Huệ Giáo
Chỉ có một vài trang tài liệu trong thư tịch Phật giáo Thái Lan (PGTL)khi nói về Phật giáo Việt Nam (PGVN), tuy nhiên với sự động viên của chư Tôn đức và nhu cầu tìm hiểu về PGVN tại Thái Lan của đông đảo Phật tử, chúng tôi mạo muội giới thiệu vài nét chính về những ngôi chùa thuộc Phật giáo Việt Nam hay còn gọi là Việt Tông (Annamnikaya) tại xứ sở này.
I/ Nguồn gốc:
Từ tư liệu lịch sử cho chúng ta biết, Phật giáo Việt Nam đến Thái Lan vào khoảng thế kỷ thứ 18, bằng nhiều lý do và nhiều con đường khác nhau, tựu trung gồm những lý do chính:
- Lý do chính trị: Trong lịch sử, do không những xáo trộn, biến động của thời cuộc, nhiều người Việt nam đã di cư sang một số nước trong khu vực. Thái Lan là một trong những miền đất hứa lúc bấy giờ cho người Việt di cư.
- Lý do tôn giáo: Sự phát triển và truyền bá tôn giáo, PGVN cũng như các nước Phật giáo khác, không đóng khung trong khuôn khổ phạm vi lãnh thổ của mình, mà còn vượt qua các nước láng giềng khi có cơ hội.
- Lý do hòa nhập : Lý do này là tiền đề của tất cả sự bang giao về phương diện văn hóa của khu vực và những nước láng giềng. Sự thu nhận các yếu tố văn hóa ngoại lai để làm phong phú màu sắc truyền thống văn hóa của sứ xở mình, đó chính là xu thế phát triễn của văn minh con người và xã hội. Do đó, dân chúng Thái Lan đã tiếp cận được một luồng gió mới là Phật giáo Đại thừa Việt Nam, và cũng chính là mấu chốt, yếu tố thật sự quan trọng để PGVN tồn tại nơi đất nước này.
Trong trào lưu truyền bá và hội nhập văn hóa đa phương, với những lý do trên PGVN vào đất Thái đầu tiên bằng con đường chính trị. Nội chiến xãy ra tại Annam đã đưa đẫy Hoàng đế Gia Long đến với đất nước Xiêm La. Vua Gia Long sang đất Xiêm vào năm B.E.2325-1781.AD (1), để lánh nạn. Trong đoàn người cùng tháp tùng với vua Gia Long, bao gồm cả tướng, sĩ, thế dân chạy sang Xiêm, hầu hết là những người con Phật. Đã là người con Phật, dù đi đâu, trong hoàn cảnh nào Phật chất trong tâm của họ vẫn tồn tại. Nhất là Phật tử Việt Nam, bất cứ nơi nào họ cư trú, nếu như có thể xây dựng nơi đó một Phật đường thì họ sẽ làm ngay, thế làø những ngôi chùa Phật giáo Việt nam được xây dựng. Từ đó, PGVN ghi dấu sự có mặt của mình trong trang sử Phật giáo Thái Lan. Cho đến hôm nay, dư âm của vua Gia Long vẫn còn lưu dấu trong hòai niệm của người dân Thái, khi họ có cơ hội nhắc đến Việt Nam xưa (Annam) với tên gọi vua Gia Long đã được phiên âm: Ong Ziang-Sue (Ông Thiên Tử).
