Trụ Tích Trấn Vương Kỳ

31/12/20191:01 SA(Xem: 4690)
Trụ Tích Trấn Vương Kỳ

TRỤ TÍCH TRẤN VƯƠNG KỲ 
TN Huệ Trân

 

Van Hanh

“Vạn Hạnh dung tam tế
Chơn phù cổ sấm cơ
Hương quan danh Cổ Pháp
Trụ tích trấn vương kỳ”      

Đây là bài kệ đầy cảm kích, vua Lý Nhân Tông đã làm để truy tán Thiền-sư Vạn Hạnh, nhà sư đã mang đạo vào đời, góp phần cực kỳ quan trọng dựng nên triều Lý, một triều đại dân giầu nước mạnh suốt hơn hai trăm năm trong chiều dài lịch sử vàng son của dân tộc Việt Nam. Thầy Huyền Không đã dịch bài kệ ngắn, ghi dấu ấn công đức vô lượng này như sau:

“Vạn Hạnh thông ba cõi
Thật hợp lời sấm xưa
Quê nhà tên Cổ Pháp
Gậy chống giữ nghiệp vua”

Một nhà sư chân trần, áo vải, ôm bình bát du hóa đó đây mà góp công trị nước an dân, không phải chỉ hơn hai trăm năm triều Lý mà ảnh hưởng còn sâu đậm đến ngày nay, thoạt nghe như huyền sử thần thoại, mà sự thật còn bi tráng gấp bội thần thoại.

Đạo pháp luôn gắn liền với vận mệnh dân tộc; khi đất nước thái bình, đạo vun bồi, nuôi dưỡng đời sống tâm linh trăm họ; khi đất nước suy vong, đạo chia xẻ đau thương qua hình ảnh những Bồ Tát hóa thânlịch sử đã chứng minh, không thời nào không có nếu chúng ta khai mở trí tuệ để nhìn bằng tuệ nhãn.

Thời tiền Lê có sư Vạn Hạnh như thế nào mà Sử Việt có những trang  đại hùng, đại lực, đại từ bi cho cả một triều đại huy hoàng hơn hai trăm năm như thế?

Địa danh Cổ Pháp, được ghi nhận nơi sư chào đời, có gì đặc biệt để trở thành linh địa?

Bối cảnh thời vua Lê Đại Hành rối ren thế nào mà sư phải xuống núi?  

Thiền-sư Vạn Hạnh người làng Cổ Pháp, thuộc phủ Thiên Đức, sinh ra trong một gia đình mộ đạo Phật. Từ thuở ấu thơ Ngài đã tỏ lộ sự thông minh xuất chúng, làu thông kinh sử, liễu ngộ Lão Giáo, Nho Giáo nhưng thay vi bị gò ép trong giáo điều, Ngài đã uyển chuyển kết tụ những tinh hoa của Lão, của Nho, hòa hợp với tinh thần từ bi, giác ngộ, của Đạo Phật, tự khai mở cho mình con đường hành trì ưu việt, vừa chấn hưng Đạo Pháp, vừa cứu nước độ dân. 

Với sự khai mở tuyệt luân đó, Ngài đã chính thức xuất gia năm vừa 21 tuổi. Sự kiện xuất gia ở tuổi thành niên, thay vì từ thơ ấu, có phải là chờ dấu mốc của sự chín chắn, hay, với bản chất trí tuệ vượt bực hơn người, Ngài  chọn quyết định xuất gia như một sứ mạng vì nhìn thấy trước phải đi bằng đường Đạo mới cứu được đường đời?

Theo tài liệu lịch sử thì tình trạng đất nước Việt Nam thật suy đồi khi vua Lê Đại Hành đã già yếu mà vẫn chưa lập Thái tử nối ngôi, trong khi nhà vua có rất nhiều con trai và ai cũng rấp ranh thừa kế ngai vàng. Mầm tranh chấp, hỗn loạn đã thấy rõ, chưa kể sự áp bức, đô hộ thường xuyên của Bắc phương.

Những vị anh hùng dân tộc như Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, khi can trường đứng lên chống ngoại xâm thường phải đến cửa chùa, tìm minh sư để vấn kế, vì trong thời buổi nhiễu nhương đó, nhiều nhân tài đã phải ẩn thân chốn am thiền để chờ thời cơ cứu dân giúp nước. Ngay như vua Lê Đại Hành cũng được sự trợ giúp của sư Pháp Thuận, một vị sư thuộc thiền phái Ti Ni Đa Lưu Chi, đời thứ mười.

