi wo 
Kodomora to 
Temari tsukitsutsu 
Kono hi kurashitsu 

Hachi no ko wo 
Waga wasurure domo 
Toru hito wa nashi 
Toru hito wa nashi 
Hachi no ko aware 

Yugiri ni 
Ochi no satobe wa 
Uzumorenu 
Sugi tatsu yado ni 
Kearusa no michi 

Satobe ni wa 
Fue ya tsuzumi no 
Oto su nari 
Miyama wa sawa ni 
Matsu no oto shite 

Waga machishi 
Aki wa kinu rashi 
Kono yube 
Kusa mura goto ni 
Mushi no koe suru 

Mizu ya kumamu 
Tatagi ya koramu 
Na ya tsumamu 
Asa no shigure no 
Furanu sono ma ni 

Aki no ame no 
Harema ni idete 
Kodomora to 
Yamaji tadoreba 
Mo no suso nurenu 

Nani to naku 
Ura kanashiki wa 
Waga kado no 
Inaba soyogasu 
Hatsuaki no kaze 
Yuku aki no 
Aware wo tare ni 
Kataramashi 
Akuza ko ni irete 
Kaeru yugure 

Aki mo yaya 
Yosamu ni narinu 
Waga kado ni 
Tsuzuresase 
Mushi no koe suru 

Akikaze no 
Hi ni hi ni samuku 
Naru nabe ni 
Tomoshiku narunu 
Kirigirisu no koe 

Aki no mu no 
Kusa mura goto ni 
Oku tsuyu wa 
Yomosugara naku 
Mushi no namida ka 

Hito towaba 
Otogo no mori no 
Ko no shita ni 
Ochiba hiroite 
Iru to kotaeyo 

Waga yado ni 
Uete sodateshi 
Momokusa wa 
kaze no kokoro ni 
makasu nari keri 

Sono kami wo 
Omoeba yume ka 
Utsutsu ka mo 
Yoru wa shigure no 
Ame wo kikitsutsu 

Yuku sa ku sa 
Miredomo akanu 
Ihamuro no 
Tanaka ni tateru 
Hitotsu matsu no ki Iwamuro

Shirayuki wa 
Chie ni furi shike 
Waga kado ni 
Suginishi kora ga 
Kuru to iwanaku ni 

Tarachine no 
Haha ga katami to :
Asa yu ni 
Sado no shimake wo 
Achimitsuru ka mo 

Tori to moite 
Na uchi tamai so 
Misonou no 
Kaido no mi wo 
Hami ni kitsureba 

Này suy tư bay bổng,
Hãy mang ta theo cùng,
Và dừng lại mỗi đêm trong một nơi xa lạ.
Cơn mơ mà ta mơ,
Sao vẫn chỉ là một, từ lúc chưa xa nhà.

Trong bóng hoàng hôn
Vắt ngang
Ngọn Kugami
Nghe vang rền tiếng hươu kêu
Trên đỉnh núi

Dưới bóng của ngọn núi
Chiếc am cỏ của tôi 
Sao lạnh quá thế này
lẽ phải ngồi dậy
Đốt bếp suốt đêm nay

Buổi sáng đang hái rau
Trên luống đất bỏ hoang
Trong khu vườn cạnh bếp
Nghe con khướu hót vang
Hoá ra xuân đã về

Mãi hái hoa tím
Bên vệ đường mọc hoang
Bỏ quên cả bình bát,
Con tôi đâu rồi 
Thằng con bình bát của tôi ơi!

Trong bình bát của tôi
Hoa tím và hoa diếp 
Lẫn lộn cả với nhau 
Xin hiến dâng chư Phật
Tận Ba tầng Thế giới

Từ ngôi làng hẻo lánh
Mờ khuất trong sương chiều
Tôi quay trở về nhà
Nơi có túp lều cỏ
Phía rừng tùng xa xa

Nơi ngôi làng dưới kia
Tiếng sáo lẫn tiếng trống 
Nhộn nhịp và ồn ào
Nơi này trong núi thẳm
Chỉ có tiếng thông reo

Mùa thu tôi chờ đợi
Hình như đã đến rồi –
Quanh tôi tối hôm nay
Trong những khóm cỏ dại
Tiếng côn trùng kêu vang

Sáng sớm, vừa kéo nước
Vừa làm cỏ
Lại vừa hái rau – 
Vào những lúc ngớt hạt
Giữa những cơn mưa rào

Chờ lúc cơn mưa 
Vừa ngớt hạt
Trong núi, cùng với đàn trẻ con
Lần theo con đường mòn
Mưa thu ướt sũng vạt cà-sa

Chẳng hiểu sao hôm nay
Bỗng dưng tôi thấy buồn – 
Phía bên ngoài cửa am
Những cơn gió đầu thu
Xạc xào trên mái cỏ
Những nỗi buồn ray rứt
Của những ngày cuối thu –
Nào biết tỏ cùng ai?
Hái rổ rau dền dại
 Hoàng hôn trên đường về

Những đêm dài mùa thu
Càng đêm lại càng rét – 
Này, hãy ngồi lên vá áo
Tiếng côn trùng nhắc nhở
Phía bên ngoài cửa am

Ngọn gió thu
Mỗi đêm
Càng thêm rét
Tiếng dế kêu
Mỗi đêm lại yếu dần

Trong cánh đồng mùa thu
Đêm dài sương trĩu nặng
Đọng trên từng khóm cỏ – 
Phải chăng là nước mắt
Của côn trùng khóc than?

