Kỹ Năng Giao Tiếp: Sợi Chỉ Vàng Kết Nối Tăng Ni - Phật Tử

12/12/20194:59 CH(Xem: 4969)
Kỹ Năng Giao Tiếp: Sợi Chỉ Vàng Kết Nối Tăng Ni - Phật Tử

Kỹ năng giao tiếp:

SỢI CHỈ VÀNG KẾT NỐI TĂNG NI - PHẬT TỬ

Thích Không Tú

tứ chúng phật tửTăng NiPhật tử là hai bộ phận không thể thiếu một trong Phật giáo, họ đều là đệ tử của Đức Như Lai, không thể lìa nhau mà phải nương tựa vào nhau để làm nền tảng cho sự trường tồn Phật pháp, vững mạnh Giáo hội. Hai bộ phận đệ tử này có vai trò, vị trí khác nhau trong Phật giáo nhưng họ lại có mối quan hệ liên đới lẫn nhau.

Đức Thế Tôn dạy: “Này các Tỳ-kheo, những người tại gia rất có ích cho các ông, như họ cung cấp cho các ông các vật cần thiết như y phục, thức ăn, chỗ ở và thuốc men. Và các ông, những Tỳ-kheo, thì rất hữu ích đối với người tại gia vì các ông dạy cho họ về Phật pháp đáng tôn kính ở phần đầu, đáng tôn kính ở phần giữa, và đáng tôn kính ở phần cuối cùng; vì các ông giải thích đời sống thánh thiện cả về những chi tiết và về cốt tủy, trọn vẹn đầy đủ, thanh tịnh cao thượng. Bằng cách này, đời sống thánh thiện được sống trong sự phụ thuộc lẫn nhau, cho mục đích vượt qua dòng nước, để làm chấm dứt khổ não”1 .

Trong bài kinh này, Đức Phật đã chỉ dạy rất rõ ràng về mối quan hệ tương hỗ giữa hai giới tại giaxuất gia trong tiến trình cùng tu tập hướng đến quả vị giác ngộ, chấm dứt khổ đau.

Mối quan hệ tương hỗ này được thiết lập dựa trên cơ sở nào? Đó chính là hoạt động giao tiếp. Giao tiếp là cầu nối giữa Tăng Ni với Phật tử, thông qua giao tiếp mà cả hai có cơ hội thực hiện đầy đủ vai trò, bổn phận và trách nhiệm của mình. Có một định nghĩa đơn giản, dễ hiểu về giao tiếp như sau: Giao tiếp là quá trình tiếp xúc giữa con người với con người nhằm mục đích trao đổi tư tưởng, tình cảm, vốn sống, kinh nghiệm, kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp2 . Theo định nghĩa này, mục tiêu của giao tiếp là tạo ra, duy trì và phát triển mối quan hệ kết nối giữa người với người trong xã hội. Nếu chúng ta có khả năng giao tiếp tốt, nhất định chúng ta sẽ tạo ra các mối quan hệ tốt và ngược lại. Tương tự như vậy, nếu hoạt động giao tiếp giữa Tăng Ni - Phật tử diễn ra tốt đẹp thì mối quan hệ này càng trở nên mở rộng, thắm thiết, bền vững, yêu quý nhau; ngược lại, nó khiến cho mối quan hệ ngày càng trở nên tồi tệ, khô khan, mâu thuẫn, thậm chí không còn.

Trong cuộc sống, chúng ta chứng kiến những sự việc này không phải ít. Có những vị Tăng Ni khi mới ra nhận chùa hay lập thất chỉ với hai bàn tay trắng, song, vì có đức độ, kỹ năng giao tiếp tốt, một thời gian sau Phật tử muôn phương tựu về hộ trìviên thành Phật sự to lớn không thể nghĩ lường. Cũng có những vị tu sĩ ban đầu được thừa tự đạo tràng lớn, Phật tử đông nhưng do vụng về trong giao tiếp, một thời gian ngắn ngôi chùa trở nên hiu quạnh. Dĩ nhiên, có nhiều nguyên nhân để giải thích nhưng không thể không kể đến vấn đề giao tiếp đóng vai trò quan trọng trong đó.