Sau khi xuất gia, sư Vạn Hạnh hoằng hóa đó đây, tra cứu, tìm tòi kinh điển để dịch thuật, phổ biến rộng rãi thêm trong dân gian. Nhưng đó chưa phải là mục đích duy nhất của một người uyên bác, không chỉ phụng sự Đạo Pháp mà còn hành trì Bồ-tát-hạnh trước tai ương thống khổ của đất nước, của dân tộc.

Một buổi chiều, khi sư Vạn Hạnh dừng chân trước chùa Cổ Pháp, lòng bỗng dưng nao nức lạ kỳ, không phải vì cây hoa gạo đang trổ bông đỏ rực góc sân chùa, không phải vì ngọn tháp rêu phong phủ đầy lá thông khô, cũng không phải tàng-kinh-các im sững ẩn dụ muôn lời-không-lời, mà là không gian phảng phất hào khí của bình Nam dẹp Bắc, của thanh gươm-trí-tuệ Văn Thù.

Vạn Hạnh bước vội qua cổng tam quan thì được sư Khánh Vân đích thân ra đón. Hai vị đảnh lễ nhau rồi cùng bước vào trai đường. Sư Vạn Hạnh nôn nóng hỏi ngay:

       - Lâu nay chùa ta có gì lạ không?

       - Thưa sư huynh, đệ vẫn ngày đêm lo kinh kệ, chăm bón dăm luống cải, ít gốc hoa mà thôi.

       Sư Vạn Hạnh nhìn quanh quất, hỏi tiếp:

       - Sao vắng vẻ quá! Tiểu Công Sơn đâu rồi?

       - Thưa sư huynh, tiểu Công Sơn đi xách nước còn tiểu Công Uẩn thì đi nhặt củi chưa về.

       Sư Vạn Hạnh nhướng mày, hỏi:

       - Tiểu Công Uẩn? Sư đệ có thêm một tiểu nữa ư? Hồi nào thế?

       Sư Khánh Vân vừa rót trà vừa trả lời:

       - Đã lâu sư huynh không ghé qua nên đệ chưa có dịp nói. Tiểu Công Uẩn là đứa bé bị thân nhân đem bỏ trước cổng chùa, đệ nhờ làng xóm tìm tông tích cha mẹ của bé, mà năm này tháng khác vẫn bặt vô âm tín nên đành nuôi trong chùa, lấy họ của đệ là họ Lý mà đặt là Lý Công Uẩn. Cũng may, đứa bé này rất thông minh đĩnh ngộ, kinh kệ học đâu nhớ đó mà văn chương ứng đáp có phần vượt xa tiểu Công Sơn.

       Vừa lúc đó, một chú tiểu ôm bó củi bước vào sân chùa. Sư Khánh Vân gọi:

       - Công Uẩn, vào chào Sư Bá đi con.

       Lý Công Uẩn đặt bó củi ngoài sân, vào trai đường, vòng tay thưa:

       - Tiểu Lý Công Uẩn xin cung kính đảnh lễ Sư Bá và Sư Phụ.

Vạn Hạnh nhìn chú tiểu nhỏ. Cảm giác nao nức lạ kỳ khi vừa dừng trước cổng chùa lại dấy lên, mạnh mẽ, hoan lạc, cảm kích vô biên. Cảm giác này đang xoáy mạnh vào lời trăn trối của sư Thiền Ông, rằng Cổ Pháp là linh địa, nơi đây sẽ có người anh hùng họ Lý xuất hiện cứu đạo, cứu đời.

Thiền Ông nổi tiếng uyên thâm về phong thủy, địa lý, đã hết lòng truyền dạy cho đệ tử mình là sư Vạn Hạnh nên bấy lâu nay, sư Vạn Hạnh đã âm thầm ôm mối u uẩn, lang thang đó đây, tìm tòichứng nghiệm lời căn dặn của sư phụ mình mà sư tin rằng đã được ân cần truyền lại từ đời sư Định Không, thuộc dòng thứ ba của thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi.

Tiểu Công Uẩn đã khuất sau cửa trai đường mà sư Vạn Hạnh vẫn ngồi lặng, tách nước đã cạn mà lòng sư bừng bừng cháy khát.

Cảm nhận được có điều nghiêm trọng, sư Khánh Vân đứng lên, đóng cửa phòng, và sẵn sàng nghe lời chỉ giáo của sư huynh.

