Thư Viện Hoa Sen

Xuân Và Lịch Sử - Alex-thái Đình Võ

16/06/20224:35 CH(Xem: 2551)
Xuân Và Lịch Sử - Alex-thái Đình Võ
XUÂN VÀ LỊCH SỬ
Alex-Thái Đình Võ, Ph.D.

xuân xưaNgày Tết nghĩ gì về lịch sử?

Gần thì nghĩ về nỗi niềm tha hương của thân phận vong quốc.

Chấn động hơn thì sự kiện Mậu Thân 1968.

Xa hơn thì các sự kiện lịch sử như vua Quang Trung tiến ra Bắc ngay trong dịp Tết để chống lại sự can thiệp của Đại Thanh.

Tết là thời khắc chuyển giao giữa cũ và mới. Thành ra Tết cũng đánh dấu sự ra đi của rất nhiều người, đặc biệt của thế hệ ông bà cha mẹ. Với mỗi một trang lịch mới thì họ lại già thêm một ngày, một tuổi, yếu hơn và trí nhớ cũng theo đó mà giảm. Rồi một ngày không xa họ cũng ra đi. Ra đi biền biệt. Từ đó, lịch sử, tức những kinh nghiệm cuộc đời họ đã trải qua, từ những năm tháng chiến tranh đến những mặn nồng chua cay trong hành trình tìm tự do hoặc những khó khăn phải đối mặt với cuộc đời tị nạn, cũng đều tiêu tan.

Với sự tiêu tan đó để lại những thế hệ xuân, trẻ đầy tiềm năng trong việc thích nghi, bươn chải và thành công trên mảnh đất đã sinh ra và nuôi nấng họ. Tuy nhiên, sự ra đi của thế hệ trước, của ông bà cha mẹ và những gì họ đã sống và chứng kiến, cuối cùng chỉ để lại một trang sử trắng. Hậu quả là những thế hệ sau phải sống trong một sự lơ lửng về lịch sử của chính họ. Họ không biết làm sao định hình chính mình. Họ không rõ mình đến từ đâu và vì sao lại hiện diện trên mảnh đất này. Họ có thể biết họ là người gốc Việt, nhưng đa số sẽ không biết cha mẹ ông bà mình tên gì hoặc những người ấy đến từ làng xã nào, và đã phải trải qua những gì để họ có được cái hiện tại mà họ đang có. Rồi với thời gian, những người trẻ ấy phải chấp nhận câu chuyện lịch sử cũng như những định nghĩa về danh tính và bản sắc của họ từ những người vốn không hiểu và không cảm thông gì với quá khứ của họ. Thật tình mà nói, đó là hiện trạng và tương lại của thế hệ con em người Mỹ gốc Việt.

Vậy, ngày Tết ta nên nghĩ gì?

Trong cương vị của một cá nhân, một người học sử và hiểu rõ tầm quan trọng của lịch sử, ngày Tết tôi nghĩ về sự mất mát của lịch sử, của kinh nghiệm, của trí ức. Thành vậy nên dịp Tết này tôi thành tâm kêu gọi mọi người quan tâm đến lịch sử và hãy kể hoặc viết lại lịch sử của mình hầu góp phần duy trì lịch sử cho thế hệ mai sau cũng như góp phần dệt nên một bức tranh lịch sử Việt Namcon người Việt Nam đa dạng và phong phú hơn những gì đang có trong sách sử.

Tầm Quan Trọng Của Lịch Sử và Việc Duy Trì Lịch Sử

Lịch sử Việt Nam, con người Việt Nam, đặc biệt lịch sử người Việt Nam tại Hoa Kỳ trong cái nhìn của người Mỹ, dù muốn hay không, chỉ đơn thuầnlịch sử chiến tranh Việt Nam. Nếu có đầy đủ hơn một tí thì nó bao hàm một ít về câu chuyện người Việt tị nạn nhưng đơn giản nó cũng chỉ là lịch sử về cuộc chiến, nhìn từ góc độ của người Mỹ.

