ĐÀM LUẬN VỚI TẠP CHÍ ROLLING STONE
Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma & Melissa Mathison - 21/07/2011
Chuyển ngữ: Tuệ Uyển - 22/07/2011
Mặt trời đang chiếu sáng trên chùa Tsuglakhang, trên đồi núi của Hy mã lạp sơn Ấn Độ, hàng trăm người Tây Tạng đang tập trung trong sân cho buổi lễ hội. Khi những thầy tu xới cơm trắng và rau cải hầm ra, những tiếng kèn và chập chỏa vang lên. Những lễ lược như vậy là thông thường ở đây - tu sĩ thường cung cấp thức ăn cho những dân làng địa phương như một hành động phục vụ để tích tập phước đức - nhưng không khí lễ hội dường như thu hút được tình cảm của vị hiền nhân sống bên cạnh ngôi chùa. Đức Đạt Lai Lạt Ma, mặc dù nhiều lời thỉnh cầu chân thành bởi những cử tri, cuối cùng đã đạt được mong ước của ngài cho việc từ nhiệm khỏi những trách vụ của chính quyền.
Quốc hội Tây Tạng đã hai lần khuyến thỉnh Đức Thánh Thiện hãy xem xét lại, nhưng ngài đã từ chối ngay cả đọc một thông điệp hay gặp gở những nhà lập pháp. Ngài đã nhất quyết. Vào ngày 29 tháng Năm, văn kiện đã được ký và hiến chương Tây Tạng đã được sửa đổi. Hành động đánh dấu một sự kiện nổi bật và tách rời tự nguyện của tôn giáo và chính quyền. Lần đầu tiên trong hơn 350 năm, Đức Đạt Lai Lạt Ma không còn là lĩnh tụ thế quyền và tâm linh của đồng bào Tây Tạng.
Mặc dù chính quyền lưu vong Tây Tạng cải cách rộng rãi về dân chủ hàng thập niên qua, Đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn phải nói lời phán quyết cuối cùng trong mỗi quyết định chính trị quan trọng trong sự lưu vong. Ngài đã chỉ định những đặc phái viên quốc ngoại, quyết định phạm vi và thời gian trong những cuộc đàm phán với Trung Cộng, có quyền để ký hay phủ quyết các luật lệ và ngay cả có thể giải tán Quốc hội. Bây giờ, với chữ ký của ngài, danh hiệu chính thức đã biến từ "Nguyên thủ Quốc gia" thành "Đức Hộ Vệ và Biểu Tượng của Tây Tạng và Đồng Bào Tây Tạng." Nhiều trách nhiệm chính trị của ngài sẽ chuyển sang Lobsang Sangay, một học giả Harvard 43 tuổi người vừa đắc cử vào tháng Tư vừa qua trong cương vị Thủ tướng.
Trung Cộng, phủ nhận sự chuyển giao quyền lực như một "mưu kế", đã từ chối gặp gở Sangay. Chính quyền Cộng Sản tin rằng cuộc đấu tranh cho khu tự trị Tây Tạng sẽ chết với Đức Đạt Lai Lạt Ma; và tất cả những gì mà họ phải làm là chờ đợi ngày ấy. Nhưng bằng vào việc chuyển quyền kiểm soát chính phủ qua những nhà cầm quyền dân cử thế tục, Đức Thánh Thiện đang đầu tư khả năng dân chủ để phục vụ như một nguyên tắc bảo vệ hiệu quả chống lại sức ép của Trung Cộng. Ở tuổi 76, ngài biết rằng ngài sẽ không hiện diện mãi mãi để lèo lái con thuyền quốc gia. Ngài tin rằng, người Tây Tạng phải học hỏi để lèo lái nó cho chính họ.
Tenzin Gyatso, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ mười bốn, sinh năm 1935, con trai một nông dân trong một làng Tây Tạng nhỏ. Theo thông lệ cổ truyền, những giấc mộng và nhãn quan tâm linh của những lạt ma cao cấp và những điềm lành cuối cùng đưa đoàn tìm kiếm đến vị thiếu niên. Vào lúc hai tuổi, ngài đã xác định một cách thành công những người và các vật sở hữu trong kiếp trước của ngài và được công nhận một cách chính thức như hậu thân của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13. Vào lúc bốn tuổi, ngài đã được đưa vào thủ đô Lhasa và đăng quang như là lĩnh đạo tâm linh của dân tộc ngài. Vào lúc mười lăm tuổi, ngài trở thành nguyên thủ quốc gia. Trong năm 1959, khi những căng thẳng với Hồng quân Trung Cộng lên đến cực điểm, ngài đã lánh sang Ấn Độ, nơi ngài đã lĩnh đạo cộng đồng Tây Tạng ly tán từ lúc ấy đến nay.
Nhìn lại 60 năm lĩnh đạo của ngài, ngài phải tự hào rất nhiều. Ngài đã thiết lập một chính quyền thành công cùng ổn định trong cảnh lưu vong và đã đứng vững chắc chống lại một chính quyền tàn bạo. Như một vị Đạt Lai Lạt Ma đầu tiên du hành sang phương Tây, ngài cũng đã ca tụng những đạo đức bất bạo động đến hàng triệu người, một nổ lực cả cuộc đời đã khiến ngài được trao tặng giải Nobel Hòa Bình. Như lĩnh đạo tâm linh của Tây Tạng, ngài duy trì sự hiện thân cho công cuộc đấu tranh của quê hương ngài.
Tôi đã biết Đức Thánh Thiện từ năm 1990, khi tôi viết kịch bản Kundun - Đấng Hiện Diện, một bộ phim về đời niên thiếu của ngài và được đạo diễn bởi Martin Scorsese. Từ lúc ấy, chúng tôi đã tăng cường một tình thân hữu bền lâu. Tôi tiếp tục hoạt động như một người hành động vì sự tự trị của Tây Tạng và phục vụ trong hội đồng Vận Động Quốc Tế vì Tây Tạng. Mỗi ngày tôi đã cầu nguyện cho sự trường thọ của Tenzin Gyatso.
