Iii.giai Đoạn Thống Nhất Phật Giáo Đầu Tiên (1951 – 1956)

30/05/201112:00 SA(Xem: 8777)
Iii.giai Đoạn Thống Nhất Phật Giáo Đầu Tiên (1951 – 1956)

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam

Phật Lịch 2546 – 2002
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX - TẬP II
Thích Đồng Bổn Chủ biên
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo - Hà Nội 


III. GIAI ĐOẠN THỐNG NHẤT PHẬT GIÁO ĐẦU TIÊN 

(1951-1956)

Đây là giai đoạn đặt nền tảng cho sự phát triển lâu dài của Phật giáo, sau bước khởi đầu của phong trào chấn hưng.

Chính trị, xã hội đất nước trong giai đoạn này có nhiều biến động : sự lớn mạnh của lực lượng cách mạng đấu tranh giữ gìn một Nhà nước độc lập tự chủ đầu tiên hình thành từ năm 1945, và sự trở lại của thực dân dưới hình thức chính phủ bảo hộ để củng cố quyền lực, đàn áp cách mạng, hạn chế sự phát triển của Phật giáo qua đạo dụ số 10.

Mở đầu cho việc đặt nền tảng là sự kiện Phật giáo Việt Nam trở thành hội viên sáng lập Hội Phật giáo Liên hữu Thế giới tại hội nghị gồm 26 nước tổ chức ở Sri Lanka (Tích Lan), chính thức lấy lá cờ năm sắc làm Phật kỳ (1950) và việc Hội Phật học Nam Việt ra đời tại Sài Gòn (1951), xuất bản tạp chí Từ Quang.

Bước thứ hai, tiến tới thống nhất Phật giáo cả nước bằng Đại hội Phật giáo toàn quốc tại chùa Từ Đàm ngày 6.5.1951, thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam, suy cử Hòa thượng Tịnh Khiết làm Hội chủ. Sau đó, các đoàn thể Tăng già ba miền họp tại chùa Quán Sứ – Hà Nội để thành lập Giáo hội Tăng Già toàn quốc (7.9.1952) suy cử Hòa thượng Tuệ Tạng làm Thượng thủ. Cùng năm này là việc ra đời của Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt NamGiáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam.

Ở bước phát triển, Tổng hội Phật giáo Việt Nam làm được các việc : ra mắt tờ bán nguyệt san Phật giáo Việt Nam; thực hiện chương trình phát thanh Phật giáo hàng tuần; cung nghinh xá lợi Phật đến Việt Nam rầm rộ; và sự ra đời hàng loạt Gia đình Phật tử ở khắp nơi, minh chứng cho sức sống quật khởi trong giai đoạn thống nhất Phật giáo đầu tiên.
Tập thứ I đã giới thiệu được 6 vị, đến tập thứ II xin tiếp tục giới thiệu thêm 3 vị Danh Tăng đã viên mãn sự nghiệp ở giai đoạn này.
 

17. HT. Thích Minh Nhẫn Tế (1889-1951)
18. HT. Thích Chánh Quả (1880-1956)
19. HT. Thích Liễu Thiền (1885-1956) 

HÒA THƯỢNG 
THUBTEN OSALL LAMA
MINH TỊNH-NHẪN TẾ
(1889 – 1951)

Hòa thượng Thubten Osall Lama, pháp danh Chơn Phổ, pháp hiệu Nhẫn Tế, nối pháp đời thứ 40 dòng Lâm Tế Chúc Thánh. Sau Ngài cầu pháp với Tổ sư Huệ Đăng, được ban pháp danh là Trừng Liến, pháp hiệu là Minh Tịnh, nối pháp đời thứ 42 dòng Thiên Thai Thiền Giáo Tông.

Ngài thế danh là Nguyễn Tấn Tạo, sanh ngày Rằm tháng Bảy năm Kỷ Sửu – 1889, tại làng An Thạnh (thường gọi Búng) Lái Thiêu, tỉnh Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương). Thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn Lập, thân mẫu là cụ bà Lê Thị Ri, Ngài sinh trưởng trong một gia đình trung lưu trí thức, nên từ thuở nhỏ đã được song thân cho đi học Quốc ngữ và Pháp ngữ.