Thật, câu chuyện lịch sử về Việt Namcon người Việt Namcâu chuyện của người Mỹ về người Mỹ dưới bối cảnh của một Việt Nam trong binh đao khói lửa, nếu không muốn nói Việt Nam trong thế chiến lược của Chiến Tranh Lạnh. Nó là câu chuyện tại sao người Mỹ đến Việt Nam, người Mỹ nghĩ gì về sự hiện diện của họ tại Việt Nam, và vì sao người Mỹ rời Việt Nam. Nó cũng là câu chuyện về sự thành công của bên thắng cuộc, về những lãnh đạo được họ cho là “tài giỏi” như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và Lê Duẩn, hoặc gương kiên trìhy sinh của người lính cộng sản. Và thiên kiến hơn, nó là câu chuyện của một đồng minh thua cuộc, với những vị lãnh đạo bất tài chuyên chế và những người lính thiếu dũng cảm, không thiện chiến nên đã góp phần đưa đến sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam.

Những câu chuyện đó được tường thuật lại trong một thời gian dài hơn nữa thế kỷ, từ thời còn chiến tranh đến bây giờ. Nó được thuật lại trên truyền thông báo chí, trên phim ảnh và trong các tác phẩm văn chương, cũng như trong sách sử và đặc biệt là bên trong những giảng đường. Khi những câu chuyện ấy được lặp đi lặp lại thì vô hình trung nó là yếu tố định hình lịch sử người Việt Nam, tức lịch sử của chính chúng ta và con em chúng ta.

Năm lớp 7, sau khi người thầy dạy Sử chiếu một tập trong bộ phim Vietnam: A Television History (1983), một cậu học sinh hỏi tôi: “Nhà mày ở bên phe nào?” Sau khi tôi trả lời “miền Nam”, cậu ấy chĩa tay vào mặt tôi, cười và nói: “À, vậy gia đình mày thua là đáng!” Năm học Đại Học ở Berkeley, trong một lớp gọi “Hoà Bình và Xung Đột”, tôi viết một bài luận phản ảnh những sự thiên lệch trong cách giảng dạy và tài liệu dùng trong lớp. Thay vì tìm hiểutrao đổi, vị giáo sư của lớp cho tôi điểm F- cùng với một trang giải thích rằng tôi được điểm ấy vì tôi không theo nguyên tắc của một bài luận và rằng tôi có những phản ảnh như vậy vì tôi chưa vứt bỏ được cái đắng cay của một kẻ thuộc bên thua cuộc.

Câu chuyện tuy nhỏ và có tính cá nhân nhưng phần nào phản ảnh thực tế một điều rất quan trọng, rằng bài học và nhận định về lịch sử chiến tranh Việt Nam và những người có liên hệ đến nó mà con cháu của chính chúng ta đã, đang, và sẽ học trong nhà trường Hoa Kỳ đa phần là như vậy. Vậy ta nghĩ gì về lịch sử, tầm quan trọng của nó, cũng như vai trò của ta trong việc duy trì và lưu giữ lịch sử?

Lịch sử, đặc biệtlịch sử cuộc chiến Việt Nam, luôn là vấn đề quan trọng vì đặc tính của nó là ở sự bất diện và bền vững. Lịch sử là nguồn gốc của hiện tại và tương lai. Thu nhỏ lại thì nó là hồi ký của từng cá nhân, là gia phả của mỗi gia đình, nhưng gom chung lại thì là gia phả của một đất nước, của loài người. Lịch sử giải thích quá khứ, định hình hiện tại, và định hướng tương lai nên việc thông hiểu lịch sử luôn là điều cần thiết. Căn bản của mỗi thể chế chính trị khi lên cầm quyền là củng cố lịch sử theo định hướng của mình; ai nắm được lịch sử sẽ nắm được cái đầu của người dân. Sự hình thành của các cường quốc trong lịch sử không phải chỉ ở sức mạnh kinh tế hoặc quân sự mà ở việc họ tạo dựng lên được một nền tảng lịch sử vững vàng, dựa trên sự thật hay được kiến tạo.

