Nhẹ như tơ !

23/09/20201:00 SA(Xem: 3812)
Nhẹ như tơ !

NHẸ NHƯ TƠ !
Huệ Trân

 

            Trong chương cuối, Kinh Bốn Mươi Hai Chương, có giai thoại về Quốc-sư Huệ Trung. Ngài từ bỏ mọi lợi lộc triều đình ban cho, một mình lên núi Bạch Nhai ẩn tu ngót bốn mươi năm. Một lần, Vua cho người lên rước về thăm.  Vua hỏi:

            - Thưa Quốc-sư, bốn mươi năm trên núi, Ngài đã chứng được những quả vị gì?

              Quốc-sư nhìn lên trời, chỉ những đám mây đang lãng đãng bay ngang và hỏi lại nhà Vua:

            - Tâu bệ hạ, những đám mây kia, ai đóng đinh mà dính trên không vậy?

            Vua bảo:

            - Không ai đóng đinh cả. Mây tự vậy thôi. Chúng tự tại, tụ, rồi tan.

            Quốc-sư điềm đạm:

            - Tôi cũng thế. Tôi như mây. Không có gì để chứng. Không có gì để đắc. Tôi là một thầy tu thảnh thơi xó núi, chẳng dựa vào đâu và cũng chẳng gì trói buộc được. Vậy thôi!

            Một vị Quốc-sư đạt được sự an lạc, thảnh thơi đến thế, sao không truyền dạy lại cho nhân gian cùng hưởng, lại lên núi thong dong một mình?

            Hẳn là Quốc-Sư cũng nương lời Phật dạy mà ra khỏi được những ràng buộc của thế gian, nhưng chắc cũng không quên giai thoại khi Đức Phật vừa tìm ra Đạo Cả thì Ma Vương tới khuyên Ngài hãy nhập Niết Bàn, hưởng sự vui thù thắng vi diệu, chớ ở lại chốn Ta-bà chập chùng khổ lụy này làm chi! Nhưng Đức Phật thương chúng sanh vô minh nên phát đại nguyện sẽ hoằng pháp độ sanh ngay nơi đời ác ngũ trược này.

            Vậy, Quốc-sư chứng được sự tự tại thảnh thơi, sao không xuống núi truyền dạy lại cho chúng sanh?

            Nếu có tự hỏi, chắc cũng phải tự quán rằng, là phàm phu như chúng ta đây, nhìn sao thấu chiều sâu của tâm đại sỹ mà khởi trách Quốc-sư lên núi an nhiên một mình! Tổ Đạt Ma còn lặng lẽ chín năm diện bích, Tổ Huệ Năng còn âm thầm ẩn thân mười sáu năm cùng bọn thợ săn, trước khi ánh sáng trí tuệ hội đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa mà tỏa sáng. Mỗi vị đều còn tùy vào môi trường và hoàn cảnh xã hội khi đó mà hoằng đạo.

            Vả chăng, ai dám bảo Quốc-sư Huệ Trung không hoằng pháp? Suốt thời gian Ngài tu trì trên núi, ai biết được có bao nhiêu chúng sanh tình cờ thấy được Pháp- thân Ngài mà bừng tâm hoan hỷ, thăng hoa kiếp sống nhân sinh!

            Ngài Xá Lợi Phất, trước khi gặp Phật, cũng chỉ tình cờ thấy khất sỹ  Assagi ôm bát, khất thực trong thành mà bị ngay nhân dáng đó thu hút. Năng lượng của Pháp-thân mạnh đến mức Ngài Xá Lợi Phất đã đi theo Assagi, chờ vị khất sỹ khất thực xong, ra ngoài cửa thành rồi mới dám đến bên, chắp tay cung kính hỏi:

            - Thưa đạo sỹ, Ngài đã tu học những pháp gì? Và vị thầy hướng dẫn Ngài là ai mà Ngài đạt được phong thái uy đứcan nhiên như vậy?

            Đó là thiện duyên giữa Ngài Xá Lợi Phất với một, trong năm đệ tử đầu tiên của Đức Phật.

