HỌC VIỆN PHẬT GIÁO VIỆT NAM TẠI TP. HCM
KÝ KẾT HỢP TÁC ĐÀO TẠO LIÊN THÔNG VỚI
TRƯỜNG CAO TRUNG PHẬT HỌC TỈNH BRVT VÀ TỈNH TIỀN GIANG
Trong các năm vừa qua, Ban Giáo Dục Tăng Ni Trung Ương, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN) tích cực hoạt động thông qua việc viếng thăm nhiều cơ sở giáo dục Phật Giáo từ Sơ Cấp Phật Học đến Cao Học Phật Học trong toàn quốc, làm việc với Ban Giám Hiệu của nhiều Trường khác nhau, tổ chức nhiều cuộc Hội Thảo, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm giáo dục Phật Giáo, tuyển chọn, đúc kết và thống nhất nội dung chương trình cũng như soạn Sách Giáo Khoa cho các cấp từ Sơ Cấp cho đến Cao Học và Tiến Sỹ Phật Học tại Việt Nam. Đó là tiền đề quan trọng để tiến đến việc liên thông giữa Cao Đẳng Phật Học giữa các tỉnh thành với chương trình Cử Nhân Phật Học tại 3 Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại TPHCM, Huế và Hà Nội. Đánh dấu bước ngoặc mới trong đào tạo Phật học tại Việt Nam, vào lúc 8h00 đến 10h30 sáng ngày 27-1-2018, Hội đồng điều hành Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại TP.HCM đã làm việc và ký kết hợp tác đào tạo liên thông chương trình Cao đẳng Phật học với Ban Giám Hiệu Trường Cao Trung Phật học Đại Tòng Lâm, tỉnh BRVT và Trường Cao Trung Phật học tỉnh Tiền Giang.
Đại diện HVPGVN – TPHCM có HT Thích Giác Toàn, Phó Viện Trưởng Thường Trực và các Phó viện trưởng TT. Thích Tâm Đức, TT. Thích Viên Trí, TT. Thích Nhật Từ, Tổng Thư Ký TT. Thích Quang Thạnh, Phó Thư Ký kiêm Chánh Văn Phòng ĐĐ. Thích Giác Hoàng, Phó Văn Phòng ĐĐ. Thích Lệ Ngôn. Về phía Trường Cao Trung Phật học tỉnh BRVT có Hòa thượng Thích Quảng Hiển, Ủy viên HĐTS GHPGVN, Trưởng Ban trị sự GHPG tỉnh BRVT, Hiệu trưởng Trường Cao trung Phật học Đại Tòng Lâm, Đại Đức Thích Nhuận Nghĩa , Ủy viên HĐTS GHPGVN, Phó Trưởng Ban trị sự kiêm Chánh thư ký BTS GHPG tỉnh BRVT, Phó Hiệu Trưởng, ĐĐ. Thích Nhuận Chính, Phó Hiệu Trưởng, ĐĐ Thích Đồng Trí, Phó Hiệu Trưởng, Ni Trưởng TN. Như Như, Phó Hiệu Trưởng, ĐĐ Thích Nguyên Thái, Phó Ban Trị Sự Tỉnh BRVT. Về phía Trường Cao Trung Phật học tỉnh Tiền Giang có HT. Thích Huệ Minh, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang kiêm Hiệu Trưởng và các vị Phó Hiệu Trưởng TT Thích Quảng Lộc, ĐĐ. Thích Huệ Phát, ĐĐ. Thích Đức Minh.
Trong lời chào mừng và giới thiệu lý do cuộc họp mặt, thay mặt Hòa thượng Viện trưởng HVPGVN - TPHCM, HT. Thích Giác Toàn, Phó Viện Trưởng Thường Trực hân hoan cho biết rằng chương trình đào tạo liên thông này sẽ giúp cho Tăng Ni sinh sau khi hoàn tất 2 năm Cao đẳng Phật học (tương đương chương trình 2 năm đại cương của HVPGVN) sẽ được cấp phát văn bằng Cao đẳng Phật học và sẽ được tuyển thẳng lên HVPGVN, đồng thời, chỉ học 2 năm cuối với 60-72 tín chỉ là tốt nghiệp Cử nhân Phật học HVPGVN - TPHCM.
