Khi nào thầy học xong?

27/08/20184:00 SA(Xem: 4928)
Khi nào thầy học xong?

KHI NÀO THẦY HỌC XONG?
Thích Trung Hữu

 

me conSáng nay mở GNO ra đọc, thấy GN thông báo mời viết “Vu lan trong tim con”, tôi chợt nghe lòng mình thổn thức. Bao kỷ niệm về mẹ chợt ùa về với những cảm xúc buồn vui xen lẫn. Mới đó mà đã 4 năm rồi từ khi mẹ tôi qua đời.

Mẹ tôi là một bà mẹ quê, nhà nghèo. Sau khi dựng vợ gã chồng hết cho các anh chị của tôi, bà vào chùa ở. Bà nói vào chùa làm công quả cho có phước, nhưng tôi biết là để được gần tôi, đứa con trai út xa bà đi vô chùa ở từ nhỏ. Khi còn khỏe, bà làm công việc chùa không hề nệ công, nhưng khi yếu rồi thì thầy trụ trì chỉ cho bà dọng đại hồng chung ngày hai buổi sáng và chiều. Ngoài ra thì bà ngồi trên chiếc ghế đá trước chùa niệm Phật, hoặc chống gậy đi vòng vòng hành lang chùa thể dục. Bà là người ít nói, và cũng ít bài tỏ tình cảm với tôi. Khi nào có ai cho bà bánh trái hay món đồ gì, bà đều đưa cho tôi, hỏi “thầy có xài cái này không” hay chỉ đơn giản là để dĩa xôi trên bàn học của tôi rồi đi ra ngoài ngồi niệm Phật tiếp.

Sau khi học xong Cao cấp Phật học, tôi nói với bà là muốn đi du học Ấn Độ. Bà hỏi mấy năm xong. Tôi nói nếu chỉ học thạc sĩ thôi thì 2 năm, còn học luôn tiến sĩ thì phải chừng năm sáu năm. Bà im lặng một lúc rồi nói, “Thầy muốn làm gì thì làm. Học để nhờ tấm thân sau này. Tui có sống đời để lo cho thầy được đâu”. Tôi biết bà buồn và sẽ nhớ tôi. Nhưng tôi nghĩ là mình phải đi nên cũng không nói gì thêm. Ngày tôi rời chùa ra sân bay, tôi đến chào bà, ngồi bên bà một chút trước khi đi, không biết nói gì. Bà nói “thầy đi nhớ giữ gìn sức khỏe, đừng lo cho tui”. Rồi tôi bước ra xe. Bà chống gậy đi trên hành lang theo xe. Ra khỏi cổng chùa tôi ngoái nhìn lại, thấy bà đứng chống gậy nhìn theo. Trái tim tôi như thắc lại nghẹn ngào, hai dòng nước mắt tự nhiên trào ra và lăn dài trên má. Tôi nghĩ chắc là bà cũng đang khóc, dù chỉ là những giọt lệ như sương của người già. Lúc đó tôi chỉ muốn nhảy xuống xe, chạy trở vào ôm má và nói rằng “con sẽ không đi học đâu, con ở lại với má”. Nhưng tôi vẫn ngồi yên và xe chạy ra phi trường Tân Sơn Nhất.

Tôi cố gắng mỗi năm về 2 lần để thăm chùa và thăm bà, dù rằng như vậy là tốn tiền máy bay dữ lắm. Có khi tôi báo trước ngày về, có khi không báo. Nhưng lần nào bước vô chùa thì bà là người đầu tiên tôi nhìn thấy. Bà vẫn ngồi trên chiếc ghế đá niệm Phật. Tôi sung sướng nhìn bà nhưng tôi thấy khuôn mặt bà còn sung sướng hơn tôi, dù bà không biểu lộ ra ngoài. Mỗi lần về tôi ở chùa từ một đến hai tháng. Và bà vẫn đem cho tôi dĩa xôi hay những thứ người ta cho bà như ngày nào. Bà vẫn chống gậy đi vòng vòng hành lang, thỉnh thoảng nhìn vào phòng tôi rồi đi tiếp.