Lịch sửkiến thức về nó là điều tối quan trọng, vì như nhà hùng biện Marcus Garvey từng nói, “Một người không có kiến thức về lịch sử quá khứ của họ, nguồn gốc và văn hóa [thì cũng] giống như một cái cây không rễ.” Văn hào Hermann Hesse, Nobel Văn Chương năm 1946, nhận định về sử vật và lịch sử“Không có từ ngữ, không có văn bản và không có sách sẽ không có lịch sử, [thành sẽ] không thể có khái niệm về nhân loại.” Không phải chỉ mất gốc hay không có khái niệm về chính mình. Triết gia George Santayana còn nhấn mạnh rằng, “Những người không nhớ về quá khứ ắt sẽ lặp lại nó.” Ở đây ông gợi ý về cái hố đen của lịch sử. Cái hố do bởi bàn tay con người và của những sự tranh giành, của hận thù đưa đến những chết chóc đau thương chồng chất lên nhau.

Riêng về lịch sử chiến tranh Việt Nam, một số người nói: “Đề tài xưa như trái đất không phù hợp cho giới trẻ và thời cuộc hiện nay. Đã thua rồi thì không còn gì để nói [và nên] chỉ để cho lịch sử phán xét mà thôi.” Câu nói khi nghe thoáng qua thì thấy bình thường nhưng thể hiện một vấn đề khá nghiêm trọng trong nhận thức của nhiều người Việt Nam về lịch sử, cụ thểlịch sử cuộc chiến Việt Nam. Đó là sự thụ động dị ứng đối với lịch sử, đặc biệtlịch sử chiến tranh Việt Nam – tức quá khứ tạo nên mình.

Trước hết, lịch sử là gì, từ đâu mà có, mà ta hiển nhiên cho rằng nó có khả năng phán xét? Lịch sử tự nó làm sao phán xét? Lịch sử đâu phải là một thực thể tự nó có thể tìm tòi, so sánh, suy luậnnhận định để rồi phán xét. Đúng, đến nay cuộc chiến chấm dứt đã 44 năm và đã có không biết bao nhiêu sách vở viết về nó, nhưng sự thật cần nhìn nhận là đến nay thì chúng ta vẫn chưa biết và chưa hiểu hết về nó. Đặc biệt là những khía cạnh xã hội, kinh tế và văn hóa, hoặc từ quan điểm và cái nhìn của người thua cuộc hoặc những “người nhỏ”, những thường dân, hay những hậu quả của cuộc chiến. Và vì chưa hiểu biết một cách tường tận và trung thực nên hệ quả là những sự ngộ nhận và cáo trạng đầy phiến diện đập lên đầu chúng ta và con em chúng ta, như những gì đã xảy ra đối với cá nhân tôi ở lớp 7 và ở đại học, vốn cũng đã và sẽ tiếp tục xảy ra đối với các thế hệ con cháu nếu chúng ta không có những nổ lực hầu quân bình lại cái nhìn về lịch sử chiến tranh Việt Nam.

Một trong những lý do chính là, như Thủ Tướng Winston Churchill của Anh đã từng nói, “Lịch sử đã/và sẽ được viết bởi những người chiến thắng.” Chiến thắng ở đây có nghĩa là những người có quyền lực và khả năng [về tài chánh, thông tin và truyền thông, v.v…] để họ có thể tường thuật và định hình lịch sử sẽ và phải được nên viết như thế nào. Nếu lịch sử đã và sẽ được viết bởi những người thắng cuộc, những người có quyền hành nhằm biện minh cho cái lý của họ và riêng họ mà thôi, vậy những người thua cuộc hoặc những người ở vị thế yếu không có quyền lực thì sao? Có phải vô hình trung tiếng nói của họ đã và sẽ tiếp tục bị vùi giập qua các hình thức kiểm duyệt hay bị loại bỏ khỏi sách sử cũng như các cuộc bàn luận? Vậy lịch sử cuộc chiến trong học đường Việt Nam hoặc kể cả nhà trường ở Hoa Kỳ có thật sự đầy đủ và trung thực không? Câu trả lời chắc chắn là không thì tại sao ta phải dị ứng lịch sử, kể cả lịch sử chiến tranh, tức giai đoạn lịch sử đã đưa đẩy chúng ta đến cái hiện tại hôm nay – là người Việt vong quốc – một hiện tại luôn bị bóp méo ngay trên mảnh đất tự do dân chủchúng ta nhận là quê hương thứ hai.

