KHÓA TU HỌC PHẬT PHÁP BẮC MỸ:
Thế giới này dường như ngày càng bất an bởi nhiều thiên tai và nhân họa quá! Mà chẳng phải đức Phật đã từng dạy trong Kinh Pháp Hoa rằng, “Tam giới bất an do như hỏa trạch,” [ba cõi bất an như ngôi nhà lửa] đó sao! Nhiều người chỉ mong muốn được sống bình an mà cũng không thể! Hàng triệu người dân vô tội tại các nước Syria, Iraq, Afghanistan, Yemen, Ai Cập, Palestine, v.v… dù hoàn toàn không muốn vẫn bị chết oan hay thương tật cả đời do đạn lạc tên rơi nơi chiến trận, do nổ bom tự sát, do thù hận bắn giết nhau. Hàng trăm ngàn người chạy trốn giặc giã, bom đạn, khủng bố phải lâm vào cảnh không cửa không nhà mà cũng vẫn chưa yên thân, vẫn bị đuổi xuôi, đuổi ngược. Lại nạn động đất, núi lửa, sóng thần chết bất đắc kỳ tử. Người dân California há chẳng phải đã được các cơ quan địa chấn cảnh báo từ mấy năm nay rằng họ đang sống ngay trên những đường nứt của vỏ trái đất sẵn sàng cho một trận động đất lớn cỡ từ 7 đến 8 độ Richter có thể xảy ra bất cứ lúc nào ngay từ bây giờ hay sao? Rồi hạn hán trầm trọng nhiều nơi trên thế giới làm thực phẩm khan hiếm khiến hàng trăm triệu người đến miếng cơm manh áo cũng không có đủ. Chứng kiến hoặc nghe các thảm họa không lường trước được như thế, chúng ta không khỏi cảm nhận rằng cuộc sống của mình, dù đang ấm no sung túc vẫn không có gì đảm bảo cho ngày mai sẽ còn được như hôm nay. Chỉ sau một đêm thì mọi thứ đều có thể vô thường đổi khác. Nói một đêm là nói tương đối chứ vô thường thì diễn ra trong từng sát na. Có phải người viết bi quan quá chăng? Có lẽ có người cười cho rằng bộ người viết già lắm rồi sao mà giọng đầy tiêu cực thế? Có bạn bĩu môi, gì đâu mà phải nói dữ vậy, cuộc đời vốn đã khổ rồi, đừng rót thêm những lời bi ai vào nữa chứ! Hoặc cũng có người bình thản hơn cho là, thì cũng chính vì vậy nên mới phải tỉnh thức và sống an lạc trong từng sát na, từng giây phút quý giá của cuộc đời. Thực sự đó không phải là ảo tưởng hay phóng đại của người viết. Đó là hiện thực xảy ra từng ngày, từng giờ trên hành tinh này. Nhưng từ hiện trạng đó cho chúng ta nhận thức được rằng những bất an phô diễn ra bên ngoài cuộc đời mà chúng ta gánh chịu nhiều hay ít, trực tiếp hay gián tiếp đều bắt nguồn từ chính những bất an trong tâm thức của con người, của mỗi chúng ta. Hay nói theo nhà Phật, y báo không trang nghiêm là do chánh báo không trang nghiêm. Y báo là thế giới chung quanh, là môi trường sống của chúng ta. Chánh báo là thân tâm của chúng ta. Khi tâm mình chưa an thì mình sẽ cảm nhận môi trường sống xung quanh mình bất an. Khi tâm mình bất an thì mình sẽ làm môi trường sống của mình bất an theo. Cái gì là bất an trong tâm? Vô minh, phiền não, tham lam, sân hận, si mê, v.v… là những thứ bất an tiềm tàng hay biểu hiện ra trong tâm. Khi nào tâm mình còn bị ô nhiễm bởi những mầm móng bất an đó thì dù mình sống ở đâu, thời đại nào mình cũng làm cho môi trường sống ở đó bất an theo. Bất an đó một khi đã tiêm nhiễm vào cộng đồng xã hội thì tất cả chúng ta dù muốn hay không cũng phải bị ảnh hưởng theo. Vì cộng nghiệp xã hội cho nên con người thường trực bị những tâm thức bấn an khác, dù không phải của mình, làm cho bất an và đau khổ theo. Muốn thay đổi cộng nghiệp bất an này là vô vàn khó khăn. Cho nên đức Phật dạy, “Chúng sinh kiên cường khó độ,” là vậy. Bởi thế để có thể chuyển hóa cộng nghiệp bất an của