Năm Giáp Thìn 1904, khi lên 16 tuổi, Ngài tìm đến chùa Thiên Tôn, một ngôi chùa cổ nổi tiếng trong vùng, xin quy y với Hòa thượng Ấn ThànhTừ Thiện, được pháp danh là Chơn Phổ để nghiên cứutham học giáo điển Phật đà. Nhờ có trí tuệ mẫn thiệp và trình độ thế học, Ngài chóng thâm nhập vào áo nghĩa kinh tạng, và có ý muốn một ngày nào đó sẽ thực hiện hạnh giải thoát.

Sau khi học hành thành đạt, Ngài được bổ làm công chức trong ngành Y tế, được một thời gian, Ngài chán cảnh thế gian đầy đua chen danh lợi, cũng như bất mãn trước sự cai trị hà khắc của thực dân Pháp đối với dân chúng Việt Nam, nên có ý muốn hồi hưu. Nhân mắc phải trọng bệnh trong khi thừa hành công vụ, Ngài xin thôi việc, dứt bỏ trần nghiệp, vân du học đạo khắp mọi nơi, lúc thì tu hạnh đầu đà, khi thì khoác màu nguyên thủy để tìm cho mình hướng đi đích thực trên con đường giải thoát.

Năm Bính Dần 1926, chùa Long Hòa núi Thiên Thai, Bà Rịa mở giới đàn, do Hòa thượng Huệ Đăng làm Đàn đầu truyền giới, Ngài đến đăng đàn thọ Cụ túc giới. Cảm phục đức độtư tưởng yêu nước của Tổ sư Huệ Đăng, Ngài xin cầu pháp với Tổ sư, được ban pháp danh là Trừng Liến, pháp hiệu là Minh Tịnh, nối pháp đời thứ 42 dòng Thiên Thai Thiền Giáo Tông.

Đến tháng 8 năm Quý Dậu – 1933, chùa Thiên Tôn mở Đại giới đàn, do Hòa thượng Ngộ Định – Từ Phong làm Đàn đầu truyền giới, Ngài được thọ đại giới lại với Sơn môn, được ban pháp hiệu là Nhẫn Tế, để nối pháp đời thứ 40 dòng Lâm Tế Chúc Thánh, chùa Thiên Tôn.

Trải qua thời gian tu hànhtham học, Ngài cảm thấy vẫn chưa thỏa mãn chí nguyện, muốn tìm về cội nguồn Phật tổ, trước là để chiêm bái đảnh lễ thánh tích, sau là tham cứu học hỏi phương pháp tu trì, mong đạt sở chứng tỏ ngộ bản tâm, thoát ly sanh tử. Vì thế, Ngài rời chùa Thiên Tôn, ra cất một cái am đặt hiệu Thiên Chơn để tu và ngày đêm ấp ủ mộng lớn, chuẩn bị tư lương, học tập thêm Anh ngữ để đợi ngày thực hiện ý định.

Năm Ngài 47 tuổi, hội đủ nhân duyên, Ngài xuống tàu thủy tại Sài Gòn khởi hành sang Ấn Độ vào ngày 17 tháng 4 năm 1935. Trong thời gian trên đất Ấn, tùy thuận phong tục, Ngài đắp y theo xứ Tích Lan và học tiếng Tamil khi ở Nam Ấn, học tiếng Hindu khi ở Bắc Ấn. Lúc đến xứ Bhutan, Tây Tạng, Ngài lại đổi sang pháp phục Lạt Ma và học tiếng Tây Tạng để ứng hợp việc tham cầu giáo pháp.

Ngày 6 tháng 2 năm 1936, Ngài đến xứ Nepal tham lễ chùa tháp. Khi đến Tháp Bodha Nath, Ngài được đảnh lễ chiêm ngưỡng Xá lợi Phật tổ, và cần cầu Thượng tọa quản tháp xin thỉnh được một phần Xá lợi để đem về bổn quốc làm chứng tín cho hàng đệ tử Phật tôn thờ. Ngài là người đầu tiên thỉnh được Xá lợi Phật về Việt Nam.

