GÓP Ý VỀ NHU CẦU
BẢO TỒN PHẬT GIÁO VIỆT NAM TẠI MỸ
Thị Phước Phạm Nam Sơn
Phật Giáo Viện Nam tại Mỹ đã không ngừng phát triển để duy trì những sinh hoạt tôn giáo của người Việt tại hải ngoại. Tuy nhiên gần đây sinh hoạt của các chùa Việt Nam tại Mỹ mỗi ngày phải mỗi thu hẹp lại khi những thế hệ tị nạn lần lần Mỹ hóa; cũng như hầu hết các chùa được thành lập bởi các dân định cư như Trung Hoa, Nhật, Đại Hàn đến Mỹ trước đây đều không còn tồn tại đến ngày nay ngoại trừ những ngôi chùa đã được chuyến hóa để hòa hợp với xã hội Mỹ hoặc đã được thành lập sau này.
Trong bài viết này, chúng tôi xin được góp ý về nhu cầu chuyển hóa Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ để có thể bảo tồn và phát triển hàng trăm ngôi chùa mà người Việt tị nạn đã dày công xây dựng tại quốc gia này trong hơn 40 năm qua. Chúng tôi cũng xin được trình bày những gì đã học hỏi được từ những thành công của Phật Giáo Tây Tạng và những phương thức sinh hoạt cho người trẻ không thông thạo tiếng Việt và người Mỹ tại Chùa Ngàn Phật ở North Carolina.
Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ đã không ngừng phát triển để duy trì những sinh hoạt tôn giáo của người Việt tại hải ngoại. Để đáp ứng nhu cầu tâm linh của người Việt tị nạn, trong hơn 40 năm qua, nhiều chùa đã được xây dựng ở khắp các tiểu bang trên nước Mỹ và nhiều trang mạng về Phật Pháp rất phong phú đã được thành lập. Đây là niềm tự hào rất lớn. Tuy nhiên vì thế hệ đầu tiên của người tỵ nạn Việt Nam đang nhanh chóng qua đi, nên chúng tôi thường băn khoăn tự hỏi không biết tương lai của Phật Giáo Việt Nam ở Mỹ nói riêng và ở hải ngoại nói chung rồi sẽ ra sao? Dựa vào sự thành công của Phật Giáo Tây Tạng ở Mỹ, song song với việc đáp ứng nhu cầu tâm linh của người Việt tị nạn, Phật Giáo Việt Nam ở Mỹ hiện đang có điều kiện để bảo tồn và tiếp tục phát triển bằng cách mở cánh cửa tu tập cho con em chúng ta không thông thạo tiếng Việt; và tạo cơ hội cho những người đã cho chúng ta nhận nước Mỹ là quê hương thứ hai, hưởng được lợi lạc của Phật Pháp.
Các cơ sở Phật Giáo Việt Nam đã phát triển rất nhanh ở Mỹ phần lớn nhờ vào sự tích cực đóng góp của người Việt tị nạn đã có sẵn tín tâm với Tam Bảo, và đây là một thuận duyên. Tuy nhiên, thuận duyên này theo thời gian có thể trở thành nghịch duyên nếu chúng ta không biết đầu tư cho tương lai. Thí dụ như có những ngôi chùa Việt Nam ở Mỹ mặc dù đã được xây dựng rất tốn kém và kiên cố, có thể tồn tại hàng trăm năm, nhưng mọi sinh hoạt đều nhắm vào người Việt tị nạn nên khi những thế hệ tị nạn qua đi thì những chùa này sẽ khó tồn tại được, và thuận duyên trong thời gian phát triển lúc ban đầu lại trở thành một nghịch duyên để tồn tại trong tương lai.
Khế lý và khế cơ là hai yếu tố căn bản của nền giáo dục Phật học. Khế lý là phải phù hợp với căn bản đạo Phật. Khế cơ là phải phù hợp với hoàn cảnh, tâm lý, trường hợp, và nguyện vọng của người ta đang muốn giúp đỡ. Nếu các chùa Việt Nam chỉ sinh hoạt bằng tiếng Việt và phương pháp giảng dạy không hợp với thế hệ trẻ, thì rất dễ hiểu là tại sao có rất nhiều trường hợp con cháu của người Việt tị nạn không muốn theo cha mẹ về chùa. Thí dụ như trường hợp gia đình chúng tôi. Chúng tôi có bốn đứa con, một gái, ba trai. Khi các cháu còn nhỏ, hàng tuần chúng tôi thường đẫn các cháu đi chùa để chúng huân tập thói quen đi chùa. Mặc dù chúng tôi rất muốn con cháu chúng tôi theo đạo Phật, nhưng bây giờ các con và những đứa cháu lớn của chúng tôi không chịu đi chùa vì chúng không hiểu tiếng Việt và không hợp với các sinh hoạt ở chùa. Con gái lớn của chúng tôi tuy sanh trưởng ở Mỹ nhưng hiểu và viết được tiếng Việt rất khá vì trước đây cháu có đi học lớp Việt ngữ. Tuy nhiên khả năng Việt ngữ của cháu, cũng như hầu hết các con em chúng ta thuộc thế hệ thứ 2 chứ đừng nói chi đến thế hệ thứ 3, chỉ đủ để nói chuyện trong gia đình là đã làm cha mẹ mãn nguyện lắm rồi, chứ nghe quý Thầy giảng Phật Pháp tại chùa, hay nghe các bài giảng tiếng Việt có rất nhiều trên các trang mạng, các cháu không thể hiểu hết được. Hầu hết bạn bè của chúng tôi đều lâm vào hoàn cảnh tương tự, và họ cho chúng tôi biết là ở thành phố lớn gần chỗ chúng tôi ở có rất nhiều người trẻ đã bỏ đạo Phật qua đạo khác hay trở thành người không có tín ngưỡng vì lý do này.