Khi chúng tôi gặp nhau vào ngày hai tháng Sáu trong khu vực đón tiếp của ngài phía sau ngôi chùa chính bận rộn ở McLeod Ganj ,một thị trấn đồi núi bụi mờ của Ấn Độ, ngài đã hỏi ngài vẫn trông khỏe mạnh như lần trước chúng tôi gặp nhau chứ. Vâng, tôi nói với ngài - ngay cả trẻ hơn, nếu có thể. Nhưng tôi thêm, đôi mắt ngài trông già hơn. "Đúng thế," ngài nói. Tuy nhiên, ngài muốn báo cho tôi biết rằng, ngài đã không cần tăng độ cho đôi mắt kính của ngài - một phần bởi vì ngài không dùng máy điện toán. "Tôi ngay cả chưa bao giờ thử," ngài nói, bùng vở trong giọng cười sôi nổi dễ nhận thấy. "Tôi không biết làm thế nào!"
PHỎNG VẤN
MELISSA: Hãy bắt đầu bằng việc nói ngày mà ngài trở thành nguyên thủ của chính quyền Tây Tạng, trong năm 1950. Ngài chỉ mới 15 tuổi và Trung Cộng đang xâm lấn quê hương của ngài.
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Đấy là một hoàn cảnh vô cùng, vô cùng khó khăn. Khi đồng bào yêu cầu tôi nhận lĩnh trách nhiệm, sự phản ứng của tôi là, tôi là người muốn thực hiện truyền thống của những Đạt Lai Lạt Ma, đấy là đăng quang vào lúc 18 tuổi. Tuổi 15 thì quá sớm. Rồi thì họ yêu cầu tôi một lần nữa. Chamdo [một vùng núi phía Đông Tây Tạng] đã bị Trung Cộng chiếm rồi. Thật là một thời điểm đáng ngại vô vàn. Tôi đã nhận lấy trách nhiệm. Khi quân Hồng Quân Giải Phóng Cộng Sản tiến gần Lhasa, hành động đầu tiên của tôi là rời khỏi Lhasa và đi đến biên giới Ấn Độ. Vì vậy tôi nghĩ, dấu hiệu tốt hay dấu hiệu xấu? Hầu như hành động đầu tiên sau khi tôi lĩnh lấy trách nhiệm là đào thoát khỏi Lhasa! [Cười]
MELISSA: Vậy thì bây giờ đã 61 năm qua rồi, và ngài vừa rời khỏi nhiệm vụ của một người đứng đầu chính quyền. Ngài, trong thực tế, đã chuẩn bị cho sự hưu trí này - một sự tách biệt giáo quyền và thế quyền - từ khi ngài là một thiếu niên. Hạt giống đầu tiên được gieo trồng như thế nào?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Như một thiếu niên tuổi mười mấy, khoảng 13 hay 14, sống ở Lhasa, tôi đã có một loại tiếp xúc rất thân mật với những người bình thường. Một cách chính yếu, những người quét tước ở Điện Potala cũng như tại Norbulingka [cung điện mùa hè của Đạt Lai Lạt Ma ở Lhasa]. Tôi luôn luôn nô đùa với họ và đôi khi ăn tối với họ. Tôi nhận những thông tin từ những người phục vụ đến những gì thật sự xảy ra ở Lhasa. Tôi thường nghe về những sự bất công mà con người phải trải nghiệm. Do vậy, tôi đã bắt đầu để thấu hiểu rằng hệ thống của chúng tôi - quyền lực nằm trong tay của một số ít người - điều ấy là sai.
MELISSA: Vì vậy sau khi nắm lấy quyền lực chẳng bao lâu, ngài đã nhất quyết ngài mong muốn thực hiện việc cải cách hệ thống cũ?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Trong năm 1952, tôi đã thiết lập một hội đồng cải cách. Tôi đã muốn bắt đầu một loại thay đổi nào đấy. Nhưng tôi đã đối diện một chướng ngại cải cách quan trọng - những cán bộ Trung Cộng muốn cải cách phù hợp với kiểu mẫu của họ, phương cách mà họ đã thực hiện thật sự ở Trung Quốc. Người Trung Cộng nghĩ rằng nếu người Tây Tạng cải cách được đề xướng bởi chính người Tây Tạng, thì nó sẽ là một trở lực cho phương pháp cải cách của chính họ. Nên việc ấy đã trở nên khó khăn.
MELISSA: Ngài đã du hành đến Trung Hoa năm 1954 và đã thấy một cách trực tiếp những gì người Cộng Sản cải cách ra sao. Nó đã làm cho ngài có một viễn tượng gì đấy cho Tây Tạng không?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Tôi đã đến Trung Hoa như một thành viên của đoàn đại biểu Tây Tạng tại Đại Hội Đại Biểu Nhân Dân Toàn Quốc của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Quốc Hội ở Bắc Kinh rất nghiêm nhặt! Tôi nhận thấy rằng tất cả những đại biểu hiếm khi dám đưa ra một đề nghị. Họ có làm nên một điều, nhưng chỉ là những sửa chửa nho nhỏ về ngôn ngữ [cười]. Không ai thật sự thảo luận về ý nghĩa.
Rồi thì, năm 1956, tôi đã có cơ hội đến Ấn Độ. Và ở đây, tôi cũng có cơ hội để thăm viếng Nghị Trường Ấn Độ. Tôi đã thấy một sự khác biệt lớn. Trong Quốc Hội Ấn Độ, rất ồn ào. Không nghiêm khắc. Đây là một dấu hiệu rõ ràng của tự do ngôn luận hoàn toàn. Những nghị viên Ấn Độ thích phê phán chính quyền của họ. Do thế, tôi đã nhận ra rằng, đây là ý nghĩa của dân chủ - tự do phát biểu. Tôi rất ấn tượng với hệ thống dân chủ.
MELISSA: Ngài thích sự phức tạp, không trật tự, và ồn ào của dân chủ?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Trong năm 1959, khi chúng tôi quyết định đưa vấn đề Tây Tạng ra Liên Hiệp Quốc, tôi đã hỏi Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru có bảo trợ cho vấn đề của chúng tôi không. Ông từ chối. Ông cảm thấy rằng không có lợi khi đề xuất vấn đề Tây Tạng. Ông đã nói với tôi rằng Hoa Kỳ sẽ không gây chiến với Trung Hoa vì Tây Tạng. Sau đó, tôi đã gặp Nehru một lần nữa, và tôi đã hơi băn khoăn [cười]. Nhưng khi tôi gặp, ông hoàn toàn bình thường! Tôi đã học, vâng - đây là một lĩnh tụ thực hành dân chủ. Không đồng thuận là điều gì đấy bình thường.