Tới giờ tụng Sám Hối, cửa vẫn đóng. Tiểu Công Sơn bồn chồn lo lắng nhưng không dám gõ. Tiểu Công Uẩn thì bình tĩnh lên chánh điện, thắp nhang lạy Phật rồi an nhiên thiền tọa.

       Sáng sớm hôm sau, Tiểu Công Uẩn vâng lệnh sư phụ, theo sư Vạn Hạnh về chùa Lục Tổ để được tu tập, rèn luyện thêm về giáo pháp cũng như văn học.

       Sư Khánh Vân gạt lệ nhìn theo người đệ tử mà sư hết lòng thương yêu nhưng không thể ích kỷ giữ mãi bên mình vì biết rằng Công Uẩn theo sư Vạn Hạnh sẽ phát triển được trọn vẹn tài trí tiềm ẩn trong tâm hồn tràn ngập từ bi và khí phách.

Tuy sư Khánh Vân rất đơn giản, chất phác, nhưng sư cũng nhận ra khí khái kỳ diệu nơi Công Uẩn. Sư tâm sự với sư Vạn Hạnh rằng, một lần, tiểu Công Uẩn phạm lỗi, tuy là lỗi nhỏ thôi nhưng vẫn bị phạt quỳ hương dưới bệ thờ. Tình cờ, đi ngang qua, sư nghe Công Uẩn xuất khẩu thành thơ, chỉ có hai câu mà làm sư giật mình kinh hãi.

Khi sư Khánh Vân nói lại hai câu thơ đó, chính sư Vạn Hạnh cũng sửng sốt:

 “Đêm khuya chân mỏi không dám duỗi
Chỉ sợ sơn hà xã tắc nghiêng”

Thời gian qua như bóng câu, vị tu sỹ trẻ không phụ lòng thầy Bổn-sư, thầy Y-chỉ.

Lý Công Uẩn luôn hiển lộ trí tuệ tuyệt luântâm từ bi vô lượng nên được sự ngưỡng phục từ triều đình tới dân chúng khắp nơi. Chưa ba mươi tuổi, Lý Công Uẩn được tiến cử giữ chức Tả Thân Vệ Điện Tiền Chỉ huy sứ và sư Vạn Hạnh là vị cố vấn như bóng với hình.

Tháng ba năm Ất Tỵ, vua Lê Đại Hành băng hà. Thái tử Long Việt được làm lễ đăng quang nhưng không lâu bị em là thái tử Long Đĩnh sai bộ hạ ám sát.

Khi sự việc này xảy ra, hầu hết quan lại trong triều đều hoảng kinh, sợ liên lụy nên bỏ chạy hết. Duy chỉ có Thân Vệ Lý Công Uẩn ở lại lo tẩm liệm, chôn cất vị vua vắn số với đầy đủ nghi thức cho một vị quân vương. Hành động can đảm này đã khiến vua Long Đĩnh nể phục vị tu sỹ trẻ, sắc thái nhu hòa mà tiềm ẩn khí phách vô song.

Long Đĩnh là ông vua tàn bạo, vô luân có một không hai trong sử Việt. Trong triều thì nịnh thần lũng đoạn, bên ngoài thì dân chúng bị hà hiếp, đói khổ điêu linh, tiếng oán than thấu trời xanh mà nhà vua vẫn làm ngơ, đắm chìm trong hoan lạc tửu sắc.

Với cái nhìn bén nhạy của người có viễn kiến, sư Vạn Hạnh biết đây chính là lúc phải chuẩn bị tạo ra thiên thời, địa lợi, nhân hòa mà cứu nước cứu dân.

Trong sự sắp đặt đó, có chuyện một cây cổ thụ ở làng Diên Hồng bị sét đánh trốc gốc. Hôm sau, dân làng ra thu dọn thì thấy sau lớp vỏ, thân cây khắc đậm hàng chữ:

“Hòa đao mộc lạc
Thập bát tử thành”

Dân chúng thỉnh cao tăng tới giảng giải thì được biết rằng, chữ Hòa, chữ Đao và chữ Mộc viết gộp lại thành chữ LÊ; chữ Thập, chữ Bát và chữ Tử viết gộp lại thành chữ LÝ. Câu sấm đó, giảng nôm na là “Lê sụp, Lý thành”, điềm báo trước nhà Lê sẽ tận và nhà Lý sẽ chấn hưng đất nước.

Lời sấm được loan truyền mau chóng trong dân gian. Lòng người náo nức chờ sự đổi thay. Đó là “Nhân hòa” đã có sẵn. “Thiên thời, địa lợi” do chính nghiệp của vị vua tàn ác tạo ra.