nhân loại thì điều đầu tiên và khả dĩ nhất mà một cá nhân có thể làm được là tự chuyển hóa những bất an của chính mình. Chuyển hóa bất an trong tâm mình là học, nghiên cứu và hành trì theo lời Phật dạy để giảm trừ hay diệt trừ tham lam, sân hận và si mê của chính mình. Khi tâm mình bớt tham, sân, si thì mình sẽ cảm nhận môi trường sống chung quanh bớt bất an và khổ não. Tham dự những khóa tu học Phật Pháp, như Khóa Tu Học Phật Pháp Bắc Mỹ lần thứ 6 sắp tới đây, là điều rất cần thiết để trang bị cho mình kiến thức và nội lực tu tập Phật Pháp để có thể chuyển hóa bất an của chính mình. Nhưng tu Phật thì ở nhà một mình tu cũng được cần gì phải đến Khóa Tu Học Phật Pháp Thưa, có khác chứ. Dự Khóa Tu Học Phật Pháp Bắc Mỹ có khác với những khóa tu, buổi giảng tại mỗi chùa. Khác ra sao? Xin nêu ra vài điều để cùng suy nghiệm như sau. Thứ nhất, ở chùa thì chỉ có mỗi vị Thầy Trú Trì, hay vài ba vị Thầy, Sư Cô thay phiên nhau giảng, hướng dẫn. Khóa Tu Học Phật Pháp Bắc Mỹ thì có hàng chục Thầy, Sư Cô từ nhiều nơi về giảng và hướng dẫn tu tập. Đến tu học một chỗ mà có thể nghe pháp được nhiều Thầy, Sư Cô luân phiên nhau giảng Phật Pháp là cơ duyên khó gặp. Thứ hai, Khóa Tu Học Phật Pháp Bắc Mỹ có nhiều chương trình tu học, nào là tụng kinh, nghe pháp, kinh hành, niệm Phật, công phu, ngồi thiền, nào là thảo luận Phật Pháp, trao đổi sự hiểu biết và cách tu tập Phật Pháp với nhiều người gồm quý chư Tăng, Ni, quý cư sĩ. Một lần đi dự Khóa Tu Học Phật Pháp Bắc Mỹ chúng ta sẽ thu hoạch được nhiều lợi lạc kiến văn Phật Pháp, tu tập tâm linh mà không phải ở đâu cũng có được. Thứ ba là cùng tu và học với một hội chúng đông đảo lên tới khoảng năm sáu trăm vị gồm chư Tăng, Ni và Phật tử. Khi cùng tu học với một hội chúng đông đảo như thế chúng ta sẽ cảm nhận được nguồn năng lực tâm linh đặc biệt khác với khi tu học một mình hay chỗ ít người. Thí dụ, khi vào chánh điện của Khóa Tu Học Phật Pháp Bắc Mỹ mỗi tối hay mỗi sáng để ngồi thiền, lúc đầu chúng ta nhìn thấy năm sáu trăm vị cùng có mặt, sau đó, đèn tắt, vị hô chung cất lên rồi sau mấy tiếng chuông là sự im lặng một cách kỳ diệu, im lặng như chỗ không người. Lúc đó chúng ta sẽ cảm nhận được mình đang lắng sâu vào biển cả thanh tịnh của đại chúng, hay tâm mình đang thể nhập vào định lực của đại chúng. Cảm nhận được như vậy, mình sẽ thấy nội lực tu tập của mình gia tăng lên một cách không ngờ. Cuối cùng và quan trọng nhất là khi tham dự Khóa Tu Học Phật Pháp Bắc Mỹ chúng ta phải ở một chỗ trong khách sạn và không được đi ra ngoài, trừ bệnh hay duyên sự đặc biệt. Điều này rất quan trọng cho sự tu tập mà chỉ những ai tham dự mới cảm nhận được. Quan trọng ở chỗ nào? Có 2 điều lợi lạc lớn lao. 1/ Khi quyết định dự Khóa Tu Học Phật Pháp Bắc Mỹ thì chúng ta đã biết và chấp nhận việc ở lại một chỗ suốt mấy ngày của Khóa Tu, nên chúng ta cũng sắp xếp mọi chuyện cá nhân và gia đình đâu đó ổn thỏa. Nghĩa là chúng ta tự dọn dẹp sạch sẽ những ràng buộc, chi phối, phiền não của đời sống thế sự và buông xả hết để đi tu. Đó là sự chuẩn bị tâm lý rất hữu ích và cần thiết cho người tu tập. Bằng cái tâm buông xả nhẹ nhàng và trống trải như vậy để tham dự khóa tu thì ngay lúc đó chúng ta đã có lợi lạc tâm linh rồi chứ không cần đợi đến khi vào Khóa Tu. Nếu chúng ta tham dự khóa tu mà có thể ra vô, chạy tới chạy lui tự do thì chúng ta không thể chuẩn