Ngày 27 tháng 2 năm 1936, Ngài bắt đầu khởi hành đi Tây Tạng theo các vị Lạt Ma trong đoàn chiêm bái Bồ Đề Đạo Tràng khi họ trở về xứ. Đường đi gian khổ vất vả, đi hơn hai tháng mới đến xứ Bhutan, mất một tháng ở lại đây học hỏi ngôn ngữ, phong tục, chờ tuyết tan và đi thêm một tháng nữa mới đến thủ đô Lhasa. Ngài đến xứ Tây Tạng vào ngày 28 tháng 6 năm 1936.

Tại Tây Tạng, Ngài tham học về Kim Cang thừa Mật giáo với Lama Quốc Vương. Để học được pháp môn này, Ngài phải trải qua khảo thí khắt khe nghiêm mật trong cuộc thi tuyển toàn quốc, Ngài là một trong hai người được tuyển chọn cuối cùng. Sau một trăm ngày tu họcTây Tạng, Ngài được Lama Quốc Vương ấn chứng sở đắc thiền quán, truyền tâm pháp Kim Cang thừa và ban cho pháp danh là Thubten Osall Lama. Thành tựu sở nguyện, ngày 29 tháng 10 năm 1936, Ngài lên đường rời xứ Tây Tạng, mất một tháng để trở lại Ấn Độ. Ngài ở lại đây đi chiêm báihọc hỏi một thời gian nữa, rồi xuống tàu về nước.

Ngày 30 tháng 6 năm 1937, Ngài về đến Việt Nam, kết thúc chuyến tường khảo thánh tích dài 2 năm 4 tháng. Ngài đến chùa Thiên Thai đảnh lễ Tổ sư, dâng cúng ngọc xá lợi lên Hòa thượng để làm biểu tượng chánh pháp tại đây. Về lại trụ xứ Bình Dương, uy tín đạo đức của Ngài lan rộng, bổn đạo làng Phú Cường cung thỉnh Ngài chứng minh trụ trì ngôi chùa Bửu Hương, vốn thuộc giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương, Ngài đổi tên chùa thành Tây Tạng tự, để ghi nhớ nơi Ngài đã đến cầu pháp.

Năm Mậu Dần 1938, Ngài khởi công xây dựng lại ngôi chùa Thiên Chơn ở làng An Thạnh, ngay trên nền cũ của am nơi Ngài ở tu trước khi đi Ấn Độ. Chùa được khánh thành vào năm 1940.

Năm Ất Dậu 1945, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Ngài tham gia Hội Phật giáo Cứu quốc Thủ Dầu Một và được để cử làm Chủ tịch. Tháng 6 năm 1946, Ngài là thành viên Mặt trận Việt Minh tỉnh Thủ Dầu Một tại khu Thuận An Hòa. Ngài đã đóng góp nhiều công lao trong cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam. Dù ước muốn xây dựng lại chùa Tây Tạng, nhưng với tấm lòng yêu nước và ủng hộ kháng chiến, Ngài đã nói: “khi còn chiến tranh thì một viên ngói, một viên gạch cũng không được sử dụng xây chùa...”.

Trong cuộc đời tu học và hoằng đạo, Ngài hóa độ rất nhiều đồ chúng xuất giatại gia, đệ tử truyền thừa của Ngài là Hòa thượng Như Trạm - Tịch Chiếu.Ngài có hai tác phẩm lưu lại hậu thế :

 - Lăng Nghiêm Tông Thông (1997).
 - Nhật Ký Tham Bái Ấn Độ, Tây Tạng (1999).

Ngày 17 tháng 5 năm Tân Mão – 1951, Ngài thâu thần viên tịch tại chùa Tây Tạng, trụ thế 63 năm, giới lạp 25 mùa Hạ. Môn đồ nhập Bảo tháp nhục thân của Ngài tại chùa Thiên Chơn và lập Bảo tháp thờ vọng tại khuôn viên chùa Tây Tạng


HÒA THƯỢNG
THÍCH CHÁNH QUẢ
(1885 – 1956)

Hòa thượng Thích Chánh Quả, pháp hiệu Ngộ Giác, truyền thừa đời thứ 40 dòng Lâm Tế Đạo Mẫn. Ngài thế danh Phạm Văn Ngưu, sinh năm Canh Thìn 1880 tại làng Tân Hòa, tỉnh Vĩnh Long.