Tuy nhiên, dựa theo sử liệu, thì vua Gia Long không phải là người có công trong việc truyền bá và xây dựng ngôi chùa đầu tiên của PGVN, mà đó chính là một vị quan của triều đình, được đọc và phiên âm là Ong Ziang-Zun ( B.E 2316-1772 A.D) (?). Nói về Ong Ziang-Zun, có một giáo sư Việt kiều Thái cho rằng đó là quan tướng Tôn Thất Thuyết (???). Song, vì Ông này không phải là một thiên tử, do đó ít được nhắc đến trong cộng đồng dân Thái. Tuy nhiên, nói về người có công xây dựng ngôi chùa Việt Nam đầu tiên thì sử sách phải lưu truyền. Hai ngôi chùa đầu tiên được xây dựng trong thời trị vì của vua Taksin ,vua của Dhonburi (1768-1782) B.E 2319(2). Và hai ngôi chùa kế tiếp được xây dựng ngay thời điểm vua Gia Long cư trú ở đất Xiêm vào triều đại mới của Hoàng gia Thái lan, triều đại Rama (B.E. 2325)(3). Cũng từ thời điểm này PGVN nhận lãnh một cái tên cao quý được đức Vua Thái Lan ban sắc đó là Annamnikaya. Annamnikaya có từ thời Vua Yodfah Chulaloke-Rama I (1782-1809), mãi lưu truyền cho đến vua Rama IX và sẽ mãi cho đến ngày sau.
II/ Sự Phát triễn của Annamnikaya:
Sau khi ngôi chùa mang tên Thái là Wat Mongalasamagom(4), tên Việt chùa Hội Khánh đầu tiên được thành lập, PGVN không ngừng tại đây. Chư Tăng Việt tông cũng đã có cơ hội truyền thừa và an vị tại xứ sở này. Trải qua thời gian dài, nhiều giai đoạn, từng địa phương khác nhau những ngôi chùa thuộc Annamnikaya được xây dựng, đáp ứng nguyện vọng của cộng đồng Việt kiều. Bên cạnh đó, người dân Thái đã có nhiều ưu ái và tín ngưỡng dành riêng cho PGVN. Trong đó, không ít người Thái xuất gia trở thành những tu sĩ làm rường cột để truyền bá PGVN cho đến hôm nay.
Tính đến thời điểm hiện nay, Annamnikaya đã có 16 ngôi chùa nằm rải rác trên toàn đất nước Thái. Ngôi chùa mới đang được xây dựng gần đây nhất là Chùa Phổ Chiếu do Hòa thượng Thích Kính Chiếu, Tăng trưởng của Annamnikaya đứng trông coi xây dựng. Cũng được biết đây là ngôi chùa đánh dấu sự nghiệp hoằng pháp của ngài và được sự ủng hộ tinh thần nhiệt tình của ngài phó vua Sải tại Wat Sisaket (Chùa Tháp Vàng). Ngoài ra, 15 ngôi chùa khác hiện nay cũng đã tiến đến hoàn thiện về nhiều mặt và luôn hành trì theo truyền thống PGVN, tuy có thay đổi một ít nét sinh hoạt để phù hợp với truyền thống Phật giáo Nguyên thủy Thái Lan và văn hóa của người Thái. Địa chỉ những ngôi chùa Việt Tông như sau:
Tại thủ đô Bangkok có 7 ngôi:
1- Wat Kusolsamakorn (Chùa Phổ Phước)(5)
97, soi watkuson, Ratchawong, rd Sampanthawong, Bangkok 10100.
2- Wat Ananamnikayaram (Chùa Quảng Phước) 27, Praccharat road 1, Bangsue- Bangkok 10800.
3- Wat Lokanuckor (Chùa Từ Tế). 126, Ratchawong-Chawarat Sampanthawong-Bangkok 10100.
4- Wat Samananamborihan (Chùa Cảnh Phước). 416 Lugluang- Siyak mahanak Dusit- Bangkok 10300.
5- Wat Upairadchabamrung (Chùa Khánh Vân). 864 Charoenkrung- Taladnod Sampanthawong- Bangkok 10100.
6- Wat Chaiyapummikaram (Chùa Tỉ Ngạn). 30 Yaovapanid- Chakrawad Sampanthawong- Bangkok 10100.
7- Wat Mongkornsamakom (Chùa Hội Khánh). 48 Plangnam-Sampanthawong, Sub Sampanthawong-Bangkok 10100.