Thú thật, câu chuyện lịch sử đó nó không xưa lắm đâu, đơn thuần vì nó luôn được tái tạo qua nhiều hình thứcmục đích khác nhau và vẫn còn ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Cứ vậy, mỗi một, hai năm là có một quyển sách sử về cuộc chiến, ba đến bốn năm là một tiểu thuyết, một truyện ngắn, và năm hoặc mười năm là một bộ phim. Ở Việt Nam thì nó có cái giới hạn một chiều của nó, ở Mỹ thì đa số để đáp ứng bối cảnh xã hội và cái nhìn của người Mỹ. Người Việt Nam, nhất là thân phận người miền Nam Việt Nam, đa phần bị đặt ra ngoài lề.

Điển hình rõ nét và gần đây nhất về sự bóp méo đó là bộ phim The Vietnam War của Ken Burns và Lynn Novick. Một bộ phim tốn mười năm và hơn $30 triệu đô để làm nên. Bộ phim tự xưng là công bằng, trung thực, nói lên tiếng nói của nhiều người nhiều khía cạnh với sự tham dự của gần 100 chứng nhân lịch sử. Bộ phim ấy tạo cho người xem cảm giác mới lạ nhưng trên thực tế chỉ là một màn ảo, nhai lại những định kiến của 40, 50 năm qua. Hậu quả nguy hiểm là chỉ với một bộ phim, nó đã xoá hầu hết những khám phá mới và công bằng hơn mà các sử gia đã dầy công xây dựng trong 15-20 năm qua.

Vậy, nếu lịch sử của chính chúng tachúng ta không tìm hiểu, không viết, không trân quý để duy trì thì đừng trách tại sao lịch sử người khác viết lại có những sai lệch, những định kiếnphiến diện về ta.

Hãy Kể Lại Câu Chuyện Lịch Sử Của Mình

Chiến tranh tại Việt Nam, từ giai đoạn 1945 đến 1975, đặc biệt Cuộc Chiến Đông Dương Lần II, là sự kiện lịch sử phức tạp đã được tường thuật, nghiên cứu, và phân tích theo nhiều chiều hướng và quan điểm khác nhau. Tuy nhiên, đến nay thì cuộc chiến và những hậu quả của nó vẫn chưa được hiểu tường tận và do đó vẫn là một trong những sự kiện gây nhiều tranh cãi.

Để góp phần vào việc tạo nên một bức tranh lịch sử đa dạng và phong phú hơn và để duy trì lịch sử cho những thế hệ mai sau, mọi người trong chúng ta cần phải, nếu không muốn nó là có trách nhiệm, kể lại câu chuyện lịch sử của chính mình trong bối cảnh của cuộc chiến và thời hậu chiến. Đặc biệt nhất là những thế hệ đã sống qua giai đoạn chiến tranh cũng những ảnh hưởng của nó trong thời hậu chiến, như những sử kiện sau: đánh tư sản, tù cải tạo, kinh tế mới, vượt biên, đoàn tụ gia đình, H.O., và cuộc sống tị nạn cũng như những khó khăn trong việc thích nghi và hội nhập vào một xã hội mới.

Tất cả, từ một vị tướng đến một người mẹ, một người vợ, từ một trí thức đến một nhà nông, đều có câu chuyện lịch sử đáng được lưu truyền. Người tướng kể về thời binh đao, những quyết định cũng như những khó khăn ngoài chiến trận. Người vợ kể về cuộc sống trong thời chiến và thời hậu chiến khi chồng bị tù tội thì những khổ cực phải trải qua để nuôi dạy con hoặc phụng sự ba mẹ. Nhà nông kể về sự ảnh hưởng của chiến tranh đối với cuộc sống ở nông thôn. Người khác có thể kể về kinh nghiệm vượt biển khi phải đối diện với sống chết, với hải tặc, hoặc với những đợi chờ mòn mỏi trên những trại tị nạn ở Hồng Kông, Phi Luật Tân, hay Pulau Bidong. Những anh chị em trẻ hơn có thể chia sẻ những kinh nghiệm khi phải hội nhập với một xã hội mới như trên nước Mỹ, từ việc đi học đến đi làm. Những bạn khác có thể kể về cuộc sống ở tuổi thiếu niên khi phải đối diện với băng đảng hoặc những kỳ thị từ xã hội.