Trong năm 1960, sau khi tôi đến Ấn Độ, nhiều người Tây Tạng đã đến Đạo Tràng Giác Ngộ (Bodh Gaya) để nghe tôi giảng dạy. Ở đấy chúng tôi đã quyết định một chính quyền đại nghị - bước đầu tiên cho dân chủ. Từ lúc ấy, như những người tị nạn, chúng tôi đi từng bước một đối với một nền dân chủ hoàn toàn. Trong mười năm vừa qua, tôi đã tiếp tục hành động như một cố vấn lão thành. Tôi gọi đấy là một vị thế bán hưu trí. Từ năm 2009, trong nhiều trường hợp, tôi đã nói rằng, "Bây giờ tôi đang hướng tới một sự hưu trí hoàn toàn." Năm nay, vào ngày 10 tháng Ba, tôi đã tuyên bố một cách chính thức rằng bây giờ là thời điểm đã đến cho tôi về hưu; tôi sẽ chuyển giao mọi quyền lực chính trị của tôi đến chính quyền Tây Tạng.
MELISSA: Hầu hết mọi người trên thế giới ước ao để từ bỏ được những lĩnh tụ của họ. Nhưng người Tây Tạng miễn cưỡng để cho ngài từ nhiệm. Tại sao?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Một cách tình cảm và tinh thần, đồng bào tôi vẫn ngưỡng vọng đến tôi. Sau khi tôi tuyên bố sự từ nhiệm của tôi, họ thỉnh cầu tôi nên lĩnh lấy những trách nhiệm như từ trước đến nay, một cách liên tục. Tôi từ chối. Rồi thì họ đã yêu cầu tôi tối thiểu hãy xem xét việc mệnh danh, như một loại nguyên thủ nghi lễ.
Một vai trò nghi lễ? Tôi không thích thế. Làm giống như nữ hoàng Anh Quốc. Dĩ nhiên, cá nhân tôi rất ngưỡng mộ bà. Diệu kỳ. Nhưng hệ thống? [Cười] Nếu chúng ta lĩnh lấy một loại nguyên thủ nghi lễ nào đấy, thế thì chúng ta phải làm gì đấy! Bằng khác đi, tôi chỉ là một hình nộm. Một tuyên bố được ai đấy viết, sau đó tôi chỉ đọc? Tôi biết chữ ấy - một kẻ bù nhìn.
Chỉ từ Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ Năm, 350 năm trước đây, có thể chế lĩnh lấy trách nhiệm chính trị thật sự. Những tiền thân trước đấy chỉ là những lĩnh tụ tâm linh. Tôi luôn luôn tin rằng việc cai trị bởi vua chúa hay lĩnh tụ tôn giáo đã lỗi thời. Bây giờ chúng ta phải bắt kịp với thế giới hiện đại.
Vì vậy bây giờ tôi chuyển giao quyền lực chính trị của tôi đến chính quyền dân cử. Tôi cảm thấy vui mừng. Họ mang lấy trách nhiệm toàn diện. Tôi chỉ muốn là là một lĩnh tụ tâm linh thuần túy. Nhưng trong trường hợp những phụng sự của tôi cần đến, tôi vẫn sẳn sàng.
MELISSA: Ngài cũng có những lý do cá nhân để từ nhiệm chứ?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Tôi luôn luôn nói với mọi người rằng những cơ cấu tôn giáo và cơ cấu chính trị phải được tách biệt. Vì vậy, trong khi tôi nói với mọi người điều này, chính tôi lại tiếp tục với hổn hợp này. Thái độ đạo đức giả! [Cười] Thế nên những gì tôi nói với người khác tôi phải áp dụng cho chính tôi.
Cũng thế, một lý do vị kỷ hơn. Trước khi Đạt Lai Lạt Ma trở thành một nhân vật chính trị, hầu như không có tranh luận. Từ Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ Năm, có một số tranh luận - do bởi khía cạnh chính trị, không phải tâm linh. Bây giờ, sau khi tôi từ nhiệm, thể chế Đạt Lai Lạt Ma thuần khiết hơn, ổn định hơn. Tôi cảm thấy chúng ta phải tách biệt trách nhiệm chính trị. Đạt Lai Lạt Ma không nên mang lấy gánh nặng ấy. Đấy là lý do vị kỷ của tôi - để bảo vệ truyền thống Đạt Lai Lạt Ma cổ xưa. Truyền thống ấy an toàn hơn khi không liên hệ đến chính trị.
Tôi có niềm tin trọn vẹn rằng đồng bào Tây Tạng có thể đảm đương tất cả những công việc của họ. Do vậy tôi tự nguyện,tự hào quyết định truyền thống cổ xưa bốn thế kỷ nên chấm dứt.
Điều ấy không có nghĩa là chấm dứt Đạt Lai Lạt Ma. Thể chế tiếp tục, như một vai trò tâm linh. Và không chỉ cho thế hệ của tôi. Nếu đồng bào Tây Tạng muốn thể chế tiếp tục, nó sẽ duy trì một cách liên tục.
MELISSA: Sự từ nhiệm của ngài có nghĩa là những mục tiêu lâu dài của ngài đã thay đổi chứ?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Cuộc đời còn lại của tôi, tôi hoàn toàn dâng hiến cho những điều này: Thúc đẩy sự hòa hiệp tôn giáo. Thúc đẩy những giá trị nhân bản. Hạnh phúc của con người. Như thế đấy.
