Mỗi Độ Xuân Về

13/02/20211:00 SA(Xem: 4462)
Mỗi Độ Xuân Về

MỖI ĐỘ XUÂN VỀ
Tiểu Lục Thần Phong

 

tếtCứ mỗi độ xuân về, khoảng đầu tháng chạp là nhà ngoại rộn ràng tất bật. Lò mứt bắt đầu vào mùa, mọi người trong nhà tăng tốc dần theo cái đà cận tết. Má, các dì, cậu… đều phải làm mứt cả. Khi ấy tôi thường được giao việc đi lấy nước giếng, giếng nhà ngoại nhiễm phèn, làm mứt sẽ không được trắng đẹp. Giếng nước từ nhà thờ họ cách chừng ba cây số, nước trong vắt, ngọt và mát lạnh, không chỉ làm mứt mà còn để uống ngon như nước đá.

Mẹ tôi, dì tôi rất khéo tay, cắt đu đủ xanh thành những bông thược dược, những cái nơ đủ kiểu. Sau khi rim và nhuộm màu xanh, đỏ, vàng… trông rất đẹp mắt. Những trái bí đao to và dài như trái bom được cắt nhỏ ra thành những miếng cỡ ba ngón tay, rồi cắt thành những hình chữ nhật, hình thoi, hình oval...xăm cho mềm, luộc chín và rim đường. Món khó nhất, công phu nhất và cũng ăn khách nhất là những củ gừng rim, củ gừng vừa đủ độ già thì nhổ lên, giữ một số thân cây trên củ, củ được gọt vỏ và xăm cho mềm nhưng không được gãy hay rã nát. Củ gừng sau khi rim đường trông đẹp như bàn tay con gái, có củ giống con lạc đà, lại có củ giống như núi đồi chập chùng và nhiều hình dáng khác, tùy theo sự tưởng tượng của mọi người. Mứt gừng nhà ngoại đẹp và ngon nổi tiếng khắp vùng, mùi nước đường rim gừng thơm và ấm, lan tỏa trong không khí, bay xa khắp xóm. Rim gừng thì không thề không nhắc đến dụng cụ xăm gừng, đó là những khúc gỗ gòn nhỏ vừa nắm tay, một đầu được cắm đầy những cây kim may, dù làm thủ công nhưng những cây kim ngay hàng thẳng lối và đều tăm tắp. Ngày nay những món mứt cổ truyền xem ra không còn mấy ai chuộng, nghề làm cây xăm dường như cũng mai một.

Những ngày tháng chạp bận tíu tít, người lớn trong nhà ai cũng mệt nhưng vui. Ba má tôi, dì tôi, cậu tôi vẫn thường nói:” Tháng chạp mới thật là tết, ra giêng đâu có vui”. Tôi và bọn con nít đâu có tin thường cãi rằng:” Tháng chạp đâu phải tết nên đâu có vui, tết mới vui” có lẽ vì tết mới được mặc áo mới, được lì xì, được nghỉ học chơi thả giàn mà hổng bị la.

Tháng chạp không chỉ làm mứt, nhà ngoại còn làm bì, tré và nhiều món bánh trái khác nữa. Tôi thường được giao nhiệm vụ đi hái lá ổi, lá ổi gói bì, bên ngoài dùng rơm bó lại, thường thì đến mồng hai tết là vừa ăn. Bì làm từ những món thừa thãi đầu, đuôi, thủ vĩ của con heo… ấy vậy mà làm bì ăn ngon hết biết! Tháng chạp còn là mùa nhổ củ hoành tinh, vườn nhà ngoại ở trên quê ( không phải nhà trong thị trấn dùng để ở và mua bán) trồng rất nhiều hoành tinh, khóm, ổi, lá gai ( dùng để làm bánh ít)… Tôi khoái nhổ củ hoành tinh, rồi đào bới thêm để lấy cho hết những củ còn sót hay gãy. Củ hoành tinh vừa làm bột, làm mứt nhưng trước hết luộc một nồi ăn cho khoái khẩu.

