Trên những trang kinh

19/10/20174:01 SA(Xem: 6141)
Trên những trang kinh

TRÊN NHỮNG TRANG KINH
Nguyễn Xuân Chiến

 

song huong1.- BÊN TÊ DÒNG SÔNG

Dòng sông Hương tách hai, một nhánh chảy xuôi xuống Bao Vinh, còn nhánh kia chạy vòng quanh Cồn Hến. Bên tê dòng sông có một xóm nhỏ đi vào một vùng hẻo lánh, bề ngang rất hẹp chỉ vừa cho một chiếc xe đạp chui lọt. Gọi là xóm nhỏ bởi vì không bao giờ có tên, xung quanh còn là nhà quê rất hoang liêu, tịch mịch - mặc kệ phố phường sầm uất của vùng thị tứ bên này.

Đây, chốn về của những người lãng quên thế sự buồn vui, đến nỗi ít ai lai vãng. Chỉ nghe thấy  tiếng chim kêu rinh rích, trên mái đình làng đầy bụi, tiếng sột soạt của trăm ngàn bụi tre trộn lẫn mùi hương cau thoang thoảng, mùi cỏ tươi hăng hắc lẫn mùi rạ khô chan hòa gió sông thổi vào nhè nhẹ, phơn phớt trên vai người .

Nhà người tôi yêu thuộc loại mái tranh, vách bằng phên trét phân trâu, ngó ra cánh đồng ruộng bao la lấp loáng dưới ánh mặt trời trong sương sớm. Ánh nắng ban mai thủng thẳng buông xuống vạt ruộng những tia nắng hào sảng. 

Tôi đứng bên hàng giậu mồng tơi, và những cây cỏ dại, đang hân hoan với nỗi niềm của người khách lạ không buồn gọi cửa, bởi vì biết chắc Nàng sẽ không bao giờ trở về, trong một chốc, hoặc một hai giờ hay hai mươi năm.  

Nàng thường cư ngụ trong gian nhà mà tôi đang đứng đơn độc ngó vào. Đã mấy mươi năm thay đổi chủ lắm lần, dưới bánh xe lởm chởm của thời cuộc vô thường. Hình như nàng theo gia đình vô Saigon tự hồi nào và để lại mình tôi đang phiêu du với những trang kinh phảng phất mùi giấy cũ – họa chăng hình bóng nàng ẩn hiện giữa nhớ tưởng mông lung.

* * *

Dạo ấy, tôi chỉ là chàng thanh niên mười tám tuổi, đang học lớp 12 trường Quốc Học.

Ai cũng có một thời mười tám như vậy. Là thơ tràn đầy gối mộng. Tôi chỉ chép những bài thơ thích ý trên những cuốn vở giấy đẹp nhất hồi đó. Chép xong, không cần học vẫn thuộc lòng. Còn gối mộng? Gối làm chi sắm nổi – nhà chỉ có mấy tấm chăn mền, mùa đông dùng chống rét, mùa hè cứ xếp lại thành những cái gối để kê đầu. Nhà nghèo thì phải vậy thôi, cho nên từ ngữ “gối mộng” không bao giờ hiện hữu trong tôi!

Mười tám là tuổi của ăn, học và tối đến học bài xong, lăn ra giường đánh một giấc tới sáng chẳng có tí ti mộng mơ còm cõi nào. Nói rứa mà không phải rứa. Từ khi gặp Nàng thì tâm hồn và cuộc sống bỗng đổi khác. Tôi không còn là tôi nữa và tuổi mười tám đã trở thành tuổi đang yêu.

Thật mà. Tôi đang yêu, nghĩa là… si mê, rứa thôi!

          * * *

Chiều hôm ấy, lúc qua khỏi cầu Trường Tiền, tôi cùng thằng Tân đạp xe vòng quanh để lên Thượng Tứ, bất ngờ gặp một người con gái rẽ phải để về Đông Ba. Ôi, dáng dấp và khuôn mặt làm tôi choáng váng. Ngất ngư. Bải hoải. Rộn lên trong lòng một cái gì không thể diễn tả được. Và, tôi phải rủ thằng Tân đi theo Nàng, tức là đạp xe ngược lại hướng trở về của mình.

Hai đứa đi theo Nàng qua khỏi cầu Gia Hội, rồi rẽ về phía Bạch Đằng. Đụng cây cổ thụ bồ đề rồi, mà vẫn chưa tới nhà Nàng. Tân càm ràm: “Răng mà xa ghê. Nhà ở chi mô mà xa xề ngái ngút. Thôi, cua gái chi mà cực nhọc quá, e tau phải về thôi!”

Tôi năn nỉ:

- Kệ, ráng đi cùng tau thêm chút nữa mà!

Rồi qua khỏi đình làng Thế Lại vẫn không có dấu hiệu Nàng sắp tới nhà. Bàn dân thiên hạ thử xem: Phía trước là một cô gái áo dài trắng đạp xe thủng thẳng, phía  sau là một hai thằng nhóc vô cùng kiên nhẫn chỉ biết tửng tửng rượt theo.