MELISSA: Vậy là ngài sẽ tiếp tục với những công việc hằng ngày của ngài?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Tôi biết rằng mỗi buổi sáng bạn dâng lời cầu nguyện cho tất cả chúng sinh. Khi bạn cầu nguyện cho chúng ta, điều gì bạn muốn cho chúng ta? Tôi thường nói với mọi người rằng thế kỷ này nên là thế kỷ của đối thoại. Hòa bình sẽ không đến từ tư duy hay từ Đức Phật. Hòa bình phải được xây đắp bởi con người, qua hành động. Đấy có nghĩa là, bất cứ khi nào chúng ta đối diện với rắc rối - đối thoại. Đấy là con đường duy nhất. Để giúp cho điều ấy, chúng ta cần giải trừ quân bị nội tại. Vì vậy việc làm của chúng ta phải làm nên một sự cống hiến nho nhỏ để cụ thể hóa một thế giới hòa bình, từ bi dần dần về sau cho thế kỷ này. Đấy là nguyện ước của tôi. Điều ấy sẽ không đến ngay lập tức. Nhưng chúng ta phải thực thi nổ lực. Vào lúc này, điều ấy trông như chỉ là một ý tưởng. Nhưng mỗi góc cạnh phải thực hiện sự nổ lực. Sau đó mới khả dĩ. Rồi thì, nếu chúng ta thất bại mặc dù với nổ lực ấy, không có gì hối hận.
MELISSA: Mọi người có thể ngạc nhiên để biết rằng ngài thật sự là những gì ngài nói: một thầy tu giản dị.
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Một vài ngày trước, trong chính phòng này, hàng ngũ lĩnh đạo chính trị Tây Tạng đã cùng nhau đến đây để gặp tôi. Họ đã đem tất cả những tu chính của hiến chương [liên quan đến việc từ nhiệm]. Họ giải thích những gì được viết, và rồi họ thỉnh cầu tôi, xin hãy đọc những điều ấy. Tôi trả lời, "Ô, ngay cả nếu đọc tất cả, tôi cũng không hiểu hoàn toàn. Nên, không hề gì." Tôi chỉ hỏi họ, "Tôi nên ký chỗ nào?" [Cười]
MELISSA: Thật là nguy hiểm!
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Đấy là chữ ký của ông thầy tu giản dị.
MELISSA: Ngài có lo ngại rằng những người nào đấy nghĩ quyết định từ nhiệm cảu ngài là sai lầm không?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: À, một số người Tây Tạng, đặc biệt là những người trẻ, chỉ trích gay gắt.
MELISSA: Có phải đấy chỉ là hoang mang? Hay căn cứ trên niềm quan tâm chính đáng cho Tây Tạng?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Một số người nghĩ rằng những quyết định này được thực hiện trong một sự hấp tấp thế nào ấy. Họ không biết, bà thấy, tôi đã thực thi những ý tưởng này từng bước một trong vài thập niên qua.
MELISSA: Những Đức Đạt Lai Lạt Ma từ xưa đã dựa vào những lời khuyên bảo các nhà tiên tri của quốc gia . Ngài có thỉnh cầu những nhà tiên tri nhập vào trạng thái xuất thần và cố vấn việc từ nhiệm của ngài không?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Tôi đã làm như thế. Họ hoàn toàn ủng hộ quyết định của tôi. Tôi biết những nhà tiên tri này. Tôi hỏi họ như một loại cố vấn. Họ đã quán chiếu kinh nghiệm của các Đức Đạt Lai Lạt Ma bốn hay năm thế kỷ qua, vì thế một cách hợp lý, như những con người, tôi cảm thấy họ có thể cảm nhận không thoãi mái một ít với quyết định. Nhưng họ đã nói là thời gian rất thích hợp. Quyết định đúng đắn.
MELISSA: Vậy là ngài cảm thấy rất tốt đẹp về quyết định của ngài?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Ô, vâng. Ngày 19 tháng Ba, sau khi tôi đưa ra một giải thích chi tiết hơn đến công luận về sự từ nhiệm của tôi - đêm hôm ấy, tôi ngủ vô cùng an giấc. Dường như có một sự thư thả nào đấy.
Bây giờ chúng tôi đã thay đổi một cách hoàn toàn khỏi nền chính trị thần quyền của quá khứ. Cũng thế, quyết định của chúng tôi là một câu trả lời thật sự đến sự tố cáo của Trung Cộng rằng toàn bộ khuynh hướng cuộc đấu tranh của chúng tôi là để khôi phục lại hệ thống phong kiến cũ ở Tây Tạng. Bây giờ họ không thể thực hiện sự cáo buộc ấy. Tôi thường nói rằng Đảng Cộng Sản Trung Quốc nên rút lui đi. Bây giờ tôi có thể nói với họ, "Hãy làm như tôi. Rút lui trong vinh quang."
MELISSA: Tại sao Trung Cộng biến ngài thành quỷ bằng việc gọi ngài những thứ như một "thứ ma quỷ" hay một "con cáo trong lớp áo tu sĩ"? Có một lý do nào mà họ nói về ngài trong một thứ ngôn ngữ cổ quái như vậy không?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Nói một cách tổng quát, những phương ngữ như vậy là trẻ con. Những cán bộ đó dùng những chữ nghĩa thế đó, tôi nghĩ họ muốn cho chính quyền Trung Cộng thấy rằng Đạt Lai Lạt Ma là quá tệ hại. Và tôi cũng nghĩ rằng họ đang hy vọng tiếp cận người Tây Tạng. Họ muốn 100 phần trăm tiêu cực. Vì thế họ đã dùng những từ ngữ như thế. Họ thật sự đã tự xem thường họ. Tôi muốn nói là, con nít! Thật là ngu ngơ! Không ai tin họ.
Thường thường, với con người, một phần của não bộ phát triển cảm nhận thông thường. Nhưng với những lĩnh tụ Trung Cộng, đặc biệt với những người cứng rắn, bộ phận ấy bị thất lạc. Khi tôi gặp Tổng thống Obama năm ngoái, tôi đã nói với ông ta, "Ngài nên thực hiện một cuộc giải phẩu nho nhỏ. Đặt phần ấy của bộ não vào trong người Trung Cộng." [Cười]
MELISSA: Ngài nghĩ Tây Tạng sẽ giống như thế nào ngày hôm nay nếu ngài đã là vị lĩnh đạo trong suốt thời gian vừa qua?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Một sự thay đổi nào đấy, một số cải cách sẽ xảy ra. Nhưng sẽ không dễ dàng. Sẽ có đối kháng bên trong Tây Tạng. Một số viên chức cấp tiến hơn trong tư duycủa họ. Nhưng cũng có một số có lối suy nghĩ cổ lỗ. Và rồi thì với những "người giải phóng" Trung Cộng, dĩ nhiên, hoàn toàn không có tự do gì cả [Cười].