Nói chung thì gần đây sinh hoạt của các chùa Việt Nam tại Mỹ mỗi ngày phải mỗi thu hẹp lại khi những thế hệ tị nạn lần lần Mỹ hóa. Với tình trạng này, Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ cần phải được chuyển hoá để có thể tồn tại và tiếp tục phát triển bằng cách mở cánh cửa tu tập cho con em chúng ta không thông thạo tiếng Việt và cho người Mỹ chứ đừng bỏ qua cơ hội hôm nay vì sợ là sau này sẽ trở tay không kịp. Một trong những bài học đáng suy ngẫm là hãng Kodak vì lợi nhuận rất lớn trên toàn thế giới từ kinh doanh giấy và phim dựa trên hóa chất trong nhiều thập kỷ là một thuận duyên, nên đã bỏ qua cơ hội đầu tư vào nhiếp ảnh kỹ thuật số (Digital Camera là một công nghệ mà chính hãng Kodak đã phát minh ra) là một nghịch duyên. Hãng Kodak đã chờ quá lâu mới đầu tư vào nhiếp ảnh kỹ thuật số, và thất bại chiến lược này là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự phá sản của hãng Kodak khi nhiếp ảnh kỹ thuật số phá hủy mô hình kinh doanh dựa trên phim của hãng. Cũng như vậy, nếu chúng ta không tích cực chuyển hóa thay đổi phương thức hoằng Pháp để đáp ứng nhu cầu tâm linh của con cháu chúng ta và người Mỹ ngay bây giờ, thì những thế hệ tương lai của người Việt ở Mỹ sẽ không thừa hưởng được nền giáo dục Phật Pháp và những ngôi chùa mà người Việt tị nạn đã dày công xây dựng tại quốc gia này trong hơn 40 năm qua.
Chúng ta hãy học hỏi từ Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh và Hòa Thượng Thích Thiên Ân là những vị Thầy tiên phong và rất thành công trong trong việc giảng dạy Phật Pháp cho người Mỹ. Hiện nay một số chùa ở Mỹ đang có những thời khóa giảng dạy và những sinh hoạt bằng Anh Ngữ, và một số trang mạng Phật pháp có thêm phần Anh Ngữ. Điều này thật đáng quý và đáng trân trọng.
Chúng tôi có thiện duyên được học hỏi từ nhiều Thầy Tây Tạng và nhất là từ Lama Zopa Rinpoche là một trong những vị Thầy tiên phong trong quá trình chuyển hóa Phật Giáo Tây Tạng. Phần dưới của bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý Phật tử để dùng làm tài liệu tham khảo về những yếu tố đưa đến sự thành công của tổ chức Phật Giáo Tây Tạng FPMT (https://fpmt,org), và sự góp sức chuyển hóa Phật Giáo Tây Tạng của Lama Yeshe và Lama Zopa. Tổ chức FPMT (Foundation for the Preservation of the Mahayana Tradition, tạm dịch là Tổ Chức Bảo Tồn Truyền Thống Đại Thừa) là một thành công của phái Gelugpa trong việc hoằng dương Phật Pháp trên thế giới nói chung và tại Mỹ nói riêng.
Trong tài liệu tham khảo này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu tại sao hai Thầy tị nạn Tây Tạng không có khả năng tài chánh, nhưng nhờ vào sự góp sức của các Phật tử tại gia mà có thể thành lập được tổ chức FPMT có tầm vóc quốc tế mà hiện nay có tới 164 ngôi chùa (Trung Tâm Tu Học Phật Pháp) ở 40 quốc gia trên thế giới. Cũng như những năm trước, năm 2017 các Phật tử trên khắp thế giới đã cúng dường gần 6 triệu dollars cho Tổng Hành Dinh của tổ chức này để lo cho các chương trình từ thiện, giúp đỡ chư Tăng Ni, dịch kinh, đúc tượng, v.v.