Sau đó, ĐĐ. Thích Giác Hoàng đọc chi tiết từng điều khoản trong Bản Ký Kết Liên Thông Chương Trình Đào Tạo Cao Đẳng và Đại Học. Có nhiều cử tọa đặt câu hỏi, chia sẻ để làm sáng tỏ các điều trong Bản Ký Kết như HT Thích Quảng Hiển – trình bày về việc nội trú và tiểu chuẩn tuyển vào Cao Trung Phật Học Đại Tòng Lâm, Bà Rịa Vũng Tàu, HT Thích Huệ Minh bàn về trường hợp Tăng Ni Sinh đã có bằng Đại Học bên ngoài sẽ hưởng quy chế thế nào và sự tuân thủ triệt để chương trình 2 năm Đại Cương của HVPGVN – TPHCM, ĐĐ. Thích Đồng Trí đặt các câu hỏi về kỳ thi tuyển sinh và thi học kỳ tổ chức thế nào, tiêu chuẩn cho vị giảng viên trong chương trình Cao Đẳng liên thông và Lễ Tốt Nghiệp sẽ tổ chức ra sao? Có phải là Tăng Ni Sinh sẽ có 2 bằng Tốt Nghiệp từ HVPGVN – TPHCM và từ cơ sở giáo dục Cao Đẳng đó? ĐĐ. Thích Nhuận Nghĩa chất vấn về các ngoại lệ đối với các vị giảng viên chưa có bằng Thạc Sỹ nhưng là vị chuyên môn trong bộ môn, lĩnh vực đó,…TT Thích Nhật Từ, TT Thích Viên Trí và Chư Tôn Đức trong Hội Đồng Điều Hành HVPGVN - TPHCM luân phiên trả lời các câu hỏi, thỏa mãn thắc mắc của các cử tọa, các bên.
Cuộc thảo luận diễn ra trong không khí cởi mở và sôi nổi, cuối cùng đại diện các bên sáng tỏ và cảm thông về tất cả các điều kiện ký kết trên cơ sở : lợi ích song phương, tận dụng hạ tầng cơ sở có sẵn, nguồn tài lực Giáo Hội Phật Giáo Tỉnh nhà và Ban Giám Hiệu các Trường Cao Đẳng Phật Học huy động và bảo trợ việc tu học và giảng dạy, nơi ăn chỗ ở, đi lại của Giảng viên, huy động lực lượng giảng viên đủ tiêu chuẩn từ địa phương và các vùng phụ cận với sự tiếp ứng bổ sung cần thiết từ giảng viên các bộ môn chuyên môn đặc biệt của HVPGVN – TPHCM, chương trình đào tạo liên thông này bảo đảm sự thuận tiện nhất cho việc triển khai giáo dục Phật học cấp Cao Đẳng và Chương Trình Đại Cương Cử Nhân Phật Học thống nhất tương đương nhau, để các Học Viên cảm thấy thuận tiện nhất, học ở cơ sở giáo dục, môi trường thích hợp nhất cho bản thân mình để phát huy đến mức tối đa sự mở rộng của HVPGVN, sự cơ hữu và nguồn tài lực, nhân lực, hạ tầng cơ sở giáo dục của Trường Cao Đẳng Phật Học các tỉnh mà vẫn bảo đảm được chất lượng, chuyên môn, tính thống nhất của các cấp giáo dục, trình độ tương đương và các Học Viên tốt nghiệp Cao Đẳng Phật Học có phương hướng và thuận tiện để tiếp tục tham học và tốt nghiệp chương trình Cử Nhân Phật Học. Sau khi tốt nghiệp và nhận bằng cử nhân Phật học, các Tăng, Ni sinh sẽ trở về các Tự Viện trên địa bàn tỉnh tiếp tục phục vụ công tác Phật sự hoặc tham gia các khóa học cao hơn : Thạc Sỹ, Tiến Sỹ tại các trường Phật học trong và ngoài nước
Cuộc Họp Mặt được kết thúc tốt đẹp với sự ký kết liên thông của HT. Thích Quảng Hiển và HT Thích Huệ Minh đại diện cho Ban Giám Hiệu Trường Cao Trung Phật Học BRVT và Tiền Giang với HT Thích Giác Toàn, đại diện cho HVPGVN – TPHCM. Sau đó, hai bên tặng quà và cùng chụp hình lưu niệm.