Tôi cảm thấy rằng trong 52 năm qua là rất đau buồn. Những người tị nạn. Và điều tệ hại nhất là sự tàn phá bên trong Tây Tạng. Mặc dù có sự xây dựng nào đấy, một sự tiến triển kinh tế nào đấy, bức tranh tổng thể là vô cùng buồn thảm.
Nhưng tôi không ân hận gì. 52 năm qua, do bởi sự tự do của Ấn Độ, tôi thật sự cảm thấy rằng tôi đã tìm thấy một cơ hội tốt nhất để làm cho đời sống của tôi có ý nghĩa trọn vẹn, để thực hiện một sự cống hiến. Nếu tôi vẫn ở Lhasa, ngay cả nếu không có sự chiếm đóng của Trung Cộng, tôi chắc chắn sẽ lĩnh lấy một vai trò nghi lễ trong một cung cách chính thống nào đấy.
MELISSA: Khi ngài còn là một người trai trẻ, vị Hộ pháp Quốc Sư Nechung[1] tiên đoán về ngài rằng "viên ngọc ước vạn năng sẽ chiếu sáng ở phương Tây." Điều tiên tri ấy có đúng không?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Tôi nghĩ điều này dường như có một sự thật nào đấy. Chúng tôi đào thoát năm 1959 và đến Ấn Độ. Đối với người Tây Tạng, điều này tự nó đã là phương Tây. Rồi thì từ Ấn Độ, chủ yếu Âu châu và Mỹ châu cũng là phương Tây của chúng tôi. Tôi đã hoàn thành một điều mà tôi nghĩ là một sự cống hiến: tôi giúp khoa học Phật Giáo và khoa học hiện đại phối hợp với nhau. Không có người Phật tử nào đã hoàn thành điều này. Những lạt ma khác,từ trước đến nay tôi không nghĩ họ có chú ý đến khoa học hiện đại. Từ thời niên thiếu của tôi, tôi đã có một sự thích thú mãnh liệt. Như việc quan tâm đến khoa học nội tại [khoa học tâm thức], thì khoa học hiện đại quá trẻ. Cùng lúc ấy, khoa học trong những vấn đề ngoại tại được phát triển một cách cao độ. Vì thế những người Phật tử chúng ta cũng phải học hỏi về những điều ấy.
MELISSA: Ngài nói rằng sự sống còn của Tây Tạng sẽ tùy thuộc vào sự thay đổi của Trung Hoa từ bên trong. Ngài có lạc quan rằng điều ấy sẽ xảy ra không?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Khi chủ tịch Hồ Cẩm Đào tuyên bố rằng sự quan tâm chính yếu của ông ta là thúc đẩy hòa hiệp, tôi hoàn toàn ủng hộ điều ấy. Tôi đã bày tỏ trong nhiều trường hợp rằng hòa hiệp thực sự phải đến từ trái tim. Vì điều ấy, lòng tin, tôn trọng, và hữu nghị là toàn bộ sự quan yếu. Để tạo nên một xã hội hòa hiệp hơn, sử dụng vũ lực là sai. Sau gần mười năm trên cương vị chủ tịch, khuynh hướng của ông ta là tốt. Nhưng phương pháp - dựa trên sức mạnh ngày càng nhiều hơn - là phản tác dụng.
Điều quan trọng trước nhất là minh bạch. Tôi đang nói rằng một tỉ ba người Trung Hoa có quyền để biết thực tế. Rồi thì một tỉ ba người Trung Hoa cũng có khả năng để phán xét những gì đúng và những gì sai.
Trong vài trường hợp, Tổng Lý Ôn Gia Bảo đã tuyên bố rằng Trung Hoa cần thay đổi về chính trị. Trong một số trường hợp, ông ta ngay cả đề cập đến dân chủ. Và chung quanh những người Trung Hoa trí thức và nghệ sĩ, ngày càng nhiều người muốn thay đổi chính trị, tự do hơn. Do vậy, nó phải thay đổi. Bao lâu thì đổi thay, không ai biết. Năm năm, mười năm, mười lăm năm. Bây giờ đã năm mươi hai năm rồi. Trong năm mươi năm tới, tôi nghĩ những điều gì đấy sẽ thay đổi. Cho dù tôi sống năm mươi năm tới, hay cho dù tôi không thể sống đến lúc ấy.
MELISSA: Nếu ngài có thể kề vào tai của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và có thể đề xuất việc xử sự với Tây Tạng như thế nào, ngài sẽ yêu cầu ông ta làm gì?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Tôi không biết. Tôi nghĩ sẽ không có lợi gì nhiều để bàn thảo về những việc như vậy [cười].
MELISSA: Từ năm 1959 có bất cứ thời khắc nào mà ngài nghĩ rằng Trung Cộng sẽ rời Tây Tạng không?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Ô, vâng. Ngày 10 tháng Ba năm 1959 - ngay ngày đồng khởi của đồng bào Tây Tạng. Tôi nhớ một cách rất rõ ràng rằng có rất nhiều người Lhasa đến điện Norbulingka và chận tất cả mọi nẽo đường. Họ đang la to lên, "Ngài không nên đi đến doanh trại quân đội Trung Hoa!".
MELISSA: Vậy là người Tây Tạng sợ rằng lời mời từ người Trung Cộng tại thời điểm căng thẳng ấy là một mưu kế để giam lỏng hay ám sát ngài chứ gì?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Vâng. Ngày ấy, mặt trời rất sáng. Tôi bày tỏ với Ông Phala, Tổng Quản Thị Vệ Tây Tạng, "Có thể ngày này, có thể đây là một bước sang trang của lịch sử."
"Sang trang" không có nghĩa là "tuyệt vọng". Mặc dù có những khó khăn nào đấy, người ta thấy ánh sáng ở cuối đường hầm. Cảm nhận ấy đã duy trì quyết tâm của chúng tôi.
MELISSA: Tôi biết rằng ngài sẽ gặp gở với những lĩnh tụ tâm linh Tây Tạng vào tháng Mười Một để thảo luận về người kế vị của ngài. Vấn đề gì sẽ được đưa ra nghị trình?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Trong vài trường hợp cuối cùng vừa qua khi chúng tôi những lĩnh tụ giáo gặp gở với nhau, tôi đã đưa ra vấn đề này. Những người Cộng Sản ở Bắc Kinh quan tâm đến sự tái hiện thân của tôi rất nhiều? [Cười] Vì thế chúng tôi cần thảo luận.