Với tâm nguyện tạo điều kiện tu tập cho con em chúng ta không thông thạo tiếng Việt và cho người Mỹ, tháng 8 năm 2016, chúng tôi đã giúp quý Thầy thành lập Chùa Ngàn Phật ở Greensboro, North Carolina (https://www.chuanganphat.org/language/vi/). Đến tháng 10 năm 2016, Chùa Ngàn Phật được chính phủ Mỹ chính thức chấp nhận là một tổ chức bất vụ lợi (nonprofit organization).
Chùa đang xúc tiến xây một chánh điện rộng đủ để thờ 1,000 tôn tượng đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật cho chư Tăng Ni, Phật tử và mọi loài chúng sanh có nhân duyên với Phật Pháp được chiêm ngưỡng, đảnh lễ, cúng dường. Trong 13 năm qua, nhiều Phật tử ở North Carolina và các tiểu bang khác đã đến Raleigh để chính tay đúc một ngàn tượng Phật này để cầu nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc, và là món quà của người Việt tị nạn, tượng trưng cho những vị Phật tương lai, gởi đến cho thế hệ trẻ ở Mỹ.
Ngoài những sinh hoạt cho người Việt như những chùa Viêt Nam khác trong vùng, Chùa Ngàn Phật đang áp dụng những phương thức sinh hoạt nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh cho người trẻ không thông thạo tiếng Việt, và mở cánh cửa tu tập để người địa phương đến với chúng ta trong khi vẫn gìn giữ được những truyền thống tốt đẹp của Phật Giáo Việt Nam. Hàng tuần tại Chùa Ngàn Phật có ba ngày tu học, Chủ Nhật, Thứ Hai và Thứ Ba bằng tiếng Việt và bằng Anh Ngữ.
Giới trẻ và người Mỹ đến Chùa Ngàn Phật vì nhiều lý do. Nhiều người đến chùa để tìm hiểu những sinh hoạt Phật Giáo, có người đến chùa để đúc tượng Phật, các sinh viên đến phỏng vấn về đạo Phật để làm bài tập trong lớp; các bệnh viện nhờ nói chuyện, an ủi những bệnh nhân sắp qua đời, các tổ chức tôn giáo bạn mời chùa thuyết trình về đạo Phật, v.v. Về phần tu học thì có những bậc phụ huynh đưa con em không thông thạo tiếng Việt đến chùa học hỏi Phật Pháp bằng Anh ngữ. Người Mỹ cũng thường đến chùa để học hỏi giáo lý, thực hành thiền tập; tụng kinh vào những khóa lễ buổi trưa, và có người siêng năng đến chùa từ 6 giờ sáng để tham dự Thời Công Phu Khuya, v.v.
Sau 13 năm học hỏi về những thành công của tổ chức Phật Giáo Tây Tạng FPMT và hơn hai năm trải nghiệm những phương thức sinh hoạt cho người trẻ không thông thạo tiếng Việt và người Mỹ tại Chùa Ngàn Phật, chúng tôi xin được góp ý về nhu cầu chuyển hóa Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ như sau:
• Mặc dù chúng ta hiện có rất nhiều Tăng Ni, Phật tử và mấy trăm ngôi chùa trên khắp nước Mỹ, nhưng hầu hết các chùa đều sinh hoạt độc lập vì vậy, theo chúng tôi nghĩ, chúng ta không có hoàn cảnh và điều kiện để thành lập một hệ thống giáo dục Phật Pháp có tầm vóc quốc tế như Lama Yeshe và Lama Zopa đã làm. Điều mà Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ có thể làm được ngay bây giờ là từng ngôi chùa của người Việt ở từng địa phương, ngoài những sinh hoạt bằng tiếng Việt, chúng ta có thể chuyển hóa để phát triển Phật Pháp bằng Anh Ngữ được. Thí dụ như trong phạm vi thương mại, người Việt tị nạn của chúng ta ở khắp các tiểu bang trên nước Mỹ, từng cá nhân và từng gia đình, đã rất thành công trong việc hòa nhập các tiệm ăn dù lớn hay nhỏ và các món ăn thuần tuý Việt Nam vào xã hội Mỹ. Kết quả là người Mỹ hiện nay rất thích các món ăn Việt Nam như phở, bánh mì, chả giò, v.v. Nhân viên ở các tiệm ăn Việt Nam đều nói tiếng Mỹ với thực khách người Mỹ, và các thức ăn đều được biến chế hợp với khẩu vị người địa phương. Có những tiệm ăn Việt Nam phát triển phần lớn nhờ vào người Mỹ (https://www.latimes.com/socal/daily-pilot/news/tn-wknd-et-little-saigon-201711-story.html).
