Tôi Đóng Vai Phật Thành Đạo

09/07/20224:22 SA(Xem: 3428)
Tôi Đóng Vai Phật Thành Đạo

TÔI ĐÓNG VAI PHẬT THÀNH ĐẠO
(Thương tặng bạn Võ Văn Ái  và những bạn đạo năm xưa.)
Nguyên Ngọc Hoàng Thị Quỳnh Hoa

 

hoang thi quynh hoaChuyện xảy ra hơn bảy mươi năm rồi mà tôi còn nhớ như mới đây. Những ngày tháng sinh hoạt với Gia Đình Phật Tử (GĐPT) Hướng Thiện ở Huế khi tôi mới lên Trung Học Đệ Nhất Cấp thật là thần tiên. Thiếu niên, thiếu nữ cùng trang lứa hồn nhiên sinh hoạt với nhau dưới sự dìu dắt thương mến của các anh chị trưởng. Chúng tôi học hỏi, sinh hoạt như đoàn sinh Hướng Đạo cọng thêm phần học Phật Pháp do các tu sĩ hướng dẫn. Vị thầy đầu tiên của Hướng Thiện là HT Thích Minh Châu, lúc ấy mới là Đại Đứcchúng tôi gọi thầy là Chú Minh Châu. Tôi còn nhớ đã hỏi chuyện Chú một cách ngây ngô rằng: “Thưa Chú, nếu Phật là một vị toàn năng, cái gì cũng biết thì khi em buồn, Phật biết mà tự động an ủi, em đâu cần niệm danh hiệu Phật để xin Phật giúp em bớt buồn!” Chú dịu dàng nói: “Ban đêm khi có trăng nhưng em ở trong nhà thì đâu thấy trăng được? Muốn ngắm trăng, em phải ra khỏi nhà, nhìn lên trời mới thấy. Cũng thế, em phải nghĩ tới Phật, phải cầu nguyện thì Phật mới biết.” Và con bé 13 tuổi hiểu liền và nhớ mãi cũng như nhớ bài đoàn ca Hướng Thiện:


Chúng ta Hướng Thiện một nhà hòa vui
Mười luật ta quyết cố gắng tiến bước
Thờ Phật ta nhớ công đức bao la
Tô điểm đời ta.
Trời bừng sáng, ánh vàng thiết tha
Một đời mới chờ đợi chúng ta
Hằng ngày sống, gia đình hát vui,
Mà tình mến không bao giờ phai
Thề noi theo người xưa nêu gương sáng ngời
Nguyện hướng thiện cho lòng muôn đời thắm tươi.