Nếu có ai nhắn hỏi
Bảo tôi đang trong rừng
Nơi am cỏ Otogo
Đi nhặt lá vàng khô
Dưới bóng cây cổ thụ

Chung quanh chiếc am này
tôi nâng niu và chăm xóc
hàng trăm loài cây cỏ –
chỉ để gởi vào gió,
mặc tình cho gió bay.

Tôi tự hỏi những ngày xưa đó –
có phải chỉ là mơ
hay là thật?
Trong đêm, lặng nghe trên mái cỏ
giọt mưa thu.

Mỗi khi ra đi
hãy mỗi khi quay lại
tôi vẫn đứng nhìn không biết chán
một cội thông cô độc
giữa cánh đồng Iwamuro

Tuyết trắng ngập đầy
đóng dầy hàng nghìn lớp –
một đứa bé lạc loài [3]
không bao giờ quay lại
gõ cửa chiếc am này

Từ xưa có một thứ
không bao giờ biến đổi:
là cửa biển Arizo
và bên kia bờ
là hòn đảo Sado [4]

Đừng nhầm với một con chim
để ném đá vào tôi
nếu lỡ ra
tôi có ăn mất vài quả táo đỏ
trong ngôi vườn của anh! [5]

hoangphong-ryokan-17
Mây trên trời, nước trong suối, cứ thế mà trôi”
do nhà sư Ryokan viết

Nét bút lưu chuyển như mây trên trời, như nước trong khe suối, lưu loát, nhẹ nhàng và linh động, như quyện vào nhau, không thấy một sự đứt đoạn nào, liên tục và nối tiếp trừ trên xuống dưới.

Nước Nhật, suốt trong chuỗi dài lịch sử văn hoá, đã từng có nhiều nhà thư pháp nổi danh, nhưng quả thật hết sức khó để so sánh họ với Ryokan, nhất là sự lưu loát của nét bút. Ryokan sở trường về cách viết linh động, thoáng mát như một làn gió, nhẹ như một làn mây mỏng hay lưu loát như một dòng nước chảy. Thư pháp đối với ông là một thiên phú, nhưng đồng thời ông cũng chuyên cần và luyện tập không ngừng. Ông chép lại những thủ bút của các nhà thư pháp nổi tiếng để học, hoặc tự tập luyện để tìm một thư pháp riêng cho mình. Người ta tìm được sáu tờ giấy nháp mà ông dùng để tập viết, các tờ giấy này đầy cả chữ thảo, không còn một chỗ giấy trắng nào. Mỗi sáng thức dậy ông ra trước am đứng giạng chân thật vững chắc, ngửng đầu lên trời và dùng ngón tay để viết trong không trung, hoặc dùng chiếc gậy để vạch trên mặt đất.

Người ta thường chia thư pháp thành ba loại: Shin hay kaisho là loại cổ điển, rất công thức, ngay ngắn và vuông vắn, thông thường đây là loại dùng để viết các bản chữ Hán, rất minh bạch và dễ đọc; loại thứ hai gọi là Gyô hay gyôsho, ít công thức hơn và ít gò bó hơn, có thể xem là một loại trung gian; loại thứ ba gọi là Sô hay sôho hoàn toàn phóng khoángtự do; loại thứ ba là loại khó chủ động nhất, nhưng đồng thời cũng là thể loại tinh tế và cao siêu nhất. Ryokan đã đạt đến tột đỉnh của thể loại thư pháp thứ ba, tức thể loại Shô. Thư pháp là phương cách tu tập của Ryokan, đó là một trong những cách thức tập trung sự chú tâm và chủ động tâm thức. Bắt chước cách viết một tờ thư pháp thì có thể thực hiện được, nhưng sinh khí, sức mạnh và sự chính xác của nét bút cũng như sự vận chuyển của khí lực, thì không bắt chước được. Ông có một người bạn thư pháp tên là Bosạ rất kính phục ông, thường hay tập cách viết của ông, nhưng thật ra không thể nào bắt chước được những nét bút của Ryokan.