Hết đoạn đường rải nhựa rồi đến đường đất gồ ghề toang hoác sỏi đá mà vẫn chưa tới nhà Nàng. Ở chi mà xa rứa hè? Đột nhiên Nàng bỗng biến mất như cô gái liêu trai. Tôi chưng hửng.

Sau phút bối rối lăng quăng, tôi sực nghĩ ra rằng, chắc Nàng quẹo vô một cái xóm nào đó vì Nàng là nữ sinh Đồng Khánh chứ đâu phải là ma. Ban ngày ban mặt đâu dễ biến hình nhanh quá vậy? Quả nhiên đoán đúng. Nàng rẽ vào đường xóm không tên, mà xóm không có tên thì ở Huế biết hàng triệu cái xóm như vậy, ai mà kiếm cho ra?

Tôi lò mò ngó quanh, ngó lui ngó tới. Chắc xóm này đây và ráng đem hết can đảm đạp xe vào xóm. Giây lát hai đứa đã tìm ra nhà Nàng, chẳng thua chi ông Kha luân bố tìm ra châu Mỹ có sung sướng cho bằng bọn tôi kiếm được nhà Nàng.

Hai thằng kín đáo đứng trước nhà nàng, thấy một chiếc xe đạp dựng bên cây trứng cá sát hiên nhà. Nhà nghèo thiệt sự với mái tranh, vách phên bằng cứt trâu. Tụi con nít mấy đứa chừng chín mười tuổi đang chơi đùa trong sân rợp bóng cây, cuối vườn là cái giếng nước, còn Nàng chắc là đang vào phòng thay quần áo

Nhìn qua khung cảnh này, người ta dễ đoán ra lý lịch của Nàng.

2.- NÀNG ĐưA TÔI ĐẾN CHÙA

Cuộc tình nào cũng lắm công phu. Vất vả. Đổ mồ hôi. Hao phí sức lực và tốn ca-lo-ri quá chừng. Bắt đầu hôm ấy, sáng nào tôi cũng dậy sớm để mời mọc thằng Tân đi qua bên tê dòng sông để đưa nàng đi học. Nói rằng “đưa nàng đi học” cho có phong cách cua gái, chứ thật ra, bọn tôi chỉ đứng ở đầu xóm và chờ nàng đi ra và rồi cứ… tà tà đạp xe theo đuôi cho đến trường Đồng Khánh. Rồi thôi. Tôi và Tân vào ngôi trường toàn là đực rựa. Trưa tới giờ tan học, hai đứa tôi lại kè kè đi theo cho đến tận đầu xóm nhỏ. Rồi thôi. Tôi về nhà và luôn mộng tưởng, nhung nhớ tới nàng.

Đó là tình yêu, phải rứa không?

Tôi không biết. Qua khả năng điều tra cự phách của thằng Tân, bạn học cùng lớp, tôi mới biết nàng tên Bưởi, Lê Thị Bưởi. Đang học lớp 11 Đồng Khánh. Tôi nhớ bài thơ Buồn Trăng của tác giả Xuân Diệu có hai câu thơ cực kỳ lãng mạn mà tôi hay ngâm:

“Ngẩng đầu ngắm mãi chưa xong nhớ, 
Hoa bưởi thơm rồi: đêm đã khuya”

Hàng ngày tôi vẫn đưa đón và nàng có thể biết nhưng giả vờ như không. Cũng có vài lần đi ngược chiều, nàng và tôi “đụng mặt nhau”, tôi chỉ nhìn chăm chăm vào khuôn mặt rạng rỡ, sáng rực màu tinh khiết của hoa bưởi, và chẳng biết nói gì. Nàng thì lặng lẽ như người câm, rồi nghếch mặt nhìn qua ngả khác, xem như không bao giờ thấy mặt thằng thanh niên đang khờ khạo, điên cuồng vì mình.

Thằng Tân có lần xúi dại:

- Mi làm liều thử níu xe đạp, gặp Bưởi và tỏ tình xem sao.

Tôi ngu ngơ hỏi:

- Tỏ tình là mần răng? Tau không biết, lỡ gặp Bưởi tau sẽ ăn nói như thế nào nữa…

- Hừm, cái thằng nhát gái như rứa thì thôi! Tau làm quân sư quạt mo cho mi, rứa mà cũng đành bó tay!

Mấy tuần lễ sau, thằng Tân thông báo một tin động trời: Bưởi chuẩn bị đi tu, tức là xuất gia!

Rụng rời! tôi hỏi hắn:

- Răng mi biết?

Hắn toe toét:

- Chủ nhật nào tau cũng thấy Bưởi mặc áo lam, đi chùa Từ Đàm tụng kinh, chắc là chuẩn bị đi tu, tức là sắp làm ni cô thì phải!

- Bậy nà! Đi chùa tụng kinh ngày chủ nhật là chuyện bình thường của Phật tử, ăn thua chi đến việc xuất gia? Hừ, chắc tau cũng phải gồng mình lên chùa Từ Đàm tụng kinh với Bưởi, cho cô ta ngạc nhiên chơi!

Thằng Tân vỗ tay la lớn:

- Phải chơi đẹp mới đã đời. Chủ nhật tới đây, tụi mình bắt đầu đi chùa…!