Những quyết định cụ thể chưa đi đến kết luận. Một điều rất rõ ràng. Cuối cùng thì, sự tái hiện thân của Đạt Lai Lạt Ma có nghĩa là sự tái hóa thân của thân của tôi, sự tái sinh của tôi. Do vậy, một cách hợp lý, đây là một vấn đề thuộc quyền quyết định của tôi. Không ai khác - ngay cả những lĩnh tụ tâm linh. Cuộc đời kế tiếp của tôi hoàn toàn tùy thuộc vào tôi.
MELISSA: Nhưng nhà cầm quyền Bắc Kinh nói họ giữ quyền quyết định tất cả những hóa thân, kể cả ngài.
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Điều này hoàn toàn có thể bàn cải được. Những người Cộng Sản không chỉ là những người không tín ngưỡng,mà cũng xem Phật Giáo Tây Tạng là thuốc độc. Vì thế họ cố gắng để giảm đến mức tối thiểu Đạo Phật Tây Tạng một cách chủ tâm. Những người cố gắng để giảm thiểu hay loại trừ Phật Giáo Tây Tạng có nên can dự về vấn đề tái sinh chứ? Thật sự khá lạ lùng. Hoàn toàn buồn cười. Họ chỉ nghĩ về quyền lực chính trị ở Lhasa. Điều ấy thật ngớ ngẩn. Tôi nghĩ họ tốt hơn là duy trì sự trung lập hoàn toàn. Hay sẽ hợp lý hơn để người Trung Cộng nói rằng, "Không nên có một sự tái hóa thân nào cả."
MELISSA: Ngài có băn khoăn không khi người ta nói về cái chết của ngài quá nhiều?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Không, hoàn toàn không. Ở Newark tháng rồi, một phóng viên người Pháp đã nêu vấn đề này. Tôi lấy kính ra và hỏi ông, " Theo sự phán đoán của ông về khuôn mặt của tôi, câu hỏi về tái sinh nên là vội vả hay không? Và ông ta nói, "Không vội vả!" [Cười]
MELISSA: Ngài có tự thấy nên dựa trên một phương pháp truyền thống hơn trong việc lựa chọn vị Đạt Lai Lạt Ma kế tiếp - sự tái sinh của ngài - tương tự như cách mà ngài được tìm ra hay không?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Vào thời điểm này, tôi cảm thấy tôi có thể chờ thêm 10 năm, 15 năm, 20 năm nữa. Sau đó chúng ta sẽ thấy hoàn cảnh. Nếu người Tây Tạng vẫn muốn giữ thể chế này, và muốn đi theo phương pháp truyền thống, sau đó họ sẽ sử dụng những kinh nghiệm trước đây: việc tìm kiếm một thiếu niên có một sự nổi bật đặc biệt nào đấy.
Đến việc cậu bé ấy sẽ sinh ra nơi nào, việc này tôi đã bày tỏ rõ ràng. Nếu tôi qua đời như một người tị nạn, người vẫn mang lấy cuộc đấu tranh của Tây Tạng, thế thì sự tái hóa thân của tôi một cách hợp lý phải được tìm thấy ở bên ngoài Tây Tạng. Mục tiêu chính yếu của việc tái sinh là để tiếp tục lĩnh lấy công việc đã tiến hành trong đời sống trước. Do vậy, một cách hợp lý, nếu tiền thân chết bên ngoài Tây Tạng như một người tị nạn, sự tái hóa thân phải được tìm ta trong cách ấy. Bằng khác đi, chỉ tạo thêm rắc rối.
MELISSA: Ngài có thể thấy những thử thách nào mà vị kế tục của ngài, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 15 có thể đối diện không?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Với sự từ nhiệm của tôi, tôi đã làm cho vai trò tôi tách rời khỏi thế giới chính trị rồi. Vì vậy, sẽ an toàn hơn cho vị Đạt Lai Lạt Ma kế tiếp rất nhiều. Bây giờ, nếu vị Đạt Lai Lạt Ma không thích hợp vị trí nguyên thủ quốc gia, không có vấn đề gì. Bất cứ điều gì ông có thể làm như một lĩnh tụ tâm linh, ông có thể làm như thế. Không phải thật thông minh? Okay! [Cười]
MELISSA: Một số truyền thống Phật Giáo Tây Tạng đề nghị rằng một thiếu niên sinh ra trước cái chết của một vị lạt ma cao cấp thật sự có thể là sự tái sinh của vị ấy. Ngài có tin rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 15 đã hiện diện rồi, hiện nay không?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Có thể lắm chứ. Tối thiểu hai lạt ma hiện đại trước cái chết của họ đã nói, "Vị thiếu niên này đang hiện sống là hiện thân tái sinh của tôi." Nếu điều ấy tương hợp, sau một vài khảo nghiệm, sau đó có thể được.
MELISSA: Nếu thật sự vị thiếu niên này hiện sinh sống hôm nay, ngài sẽ dự phần trong việc rèn luyện cậu bé ấy chứ?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Nếu tôi quá già, thế thì tôi không biết! [Cười]
MELISSA: Ngài đang theo dõi sâu sát trong những cuộc nổi dậy ở Trung Đông. Ngài có nghĩ rằng chuyển động Mùa Xuân Ả Rập có thể có quan hệ mật thiết với Tây Tạng không?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Điều đó khó nói. Những hệ thống quyền lực giống nhau trên toàn thế giới. Nhưng ở Trung Quốc, sự phát triển kinh tế thật sự mang đến một lợi ích nào đấy cho dân cư đông đảo ở Hoa Lục. Điều đó khác.
MELISSA: Ngay sau biến động ở Tunisia và Ai Cập, đã có một số tác động đến tâm ý của những trí thức trẻ Trung Quốc. Vì thế chính quyền Hoa Lục đã trở nên rất là, rất là lo ngại. Họ thấy hiểm họa trong ấy. Nhưng hệ thống cai trị của Trung Cộng thật là chặc chẽ. Ngân sách an ninh nội chính của họ nhiều hơn ngân sách quốc phòng.