Những ngôi chùa ở miền Nam Thái lan:
8- Wat Thamkhounoy (Chùa Khánh Thọ). 18/1 Mou 5 Muangchum Thamuang- Kanchanabury 71000.
9- Wat Thawornwararam (Chùa Long Sơn). 03 Chaokunen- Bannue Mueng- Kanchanabury 71000.
10- Wat Khednabunyram (?). 28 Khuang- wadmai Mueng- Chantabury 22000.
11- Wat Mahayankanchanamadrabamrung (?). 9 Mahapad- Sateng Mueng- Yala 95000.
12- Wat Annamnikaya (Chùa Tam Bảo Công). 208 Mou 1 Donmanao Songpinong- Suphanbury-72100.
13- Wat Upaipatikaram (Chùa Khánh Thọ). 475/ Supakid- Banmai Mueng Chachoengsao- 72100.
14- Wat Thawornwararam Hadyai (?). 45 Sangchan - hadyainai Hadyai- Songkla 90110.
Miền Đông Bắc Thái Lan:
15- Wat Sunthonpradid (Chùa Khánh An). 4/3 Adunded- Magkhang Mueng- Udon Thani 41000.
Tất cả những vị trú trì những ngôi chùa này đều được vua Thái sắc phong, hơn một nữa số vị trú trì tuổi đã lớn. Tổng số Tỳ-kheo và Sa-di trong Annamnikaya không quá 500 vị so với con số 300 ngàn chư Tăng toàn đất nước Thái quả là khiêm tốn (!). Tại Thái Lan Việt tông không có chú tiểu chỉ có Sa-di dưới 20 tuổi và Tỳ-kheo khi trên 20 tuổi đời, bất kể xuất gia ở thời điểm nào.
III/ Sinh hoạt và hoằng pháp hiện tại:
Chùa Phổ Phước do Hoà thượng tăng trưởng Annamnikaya trú trì hay còn gọi là Học viện Tăng Già Phổ Phước và cũng là văn phòng của Việt tông. Chùa Phổ Phước hiện nay là cơ sở để chúng ta có thể đánh giá và biết được sự phát triển của Việt tông hiện tại cũng như tương lai. Bởi vì, nơi đây thanh quy của thiền môn vẫn đang được gìn giữ nghiêm mật, chư Tăng được khuyến tấn tu học, Hòa thượng trú trì vẫn còn luôn khao khát tái hiện toàn bộ sinh hoạt của PGVN, những gì mà ngài được học từ các vị tiền túc.
Về hành trì-tu học:
Hiện chùa này có trên 100 Tăng sĩ đang tu học, con số này vẫn luôn được duy trì mỗi năm, các Sa-di được đào tạo theo chương trình giáo dục phổ cập của Bộ giáo dục Thái. Sau khi tốt nghiệp ở học viện, các Sa-di được đủ tuổi có thểå nhận lãnh cụ túc giới và tiếp tục theo học một trong nhiều trường Phật học cũng như là Đại học của Thái Lan hoặc trở về gia đình trở thành một thiện tín. Riêng số chúng Tỳ-kheo ở Annamnikaya thì quá ít, thậm chí không đủ để phụ trách công việc của Học viện cũng như là giảng dạy và ứng phó đạo tràng.
Mặc dầu tu học theo hình thức PGVN, tuy nhiên chư Tăng vẫn áp dụng nhiều hình thức như một tu sĩ Nam truyền Thái Lan. Nghĩa là phải đi khất thực vào mỗi buổi sáng sớm, và gìn giữ đầy đủ quy chế Tăng sự của Giáo hội Phật giáo Thái, bên cạnh Luật Quốc gia dành cho tu sĩ Phật giáo. Từ đây, chúng ta có câu trả lời, tại sao giới Bồ-tát hoàn toàn không được trao truyền trong Tăng sĩ Việt tông, vì nếu nhận mà không thực hiện được, thì không nhận là biện pháp tốt nhất.