Năm Ất Mão 1915, giác ngộ thế gian vô thường, Ngài tìm đến chùa Giác Hải (Chợ Lớn) xin quy y thế phát với Hòa thượng Tổ Thích Từ Phong, được Tổ cho pháp danhChánh Quả, pháp hiệu là Ngộ Giác.

Sau khi xuất gia, dưới sự dìu dắt, dạy dỗ của Tổ Từ Phong, Ngài chuyên tâm tu học kinh luật thiền môn, rèn trau giới hạnh.

Năm Bính Thìn 1916, Ngài được Tổ trao truyền Sa di giới tại chùa Giác Hải. Kế đến, được Tổ cho đăng đàn thọ Tỳ kheo-Bồ tát giới tại trường Kỳ chùa Giác Lâm cùng trong năm này.

Năm Mậu Ngọ 1918, nhờ học lực uyên thâm, giới đức minh tịnh, Ngài được Tổ đề cử giảng bộ Long Thơ Tịnh Độ tại đạo tràng chùa Giác Hải. Từ đó danh tiếng của Ngài được Tăng Ni, tín đồ khắp lục tỉnh biết đến.

Năm Nhâm Tuất 1922, Ngài được cung thỉnh giảng dạy Luật học cho Tăng Ni an cư tại trường Hương chùa Long Phước, Vĩnh Long.

Từ năm Kỷ Tỵ 1929 đến năm 1950, Ngài về trụ trì chùa Kim Huê (Sa Đéc). Tại đây, Ngài mở lớp gia giáo giảng dạy kinh luật cho chư Tăng khắp lục tỉnh quy ngưỡng về tu học rất đông. Đạo tràng đào tạo nhiều bậc cao Tăng đã góp phần rất lớn trong phong trào chấn hưng Phật giáo như : Hòa thượng Hành Trụ, Thiện Tường, Thới An, Huệ Hưng, Từ Nhơn...

Năm Tân Mùi 1931, Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học do chư Hòa thượng Khánh Hòa, Huệ Quang, Thiên Trường, Bổn Viên... thành lập, Hội quán đặt tại chùa Linh Sơn (Sài Gòn). Ngài được mời làm hội viên sáng lập

Năm Giáp Tuất 1934, Ngài được bầu làm Hội trưởng Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học đến năm 1935. Trong thời gian này, Ngài tham gia giảng dạy tại các trường Hương ở miền Tây. Ngoài ra, Ngài cũng cộng tác viết bài cho tạp chí Từ Bi Âm, tiếng nói của Hội.

Năm Đinh Sửu 1937, khi Hội Lưỡng Xuyên Phật học được thành lập tại Trà Vinh, Ngài được mời làm Chứng minhcộng tác viết bài cho báo Duy Tâm, cơ quan ngôn luận của Hội.

Năm Bính Tuất 1946, do Ni chúng theo học rất đông mà chùa Kim Huê chỉ đủ chỗ cho Tăng chúng, Ngài thành lập Phật học Ni viện tại chùa Phước Huệ (Sa Đéc) để tập trung giảng dạy cho Ni chúng.

Năm Mậu Tý 1948, để tục diệm truyền đăng, Ngài khai Đại giới đàn truyền giới cho học Tăng tại Phật học viện chùa Kim Huê, giới tửHòa thượng Huệ Hưng, Trí Châu... thọ Cụ túc giới trong đàn giới này.

Đương thời, Ngài là một bậc cao Tăng rất nổi danh khắp miền Tây lục tỉnh Nam kỳ nên Tăng Ni quy ngưỡng tựu về tu học rất đông. Đệ tử xuất gia, cầu pháp với Ngài cũng rất nhiều, đa số đã trở thành trụ cột của phong trào chấn hưng Phật giáo như : Hòa thượng Huệ Hưng, Huệ Phát, Huệ Thông, Huệ Hòa... chư Ni như : Ni trưởng Như Thanh, Như Ngọc, Chí Kiên, Như Hòa, Như Nhẫn, Phước Hiển...

Năm Bính Thân 1956, tuổi hạc đã cao, nhận biết duyên sắp mãn, Ngài thu xếp mọi việc, phó chúc Phật sự cho đệ tử rồi niệm Phật chờ ngày vãng sanh. Vào buổi trưa lúc 12 giờ ngày 13 tháng Giêng năm Bính Thân, Ngài an nhiên thu thần thị tịch tại chùa Kim Huê, trụ thế 76 năm, công hạnh tròn 40 Hạ lạp.

