VƯỢT KHỎI GIÁO ĐIỀU (BEYOND DOGMA)
Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14
Việt Dịch: Tâm Hà Lê Công Đa
Nhà xuất bản Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh 2010
PHẦN THỨ HAI
TÂM LINH VÀ CHÍNH TRỊ
NGHĨA VỤ CỦA TÔN GIÁO
Thưa Ngài, Ngài có nghĩ rằng sự tách biệt giữa giáo hội và nhà nước -giữa thần quyền và thế quyền- là một điều tốt đẹp? Ngài có nghĩ rằng một điều rất đáng khuyến khích nếu để cho giáo hội có nhiều khả năng trong việc kêu gọi nhà nước, hoặc can thiệp một cách tích cực vào các lãnh vực tiện ích xã hội, như môi sinh chẳng hạn?
Nhìn trên khía cạnh kinh viện, tôi nghĩ rằng tốt nhất là nhà nước và nhà thờ hoạt động biệt lập nhau. Thế nhưng điều này không có nghĩ a là nhà thờ quay mặt lại với xã hội, không đứng trên quan điểm tinh thần để bày tỏ ý kiến của mình hoặc tích cực hoạt động trong các lãnh vực liên quan đến môi sinh, vì đây là một vấn đề có ảnh hưởng đến phúc lợi của toàn thể dân chúng.
Rốt lại, mục tiêu hàng đầu của tôn giáo và sự tu tập của họ là gì nếu không là phục vụ nhân sinh. Thế nên nghĩa vụ của các nhà tôn giáo là phải dấn thân và nỗ lực góp phần giải quyết các vấn nạn xã hội. Thực tế cho thấy quả là điều rất lợi ích nếu một người biết hòa trộn những hoạt động chính trị của họ cùng với sinh hoạt tâm linh. Có lần tôi được dịp tham dự một cuộc hội nghị với các nhà chính khách Ấn. Họ đã thú nhận một cách khiêm nhượng rằng, là chính khách họ mù tịt về lãnh vực tôn giáo. Tôi đã trả lời rằng, chính trị gia phải nên là những người có tín ngưỡng hơn ai hết, do tác động của những việc làm của họ gây nên đối với xã hội. Trong thực tế, những tư tưởng của một nhà khổ tu, người cống hiến trọn đời mình cho tham thiền nhập định đã không có một tác động lớn lao đối với quần chúng. Thế nhưng sự đồi bại phát xuất từ một tâm hồn bất ổn của một chính trị gia và hậu quả xảy ra của việc làm xấu xa tai tiếng đó sẽ gây tác hại đến một số lượng lớn con người.
Sống giữa một xã hội truyền thông điên loạn như hiện nay, có phải là Ngài đang gặp khó khăn khi không có nhiều thì giờ dành cho việc tu tập thiền định?
Bao lâu mà những chuyện tiếp xúc đối thoại xảy ra trong một bầu khí nồng ấm tình người, nó chẳng hề gây phiền nhiễu gì cho tôi cả, trái lại tôi còn thích thú là đàng khác! Bất cứ sự trao đổi nào giữa con người với nhau mà thiếu vắng sự nồng hậu, tình người đều chẳng khác gì sự đối thoại của những cổ máy, và dĩ nhiên tôi không thích thú điều đó. Tôi thường bắt đầu một ngày làm việc của tôi rất sớm, trước khi bình minh, khoảng bốn giờ sáng. Đó là lý do tại sao tôi thường cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ vào buổi chiều.