Quan Âm Quảng Trần

26/03/20194:03 SA(Xem: 7675)
Quan Âm Quảng Trần
Tủ Sách Bảo Anh Lạc 11
 QUAN ÂM QUẢNG TRẦN
(In lần thứ 4)
Thích Nữ Giới Hương 
Nhà xuất bản Hồng Đức - 2018
Quan Âm Quảng Trần-cover

MỤC LỤC

 

Lời đầu tác giả 
Lời giới thiệu tác phẩm 
Lời đầu sách 
Chương I: Tổng Quan Về Quan Thế Âm  
Chương II: Tiến Trình Tu Chứng Của Pháp Môn Phản Văn  
Chương III: Ba Mươi Hai Ứng Hóa Thân 
Chương IV: Mười Bốn Thí Vô Úy Và Bốn Tác Diệu Đức  
Chương V: Hai Mươi Lăm Vị Thánh Trình Bày Sở Chứng   
Chương VI: Tán Thán Nhĩ Căn Viên Thông 
Chương VII: Pháp Môn Tịnh ĐộNhĩ Căn Viên Thông 
Chương VIII: Kết Luận..
Tủ Sách Bảo Anh Lạc
Các Đĩa Nhạc Phật Giáo Chùa Hương Sen

 

 LỜI TÁC GIẢ
CHO LẦN IN THỨ TƯ, 2018

 

Cuốn sách “Quan Âm Quảng Trần” được ra mắt cách đây 7 năm (2010), được in lần thứ hai và ba vào năm 2012 & 2014 tại NXB Tổng hợp, Phương Đông, và lần thứ tư này tại NXB Hồng Đức, Tp. HCM, Việt Nam.

Trong lần in thứ tư này, tác giả vẫn giữ lại nội dung như lần đầu ra mắt. Tuy nhiên, để sách hữu dụng và phục vụ tốt hơn, kỳ này nhiều lỗi được chỉnh sửa, có thêm hình xen kẽ, nhiều thuật từ Pali với Phạn được đính kèm, có thêm phần tóm gọn và các câu hỏi đàm luận ở cuối mỗi chương và đặc biệt tác phẩm được chuyển ngữ sang tiếng Anh: “The Commentary of Avalokiteśvara Bodhisattva.”

Tác giả muốn đặc biệt tri ân đệ tử Tỳ-kheo-ni Viên Quang đã giúp tác giả trong việc trình bày, xuất bản cũng như phát hành sách.

Trường Đại Học Riverside, Tiểu bang Cali, Hoa Kỳ

Mùa Xuân, ngày 07 tháng 01 năm 2018

Tỳ-kheo-ni TN Giới Hương

 

 Lời giới thiệu
Quan Âm Quảng Trần
Của Ni sư Thích Nữ Giới Hương
Thích Như Điển

 

Người xưa thường nói rằng: “Học hải vô nhai, cần thị ngạn; thanh không hữu lộ, chí vi thê”. Nghĩa là: Biển học không bờ, siêng là bến; trời xanh có lối, chí là thang”. Mãi cho đến bao giờ, khi nắp quan tài chưa đậy lại, thì lúc ấy con người mới không cần học hỏi nữa; nhưng nếu con người vẫn còn sống, bắt buộc chúng ta phải học hỏi nhiều điều; nghĩa là: học những gì cần phải học để sự hiểu biết của chúng ta được phong phú hơn.

Vào cuối năm 2017 Ni sư Giới Hương ở Hoa Kỳ có nhờ tôi đọc, chỉnh sửa nếu có những lỗi chính tả cũng như ý của câu văn cho hai quyển sách “Luân Hồi trong Kinh Lăng Nghiêm” và “Quan Âm Quảng Trần”. Tôi cũng hơi lo, vì thời gian gấp quá; nhưng quyển trước, tôi đã đọc xong và cũng đã viết lời giới thiệu rồi. Lần nầy nhờ đi Nga với hai nơi là Saint Peterburg và Moscow để dự lễ Khánh Thành chùa Thảo Đường từ ngày 18 đến 30 tháng 10 năm 2017; nên tôi đã lợi dụng cơ hội nầy, ban ngày thực hiện những Phật sự tại địa phương và ban đêm về lo đọc sách, sửa lỗi chính tả và cuối cùng viết lời giới thiệu. Sách nầy dày hơn sách trước; nghĩa là sách có 452 trang, mà tôi phải đọc trong 4 ngày từ 18 đến 22 tháng 10 mới xong, vì lẽ sách có nhiều điểm cần phải quan tâm và chỉnh sửa và hôm nay ngày 22 tháng 10 năm 2017 trên chuyến tàu tốc hành từ Saint Peterburg đến Moscow, tôi  đã hoàn thành lời giới thiệu nầy.