Sự nghiệp hoằng hóa Phật pháp suốt đời của Ngài đã trợ duyên rất lớn cho phong trào chấn hưng Phật giáo tại miền Tây Nam bộ, góp phần phát triển Phật giáo rộng khắp ở giai đoạn nửa sau của thế kỷ. 


HÒA THƯỢNG
THÍCH LIỄU THIỀN
(1885 – 1956)

Hòa thượng Thích Liễu Thiền (còn gọi là Liễu Thoàn), pháp hiệu Tu Trì, thuộc tông Thiên Thai Giáo Quán đời thứ 21. Ngài thế danh là Nguyễn Văn Đo, sinh năm Ất Dậu (1885), tại làng Mỹ Lệ (Chợ Trạm), huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn Tín, thân mẫu là cụ bà Phan Thị Chí.

Gia đình Ngài vốn theo đạo Minh Sư, rất mực nhân nghĩa, đạo đức với đời. Năm lên 8 tuổi, Ngài được song thân cho học với một danh nho nổi tiếng trong vùng. Vốn bản tính thông minh lại thêm siêng năng, hiếu học nên chỉ trong ba năm Ngài đã làu thông các bộ Tứ Thư, Ngũ Kinh, Minh Tâm của Nho giáo. Tuy thông minh học giỏi nhưng Ngài lúc nào cũng khiêm tốn, lễ độ, kính trên nhường dưới, hài hòa với bạn đồng học nên được thầy yêu, bạn mến. Trong gia đình, Ngài hết lòng hiếu kính mẹ cha, chia xẻ, gánh vác việc nặng nhọc với anh em, dịu dàng, thân ái với thân quyến xóm làng. Từ bé, Ngài được mọi người yêu thương, quan tâm, chỉ bảo.

Năm Giáp Thìn (1904), một trận bão kinh hoàng gieo đau thương tang tóc khắp nơi. Hai huyện Cần Đước, Cần Giuộc bị tàn phá nặng nề, cây ngã, nhà sập, xác người chết đó đây, nhân dân trong vùng đói rét khốn khổ. Thảm trạng này đã đánh động vào tâm thức non trẻ của Ngài, khiến Ngài nhận ra rằng thế gian này vốn vô thường, tạm bợ mà kiếp nhân sinh thì quá đỗi khổ đau. Cũng từ đây một bước ngoặt tâm lý được mở ra. Ngài bắt đầu hướng tâm đến đạo giáo, trường trai giới sát, tu nhân tích đức. Khi thiện duyên chín mùi, Ngài đến chùa Vĩnh Nguyên (đạo Minh Sư) xin xuất gia, thọ giáo với ông Lão Tiễn. Theo đạo Minh Sư, người xuất gia không cắt tóc, chỉ đoạn trừ ân ái, tĩnh lặng dụng công tích phép luyện đơn. Ngài ở đây, dưới sự dẫn dắt của Thầy, chuyên tâm tu tập, khổ hạnh nhiều năm. Khi công hạnh đã tinh thuần, Ngài được điểm đạo và tôn xưng lên ngôi vị ông Lão.

Tháng Giêng năm 1933 (Quý Dậu), do túc duyên nhiều đời với Phật pháp, Ngài cùng phái đoàn bảy người trong đạo Minh Sư sang Trung Quốc, lãnh thọ giới pháp của đức Phật do Tổ Hiển Kỳ nhiếp hóa và khuyến tấn. Phái đoàn được Tổ Hiển Kỳ, Tổ đình Thanh Sơn, cho lưu trú tại bổn viện và trong suốt 15 ngày liền Tổ khai hóa chánh pháp, giảng giải tông yếu của pháp môn cho mọi người. Sau đó, Tổ khai đàn truyền Cụ túc giới cho cả phái đoàn. Đắc giới xong, Ngài được Tổ ban pháp hiệu Liễu Thiền nối pháp tông Thiên Thai Giáo Quán đời thứ 21, chính thức truyền sang Việt Nam.

