Biến đổi khí hậu và cuộc khủng hoảng tỵ nạn

17/12/20184:07 SA(Xem: 5797)
Biến đổi khí hậu và cuộc khủng hoảng tỵ nạn

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU và CUỘC KHỦNG HOẢNG TỴ NẠN
Todd Miller
Lâm Hạnh Nhiên dịch

ToddMiller-StormingtheWall-Nov1-Cornell (002)Trước năm 2005, khi nhà sinh thái học Norman Myers thuộc Đại học Oxford cho rằng vào khoảng năm 2012 sẽ có thể có tới 25 triệu người di cư vì lý do khí hậu, bấy giờ chưa có những nghiên cứu ủng hộ cho lời cảnh báo ấy. Tất nhiên, vẫn có hàng loạt những báo cáo ngày càng nhiều về vấn đề được đặt ra, nhưng, như điều mà Giáo sư Koko Warner - thuộc Viện Đại học của Liên Hiệp Quốc và là chủ biên phần lớn trong số những báo cáo ấy - nói với tôi, thì “cho đến nay vẫn chưa có những nghiên cứu theo đúng phương pháp khoa học”.

Những nghiên cứu hiện nay khẳng định rằng sự di cư ồ ạt ở quy mô lớn - luôn luôn kết hợp với vô số những tác động khác - sẽ là hậu quả không thể tránh được của tình trạng ấm lên toàn cầu. Sự tan băng ở vùng cực đang gây ảnh hưởng đến các dòng chảy của nước và tác động đến việc sản xuất thực phẩm cũng như việc nhập cư. Nắng nóng và khô hạn cũng ảnh hưởng đến việc sản xuất lương thực và việc nhập cư. Những thảm họa về môi trường đang là sự thúc đẩy chính đối với việc chuyển dịch chỗ ở trong ngắn hạn và việc di cư (mặc dù những nghiên cứu khác phát hiện rằng chính sự suy thoái dần dần của môi trường sinh thái mới là tác nhân chính gây ra những sự chuyển dịch trong dài hạn). Việc xâm nhập của nước biển, tình trạng ngập lụt, sóng bão, và sự sạt lở do mực nước biển dâng cao - tất cả những vấn đề ấy đang trực diện tấn công vùng Bắc xứ Honduras - sẽ tiếp tục buộc ngày càng nhiều người hơn phải đổi chỗ ở.

“Có nhiều bằng chứng chắc chắn cho thấy những tác động của sự thay đổi khí hậu sẽ phá hủy sự tồn tại và nền nông nghiệp thương mại trên nhiều hòn đảo nhỏ”. Giáo sư Warner cùng các đồng nghiệp của bà báo cáo rằng lưu vực các con sông Hằng, sông Cửu Long và sông Nile là những nơi mà khi mực nước biển dâng cao một mét sẽ ảnh hưởng tới 235 triệu người và làm giảm tới 1,5 triệu héc-ta đất. Trong trường hợp mực nước biển dâng cao tới hai mét thì sẽ có thêm khoảng 10,8 triệu người nữa bị ảnh hưởng, là các mô hình khí hậu phải dự đoán dựa trên những báo cáo gần đây về những hiện tượng kích thích hồi tiếp và tình trạng tăng tốc của sự tan băng ở vùng cực. Các chuyên gia này cho rằng “hàng triệu người sẽ phải rời bỏ nơi sinh sống” trong những năm sắp tới.

Những ảnh hưởng nghiêm trọng của sự biến đổi khí hậu đang xảy ra và có thể được dự phóng trong tương lai với sự xác thực. Nay đang có hàng loạt những nghiên cứu liên kết tình trạng biến đổi khí hậu với sự di cư. Ở Satkhira, một huyện ven biển trên đất nước Bangladesh, 81 phần trăm dân chúng đã phải kêu ca về tình trạng ngập mặn trên vùng đất canh tác của họ vào năm 2012, so với chỉ hai phần trăm hồi hai thập niên trước. Nông dân đã canh tác một giống lúa chống mặn khi cơn bão Aila đổ bộ vào đây hồi năm 2009, nhưng tình trạng tăng lượng muối trong đất trồng cấy đã thật sự có tác hại. “Hầu như mọi nông dân mất toàn bộ vụ thu hoạch của họ trong năm ấy”. Theo báo cáo về Tình trạng Mất mát và Thiệt hại của Viện Đại học Liên Hiệp Quốc, trong lúc nhiều nông dân tiếp tục sử dụng các giống lúa chịu đựng được độ mặn, có tới 29 phần trăm số nông dân quyết định di cư. Phải nhớ rằng nếu những người này cả gan vượt biên giới để vào Ấn Độ chắc chắn họ sẽ phải đương đầu với những hàng rào thép, và lính canh vùng biên giới Ấn Độ đã từng xả súng giết chết cả ngàn người Bangladesh.

