Chuyện Vãn Ngày Xuân: Khi Đại Sư Tự Nhận Là Sa-di

22/01/20225:32 CH(Xem: 4246)
Chuyện Vãn Ngày Xuân: Khi Đại Sư Tự Nhận Là Sa-di

Chuyện vãn ngày Xuân:

KHI ĐẠI SƯ TỰ NHẬN LÀ SA-DI

Chúc Phú

 

hoa_cuc_vangVào năm 2013, trong quá trình xử lý văn bản để viết tác phẩm Kinh Tứ thập nhị chương - đối chiếunhận định, chúng tôi vô tình đọc được Lời tựa trong tác phẩm Phật Tổ tam kinh (佛祖三經) do Vân Thủy Sa-di Thích Tại Tại (雲水沙彌釋在在) viết. Vì nhân vật này không phải là yếu tố trọng tâm của chủ đề nghiên cứu thế nên chúng tôi không đi sâu tìm hiểu mà chỉ thoáng chút ngỡ ngàng trước danh xưng của một vị Sa-di, nhưng sao lại được viết lời giới thiệu cho một tác phẩm kinh điển mang tính phổ biến vào thời ấy như thế.

Những ngày cuối năm 2021, nhân đọc một chú thích trong bài nghiên cứu về Thiền sư Minh Như của một chuyên gia có thẩm quyền về văn khắc Hán - Nôm hiện nay là thầy Thích Đồng Dưỡng, chúng tôi được biết thêm về tác giả Vân Thủy Sa-di Thích Tại Tại trong Phật Tổ tam kinh chính là Thiền sư Minh Hành (明行禪師: 1595-1659)[1], bài tựa này được viết vào năm Qúy Tỵ (1653). Từ những cơ sở này, trong tôi chợt liên tưởng đến phẩm tính khiêm hạ của các bậc Đại sư thuở trước, ở Trung Quốc cũng như Việt Nam, trong việc tự nhận mình là Sa-di trong khi giới phẩm thực tế là Tỳ-kheo.

tri huc
Trí Húc Đại Sư

Một trong những tác giả được nhiều môn phong, học pháiTrung Quốc cũng như Việt Nam ghi nhận xứng tầm Đại sư là ngài Thích Trí Húc (釋智旭:1598-1654). Theo Gia Hưng Đại tạng kinh (嘉興大藏經)[2] và  Bổ biên Đại tạng kinh (大藏經補編)[3], ngài Thích Trí Húc tự là Tố Hoa (素華), về sau xưng là Ngẫu Ích lão nhân (藕益老人) hoặc Bát Bất Đạo Nhân (八不道人)[4]. Ngài mang họ Chung, người nước Ngô (鍾氏吳人), ngày nay thuộc Giang Tô (江蘇). Bẩm tính của ngài thông minh lanh lợi, ban đầu tôn sùng Nho học, viết Tỵ Phật luận (闢佛論) khoảng mười chương để phỉ báng Phật pháp. Khoảng năm hai mươi tuổi, nhân đọc Tự tri lục (自知錄) và Trúc song tùy bút (竹窗隨筆) của Đại sư Liên Trì (蓮池) nên ngài tỏ ngộ, hối lỗi và đã đốt bỏ Tỵ Phật luận. Năm hai mươi bốn tuổi[5], ngài phát nguyện xuất gia và được đệ tử của ngài Hám Sơn (憨山:1546-1623), là ngài Tuyết Lĩnh ( 雪嶺), thế độ. Năm 27 tuổi[6], ngài phát nguyện thọ giới Tỳ-kheo và giới Bồ-tát, khởi đầu của con đường nghiên cứu trước tác, thuyết giảngphụng sự suốt cả cuộc đời. Ngài viên tịch vào niên hiệu Thuận Trị (順治)[7] năm thứ mười một (1654), hưởng thọ 57 tuổi.

Có thể nói, tuy xuất gia vào độ trung niên và thọ mạng chưa đến sáu mươi nhưng năng lực trước thuật của ngài Trí Húc quả là vĩ đại. Theo thống kê của Đại sư Hoằng Nhất (弘一大師), toàn bộ trước tác của ngài Trí Húc bao gồm 47 thể loại, gồm 203 quyển và chưa kể 21 thể loại chú, sớ chưa được biên tập thành sách[8]. Trong số những tác phẩm đó phải kể đến những tác phẩm nổi tiếng như Duyệt tạng tri tân (閱藏知津), 40 quyển, Phạm Võng hợp chú (梵網合註), 8 quyển, Tỳ-ni tập yếu (毘尼集要), 17 quyển, Chu dịch thiền giải (周易禪解), 10 quyển…