Cổ đức dạy: “Phật pháp xương minh do Tăng Ni hoằng hóa, thiền môn hưng thịnh do đàn việt phát tâm”. Ý nói, muốn Chánh pháp được lan rộng, muốn chúng sanh thừa hưởng vị đề hồ của Phật pháp, chắc chắn phải nhờ đến sứ giả Như LaiTăng Ni hoằng truyền. Kế tục sự nghiệp của Phật để hoằng dương Chánh pháp được xem như nghĩa vụ chính, sứ mệnh thiêng liêng cao cả của Tăng Ni. Song, hoằng pháp thành công, ngoài tri thức Phật học, nhiệt tâm, đức độ… thì kỹ năng hoằng pháp, hay nói khác đi kỹ năng giao tiếp hiệu quả, khéo léo lại là vấn đề mấu chốt, chìa khóa của sự thành công.

Ngày nay, trong xã hội hiện đại, ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, giao tiếp giữa Tăng Ni - Phật tử càng trở nên nhanh chóng và dễ dàng hơn xưa rất nhiều nhờ có Zalo, Facebook, Email, mạng xã hội, v.v… Nhưng có thật chúng ta đang giao tiếp tốt hơn? Mỗi người sẽ có câu trả lời cho riêng mình.

Trong Phật giáo, Tăng Ni với tư cách người trao truyền giáo lý, kinh nghiệm tu tập, khích lệ các Phật tử tinh tấn thực tập đúng pháp môn và là nơi nương tựa tinh thần cho Phật tử; còn Phật tử là người lĩnh hội giáo lý, các pháp môn tu tập từ Tăng Ni để áp dụng vào việc chuyển hóa thân tâm, đồng thời là người cúng dường, hộ trì Tam bảo, hộ trì Tăng Ni trong sinh hoạt và các công tác Phật sự khác. Có thể nói, trong bất kỳ hoạt động chung nào giữa Tăng Ni - Phật tử thì giao tiếp vẫn là một đặc thù quan trọng, là sự tác động lẫn nhau nhằm trao đổi những thông tin, bàn bạc kế hoạch, lập nhiệm vụ, thực hiện hành động. Do đó, giao tiếp, một kỹ năng cần thiết cần được rèn luyện, liên quan đến sự thành công của bất kỳ Tăng Ni nào dù ở bất kỳ thời đại nào.

Với vai trò người thầy dạy đạo, điểm tựa tinh thần, đáng tôn kính, đáng cúng dường của Phật tử, để hoạt động giao tiếp đạt hiệu quả cao có rất nhiều vấn đề cần phân tích. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết dựa vào nền tảng Tâm lý học giao tiếp, chúng tôi muốn lưu ý đến một số phong cách và nguyên tắc giao tiếp cụ thể như sau:

Phong cách giao tiếp giữa Tăng Ni - Phật tử

Trong giao tiếp, có ba kiểu phong cách thường thấy ở Tăng Ni: phong cách độc đoán, phong cách tự do và phong cách dân chủ.

Phong cách độc đoán

Người có phong cách giao tiếp độc đoán thường đề cao nguyên tắc, đòi hỏi ranh giới phải được tôn trọng. Họ thường hành động một cách cứng rắn, kiên quyết, đánh giá và ứng xử mang tính đơn phương, một chiều, cứng nhắc, xuất phát từ ý chí của mình, ít chú ý đến người khác, vì vậy không ít người ngại tiếp xúc với họ. Những Tăng Ni có phong cách này ít gây được thiện cảm, khó thiết lập mối quan hệ, khó chiếm được tình cảm của Phật tử.

Tuy nhiên, nếu rơi vào những hoàn cảnh phức tạp, khẩn cấp, đòi hỏi một con người quyết đoán, dám chịu trách nhiệm thì phong cách giao tiếp độc đoán thường phát huy được tác dụng. Ví dụ: Khi tổ chức một chương trình Phật giáo, trong khâu triển khai kế hoạch không có sự thống nhất ý kiến chung, các Phật tử ai cũng muốn làm theo ý mình, thời gian diễn ra chương trình không còn nhiều. Khi đó, Tăng Ni sử dụng phong cách độc đoán để ra hiệu cho Phật tử không cần bàn luận mà làm theo sự chỉ đạo của mình là hợp lý, tránh lãng phí thời gian, ảnh hưởng tiến độ chương trình.