          Tuổi trẻ thường ngông cuồng như vậy. Nàng đi chùa, mình cũng đi theo. Nàng tụng kinh, mình cũng tụng kinh theo. Có chi mà sợ?

          Và cô Bưởi thật vô cùng bỡ ngỡ, kinh dị khi thấy hai chàng trai thường ngày cứ đạp xe rò rò theo mình, giờ đây lại ngồi xếp bằng phía  sau lưng mà tụng niệm dõng dạc theo tiếng mõ có vẻ thành tâm lắm. Nhưng cô cứ lặng thinh xem như hai thằng quái này bày trò cho vui chứ không thể nào biết tôi đang yêu nàng.

          Lần đầu tiên bước chân vào điện Phật, hai chân tôi run run sắp quỵ xuống, và lòng dâng lên một cảm giác kỳ lạ. Nhất là mình đến với đức Phật không phải bằng sự thành kính vốn sẵn nơi một người Phật tử mà một nguyên cớ không được thánh thiện cho lắm. Tất cả chỉ vì một cô gái tên Bưởi. Mong rằng, đức Phật vẫn từ bi khoan dungchấp nhận hết thảy.

          Người mà bọn tôi gặp ở chùa Từ Đàm là một người cực kỳ dễ thương. Quần chúng gọi là Chú Quang. Khi tôi run run thưa:

          - Thưa thầy, chúng con muốn vào chùa tụng kinh, thì phải mần răng?

          Tức thì, người đàn ông mặc áo dài màu lam, cười rất tươi:

- Không có thầy bà gì ở đây cả. Tôi là chú Quang, Lê Quý Quang, lo việc coi sóc đạo tràng Pháp Hoa này.

          - Dạ, tụi cháu muốn tụng kinh thì phải làm gì bây giờ?

- Tụng kinh Pháp Hoa hả? Rất hoan nghênh! Sẵn sàng chào đón các cậu! Đi chùa lần đầu hả? Có áo tràng chưa? Không có cũng chẳng răng hết. Miễn có tâm là được. Tôi hứa là sẽ tặng hai cậu mỗi người một cái áo tràng. Đức Phật không buộc  ai phải mặc áo tràng. Áo tràng chỉ là hình thức. Quan trọng nhất là chuyên trì tụng kinh Pháp Hoatìm hiểu ý nghĩa thâm sâu của kinh, để khai, thị, ngộ, nhập Phật Tri Kiến!

          Rồi chú Quang đem hai đứa vào chánh điện để hướng dẫn cách lạy Phật và cách thức tụng sao cho đều đặn, đỡ mất hơi sức. Lời nói ngọt ngào và cử chỉ thân thiện của chú Quang đã làm chúng tôi không còn rụt rè, sợ sệt. Té ra, những người tu hành thực sự đều dễ mến, dễ gần gũi như ri. Biết vậy, mình đã tự nguyện đi chùa tụng kinh từ khuya, đâu cần phải qua cô Bưởi thì mình mới đến chùa như hôm nay!

          Tôi bắt đầu quý mếntrân trọng đức Phậtđức Phật phải là bậc thế nào để xuất sinh ra những người đệ tử đáng kính như ông Chú Quang? Tôi nẩy ý định tìm hiểu Đạo Phật và luôn cả đức Phật ngay từ lúc ấy.

          Phải ngồi trong hai tiếng đồng hồ mới tụng xong một quyển của bộ kinh Pháp Hoa gồm 7 quyển. Thằng Tân kêu trời vì mỏi chân nhức lưng chịu không nổi. Tôi may mắn trước đây mượn được cuốn sách Yoga thực hành và cuốn Đông phương huyền bí, đem ra nghiền ngẫm luôn, nên khi học bài hay đọc sách, tôi đều ngồi theo tư thế kiết-dà, thẳng lưng, nên cảm thấy ngồi lâu tụng kinh là chuyện mình chịu được. Bởi vì chẳng hiểu kinh nói cái gì và nghĩa lý ra sao, nên tôi ban đầu chưa cảm nhận ý kinh. Vì không cảm nhận ý kinh, cho nên tôi chưa thích thú khi đọc tụng. Chắc phải nhờ những người như chú Quang giải thích xem sao.

          Thằng Tân ca thán:

          - Tau cứ đọc theo tiếng mõ, hết chữ này đến chữ kia mà chẳng hiểu cóc khô chi hết. Ê, thằng kia! Chắc lần sau không đi tụng nữa. Mệt mỏi quá rồi.

          Tôi làm bộ vỗ về:

          - Chậc, vạn sự khởi đầu nan. Tụi mình ráng tụng vài bữa chắc sẽ quen dần thôi. Mi xem, con gái, bà già mà còn chịu nổi huống chi bọn thanh niên như tụi mình?

          Hắn bỗng trở nên lớn tiếng, giận dữ:

- Mi đừng bày đặt động viên, khuyến khích tau nữa. Tau nói không là không! Mi cua gái chớ đâu phải là tau?

***

3.- KINH PHÁP HOA VÀ… NÀNG!

