Nói về sự tồn tại của các trường Trung cấp trong tương lai, TT. Tuệ Sỹ cũng như TT. Nguyên Giác (giảng viên 2 bộ môn Phạn văn và Lịch sử Phạn văn tại HVPGVN tại Tp HCM) đồng một quan điểm khi cho rằng hệ thống GDPG cấp cơ sở cần phải được tổ chức trở lại theo lối Phật học viện.Xã hội phát triển trong sự chuyển mình theo chiều hướng thích nghi, những cái không tự thích nghi dần dần sẽ bị thui chột. Đó là quy luật và cũng là định hướng phát triển cho mỗi một thành viên trong cộng đồng. Phật giáo là tôn giáo có thiết chế mang đậm tính tương tác với xã hội mà trong đó nó tồn tại, tinh thần đó cũng đã được đức Phật bổn sư chú trọng đến trong khi Ngài chế định giới luật cho những đệ tử xuất gia. Thế thì vấn đề phản ứng thích nghi xã hội là cái cần thiết cho Phật giáo chúng ta ngày hôm nay nói chung và Giáo dục Phật giáo (GDPG) nói riêng, cụ thể ở đây là hệ thống giáo dục cấp cơ sở.
Là một thành viên trong một cộng đồng đang có những biến chuyển lớn, nhất là với sự hỗ trợ của ngành công nghệ thông tin, GDPG đang thực sự đối mặt với những nhu cầu cải tiến mà xã hội đòi hỏi. Ngày nay, GDPG đang bước vào một thời đại mới – thời đại hòa nhập xã hội thông tin. Ở đó, cái chậm chạp, thụ đọng, khép kín phải nhường chỗ cho cái nhạy bén, sáng tạo, cởi mở. Con người không còn là những ốc đảo giữa biển sống đa dạng mà phải hòa nhập như một mạng lưới đan xen vào nhau và phủ trùm lên mọi ngõ ngách nhận thức.
MỘT THOÁNG NHÌN LẠI
Mấy thập niên trở lại đây, trong môi trường thu hẹp, từ kinh tế, chính trị đến văn hóa, giáo dục đều chịu sự chi phối chặt chẽ từ phía nhà nước, Phật giáo phải thu mình trong cộng đồng nội giới, hệ thống giáo dục chính thống được chia thành 3 cấp nối tiếp nhau với sự thống nhất về mặt hành chính cũng như trình độ: Sơ cấp (các lớp sơ cấp tại mỗi địa phương), trung cấp (gồm các trường cơ bản, Trung cấp Phật học), và Cao cấp (các trường Cao đẳng và Học viện Phật giáo). Đó là giai đoạn tạm thời mang tính đối phó hoàn cảnh, củng cố nội bộ theo chiều hướng tự cách ly, thực ra là bị cách ly - cách ly thế giới xuất gia ra khỏi hoạt động xã hội, người xuất gia bị xem là một bộ phận thặng dư khi phạm vi hoạt động còn lại chỉ gói gọn trong lãnh vực đáp ứng nhu cầu nghi lễ không chính thức của xã hội.
Giai đoạn thu hẹp ấy thực sự đã hạn chế sự đóng góp của Phật giáo đối với nhân quần rất nhiều, khiến cho bản thân giới xuất gia, đặc biệt giới xuất gia trẻ, bị hụt hẫng và ngỡ ngàng trước ngưỡng cửa xã hội. Họ buộc phải chấp nhận lối sống an phận, phớt lờ trước những cảm nhận nhức nhối đang làm nên thế hệ trẻ.
Bầu không khí ngột ngạt ấy ngày nay đã loãng dần, xã hội đang chuyển động nhanh trên xa lộ thông tin. Phật giáo luôn tự hào là đạo trí tuệ tất nhiên không thể đứng thờ ơ ngoài dòng phát triển ấy. Phật giáo cần phải hòa nhập với xã hội, GDPG cần phải có sự hòa nhập vào cộng đồng tri thức, với tiến độ chung của nhân loại.