 Ưu điểm

- Có tác dụng đưa ra những quan điểm nhất thời.
- Giải quyết được vấn đề nhanh chóng.

Nhược điểm:

- Làm mất đi sự tự do dân chủ trong giao tiếp.
- Kiềm chế tính tích cực, chủ động, sự đóng góp sáng kiến của Phật tử.
- Giảm tính giáo dụcthuyết phục.

Phong cách tự do

Tự do ở đây là thể hiện tính linh hoạt quá mức trong giao tiếp của Tăng Ni. Họ để cho giao tiếp tự phát, dễ thay đổi mục đích, không làm chủ được diễn biến tâm lý của mình và “chiều” theo Phật tử. Phong cách này dễ dàng thiết lập các mối quan hệ nhưng cũng dễ mất đi do không sâu sắc, thiếu lập trường, thế nào cũng được, dễ thay đổi theo hoàn cảnh.

Ví dụ: Ban đầu Tăng Ni lên chương trình tụng kinh Địa Tạng trong mùa Vu-lan, một số Phật tử thấy vậy góp ý nên tụng kinh Vu-lan sẽ phù hợp hơn, vị Tăng Ni đó liền thay đổi chương trình. Vài hôm sau, một số Phật tử khác bày tỏ nguyện vọng muốn tụng kinh Từ bi thủy sám, vị Tăng Ni đó cũng nghe theo, lại thay đổi chương trình. Nghĩa là vị Tăng Ni đó vì quá chiều ý Phật tử mà thay đổi chương trình liên tục.

Ưu điểm
- Phật tử cảm thấy thoải mái, được tôn trọng.
- Phát huy tính tích cực đóng góp ý kiến của Phật tử.

Nhược điểm:  -
Dễ bị Phật tử coi thường.
- Dễ bị đánh giá thiếu lập trường và thiếu nghiêm túc.
- Thường hay phụ thuộc hoặc dễ phát sinh tự do quá trớnPhật tử.

Phong cách dân chủ

Phong cách này thể hiện lòng nhiệt tình, thiện chí, sự tôn trọng và tính cởi mở. Những Tăng Ni có phong cách dân chủ trong giao tiếp thường lắng nghe, quan tâm giúp đỡ Phật tử khi cần thiết nên dễ dàng thiết lập mối quan hệ tốt với họ.

Ví dụ: Chùa sắp tổ chức một buổi từ thiện cứu trợ thiên tai, Tăng Ni có thể đưa vấn đề ra trước Phật tử và lấy ý kiến từ họ. Từ những góp ý của Phật tử, Tăng Ni thống nhất ý kiến chung, lập kế hoạchthực hiện.

Ưu điểm:
- Làm tăng khả năng đóng góp ý kiến/sáng kiến của Phật tử.
- Giúp mọi người thân thiện, gần gũi và hiểu nhau hơn.
- Được nhiều Phật tử yêu mến, kính trọngtin tưởng.

Nhược điểm:
- Dân chủ quá có thể làm xa rời các lợi ích của tập thể hay dẫn đến tình trạng “cá mè một lứa”, xuề xoà.

Cách tốt nhất trong giao tiếp là phải dựa trên cơ sở sự cuốn hút Phật tử vào hoạt độngchủ đích của Tăng Ni. Ba loại phong cách trên đều có những mặt mạnh và mặt yếu của nó. Không có loại nào tối ưu cho mọi trường hợp. Chúng ta phải biết kết hợp cả ba loại phong cách giao tiếp và tuỳ thuộc vào tình huống cụ thểlựa chọn phong cách giao tiếp tối ưu. Ví dụ: Đối với phong cách dân chủ, Tăng Ni nên sử dụngthường xuyên nhưng không nên quá lạm dụng. Đối với phong cách độc đoán, cần hạn chế sử dụng, sử dụng đúng lúc đúng nơi và phù hợp với từng đối tượng Phật tử, tránh tạo ác cảm với Phật tử. Đối với phong cách tự do, sử dụng ở các cuộc họp, bàn bạc chung hoặc một vấn đề chung cần sự quyết định của số đông nhưng phải có thái độ đúng mực.

