Tu viện Giác hải - chốn già lam đầy ắp thi ca và huyền thoại

05/09/20186:36 SA(Xem: 4718)
Tu viện Giác hải - chốn già lam đầy ắp thi ca và huyền thoại
TU VIỆN GIÁC HẢI -
CHỐN GIÀ LAM ĐẦY ẮP THI CA VÀ HUYỀN THOẠI
 
Ngọn núi nhỏ Phổ Đà, còn được gọi là Núi Ông Sư, thuộc địa phận làng Xuân Tự, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh- tỉnh Khánh Hòa, cách thành phố biển Nha Trang khoảng 50 cây số về hướng Bắc, có hình thù của một “ông Tượng” nằm giữa một vùng mây nước hữu tình, tứ bề sơn thủy làng mạc bao bọc tạo nên một bức tranh phong cảnh bàng bạc thơ mộng và thiêng liêng ấm cúng

Vào năm 1956, Sư Viên Giác- pháp danh Tâm Trí, pháp hiệu Chiếu Nhiên, một môn đồ xuất chúng của Bích Không Đại Sư (tức Hòa thượng Thích Giác Phong)– sau nhiều năm hoằng pháp khắp các tỉnh miền Trung và cao nguyên, đã chọn nơi đây để tạo lập nên một chốn già lam thanh tịnh mang tên Giác Hải. Tu viện mang một hình hài mộc mạc, kiến trúc đơn sơ, không nguy nga tráng lệ, không đồ sộ cầu kỳ, nhưng hiển hiện giữa một vùng hoang sơ thanh vắng vào thời điểm đó, đã nghiễm nhiên trở thành một danh lam của xứ trầm hương Khánh Hòa. Đặc biệt nhất là Điện thờ Quan Âm Nam Hải được kiến tạo ngay trên đỉnh núi, bên trái phía sau ngôi chánh điện, với thánh tượng Bồ tát bằng thạch cao trắng muốt đứng nhìn ra hướng Đông có vịnh Vân Phong biển xanh biên biếc, mênh mang mây trời, đã đi vào huyền thoại với bao câu chuyện linh ứng nhiệm mầu… Năm 1972, bên chân tượng của Đức Bồ tát Quán Thế Âm, Sư Viên Giác đã ra đề thơ cho Nữ sĩ Tâm Tấn cảm tác, và thi phẩm “Giác Hải đêm huyền” được ra đời:

“Hải Đăng trăm ánh… ngoài khơi sâu lấp lánh Phò Nguy
Tinh Tú huyền vi… đêm tỏa sáng đường đi Cứu Khổ
Sóng Nam Hải run run nép sợ
Mây Phổ Đà nín thở, cúi đầu
Ngày… chim thuần lý ngàn câu
Gió hòa Pháp ngát nhiệm mầu mười phương
Đêm… hoa cây cỏ nhuần sương
Thấm trăng Phổ Độ, ướp hương Đại Từ.
Khi hướng thượng gồm thu Tịnh Pháp,
Hạnh Từ Bi sáng khắp linh tòa
Quán Âm muôn vạn sát –na
Soi đèn Trí Huệ, châm hoa siêu phàm;
Khi hạ hóa Bi vang sấm động
Phủ hạnh Từ chiếu rộng mây lành,
Cảm thương tiếng khóc nhân sinh
Ba-mươi-hai ứng Thân… hành Nguyện chung.
Ban uy lực vô cùng vi diệu
Hải Triều Âm… nhạc diệu siêu linh
Nhành Dương dập lửa vô minh
Cam Lồ một giọt muôn hình hoàn sanh.
Niềm suy tưởng long lanh Tinh Tú
Trăng hào quang mơ phủ lên đầu!
Không gian thoáng hiện vòng cầu
Nhập miền linh giác quy hầu Phổ Môn”

Bài thơ sau đó được lưu truyền trong giới Phật giáo, đã được chư Tăng Ni, cũng như những Phật tử yêu văn chương thi phú tán thán, nhất là hai câu: “Sóng Nam Hải run run nép sợ; Mây Phổ Đà nín thở, cúi đầu”, như một câu đối tuyệt diệu để tôn kính ngợi ca vẻ uy nghiêm thánh thiện của một vị Bồ Tát được cư dân ở khắp các miền biển, ở những làng chài chạy dài theo miền duyên hải của đất nước bao đời thờ phụng quy kính… 

Huyền thoại về chốn già lam Giác Hải thì có rất nhiều, đã lưu truyền trong dân gian, và đi vào cả thi ca, sử sách, trong đó còn có câu chuyện về giếng nước trong vắt được đào sâu vào lòng núi đầy đá cứng đất khô…

“Vạn Ninh có núi Phổ Đà
Có chùa Giác Hải, có tòa Quan Âm
Non Vô Thượng, Giếng Thậm Thâm
Quên mùi tục lụy, cõi lòng hân hoan!”