Tân quả đúng là người bạn thực sự của tôi, bởi vì hắn khi giận có thể nói lung tung nhưng rồi chốc lát sau, hắn quên tất cả. Hắn trở lại đóng vai quân sư quạt mo cho thằng bạn mê gái chết bỏ như tôi. Đi đâu cũng có hắn. Tôi làm gì cũng hỏi hắn mặc dù đôi khi quân sư cũng cố vấn sai tùm lum, nhưng ăn nhằm chi mô, tuổi trẻ mà!

Một hôm, hai thằng lò mò đi hỏi nhà Chú Quang ở mô. Các bác trong đạo tràng Pháp Hoa cười ngất:

- Chú Quang làm chi mà có nhà? Chú gần như thầy tu nên chú chỉ ở chùa. Chùa mô hả? Chùa Phú Lâu chứ mô. Này, hai cậu đi xuống Đập Đá, rồi rẽ tay phải một đoạn ngắn, thì tới chùa Phú Lâu, chẳng xa xôi chi mô!

Hai đứa cảm ơn, xong đạp xe thong thả xuống dọc sông Hương. Chùa Phú Lâu đây rồi.

Chú Quang đang bận tiếp khách, toàn là các đạo hữu ở khắp nơi về thăm viếng, hỏi đạo hoặc mời đi cầu siêu cầu an, chuyện thường ngày của nhà chùa. Nhác thấy hai thằng nhóc mới tập tễnh đi chùa, Chú Quang vội đi ra:

- Hôm nay là ngày Rằm nên tui hơi bận. Trưa ni tui mời hai cậu ở lại dùng cơm chay với tui, mới có cơ hội gần nhau để nói chuyện.

- Vâng!

          Hai đứa chỉ biết vâng lời, rồi rủ nhau đi quanh chùa chờ giờ ăn cơm.

          Tưởng rằng dùng cơm chay đơn giản với chú Quang, té ra đây là một buổi ngọ thực với đầy đủ nghi thức vì chú Quang thực chất là tu sỹ. Chúng tôi đành ngồi chắp tay ngang ngực và xem chú Quang hành lễ. Buổi lễ ngọ thực kéo dài hơn nửa tiếng đồng hồ, xong mới bắt đầu cầm đũa. Chú Quang cười:

          - Thôi, bây giờ hai cậu dùng cơm được rồi.

          Và chúng tôi vừa ăn cơm vừa nói chuyện.

          Thằng Tân đúng là người nhiều chuyện, tự nhiên hắn nói:

- Chú biết cô Bưởi đèm đẹp dễ thương hay ngồi tụng kinh ở phía bên hông chánh điện không?

Chú trố mắt nhìn hắn:

- Mà có việc chi không? Cô Bưởi đi tụng kinh mấy năm rồi. Siêng năng, không bỏ một buổi nào cả. Hai cậu học cùng trường với cô Bưởi à?

- Thằng Long ni hắn mê cô Bưởi vô hậu, cô Bưởi đi chùa hắn cũng đi theo cốt làm động lòng để cô để ý đến hắn mà thôi. Chẳng phải tu hành chi hết….

Tôi bịt miệng hắn không kịp. Lỡ nói rồi, biết mần răng? Tôi giận hắn tím gan tím ruột, nhưng trước mặt Chú Quang đành phải nén xuống. Không ngờ Chú Quang cười nhẹ:

- Chẳng ăn nhằm chi. Bất cứ lý do gì, miễn rằng cậu đã đến chùa và đã tụng kinh Pháp Hoa. Rứa là được. Đạo Phật và cả đức Phật đều không có quan ngại chi hết.

Rồi bỗng dưng Chú Quang ngó lên đức Phật trên chánh điện và nói:

          - Đạo Phật coi trọng nhân duyên, cho nên chúng ta chỉ xem cô Bưởi như là cái nguyên cớ ban đầu để cậu Long đến với đức Phật. Rồi cậu Long có theo Phật lâu dài hay không, thì sẽ do những nhân duyên khác nữa.

          Nhìn thẳng vào khuôn mặt Tân và tôi, Chú Quang nghiêm túc nói:

- Tôi rất quý mến hai cậu. Đâu phải ngẫu nhiên mà hai cậu đi tìm tôi. Có một cái gì sâu xa khiến hai người trẻ tuổi tìm tới chùa Phú Lâu này. Thôi, bây giờ tôi hỏi: Hai cậu đã đọc sách kinh Phật giáo nào chưa?

- Dạ, chưa ạ.

- Đạo Phậtđạo trí tuệ. Mà trí tuệ ấy không phải do cầu xin, cúng bái mà có. Phải trải qua một tiến trình Văn Tư Tuhành trì miên mật mới thành tựu lòng tin. Cho nên trước hết các cậu phải đọc, học nhiều, sau đó bước vào tu tập.

Tân và tôi ngần ngại thưa:

- Bẩm chú! Bọn con cuối năm ni là thi tốt nghiệp Cấp III, xong thi vào đại học, nên cũng khá bận rộn. Vả lại, nếu muốn tìm hiểu Phật giáo thì… sách kinh đâu?