Sách có 6 chương. Chương đầu giới thiệu về lịch sử của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát của Việt Nam, Trung Hoa và Đại Hàn theo tinh thần Phật Giáo Đại Thừa; với những câu chuyện tưởng như đơn giản dễ hiểu; nhưng khi vào các chương 2,3,4,5... thì độc giả phải dùng trí lực không ít, vì lẽ Ni sư đã kết hợp tánh nghe của Quan Âm thuộc  về Nhĩ Căn Viên Thông để hình thành tác phẩm nầy. Lẽ ra nội dung của tác phẩm nầy liên hệ trực tiếp với Kinh Lăng Nghiêm; nhất là phần 25 Vị Thánh trình bày về sở tu, sở chứng của mình; nhưng Ni sư đã khéo léo kết hợp để đưa chung vào tác phẩm “Quan Âm Quảng Trần” nầy để cho có cơ hội làm quen với cả hai tác phẩm cùng một lúc. Vì lẽ tác giả của sách nầy đã minh chứng về Tánh Không một cách quá tỉ mỉ; khiến cho chúng ta không thể nào không đọc chương nầy một cách thích thú được. Đến phần Đức Đại Thế Chí Bồ Tát đi cầu pháp niệm Phật A Di Đàchúng ta mới thấy tác giả đã khéo léo kết hợp tư tưởng Tịnh Độ để giới thiệu đến những độc giả đó đây, nhằm phổ biến tư tưởng nầy đến với mọi độc giả của mình.

Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát cuối cùng chỉ chấp nhận pháp tu Quan Âm trong 25 pháp tu của các Vị Thánh; bởi vì chỉ có Phản Văn Tự Kỷ mới là phần chính của tánh nghe mà Đức Phật muốn gạn hỏi Ngài A Nan qua 7 cách đi tìm tâm; còn nàng Ma Đăng Già thì đã liễu ngộ tánh nầy, ngay trước cả A Nan, vì Ngài A Nan chỉ chuyên tâm nghe, học, hiểu; nhưng phần hành trì chưa thấu đáo; nên Ngài A Nan vẫn còn là một bậc đa văn hữu học; chứ không phải là bậc Vô Học Tỳ Kheo hay Tỳ Kheo Ni, khi những vị nầy đã liễu ngộ được pháp tu Quan Âm nầy.

Phần Ngài Ưu Ba Ly đi tìm tự tánh của chính mình cũng đã vượt qua khỏi cả 8 ông Hoàng tử muốn đi xuất gia, mặc dầu họ đã đến gặp Phật trước cả Ưu Ba Ly; nhưng tám Vị nầy phải qua một tuần lễ gạn lọc tâm để thanh tẩy những ngã mạn, tà kiến khi còn là những ông Hoàng tử của xứ Ca Tỳ La Vệ. Vì vậy cho nên người xưa đã đặt một bài kệ để tán dương hạnh nầy của Ngài Ưu Ba Ly như sau:

Đắc độ thân tiền bát vương tử

Lăng Nghiêm hội thượng chứng viên thông Hoằng tuyên luật giáo Tỳ Ni tạng

Phật pháp do như tự thế long.

Nghĩa:

Đắc độ cả trước 8 ông Hoàng
Lăng Nghiêm pháp hội chứng thần thông
Hoằng truyền giới luật, tạng Thanh Văn
Phật pháp từ đây đà hưng thịnh.

Toàn văn cũng như ngữ nghĩa của quyển sách nầy tác giả muốn giới thiệu đến các pháp tu từ tiệm đến thứ. Đó là pháp Sa Ma Tha, Tam MaThiền Na. Nếu hành giả nào đi trọn vẹn được quảng đường tiệm rồi đến thứ trong việc tu học như thế nầy thì Đại Viên Cảnh Trí của A Lợi Da thức đã viên thành nhiệm vụ của mình là đưa hành giả từ chỗ sơ cơ về đến bờ giác ngộ giải thoát. Tôi xin trân trọng giới thiệu tác phẩm giá trị nầy đến với Quý độc giả khắp muôn phương và theo tôi, nếu quý vị nào có duyên đọc quyển nầy trước thì cũng nên tìm đọc quyển “Luân Hồi trong Kinh Lăng Nghiêm” thì sẽ được bổ túc cho nhau về việc đi tìm Tâm nầy; hoặc ngược lại, nếu vị nào đọc quyển “Luân Hồi trong Kinh Lăng Nghiêm” trước thì cũng nên tìm đọc quyển “Quan Âm Quảng Trần “nầy để cả Lý và Sự được viên dung.