Bởi hoang dâm quá độ, vua Long Đĩnh chết sớm, thái tử mới bốn tuổi lên ngôi, là mồi ngon cho Bắc phương! Đây chính là thời cơVạn Hạnh tải Đạo vào Đời, ân cần thuyết phục Lý Công Uẩn noi gương Thang, Võ, dùng trí tuệ uyển chuyển tình thế để cứu muôn dân.

Đồng thuận với sư Vạn Hạnh là các quan đại thần trong triều và, quan trọng hơn hết là lòng dân khắp nơi thỉnh nguyện.

Cuộc chính biến diễn ra êm ả, không một sự phản kháng, chống đối nào.

Chú tiểu Lý Công Uẩn, người con rơi, bị bỏ trước cửa Phật được hai vị sư cưu mang, nuôi nấng, rèn luyện, đã lên ngôi vua, lấy hiệu là Lý Thái Tổ, mở đầu triều đại nhà Lý suốt hơn hai trăm năm.

Trong suốt triều đại hoàng kim này, các vị vua nhà Lý đều được truyền thừa tinh thần từ bi của Đạo Phật, lấy lẽ Đạo mà chăn dân, lấy lòng nhân mà đối xử với kẻ xâm lăng khi phải phá Tông, bình Chiêm để bảo vệ bờ cõi.

Bồ Tát thường xuất hiện nơi địa-ngục-trần-gian, nơi người hành hạ, hủy diệt người. Lần giở trang sử xưa, có ai bàng hoàng tự hỏi “Đâu sư Vạn Hạnh? Đâu Lý Công Uẩn?”

Câu hỏi đó, khi đã khởi lên sẽ như những nhát búa nhức nhối đập mãi, đập mãi quanh ta thành những âm thanh dồn ép, bức phá, buộc chúng ta phải vận dụng tai trần mắt thịt để nghe, để nhìn, đâu sư Vạn Hạnh, đâu Lý Công Uẩn thời nay?

 “Một ước hẹn đã chôn vùi tang tóc
Cánh chim trời xa mãi giữa lòng sâu
Nghe một nỗi hao mòn trong thoáng chốc
Một mùa thu, một vạn tiếng kêu gào!” (*)

Mùa thu thường được lấy làm bối cảnh cho những gì diễm lệ, êm đềm. Vậy mà mùa thu ở đây lại là mùa tang tóc, mùa của vạn tiếng kêu gào!

Hồn thơ như tiếng kinh chiều, theo giòng sinh mệnh nổi trôi của lịch sử, âm thầm ôm ấp hoài bão tải Đạo cứu Đời. Đó có phải là con đường gian khổ mà sư Vạn Hạnh ngày xưa đã đi không?

 “Nghìn năm trước lên núi
Nghìn năm sau xuống lầu
Hạt cải tròn con mắt
Dấu chân người ở đâu?” (*)

Khổ nạn xoay nhanh như dòng đời, thoắt đây mà:

“Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh
Giờ ngó lại, bốn vách tường ủ rũ
Suối rừng xa ngược nước xuôi ngàn” (*)

Theo chân vị Thầy xuống núi tới đây, chúng ta đã thấy phần nào tinh thần tùy duyên hóa độ.

Sư-Vạn-Hạnh hay Tiểu-Công-Uẩn cũng là một tấm lòng dâng hiến tải đạo cứu đời; Thanh-Văn-thừa, Duyên-Giác-thừa cũng là phương tiện dẫn đến Bồ-Tát-thừa, là con đường KHAI TAM HIỂN NHẤT, tu bồi Bồ-Đề-tâm trong trái tim từng người con Phật.

Thế nên, Bồ Tát đã đi vào giữa điêu linh thống khổ của nhân gian với Tâm Từ rộng mở:

“Tôi đi chấn chỉnh sơn hà
Hồng rơi vách đá, mù sa thị thành”(*)

Nam Mô Thanh Lương Địa Quán Thế Âm Bồ Tát.

TN Huệ Trân

(Trầm tư trước viễn ảnh họa Bắc phương)

                                              

(*) Thơ Thiền sư Tuệ Sỹ





Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
16/03/2019(Xem: 6923)
02/07/2023(Xem: 2298)
23/03/2019(Xem: 9298)
05/03/2017(Xem: 6355)
13/01/2019(Xem: 6267)
30/10/2021(Xem: 3064)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.