• Ngoài việc đáp ứng nhu cầu tâm linh cho người Việt tị nạn, các chùa Việt Nam ở Mỹ nói chung không có đủ nhân sự để tổ chức các chương trình tu học cho con em chúng ta không thông thạo tiếng Việt và cho người Mỹ. Vì lý do này, Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ cần phải có sự góp sức của hàng Phật Tử tại gia để bảo tồn và phát triển. Chúng ta hiện có rất nhiều Phật tử tại gia có căn bản Phật Pháp và khả năng Anh Ngữ, cũng như hiểu biết về phong tục, tập quán của đời sống xã hội Mỹ. Ngoài ra chúng ta còn có cả một thế hệ người Việt lớn lên, trưởng thành, và đang đóng góp vào các nghành nghề ở nhiều lĩnh vực trong xã hội Mỹ. Có nhiều em lớn lên trong những gia đình Phật Giáo. Có nhiều em ngày xưa đã từng sinh hoạt trong Gia Đình Phật Tử, đã từng tham gia và gắn bó với các chùa trong thời thơ ấu. Nói chung đây là thế hệ có gốc rễ tâm linh truyền thống lâu đời mà từ tổ tiên ông bà cha mẹ của họ đã để lại nhưng vì các em không còn thích hợp với những nghi lễ và các chương trình tu học cho người lớn tuổi, nên không còn về chùa hay thiết tha đến việc tu học. Nếu Lama Yeshe và Lama Zopa Rinpoche đã nhờ vào những Phật tử tại gia để thành lập được tổ chức FPMT, thì thế hệ người Việt lớn lên và trưởng thành ở Mỹ là niềm hy vọng để Phật Giáo Việt Nam có thể tiếp tục phát triển trong khi vẫn gìn giữ được những truyền thống tốt đẹp của Phật Giáo Việt Nam.
• Những Phật tử tại gia có căn bản Phật Pháp và khả năng Anh Ngữ và thế hệ trẻ người Việt lớn lên, trưởng thành ở Mỹ có thể được đào tạo để trở thành những thông dịch viên và giảng viên cho người Mỹ. Ngoài ra chúng ta cũng có thể nhờ sự góp sức của các Phật tử người Mỹ hiểu biết về Phật Pháp. Tổ chức FPMT đã có thể phát triến nhanh chóng mà không hề bị giới hạn về nhân sự trong hơn 40 năm vừa qua đều nhờ nơi hàng Phật tử tại gia. Hiện nay mặc dù có 164 chùa (Trung Tâm Tu Học), nhưng tổ chức FPMT chỉ có 57 Thầy Thường Trú. Nghĩa là có rất nhiều Trung Tâm Tu Học của FPMT trên thế giới không có Thầy Thường Trú vì vậy tất cả việc giảng dạy Phật Pháp, tổ chức tu học, và điều hành ở những trung tâm này đều do các Phật tử tại gia đảm nhận. Tại các Trung Tâm Tu Học có Thầy Thường Trú như ở Raleigh, Thầy Thường Trú chỉ dạy giáo lý khoảng 4 giờ một tuần còn tất cả các sinh hoạt tu học trong tuần đều do Phật tử tại gia đảm nhận. Những Phật tử tại gia có khả năng tiếp xúc và nói chuyện trước công chúng có thể được đào tạo để thuyết giảng Phật Pháp. Trong tổ chức FPMT, một người Phật tử tại gia, chưa biết nhiều về đạo Phật, có thể được huấn luyện trong hai năm để trở thành một giảng viên cho các lớp học Phật Pháp trình độ thấp. Ngoài ra khi người Phật tử tại gia được dạy giáo lý tại các Trung Tâm Tu Học, họ thường cố gắng học hỏi, sửa đổi thân tâm, sống một đời sống đạo đức để làm gương cho những Phật tử khác. Phật tử Mỹ đến chùa mục đích chính thường là để tu học vì vậy họ rất coi trọng các giảng viên Phật tử tại gia.
• Nếu từng ngôi chùa của người Việt ở từng địa phương có thể chuyển hóa để phát triển Phật Pháp bằng Anh Ngữ được, thì sinh hoạt Gia Đình Phật Tử cũng có thể chuyển hóa để góp sức với chư Tăng Ni mở cánh cửa tu học cho giới trẻ và người Mỹ trong khi vẫn gìn giữ được những truyền thống tốt đẹp của Phật Giáo Việt Nam.