Vì phần lớn thời gian dành cho việc học tập, chư Sa-di ở đây mỗi ngày chỉ thọ trì hai thời kinh Tịnh độ và công phu khuya. Trong những thời tụng kinh chúng ta luôn được nghe âm thanh, ca điệu Việt Nam, hoàn toàn bằng tiếng Việt, pha lẫn chút thanh giọng Trung Hoa. Ngoài thời gian học tập suốt ngày tại lớp, chư Sa-di vẫn thường xuyên được Hòa thượng hướng dẫn cách đọc kinh tiếng Việt cho đúng và luôn được chỉnh đốn chíh xác, đây là công việc không mệt mỏi của Hòa thượng Tăng trưởng, một tấm gương gìn giữ Phật chất Việt Nam đáng khâm phục. Sắc phục lúc hành lễ của Tỳ-kheo tại chùa này giống như Việt Nam, tuy nhiên khi ra bên ngoài cả Tỳ-kheo và Sa-di không có áo nhật bình dài (có lẽ lúc bấy giờ chiếc áo nhật bình chưa ra đời, do đó chưa được truyền vào), thay vào đó chiếc y quấn ngang qua vai, đây là một hình thức khác với sắc phục thường nhật khi ra ngoài của PGVN quê nhà. Tuy nhiên hình thức này là bất di dịch bởi đã được Đức Vua chỉ phong.
Về Ứng phó đạo tràng:
Có thể nói rằng ngoài công việc học hành, việc đáp ứng cầu an, cầu siêu bên ngoài là công việc chính của chư Tăng PGVN hiện nay, ngoài ra không còn một công việc nào khác như giảng pháp, hướng dẫn Phật tử tu tập, làm từ thiện, tham gia công tác xã hội v.v... Bởi lẽ nhân sự là yếu tố quyết định trong trường hợp này. Đại Trai đàn chẩn tế vẫn thường xuyên được tổ chức và cũng đã thể hiện đặc thù chất giọng Nghi lễ của Phật giáo miền Nam Việt nam.
Về Giáo dục:
Giáo dục đào tạo những Tăng sĩ có học là ước vọng và hoài bảo chung của chư vị Tôn đức. Và từ đây, dưới sự nỗ lực của ngài tăng trưỡng, chúng ta có quyền hy vọng rằng Việt tông sẽ được duy trì, nếu có một phương pháp giáo dục Phật học chính thống. Hiện nay, Annamnikaya đã đầy đủ trường lớp cho mọi cấp học từ tiểu, trung và đại học nằm ba miền của nước Thái. Đặc biệt, một trường Đại học chuyên về giảng dạy giáo lý Phật Giáo Bắc truyền mang tên Đại trí Văn Thù, gọi tắt là Đại trí của Việt tông đã chính thức chiêu sinh trong 4-2002. Đây là một sự phấn đấu không ngừng, một sự nỗ lực âm thầm ngày đêm của chư Tăng Việt tông và quan trọng hơn cả là sự san sẽ thiếu sót của hệ thống giáo dục Phật học Thái Lan; nơi có những ngôi trường Phật học thành lập hơn cả trăm năm, có một chương trình đào tạo nhiều khoa, ngành mang tầm vóc quốc tế, vậy mà không có Khoa Phật Giáo Bắc Truyền!
Thiết nghĩ cần phải nói thêm về trường đại học này, theo như lời cuả ngài Tăng trưởng, trường đại học này sẽ giảng dạy cả hai truyền thống Phật giáo, đặc biệt là tư tưởng Phật giáo Việt Nam làm nồng cốt. Bên cạnh được sự cộng tác của Phật giáo Đài Loan, Phật giáo Trung Hoa, Phật Giáo Malaisya và cả Phật giáo Việt nam. Nghị quyết này cũng đã được phê chuẫn trong nghị định thành lập nhà trường, và đã in tải trên tờ bướm của trường đại học, không biết là chư Tăng Việt tông đã thỉnh ý giúp đỡ từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam quê nhà hay chưa? Riêng các Giáo hội khác đã cộng tác. Tác giả bài viết này cũng thiết tha kêu gọi toàn thể người con Phật Việt Nam trên toàn thế giới đồng hướng tâm ủng hộ, để Phật sự này được thăng hoa tốt đẹp.