Tôi biết rằng quyển sách nầy cũng đã được Ni sư Thích Nữ Giới Hương cho dịch sang Anh Văn để giới thiệu đến những độc giả chuyên đọc Anh ngữ. Đây là một việc làm không đơn giản, vì Tánh Khôngtự tánh Di Đà không phải là một việc đơn giản để người ngoại quốc hiểu và thực hành; nhưng với trách nhiệm là một Giáo sư Đại học Phật giáo Việt Nam với học hàm Tiến sĩ, bận rộn  cho không biết bao nhiêu công việc, mà Ni sư đã hoàn thành được cả hai tác phẩm nầy bằng hai ngôn ngữ cả Việt lẫn Anh văn, quả là một việc quá phi thường. Cho nên tôi mong rằng các độc giả hãy cố gắng đọc từ trang đầu đến trang cuối để được lợi lạc nhiều hơn.

Viết xong lời giới thiệu nầy vào lúc 16 giờ ngày 22 tháng 10 năm 2017 trên chuyến tàu tốc hành chạy từ Saint Peterburg về Moscow, Liên Bang Nga.

 

LỜI NÓI ĐẦU

 

Quan Thế Âm (Avalokiteśvara Boddhisattva) là một vị Bồ tát nữ (a female Boddhisattva). Nữ Phật tử (Upasika) thì đông nhưng bậc nữ nhi thành thánh hay Phật thì rất hiếm.

Theo truyền thống Nam truyền (Theravāda), chúng ta có cuốn Therīgāthā (The Songs of Nuns - Trưởng Lão Ni kệ). Cuốn này gồm có 73 tích truyện nói về cuộc đời, công phu tu tập, tinh tấn hành trì và các bài chứng đạo ca của các vị tỳ-kheo-ni (bhikkhunī), các nữ đệ tử A-la- hán (Arahant) của Đức Phật (Buddha) trên bước đường chứng ngộ A-la-hán. Còn theo Bắc truyền (Mahāyāna), chúng ta có nhiều kinh đại thừa nói về các bồ tát nữ như Đại Thế Chí (Mahāsthāmaprāpta Boddhisattva) hay Quan Thế Âm (Avalokiteśvara). Riêng Bồ Tát Quan Thế Âm (Avalokiteśvara Boddhisattva) thì được các kinh Bắc truyền công nhận là độc đáo nhất. Vì ngài là Mẹ hiền từ bi, là Bồ tát (Boddhisattva) ban vui cứu khổ, đặc biệt là ngài lấy âm thanh làm đối tượng tu tập và lắng nghe tiếng kêu của cuộc đời để cứu khổ. Vì thế, trong tiềm thức của mỗi Phật tử chúng ta, ngài Quan Thế Âm (Avalokiteśvara Boddhisattva) trở thành một biểu trưng trọn vẹn cho lòng từ bi (karuṇā) của Phật giáo (Buddhism).

Phần đông những ai có khuynh hướng về nữ tính, về sự dịu dàng vĩ đại của Mẹ hiền và có khát vọng hướng tới nguồn tâm linh muốn "lìa khổ được vui", chúng ta đều quy ngưỡng và kính thờ Bồ Tát Quan Thế Âm (Avalokiteśvara).

Tình thương không bờ bến của Bồ Tát Quan Thế Âm (Avalokiteśvara Boddhisattva) như một bà Mẹ trong gia đình, như Mẹ hiền trong tất cả các Mẹ hiền. Ngài không còn là Phật hay Bồ Tát cao xa trên chín tầng mây nữa mà ngài là Mẹ hiền như tín ngưỡng bình dân của chúng ta. Bàn tay của người Mẹ hiền xoa dịu những khổ đau của các con. Có làm được như vậy, Phật giáo nói chung và tinh thần từ bi (karuṇā) của đạo Phật nói riêng mới thực sự đi vào cuộc đời. Chỉ có người Mẹ với nhiều tính toán (84.000 đầu), với mắt thấu hiểu (84.000 mắt) và với vô lượng phương tiện uyển chuyển (84.000 tay) mới tích cực năng nổ, đầy tình thương, sẵn sàng cứu độ, mới luôn luôn đem lại niềm an ủi ấm áp tình thương, và mới có thể khơi nguồn cho tâm thức con người hướng đến lý tưởng từ bi (karuṇā) , bình đẳng, vô ngãvị tha. Đạo Phật là đạo từ bi (karuṇā) Quan Thế Âm (Avalokiteśvara Boddhisattva) biểu tượng của lòng từ (The Compassionate Goddess - Nữ Thần Từ Bi). Oai lực của ngài nổi bật trong việc giải cứu bảy nạn, tiêu trừ được ba độc tham (abhijjhā), sân (byāpāda) và si (avijjā), thỏa mãn hai điều mong cầu (con trai hay gái), ứng hóa 32 ứng hóa thân (Sambhoga-kāya) và sử dụng 14 lối thuyết pháp.