- À, các cậu bận rộn thi cử, nhưng nếu mình quyết tâm thì sẽ kiếm ra thì giờ như thường. Tôi sẽ tìm sách và kinh cho các cậu. Cần cuốn chi thì cứ hỏi tôi, lỡ cuốn nào tủ sách không có thì tôi sẽ mượn quý thầy giúp cho. Đừng ngại chi cả.

- Bây giờ cháu muốn bắt đầu từ A, B, C… thì phải làm như thế nào? Chú giúp con chứ?

Chú Quang lại cười, có vẻ vô cùng sung sướng:

- Vâng. Học cái gì cũng bắt đầu từ ABC cả. Chừ chúng ta đi từ bước căn bản: Học thuộc lòng bộ Phật học Phổ thông của Ngài Thích Thiện Hoa. Nếu còn thì giờ thì nghiên cứu thêm cuốn “Đức Phật và Phật Pháp” của ngài Narada. Chịu nổi không?

Tôi và thằng Tân reo lên:

- Cảm ơn Chú! Hai đứa con toàn là dân nghiện sách chuyên nghiệp, học hành cũng không tệ lắm. Sẽ hoàn thành nghĩa vụ cho Chú xem!

Tức thì vừa nghe đến đây, Chú Quang lật đật đi lấy sách.

Bọn tôi như mở cờ trong bụng, cầm lấy sách rồi kiếu từ, vội vã ra về bởi vì Chú còn lắm việc.

Tôi đã học Phật Pháp theo cách học bài nhà trường, nghĩa là vừa đọc vừa ghi chú những phần quan trọng, thành thử học rất nhanh và không bao giờ quên được những điều đã cho vào trong tâm.

4.- ĐI VÀO THẾ GIỚI KINH SÁCH

Dầu cho tạo tội hơn núi cả

Chẳng nhọc Diệu-Pháp vài ba hàng.

Ai đã từng tụng kinh Pháp Hoa đều có tụng bài kệ KHEN NGỢI KINH, và đều xem hai câu trên là bình thường. Một người dù có tội lỗi gì to lớn, nhưng nếu có cơ duyên tụng kinh Pháp Hoa, thì do công đức trì tụng ấy mà tội lỗi sẽ bị tiêu diệt. Tôi hoàn toàn không có thắc mắc chi.

Tôi đem điều này hỏi Chú Quang, thì chú thản nhiên:

- Các bậc hiền minh thời trước đều nói rất đúng. Cậu Long à, khi mà mình đọc tụng kinh Pháp Hoa đến chỗ khai mở được Phật Tri Kiến – thì địa ngục nào giam nhốt được? cảnh giới xấu ác nào mà níu chân mình nổi? Nè, cứ tụng kinh rồi sẽ thấy mầu nhiệm không thể nghĩ và bàn chi cả. Nghe chưa?

Nhưng khi ấy tôi bận thi tốt nghiệp và thi tuyển vào đại học sư phạm, nên không có thì giờ để nghiên cứu ý nghĩa sâu xa của kinh. Kết quả như dự liệu, tôi đỗ vào Đại học Sư phạm – dù tôi không ưa cái nghề gõ đầu thanh niên, nhưng nghề này lương tiền ít nhưng đủ gạo ăn để học Phật Pháp - mạ nghe thi đậu, sung sướng nói:

- Chừ thì thằng Long tha hồ tụng kinh tụng kệ, mạ khỏi nhắc nhở hắn học bài như gọi đò Ca Cút nữa!

Bỗng nhiên, tôi mơ hồ cảm nhận rằng, tôi đã được sự hộ trì của Chư Phật và ChưBồ-tát một cách âm thầm, kỳ diệu. Đời sống vẫn như thế, con người vẫn như vậy, khung cảnh quen thuộc vẫn như cũ - nhưng tôi thấy mọi sự dường như mới lạ hoàn toàn.

Cũng đôi khi nghĩ về cô Bưởi, nhưng lòng chẳng cảm thấy tha thiết, sôi nổi, hứng thú như xưa. Cứ chủ nhật là lên Từ Đàm tụng kinh, còn những khi rảnh rỗi tôi nghiền ngẫm từng trang kinh mà đọc lớn tiếng hoặc đọc thầm một cách say mê. Ngó tôi ngồi trên tấm phản miệt mài đọc từng trang, xong nhắp bát nước chè Truồi rồi lật qua trang khác, mạ ngạc nhiên tại sao con mình tuổi trẻ mà không chịu đi chơi cùng bạn bè.

Mạ bảo: Chắc thằng ni có duyên với ông Phật, rứa thì xin đi tu cho sướng tấm thân. Sau ni đắc đạo về cứu mạ!

Tôi gầm gừ:

- Mạ nói mô mà dễ rứa! Đi xuất gia cực lắm, phải có lý tưởng giải thoátchí nguyện độ sanh, chứ không bà lơn được. Còn nếu xuất gia rồi mà chỉ làm ông thầy cúng ăn tiền, thì buồn sự đời lắm, con không chấp nhận mô! Bây giờ thì… Tạm thời con đang học Phật Pháp dưới sự hướng dẫn của Chú Quang. Con không dám hứa trước cái gì.