bị cho mình cái tâm lý trong sạch trống trơn như vậy được. 2/ Khi chúng ta đã vào Khóa Tu Học Phật Pháp Bắc Mỹ và biết rằng mình phải ở luôn tại đó trong suốt mấy ngày tu học thì trước nhất cái tâm của chúng ta không nghĩ đến chuyện gia đình, công việc, xã hội, hay đủ thứ linh tinh ngoài đời khác mà chỉ nghĩ đến chuyện học Phật Pháp và tu tập. Cái tâm này sẽ giúp cho chúng ta giữ được sự thanh tịnh, sự lắng đọng, sự buông xả trong suốt Khóa Tu Học. Thứ đến, khi chúng ta chỉ ở một chỗ mà không đi ra vô thì chúng ta có thể tham dự được tất cả những chương trình tu học của Khóa Tu. Hơn nữa, nhờ không đi ra vô mà chúng ta có thể tập trung tâm trí để tiếp nhận Giáo Pháp một cách trọn vẹn do chư Tăng, Ni truyền trao. Và chúng ta cũng sẽ không bị xao lãng trong những thời khóa niệm Phật, tụng kinh, ngồi thiền, thiền hành, v.v… Nói chung là có vô số điều lợi lạc. Ngoài ra, các Khóa Tu Học Phật Pháp Bắc Mỹ của những năm trước đây được chư tôn đức Tăng, Ni đạo cao đức trọng và uy tín lớn đến chứng minh, hướng dẫn và giảng dạy Phật Pháp như Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Thắng Hoan, Hòa Thượng Thích Tín Nghĩa, HT Thích Phước Thuận, HT Thích Nguyên An, HT Thích Nguyên Trí, HT Thích Thái Siêu, HT Thích Nguyên Hạnh, HT Thích Minh Tuyên, HT Thích Nguyên Siêu, HT Thích Bổn Đạt, HT Thích Minh Hồi, HT Thích Thông Hải, HT Thích Phước Tịnh, HT Thích Thiện Long, HT Thích Minh Dung, HT Thích Nhựt Huệ, TT Thích Tâm Hạnh, TT Thích Đồng Trí, TT Thích Tâm Hòa, TT Thích Nhật Trí, TT Thích Minh Hạnh, TT Thích Tâm Thiện, TT Thích Nguyên Tâm, TT Thích Nguyên Thông, TT Thích Thông Triết, TT Thích Đức Trí, TT Thích Thông Lý, TT Thích Hải Chánh, TT Thích Nhật Châu, TT Thích Nhuận Dung, TT Thích Tâm Thành, Sư Cô Thích Nữ Thiện Ngọc, chư Đại Đức Thích Tín Mãn, ĐĐ Thích Hạnh Tuệ, ĐĐ Thích Pháp Tánh, và chư Thượng Tọa, Đại Đức, Ni Sư, Sư Cô khác… Năm nay, theo nhị vị Ni Sư Trưởng Ban Tổ Chức Thích Nữ Giới Châu và Thích Nữ Nguyên Thiện, đặc biệt còn có sự tham dự giảng dạy của Ni Trưởng Thubten Chodron là vị giáo sư rất nổi tiếng tu theo truyền thống Phật Giáo Tây Tạng, là đồng tác giả với đức Đạt Lai Lạt Ma Đời Thứ 14 trong cuốn sách “Buddhism, One Teacher, Many Traditions.” Cùng tham dự với Ni Trưởng Thubten Chodron có khoảng vài chục Phật tử người Mỹ cũng đến tu học trong Khóa Tu năm nay. Bằng tất cả những chuẩn bị và thiện duyên như thế chắc chắn sau mấy ngày tham dự Khóa Tu Học Phật Pháp Bắc Mỹ mỗi người tham dự sẽ tiếp nhận được nhiều lợi lạc trên con đường tu học Phật Pháp của mình. Khóa Tu Học Phật Pháp Bắc Mỹ lần thứ 6 sẽ được tổ chức ngay tại Little Saigon, nói chính xác là tại Thành Phố Costa Mesa, Nam California, Hoa Kỳ, từ Thứ Năm, ngày 21 tháng 7 năm 2016 đến Chủ Nhật, ngày 24 tháng 7 năm 2016. Có thể liên lạc về những Chùa sau đây để ghi danh và biết thêm thông tin về Khóa Tu Học. - Chùa An Lạc: 5249 E. 30th. Street, Indianapolis, IN 46218 - (317) 545-1234; - Chùa Huyền Không: 14335 Story Road, San Jose, CA 95127 - (408) 824-5696; - Chùa Lam Viên: 1606 Roy Road, Pearland, TX 77581 - (832) 328-7825; - Chùa Quang Minh: 10660 Rosalie Dr., Northglenn, CO 80233 - (303) 350-7252; - Thiền Tịnh Đạo Tràng: 11502 Daniel Ave., Garden Grove, CA 92840 - (714) 266-4171. Hoặc vào link sau đây để lấy đơn ghi danh: http://hoavouu.com/a40797/khoa-tu-hoc-phat-phap-bac-my-lan-6 |