Mặc dù trong phần lớn tác phẩm, ngài Trí Húc có khi ghi là Sa-môn, có khi ghi là Đạo nhân, nhưng đặc biệt, có khoảng hơn mười tác phẩm ngài ghi phẩm vị là Sa-di, cụ thể như:

  1. Phật thuyết Phạm Võng kinh, Bồ-tát tam địa phẩm hợp chú (佛說梵網經菩薩心地品合註). Bộ này ngài ký tên là: Đời Minh, Sa-di Bồ-tát, nước Ngô xưa, Trí Húc chú (明菩薩沙彌古吳註).
  2. Phật thuyết Phạm võng kinh, Bồ-tát tâm địa phẩm huyền nghĩa (佛說梵網經菩薩心地品玄義). Bộ này ngài ký tên là: Đời Minh, Sa-di Bồ-tát, nước Ngô xưa, Trí Húc thuật (明菩薩沙彌古吳述).
  3. Đại Phật đảnh Như Lai mật nhân tu chứng liễu nghĩa chư Bồ-tát vạn hạnh Thủ-lăng-nghiêm kinh huyền nghĩa (大佛頂如來密因修證了義諸菩薩萬行首楞嚴經玄義). Bộ này ngài ký tên là: Đời Minh, Sa-di Bồ-tát, nước Ngô xưa, Trí Húc soạn thuật (明菩薩沙彌古吳撰述).
  4. Phật thuyết Vu-lan bồn kinh tân sớ (佛說盂蘭盆經新疏). Bộ này ngài ký tên là: Sa-di Bồ-tát, nước Ngô xưa, Trí Húc tân sớ (菩薩沙彌古吳新疏).
  5. Phật thuyết Trai kinh khoa chú (佛說齋經科註). Bộ này ngài ký tên là: Đời Minh, Cầu tịch nam[9] Trí Húc khoa chú (明求寂男科註).
  6. Tứ phần luật tạng đại tiểu trì giới kiền-độ lược thích (四分律藏大小持戒犍度略釋). Bộ này ngài ký tên là: Sa-di Bồ-tát, nước Ngô xưa, Trí Húc, Tế Minh[10] thích (菩薩沙彌古吳際明釋).
  7. Kim cang Bát-nhã Ba-la-mật kinh phá không luận (金剛般若波羅蜜經破空論). Bộ này ngài ký tên là: Triều Minh, Sa-di Bồ-tát Trí Húc, Tế Minh tạo luận (皇明菩薩沙彌際明造論).
  8. Kim cang Bát-nhã Ba-la-mật kinh quán tâm thích (金剛般若波羅蜜經觀心釋). Bộ này ngài ký tên là: Sa-di Bồ-tát Trí Húc, Tế Minh thuật (菩薩沙彌際明述).
  9. Bát-nhã Ba-la-mật đa tâm kinh thích yếu (般若波羅蜜多心經釋要). Bộ này ngài ký tên là: Đời Minh, Sa-di Bồ-tát Trí Húc thuật (明菩薩沙彌述).
  10.  Tán Địa Tạng Bồ-tát sám nguyện nghi (讚禮地藏菩薩懺願儀). Bộ này ngài ký tên là: Đời Minh, Sa-di Bồ-tát, nước Ngô xưa, Trí Húc thuật (明菩薩沙彌古吳智旭述).

Trên đây là mười tác phẩm mà ngài ký tên là Sa-di, ngoài ra còn vài tác phẩm nữa, điều đó cho thấy việc sử dụng phẩm vị Sa-di trước tên gọi Trí Húc là do chủ ý của ngài. Chủ ý đó có thể chuyên chở nhiều ý nghĩa, chỉ xét riêng về phương diện phẩm hạnh của một người xuất gia thì điều đó đã nói lên một giá trị đạo đức Phật giáo luôn được tôn vinh ở bất cứ thời kỳ nào, đó là tính khiêm hạ.

Trong bối cảnh hiện tại, do điều kiện hạn chế về nhiều mặt nên chúng tôi chưa đủ phúc duyên để tiếp cận với nhiều nguồn thư tịch liên quan đến danh xưng Sa-di của các bậc cao tăng thuở trước. Tuy nhiên, từ tư liệu của Thầy Đồng Dưỡng, ở Hoài Cổ lâu, Quảng Nam và kho tư liệu của chùa Thắng Nghiêm, Thanh Oai, Hà Nội, chúng tôi biết được rằng, có ít nhất hai bậc cao tăng như Thiền sư Minh Như[11], vị danh tăng hữu công trùng hưng chùa Ngọa Vân và Thiền sư Minh Hành, người viết Lời tựa cho tác phẩm Phật Tổ tam kinh, mặc dù mang phẩm vị là Tỳ-kheo nhưng vẫn tự khép mình dưới danh xưng Sa-di khiêm tốn. Qua đối khảo niên đại của các bậc Đại sư vừa nêu, đã cho thấy tính độc lập tương đối mà không có sự thừa tiếp lẫn nhau về cách vận dụng danh xưng Sa-di. Điều này đã khẳng định phẩm tính đạo đức của Phật giáo luôn là một vị mát ngọt, thuần nhất bởi chúng lưu xuất cùng một cội nguồn.