Chương trình của trường đại học này không khác mấy trong hệ thống giáo dục Phật học các nước. Ngôn ngữ giảng dạy tùy thuộc vào nghành học của sinh viên bao gồm: Trung văn, Anh Văn, Việt ngữ và Thái ngữ .
IV/ Kết luận:
Như ở trên đã nói, đây mới chỉ là một bản sơ thảo, do vậy chúng tôi chỉ căn cứ những ý kiến, dữ liệu hiện là tài liệu giảng dạy môn Phật giáo Thái Lan của Trường đại học Phật giáo Mahachulalongkorn dẫn chứng để viết bài này. Chúng tôi không so sánh, không đánh giá, tuy nhiên trong lòng vẫn canh cánh tìm tòi, và khám phá thêm độ chính xác của sử liệu. Bởi vì, với một mảng đề tài có bề dày lịch sử hơn 200 năm, thế mà trong thư tịch Phật giáo Thái Lan chỉ vỏn vẻn có vài trang giấy và được trích đi giảng lại, không có gì mới lạ và thường bị sai lệch bởi các học giả dẫn chứng khác nhau. Hơn thế nữa, đây là công việc mà các học giả Thái thờ ơ nếu không muốn nói là họ không muốn nghĩ đến và quan tâm. Từ suy nghĩ cho là vấn đề thứ yếu, ngoài truyền thống, do đó cho đến hiện nay chưa có một văn bản nào về Annamnikaya được các học giả Thái công bố ở mức độ tối thiểu nhất, và chưa có một văn kiện nào được dịch ra từ tiếng Thái một cách nghiêm túc. Do vậy, từ lý do này chúng tôi vẫn luôn hoài nghi và đang theo đuổi tìm kiếm để có được một tài liệu giới thiệu tổng thể bức tranh lịch sữ con đường của PGVN đến Thái lan.
Với công việc vượt ngoài khả năng như hiện nay, chúng tôi mong mỏi được lắng nghe, chỉ dạy từ các bậc Tôn túc am hiểu về Phật giáo Việt Nam tại Thái lan, các vị học giả, những nhà sử học đóng góp và bổ túc để vấn đề được sáng tỏ, làm giàu thêm trang Phật sử nước nhà. Đặc biệt, Annamnikaya có được một văn kiện lịch sử chứng minh họ đã có nguồn gốc rõ rệt, chứ không phải chỉ là những minh chứng truyền khẩu như hiện nay.
Trong những sơ thảo kế tiếp chúng tôi hy vọng sẽ sớm giới thiệu, những vị cao Tăng nào đầu tiên đã đến đất nước này, và ai là người đã làm rường cột chấn hưng lòng tin của dân bản xứ vào PGVN, cũng như trạng thái chùa Việt hiện nay tại sứ xở của những chiếc y vàng.
Tài liệu tham khảo
1- Phra, Rajavaramuni, Thai Buddhism in the Buddhist world. Mahachulalongkorn Buddhist University, 4th printing- April B.E./2530/1987 C.E, ISBN 974-8356-75-2. Printed in Thailand by Amarin Printing Group.
2- Jumsai, M.L. Manich, Popular History of Thailand. Published by Chalermnit, 6th Edition, September 2000, Bangkok.
3- Buddhism in Thailand tài liệu giảng dạy tại Trường đại học Phật giáo Mahachulalongkorn - Bangkok-Thái Lan, do Phó giáo sư tiến sĩ Phramaha Somjin Sammanpano.