• Quá trình chuyến hóa phải đặt trọng tâm vào việc phát triển Phật Pháp bằng Anh Ngữ và thay đổi phương pháp giáo dục. Những phương pháp giáo dục của Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ thường chú trọng về giáo lý cho người Việt tị nạn có sẵn tín tâm. Đây cũng là một trong những lý do mà thế hệ trẻ người Việt chưa có tín tâm nơi Tam Bảo không thích hợp với những nghi lễ và các chương trình tu học tại các chùa. Với thế hệ trẻ và người Mỹ chưa có niềm tin nơi Tam Bảo thì ngoài những bài giảng về giáo lý, chúng ta phải tạo phương tiện cho họ thấy được sự lợi ích của Phật Pháp qua những pháp hành. Phật Pháp đặt trọng tâm dùng từ bi và trí tuệ để chuyển hóa tâm nên rất hợp với người Mỹ và thế hệ trẻ người Việt sanh ra và lớn lên tại Mỹ. Khi giới trẻ và người Mỹ thấy được sự lợi lạc của Phật Pháp, họ sẽ tự học hỏi thêm về giáo lý rất nhanh từ sách vở và trên các trang mạng. Cũng trong lãnh vực giáo dục, chúng ta cần phải có câu trả lời dựa trên căn bản từ bi và trí tuệ của đạo Phật cho những thắc mắc về sinh hoạt ở chùa như tại sao chúng ta phải phải lậy Phật, ngồi thiền, tụng kinh, trì chú; để cốt, thờ vong ở chùa, v.v. Chúng ta phải cẩn trọng vì cùng một câu trả lời cho những người Việt sẵn có niềm tin nơi Tam Bảo có thể làm cho một người Mỹ chưa có tín tâm sinh ra nghi ngờ. Nếu trong chùa mà mỗi người chúng ta lại trả lời khác nhau và đôi khi mâu thuẫn với nhau về những câu hỏi này của giới trẻ và người Mỹ thì họ có thể nghĩ là chúng ta thiếu hiểu biết giáo lý hay mê tín và như vậy thì họ sẽ không đến chùa nữa. Điều chúng tôi muốn chia sẻ nơi đây là trước khi chúng ta có thể chuyển hóa nền giáo dục Phật Pháp thì chúng ta phải chuyển hóa chính bản thân mình trên căn bản từ bi và trí tuệ. Chúng ta phải tích cực học hỏi, tư duy để có thể giảng dạy theo đúng trình độ, và dùng những câu trả lời như một cơ hội hay phương tiện để tạo niềm tin nơi Tam Bảo cho giới trẻ và người Mỹ. Vì hầu hết các chùa đều sinh hoạt độc lập nên các đạo tràng phải chia sẻ những bài vở mà chúng ta đã phải bỏ rất nhiều công phu nghiên cứu và những kinh nghiệm trong quá trình chuyển hóa. Trong tương lai chúng ta nên có những lớp đào tạo giảng viên, và những buổi hội thảo để chia sẻ kinh nghiệm cũng như sửa đổi đường lối hoằng Pháp cho hoàn chỉnh hơn. Để cắt giảm chi phí, chúng ta có thể dùng trực tuyến hoặc internet cho những hoạt động này.
• Giới trẻ và người Mỹ đi chùa để tìm hiểu thì nhiều, nhưng họ chỉ đến với đạo Phật nếu họ thấy được sự lợi lạc của Phật Pháp. Vì vậy nên Lama Yeshe và Lama Zopa đã bắt đầu dạy thiền tập (meditation course) cho các khách du lịch đến Nepal từ năm 1965 như một phương tiện để đưa họ vào đạo. Cho đến bây giờ, sau hơn 50 năm, lớp học Thiền Phật Giáo 101 (Buddhist Meditation 101) vẫn là lớp học đầu tiên rất quan trọng của tổ chức FPMT mặc dù lớp học này rất ngắn chỉ có từ 5 tới 10 buổi học. Điều chúng tôi muốn chia sẻ nơi đây là nếu chúng ta muốn mở cánh cửa tu tập cho con em chúng ta không thông thạo tiếng Việt và cho người Mỹ thì khởi đầu chúng ta nên có một lớp học căn bản dành cho những người chưa biết nhiều về giáo lý và chưa có niềm tin nơi Tam Bảo, hay một phương pháp nào đó, để làm phương tiện cho họ thấy được sự lợi ích thiết thực của Phật Pháp. Chúng ta có thể quảng cáo lớp học này trên internet, trong báo chí hay tại các trường đại học trong vùng. Nếu có điều kiện, chúng ta nên tổ chức lớp học này mỗi năm vài lần vào những thời gian nhất định. Sau một thời gian, qua các bài giảng và các khóa tu học, chúng ta có thể đào tạo được một số Phật tử thế hệ trẻ và người Mỹ có thể giúp chúng ta trong việc hoằng Pháp tại địa phương. Theo chúng tôi nghĩ thì dù là chùa Tịnh Độ chúng ta cũng có thể tổ chức các lớp về căn bản thiền tập được. Thí dụ như tổ chức Phật Giáo Tây Tạng FPMT có lớp học Thiền Phật giáo 101 mặc dù thiền không phải là một pháp môn chính trong Phật Giáo Tây Tạng. Tuy có rất nhiều Thầy Tây Tạng ngồi thiền im lặng trong phòng riêng của họ và các vị Lama thường viên tịch trong thiền định, nhưng tại những tu viện Tây Tạng như Tu Viện Sera ở Ấn Độ không có những buổi ngồi thiền chung của các Thầy với nhau. Thay vào đó, Phật Giáo Tây Tạng rất chú trọng vào thiền định phân tích (analytical meditation). Có rất nhiều vị Lama và các Thầy ngộ đạo trong khi họ đang tranh luận hay nghiên cứu. Nói chung thì các lớp thiền tập (meditation course) chỉ là một phương tiện của Phật Giáo Tây Tạng để đưa người Tây phương vào đạo.