 

            Tư thái thong dong tự tại của Quốc- sư Huệ Trung  khi về thăm triều đình chẳng là hoằng pháp bằng Pháp-thân sao? Biết đâu sau lần viếng thăm ấy, nhà Vua chiêu cảm được niềm an lạc của hạnh-xả-ly, mà tình thương đối với dân chúng sẽ tăng trưởng bằng hành động ban phát, chia sẻ áo cơm cho người nghèo đói.

            Chỉ cần khơi dậy được thiện ý, sẽ dễ dàng biến thành thiện sự, nhất là khi người đó lại có phương tiện, có quyền hành.

 

            Trên đường tu, nếu có phước duyên được chiêm ngưỡng Pháp-thân của những vị Thầy, mà từ nhân dáng ấy đã là những bài pháp-không-lời, chúng ta chớ để lỡ duyên may. Hãy cùng nhau vận dụng trí tuệ để quán chiếu, vì khi cảm nhận được, thì pháp ấy sẽ thấm thía, sâu sa hơn vạn lời.

            Đó là sức mạnh thầm lặng của Pháp-thân.

            Sơ cơ như tôi, nay tọa thiền được phần nào an lạc là nhờ hình ảnh Thầy “ngồi yên như núi”. Ngọn núi đó vững vàng mà không cứng ngắc, vô cảm. Trái lại, năng lượng thoải mái, thong dong luôn tỏa rạng tràn đầy trong không gian quanh Thầy, trở thành tha lực tuyệt vời cho đại chúng.

             Với tôi, được chiêm ngưỡng Thầy tọa thiền là một hạnh phúc lớn, dù thường tự hổ thẹn sự yếu kém của mình mà thầm trách “không biết đến bao giờ mình mới ngồi được như vậy!”

            Rồi tôi bắt mình phải tập. Thân ngồi yên. Tương đối dễ. Nhưng tâm đâu? Hỏi rồi sẽ thấy ngay, là cái tâm viên ý mã này, không những không ngồi yên mà nó còn đang rong ruổi tít mù! Nó luôn luôn chuyền nhảy, hết cảnh buồn tới cảnh vui, hết người thương tới người không thương. Chẳng phải dễ để cột được cái tâm vô hình vào cái thân hữu hình, dù cái thân có ngồi bất động như tượng đá!

Khổ nỗi, cái tâm vô hình đó mà lăng xăng chộn rộn thì nó lại thể hiện ra ngay, trên cái thân hữu hình. Ngồi như thế thì ngồi làm chi!

            Không ít hành giả đã thất vọng khi không cột được cái tâm ưa chạy nhảy! Tất nhiên tôi cũng ở trong số đó. Cho tới một lần thính pháp, đề tài về một chương trong kinh Đại Thừa Duy Ma Cật, khi Thầy nói “Chỉ là ngồi yên thôi”, thì năm tiếng đó bỗng như năm ngôi sao xẹt, lập tức dính vào cái đầu u tối của tôi.

            Sao điều gì nơi Thầy cũng dường như quá đơn giản vậy? “Chỉ là ngồi yên thôi”. Có phải ngồi như thế chỉ là ngồi, không mong cầu gì, dù là mong cầu ngồi yên, không chờ đợi dấu hiệu chứng đắc gì, dù là dấu hiệu an lạc.

            Chỉ là ngồi yên, thì dù vọng khởi, vọng cũng sẽ đi. Không vui nào bất tận mà buồn không len tới. Không khổ đau nào suốt kiếp mà chẳng có lúc hoan ca. Nếu ta chỉ nhận diện mọi đến và đi, ta sẽ không phải biến mình thành bãi chiến trường để lâm chiến với vọng tưởng, dù vọng đó là gì!

 

            Năng lượng từ Pháp-thân và lời  dạy của những bậc Thầy khả kính như nắng gió trong không gian, cứ tự nhiên, nhưng thầm lặng thẩm thấu, sẽ giúp hành giả kiên nhẫn luyện tâm.

            Như người đi mãi dưới sương khuya, thế nào rồi cũng sẽ ướt áo. Phải có niềm tin đó để  khởi từ hành động tự giác, là sửa đổi những sai lầm của chính mình.

