Soi Gương

02/07/20234:42 SA(Xem: 2356)
Soi Gương

SOI GƯƠNG

Vĩnh Hảo

 

 

biachanhphap140Soi gương không phải để xem mặt mũi hôm nay có đẹp hơn mặt mũi hôm qua, mà soi là soi cái diện mạo đạo đức, kiến thức, kinh nghiệm sống ở đời của chính mình. Hôm nay có tốt đẹp, thiện mỹ hơn ngày qua hay không.

Soi gương để tự sửa mình. Biết tự sửa mình thì mới có thể làm gương soi cho kẻ khác [1].

Cha mẹanh chị lớn cần soi gương để làm gương soi cho con em.

Người đi trước cần tự soi gương trước khi khuyên bảo, dạy dỗ người đi sau.

Người trí thức thời xưa, lấy việc đọc sách, trau dồi kiến thức làm nền tảng cho sự hiểu biết và cách ứng xử với đời. Một ngày không đọc, không học, soi gương thấy mình xấu tệ, nói năng chẳng ra chi [2].

Người học đạo, hành đạo lại càng cần phải miên mật soi gương, nội quán trong từng giờ phút, hay ngay cả trong từng hơi thở, từng sát-na. Bởi vì, vô thường, già, chết, không hẹn cùng ai; sớm còn, tối mất, chỉ trong vòng một sát-na là đã qua đời khác [3].

 

Soi gương thấy mình là mình. Thấy mình, một thiếu niên, một thanh niên, một người trung niên hay lão niên.

Thiếu niên da căng mặt trắng, mắt ngây thơ vui nhìn cuộc đời; thanh niên mạnh mẽ sung sức, hăng say đạp đổ, khai phá, tìm kiếm những con đường tiến về phía trước; trung niên đội đá vá trời, đâm đầu vào cửa tử để tìm nẻo sinh, thấy mình như cứu tinh của cả một dân tộc triền miên thống khổ; lão niên da mồi tóc trắng, dừng lại những thị-phi thế sự, ôn chuyện xưa cười nhẹ một thời phiêu lưu, nông nổi.

Soi gương, vẫn thấy mình là mình, nhưng thực sự bóng kia, hình này rất khác, dường như không phải mình. Năm trước, năm sau, hình hài đã đổi. Tình cảm, ý chí cũng đã đổi thay hoặc giảm đi cường độ. Có một cái tôi nào đó liên tục tồn tại trong sự biến dịch của không gianthời gian, nên từ thiếu niên đến lão niên, vẫn được nhận dạng là một kẻ ấy, tên ấy. Cái tôi có đó, nhưng kỳ thực là không thực có. Một hiện hữu được xác lập bởi nhiều yếu tố nhân duyên, mà mỗi nhân/duyên đều không có bản chất cố định. Một hiện hữu không có tự tánh. Một hiện hữu như ảo ảnh, ảo tượng, ảo mộng. Chỉ là vay mượn một tên gọi để mặc định có một cái tôi nhất quán, thường tại. Tên thì vay mượn, hình thể và tâm ý thì bất định vô thường, cái tôi ấy chẳng phải là tôi [4]. Cái tôi ấy là không,giả (danh), là trung (đạo) [5].

Soi vào trong. Soi nơi ý căn, soi nơi những ảnh tượng nhảy múa lung linh. Soi nơi những bóng sắc chập chờn ảnh hiện theo từng ý niệm. Soi đến chỗ nhỏ nhiệm tận cùng cực vi của không gian. Soi đến chỗ tận cùng sát-na không thể chia chẻ của thời gian.

Nơi ấy, chẳng gì chân, chẳng gì vọng, chẳng gì thiện, chẳng gì ác. Chỉ là sự trình hiện hiển nhiên, trong suốt của bản tâm.

Nơi ấy không có quá khứ, hiện tại, vị lai. Không có thiếu niên, trung niên, lão niên. Không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Không có sinh, già, bệnh, chết. Không có Không. Không có Giả. Không có Trung. Không có tam đế, tứ đế. Không có năng quán, sở quán. Như như bất động. Maha Prajna Paramita! [6]

 

 

___________________

 

(1)    Nếu muốn khuyên người khác nên làm như mình, trước hãy sửa mình rồi sau sửa người. Tự sửa mình vốn là điều khó nhất.” (Kinh Pháp Cú, phẩm Tự Ngã, câu 159).

(2)    Nguyên văn câu này của Hoàng Đình Kiên (1045 – 1105) thời Bắc Tống: "Sĩ đại phu tam nhật bất độc thư, đối kính giáo diện mục khả tắng, hướng nhân diệc ngữ ngôn vô vị" – Nghĩa là, bậc sĩ phu mà ba ngày không đọc sách thì soi gương thấy mặt mũi đáng ghét, nói chuyện lời lẽ nhạt nhẽo. (Theo Thivien.net)

(3)    “Vô thường lão bệnh, bất dữ nhân kỳ. Triêu tồn tịch vong, sát-na dị thế” (Cảnh Sách Văn của Thiền sư Qui Sơn).

(4)    Tam quán: Không, Giả, Trung, theo Từ Điển Phật Học Online: “Chỉ cho Tam đế tam quán do tông Thiên Thai lập ra. Lý thể của các pháp xưa nay vốn vắng lặng; gọi là Không; các pháp do nhân duyên sinh, gọi là Giả; lý thể tuyệt đối, chẳng phải không chẳng phải giả, gọi là Trung.... Không để phá tất cả pháp, Giả để lập tất cả pháp, Trung để đạt lý vi diệu của tất cả pháp.” Tông Thiên Thai do Đại sư Trí Khải (538-597) lập. Ba chân lý (tam đế) này dựa nơi bài kệ tụng thứ 18, phẩm 24 của Trung Quán Luận mà lập cước, do vậy Đại sư Trí Khải đã vọng bái Bồ-tát Long Thọ làm Sơ tổ. Bài kệ tụng như sau:

“Nhân duyên sở sanh pháp,
Ngã thuyết tức thị Không
Diệc danh vi Giả danh
Diệc thị Trung đạo nghĩa.”
(Pháp do nhân duyên sanh
Ta nói tức là Không
Cũng gọi là Giả danh,
Cũng là nghĩa Trung đạo.”

(5)    Nguyên đoạn này diễn ý từ Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh (Maha Prajna Paramita Heart Sutra).

(Thư Tòa Soạn Nguyệt san Chánh Pháp số 140)








Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
16/03/2019(Xem: 6965)
23/03/2019(Xem: 9339)
05/03/2017(Xem: 6400)
13/01/2019(Xem: 6324)
30/10/2021(Xem: 3132)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.