Hoa đào Tây Bắc

26/12/20144:45 SA(Xem: 12373)
Hoa đào Tây Bắc

tuyentaphuongphapmuaxuan 2
HOA ĐÀO TÂY BẮC

Trần Văn Hạc

hoa dao tay bac 01
Hoa đào nở ở Sapa

Tây Bắc vào xuân với ngàn thứ hoa rừng, nhưng“Hoàng hậu mùa xuân” thì phải là hoa đào. Hoa đào bạt ngàn trên những triền nương, có khi sà sát bên đường hoặc bên những hiên nhà sàn ấm áp khói lam…

Người ta như lạc vào rừng hoa, ngây ngất mê đắm giữa muôn vàn nụ xuân hàm tiếu, một sắc hồng trinh bạch đến nao lòng. Cơn gió xuân nhẹ lướt cả rừng hoa chấp chới như muôn ngàn cánh bướm hồng.

Thế là ta đã đến xứ sở hoa đào, để rồi sắc hoa đào hồn nhiên của mùa xuân Tây Bắc cứ kỳ diệu mãi trong ta một thứ ấn tượng ngọt ngào và sáng trong vô hạn. Đào Tây Bắc là giống đào phai, hoa đơn, hồng nhạt, hương thơm dịu dàng thầm kín. Người sành chơi mới thấy được cái “thần” trong sự dung dị, thanh cao mà không kém phần đằm thắm. Có lẽ hoa cũng như con người Tây Bắc, sinh ra giữa núi rừng, hòa cùng cỏ cây, dãi dầu gió sương mưa nắng, giản dị chân chất mà đậm tình. Trên những cành cây nâu xám xù xì lại hội tụ được linh khí của đất trời, tinh luyện và ấp ủ, mỗi độ xuân về màu hồng dịu dàng thân thiết bật lên thắp sáng thân cây, trào dâng nơi đầu cành.

hoa dao tay bac 03
Hoa đào nở ở Sapa

Người Tây Bắc rất yêu quý hoa đào. Sắc hoa đào tươi thắm trên chiếc khăn Piêu duyên dáng của các cô gái Thái. Màu hồng rực rỡ, xốn xang trên những nếp váy cầu kỳ của các cô gái H’mông. Màu hồng thắm lại trên những quả còn, quả pao giao duyên đôi lứa. Màu hồng rực trên giấy dán đồ dẫn cưới của nhà trai hay e ấp trên chiếc gối lứa đôi của nhà gái. Màu hồng tỏa ra từ đôi má đào thanh xuân của các thiếu nữ vùng cao… Ở đâu ta cũng gặp màu hoa đào hóa thân vào, nên dường như hoa đào ngày xuân sống với người Tây Bắc cả bốn mùa. Người H’mông sống trên các triền núi cao Tây Bắc, có tập quán đi chơi núi ngày xuân. Trong rừng đào từng đôi trai gái tay trong tay dạo bước, cánh hoa đào hồng thơm vương trên mái tóc, sắc hồng đào long lanh ánh mắt, thắm trên những làn môi. Tiếng hát, tiếng cười hòa cùng tiếng khèn dập dìu gọi bạn xao xuyến những rừng xuân. Khắp vùng Tây Bắc nơi đâu ta cũng gặp hoa đào, nhưng ngày Tết mọi người vẫn lưu một cành đào đẹp nhất với người Tây Bắc náo nức cùng xuân.

Đất rừng Tây Bắc nâu đen; những dòng suối Tây Bắc biếc xanh rêu đá; những đàn bướm trắng mấy nghìn con dập dờn bên suối; những vạt lúa chín vàng ẩn hiện trong nắng hè; những chùm phong lan khoe sắc đua hương; những sải thổ cẩm phơi trên thảm cỏ xanh… Có phải muôn màu sắc bốn mùa ấy đã tan ra, hòa trộn, rồi khi xuân về đồng loạt hiện lên trên những cánh đào hay sao mà đào đẹp đến vậy! Nhìn rừng đào khoe sắc phơi phới trẻ trung hồng hào cả đất trời, ai có biết đào phải nhen nhóm màu hồng bằng hành trình ba trăm sáu mươi lăm ngày, bền bỉ đi qua mùa hè nắng cháy mưa giông, đi qua những cơn mưa thu lạnh lẽo, dai dẳng và đi qua mùa đông sương gió nghiệt ngã, để sang xuân tặng cho người một mùa hoa hào phóng?

Cuối xuân, hoa khẽ khàng trải xuống mặt đất tấm vải nhung gấm dệt bằng muôn cánh đào. Về với đất hiền hậu để lại hoàn sinh trên đầu cành vào mùa xuân năm sau. Bên những chùm lá non xanh nõn nà, hiện ra vô số quả đào non xanh biếc như những viên bích ngọc. Đào lại tiếp tục cuộc hành trình để trao cho người những mùa trái ngọt. 

MỤC LỤC TUYỂN TẬP HƯƠNG PHÁP MÙA XUÂN

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
12/01/2012(Xem: 60771)
18/01/2011(Xem: 88545)
07/02/2015(Xem: 12723)
27/01/2015(Xem: 23436)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.