• Trong quá trình chuyến hóa về pháp hành thì các chùa phải bỏ bớt những nghi lễ rườm rà, những tập tục không cần thiết. Điều chúng ta phải luôn cẩn trọng là các chùa chỉ nên có những nghi lễ mà chúng ta có thể dùng kinh điển hay những lời dạy của chư Phật để giảng nghĩa cho giới trẻ và người Mỹ về sự lợi lạc của những nghi lễ này. Phật giáo Tây Tạng rất thành công ở Mỹ là vì họ có thể giảng nghĩa dựa theo kinh điển về sự lợi lạc của những nghi lễ mặc dù rất phức tạp và đôi khi có vẻ huyền bí của họ.
• Trong thời gian đầu của quá trình chuyển hóa thay đổi phương thức hoằng Pháp, các chùa cần phải có khả năng tài chánh để tài trợ cho những chương trình giáo dục Phật Pháp và tu tập cho giới trẻ và người Mỹ. Nói chung thì sự đóng góp cúng dường của giới trẻ và người Mỹ không được như những người Việt lớn tuổi có tín tâm với Tam Bảo. Vì tương lai của Phật giáo Việt Nam tại Mỹ, để góp phần giải quyết vấn đề này, Phật tử chúng ta hãy ưu tiên giúp đỡ và phổ biến những chương trình giáo dục Phật Pháp và tu tập cho giới trẻ và người Mỹ.
• Còn một khó khăn mà các chùa ở Mỹ cần phải vượt qua đó là sự khác biệt giữa Phật tử người Việt tị nạn và giới trẻ cùng người Mỹ đến chùa. Những Phật tử người Việt tị nạn thường có sẵn tín tâm và đã quy y Tam Bảo nên hay đi chùa, lễ Phật và từ đó trở thành một thói quen tốt. Nhờ thường xuyên đi chùa, lễ Phật, những Phật tử này có nhiều cơ hội nghe giảng về Phật Pháp nhưng thường ít thắc mắc, tư duy, thảo luận, và không chú trọng lắm vào các pháp hành để chuyển hóa tâm. Ngoài ra đối với người Việt tị nạn xa quê hương, ngôi chùa còn là linh hồn của dân tộc, nơi bạn bè họp mặt, và là nơi nuôi dưỡng tâm linh. Trong khi đó Người Mỹ và giới trẻ Việt Nam, nếu có nhân duyên với Phật Pháp, thường đến chùa với mục đích học hỏi Phật Pháp để có được những lợi ích thiết thực hay giải quyết những khó khăn trong cuộc sống. Những Phật tử này thường đọc sách nghiên cứu trước ở nhà nên có nhiều câu hỏi về pháp học và pháp hành vì vậy quý Thầy và các giảng sư của tổ chức FPMT phải luôn trau dồi Phật Pháp và phương thức giảng dạy để đáp ứng nhu cầu học hỏi của họ. Ngoài ra còn rất nhiều sự khác biệt về tập quán xã hội giữa Phật tử người Việt tị nạn và giới trẻ cùng người Mỹ. Vì những sự khác biệt rất lớn này mà việc đáp ứng nhu cầu tâm linh cho người Việt tị nạn và cho con em chúng ta không thông thạo tiếng Việt và cho người Mỹ trong cùng một ngôi chùa là một việc rất khó thực hiện. Trong thời gian đầu chùa nên có những thời khóa riêng trong tuần cho giới trẻ và người Mỹ như một vài giờ hay trọn một ngày trong tuần. Vì tương lai của Phật Pháp tại Mỹ, người Phật tử lớn tuổi chúng ta nên cởi mở, khoan dung, hòa đồng, và giúp đỡ giới trẻ và người Mỹ đến chùa. Việc làm này cũng tương tự như trong một gia đình nếu chúng ta không cởi mở, khoan dung và hòa đồng với con cháu của chúng ta thì chúng sẽ bỏ chúng ta mà đi. Phật tử chúng ta phải làm thế nào để giúp đỡ các chùa vừa duy trì được những chương trình sinh hoạt, chuyên tu cho lớp Phật tử đứng tuổi thuần thành, nhiều tín tâm lại vừa tạo được điều kiện thuận lợi để thế hệ trẻ đến với chúng ta để tu học và đóng góp vào sự nghiệp hoằng truyền Chánh Pháp tại Mỹ trong tương lai.