Các Trường Cao Đẳng Phật Học được liên thông với Chương Trình Cử Nhân HVPGVN – TPHCM vừa có quyền lợi, niềm hoan hỷ và kèm theo những nỗi lo. Quyền lợi đó là : giá trị bằng cấp tốt nghiệp, sinh viên tốt nghiệp được rút ngắn thời gian học tiếp để sớm hoàn thành chương trình Cử Nhân Phật Học, sẽ được hỗ trợ những vị giảng viên chuyên môn cho các bộ môn đặc biệt mà Trường Cao Đẳng thiếu giảng viên, được tư vấn về Chương Trình, Đề Cương, Giáo Án, còn lo lắng đó là nâng cấp hạ tầng cơ sở sao cho chúng nội trú thuận tiện, nội quy sinh hoạt chặt chẽ bài bản, tuyển chọn các vị giảng viên đủ tiêu chuẩn, chất lượng, có khả năng Sư Phạm ngang tầm với các vị giảng viên tại HVPGVN, đảm bảo đủ số lượng giờ học, thi cử tổ chức nghiêm túc và bảo đảm chất lượng Tăng Ni Sinh tốt nghiệp có đủ khả năng trình độ để tiếp tục tu học, lãnh hội và hoàn tất Chương Trình Cử Nhân Phật Học với 4 Học Kỳ Sau với 60-72 tín chỉ và tốt nghiệp Cử nhân Phật học HVPGVN - TPHCM.
Đây là một bước phát triển lớn lao của Giáo Dục Phật Giáo Việt Nam với sự hình thành rõ nét và ổn định, triển khai qua các cấp : Sơ Cấp, Trung Cấp, Cao Đẳng, Đại Học, Cao Học, Tiến Sỹ Phật Học. Trải dài suốt 37 năm qua, tiếp thu những tinh túy từ Đại Học Vạn Hạnh từ khi mới thành lập cũng như tham khảo chương trình Phật Học của rất nhiều Đại Học, Cao Đẳng khác nhau trên thế giới, chương trình đào tào liên thông này tạo nên một động lực lớn cho Giáo Dục Phật Giáo Việt Nam vươn đến tầm vóc cao hơn, rộng rãi hơn, thuận tiện hơn, mở rộng hơn, đồng bộ hơn và chất lượng cao hơn, hướng đến một Học Viện Phật Giáo Quốc Tế thu hút nhiều Tăng Ni Sinh, Cư Sỹ và Phật Tử, nhà nghiên cứu đến tham học tại Việt Nam. “Đào tạo Tăng tài, kế vãng khai lai, báo Phật Tổ ân đức” đó là trách nhiệm lớn lao của GHPGVN và thế hệ tu sỹ đi trước đối với thế hệ đi sau trong sứ mệnh hoằng Pháp độ sanh, với sự vận dụng sự phát triển của ngành giáo dục hiện đại và phù hợp với bối cảnh lịch sử văn hóa Phật Giáo Việt Nam trong hiện tại và mở ra phương trời cao rộng và huy hoàng cho Phật Giáo Việt Nam trong tương lai.
Ngày 27 tháng 01 nâm 2018