Những nguyên tắc cơ bản trong giao tiếp giữa Tăng Ni-Phật tử

Nguyên tắc đảm bảo tính mô phạm trong giao tiếp

Tăng Ni hàng ngày tiếp xúc với Phật tử, mọi lời nói, hành vi, cử chỉ dù có chủ định hay vô tình đều có thể tác động vào nhận thức của Phật tử. Đóng vai bậc thầy khả kính nên họ như tấm gương để hàng ngày Phật tử noi theo tu sửa thân tâm. Do đó, để lãnh đạo, giáo hóa được tín đồ, nhân cách của tu sĩ phải là một nhân cách mẫu mực. Trong thời đại mới, Tăng Ni có thể sống với tinh thần nhập thế, hòa đồng với xã hội để đưa đạo vào đời. Nhưng hòa đồng không có nghĩa là “hòa tan”, bị cuộc đời đồng hóa. Ví dụ: Trong giao tiếp mang tính chất công việc, dù cuộc đối thoại có thoải mái đến mức độ nào đi chăng nữa, thì Tăng Ni vẫn phải giữ những nguyên tắc thầy ra thầy, trò ra trò chứ không phải “cá mè một lứa”.

Tóm lại, Tăng Ni cần phải đảm bảo tính mô phạm trong giao tiếp. Tính mô phạm được thể hiện qua lời nói, hành vi, cử chỉ, trang phục… như sau:

- Nghiêm trang gìn giữ bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi. Nên: “Đi nhẹ như gió, ngồi vững như chuông, đứng thẳng như cây thông, nằm như cung tên”.
- Nói năng phải mạch lạc, rõ ràng, khúc chiết, cử chỉ phải đĩnh đạc, đàng hoàng, tự tin. Thái độ và những biểu hiện của thái độ phải phù hợp với các phản ứng hành vi.
- Tế nhị, lịch thiệp trong giao tiếp là một nhân tố quan trọng cho sự thành công trong quá trình giáo hóa, vận động, sửa lỗi, khuyên bảo Phật tử.
- Cần có sự thống nhất giữa lời nói và hành động. Tránh mâu thuẫn, không ăn khớp giữa lời nói với việc làm, điều đó sẽ làm ảnh hưởng tới uy tín tu sĩ, Tăng đoàn cũng như nhân cách của Phật tử vì họ học theo.
- Màu áo “giải thoát” xuất hiện những nơi không nên xuất hiện là điều không nên, cần lưu lý.

Nguyên tắc tôn trọng nhân cách, nhân phẩm Phật tử

Trong YouTube có những đoạn clip được quay lại cảnh những người giả dạng Tăng Ni rồi chửi thề này nọ, thậm chí ẩu đả nơi công cộng, chì chiết tín đồ… Mặc dù họ không phải Tăng Ni nhưng xem các bình luận phía dưới chúng ta thấy sự lên án dư luận thật khủng khiếp. Qua đó cho thấy những ứng xử thiếu chuẩn mực với Phật tử chẳng những không có tác dụng cảm hóa họ mà còn ngược lại. Dù hoàn cảnh nào, dù thân thiết đến đâu trong giao tiếp vẫn phải duy trì lời nói tế nhị đẹp lòng để giữ mãi duyên lành với nhau, tránh nhục mạ làm tổn thương nhân cách Phật tử.

Tôn trọng nhân cách, nhân phẩm Phật tử trước hết phải coi Phật tử là một con người có khả năng tạo ra đời sống vật chất, tinh thần đem lại an lạc, hạnh phúc cho bản thân, gia đìnhxã hội mà không lệ thuộc vào bất kỳ lực lượng thần linh nào. Thứ đến xem họ là một đệ tử Phật có khả năng giác ngộ tức chuyển hóa những hành động xấu ác trở thành những hành động thiện lành, tốt đẹp, có lợi ích cho mình cho người trong hiện tại cũng như tương lai. Từ việc tôn trọng đó hãy tạo điều kiện thuận lợi, hướng dẫn Phật tử bộc lộ thái độ, nhu cầu, nguyện vọng, những nét tính cách riêng của họ, khiến họ rời khổ, an vui, thăng tiến tâm linh.