• Một trong những yếu tố thành công của tổ chức FPMT là Lama Yeshe và Lama Zopa đã khéo léo rút tỉa những tinh hoa của một hệ thống sinh hoạt tu viện Tây Tạng đã có từ hàng ngàn năm để thành lập cơ cấu điều hành của tổ chức FPMT như một cơ sở hiện đại của người Tây Phương. Như chúng tôi đã trình bày ở phần trên là chúng ta không có hoàn cảnh và điều kiện để thành lập một hệ thống giáo dục Phật Pháp có tầm vóc quốc tế như Lama Yeshe và Lama Zopa, nhưng từng ngôi chùa của người Việt ở từng địa phương có thể học hỏi được từ tổ chức FPMT để thành lập một cơ cấu điều hành nhỏ để có thể thu hút sự góp sức của giới trẻ và người Mỹ.
Chư Tăng Ni Việt Nam ở Mỹ nói riêng và ở hải ngoại nói chung từ ngày rời bỏ quê hương trong hơn 40 năm qua, khởi đầu với một số nhân sự rất ít, cho đến ngày nay đã đáp ứng được nhu cầu tâm linh của hàng triệu người Việt tị nạn ở khắp nơi trên thế giới. Có nhiều Thầy không quản ngại sức khỏe đã đi giảng dạy và làm Phật sự hàng tuần, có khi mấy ngày một tuần, từ thành phố này đến thành phố khác để góp phần xây dựng các ngôi chùa và và duy trì được sinh hoạt tôn giáo; làm chỗ tựa tinh thần cho cộng đồng Phật tử Việt Nam. Đây là một di sản Phật Giáo rất lớn mà tất cả những người con Phật phải có bổn phận góp sức bảo tồn.
Trong tương lai nhu cầu đáp ứng tâm linh cho người Việt tị nạn sẽ không còn khi những thế hệ tị nạn lần lần Mỹ hóa. Có thể các chùa Việt Nam ở Mỹ cũng còn khoảng 10 đến 20 năm nữa để thay đổi phương thức hoằng Pháp để có thể tiếp tục phát triển, với điều kiện chúng ta phải tích cực bắt đầu quá trình chuyển hóa ngay từ bây giờ. Trong thời gian gần đây, các chùa ở Mỹ khá bận rộn lo việc tang lễ và cúng thất cho những người trong thế hệ đầu tiên của người Việt tị nạn. Trong khoảng 10 năm tới đây thì số người đi chùa và đắc lực hộ trì Tam Bảo của thế hệ tị nạn đầu tiên sẽ ít đi nhiều và hầu hết đều trên 70 tuổi. Đến lúc này, các chùa sẽ thấy sự khó khăn để tồn tại nếu chúng ta không thay đổi đường lối và phương thức hoằng Pháp ngay từ bây giờ. Đến khoảng 20 năm tới đây thì số Phật tử đắc lực hộ trì Tam Bảo sẽ không còn bao nhiêu người và hầu hết đều trên 80 tuổi vì vậy có thể những chùa ở vùng ít người Việt sẽ phải ngưng hoạt động trước, và theo thời gian hầu hết các chùa đều phải ngưng hoạt động cho người Việt tị nạn, hoặc được chuyến hóa để hòa hợp với xã hội Mỹ, hay trở thành những thắng cảnh du lịch.
Một số Phật tử có thể nghĩ là công trình chuyển hóa Phật Pháp để đáp ứng nhu cầu tâm linh cho con em chúng ta không phải là nhiệm vụ của người Phật tử tại gia hoặc đây là một việc quá lớn không thể thực hiện được. Thật ra nếu không nhờ vào sự góp sức của Phật tử tại gia thì làm sao người Việt chúng ta có thể xây dựng được mấy trăm ngôi chùa ở Mỹ. Nếu không nhờ Phật tử tại gia thì làm sao Lama Yeshe và Lama Zopa có thể thành lập được một tổ chức Phật Giáo có tầm vóc quốc tế mà hiện nay có tới 164 Trung Tâm Tu Học Phật Pháp ở 40 quốc gia trên thế giới.
Phần trên của bài viết này chúng tôi có đưa ra bài học đáng suy ngẫm về hãng Kodak vì lợi nhuận rất lớn trên toàn thế giới từ kinh doanh giấy và phim dựa trên hóa chất trong nhiều thập kỷ là một thuận duyên, nên đã bỏ qua cơ hội đầu tư vào nhiếp ảnh kỹ thuật số. Phật Giáo Việt Nam ở Mỹ nói riêng và ở hải ngoại nói chung đang ở vào hoàn cảnh tương tự. Mặc dù công trình chuyển hóa để thành lập một nền giáo dục Phật Pháp cho giới trẻ không thông thạo tiếng Việt và cho người Mỹ, và việc đầu tư cho chương trình này, rất khó thực hiện, nhưng nếu chúng ta thụ động bỏ qua cơ hội ngày hôm nay thì sẽ đưa đến kết quả tương tự như hầu hết các chùa và những cơ sở Phật Giáo được thành lập bởi các dân định cư như Trung Hoa, Nhật, Đại Hàn đến Mỹ trước đây đều không còn tồn tại đến ngày nay ngoại trừ những ngôi chùa đã được chuyến hóa để hòa hợp với xã hội Mỹ hoặc đã được thành lập sau này.