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Nhiều người tin rằng thế hệ lĩnh đạo tới của Hoa Lục - do bởi tuổi trẻ của họ, do bởi mạng lưới điện toán toàn cầu, do bởi số học sinh Hoa Lục du học ngoại quốc - kiến thức về thế giới bên ngoài sẽ tốt đẹp hơn. Tôi nghĩ mọi thứ chắc chắn sẽ thay đổi. Một cách chắc chắn. Đấy là quan điểm của chúng tôi. Và nhiều người Trung Hoa cũng có quan điểm ấy.
MELISSA: Ngài có nhớ ngài đang ở đâu vào lúc ngài nghe Osama bin Laden bị giết không? Phản ứng của ngài là thế nào?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Long Beach, California. Dĩ nhiên tôi cảm thấy buồn. Rồi thì, không đơn giản như vậy. Rất phức tạp.
Từ lúc ấu thời, tôi cảm thấy rất buồn về bản án tử hình. Trong năm 1945 hay 1946, khi tôi 10 tuổi, người ta treo cổ những Đức Quốc Xã ở tòa án tội phạm chiến tranh Nuremberg. Tôi đã thấy những tấm hình trong tạp chí Life. Tôi cảm thấy rất buồn. Sau đó lĩnh tụ Phát Xít Nhật cũng thế. Những người đó đã bị đánh bại rồi. Giết họ không phải là một loại phòng ngừa cho an toàn, mà chỉ là một sự báo thù.
Rồi thì khi Saddam Hussein bị xử giảo, tôi đã thấy tấm hình. Rất buồn. Không còn là một mối đe dọa nữa. Một người thất trận già nua. Ban cho một ân huệ tốt hơn là giết đi, tôi thật sự nghĩ như thế.
Vì thế sự suy tư giống như vậy với bin Laden, cũng là một người bị đánh bại. Từ thảm họa 11 tháng Chín, tôi đã tuyên bố rằng nếu xử trí vấn đề này sai sót, rồi thì ngày hôm nay là một bin Laden, sau một thời gian, 10 Laden, sau đó 100 bin Laden có thể lắm. Vào ngày 2 tháng Chín, tôi đã viết một bức thư đến Tổng thống Bush, vì tôi đã có một mối thân hữu sâu xa với ông. Tôi bày tỏ lời chia buồn thương cảm của tôi. Cùng lúc, tôi cũng tuyên bố rằng xử trí với vấn đề này, tôi hy vọng sẽ là bất bạo động.
Dĩ nhiên, tôi biết hàng nghìn người Mỹ đã bị giết. Không thể ngờ, trong những thời điểm hòa bình. Thật sự, rất đau buồn. Tôi biết. Tôi có thể cảm nhận những gì người ta đang xúc cảm. Như một người bình thường, nhân danh công lý và cũng là một loai cảm giác nào đấy của trả thù, người ta cảm thấy vui mừng đến một mức độ nào đấy [về bin Laden]. Nhìn một cách khác vào đấy, một kẽ thất bại đã bị giết.
Phương cách tốt nhất để giải quyết những vấn đề này là trong sự hòa giải nhất trí. Nói. Nghe. Và thảo luận. Đấy là con đường duy nhất.
MELISSA: Điều xấu ác có hiện hữu trên thế gian này không?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Hạt giống của xấu ác, theo quan điểm của tôi là thù hận. Trên mức độ ấy, chúng ta có thể nói rằng mọi người đều có hạt giống ấy. Theo như loại tiềm năng của giết người được quan tâm đến, mọi người đều có tiềm năng đó. Thù hận. Giận dữ. Nghi ngờ. Đây là những tiềm năng của các hành vi xấu ác.
Điều xấu ác là khả năng tiêu cực đã trở thành hiện hữu. Điều tích cực vẫn không hoạt động. Những người nào thật sự yêu thích thù hận, người luôn luôn cố tình thực thi sân hận và thù oán - đó là xấu ác.
MELISSA: Ngài có bao giờ cảm thấy bị phản bội không?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Trong năm 1954 và 1955, tối thiểu là sáu tháng, tôi đã sống ở Bắc Kinh. Trong thời gian ấy, tôi đã gặp Chủ tịch Mao nhiều lần. Mới lúc đầu, tôi rất khiếp. Rồi thì - sau lần thứ hai, lần thứ ba, thứ tư, tôi không thể nhớ bao nhiêu lần - tôi phát triển lòng ngưỡng mộ thật sự đối với ông ta. Tôi thật sự thấy ông ta như một nhà cách mạng vĩ đại. Không thắc mắc gì. Rất thẳng thắn. Và thái độ cá nhân của ông - rất tế nhị, như một vị cha già nông dân. Như thế ấy. Rất giản dị.
Ông ta hứa hẹn nhiều thứ. Trong một trường hợp, Chủ tịch Mao đã chỉ hai vị tướng lĩnh đang trú đóng ở Lhasa, Mao nói, "Tôi đưa những tướng lĩnh này nhằm để giúp ngài. Vì thế nếu những tướng lĩnh này không nghe theo mong ước của ngài, thế thì hãy cho tôi biết. Tôi sẽ triệu hồi họ."
Rồi thì, trong cuộc gặp gở cuối cùng, vào lúc cuối, ông đề cập rằng, "Tôn giáo là thuốc độc."
Vào lúc ấy, ông đã chỉ dẫn tôi lắng nghe như thế nào, tiếp nhận những quan điểm khác nhau như thế nào, những đề nghị khác nhau như thế nào, và rồi lĩnh đạo như thế nào. Thật sự là những cố vấn tuyệt vời. Ông ta yêu cầu tôi gửi điện tín trong đường giây cá nhân, trực tiếp cho ông.
Thế là tôi trở lại Tây Tạng đầy niềm tin. Trên dường, tôi gặp một tướng Trung Cộng đến từ Lhasa. Tôi nói với ông ta, "Năm vừa rồi, khi tôi du hành trên con đường này, tôi đầy những băn khoăn, nghi ngờ. Bây giờ tôi đang trở lại, đầy tự tin và hy vọng." Đấy là mùa hè năm 1955.