BIẾN CHUYỂN LỚN TRONG HỆ THỐNG GDPG
Năm 2007, với quy chế tuyển sinh mới của HVPGVN tại Tp HCM - làm tiên phong cho Đại học Phật giáo, hệ thống GDPG nước ta thật sự đã có những biến chuyển lớn, mặc dù quy chế này đã và đang gây ra nhiều ý kiến tranh cãi. Theo quy chế tuyển sinh mới này, Học viện sẽ giảm bớt một số thủ tục và tiêu chuẩn đối với đối tượng đăng ký dự thi. Trong số những cắt giảm này, có việc bãi bỏ tiêu chuẩn “người đăng ký dự thi phải có bằng tốt nghiệp Trung cấp Phật học”, việc này đã làm thay đổi giá trị hành chính của hệ thống giáo dục cấp cơ sở hiện hành. Đây là một cải cách từ trên xuống của ngành GDPG, điều này khiến cho việc giáo dục cấp dưới phải tự điều chỉnh để thoát ra khỏi tình trạng bế tắc và vươn lên bắt kịp thời đại.
Trước đây, các trường Trung cấp (hoặc Cơ bản) có một vài trò hành chính không thể thiếu trong hệ thống GDPG. Giá trị hành chính ấy khiến cho trường Trung cấp trở thành đắc địa dù rằng công tác dạy và học nhiều nơi vẫn còn tù đọng, nó trở thành nơi thỏa mãn nhu cầu hành chính cho tăng ni muốn đi học cao hơn, nhưng đồng thời cũng giam chân nhiều vị khiến cho con đường học lên cao của họ bị chậm đi 4 năm. Đây là một nhược điểm lớn khi nhìn lại những tăng ni sau khi tốt nghiệp Học viện muốn học tiếp Cao học hoặc học thêm trường khác, bởi vì họ đã già mất 4 tuổi. Sự chậm trễ ấy khiến cho việc học của họ gặp nhiều hạn chế, cụ thể là về mặt trí nhớ và trách nhiệm công việc tại trú xứ họ sinh sống: trí nhớ bị giảm và phải gánh vác nhiều Phật sự hơn.
Giờ đây với quy chế tuyển sinh mới, giá trị hành chính của trường Trung cấp không còn, hệ thống giáo dục cấp cơ sở không còn thích hợp nữa xét về mặt hành chính. Nếu muốn tồn tại, các vị lãnh đạo cấp cơ sở cần phải có những quyết định hợp lý kịp thời, không thể vẫn cứ “y lệ” mà không cần quan tâm đến những thay đổi từ phía khách quan. Vấn đề đặt ra ngày hôm nay là phản ứng thích nghi của hệ thống trường Sơ Trung Phật học, phải thể hiện tính cập thời của công tác giáo dục. Trước những biến chuyển lớn như thế, các trường Trung cấp không thể tiếp tục tuyển sinh khóa mới mà không có sự điều chỉnh về mặt tổ chức cũng như định hướng dạy và học, trừ phi muốn nhìn thấy tình trạng chưa mãn khóa mà học tăng đã ra trường.
Thế nhưng, sắp hết 4 năm học, chuẩn bị đến kỳ tuyển sinh khóa mới mà hầu như các trường Trung cấp vẫn chưa có phản ứng thích nghi nào. Người viết bài này đã có dịp tham hỏi một số vị làm công tác giáo dục ở cấp cơ sở nhưng vẫn chưa có lời giải thích về hướng đi mới.
