Cầu nguyện sự bình an, hanh thông cho bản thân, gia đình là một nhu cầu chính đáng của con người. Nhưng dùng mọi cách để có lợi cho mình, cho gia đình mình mà bất chấp đó là điều đáng làm hay không nên làm, phù hợp với truyền thống, đúng với tinh thần chánh tín hay không, là điều cần phải nhìn lại, nhất định cần phải có sự điều chỉnh.
Với người học Phật, chúng ta cần phải có sự tỉnh thức để phân biệt được những điều trên. Đức Phật dạy rằng, chính chúng ta chứ không phải ai khác, là kẻ thừa tự nghiệp mà chúng ta đã tạo trong quá khứ, đang tạo ở hiện tại. Thanh lọc và loại trừ nghiệp xấu không gì hiệu quả bằng việc tích lũy các thiện nghiệp - việc làm lợi lạc cho tự thân, cho cộng đồng và môi trường sống. Đó là cách chuyển nghiệp căn bản, hợp lý, đúng với luật nhân quả giữa đời này.
Tích lũy những việc làm nhỏ thành thói quen. Người có thói quen tốt, có suy nghĩ, lời nói và hành vi thiện lành, đem lại lợi lạc cho tự thân và cho người khác luôn là người được xã hội trân quý.
Còn ngược lại, nếu chỉ vì lợi ích của cá nhân, của nhóm nhỏ mà bất chấp tất cả, có thể làm cho một số người, hoặc nhiều người sợ hãi trong một thời gian ngắn, nhưng sẽ không được lòng người, khiến người xa lánh về dài lâu.
Trong nhiều kinh điển, Đức Phật cũng nhấn mạnh rằng được sinh ra làm thân người là điều hết sức quý, nhưng nhân cách của một cá nhân có cao quý hay không hoàn toàn không phụ thuộc vào hoàn cảnh xuất thân, dòng tộc hay vị trí xã hội, mà căn cứ vào suy nghĩ, lời nói và hành động của cá nhân ấy có thiện lành hay không. Bất cứ ở vai trò xã hội nào, là người xuất gia hay tại gia, là công nhân viên chức hay lãnh đạo, nếu người đó luôn tỉnh thức, trăn trở vì lý tưởng sống của mình, nỗ lực đem lại điều ích lợi cho Giáo hội, cho cộng đồng, đất nước trong đó có bản thân mình thì chắc chắn người đó đang sống có chất lượng, được kính trọng trong hiện tại và mai sau. Theo đó, sẽ có một cuộc sống an lạc, thảnh thơi giữa mọi ràng buộc ngay trong cuộc đời này.
Trong kinh Tăng chi, ở phẩm Cát tường, thuật lại rằng, một thời Đức Thế Tôn trú ở Ràjagaha. Tại đấy, Ngài gọi các Tỷ-kheo và dạy rằng: “Các loài hữu tình nào, này các Tỷ-kheo, vào buổi sáng, thân làm việc thiện, nói lời nói thiện, ý nghĩ điều thiện, các loài hữu tình ấy, này các Tỷ-kheo, có một buổi sáng tốt đẹp”.
“Các loài hữu tình nào, này các Tỷ-kheo, vào buổi trưa, thân làm việc thiện, nói lời nói thiện, ý nghĩ điều thiện, các loài hữu tình ấy, này các Tỷ-kheo, có một buổi trưa tốt đẹp”.
“Các loài hữu tình nào, này các Tỷ-kheo, vào buổi chiều, thân làm việc thiện, nói lời nói thiện, ý nghĩ điều thiện, các loài hữu tình ấy, này các Tỷ-kheo, có một buổi chiều tốt đẹp”.
Một ngày tốt đẹp là như thế. Một cuộc đời tốt đẹp được tích lũy từ những buổi, những ngày, những tháng và những năm tốt đẹp như vậy.
HT.Thích Giác Toàn