Ở Kenya, các nhà nghiên cứu đến đây sau mùa lụt năm 2011 - xảy ra theo một hình mẫu của tình trạng tăng vũ lượng vốn kéo dài vài thập niên qua - đã cuốn trôi mùa màng, nhận chìm gia súc, hủy hoại nghiêm trọng nhiều nhà cửa và gây nên sự bùng phát của những chứng bệnh lây lan do nguồn nước ô nhiễm mang lại. Các hoạt động cứu trợ lập tức có mặt, nhưng chẳng thấm thía gì. Sáu mươi bốn phần trăm dân số phải di dời hay đến sống ở các trại tỵ nạn. Trận hạn hán ở dải đất phía Bắc xứ Gambia vào năm 2011 ảnh hưởng tới chín mươi tám phần trăm trong số 373 gia đình được phỏng vấn, phần lớn trong số họ mất toàn bộ vụ thu hoạch. Dân chúng cũng cố gắng tìm kiếm những nguồn thu nhập khác để mua thực phẩm. Họ bán tất cả mọi thứ còn có được trong một nền kinh tế không chính thức và đi vay. Và mặc dầu nhiều người vẫn thích được ở gần nơi ở cũ sau khi đã phải di dời và không tìm cách vượt biên giới quốc tế, những câu chuyện về cư dân của các xứ châu Phi đối diện với chế độ cưỡng bách ở vùng biên giới của châu Âu, thường được nhắc đến như Pháo đài châu Âu, thực sự là bất tận.

Những ước tính hiện nay về số người phải di cư vì biến đổi khí hậu có những khoảng cách quan trọng, và ước tính cao nhất cho rằng có thể có tới một tỷ người phải dời chỗ vào khoảng năm 2050. Cho dù con số cuối cùng có là thế nào đi nữa, điều đáng lưu tâm là hầu hết những người đưa ra những dự phóng ấy đều cho rằng việc di cư của loài người trong thế kỷ XXI sẽ là “điều gây choáng”. Cơ quan Di trú Quốc tế (IOM) duy trì mức dự đoán của họ là vào khoảng hai trăm triệu. Hiệp hội Vì sự Tiến bộ của Khoa học ở Hoa Kỳ dự đoán có năm chục triệu người phải chạy trốn môi trường sống của họ vào khoảng năm 2020. Như các sự kiện cho thấy, Honduras và nhiều xứ sở ở Nam bán cầu sẽ cung cấp cho những con số dự đoán ấy một cách đáng kể.

Harsha Walia đã viết rằng “… các mô hình chuyển dịch và di cư tiết lộ những mối quan hệ bất bình đẳng giữa giàu và nghèo, giữa Bắc bán cầu và Nam bán cầu, giữa người da trắng và các giống dân khác”. Vào lúc viếng thăm một ngôi trường dành cho người tỵ nạn ở Đức quốc vào tháng 5 năm 2015, một nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng là bà Angela Y. Davis đã phát biểu, “Phong trào tỵ nạn là phong trào quan trọng nhất của thế kỷ XXI. Đó chính là phong trào thách thức những hậu quả của chủ nghĩa tư bản toàn cầu, và đó cũng là phong trào đòi hỏi quyền công dân cho tất cả mọi con người”. Tôi cũng cả gan thêm vào đó còn là phong trào thách thức việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch cùng sự gây ô nhiễm của nó đối với sinh quyển. Có thể là trong khối người tỵ nạn và những kinh nghiệm của họ mà người ta tìm được câu trả lời cho các vấn nạn.

Michael Gerrard thuộc Trung tâm Luật về Thay đổi Khi hậu Sabin của Đại học Columbia đã nói với nhà báo chuyên về khí hậu Eric Holthaus như sau: “Tôi nghĩ rằng các quốc gia trên thế giới cần bắt đầu suy nghĩ đứng đắn về việc họ có thể tiếp nhận được bao nhiêu người [nhập cư]. Tình thế kinh hoàng hiện tại ở châu Âu chỉ là một phần những gì đang diễn ra do sự biến đổi khí hậu đã gây nên”. Gerrard lập luận trên một bài viết đối diện với bài xã luận trang nhất của tờ Washington Post rằng các quốc gia nên tiếp nhận số người theo tỷ lệ với lượng khí nhà kính mà các quốc gia ấy làm ô nhiễm bầu khí quyển. Chẳng hạn, từ 1850 đến 2011, Hoa Kỳ chịu trách nhiệm về 27% lượng khí carbon dioxide đã phát xạ, với Liên minh châu Âu là 25%, Trung Hoa 11% và Nga là 8% - như vậy, mỗi quốc gia nên bị bắt buộc phải tiếp nhận số lượng người tỵ nạn khí hậu tương ứng.

Thay vào đó, các nơi nói trên lại là những chỗ có ngân sách quân sự lớn nhất. Và đó cũng chính là những quốc gia ngày nay đang dựng lên những dãy tường biên giới cao ngất.

Nguyên tác: Climate Change and Its Staggering Refugee Crisis, Todd Miller. Tác giả: Todd Miller là một nhà báo hoạt động trong khu vực Tucson, thủ phủ hạt Pima thuộc bang Arizona (Hoa Kỳ). Trong hơn thập niên qua, ông chuyên viết về vấn đề biên giới và sự nhập cư giữa Mexico và Hoa Kỳ. Ông là tác giả của một số quyển sách nghiên cứu về lãnh vực nhập cư.

Nguồn: https://www.yesmagazine.org/issues/mentalhealth/climate-change-and-its-staggering-refugeecrisis-

20181017. Bài viết này được trích trong một tác phẩm mới của Todd Miller có tựa: Storming the Wall: Climate Change, Migration, and Homeland Security (Tạm dịch: Công phá tường thành: Sự Biến đổi Khí hậu, sự Di trú, và Nền An ninh Nội địa) do nhà xuất bản City Lights Books ấn hành năm 2017. Bài trích có mặt trên số Mùa thu năm 2018 của YES! Magazine.

Todd Miller | Lâm Hạnh Nhiên dịch | Văn Hóa Phật Giáo Số 309 15-11-2018

Nguồn: Thư Viện Hoa Sen

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.