Phiếm Bàn Về Mâm Ngũ Quả Ngày Tết- Băng Sơn

17/01/201112:00 SA(Xem: 39867)
Phiếm Bàn Về Mâm Ngũ Quả Ngày Tết- Băng Sơn
tuyentapmungxuan

PHIẾM BÀN VỀ MÂM NGŨ QUẢ NGÀY TẾT
 Băng Sơn


- Tết Nguyên Đán, hầu như nhà ai cũng có một mâm ngũ quả đặt trên mâm bồng. Đó là mâm trái cây, ít nhất là phải đủ 5 thứ quả theo thuyết Ngũ hành. Nếu nhiều hơn, không hạn chế, xếp theo hình tháp. 

tuyentapxuan-136
Mâm ngũ quả ngày Tết. Ảnh: Trần Thành Công 
Mọi gia đình Việt Nam đều có bàn thờ. Đó là nơi trang trọng và thiêng liêng nhất để tưởng nhớ tổ tiên, ông bà nên thường được đặt tại gian giữa hoặc nơi cao nhất của căn nhà. Tâm điểm của bàn thờ là chiếc bát hương hoặc còn được gọi là bình hương. Ngày Tết, bàn thờ được lau chùi, sửa soạn cẩn thận. Tất cả đồ thờ từ bình hương, chân nến đài nước, lọ hoa đều được đánh bóng, đặt ngay ngắn, đúng chỗ. Nếu gia đình khá giả có hoành phi câu đối, lộ bộ thì càng phải sạch sẽ, tinh tươm, sửa sang cho ngay ngắn, không một chút bụi mờ. 
Chúng ta đều biết cây chuối là cây quen thuộc với mọi gia đình nông thôn (có lẽ chỉ đứng sau cây tre). Chuối là cây dễ tính, mọc trên bất cứ thứ đất nào, chỗ đầu thừa đuôi thẹo ở góc vườn. Từ làng ra cắm đất mở trại, việc đầu tiên là đặt một vài gốc chuối, lúc đầu lá nó héo vàng nhưng sau ít ngày, sẽ vươn lên tươi tốt làm ấm lòng người. Và ít tháng sau, có buồng chuối, nhà túng có thể đem đi chợ thêm tiền mua sắm, nhà sung túc thì để trẻ ăn chơi khỏi mua quà. Vì thế mà thứ quả đầu tiên và cơ bản là nải chuối còn nguyên màu xanh, được đặt làm giá đỡ cho mọi quả khác. 
Quả thứ hai cần có là quả bưởi cũng quen thuộc không kém gì mấy so với cây chuối. Nếu quả chuối còn nguyên màu xanh óng, màu của làng quê quen thuộc cho nhiều hi vọng, thì quả bưởi lại có màu vàng ươm như màu cánh đồng lúa chín. Cây bưởi ra hoa thơm nức mùa xuân, tháng tám quả bưởi chín, treo la liệt như những mặt trăng khắp cành bổng cành la, làm vui mắt người trồng cây. Ngày Tết nó nằm trong mâm ngủ quả chính là ước mong hoa trái đầy vườn. 
 