Tôn trọng Phật tử được thể hiện:
- Không nên áp đặt, ép buộc Phật tử phải tuân theo ý mình một cách máy móc.
- Lắng nghe ý kiến, tôn trọng sự diễn đạt bằng ngôn ngữ, cử chỉ, điệu bộ, không nên tỏ thái độ phản đối gay gắt khiến Phật tử sợ hãi không dám bày tỏ hết nguyện vọng của mình.
- Khi tiếp chuyện Phật tử cần chú ý giọng điệu, cách phát âm, việc sử dụng từ sao cho đảm bảo tính văn hoá. Khi góp ý, dạy bảo Phật tử không nên sử dụng ngôn ngữ xúc phạm đến danh dự, tổn thương đến nhân phẩm của họ, nhất là ở nơi đông người.

Tuy nhiên cần lưu ý: Tôn trọng Phật tử đồng thời phải yêu cầu hợp lý đối với họ. Tránh tình trạng để Phật tử lấn lướt, kiêu căng hay quá nuông chiều, dễ dãi đối với họ.

Nguyên tắc có thiện chí trong giao tiếp

thiện chí trong giao tiếp là luôn nghĩ tốt, tạo điều kiện thuận lợi, luôn tin tưởng, không định kiến, chê bai Phật tử, cùng họ giải quyết các nan đề, nỗi khổ niềm đau trong cuộc sống nhân sinh để hướng đến sự an lạc. Đặc biệt, coi trọng tính “hướng thiện - hành thiện” của họ.

Đức Phật đã dạy bốn phương pháp cảm hóa lòng người gọi là Tứ nhiếp pháp, gồm: bố thí - ái ngữ - lợi hành - đồng sự. Đây chính là bí quyết tuyệt vời nếu khéo léo áp dụng sẽ tạo ra sự thiện chí trong giao tiếp.

Thật đáng tiếc nếu xảy ra những bất hòa, mâu thuẫn, hiểu nhầm lẫn nhau trong mối quan hệ với Phật tử. Khi ấy, Tăng Ni hãy thử đặt mình vào vị trí người khác để tìm hiểu nguyên nhân, tìm ra cách thức giải quyết tốt nhất, đôi khi có thể phải nhờ đến sự hỗ trợ từ một đối tượng thứ ba mới có thể giải hòa. Tăng Ni cần luôn luôn đối đãi người trên cơ sở tình thương; thật không hay khi buông lời mắng nhiếc hay nói xấu người đó với những Phật tử khác. Kinh Pháp cú số 230-232, Đức Phật khuyên chúng ta nên kiểm soát lời nói, tránh những lời nói tức giận3 . Thực hành như vậy sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi trong việc hóa giải những mâu thuẫn bất hòa đáng tiếc xảy ra.

Ngoài ra, nếu vị Tăng Ni nào đã có đạo tràng lớn mạnh, Phật tử đông đảo, được nhiều người yêu mến rồi thì đạo lực cũng phải lớn theo, tâm từ bi, hỷ xả rộng mở hơn như đại dương mênh mông mà dung chứa, trân trọng, biết ơn tất cả sự yêu mến của mọi người, đừng xem thường hay bỏ sót một tín đồ nào có cơ duyên đến với mình. 

Nguyên tắc đồng cảm trong giao tiếp

Đồng cảm trong giao tiếp có nghĩa là Tăng Ni phải biết đặt mình vào vị trí của Phật tử. Hay nói cách khác, Tăng Ni phải biết vui với niềm vui của Phật tử và buồn với nỗi buồn của họ.

Đạo Phậtđạo từ bi, ban vui cứu khổ nên đồng cảm sẽ tạo ra sự gần gũi, thân mật, nảy sinh mối quan hệ tốt đẹp, tôn trọngtin tưởng lẫn nhau. Một trong những lợi ích quan trọng nhất của sự đồng cảm chính là cải thiện mối quan hệ, giảm bớt sự hung hãn, tư duy thiện tâm nhân ái và nói năng nhẹ nhàng hơn. Do đó, đồng cảm là cơ sở hình thành ở tu sĩ tấm lòng nhân hậu, độ lượng, khoan dung. Từ đó có cách hành xử nhân văn không cứng nhắc.

“Của cho không bằng cách cho”, đồng cảm trong giao tiếp thể hiện ở chỗ trong giao tiếp không nên gây căng thẳng trong tâm trí của Phật tử. Nếu phải nghe họ tâm sự, hãy cố gắng khuyến khích để họ nói cho hết câu chuyện, luôn tạo một cảm giác an toàn, dễ chịu trong suốt quá trình giao tiếp. Theo Đức Đạt-lai Lạt-ma, tình yêu, sự đồng cảm và lòng từ bi là điều cần thiết chứ không phải một thứ xa xỉ. Nếu không có những điều đó, nhân loại không thể tồn tại.