Trong kinh Đại Phật Đỉnh Thủ Lăng Nghiêm (Śūraṅgama Sūtra), Đức Phật sai Bồ Tát Văn Thù (Mañjuśrī) chọn pháp môn nào có thể thích hợp cho chúng sanh cõi ta bà tu tập. hai mươi lăm vị thánh tuần tự đứng lên trình bày chỗ sở chứng và tâm đắc của mình, Bồ tát Văn Thù (Mañjuśrī) chọn Pháp môn Nhĩ căn Viên thông của Bồ tát Quan Thế Âm (Avalokiteśvara Boddhisattva)   là hay hơn cả, vì chúng sanh cõi ta bà này dễ lay chuyển bởi âm thanh. Nhận thấy rằng kinh Lăng Nghiêm (Śūraṅgama Sūtra), rất hay, ý nghĩa thâm áo, nên tôi phát tâm biên soạn một cuốn sách trình bày bối cảnh và nội dung hai mươi lăm vị thánh trình bày và trong đó nhấn mạnh pháp môn Nhĩ Căn Viên Thông được nổi bật hơn cả. Tôi tập trung ở phẩm Quan Âm Quảng Trần do Tỳ kheo ni (bhikkhunī) Bảo Giác biên dịch tiếng Việt và chương V, VI của kinh Đại Phật Đỉnh Thủ Lăng Nghiêm (the Śūraṅgama Sūtra) do cư sĩ Tâm Minh dịch Việt. Nhân đó, tôi cũng muốn giới thiệu về cuộc đời, xuất xứ, ý nghĩa hay những gì liên quan tới Danh hiệu Bồ tát Quan Thế Âm (Avalokiteśvara), vì thế tác phẩm này gọi là Quan Âm Quảng Trần. Quảng là rộng. Trần là trình bày. Trình bày chỗ tận diệu của Bồ Tát Quan Thế Âm (Avalokiteśvara Boddhisattva) để khuyến tu.

Con xin thành tâm kính cẩn đê đầu đảnh lễ - Tôn Sư Hải Triều Âm - Người đã trao cho chúng con ý nghĩa thâm sâu của kinh điển đại thừa, đặc biệt kinh Đại Phật Đỉnh Thủ Lăng Nghiêm (the Śūraṅgama Sūtra) và đã từ bi giảng giải cho chúng con hiểu ý thâm kinh bằng những từ ngữ, ví dụ đơn giản dễ hiểu từ kinh nghiệm chân tu của thầy. Công đức có được từ cuốn sách này xin nguyện Tôn sư trí thân minh tịnh, tuệ giác viên mãn. Nguyện cho tất cả chúng sanh phát tâm kết duyên với pháp môn tu Phản văn, nhập lưu vong sở:

Vô cấu thanh tịnh quang
Tuệ nhật phá u ám
Phản văn vi diệu pháp
Phổ minh chiếu thế gian.

“Tịch Tĩnh Diệu Minh Diệu Viên Thắng Giải Hiện Tiền Như Huyễn Văn Huân Văn Tu Kim Cang tam Muội. “

Thân nữ nhi phước mỏng nghiệp dày, văn tự phàm phu chuyển tải khó lòng đạt tới thâm ý kinh uyên áo nên  sẽ có rất nhiều sai sót. Kính mong các bậc thiện tri thức hoan hỷ chỉ lỗi để lần tái bản sau được hoàn hảo hơn.
Thành thật tri ân rất nhiều.

Nam Mô Nhĩ Căn Viên Thông Đại Bi Quan Thế Âm Bồ tát.

Chùa Hương Sen, ngày 18/3/2010
Thích Nữ Giới Hương

Bản PDF để in

pdf_download_2
Quan Âm Quảng Trần-TN Giới Hương

Đọc ấn bản tiếng Anh:
Commentary On Avalokiteśvara Bodhisattva





                                    

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.