Lịch sử cho chúng ta thấy là ngày xưa có nhiều vị Tăng đã hy sinh tính mạng để truyền bá đạo Phật đến các quốc gia khác, và cũng nhờ vậy mà ngày hôm nay chúng ta mới hưởng được lợi ích của Phật Pháp. Chúng ta hiện có rất nhiều Tăng Ni, Phật tử, và cả một thế hệ trẻ có gốc rễ tâm linh, cùng mấy trăm ngôi chùa ở khắp nơi trên nước Mỹ thì việc thay đổi cách thức truyền đạt Giáo Pháp để hòa hợp với thế hệ trẻ và người địa phương không phải là một việc làm ngoài tầm tay.
Tạo cơ hội cho thế hệ tương lai hưởng được lợi ích của Phật Pháp còn quan trọng hơn là nhà cửa, tiền bạc chúng ta để lại cho chúng rất nhiều. Theo lời Phật dạy về Tùy Hỷ Công Đức trong Kinh Pháp Hoa thì nếu vì hoàn cảnh chúng ta không thể giúp đỡ những chương trình giáo dục Phật Pháp bằng Anh Ngữ được, thì chúng ta nên tùy hỷ (Tùy hỷ tức là vui theo, không có lòng trái nghịch, không có ý ganh ghét, chê bai) và phổ biến những Phật sự này trong khả năng của mình thì công đức cũng rất là thù thắng. Nếu có người chỉ trích hoặc tìm cách cản trở người khác giúp đỡ những chương trình giáo dục Phật Pháp bằng Anh Ngữ, hay khuyên người khác đừng đến sinh hoạt ở những ngôi chùa đang thực hiện chương trình này, thì người đó phải thành tâm sám hối tội nghiệp tiếp tay đưa Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ đến chỗ diệt vong.
Có rất nhiều bài giảng về công đức xây chùa, nhưng trong hoàn cảnh của Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ hiện nay thì công đức bảo tồn và phát triển hàng trăm ngôi chùa của người Việt ở Mỹ thật không thể nghĩ bàn.
Việc hoằng Pháp bằng tiếng Mỹ và thay đổi cách thức truyền đạt Giáo pháp để hòa hợp với hoàn cảnh xã hội và trình độ học vấn của thế hệ trẻ cần phải có sự thông cảm và hợp tác của mọi người con Phật vì “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Chúng tôi hy vọng hàng Phật tử chúng ta sẽ tích cực giúp đỡ, ủng hộ, và phổ biến những chương trình giáo dục Phật Pháp bằng Anh Ngữ để Phật Giáo Việt Nam được bảo tồn và tiếp tục phát triển trên nước Mỹ trong tương lai. Mặc dù biết rằng thành quả của việc làm này còn tùy thuộc vào cộng nghiệp của chư Tăng Ni, Phật tử và người dân địa phương, nhưng sự thành tâm, thành ý và những việc làm tích cực để giúp cho Phật Pháp được hưng thịnh lâu dài sẽ giúp chúng ta tạo nhiều công đức, cũng như thường hưởng một đời sống an vui, hạnh phúc, và luôn gặp thuận duyên trên đường tu học và hộ trì Tam Bảo.
Chúng tôi không có khiếu viết văn và lại càng không có khả năng giải thích, khai trí và thuyết phục, nên những gì viết ra đây chỉ để nói lên những ưu tư và kỳ vọng về tương lai Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ, và là tài liệu để chúng ta có thể tham khảo hầu thay đổi cách thức truyền đạt Phật Pháp để hòa nhập với hoàn cảnh xã hội và trình độ học vấn của thế hệ trẻ trong khi vẫn gìn giữ được những truyền thống tốt đẹp của Phật Giáo Việt Nam.
Chúng con, chúng tôi xin cảm tạ quý Thầy, quý Sư Cô và quý Phật tử đã duyệt bản thảo và góp nhiều ý kiến xây dựng. Mặc dù chúng tôi đã cố gắng chia sẻ những gì đã học hỏi được và kinh nghiệm thực tế, nhưng bài viết này còn hạn chế và nhiều thiếu sót. Nếu quý Phật tử thấy bài viết này có chút lợi ích, xin phổ biến đến bạn bè và người thân. Nếu quý Phật tử có thắc mắc hay muốn đóng góp ý kiến, xin gởi email về [email protected].
Phạm Nam Sơn, pd Thị Phước
Chùa Ngàn Phật, mùa Vu Lan năm 2563 – 2019