Đó là bài thơ rất ít ai được biết là của chính Cư sĩ Tôn Thất Tán ở Nha Trang thường hay ra Vạn Ninh làm Phật sự đã hạ bút cảm tác, hai câu đầu “thi phẩm tứ tuyệt” này đã được truyền khẩutrở thành ca dao địa phương, bất tử với thời gian

Lần giở các cuốn địa chí Khánh Hòa như “Xứ Trầm Hương” của Quách Tấn, hay “Non Nước Khánh Hòa” của Nguyễn Đình Tư, đều thấy có nhắc đến ngôi chùa huyền thoại nằm bên vịnh Vân Phong hình bán nguyệt xanh biếc này. Bao thi nhân vãn cảnh sinh tình, hết người này lưu bút, đến vị khác đề thơ:

“Viếng cảnh Xuân Sơn yết Phật đài
Xa lìa bể khổ, sạch trần ai
Núi mây ba phía êm đềm nhỉ
Thiền viện mấy tòa đẹp đẽ thay!
Nói Pháp giảng kinh luôn sớm tối
Hồi chuông gầm sóng suốt đêm ngày
Khen ai khéo chọn nơi tu dưỡng
Độ được mình, thêm độ được người!”
(Mai Phong)

Hay bài thơ xướng: 

“Phổ Đà có phải cõi Tây Thiên
Tượng núi Quan Âm phép diễm truyền
Đá hãy gật đầu si tánh Phật
Hạc còn quỳ gối trước hài Tiên
Trăng mây Biển Giác nên câu kệ
Mượn nước Sông Nha rửa tấm phiền
Là giống hữu tình đâu chẳng gặp
Tu hành e cũng có căn duyên!”
(Đào Chi Tiên)

Và, chính Sư Viên Giác đã hạ bút họa lại:

“Chính đây, phải lắm, cảnh Tây Thiên
Thắng tích danh lam tự cổ truyền
Đế Thích hằng lai chiêm Thọ Phật
Quán Âm thường hiền độ Na Tiên
Xưa nay Biển Giác ly câu kệ
Sẵn nước Ma Ha chẳng não phiền
Thanh tịnh một mầu, đâu dễ gặp
Ngậm vành trăng sáng cũng tùy duyên!”

Hòa thượng Thích Viên Giác là một vị cao tăng đạo hạnh đã đóng góp nhiều tâm huyết trong công cuộc chấn hưng, bảo vệhoằng dương Phật pháp. Trước khi khai sơn lập tự Tu viện Giác Hải, Ngài đã từng đảm đương chức vụ Giám đốc Phật Học Đường Khánh Hòa đồng thời trụ trì chùa Hải Đức ở Nha Trang(1954), cùng chư Tôn Đức thành lập Phật Học Viện Trung Phần từ chùa Hải Đức (1956), thành lậpđiều hành trường Bồ Đề Tuệ Quang (Đà Lạt), lập trường Phật học cho Tăng sinh tại Tổ đình Linh Sơn (Vạn Ninh). Sau Pháp nạn năm Quý Mão(1963), Ngài giữ chức Thư Ký Tổng Vụ Hoằng Pháp trực thuộc Viện Hóa Đạo, rồi về giảng dạy tại Phật học viện Trung phần và Ni viện Diệu Quang (Nha Trang). Là một tăng nhân yêu văn chương thi phú, trong thời gian dài về sau này, Ngài không chỉ chuyên tâm dịch kinh, trước tác nhiều tác phẩm quý giá, mà còn sáng tác những thi phẩm mang đậm giáo lý Phật Đà. Kinh sách Ngài để lại cho đời gồm: Từ Bi Đạo Tràng Sám Pháp, Đại Thừa Kim Cang kinh luận, Phẩm Phổ Môn, Quan hệ tư tưởng, Tìm hiểu Quán Thế Âm Bồ Tát, Lịch sử phong cảnh chùa Giác Hải, Khuyên niệm Phật (tập thơ)… Vào sáng ngày 14 tháng 7 năm 1976 (Bính Thìn), Ngài thâu thần thị tịch ngay tại chùa Giác Hải, hưởng thọ 65 tuổi đời, 28 hạ lạp, được chúng đệ tử an táng và xây bảo tháp thờ phụng nghìn thu trên triền đồi gần bên Điện Quán Thế Âm linh thiêng huyền thoại. Trên tấm bia của một mặt bảo tháp, còn lưu khắc thi phẩm “Hướng về Thầy” của Thích Tịnh Từ, một thi nhân đệ tử của Ngài:

“Giả thân Thầy đã xa rồi
Tinh anh còn đó bên đồi tịch liêu
Lắng nghe mõ sớm chuông chiều
Bâng khuâng hải đảo, sóng triều lặng yên
Buồm ai ngược gió chèo thuyền
Qua bờ giác ngạn, vượt miền trầm luân
Lời Thầy con trẻ gọi nhuần
Đức Thầy lưu hiện ma quân quy đầu”

Từ sau khi Sư Viên Giác viên tịch đến nay, đệ tử của Ngài là Thượng tọa Thích Tịnh Diệu, đã cùng với sư huynh đệ đồng môn từng bước trùng tu lại ngôi chánh điện, điện Quan Âm Nam Hải, cổng tam quan, tường rào bao bọc, kiến thiết thêm nhiều công trình mang đậm nét nghệ thuật như nhà chuông, tượng đá… hòa cùng với cây cảnh đủ sắc màu, tạo nên một chốn già lam thắng tích danh bất hư truyền… 

Về với Tu viện Giác Hải hôm nay, cảnh cũ người xưa đã biến đổi rất nhiều, vườn thiền cảnh tịnh luôn rộng mở đón đưa lữ khách thập phương ra vào trong không khí im ắng trong lành. Từng bước chầm chậm lên những bậc tam cấp lặng im giữa các cặp sư rồng nghinh chầu, đứng ngắm nhìn nụ cười đầy hỷ lạc của bức tượng Di Lặc Tôn Phật bằng đá phía trước chánh điện, vào trong một sảnh đường ngắm nhìn “Bản kinh Phẩm Phổ Môn” được viết tay trên giấy khổ rất lớn lồng trong khung kính treo trên vách (có thể là một kỷ lục của Phật giáo Việt Nam chưa được phát hiện và xác lập), lững thững vòng ra khoảnh sân rợp bóng mát để chiêm bái hình tượng Thủy Nguyệt Quan Âm ngồi trên phiến đá nhìn trăng trong nước với phong thái ung dung thanh thoát, xuống lại đến sân dưới dừng chân trước hai gốc me cổ thụ già vài trăm tuổi, hay bước vào đứng giữa gốc xoài nhiều nhánh tỏa vươn lên cao như những cánh tay của thánh nhân khổng lồ; lang thang ra phía trước ven theo dãy tường rào để bắt gặp một hồ nước rộng thênh có tung tăng cá lội, nếu hữu duyên thì được leo ngồi trên chiếc thuyền con, tự tay cầm mái chèo quẫy nước ra đến một ốc đảo nho nhỏ giữa hồ để bái lễ thánh tượng Quan Âm Nam Hải và Thiện Tài Đồng Tử, đó chính là pho tượng Quán Thế Âm mà thuở khai sơn lập tự từng an vị trên đỉnh núi đã được dời xuống với cảnh mới chẳng khác nào tiên cảnh bồng lai… Trở vào lại bờ, qua một lối đi nhỏ trải đầy những cánh hoa phượng đỏ au, vượt lên con dốc được màu xanh cây lá bao phủ bên trên để đến trước Nam Hải Quan Âm Đại Điện uy nghiêm trầm mặc… Đứng nơi đó, quay nhìn về hướng mặt trời mọc, một bức tranh thiên nhiên thủy mặc tuyệt mỹ với non nước biển thuyền của vịnh Vân Phong hiện ra trước mắt, mênh mang trời xanh mây trắng, lồng lộng gió mát hương loang, lữ khách ắt sẽ thấy hết muốn trở về với “sơn hạ hồng trần hung mãn mộng” (dưới núi bụi hồng đầy mộng dữ)… Cuối năm 2001, lặng lẽ về nơi xưa chốn cũ, Nữ sĩ Tâm Tấn đã đứng nới đó, lòng rung cảm xúc, ý thơ tuôn trào, để rồi lưu lại thi phẩm “Thăm lại chùa xưa” vào kho tàng thi ca của chốn già lam huyền thoại này:

“Quanh Điện Các non trùm uy lực
Trước Ngôi Thiền biển trải Đại Bi
Ngắm Vịnh Vân Phong, nhớ bóng Thầy
Ngày xưa… vin gậy ngắm trời mây
Câu Thơ phá Thạch, Thơ xưng tán
Ý Đạo khai Sơn, Đạo hiển bày.
Chấp Pháp danh môn hàng kế thừa
Truyền lưu thông tuệ bậc Uyên ưu
Triền non Tháp Tổ tờ mây trải
Trăng Bút Lăng-Già ấn Sử xưa…”

Và, còn nhiều hơn như vậy nữa. Nếu hữu duyên đến vãn cảnh Tu viện Giác Hải, chúng ta sẽ nhận ra một điều: chính chốn già lam đầy ắp thi ca và huyền hoại này đã là một bài thơ bất tuyệt không cùng, đâu cần phải viết ra văn tự…

blank
blank
blankblankblankblankblankblankblankblank
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
26/01/2022(Xem: 3161)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.