Sơ qua, những câu chuyện này nghe nhỏ bé nhưng trên bình diện của lịch sử một đất nước, một cộng đồng người, tất cả đều là những câu chuyện vô giá mà hầu như không bao nhiêu sách sử về Việt Nam nói chung và cuộc chiến Việt Nam nói riêng đề cập đến. Lịch sử Việt Nam không thể nào chỉ dừng lại ở những câu chuyện về Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, Gia Long, hay Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu, hoặc những Lyndon Johnson, Richard Nixon và Henry Kissinger, mà thực chất nó phải là câu chuyện của từng cá nhân, vì tất cả đều có công tạo dựng nên đất nước và con người Việt Nam. Vì lý do chính đáng đó nên tất cả chúng ta cần nỗ lực góp nhặt và lưu giữ lịch sử để không một tiếng nói nào bị bỏ rơi ngoài lề của lịch sử. Những tiếng nói sẽ góp phần tạo nên một nền tảng lịch sử, tuy có thể phức tạp nhưng lại đa dạng và phong phú hơn.

Phương Cách Lưu Lại Lịch Sử

Để kể và lưu lại lịch sử của mình, chúng ta có thể làm theo ba phương cách sau: 1) Kể qua việc thu âm lại câu chuyện của mình (lịch sử truyền khẩu) bằng cách dùng những thiết bị ghi âm như điện thoại, máy chụp hình, máy quay phim, hoặc máy vi tính; 2) Kể qua việc viết lại câu chuyện của mình như viết hồi ký hay nhật ký; và 3) Bối cảnh hoá những tư liệu lịch sử đang có mà cảm thấy không cần nữa và tương lai có thể sẽ bỏ.

Trong ba phương cách này, phương cách thứ ba nhằm bổ sung cho hai phương cách đầu bằng nhấn mạnh tầm quan trọng của công việc lưu giữ và bối cảnh hoá tài liệu lịch sử cũng như sử vật. Có nghĩa ngoài việc kể lại câu chuyện về cuộc đời của một cá nhân trong bối cảnh của cuộc chiến cũng như những ảnh hưởng và hệ luỵ của nó thì mọi người nên thu gom lại và lưu giữ những sử vật cho thế hệ sau. Tuy nhiên, việc quan trọng hơn nữa là bối cảnh hoá những sử vật đó, vì đây là cách chúng ta có thể phục hồi lại ý nghĩa lịch sử cho sử vật ấy. Điển hình: với những sử vật như giấy ra trại, thư tù trong hoặc sau thời chiến, những hình ảnh trước năm 1975 hay ở những trại tị nạn, hoặc hồ sơ định cư Hoa Kỳ, đều là những sử vật đáng trân quý và lưu giữ. Tuy nhiên, tính cách sử vật chỉ có thể nổi bật và trở nên quan trọng nếu chúng ta có thể bối cảnh hoá nó, tức đi kèm với nó chúng ta có thể viết một vài thông tin về nó, như giấy ra trại tù được cấp năm nào, vì sao ở tù, ở đâu, và ảnh hưởng của tờ giấy đó đối với cá nhângia đình. Đó là cách chúng ta có thể bối cảnh hoá sử vật, qua việc kể một câu chuyện về nó. Từ đó chúng ta giữ lại cho con cháu hoặc có thể trao tặng cho những trung tâmchương trình lưu giữ lịch sử để họ bảo tồn nó cho những thế hệ mai sau, như chương trình: Vietnam War Oral History Project (www.vietnamwarohp.com, email: [email protected] hoặc [email protected]) hoặc tổ chức Vietnamese American Heritage Foundation (www.vietnameseamerican.org, email: [email protected]).

Với những câu chuyện lịch sử được chia sẻ và những sử vật được lưu giữ lại, tôi ước vọng nó sẽ góp phần tạo nên một văn khố mở nhằm lưu trữ sử liệu của người Việt và người Mỹ gốc Việt cho nhiều thế hệ sau. Văn khố này sẽ trở thành trung tâm tài liệunghiên cứu cho mọi giới và tầng lớp, từ những học sinh sinh viên trẻ đến các nhà nghiên cứu. Qua đó, câu chuyện lịch sử Việt Nam, con người Việt Nam cũng như người Mỹ gốc Việt sẽ trở nên đầy đủ và phong phú hơn, bổ sung cho những thiếu sót hiện nay.