Một đêm nơi am cỏ trong rừng Kugami, Ryokan nằm mơ thấy người em là Yushi đến thăm, ông làm hai bài thơ sau đây để gởi về cho em:

Izuku yori 
Yoru no yumeji wo 
Tadori koshi 
Miyama wa imada 
Yuki no fukaki ni

Ika ni shite 
Kimi imasuramu 
Kono goro no 
Yukige no kaze no 
Hibi ni samuki ni 

Từ đâu em đã đến 
Giấc mơ nào đưa lối
Đến thăm anh trong đêm
Hun hút xó núi này 
Tuyết giăng đầy khắp lối

Anh giật mình tự hỏi
Làm sao em đi được
Trời xuân tuyết đang tan
Mấy hôm nay gió thổi
Trời giá rét căm căm

hoangphong-ryokan-18
 “Tự Nhiên”

Tờ thư pháp trên đây gồm hai chữ, có thể tạm dịch là Tự Nhiên, tiếng Nhật gọi là Shizen. Chữ thứ nhất bên phải có nghĩa là tự một mình (không lệ thuộc vào bên ngoài), và chữ thứ hai bên trái có nghĩa là thể dạng. Dịch một cách từ chương thì hai chữ trên đây có nghĩa là thể dạng tự như thể. Nói chung tất cả những gì hiển hiện trong vũ trụ là những thể dạng tự như thể. Các thể dạng ấy là những biểu hiện bên ngoài của Hiện thực. Hội nhập với Hiện thực tức là Thiền.
Thiền sư Daisetz Teitaro Suzuki có viết như sau:

“Một vài nét mực thô sơ, có vẻ như được phóng bút một cách cẩu thả, nhưng thật ra những nét phóng bút ấy có thể đánh thức trong ta những xúc cảm thật sâu xa và hướng ta vào tổng thể của những gì thuộc bản chất của chính ta. Cũng tương tự như thế, khi ta hội nhập vào tâm điểm của thiên nhiên, và khi sự hiện hữu của ta đã thâm nhập vào đấy thì ta sẽ cảm nhận được nhịp đập của thiên nhiên cũng chính là nhịp đập của tim mình”.
(Trích trong quyển Zen and Japanese culture,
Bollingen series, Princeton, trang 377)

Yomosugara 
Kusa no ihori ni 
Shiba taite 
Katarishi koto wo 
Itsu ka wasuremu

Ashihiki no 
Kugami no yama no 
Yama kage no 
Mari no shitaya ni .
Iku toshi ka 
Waga su minishi wo .
Karakoromo n
Tachite shi kureba.
Natsugusa no 
Omoi shinaete ,
Yuzutsu no 
Ka yuki kaku yuki 
Sono iho no 
Ikakuru made ,
Sono mori no 
Miezu naru made ,
Tamahoko no 
Michi no kuma goto 
Kuma mo ochizu 
Kaerimi zo suru ,
Sono yama no be wo .

Suốt đêm
Trong am cỏ
Ngồi đốt những cành khô
Làm thế nào để cùng nhau trò chuyện 
Phải đến bao giờ cho tôi quên?

Bên một triền dốc đứng,
ngọn núi Kugami 
trong bóng râm vách đá,
một am cỏ dưới cây.
Đã bao năm tháng rồi,
là chốn ở của tôi.
Và cái ngày đã đến
phải rời xa chốn này. [6]
Mang nỗi buồn ủ dột
như cỏ dại mùa hè,
tôi lang thang đi lại
như một vì sao đêm – 
Khi nào chiếc am cỏ
chưa có ai tìm được,
khi nào góc rừng này 
không một ai biết đến,
từng mỗi đoạn quanh co
con đường mòn nho nhỏ
tôi sẽ rẽ vào rừng
quay trở lại chốn này,
tìm về nơi núi thẳm.


(1) Có lẽ Ryokan muốn nói đến tông phái Tào động.
(2) Người ta thường đề cập đến Tây phương Cực lạc, nhưng gian nhà của Văn Thù Sư Lợi lại nằm vào hướng đông của lâu đài giác ngộ. Câu này có ý đánh đổ những hiểu biết công thứcquy ước, tức nguồn gốc sinh ra bám víuvô minh.
(3) Ryokan viết bài thơ trên đây cho cha mẹ một đứa bé vừa qua đời.
(4) Ngày Ryokan còn bé, vào những ngày đẹp trời mẹ cậu thường dắt cậu ra ngồi ở bãi biển để nhìn ra hòn đảo Sado ngoài khơi và kể cho cậu nghe những kỷ niệm nơi làng quê của bà trên đảo.
(5) Khi đi ngang một ngôi vườn với những cây táo đỏ đang chín rộ, Rhyokan thèm quá không nhịn được nên hái trộm vài quả và cài lại ở cổng vườn bài thơ trên đây.
(6) Vì già yếu Ryokan phải rời bỏ chiếc am cỏ Gogôan để trở về tá túc trong một túp lều trong ngôi làng Shimazaki.
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.