Gửi em - người tu sĩ trẻ

22/01/20174:00 SA(Xem: 36368)
Gửi em - người tu sĩ trẻ

GỬI EM - NGƯỜI TU SĨ TRẺ 
Giác Minh Luật

 

Giác Minh LuậtEm bảo: - Em nghe sư anh nói là khi đi tu mình sẽ được thong dong, nhàn hạthảnh thơi mà sao từ ngày em xuất gia tới giờ, em chỉ thấy toàn là áp lực lẫn buồn lo hoài vậy. 

Em nói tiếp: - Ở chùa mấy sư chị hổng có thương em, bắt em phải tự làm đủ thứ chuyện như giặt đồ, nấu ăn, rửa chén, quét dọn, hương đăng, quần quật cả ngày - nói chung là đủ thứ chuyện trên đời á. 

Chán quá đi thôi! 

Em thở dài rồi nói tiếp: - Em thấy chả có thong dong gì cả, khi đi đâu em cũng phải xin phép, khi về em cũng phải trình thưa, đến khi muốn đi đâu mà ngủ lại qua đêm một chút thì dường như là điều không thể. 

Tôi thấy bên trong từng câu nói của em là sự mệt mỏi và chán chường. 

- Thế rồi em tính sao - tôi nói.  

- Thì em phải ráng chứ sao, vì em đã lỡ xin ba mẹ đi tu rồi, mà giờ hoàn tục thì chắc chết, giang hồ coi ra gì, rồi còn mắc mặt với hàng xóm và ba mẹ em sẽ sầu khổ, bạn bè cười chê mắc cỡ lắm, tại hồi đó em thường giảng pháp cho tụi nó nghe á - em nói như muốn khóc. 

Tôi đợi em vơi bớt đi nỗi sầu thương rồi tôi nói tiếp: 

- Em ạ, em có khi nào hỏi các sư chị là hồi xưa các sư chị đi tu làm tiểu Ni thì các sư chị có làm như em bây giờ không? Thì tôi tin chắc với em là các sư chị đều phải cực như em và có khi còn hơn em nữa để gầy dựng nên mái chùa mà cho em xin vào để an tâm tu học như hôm nay. 

- Còn ở nhà, em được ba mẹ thương yêu, đồ em mặc em cũng được mẹ giặt cho, thức ăn em ăn cũng được mẹ nấu, cơm em ăn không hết em cũng có thể bỏ đi, đến khi em bệnh cũng có mẹ đi mua thuốc về cho em và canh mỗi đêm khi em sốt.

Nhưng...

- Em ơi! Cuộc sống xuất sĩ thì luôn là điều ngược lại em ạ, thong dong, nhàn hạ hay thảnh thơi là không phải em chỉ ngồi chơi và không làm gì cả hay em muốn đi đâu thì cứ xách ba-lô lên và đi như em nghĩ. Mà thong dong của người tu là em phải thong dong trong công việc, trong cử chỉ và từng lời em nói. Em thong dong khi thoát khỏi ràng buộc của chồng con, tiền tài, danh lợi mà người đời phải thường khổ tâm nhiều vì nó. 

- Em đi tu là em phải gánh trên vai với muôn vàn trách nhiệm thiêng liêng của cuộc đời, của xã hội, em phải phụng sự, phải hy sinh và phải sống thật hạnh phúc. Mà để có được những điều đó thì em phải làm, phải nỗ lực hơn người và phải tự khép mình trong chốn già lam để học từ những bài học của sự cam nhẫn và chịu thương chịu khó

Để mai này lớn lên em mới trở thành những cội cây Bồ-đề vững chắc có bóng mát thật cao và thật lớn thì mới đủ sức để chở che cho chim muôn bay về làm tổ chứ. Em hỉ. 

- Em nè! Em có coi mấy bộ phim của Trung Quốc không, khi muốn có được võ công thâm hậu thì họ thường phải ẩn mình vào trong hang động hay rừng sâu để luyện công trước khi bắt đầu xuống núi. Thì em bây giờ cũng thế, như cành mai non của đầu xuân mới, em phải tập trải qua cái giá lạnh, mưa bão của mùa đông dài dặt đen tối, để chớm xuân trổ lá, kết hoa... Cho nên người ta quý hoa mai không phải vì nó đẹp, mà vì nó được tích tụ từ nỗi giá lạnh, giông bão vùi dập mà không hề nao núng; để mở sáng một mùa xuân ấm áp, hạnh phúc cho con người.

- Em có biết hai câu thơ này chứ: 

 "Chẳng phải một phen xương lạnh buốt

Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương". 

Và em hãy thuộc lòng nó, để lấy đó làm động lực nha em. 

Người ta quý mình không phải chỉ vì mình đẹp, mình xinh đâu em ạ vì bước ra đường là họ đã thấy người đẹp hơn mình rồi, nên họ quý mình khi mình là người sống có lý tưởng thanh cao bình dị, sống vì người, vì đời, biết chịu thương, chịu khó và đang đi trên con đường của những người nguyện sống đời tỉnh thức

Tôi kể cho em nghe chuyện này: 

- Hồi đó khi còn là chú tiểu, tôi được một cô Phật tử thương, nên khi có dịp mua cho con trai của cô con Gấu bông nhân dịp sinh nhật, cô lại mua thêm cho tôi một con để mang vào chùa cúng dường, thích lắm nên đêm nào tôi cũng ôm Gấu ngủ với giấc ngủ ngon lành. An lạc lắm. 