Chủ Nhật nào chúng tôi cũng ca vang: “Chúng ta Hướng Thiện…” trong bao nhiêu năm. Không biết có phải anh Lê Mộng Nguyên làm bài này không. Anh là một trong mấy huynh trưởng của Hướng Thiện. Anh rất giỏi nhạc, đã đặt bài mừng Phật Đản: “Ngày mồng Tám tháng Tư về đây, ngày trần gian chào đón Đức Phật từ tôn chúng ta...” và nhiều bài cho chúng tôi hát.  Ngành Thiếu Nữbốn Chúng: Sen Trắng, Vàng, Xanh và Hồng. Mỗi Chúng có bài hát riêng do anh Nguyên đặt cho. Tôi chỉ nhớ câu đầu của Sen Trắng mà tôi là Chúng trưởng; Đào Giao Tiên là Chúng phó; hai em là Giao Châu và Giao Chi cũng ở Chúng Sen Trắng. Bài hát bắt đầu, “Chúng mình là hồn Sen Trắng…” Sen Vàng thì: “Sen Vàng chúng mình cùng tiến đều lên và hát khúc ca gia đình…” Không nhớ câu nào của hai sen kia! Về sau mấy chị em Giao Tiên theo ba mẹ vào Sài Gòn thì Đinh Thị Lệ Minh làm phó. Và khi chúng tôi đã học xong Phật Pháp cấp Chánh Thiện, đã lớn, không còn ở ngành Thiếu Nữ nữa thì đoàn Thanh Nữ Phật Tử Liên Hương được ra đời với chị Tuy An là đoàn trưởng và tôi cùng Lệ Minh làm phó cho chị. Chị Hoàng Thị Tuy An hiện nay định cư ở Cali. Một vài đoàn sinh vẫn cho nhau tin tức như Vương Thúy Nga, Vương Thúy Hoa ở Houston, Texas, Hoàng Thị Lệ Chi ở San Jose. Lệ Minh ở gần nhà và vẫn cùng tôi hát những bài ca của GĐPT mỗi khi hội họp ở nhà tôi. Hai đứa chúng tôi cuối cùng cũng nhớ được hết lời của bài đoàn ca Hướng Thiện. Tiếc thay, chị đã từ giã chúng tôi mấy năm rồi. Gần đây tôi được gặp lại một em Oanh Vũ của Hướng Thiện là Phương Lan ở Florida. Phương Lan cũng đã có cháu ngoại! Các bạn Phật tử chắc nghe biết về Sư Bà Hải Triều Âm ở Lâm Đồng. Sư Bà chu du cõi Phật cách đây mấy năm. Tiền thân Sư Bà là chị Ni, một chị trưởng của GĐPT Hải Phòng. Chị vào Huế dự một buổi họp huynh trưởng toàn quốc và ở lại nhà tôi vì cô tôi, cô Hoàng Thị Kim Cúc, là Trưởng ngành Nữ. Chị đến thăm đoàn quán chúng tôi và rất thích bài đoàn ca Hướng Thiện. Chị nói ý và lời rất hạp với tâm tư chị. Nghe đâu khi chị quyết định xuất gia, không vị thầy nào muốn nhận vì chị đẹp quá, các thầy sợ chị tu không trọn! Cô bạn cùng đi hành hương Ấn Độ với tôi năm 2004 kể như vậy. Cô Bảy đã được hầu chuyện Sư Bà Hải Triều Âm lúc cô về Việt Nam năm 2003. Sư Bà đã ngoài tám mươi nhưng vẫn miên mật tịnh tu mà còn lo trông nom mấy trăm trẻ mồ côi, mấy chục người già neo đơn đến nương nhờ cửa Phật. Tôi thấy phước duyên mình rất lớn đã có dịp biết và chiêm ngưỡng dung nhan của Sư Bà thuở trước.

 

Picture6Năm tôi 14 tuổi là năm mấy GĐPT ở Huế hợp tác tổ chức làm văn nghệ ra mắt đại chúng lần đầu ở hội quán Quảng Tri. Hướng Thiện phụ trách màn Đức Phật Thích Ca Thành Đạo, là màn chính của buổi văn nghệ và tôi được chọn đóng vai Phật. Lúc đầu, nhiều thiếu niên thay nhau thử vai đó nhưng không ai được chọn vì tôi nhớ là tụi hắn không nhịn cười được khi bị bọn Ma Vương quấy phá và cuối cùng thì mấy anh chọn tôi. Chắc nhờ mặt mày tôi hiền lành phúc hậu! Mô Phật. Tôi còn nhớ là lòng dặn lòng phải nghĩ đến những chuyện buồn chán nhất trên đời để không thể cười khi bị ma quỷ chọc ghẹo và cuối cùng thì tôi cũng thành công. Mặc áo nâu tu hành, đội mũ nâu của sư, ngồi không nhúc nhích dưới cội Bồ Đề. Ma Ba Tuần sai quỷ dữ ba đầu sáu tay đến hù dọa vì chúng không muốn Phật thành đạo. Nhiều đứa đu dây từ trên cây xuống, đứa nương theo sấm sét đùng đùng, hoa gươm giáo trước mặt Phật, một hoạt cảnh rất ghê sợThái Tử Tất Đạt Đa vẫn tự tại ngồi yên. Rồi tôi từ từ đứng dậy xua đuổi ma vương. Chúng biến hết và cùng lúc ấy cả rạp đứng lên chắp tay đảnh lễ. Tôi sợ quá quên cả câu phải nói. Cô tôi đứng sau cánh gà vội nhắc: “Em nói đi, Ta là Phật đã thành. Chúng sanh là Phật sẽ thành.” Và tôi nói lớn câu đã học thuộc lòng. Vì ngồi yên suốt thời gian ma vương quấy phá, khán giả tưởng tôi là pho tượng đặt dưới gốc Bồ Đề. Cả rạp giật mình khi thấy “tượng” từ từ đứng dậy và không hẹn mà ai cũng vội đứng lên chắp tay vái. Tôi thật bối rối và lo sợ. Về sau tôi phàn nàn với cô tôi là “họ lạy vậy, em tổn thọ chết” và cô giảng giải là “Họ lạy Phật chơ lạy chi em.” Nghe vậy tôi cũng yên lòng. Sau này khi kể với mấy sư cô ở chùa Viên Ân gần nhà thì cô Viên Huệ dạy nếu lúc ấy mà đeo tượng Phật trước ngực thì ổn rồi vì đại chúng lạy như vậy là lạy Phật. Tôi không nhớ hồi đó có đeo tượng Phật không! Phải chi hồi đó có recorder thì nay tôi có thể cho bạn bè xem vai tôi diễn Phật chinh phục ma vương oai nghi như thế nào! À có chuyện vui vui mà bây giờ tôi mới biết. Tôi nhớ bạn Võ Văn Ái là một trong mấy ma vương. Ái muốn hỏi xem bạn Đỗ Đình Kỳ có làm ma không thì anh Kỳ cho biết trước khi trình diễn, anh leo lên trần nhà xếp đặt thì bị té trặc chân, phải về nhà trị thương và anh không được xem màn diễn đó. Thiệt xui xẻo! Cũng hôm đó, tôi còn đóng vai một ni cô đi thăm viện mồ côi. Chị họ tôi, Phan Đình thị Minh, mặc áo ni cô đi cùng vì ni cô không ra đường một mình. Và Đặng Ngọc Ấn của GĐPT Hương Từ đóng vai cậu bé mồ côi. Khi ni cô ra về, cậu bé níu áo đòi đi theo làm tôi giật mình vì khâu này không có trong kịch bản. Màn adhoc này làm khán giả thêm mũi lòng, càng thương cậu bé mồ côi.