Lịch Sử Không Chờ Không Đợi Một Ai

Vì trân quý lịch sửhiểu rõ tầm quan trọng của nó, tôi mong rằng những ngày Tết là dịp để tất cả hãy dành ít thời gian nghĩ về tầm quan trọng của lịch sử và từ đó hãy viết, hãy ghi âm lại những câu chuyện của mình hầu lưu truyền lại cho con cháu mai sau được cơ hội biết và hiểu hơn về mình cũng như nguồn gốc của chính các em. Những câu chuyện của từng cá nhân, dù là một vị tướng hay một phụ nữ nông dân, sẽ góp phần dựng lại bức màn lịch sử Việt Nam thêm đa dạng và đầy thú vị – từ những biến động về chính trị và quân sự đến những sinh hoạt kinh tế, xã hội, cũng như văn hóa, phong tục và cuộc sống thường ngày. Những câu chuyện muôn màu muôn vẻ ấy sẽ làm phong phúsáng tỏ thêm lịch sửđời sống con người Việt Nam, nhất là dưới thời Việt Nam Cộng Hoà (VNCH) – một mảng lịch sử gần như vắng bóng trong lịch sử hiện đại Việt Nam.

Và bởi vì lịch sử không chờ không đợi nên xin đừng hẹn. Một ví dụ điển hình nhất là vào năm 2016, ở một hội thảo về Việt Nam Cộng Hoà tại Đại Học University of California, Berkeley, tôi có duyên được gặp một chính khách và trí thức lớn của thời VNCH khi ông là một diễn giả. Tháng 10 vừa qua, cũng ở một hội thảo khác về VNCH ở Đại Học University of Oregon, Eugene, tôi lại gặp lại ông. Khi ấy tôi chưa kịp đến chào thì ông đã đến vỗ vai tôi với câu nói thân thiện“Anh Thái, anh khoẻ không?” rồi chúng tôi trò chuyện và từ đó tôi mới biết ông từ Việt Nam bay qua để dự hội thảo, dù ông không có tham dự trong một thuyết trình nào. Ở tuổi 92 nhưng trong hai ngày hội thảo, ngày nào ông cũng đến dự, lắng nghe với nhiều thích thú. Cuối hội thảo tôi và ông cùng “làm” một tấm selfie và hẹn là hè năm 2020 tôi sẽ về Saigon gặp và làm một chương trình lịch sử truyền khẩu cùng ông... Hôm thứ Ba, ngày 17 tháng 12, 2019, hai ngày sau khi tôi về đến California để ra mắt chương trình Lịch Sử Truyền Khẩu và nói về tầm quan trọng của việc duy trì và lưu giữ lịch sử như tôi ân cần chia sẻ ở trên, ba tôi báo cho tôi tin buồn rằng, “Tổng Trưởng Kinh Tế Phạm Kim Ngọc đã qua đời.”

Thưa quý vị, hôm nay ông bà cha mẹ chúng ta có thể còn sống và mạnh khoẻ đó nhưng không ai biết được ngày mai sẽ ra sao và họ sẽ còn đó để kể lại câu chuyện của họ cho mình nghe không. Hay ngày mai và những ngày sau cái duy nhất chúng ta còn là tấm hình của ba mẹ trên bàn thờ gia đình và rồi hối hận rằng sao mình chưa biết hết về ông bà cha mẹ mình.

Lịch sử không chờ đợi một ai nếu ta không tự gìn giữ nó, nhưng làm được thì đòi hỏi sự góp tay của nhiều người, bắt đầu ở từng mỗi cá nhân.

Ngày Tết, nghĩ về lịch sử và tương lai của con em mình, xin đừng đánh mất lịch sử!

Ngày 13 tháng 1, 2020
Mùa đông Ithaca, New York
Alex-Thái Đình Võ Ph.D.
 
Tạo bài viết
01/02/2011(Xem: 113411)
03/01/2015(Xem: 12359)
23/12/2014(Xem: 11507)
24/07/2018(Xem: 8154)
04/02/2012(Xem: 64953)
15/01/2016(Xem: 9227)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: