Tưởng Niệm Thầy | Đồng Thiện

05/11/202411:50 CH(Xem: 554)
Tưởng Niệm Thầy | Đồng Thiện

TƯỞNG NIỆM THẦY
Đồng Thiện

 

thich tue syThế là một năm đã trôi qua kể từ ngày thầy ra đi vĩnh viễn. Một năm dài đằng đẵng hay chỉ là cái chớp mắt đây? Nhạn bay qua bầu trời không lưu dấu, ấy vậy mà trong tâm hình bóng hiển hiện rõ ràng. Hư không không vết tích, nào ngờ dấu vết như bàn thạch. Kỳ diệu là ở chỗ này! Cánh hoa rơi không âm thanh nhưng tiếng lòng mãi vang vọng. Cánh hoa đã hòa vào đất mẹ nhưng hương thơm vẫn ngát bốn phương trời.

Thầy đến thế giới này với thân phận một du sĩ.

Thầy hiện thân sa môn thạch trụ tòng lâm.

Thầy bao dung, cần mẫn, tinh tấn, tài hoa với tư cách một thiện tri thức, suốt cuộc đờihoằng pháp, giáo dục, viết sách, dịch kinh.

Thầy hóa thân một nghệ sỹ tấu dương cầm, thượng cúng dường hạ hóa nhân gian. Khúc dương cầm ngất đỉnh trường sơn dễ mấy ai thẩm thấu. Khúc dương cầm tha thiết lay động lòng người, vượt qua những tầm thường, khuôn sáo của đời. Khúc dương cầm như phương trời viễn mộng, chữ nghĩa thế gian làm sao tả được đây!

Thầy minh định một người Việt Nam chân chính trung kiên trong một giai đoạn nhiễu nhương của lịch sử dân tộc.

Từ thầy về trước còn có những bậc long tượng duy trì giềng mối. Từ thầy về sau chưa thấy vị nào đủ trí huệ, phạm hạnh, đức độ để tiếp nối công nghiệp chưa tròn.

Thầy đi rồi để lại một khoảng trống mênh mông trong lòng tứ chúng. Nước non và đạo pháp đều rơi vào khoảng lặng của cung trầm. Đành rằng đạo pháp không vì một người mà thịnh hay suy, tuy nhiên pháp cũng có thể vì một người cầm đuốc mà sáng rạng rỡ hay lu mờ.

Vạn pháp vốn tự nhiên như thế. Thầy thay Phật nói pháp, truyền pháp, duy trì chánh pháp. Các Pháp Phật nói cũng là pháp tự nhiên chứ chẳng phải do Phật chế ra: Khổ, không, vô thường, vô ngã, nhân quả, duyên… cũng đều là tự nhiên như thế! Phật chỉ là người nhìn thấy và chỉ dạy chúng ta. Phật với trí huệ vô biên, năng lực xuất chúng, tinh tấn vô đối, từ bi vô hạn… đã khai phá con đường trung đạo, con đường giải thoát mọi khổ đau đưa người đi đến tịch tịnh niết bàn.

Thầy thay Phật duy trì chánh pháp, dựng lập lại những gì đã đổ, khơi lại dòng đã nghẽn, trụ vững để tứ chúng an tâm, hướng về, noi theo.

Thầy như ngọn đèn trong đêm trường mờ mịt của những tháng năm nhiễu nhương loạn động của xã hội; những tháng ngày điêu tàn, phế phong, hư hoại trong đạo pháp.

Thầy suốt đời hy hiến cho tha nhân, chống gậy trúc đạp trường sơn dấn thân hành hoạt. Ngày cô thần lữ thứ, đêm độc thoại thiền lâm, trong ngục thất gõ ngón tay lên tường rêu ngẫm xem thế sự.

Sư tử trong ngục thất oai nghi chẳng hư hao tôn xưng pháp vương tử

Voi lớn ở rừng sâu dáng vóc vẫn đầy đủ xứng đáng đấng tượng long

Mảnh cà sa bọc lấy thân gầy

Màu áo lam quấn lên lau sậy

Đôi mắt sáng soi thấu cõi người

Lòng bao la như hư không không ngại dung chứa bao dị biệt

Tâm đại lượng tựa biển cả gom đủ nước muôn miền

Thầy đi rồi, cơ nghiệp còn đây, dù đại tạng kinh tiếng Việt chưa hoàn thành, giáo hội dân vẫn trong vòng cấm bế. Đồng tham đạo hữu vẫn sanh nhị tâm, chẻ chia, khuynh loát…

Phật pháp bị biến dị bởi những tà sư thiếu chánh kiến thừa danh văn lợi dưỡng, tham chính, thân chính, phò chính. Phật pháp nào phải ở cúng đám, trục vong, giải hạn, phong thủy, mở ngải, trừ tà… Phật pháp không ở hình thức rền rang, màu mè lòe loẹt. Phật pháp càng chẳng ở chùa to vàng son lộng lẫy như cấm cung, tượng lớn đạt kỷ lục này nọ. Phật pháp tuyệt đối không ở những buổi xun xoe tiếp đón quan gia, rầm rộ phô trương thanh thế. Phật pháp vốn tự nhiên, rõ ràng, đơn giản. Phật pháp là thấy khổ, biết khổ, đi theo con đường giải thoát. Phật pháp chính là sự thấy biết chân chính, đúng sự thật, là suy nghĩ , lời nói, hành động, sinh sống, cố gắng, nghĩ nhớ, tập trung đúng theo tinh thần khổ, không, vô thường, cô ngã.

Thầy là bậc tòng lâm thạch trụ, long tượng thiền môn. Dù thầy đi rồi nhưng phật pháp còn đây. Ai nương tựa Phật pháp, làm đúng lời Phật, noi theo hành trạng của thầy ấy mới đáng gọi là con Phật, đệ tử thầy; ấy mới là thương thầy, tôn kính thầy.

Ngày thầy ra đi, có kẻ thuộc hạng trí thức từ nơi cố quận hỏi: “Thầy là ai?”. Biết nói sao đây? Nói bao nhiêu cũng không đủ mà không nói lời nào vẫn thừa! Vì một khi đã hỏi như thế đủ biết kẻ ấy mê, đừng bảo rằng do bưng bít, che mắt, may miệng, bịt tai. Ấy là do chính bản thân kẻ hỏi ngủ mê. Rồng bay trên mây, bơi trong bể cả có thứ gì của người thế nhân che chắn được?  Sấm động bốn phương, có âm thanh nào của người thế gian ngăn lại được? Ngôi sao bắc đẩu lấp lánh trên bầu trời, có bức màn nào của bạo quyền phủ trùm được? Không thấy, không nghe, không biết ấy là tự chính mình mê!

Thầy đi rồi, tứ chúng y giáo phụng hành vẫn âm thầm noi theo vết.

Thầy đi rồi, đạo pháp và dân tộc còn đây, dù có suy hao nhưng vẫn có ngày hưng thịnh như tâm nguyện  và hoài bão của thầy.

Thầy đi rồi, công cuộc hoằng truyền Phật pháp, duy trì chánh pháp, chấn hưng văn hóagiáo dục vẫn được quý thầy và quý huynh đệ ngày đêm gắng hết sức mình.

 

Đồng Thiện

Ất lăng thành, 1024

 

Tạo bài viết
21/01/2018(Xem: 21448)
12/10/2016(Xem: 19339)
26/01/2020(Xem: 12054)
12/04/2018(Xem: 20278)
06/01/2020(Xem: 11117)
24/08/2018(Xem: 9587)
12/01/2023(Xem: 4013)
28/09/2016(Xem: 25237)
Bản tin ngày 3 tháng 12/2014 trên báo Global New Light of Myanmar (GNLM) của Bộ Thông Tin Myanmar loan tin rằng Trung tâm Giáo dục Phật giáo Quốc tế (IBEC: International Buddhist Education Centre) đã công bố sự tham gia của IBEC vào dự án Vườn Lumbini (Lumbini Garden) tại Tây Ban Nha, nơi sẽ trở thành Công viên Phật giáo lớn nhất châu Âu. Sáng kiến quan trọng này sẽ có sự đóng góp từ nhiều quốc gia, bao gồm Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào, Sri Lanka, Trung Quốc, Hồng Kông, Nepal, Bhutan và Đài Bắc Trung Hoa (Ghi nhận của người dịch: không thấy Việt Nam). Dự án sẽ có các chương trình giáo dục Phật giáo cấp cao hỗ trợ bởi IBSC (Thái Lan), SSBU, SIBA và IBEC-Myanmar.
Bhutan, vương quốc ở vùng núi Himalaya đã mang đến cho thế giới khái niệm về hạnh phúc quốc gia, chuẩn bị xây một "thành phố chánh niệm" (mindfulness city) và đã bắt đầu gây quỹ từ hôm thứ Hai để khởi động dự án đầy tham vọng này. "Thành phố chánh niệm Gelephu" (Gelephu Mindfulness City: GMC) sẽ nằm trong một đặc khu hành chánh với các quy tắc và luật lệ riêng biệt nhằm trở thành hành lang kinh tế nối liền Nam Á với Đông Nam Á, theo lời các quan chức.
Những phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng là mảnh đất màu mỡ cho đủ loại thông tin, là nơi để một số người tha hồ bịa đặt, dựng chuyện, bé xé ra to và lan đi với tốc độ kinh khủng. Họ vùi dập lẫn nhau và giết nhau bằng ngụy ngữ, vọng ngữ, ngoa ngữ…