Đã hơn 70 năm qua rồi mà những hình ảnh sinh hoạt với GĐPT Hướng Thiện còn rất rõ trong bộ nhớ, những ngày họp cuối tuần, những lần cắm trại, trò chơi lớn, làm bích báo, văn nghệ, những buổi học Phật Pháp thật là những ngày hạnh phúc. Ngoài vai diễn Phật thành đạo, tôi cũng được chọn đóng vai chính trong vở kịch thơ nổi tiếng Lý Chiêu Hoàng của nhà văn Phan Khắc Khoan do anh Đĩnh đạo diễn. Anh Trần Tán Đĩnh theo gia đình từ Hà Nội di cư vào Huế và gia nhập đoàn Hướng Thiện cùng hai cô em là Mạnh Quang và Thục Chiêm, bạn học cùng lớp với em tôi, Hoàng thị Hỷ Nguyên. Em út Hoàng Thiện Căn của tôi cũng sinh hoạt với nhóm Đồng Niên. Hướng Thiện Kim Quy đóng vai Trần Cảnh. Nguyễn Thị Kim Quy là bạn học Đồng Khánh với tôi. Hiện Kim Quy định cư ở Nam Cali. Không biết Kim Quy còn nhớ vai kịch không chứ tôi nhớ được mấy câu trao đổi giữa Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh.


LCH:
Xem thánh thượng hôm nay bất thường chăng, có lẽ.
Hay làm sao tiện thiếp thấy âu sầu.
Nguồn cơn kia thiếp không rõ vì đâu?


TC:

Không khanh hỡi, có những lúc trời xa mây gió nổi,
Mà nơi đây cảnh vật cũng u buồn.
Nước sông trôi tuôn chảy tự trên nguồn!

Ôi, nhớ được chừng đó thôi. Chúng tôi đã làm khán giả rơi lệ và như vậy là thành công lắm! Nghĩ lại không biết sao hồi đó mình giỏi vậy, đóng kịch thơ mà lại nói tiếng Bắc kỳ nữa. Phải phục tài đạo diễn giỏi. Anh dạy cho tôi đọc thơ tiếng Bắc, cả một vở kịch dài. Kim Quy thì tài lắm, học rất mau, nói tiếng Bắc được liền, bộ dạng đàn ông trong vai vua rất oai. Đạo hữu Tâm Phát Nguyễn Quang Lạc ở chùa Hoa Nghiêm, VA còn giỏi hơn tôi. Anh nhớ anh cũng có mặt trong buổi văn nghệ ở Hội Quán Quảng Tri hôm đó mà anh chỉ mới 6, 7 tuổi chi thôi, là Đồng Niên của GĐPT An Thiện (hay Minh Đạo, anh không nhớ rõ!) ở An Cựu. Anh nhớ anh độc diễn bài hát Thằng Tôi, vừa hát vừa làm bộ điệu:

Thằng tôi có cái đầu rất to là rất to. (hai tay sờ đầu)
Cái cằm nho nhỏ
(sờ cằm)
Cái trán vồ vồ
(sờ trán)
Đôi môi thâm đen
(sờ môi)
Tình tang... tình tang…
Đôi mắt hung hăng như đôi mắt mèo
Chân tay ngoằn nghèo như thể lẻ tre
Mỗi lần chân bước giống như con bò
Ọ… i… è ... ọ… i… è…

(hết)

Hết bài, cậu nhỏ mừng quá, lật đật bước xuống liền, quên chào! Khán giả vỗ tay vang rần khen chú Đồng Niên bé xíu thuộc hết bài hát, còn tỉnh bơ làm bộ điệu nữa. Màn độc diễn của bé Lạc dĩ nhiênthành công lớn nên anh nhớ đến bây giờ, nhớ thời oanh liệt nay còn đâu!

 
Tôi cũng còn nhớ giai thoại bài hát Mầm Măng xuất xứ từ GĐPT Tịnh Trang ở Cầu Đất trong Thành Nội. Hồi ấy tôi nghe kể rằng một anh Hướng Đạo Công giáo thấy mấy em nhỏ sinh hoạt dễ thương ở GĐPT Tịnh Trang nên anh tặng bài hát đó cho mấy em. Không biết tôi nhớ có đúng không. Tôi liên lạc với Huế và Mai Quang Châu của Hướng Thiện gởi cho tôi bài Mầm Măng với nhạc nữa. Anh báo cáo là Đặng Ngọc Thanh Nhã tìm ra. Tôi gọi về hỏi thì Thanh Nhã cho biết em trai là Phú Hòa đã tìm được bản nhạc mà cũng không biết tác giả là ai! Thanh Nhã nói mấy chị em của em là thành viên GĐPT Thuận Hóa và bài Mầm Măng là đoàn ca của Oanh Vũ Thuận Hóa. Tôi lại gọi về Huế nói chuyện với M Q Châu. Anh Châu cho rằng bài Mầm Măng là của anh Cang vì những Phật tử lứa chúng tôi anh liên lạc được đều cho là của anh Cang. Tôi thì vẫn không tin chắc tác giả là ai vì tại sao tôi lại nhớ giai thoại kia. GĐPT Tịnh Trang là địa bàn của Huynh trưởng Hoàng Trọng Cang, chị Huệ, Chị Tuy An. Anh Cang cũng giỏi nhạc, đặt nhiều bài hát cho các em mà bài phổ thông nhất là bài Dòng A-Nô-Ma, ghi lại chuyện Thái tử Tất Đạt Đa giã từ Xà Nặc và con ngựa Kiền Trắc ở dòng sông này:

Dòng A-nô-ma sóng nhấp nhô bờ lau xanh,
Nhìn làn nước biếc, Thích Ca ngài lòng vững bền
Thôi em ơi hãy về để ta vui ánh vàng
Ta đã quyết tìm đạo sáng cứu chúng sinh
A-nô-ma vẫn còn nhớ ghi gương sáng ngời
Chúng ta giờ đây nguyện theo đức từ bi.

(Cám ơn bạn Lương Trinh, GĐPT Hương Đàm ở Từ Đàm, đã nhớ trọn bài hát này. Tôi chỉ nhớ câu đầu!)

Anh Cang là tác giả của nhiều bài hát cho sinh hoạt GĐPT, và vì vậy tuy không tìm ra nguồn tin chắc chắn xuất xứ của bài Mầm Măng, mấy anh em cho rằng bài ấy là của anh Cang. Tôi thì vẫn hoang mang không hiểu sao mình lại nhớ câu chuyện anh Hướng Đạo Công giáo! Xin ghi lại đây bài Mầm Măng mới nhận được từ Đặng Ngọc Phú Hòa ở Huế:

 

Picture5

 

Rất cám ơn giáo sư âm nhạc Phan Thanh Thu, huynh trưởng GĐPT Đà Lạt, đã hoan hỷ ghi nốt nhạc cho bài đoàn ca Hướng Thiện. Xin mách nhỏ với các bạn là cũng nhờ sinh hoạt GĐPT mà anh Thu cưới được người vợ duyên dáng đảm đang. Chị Võ Đình Mỹ Ngọc thú nhận với tôi là anh chị phải lòng nhau khi anh là huynh trưởng ngành Thiếu Niên và chị là huynh trưởng ngành Thiếu Nữ GĐPT ở Đà Lạt. Âu cũng là mối lương duyên trời định. Khi tôi nhờ anh ghi nốt nhạc, anh Thu bỗng nảy ra ý kiến muốn gom góp hết tất cả những bài hát sinh hoạt GĐPT có cả nốt nhạc vào một tuyển tập bài ca cho GĐPT ở hải ngoại sử dụng, từ bài Sen Trắng đến Giây Thân Ái. Tôi hoan nghênh sáng kiến này.