Tâm có tạm lắng yên, rồi hãy mon men tới lời Đức Phật dạy Trưởng lão Tu Bồ Đề trong Đại Thừa Kim Cang Kinh “Bao nhiêu thứ tâm niệm của tất cả chúng sanh, Như Lai đều biết rõ. Bởi vì sao? Vì Như Lai nói, các thứ tâm đều chẳng-phải-tâm, đó gọi là tâm”

 

            Tôi may mắnthời gian trụ thất tịnh tu khi bên ngoài đang ồn động với lợi danh, với hơn thua, còn mất …

            Chính thời gian này, vì không có tha lực của đại chúng, tôi đã nhận rõ tự lực nhỏ nhoi của mình mà cố gắng hơn. Như lời dạy trong bài pháp về “Người Biết  Sống Một Mình” là người ấy phải biết an trú trong chánh niệm, chứ không phải sống một mình là không có người khác xung quanh!

            Con đường tu tập là những tiếp nối của từng chặng hành trì. Khi sống trong chánh niệm, hành giả sẽ bất ngờ khám phá ra những gì hằng kiếm tìm, là những gì vẫn thường biết, mà lại không biết rằng mình đã biết!

            Có lẽ, điều rất mực thâm sâu mà lại vô cùng đơn giản từ các bậc chân tu là ngay điểm này chăng? Vì các Ngài đã đạt “Có gì mới lạ đâu! Ngay nơi tâm rỗng rang này thôi mà!” Rồi các Ngài thong dong, tiêu dao khắp chốn  mây ngàn gió núi mà hàng hậu học chúng tôi vẫn còn túi bụi bận bộn, đào đào, xới xới cái tâm thiên hình vạn trạng, dù đã từng đọc tụngQuá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc”

 

            doc hanhĐường thiền hành trong khu chung cư là những hàng cây cao, như khuynh diệp, phượng tím, thông xanh; là những giòng suối róc rách điểm hoa súng đủ mầu, uốn lượn quanh các lối mòn. Có lẽ vì đa số cư dân trong chung cư này là người Á Đông nên Ban Giám Đốc đã thực hiện cảnh trí nhiều nét đặc thù như thế.

            Mỗi sáng và chiều, khi thiền hành, tôi hay nhặt những chiếc lá, những bông hoa rơi rụng trên đường và quán chiếu theo lời thầy dạy để thấy, không chiếc lá, không bông hoa nào rơi xuống mà không có sự âm thầm tiếp sức của toàn thân cây, của nắng, của gió, của mặt trời, mặt trăng

            Cả vũ trụ đều có mặt trong chiếc lá đó, trong bông hoa đó, thì nơi mỗi bước chân thiền hành này, sao không thấy được là chúng ta đang bước cho Tổ Tiên, cho Ông Bà, cho Cha Mẹ, cho bằng hữu, cho những người còn đây hay đã xa ….

            Cảm nhận được như thế, hành giả sẽ không chỉ “độc hành, độc bộ” mà sẽ như được cùng đoàn thiền hành “đồng du Niết Bàn lộ” (*)

            Lành thay! Có ai nhìn những hàng cây mùa thu trơ trụi lá, mà thấy được sự chịu đựng dũng mãnh của vạn hữu trước mùa đông dài băng giá. Mùa đông đó chắc chắn sẽ đến, và không dung tha những gì mong manh, yếu ớt, những gì bé bỏng, phù du (**)

             Thấy, để tập an trú trong chánh niệm, để tập bước những bước chân vững chãi, để tiến tới thong dong ….   

            “Bước đi nghe cỏ động,

            Đi mãi thành Tâm Không” (***)

  

Huệ Trân

(Tào-Khê tịnh thất – sau những bước thiền hành, thời công phu sáng)

 

(*) Ý từ Chứng Đạo Ca

(**) Ý từ lời giảng của Ôn Làng Mai Thích Nhất Hạnh

(***) Thiên Lý Độc Hành - thơ Thiền-sư Thích Tuệ Sỹ


Xem thêm:

Kinh Bốn Mươi Hai Chương, TT. Thích Phước Tịnh Giảng (Audio MP3)




 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
16/03/2019(Xem: 6927)
02/07/2023(Xem: 2315)
23/03/2019(Xem: 9309)
05/03/2017(Xem: 6367)
13/01/2019(Xem: 6286)
30/10/2021(Xem: 3086)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.