Muốn có được sự đồng cảm cao, Tăng Ni nên quan tâm, tìm hiểu, nắm vững hoàn cảnh gia đình từng Phật tử để dễ dàng thông cảm với họ, nắm được đặc điểm tâm lý của họ… Có như vậy mình mới mỉm cười thân mật mỗi khi tiếp xúc và có cách ứng xử cho phù hợp nhằm giúp họ vượt qua nỗi khổ niềm đau. Ví dụ: Có Phật tử nghèo ham tu, ham công quả nên được vị Tăng Ni đó rất quý mến; thế là đi đâu, gặp ai, lên đạo tràng nào vị ấy cũng đều giới thiệu về hoàn cảnh nghèo và tinh thần tu học của Phật tử ấy cho mọi người học theo. Vô tình khiến Phật tử ấy thấy tự ty về hoàn cảnh của mình và ái ngại khi tiếp xúc với các đạo hữu khác. Vì thế mặc dù quý mến nhưng cần cân nhắc ở chỗ nên nói vào lúc nào và nói như thế nào để không tổn thương người khác.

Nhìn chung, có nhiều nguyên tắc trong giao tiếp giữa Tăng NiPhật tử, giữa các nguyên tắc có sự thống nhất với nhau. Những nguyên tắc này nhằm hoàn thiện nhân cách người thầy và cũng góp phần làm thỏa mãn tinh thần người “học trò”. Dựa vào tình huống, hoàn cảnh, đối tượng giao tiếp khác nhau mà Tăng Ni có thể áp dụng nguyên tắc phù hợp để thành công. Thiết nghĩ, qua giao tiếp với Tăng Ni như vậy, Phật tử sẽ cảm nhận thật bình yên khi họ vẫn là họ. Cả xã hội đều chấp nhận quý Tăng Ni ở chùa thật tốt, thật thiện! 

Muốn trở thành một nhà hoằng pháp khéo léo, tinh tế trong ứng xử, thành công trong nhiếp chúng; Tăng Ni cần phảihiểu biết về các phong cách và các nguyên tắc giao tiếp cần thiết. Việc vận dụng hiệu quả các phong cách, nguyên tắc cơ bản nói trên trong sinh hoạt Phật giáo là nghệ thuật riêng của mỗi Tăng Ni, đòi hỏi phải có sự chiêm nghiệm, học hỏi, thực tập.

Thành ngữ Việt Nam có câu: “thầy hay, trò giỏi” chính là chỉ sự giống nhau mang tính kế thừa giữa thế hệ trước và thế hệ sau, giữa bề trên và bên dưới, hay quan hệ nhân quả - tác động qua lại trong các mối quan hệ xã hội, và cũng chính là những kinh nghiệm sống được đúc kết qua nhiều thế hệ. Cho nên, dù muốn hay không, hình ảnh Tăng Ni luôn luôn là tấm gương cho Phật tử soi vào. Tăng Ni giao tiếp khéo léo sẽ tạo động lực cho Phật tử giao tiếp tốt hơn, hoàn thiện bản thân mình hơn. Ngược lại, Tăng Ni giao tiếp vụng về, các Phật tử cũng sẽ tiếp thu điều đó, họ cũng sẽ trượt dốc. Vì thế, hoàn thiện, nâng cao năng lực giao tiếp sao cho hiệu quả hơn trong môi trường Phật giáo là việc không ngừng rèn luyện, bồi dưỡng ở cả Tăng Ni lẫn Phật tử.

Chú thích:
1. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (2015), Kinh Tiểu bộ tập 1, kinh Phật thuyết như vậy, Nxb Tôn Giáo, tr.315.
2. Nguyễn Quang Uẩn chủ biên (2008), Giáo trình Tâm lý học đại cương, Nxb Đại Học Sư Phạm Hà Nội.
3. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (2015), Kinh Tiểu bộ tập 1, kinh Pháp cú, Nxb Tôn Giáo, tr.75.

Thích Không Tú | Văn Hóa Phật Giáo Số 329 ngày 15-9-2019


Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.