Sau đó Ngài cùng phái đoàn trở về Việt Nam. Về lại chốn cũ chùa Vĩnh Nguyên, với tâm nguyện truyền bá chánh pháp lợi lạc quần sanh. Ngài chuyển lối tu từ đạo Minh Sư sang pháp tu của đạo Phật. Lấy kinh Pháp Hoa làm căn bản, mượn pháp Tam Quán làm phương tiện. Và đây cũng là điểm khởi thủy của Tông Thiên Thai Giáo QuánViệt Nam mà Ngài là Sơ Tổ.

Cũng trong thời gian này, ông Lão Tiễn quy tiên, kế đó song thân Ngài cũng lần lượt từ giã cõi đời. Ngài phải lo chu tất việc cúng tế thờ tự cho người thầy đầu tiên của mình, cũng như việc an táng, siêu độ cho song thân, vẹn toàn hiếu hạnh.

Tháng 4 năm 1933 (Quý Dậu), nhận lời thỉnh cầu của ông Cả Tiệm, Ngài về trụ trì chùa Tôn Thạnh, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Đây là một đại già lam u tịch, cổ kính, do Tổ Viên Ngộ khai sáng năm 1807. Ngài cho sửa sang lại tự viện, chỉnh đốn tông môn và một năm sau, năm 1934 (Giáp Tuất) Ngài mở Đại trai đàn cầu quốc thới dân an, siêu độ cho thập loại chúng sanh. Cũng trong năm này, Ngài khai Đại giới đàn, cung thỉnh Giới sư tôn túc, truyền bá giới pháp cho hơn 300 Tăng Ni, cư sĩ. Đây là một đàn giới trang nghiêm long trọng nhất ở Long An từ trước đến nay.

Nhằm giúp Tăng chúng thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức, trong suốt 20 năm (1934 – 1954) trụ trì tại Tổ đình Tôn Thạnh, hàng năm Ngài đều mở khóa An cư kiết Hạ. Kính mộ uy đức của Ngài, Tăng chúng quy ngưỡng về tụ học mỗi lúc một đông hơn. Ngoài ra, Ngài còn có thông lệ, hằng năm vào ngày 17, 18, 19 tháng 2 Âm lịch, tức ngày vía Bồ Tát Quán Âm, Ngài đều khai đàn truyền giới cho Tăng Ni, Phật tử.

Về phương diện tu tập, Ngài tuân thủ tôn chỉ của tông Thiên Thai, lấy tam pháp quán (Không quán; Giả quán; Trung quán) làm pháp môn chủ yếu. Ngài còn chuyên tâm trì tụng kinh Pháp Hoakinh Kim Cang. Về phương diện giáo hóa, Ngài tích cực hiển dương pháp môn Tịnh Độ dạy người niệm Phật cầu vãng sanh. Ngài hành trì giới luật rất tinh nghiêm. Để tu tập thiền quán, Ngài không ăn chiều, không uống sữa bò, đi bộ đường dài trên 20km, nhất quyết không ngồi xe để ngựa kéo. Mến mộ giới đức của Ngài, trong các trường Hương, chư tôn thiền đức thỉnh Ngài giảng dạy Luật tạng. Và trong các lớp gia giáo, Ngài luôn được mời dạy các bộ kinh Đại thừa.

Kính ngưỡng đức hạnh của Ngài, biết bao người xả tục quy chơn. Trong số đệ tử xuất gia của Ngài, đã có biết bao vị trở thành pháp khí Đại thừa làm rường cột trong Phật pháp như : Hòa thượng Đạt Hương, Viện chủ chùa Linh Phong (Tân Hiệp, Tiền Giang), Hòa thượng Đạt Pháp, trụ trì chùa Bồ Đề (Cần Giuộc, Long An), Hòa thượng Đạt Tân, trụ trì chùa Phước Lâm (Củ Chi), Hòa thượng Đạt Đồng, trụ trì chùa Đông Thạnh (Cần Giụôc, Long An). Về Ni giớiNi trưởng Đạt Lý, Viện chủ chùa Long Nhiễu (Thủ Đức), Ni trưởng Đạt Cung, Viện chủ chùa Pháp Đàn (Gò Đen), Ni trưởng Đạt Thuận, trụ trì chùa Linh Sơn (Bình Chánh)... Rất nhiều thiện nam, tín nữ quy y nơi Ngài đều được Ngài khuyến hóa tu tập theo pháp môn Tịnh độ, và có nhiều người lúc lâm chung chứng nghiệm được điềm lành.