Mạ gật đầu:

- Đúng rồi. “Nói trước, bước không rời” mà con!

***

Đọc sách và đọc kinh liên tục, nhưng tôi vẫn nhớ đến Bưởi. Giờ này, nàng đang mần chi? Đang học, đang nấu cơm hay giặt quần áo? Nghe thằng Tân bảo: Cô Bưởi mùa hè ni bận đi gánh nước thuê để lấy tiền đỡ đần cha mẹ. Tôi nao lòng, chẳng biết mần răng. Mỗi lần nhớ Bưởi, tôi rủ Tân cùng đi qua xóm nhỏ bên tê dòng sông để nhìn trộm nhà nàng, nhưng vừa đến gần đầu xóm chợt trông thấy nàng từ xa đang oằn vai gánh hai thùng nước to bự, bọn tôi nhanh chóng quay xe đạp lui lại để nàng khỏi ốt dột.

Chú Quang có lần kể bọn tôi nghe chuyện Cô Bưởi.

Cô Bưởi nhà rất nghèo, hồi đó ai cũng khó khăn cả. Nhà tôi, nhờ mạ tần tảo buôn bán quanh làng nên đời sống tạm đủ qua ngày. Còn nhà cô Bưởi thì em đông quá, cha chỉ biết làm ruộng, những năm mất mùa thì đi vay từng lon gạo. Mẹ làm thuê, giặt áo quần, chăm sóc sản phụ, nên lợi tức chẳng có bao nhiêu.

Ước vọng duy nhất của cô Bưởi là làm sao cho gia đình trở nên giàu có. Một người bạn gái chỉ bày một cách như sau: Hãy nhất tâm đọc danh hiệutụng kinh Dược Sư một thời gian thì sẽ thoát nghèo và thành người giàu sang, nhờ công đức trì niệm và đọc tụng.

Cô Bưởi nghe lời, xin ảnh tượng đức Dược Sư về thờ kính. Nhưng cô Bưởi không thể tự mình tụng kinh tại nhà mình, cô ta liền lên chùa Từ Đàm gặp Chú Quang, hỏi:

- Thưa Chú, nghe ở đây có đạo tràng, vậy có tụng kinh Dược Sư hay không? Cho phép cháu tụng với?

Chú Quang vui vẻ trả lời:

- Đây chỉ tụng Pháp Hoa thôi. Mà tại sao con chỉ muốn tụng  Dược Sư?

Cô Bưởi liền trần tình về gia cảnh của mình và khao khát thoát nghèo bằng cách tụng kinh Dược Sư.

Chú Quang từ tốn nói:

- Bất cứ trì tụng kinh nào của đức Phật, đều đưa tới phước đức, nghĩa là giàu có tâm linh và luôn cả tiền bạc, vật chất.

Nhưng cô Bưởi biết tại vì răng mà chúng ta nghèo không?

Kiếp xưa, ta đã từng bỏn sẻn, không biết bố thí là niềm vui. Không biết cho và phân phát. Có đồng nào thì chẳng trao tặng cho ai, chỉ biết cất đầy túi, chật tủ. Không biết cúng dường sa môn, dâng hiến cho bậc phạm hạnh. Chỉ biết gia đình mình chứ không biết gia đình kẻ khác, chỉ biết thân mình chứ không biết thân ai…

Những tội “ngu si” như vậy thật vô lượng vô biên – vậy nên kiếp này phải chịu nghèo chịu thiếu.

- Bây giờ thì phải làm sao? Thưa Chú!

- Bây giờ cô Bưởi phải sám hối, rồi tụng kinh Pháp Hoa là đủ. Khỏi cần tụng Dược Sư bởi vì ở trong kinh Pháp Hoa đã vốn có Dược Sư rồi. Cô Bưởi không có nghe các bậc hiền triết, thánh nhân đều ca tụng: “Kinh Pháp Hoa là Vua trong các kinh” hay sao?

Cô ta vâng lời, chủ nhật nào cũng đến chùa này để thọ trì kinh Pháp Hoa, như vậy kể cũng gần ba năm.

* * *  

Nghe xong chuyện cô Bưởi, thằng Tân nóng nảy lên tiếng:

- Làm sao có cái chuyện tụng kinh để thoát nghèo và lại giàu sang nữa? Tuyên truyền mê tínvô lý, không phù hợp với đạo Phật!

Chú Quang gật đầu:

- Cậu Tân nghĩ như vậy, cũng đúng phần nào. Phần nào thôi, chứ không đúng hoàn toàn.

Đây thuộc loại pháp “đối cơ”. Người xưa, khi truyền bá đạo Phật, các bậc thầy đã tùy bệnh mà cho thuốc. Đối với những người nghèo thiếu, chúng ta cần giúp họ dấy khởi cảm tình vào Phật Pháp và dẫn dụ họ bằng cách khuyên bảo rằng, ráng tu rồi đời sống sẽ khấm khá lên, sẽ thoát khỏi cảnh nghèo tới nơi sang giàu. Họ bắt đầu xây đắp niềm tin, điều này rất hi hữu. Còn quý hơn cả bạc vạn. Họ tiếp tục tu hành và một ngày nào họ sẽ nhận ra một chân lý vô cùng gần gũi, té ra, có tín tâm vào đức PhậtPhật Pháp chắc chắn cao quý hơn bất cứ của cải nào trên thế gian.