Trong hiện hữu của thực tại thì phạm trù Danh và Thực phải cùng đi với nhau, đúng như lời Phật dạy trong kinh Tương ưng bộ (S.7.5-I.165): Yathā nāmaṁ tathā cassa (Danh phải tương xứng người, HT.Thích Minh Châu dịch). Tuy nhiên, riêng ở lãnh vực này, trong câu chuyện này, mặc dù Danh và Thực có vẻ như chưa tương ưng, chưa trùng khớp với nhau nhưng thực chất chúng rất tương ưng theo chiều hướng của giải thoát.

 



[1] Vị này là đệ tử của Thiền sư Chuyết Chuyết (拙拙禪師:1590-1644). Theo Chuyết Chuyết Thiền sư ngữ lục (拙拙禪師語錄).

[2] 嘉興大藏經 (新文豐版) 第 36 冊 No. B348 靈峰蕅益大師宗論, 0253a13- 0254b20.

[3] 大藏經補編第 27 冊 No. 151 新續高僧傳, 卷第九, 0094a12-0095b08.

[4] Ngài am tường Nho, Thiền, Luật, Giáo (儒, 禪, 律, 教)  mà luôn tự tại, thong dong không dính mắc, nên gọi là Bát bất.

[5] 大藏經補編第 23 冊 No. 130《靈峰宗論(選錄〈蕅益大師年譜〉、〈書重刻靈峰宗論後〉,〈刻闢邪集序, 0426a28.

[6] 大藏經補編第 27 冊 No. 151 新續高僧傳, 卷第九, 釋智旭傳 ghi: 天啟二年…, 明年…又明年受比丘菩薩戒, tức ngài thọ giới Tỳ-kheo và giới Bồ-tát vào niên hiệu Thiên Khải năm thứ tư, tức là năm 1654. Tuy nhiên, theo Ngẫu Ích Đại sư niên phổ (蕅益大師年譜 vừa dẫn ở trên thì ngài thọ Tứ phần giới bổn vào năm 24 tuổi (受四分戒本).

[7] Theo tư liệu vừa dẫn. Tuy nhiên theo tác phẩm Thông sử Phật giáo Triều Tiên (朝鮮佛教通史) thì ngài Trí Húc viên tịch vào niên liệu Vĩnh Lịch năm thứ chín (九年), tức năm 1655. Từ điển Phật Quang sử dụng nguồn này.

[8] 大藏經補編第 23 冊 No. 130《靈峰宗論(選錄〈蕅益大師年譜〉、〈書重刻靈峰宗論後〉、〈刻闢邪集序, 0431b11- 0431b26.

[9] Cầu tịch nam (求寂男): Nam Sa-di. Nam hải ký quý nội pháp truyện 南海寄歸內法傳 (T.54. 2125.3. 0219b02)  giải thích: Gọi là Thất-la-mạt-ni-la (Sāmaṇera) dịch là Cầu tịch, nghĩa là mong cầu hướng về chốn Niết-bàn viên mãn. Xưa gọi Sa-di là lược bớt vì âm tiết chưa đúng, phiên làm Tức từ, ý thì chuẩn mực nhưng không có căn cứ vậy (名室羅末尼羅 (言欲求趣涅槃圓寂之處舊云沙彌者言略而音訛翻作息慈意准而無據也).

[10] Tế Minh (際明): Một trong những danh xưng của ngài Trí Húc.

[11] Theo, Thích Đồng Dưỡng, Sơ lược hành trạng Thiền sư Minh Như-Thích Vân Phong, chùa Ngọa Vân, Đông Triều, đã dẫn: Bia Tập Phúc tự lưu huệ bi/Bản xã tính danh (ký hiệu 2177/2178), Sau lạc khoản có hàng cuối ghi: “Phật đệ tử Sa-di Minh Như hạ tự” (佛弟子沙弥明如下字); và bia Chủng phúc tu huệ bi/sáng lập nghĩa điền ân ký (ký hiệu 2194/2195), lạc khoản ghi: Phật đệ tử Sa-di Minh Như Thích Vân Phong dư chuyết soạn (佛弟子沙弥明如釋雲峯予拙撰).

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
12/01/2012(Xem: 60774)
18/01/2011(Xem: 88547)
07/02/2015(Xem: 12724)
27/01/2015(Xem: 23439)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.