Tôi học thạc sĩ xong, gặp thuận duyên tôi lại học tiếp lên tiến sĩ. Bà hỏi tôi chừng nào học xong, tôi nói chừng hai năm nữa, rồi hỏi lại bà “chi vậy?” Bà cười hiền nói, “học xong về sống với tui vài năm rồi tui có chết cũng vui”. Tôi cười khì nói “nhanh thôi, má còn khỏe mà lo gì”. Tôi nói vậy để an ủi bà, và cũng để an ủi bản thân, chứ tôi không chắc lắm về sức khỏe của bà. Chỉ là việc học không thể dừng lại được. Tôi chỉ cầu mong sao bà có thể chờ cho đến khi tôi học xong. Thế nhưng, bà đã không chờ được. Khi nhận tin bà đã quá yếu, tôi tức tốc mua vé máy bay về nhưng không kịp. Cũng không kịp nhìm mặt bà lần cuối. Lúc bà hấp hối, anh chị em có đủ mặt hết, chỉ thiếu mình tôi. Trên đường từ sân bay về chùa, tôi vẫn nghĩ là bà vẫn chưa đi, nhưng vừa bước chân tới cổng chùa, thấy cảnh tang lễ, chân tôi mềm nhũng như không còn có thể bước thêm bước nào nữa. Vậy là má đi rồi!

Tôi khóc. Khóc như chưa từng được khóc. Có lẽ do sự dồn nén bao năm qua, cố tỏ ra dửng dưng để giữ vững tinh thần, cho bản thân cũng như cho má khỏi phải lo. Và có lẽ má tôi cũng như vậy, cố biểu hiện không buồn cho tôi yên tâm đi học. Sự đè nén ấy giờ đây không cần thiết nữa. Ngay cả gặp mặt lần cuối mà cũng không được… Nước mắt của tôi là sự trộn lẫn của buồn đau, của hối hận và của sự ấm ức vì không có mặt trước khi bà trút hơi thở cuối cùng.

Sau đám 49 ngày tôi trở qua Ấn Độ tiếp tục học. Suốt 3 năm tôi không về Việt Nam, cho đến khi hoàn tất việc học. Tôi không về vì để tiết kiệm chi phí đi lại, mà cũng thấy rằng không còn động lực để về. Hành lang vẫn như cũ nhưng không còn bóng dáng Người đi. Chiếc ghế đá vẫn còn đó nhưng đâu rồi ánh mắt nhìn ra chờ đợi tôi về.

Đã nhiều lần trước đây tôi muốn bỏ học để về ở bên cạnh bà. Bỏ học thì cũng tiếc thật, nhưng nếu lỡ bà qua đời khi tôi chưa học xong thì sẽ là một điều hối hận cả đời. Tôi đã từng nghĩ rằng tôi sẽ bỏ học và sẽ viết một truyện ngắn với tựa đề “Luận án hoàn thành”, trong đó tôi viết rằng mặc dù luận án tiến sĩ của tôi dang dở nhưng luận án cuộc đời tôi đã hoàn thành vì đã làm tròn chữ hiếu. Thế nhưng, hiện thực thì ngược lại. Tôi đã hoàn thành luận án tiến sĩ nhưng luận án cuộc đời thì lại dở dang.

Câu hỏi của má tôi, “chừng nào thầy học xong?” cứ luôn luôn đeo đẳng bên tôi như một lời tự trách, rằng tôi không phải là một đứa con tốt. Sau khi học xong, tôi đã tự nhủ lòng mình rằng phải làm một người thật tốt và đem kiến thức mà mình học được chia sẻ và giúp ích cho mọi người càng nhiều càng tốt. Chỉ có như thế thì sự hi sinh của má mới không vô ích. Má ơi, Mùa Vu Lan lại về rồi, con nhớ má nhiều lắm!

Thích Trung Hữu

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
20/11/2015(Xem: 9569)
10/08/2019(Xem: 5843)
03/09/2017(Xem: 5917)
04/09/2023(Xem: 1588)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.