Những ngày gần cuối tháng chạp thật vui, trường cho nghỉ tết, tha hồ rong chơi. Nhà ngoại và nhà tôi quanh năm cúng kiếng chay, vì cả nhà ăn chay mười ngày mỗi tháng, duy chỉ có ngày tất niên là đặc biệt, là ngoại lệ cúng mặn. Tôi thường thắc mắc:” Nhà người ta ai cũng cúng gà, vịt, heo quay… nhà mình toàn cúng chay”. Ba tôi bảo:” Nhà mình thờ Phật, không sát sanh, không thể giết con vật rồi đem cúng. Con vật ấy có thể là thân nhân của mình trong kiếp quá khứ”

Tháng chạp với người làm nông có vẻ nhàn hạ hơn, mùa màng tạm yên nhưng với những tiểu thương mua bán như nhà ngoại tôi thì bận tối mắt tối mũi. Vừa là lò mứt lại vừa buôn bán đồ cúng như: giấy tiền, giấy vàng bạc, áo ông táo, áo cô hồn… bán rất đắt hàng. Tôi nhớ đã có lần hỏi:” Sao nghe nói trong Phật giáo không có đốt vàng mã mà nhà mình lại bán?”Ba tôi giải thích:” Đạo Phật không có mê tín, đốt vàng mã là ảnh hưởng văn hóa tập quán của người Tàu. Nhà mình không đốt, chỉ mua chín bán mười kiếm chút lời mà sinh sống, tuy biết vàng mã không phải chính mạng nhưng cũng không đến nỗi gây hại cho người và vật, vì chưa biết làm gì để sống nên tạm bán mua để làm sinh kế”. Tháng chạp với những người làm nghề mua bán thì gần như bận bịu cả ngày đêm, ăn uống thất bát, nếu năm nào tháng chạp có ngày ba mươi thì họ còn có thêm thời gian để chăm chút bản thân, nếu năm nào chỉ có ngày hai mươi chín thì họ bận cho đến sáng mồng một mới có thời gian gội đầu, làm tóc, trang điểm…

Tháng chạp là mùa hoa, hoa từ các nhà vườn khắp nơi đem về bày bán. Hoa trong chợ thường là hoa cắt cành để chưng trên bàn thờ hay để cắm trong bình. Hoa trong chậu và các loại cành cội lớn thì bán dọc quốc lộ chạy xuyên qua thị trấn, bạt ngàn là hoa, nào là: cúc đại đóa, cúc mâm xôi, cúc kim, thược dược, vạn thọ, mào gà, mai, hồng, huệ, tắc, bonsai… Những năm tháng ấy chưa thấy hoa đào, có lẽ lúc ấy phương tiện vận chuyển còn khó khăn, phương nam nắng nóng chưa quen với hoa đào, tập quán chưng hoa chưa thích ứng với hoa đào…

Ngày ba mươi ( hoặc hai mươi chín) tháng chạp, ba và ngoại thường mang gạo, bánh mứt và ít tiền lên chùa cúng, sau đó đến ngày mồng một tết mới về lễ Phật chính thức. Tháng chạp quả là tháng bận rộn nhất trong năm của nhà tôi, của những tiểu thương trong thị trấn. Tháng chạp là tháng mà thu nhập bằng hai hoặc ba tháng khác. Tháng chạp là tháng mọi người tất bật tích trữ, mua sắm chuẩn bị cho cái tết cổ truyền. Sau này lớn lên tôi mới thấy câu nói của người lớn là đúng:” Tháng chạp mới là tết, ra giêng đâu có vui”

Thế gian này vốn vô thường, thay đổi liên lỉ không ngừng nghỉ, có hợp thì có tan, các pháp hữu vi đều vì duyên sanh và cũng vì duyên mà diệt. Ngoại đã ra người thiên cổ, ba má giờ cũng đã già, trấn cũ ngày xưa giờ thay đổi cũng không còn nhận ra, phong vị tết ngày nay đã khác xưa, nhiều món sản vật và nghề thủ công cũng mai một, bánh mứt tết xưa giờ chẳng còn mấy ai chuộng. Duy cái ký ức tết xưa vẫn còn in đậm trong tâm thức tôi, mùi gừng rim thơm nồng ấm vẫn thoang thoảng trong tôi.

 

TIỂU LỤC THẦN PHONG

Ất Lăng thành, 01/2021

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
12/01/2012(Xem: 60735)
18/01/2011(Xem: 88476)
07/02/2015(Xem: 12695)
27/01/2015(Xem: 23249)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.