Rồi thì, trong năm 1956, có những rắc rối ở Đông bộ Tây Tạng dưới thẩm quyền của Trung Cộng. Tôi đã đến Ấn Độ, vào thời gian ấy. Tháng này qua tháng nọ, mọi việc trở nên nghiêm trọng hơn. Rắc rối hơn. Do vậy, sau khi tôi trở lại từ Ấn Độ, tôi đã viết ít nhất hai lá thư cho Chủ tịch Mao về tình cảnh. Không hồi âm. Không phúc đáp. Rồi thì tôi đã cảm thấy, "Ô, hứa hẹn của ông ta chỉ là lời nói suông."
MELISSA: Những bức tranh trên tường ở điện Potala mô tả những thời khắc quan trọng và những người trong đời sống của những Đức Đạt Lai Lạt Ma trước đây. Cuộc sống của ngài quá khác biệt với những Đức Đạt Lai Lạt Ma tiền nhiệm. Ai và điều gì mà ngài hình dung có thể được diễn tả trong một bức tranh ấy là cuộc sống của ngài?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Ahh, tôi không biết. Dĩ nhiên, mẹ tôi lúc còn trẻ. Rồi giáo thọ của tôi. Tôi chưa bao giờ nghĩ về điều này. Điều ấy tùy thuộc vào những người khác.
Điều quan trọng là cuộc sống hằng ngày của tôi nên là điều gì đấy lợi ích cho những người khác. Ngay khi thức dậy vào buổi sáng, tôi chỉnh đốn tư tưởng của tôi. Suốt của ngày, thân thể, lời nói, và tâm tư của tôi được dâng hiến cho người khác. Điều ấy phổ cập như một hành giả, và cũng nhờ cách ấy mà tôi đạt được một loại sức mạnh nội tại nào đấy. Nếu tôi quan tâm về một loại di sản của chính tôi, một hành giả Đạo Phật chân thành không nên nghĩ về điều ấy. Nếu tôi quan tâm quá nhiều về di sản của tôi, thế thì việc làm của tôi sẽ không trở nên chân thật. Chúng ta chỉ nghĩ chính yếu về danh thơm tiếng tốt của chính mình. Vị kỷ. Không tốt. Hư hỏng.
MELISSA: Ngài có tin về một ngày sẽ đến khi ngài được phép trở lại Tây Tạng không?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Vấn đề Tây Tạng không chỉ là một vấn đề về Đạt Lai Lạt Ma. Đấy là về sáu triệu người Tây Tạng và nền văn hóa của họ. Vì vậy, trừ khi chính phủ Trung Quốc giải quyết các vấn đề thực tế, cuộc đàm phán về việc trở lại Tây Tạng của tôi không liên quan. Đây là một vấn đề của sáu triệu người Tây Tạng. Tôi là một người trong số ấy. Do vậy một cách tự nhiên, giống như mỗi người Tây Tạng, tôi cũng có trách nhiệm để phục vụ.
MELISSA: Khi thời gian đến, ngài sẽ được an táng trong điện Potala chứ?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Một cách chắc chắn nhất, nếu thay đổi đến và đến lúc trở lại Tây Tạng, xác thân tôi sẽ lưu lại ở Potala. Nhưng không quan hệ gì. Nếu chiếc máy bay mà tôi ở trên ấy gặp tai nạn, thế thì chấm dứt! Đi theo bin Laden! [Cười]
MELISSA: Ngài từng nói rằng Đức Quán Âm - Đức Phật của Từ bi, mà tất các vị Đạt Lai Lạt Ma hóa thân - đã có chương trình tổng thể cho Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ nhất và thứ năm. Ngài có nghĩ rằng trong 50 năm qua của lịch sử Tây Tạng cũng là một phần chương trình tổng thể của Ngài không?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA:. Điều ấy tôi không biết. Đầu những năm sáu mươi, trước Cách Mạng Văn Hóa ở Hoa Lục, tôi đã gặp Đức Quán Thế Âm trong một giấc mơ của tôi tại chùa Jokhang[2] ở Lhasa. Có một bức tượng Quán Thế Âm rất nổi tiếng ở đấy trong giấc mơ, tôi đi vào phòng ấy và bức tượng Quán Âm nhấp nháy và bảo tôi đến gần hơn. Tôi rất xúc động. Tôi đi đến và ôm Ngài vào lòng. Rồi thì Ngài bắt đầu nói một câu, một bài kệ. Có nghĩa là: Hãy giữ lòng kiên nhẫn. Tiếp tục nổ lực mặc bất chấp chướng ngại gì. Con nên tiến hành tất cả mọi việc làm mặc cho những khó khăn và chướng ngại.
Vào lúc ấy, tôi cảm thấy vui mừng. Nhưng bây giờ, khi tôi nghĩ về điều ấy, tôi nghĩ là lời dạy bảo của Đức Quán Thế Âm: "Cuộc sống của con sẽ không dễ dàng. Những khó khăn nào đấy. Một thời gian thật dài. Nhưng không có lý do gì để cảm thấy nản lòng."
This is from the August 4, 2011 issue of Rolling Stone. A Conversation with the Dalai Lama Ẩn Tâm Lộ ngày 02/08/2011 http://dalailama.com/messages/articles/conversation-rolling-stone-aug-2011
[1] Vị Hộ Pháp Quốc Sư của chính quyền Tây Tạng, người mà trong một vài nghi lễ có ban lời sấm ký trong tình trạng xuất thần nương nơi uy lực của chư bổn tôn giác thể, thường trú tại Tu Viện Nechung (gNas Chung). Ở Tây Tạng tu viện này tọa lạc gần Tu Viện Drebung, và cộng đồng Phật giáo lưu vong của Tây Tạng đã xây lại tu viện gần Dharamsala.
[2] Đại chiêu tự (Jokhang tempel, 大昭寺) là ngôi chùa theo Phật giáo Mật Tông Tạng truyền nằm trong trung tâm phố cổ Lhasa, nằm trong danh sách di sản thế giới củaUNESCO từ năm 2000 thuộc Lhasa, là một ngôi chùa nổi tiếng ở Barkhor. Chùa nằm trên đường Bát Giác Nhai (Bakhor Square ) – lấy Đại Chiêu tự làm trung tâm. Đối với người Tây Tạng đó là ngôi chùa linh thiêng nhất nước và là nơi diễn ra ngày hội chùa Đại Chiêu lớn nhất của người Tạng . Chùa do vua Tùng Tán Cán Bố xây vào thế kỷ thứ 7 (năm 647) khi vương triều này hưng thịnh nhất.