Kinh Dược Sư tức là kinh  “Phật thuyết Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai bổn nguyện công đức”, có đoạn như thế này:

Nguyện thứ mười hai: Ta nguyện đời sau, khi chứng được đạo Bồ đề, thì khiến cho chúng hữu tình nào nghèo đến nổi không có áo che thân bị muỗi mòng cắn đốt, nóng lạnh dãi dầu, ngày đêm khổ bức, hễ nghe đến danh hiệu ta mà chuyên niệm thọ trì thì ta khiến cho được như ý muốn: nào các thứ y phục tốt đẹp, nào tất cả bảo vật trang nghiêm, nào tràng hoa, phấn sáp bát ngát mùi thơm và trống nhạc cùng những điệu ca múa tùy tâm muốn thưởng thức món nào cũng được thỏa mãn cả.

Chính vì vậy mà các nhà hoằng pháp, y cứ vào lời nguyện này để cực lực tán dương ý nghĩa “được thoát nghèo và được trở nên giàu sang”. Đây là sự thật vi diệu, nhiệm mầu của tôn giáo nói chung, và của Phật giáo nói riêng. Đức Phật với vô lượng thần thông, đạo lực thì sá gì chuyện biến đổi cái nghèo? Chẳng lẽ Ngài ban bố trí tuệ, từ bi và cả thần thông cho những đầy đủ cơ duyên, há Ngài bó tay trước một căn bệnh gọi là “nghèo thiếu” của các chúng sanh?

Chú Quang nghỉ chốc lát, rồi nói tiếp:

- Lại nữa, tôi có đọc trong nhiều kinh mà chừ quên là kinh nào. Kinh ấy nói rằng:

“Trong vô số hào quang của đức Phật phóng ra để ủy lạo, vỗ về, che chở tất cả mọi chúng sanh, có một số tia hào quang chuyên tạo ra ẩm thực, y dược, vật chất… giúp chúng sanh hết đói nghèo, túng thiếu”. Bởi vì Chư Phật biết rõ rằng, nghèo là một căn bệnh khó chịu đựng, cho nên phải làm cho mọi người ra khỏi cảnh nghèo mới tu tập được. Ờ, mà các cậu nên nghĩ rằng, phải tu hành rồi cái nghèo sẽ không còn đeo đuổi mình.

Này hai cậu, phải chăng“Chết mà còn chưa sợ, huống chi là nghèo? Cái nghèo là một thử thách cho những ai muốn thành tựu đức tin trên con đường giác ngộ!”

Còn cô Bưởi nếu hành trì chân thật, quyết liệt… thì bữa nay chắc đã thoát ra khỏi ám ảnh vì nghèo thiếu - bởi vì đức tin vào Phật và Phật Pháp sẽ giúp cô Bưởi và cả gia đình vững tiến vào cuộc sống cũng như sự thăng hoa tâm hồn. Phải rứa?

Hai đứa bọn tôi đồng loạt chắp tay, thưa:

Nam mô A di đà Phật! Chúng con nghe và hiểu những gì Chú vừa nói. Chú đúng là Bậc Thầy của con, của chúng con…

Chú Quang khoác tay:

- Bậy nà. Tất cả đều là nhân duyên với nhauNam mô A di đà Phật…

* * *  

5.- TÔI VỀ MÔ, VÀ EM VỀ MÔ?

Bốn năm học Sư Phạm là thời gian tươi đẹp nhất. Nhất là lần đầu tiên tôi thực sự được trò chuyện với Bưởi ngay tại chùa.

Hôm ấy, cuối năm, Chú Quang tổ chức Lễ Tạ và Hoàn Kinh, có cúng thí thực cho cô hồn, dã quỷ luôn cả người khuất mặt, do tiểu thương chợ Đông Ba đóng góp. Tụng kinh A Di Đà và kinh Thí Thực xong, đến phần thọ trai. Tôi may mắn được xếp ngồi cạnh Bưởi. Ngẫu nhiên. Tôi vô cùng hạnh phúc đến nỗi ăn mà không biết thưởng thức mùi vị. Nàng vui vẻ và cởi mở, không có rụt rè như khi gặp ngoài đường. Tôi xúc động nên chẳng biết nói gì. Quan sư quạt mo tuy ngồi kề bên bạn nhưng cũng chẳng giúp gì.

Cô Bưởi nói, dường như chỉ để tôi nghe:

- Nhà em nghèo quá, đi học về em còn lo quá nhiều việc, nên chưa thể yêu đương như các nhỏ bạn. Chủ nhật bận đi tụng kinh.

Tôi bảo:

- Việc nhà thì ai không có? Yêu đương thì cứ yêu, không can chi mô?

