Chúng tôi giới thiệu nội dung thuyết trình chính tại hội trường Trung tâm hội nghị quốc tế - chùa Bái Đính (Ninh Bình) của HT.Thích Đức Nghiệp (Doctor of Philosophy, Yale University, New Haven, Connecticut; Columbia University, New York, N.Y, USA), đương vi Phó Pháp chủ HĐCM GHPGVN. "Chủ đề Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hiệp Quốc (LHQ) 2014 lần này, tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình, Việt Nam, do Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức và được Chính phủ Việt Nam ủng hộ, là “Phật giáo góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc.” Vào tháng 9 năm 2000, tại trụ sở trung ương LHQ New York, Hội nghị Thượng đỉnh Thiên niên kỷ của LHQ đã nhất trí thông qua mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, gồm 8 mục tiêu chính và 21 chỉ tiêu phụ, phải đạt được trong thời gian 15 năm, từ 2001 tới 2015. Tám mục tiêu chính là: 1. Xóa bỏ nghèo khổ, đói kém và chiến tranh; 2. Phổ cập giáo dục tiểu học cho trẻ em; 3. Tăng cường bình đẳng giới tính, nâng cao vị thế phụ nữ trong xã hội; 4. Giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em; 5. Nâng cao sức khỏe cho các bà mẹ; 6. Phòng và chống HIV/AIDS,sốt rét và các bệnh khác; 7. Đảm bảo bền vững môi trường; 8. Thiết lập mối quan hệ đối tác toàn cầu vì mục tiêu phát triển. Nên biết rằng đạo Phật ra đời, nhằm cứu khổ độ sinh và dìu dắt mọi người đạt tới đỉnh cao hạnh phúc và tự do cao đẹp mà thuật ngữ Phật giáo gọi là giác ngộ và giải thoát. Thực tế, mọi người sinh ra, đều phải chịu hai nỗi khổ - khổ về bản thân và khổ về môi trường sinh thái, tức là, khổ về chính báo và khổ về y báo. Về bản thân lại có hai nỗi khổ, đó là khổ về vật chất và khổ về tinh thần, tức là, khổ về thể xác và khổ về tâm hồn. Về vật chất, đó là nghèo đói, bệnh tật và thất học. Về tinh thần, đó là tham dục ích kỷ, sân hận và si mê. Về môi trường sinh thái thì lại có nhiều nỗi khổ, như xã hội bất công, lạc hậu, chiến tranh, biến đổi khí hậu, thảm họa thiên nhiên, bão lụt, hạn hán, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, hóa chất độc hại, khí thải nhà kính (dioxin carbon, the green house gas emissions), vv…, mặc dù trên thế giới hiện nay, đã có nhiều tiến bộ tích cực về khoa học, kỹ thuật và kinh tế thị trường. Vậy, muốn giải quyết những nỗi khổ đó cho nhân loại, thì Phật giáo phải góp phần tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của LHQ đã đề ra. - Về vật chất, cụ thể mà nói, Phật giáo phải đồng hành cùng LHQ, thực sự bắt tay vào việc an sinh thế giới, an sinh xã hội nước nhà, từ thiện thế giới, từ thiện xã hội nước nhà như tiền của, thực phẩm, quần áo, nhà ở cho những người nghèo đói; y tế, thuốc thang, các dụng cụ y tế, bệnh viện, bác sĩ, y sĩ, dược sĩ, y tá cho những người bệnh tật, ốm đau với các bệnh HIV/AIDS, ung thư, tiểu đường, áp huyết, sốt rét vv…; và giáo dục, trường học, sách giáo khoa, phòng thí nghiệm, các phương tiện giảng dạy, các giáo sư, giáo viên từ mẫu giáo tới đại học và hậu đại học. Đó chính là Phật giáo vận dụng thực tiễn lòng từ bi cứu khổ nhân sinh bằng pháp môn tài thí, vô úy thí và pháp thí. - Về tinh thần, nguyên nhân chủ yếu vẫn là tham dục, ích kỷ, sân hận và si mê. Bởi vậy, muốn đối trị và hóa giải vấn đề này, thì Phật giáo cần thực hiện và giáo hóa mọi người về ba pháp môn căn bản, đó là đức dục, tâm thể dục và trí dục, tức là, Giới học, Định học và Tuệ học. Vì người ta có sống theo tinh thần vị tha và đạo đức giới luật, thì mới có thể diệt trừ lòng tham dục ích kỷ; người ta có thân tâm an tĩnh, hài hòa, lành mạnh, thì mới giải quyết được sự sân hận, nóng nảy và bạo động; và người ta có trí tuệ trong sáng, thì mới thành đạt mọi việc và tránh được những mê muội, mê tín dị đoan, định kiến, cố chấp, quá khích, cực đoan. - Về môi trường sinh thái, nói về môi trường sinh thái trực thuộc xã hội con người, tức là, nói về môi trường sống của con người. Vấn đề ô nhiễm môi trường trên thế giới hiện nay, như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, ô nhiễm đất đai đều có ảnh hưởng tiêu cực và trực tiếp tới đời sống và sức khỏe của con người. Hơn nữa, vấn đề bất bình đẳng giới tính, kinh tế và chiến tranh cũng có nhiều tác động xấu tới xã hội loài người. Vì thế, Phật giáo cũng nhìn nhận thế giới này nói chung, môi trường sống của con người nói riêng, đều có năm hiện tượng ô nhiễm và xấu ác. Thuật ngữ Phật giáo gọi là “ngũ trược ác thế”, nghĩa là: (i) Môi trường sống ô nhiễm và xấu ác; (ii) Hiểu biết ô nhiễm và xấu ác; (iii) Khổ đau ô nhiễm và xấu ác; (iv) Con người ô nhiễm và xấu ác; (v) Đời sống ô nhiễm và xấu ác. Ngoài vấn đề ô nhiễm môi trường sinh thái, lại có vấn đề bất bình đẳng giới tính giữa nam và nữ cũng như bạo hành trong gia đình và chiến tranh trên thế giới. Quan điểm Phật giáo cho rằng “Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tính,” nghĩa là, tất cả mọi người đều có Phật tính như nhau, không phân biệt nam nữ, chủng tộc, màu da, giai cấp; đồng thời phải tôn trọng sự sống và quyền sống của mọi người cũng như chủ quyền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước, nghĩa là, không được sát sinh, không được gây chiến tranh đổ máu, không được gây bạo hành trong gia đình. Nói cách khác, chúng ta phải thực thi quyền bình đẳng giới tính, nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội; đồng thời chúng ta cũng thực hiện nếp sống chung hòa bình và tương quan giúp đỡ lẫn nhau trên thế giới. Bởi vậy, muốn xây dựng một thế giới hòa bình, hạnh phúc, tự do, văn minh, sạch, xanh và đẹp, thì cộng đồng Phật giáo thế giới, trong đó có Giáo hội Phật giáo Việt Nam, phải mở rộng lòng từ bi, trí tuệ và dũng cảm, tham gia trực tiếp với LHQ, nhằm thực hiện cụ thể các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của LHQ. Nói rõ hơn, Phật giáo có thể góp phần thực hiện sáu mục tiêu chính như sau: (i) Xóa bỏ nghèo đói; (ii) Xóa bỏ bệnh tật; (iii) Xóa bỏ thất học; (iv) Xóa bỏ chiến tranh; (v) Thực hiện bình đẳng giới tính và nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội; và (vi) Thực hiện môi trường sinh thái sạch, xanh, đẹp và văn minh. Thay mặt Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tôi cầu chúc quý liệt vị được nhiều sức khỏe và an vui". (Giác Ngộ)
|