Nhà văn Băng Sơn trước mân Ngũ quả Tết Kỷ Sửu. Ảnh: Trần Thành Công
Bên cạnh hai thứ quả cơ bản đó còn có trái cam, tượng trưng cho sự ngon ngọt của đất mẹ nuôi sống đàn con từ bao đời. Trái quýt nhỏ xinh, điểm xuyết vào từng khe quả chuối, tô điểm thêm màu sắc. Thêm vài trái ớt sừng trâu màu đỏ tươi, nó là nét duyên dáng chấm phá cho bức tranh nhỏ xíu này, cũng như ngọn lửa le lói trên nền trời xanh chen màu vàng thẫm vàng nhạt, cho vui mắt. Ngoài ra quả táo ta, quả khế năm múi, nếu cắt ngang ta được những ngôi sao cánh to cánh nhỏ như nó sắp cất cánh bay vào nền trời mùa xuân rực rỡ
Ở thành phố có một loài quả quý là loài chỉ mọc trên miền biên giới, núi cao nhiều sương gió lạnh giá. Vài năm nay mới thấy bán nhiều ở Hà Nội. Đó là quả PHẬT THỦ. Gọi như thế để ví nó với bàn tay đức Phật, vì nó không tròn trịa như trái cam trái bưởi mà nó chìa ra nhiều ngón như nâng đỡ lấy bầu trời mùa xuân đang đến để dâng tặng con người niềm hạnh phúc được sống, được hưởng mùa xuân
Quả PHẬT THỦ không phải là thứ quả để ăn mà là một vật dâng cúng, được đặt trên mâm bồng ngũ quả thờ ông bà tiên tổ, còn nơi chùa chiền đình miếu, nó cũng là để cúng thần, với hương thơm thoảng như gần như xa, gọi hồn người đến quê hương ẩn tàng trong sâu thẳm đời người. Mâm ngũ quả có quả PHẬT THỦ thì giá trị được tăng lên nhiều lần, quý giá hơn nhiều lần. Múi nó nhỏ xíu và chua, nhưng cái vỏ nó chứa đầy tinh dầu thơm nức, sau Tết gọt lấy ngâm rượu sẽ được một thứ rượu thơm ngon, quý giá. 
Sở dĩ gọi là mâm ngũ quả vì con số 5 là con số thiêng liêng ứng với ngũ hành, quy luật đất trời tạo dựng mà chúng ta thừa hưởng di sản của tổ tiên, dân tộc để lại không biết từ bao đời. 
Mâm ngũ quả là màu sắc, hình khối, hương thơm, là sản vật quanh năm người nông dân làm ra, dâng lên tổ tiên lời biết ơn về công sinh thành tạo dựng. 
Theo khí xuân dương hoà ấm áp, ta dần di chuyển vào miền Nam đất nước, có nhiều thay đổi dù chỉ là chi tiết, chứ cơ bản tính dân tộc vẫn giống nhau vì cùng một mẹ. Trong đó, mâm ngũ quả cũng có đại đồng tiểu dị. 
Sản vật vườn quê miền Bắc có khác với miền Nam. Đồng bào miền Nam thường bày mấy loại quả như niềm mong ước, hy vọng hạnh phúc cho con người
Thường ta thấy có quả xoài (phát âm là sài), quả dừa mà miền Nam là đất của cây dừa (phát âm là vừa), quả đu đủ… có nghĩa là mong ước sang năm mới luôn luôn được sài vừa đủ. Còn thêm quả sung có ý mong luôn luôn được sung túc. Nhưng mâm ngũ quả có khác nhau quả này quả khác thì cũng đều mang ý nghĩa nhớ ơn tổ tiên, dân tộc, và đất mẹ đã sinh thành, nuôi dưỡng, bồi đắp cho muôn đời trường tồn bất diệt
Ngày Tết Nguyên Đán có rất nhiều phong tục, thú vui, trò chơi nhưng với người Việt Nam thì đầu tiên là sum họp gia đình, họ tộc mà phù hợp nhất là trước bàn thờ tổ tiên. Nên bàn thờ bao giờ cũng là nơi linh thiêng nhất. Bát hương và mâm ngũ quả qua biến thiên bao thời gian vẫn được duy trì và ngày càng phát triển hơn bao giờ hết, càng chứng tỏ dân tộc ta luôn biết giữ gìn những điều quý báu của ngàn đời xưa để lại. 
Băng Sơn
(Tuần Việt nam)
Tạo bài viết
19/01/2014(Xem: 12493)
13/12/2014(Xem: 8439)
07/02/2024(Xem: 3678)
Bản tin ngày 3 tháng 12/2014 trên báo Global New Light of Myanmar (GNLM) của Bộ Thông Tin Myanmar loan tin rằng Trung tâm Giáo dục Phật giáo Quốc tế (IBEC: International Buddhist Education Centre) đã công bố sự tham gia của IBEC vào dự án Vườn Lumbini (Lumbini Garden) tại Tây Ban Nha, nơi sẽ trở thành Công viên Phật giáo lớn nhất châu Âu. Sáng kiến quan trọng này sẽ có sự đóng góp từ nhiều quốc gia, bao gồm Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào, Sri Lanka, Trung Quốc, Hồng Kông, Nepal, Bhutan và Đài Bắc Trung Hoa (Ghi nhận của người dịch: không thấy Việt Nam). Dự án sẽ có các chương trình giáo dục Phật giáo cấp cao hỗ trợ bởi IBSC (Thái Lan), SSBU, SIBA và IBEC-Myanmar.
Bhutan, vương quốc ở vùng núi Himalaya đã mang đến cho thế giới khái niệm về hạnh phúc quốc gia, chuẩn bị xây một "thành phố chánh niệm" (mindfulness city) và đã bắt đầu gây quỹ từ hôm thứ Hai để khởi động dự án đầy tham vọng này. "Thành phố chánh niệm Gelephu" (Gelephu Mindfulness City: GMC) sẽ nằm trong một đặc khu hành chánh với các quy tắc và luật lệ riêng biệt nhằm trở thành hành lang kinh tế nối liền Nam Á với Đông Nam Á, theo lời các quan chức.
Những phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng là mảnh đất màu mỡ cho đủ loại thông tin, là nơi để một số người tha hồ bịa đặt, dựng chuyện, bé xé ra to và lan đi với tốc độ kinh khủng. Họ vùi dập lẫn nhau và giết nhau bằng ngụy ngữ, vọng ngữ, ngoa ngữ…