3 VAI TRÒ CỦA GIÁO DỤC CẤP CƠ SỞ
Nói về vai trò của các trường Trung cấp Phật học trong hệ thống GDPG hiện hành, chúng có 3 vai trò chính: 1- Đáp ứng nhu cầu hành chính về bằng cấp, 2- Truyền trao kiến thức Phật học căn bản; 3- Rèn luyện nếp sống đạo đức của người xuất gia. Ngày hôm nay, vai trò hành chính tuy không còn, nhưng vẫn còn lại 2 vai trò lớn, mà lẽ ra 2 vai trò này mới chính là trọng tâm của giáo dục cấp cơ sở. Có điều, muốn đẩy mạnh 2 vài trò vừa nói trên, dường như hệ thống trường Trung cấp hiện hành khó có thể đáp ứng được, cần phải có sự đổi thay, điều đó phụ thuộc vào ban điều hành của mỗi trường.
Nói về sự tồn tại của các trường Trung cấp trong tương lai, TT Tuệ Sỹ cũng như TT Nguyên Giác (giảng viên 2 bộ môn Phạn văn và Lịch sử Phạn văn tại HVPGVN tại Tp HCM) đồng một quan điểm khi cho rằng hệ thống GDPG cấp cơ sở cần phải được tổ chức trở lại theo lối Phật học viện. Ở đó, học tăng không những được học hỏi giáo lý một cách có hiệu quả mà còn được đào tạo chu đáo về nếp sống xuất gia, xây dựng một vị xuất gia trẻ có đầy đủ đức hạnh và tri thức cần thiết để bước tiếp những chặng đường xa hơn, cam go hơn và tự tin hơn.
Thế thì, một khi vai trò hành chính không còn, chúng ta không thể nói trường Trung cấp không còn vị trí quan trọng trong hệ thống GDPG nữa. Bởi nói như thế có khác nào chúng ta chấp nhận từ trước đến nay những trường Trung cấp chỉ đáp ứng vai trò hành chính mà không chú trọng đến 2 vai trò kia?
PHÁT TRIỂN THẾ MẠNH CÒN LẠI
Như đã nói, GDPG cấp cơ sở phải chú trọng đến vấn đề chất lượng, phải cốt yếu làm sao cho ra những vị xuất gia trẻ có đầy đủ phẩm chất của người xuất gia, bao gồm giới hạnh và kiến thức nội - ngoại điển ở cấp phổ thông. Nếu người dạy chú trọng đến những điểm đó thì nhà trường không cần phải lấy sự khống chế về mặt hành chính để giữ chân học trò, người học sẽ tự nhận thấy cần thiết cho bản thân về lâu về dài mà theo học đầy đủ, bởi vì họ là những người xuất gia, họ cần những lớp học như thế.
Theo một số vị sinh trưởng và làm việc trong môi trường Phật học viện, học tăng tu học ở Phật học viện có điều kiền gần gủi giáo thọ nhiều hơn để kịp thời bổ túc kiến thức và tháo gỡ những thắc mắc. Đồng thời, môi trường Phật học viện khiến cho học tăng làm quen với đời sống lục hòa của người xuất gia, khuyến khích họ hướng đến một đời sống cộng trú theo tinh thần của giới luật, chuyên tâm vào việc hoằng pháp lợi sanh. Hơn nữa, ban quản trị của Phật học viện cũng sẽ có những tác động hoặc can thiệp tích cực đến việc học và cư trú của học tăng về sau, điều này khiến cho học tăng yên tâm hơn mỗi khi nghĩ đến chỗ cư trú trong thời gian theo học ở những cấp cao hơn về sau. Với lối đào tạo đó, học tăng sẽ trở thành những người có ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng hơn, không trở thành những con người tự do theo lối lạc lõng.
Thế mạnh của GDPG là phát triển tri thức và đạo đức. Sau những biến chuyển của thời đại thì GDPG cấp cơ sở đã được trả lại đúng vị trí cần có của nó. Nhiệm vụ còn lại là thực thi cuộc cải đổi để thích nghi với tiến độ của xã hội.
Thanh Hòa
01-05-2008 11:23:46
TVHS