Bỗng nàng trở nên rầu rĩ:

- Gia đình em có nhiều điều đáng buồn lắm. Ba em mỗi chiều cứ uống vô vài chai là say khướt, về nhà viện cớ này cớ nọ để chưởi bới lung tung. Mẹ và em không biết làm chi hơn, ngồi trong buồng, vừa khóc vừa niệm danh hiệu Dược Sư. Mấy đứa nhỏ thì vừa ăn cơm vừa đánh nhau, em can không nổi. Rồi kẻ đòi nợ lại đến nhà nằm vạ, mình phải… Khung cảnh tồi tệ như rứa, thì lòng dạ nào để bày đặt yêu đương? Xa vời quá!

Nghe đến đây, tôi nổi máu anh hùng nghĩa hiệp, định vươn vai, vung tay, nói với nàng rằng:

- Em cứ để anh lo liệu. Anh sẽ nuôi em suốt đờichúng ta sẽ luôn hạnh phúc!

Nhưng, trong giây lát, tôi chợt thức tỉnh và run lập cập.

Tiền sửa xe chưa có, tiền sắm hai chiếc lốp chắc phải chờ khi mạ vui vẻ mới dám xin. Còn lâu mới tốt nghiệp. Mà lương tiền đâu có đủ cho hai người tiêu huống hồ bầy con cái nữa. Mỗi khi nghĩ đến tương lai của một ông giáo ba cọc bốn đồng thì lại hoảng hốt, giật mình!

Bữa tiệc chay đủ món la liệt, nhưng với tôi chẳng có ngon lành gì, khi hiểu được tình cảnh của người mình yêu sao mà thê thảm như rứa? Tôi đưa Bưởi về bên tê dòng sông với những vòng quay nặng trĩu.

Vào xóm nhỏ luôn vắng người, tôi liều lĩnh nắm tay Bưởi. Bưởi ngập ngừng:

- Rồi sẽ đi tới mô? Anh quên em đi…

Tìm quên? Không dễ. Tôi đạp xe về nhà mà lòng tan hoang.

* * *

Và người vẫn sống, vẫn hít thở. Sáng sớm và buổi tối đều đặn tụng kinh Pháp Hoaniệm Phật. Rồi xem lại bài vở và đi đến lớp. Chiều nào không đi học thì xem sách hoặc đọc kinh. Chỉ tội nghiệp cho thằng Tân, gia đình hắn làm bún tươi để bán cho các tiệm ăn, hàng quán. Đi chùa hoặc đi học về, hắn cởi trần xay gạo, hoặc chở bún đi bỏ mối. Ít khi rảnh để đọc sách hay xem kinh. Còn tôi? Chỉ có mạ dậy sớm, thức khuya, một đời chỉ biết lo cho bầy con. Tôi đi học và theo đức Phật hành trì, đều nhờ cậy mạ tất cả. Tôi sẽ khóc ròng khi nghĩ đến Mạ.

Còn mình tôi chỉ biết say sưa đọc bộ “Pháp Hoa giảng diễn lục” tác giả là ngài Thích Trí Nghiễm, xuất bản trước 1975 nên nét chữ mờ nhạt và trang giấy ố vàng. Nhưng, chẳng sao, tôi vẫn trân trọng như báu vật hiếm có vủa đời mình. Để bổ sung kiến thức, tôi còn mượn được bản chép tay “Pháp Hoa huyền nghĩa” của cư sĩ Mai Thọ Truyền, cuốn “Chú giải kinh Pháp Hoa” của ngài Thanh Từ quay ronéo lem nhem, nhưng không can chi, đọc vẫn thích thú. Rồi  dầm mình trong tư tưởng Pháp Hoa một cách cuồng nhiệt không thể nào cưỡng lại được - và quyết định ăn chay từ thuở ấy. Tuy sùng mộ và trân trọng kinh Pháp Hoa nhưng tôi vẫn tìm hiểu các kinh khác, như kinh Thủ lăng nghiêm, kinh Duy ma cật, kinh Kim cang, kinh Kim Quang Minh vân vân...

Trong các kinh mà mình đã đọc tụng, nghiên cứu, tôi thấy kinh Thủ lăng nghiêm là khó thâm nhập nhất. Pháp tu hành theo kinh này lại càng khó hơn. Tôi bỏ gần cả năm để nghiên cứu nhưng vẫn xem như đứng ở bên ngoài. Tôi hỏi Chú Quang thì chú cười tươi:

- Chẳng có kinh nào dễ mà cũng chẳng có kinh nào khó cả. Thực sự là: Kinh nào mà chúng ta từ lắm kiếp đã hành trì, thì bây giờ mình sẽ dễ dàng thâm nhập. Đó là nhân duyên, vậy thôi! Cậu hiểu chứ? Với sự gia trì của Tam Bảo, sớm muộnchúng ta sẽ nắm bắt yếu chỉ của kinh Pháp Hoa. Miễn rằng phải thành tâm.

Vâng, thưa Chú Quang, con vẫn nhất tâm trì tụng kinh Pháp Hoa nhưng vẫn thành tâm cầu nguyện cho Bưởi hạnh phúc.

Và còn cuộc đời nữa…

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
16/03/2019(Xem: 6927)
02/07/2023(Xem: 2315)
23/03/2019(Xem: 9309)
05/03/2017(Xem: 6365)
13/01/2019(Xem: 6285)
30/10/2021(Xem: 3075)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.