Nhưng rồi - một buổi sáng nọ, khi Thầy của tôi vào thăm phòng và phát hiện. Thầy rầy:

- Đi tu rồi mà còn Gấu với Mèo. 

Kết quả là tôi bị quỳ hương đến chai hai cái đầu gối, lúc đó tôi cũng thầm trách Thầy như sư em trách các sư chị vậy, tôi bảo: 

- Con còn nhỏ mà, con ôm Gấu chút xíu có sao đâu. Tại sao con của cô Phật tử có Gấu mà con thì không, bất công quá vậy, ở ngoài đời là con kêu mẹ mua cho 10 con Gấu luôn ôm cho bỏ tức. Hu hu! Rồi tôi khóc một cách ngon lành. Nhìn mếu máo, dễ thương lắm. 

Tôi xin lưu ý với em rằng, tôi trách thầm thôi nha, chứ nói ra bằng lời là chắc: "Đây hành lý anh mang - tay cầm cương dắt ngựa - nhìn ngắm trời cao chập chùng - Lòng lo lắng không yên". 

Nhưng sau này tôi học được bài học đó từ Thầy  cho đến nay đó em. Chắc em đã hiểu. 

Nên thôi em nè! Thay vì em trách các sư chị ăn hiếp em, hay này nọ với em, rồi tại sao chùa thế này thế nọ, thì em hãy tập trách mình là chưa đủ tươi mát và dễ thương để các sư chị thương. 

Mà thật sự các sư chị thương em lắm, vì em còn nhỏ mà biết đi tu giống như các sư chị hồi xưa thì làm sao mà không thương cho được, các sư chị không trách hờn gì em đâu chỉ qua là đang dạy cho em bài học làm người và cách sống thanh đạm, khép mình và vững chãi

Khi em đã đủ vững chãi rồi, thì các sư chị cũng chẳng bận tâm gì cái chuyện nhắc nhở em nữa đâu. Em hỉ. 

Nên em mà chuyển hướng từ suy nghĩ tiêu cực sang tích cực một chút thì tự nhiên em sẽ thấy hạnh phúc liền, em sẽ thương các sư chị, thương Thầy và thương chùa, thương đời sống thanh cao của người xuất sĩ vô cùng

Rồi em hạnh phúc, em bình an thì tự nhiên em sẽ gửi trao được năng lượng bình an đó cho ba mẹ và gia đình em ở nhà, họ sẽ tự cảm nhận được đó, và sau này em lớn lên năng lượng bình an đó sẽ theo em mãi và ngày càng nhân rộng lên nữa để ai đến gần em cũng đều cảm thấy tươi mát và bình an lắm - khó hiểu lắm. 

Đứng dậy và làm tất cả mọi việc, cái gì cũng để em học cả, học nấu ăn, học quét sân, học giặt đồ, học dậy sớm, học cái quần quật cả ngày mà hoan hỷ, chứ không chỉ học trong kinh điển thôi đâu mà còn trong lúc em ngồi rửa chén một mình trong bóng đêm và nước mắt. Hì hì. 

Em thấy sao rồi - tôi nói mà sao em im ru vậy. 

- Thì em đang nghe sư anh nói mà. Sư anh nói đúng mà. 

Vậy giờ em còn muốn hoàn tục, hay còn sầu khổ gì nữa không? 

- Dạ, không. Em sẽ tập sống thật an lạc ạ. Em thương chiếc áo lam em đang mặc, em thương ba mẹ ở nhà, thương các sư chị ở chùa và luôn mái chùa thân thương mà em đang sống. 

Ừ, vậy tôi vui rồi. Khi nào em vào Nhà Vệ Sinh đóng cửa ngồi khóc một mình trong lén lút, thì nhắn tin cho tôi nữa nha. Tôi sẽ đọc cho em nghe hai câu thơ: 

"Chẳng phải một phen xương lạnh buốt
Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương". 

Và ngược lại. 

- Hả - Em hả một cái làm tôi hết hồn. 

Thôi! Chào sư em nha, ngồi Tâm sự một hồi bị rầy nữa bây giờ. 

- Đi tu rồi mà ngồi đó Tâm với Sự. Hì hì. Mấy sư chị này! Khó tính quá. 

 Giác Minh Luật 

 

Liên hệ thỉnh sách "Chú tiểu Pháp Đăng" tại: Nhà sách SIÊU THỊ PHÁP HOA. Địa chỉ: 64/3 Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình ĐT: (08) 3845 1428 (trong khuôn viên chùa Phổ Quang).

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
21/01/2018(Xem: 20241)
12/10/2016(Xem: 18187)
26/01/2020(Xem: 10684)
12/04/2018(Xem: 18951)
06/01/2020(Xem: 9688)
24/08/2018(Xem: 8462)
12/01/2023(Xem: 2808)
28/09/2016(Xem: 24143)
27/01/2015(Xem: 23441)
11/04/2023(Xem: 2049)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.