Picture7

Chỉ mấy năm sau biến cố 75, GĐPT lại xuất hiện ở những nơi có người Việt định cư. Tôi đã giúp chương trình dạy tiếng Việt cho GĐPT Hoa Nghiêm ở Virginia những năm đầu. Rất cảm động thấy mấy em lớn, nhỏ sinh hoạt dưới sự dìu dắt của các anh chị trưởng mỗi ngày Chủ Nhật trong một xã hội nhiều cám dỗ, nhiều thú vui ngoài đời. Phụ huynh cũng hết lòng hỗ trợ, tiếp tay với các huynh trưởng trên bước đường tu học của con em mình. Thật đáng mừng trông thấy GĐPT Hoa Nghiêm ngày nay đã có trên 100 thành viên.

 
Năm 2018, một nhóm bạn GĐPT Hướng Thiện đinh cư ở nước ngoài hẹn gặp nhau tại Huế vào dịp Tết. Cuối cùng thì chỉ có anh Đỗ Đình Kỳ ở Cali, anh Nguyễn Kỳ ở Sydney và tôi về được và gặp lại vài bạn Hướng Thiện ở Huế, anh Mai Quang Châu, chị Nguyễn Kim Bông với một chị trưởng, chị Quý đã ngoài 90. Chị Quý vẫn ở chỗ cũ, đường Âm Hồn ở Thành Nội, nơi mà chúng tôi chiều nào cũng đến tập dượt vở kịch thơ Lý Chiêu Hoàng trong nhiều tháng. Anh Đỗ Đình Kỳ còn nhớ địa chỉ Hội Quán Quảng Trị vì ngày trước gia đình anh ở gần đó. Anh hướng dẫn chúng tôi đến nhìn lại con đường cũ cùng nơi chốn xưa. Anh cũng nhớ địa chỉ hội quán của GĐPT Hướng Thiện. Chúng tôi phục anh quá. Rồi anh hướng dẫn chúng tôi đi thăm lăng Thiệu Trị, rất đẹp và thơ mộng mà ít ai nhắc tới và cũng lần đầu tiên tôi được thăm lăng Gia Long. Chúng tôi cũng nhờ anh Tuấn, tài xế taxi, đưa đi ăn tất cả những món ăn đặc trưng của Huế, bún bò mụ Hạnh, bánh canh Nam Phổ, bánh ướt thịt nướng Kim Long, nậm, bèo, lọc ở tiệm Hạnh ....

 

Giờ đến tuổi 'gần trời xa đất' rồi – cụm từ của ông xã tôi đặt vì anh nói mình là người hiền lành, biết làm lành lánh dữ thì khi rời Cõi Tạm sẽ được đi lên – tôi cảm thấy mình rất may mắn được sinh ra trong một gia đình biết Phật, được nuôi dưỡng trong một môi trường thuận lợi cho mình được tiếp cận Phật Pháp suốt cả cuộc đời mà lại được duyên may đóng vai Phật thành đạo nữa. Thật hy hữu!

Ghi chú

Tết năm ni (2021), tôi liên lạc được với chị Hoàng Thị Tuy An, em ruột anh Hoàng Trọng Cang, chị cho biết anh Cang đặt rất nhiều bài hát nhưng anh không phải tác giả bài Mầm Măng. Cám ơn chị đã giúp giải tỏa nghi vấn này.

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
21/01/2018(Xem: 20337)
12/10/2016(Xem: 18287)
26/01/2020(Xem: 10843)
12/04/2018(Xem: 19057)
06/01/2020(Xem: 9880)
24/08/2018(Xem: 8557)
12/01/2023(Xem: 2917)
28/09/2016(Xem: 24248)
27/01/2015(Xem: 23895)
11/04/2023(Xem: 2150)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.