Ngài tận tụy truyền thừa tông chỉ bổn môn nhưng vẫn hòa mình vào đại thể Phật giáo, luôn cùng với các vị tôn túc trưởng lão chung lo Phật sự, hết lòng hết sức, không tị hiềm, không phân chia. Do vậy, Ngài rất được chư tôn thiền đức quý kính. Chùa nào khai Hương, mở Hạ cũng cung thỉnh Ngài chứng minh hoặc làm Thiền chủ. Đàn giới nào cũng thỉnh Ngài ở vị Tam Sư, để truyền trao giới pháp cho đàn hậu tấn.

Khi phong trào chấn hưng Phật giáo được các Hòa thượng Khánh Hòa, Khánh Anh, Huệ Quang khởi xướng và phát động mạnh ở miền Nam, các lớp Phật học liên tiếp ra đời để đào tạo Tăng tài, Ngài luôn được quý Hòa thượng mến mộ, cung thỉnh vào ngôi vị:
- Chứng minh Đạo sư Liên Hải Phật Học Đường.
- Chứng minh Đạo sư Hội Phật Học Nam Việt (1955).
- Chứng minh Đạo sư Hội Lưỡng Xuyên Phật Học (1934).
- Chứng minh Đạo sư Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Nam Việt.
- Chứng minh Đạo sư Phật Học Đường Nam Việt.

Có thể nói Tổ đình Tôn Thạnh trong thời gian Ngài đương gia khai hóa, thật sự đã biến thành một thánh địa cho Tăng, Ni, Phật tử quy ngưỡng rèn trau giới đức. Trong số đó có 2 vị cao Tăng : Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Hòa thượng Thích Thiện Hòa, năm nào các Ngài cũng về đây tịnh tu một thời gian, hoặc để nghiên tầm kinh, luật hoặc để trợ giúp Phật sự với Ngài.

Năm 1950 (Canh Dần), cảm nghĩa ân khai tâm, mở trí của ông Lão Tiễn, vị thầy đầu tiên, Ngài cho khởi công trùng tu lại ngôi chùa Vĩnh Nguyên, chùa được hoàn tất trong năm, khang trang, đẹp đẽ.

Năm 1955 (Ất Mùi), Ngài được gia tộc chùa Pháp Tánh nhường cho một mẫu đất ở xã Tân Kim, huyện Cần Giụôc, tỉnh Long An. Ngài khởi công xây dựng Tổ đình cho tông phái. Chùa được hoàn tất khang trang, tráng lệ theo lối kiến trúc cổ. Ngài đặt hiệu là Bồ Đề. Từ đây chùa Bồ Đề chính thức là Tổ đình của tông Thiên Thai Giáo Quán, là nơi thờ tự chư tiền bối tông môn mà cũng là chỗ quy ngưỡng của Tăng tín đồ tông phái.

Khi hoàn thành các tâm nguyện, Ngài vui vẻ đi thăm viếng tất cả các già lam, trú xứ mà trước đây Ngài đã ở qua. Sau chuyến đi này, sức khỏe Ngài yếu hẳn, biết trước lẽ vô thường, Ngài gác bỏ vạn duyên để chuyên tâm niệm Phật.

Ngày 21 tháng 4 năm Bính Thân (1956), hóa duyên đã mãn, Ngài an nhiên thị tịch, hưởng thọ 71 tuổi, 23 Hạ lạp. Tang lễ của Ngài được tông môn Thiên Thai cử hành vô cùng trọng thể, dưới sự chứng minh của chư vị tôn túc Giáo hội Phật giáo Tăng Già Nam Việt. Nhục thân của Ngài được nhập tháp tại Tổ đình Bồ Đề.

Hơn 20 năm tấn đạo nghiêm thân, hiển dương tông phái, hoằng pháp độ sanh, công hạnh của Ngài to lớn biết bao ! Ngài xứng đáng là Tòng Lâm thạch trụ, khai môn, mở phái, là thiền môn quy cảnh cho tứ chúng đồng soi, là thềm thang lối Phật cho hậu tấn noi theo.
 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.