"TÔI TIN VÀO THỂ CHẾ DÂN CHỦ"
Nhật báo La Dépêche (Pháp Quốc) phỏng vấn Đức Đạt-lai Lạt-Ma
(báo phát hành ngày 14.08.11)
Ký giả ghi chép: Dominique Delpiroux - Hoang Phong chuyển ngữ
Bắt đầu từ hôm qua (13.08.11) mười ngàn người đã đến tham dự chương trình giảng huấn của Đức Đạt-Lai Lạt-ma tại rạp Zénith của thành phố Toulouse (miền nam nước Pháp). Vị lãnh đạo hàng đầu của Phật giáo sẽ còn lưu lại đến ngày mai để nói chuyện về đề tài Nghệ thuật mưu cầu Hạnh phúc. Vào đúng dịp vị Thủ tướng Tây Tạng lưu vong nhậm chức thì Đức Đạt-Lai Lạt-Ma cũng xác nhận là từ nay Ngài chỉ đảm đang trọng trách về tôn giáo. Thế nhưng tiếng nói của Ngài thì lúc nào cũng vang dội thật xa... Buổi phỏng vấn Ngài được chính nhà sư triết gia Matthieu Ricard thông dịch.
Ngài đang ở trên đất Pháp, thế nhưng không phải tại thủ đô Paris mà tại thành phố Toulouse này. Phải chăng Ngài có một mối quan tâm đặc biệt nào đó đến nền Phật giáo tại Pháp và nhất là đối với miền "Nam To Rộng" này hay không?
Thật ra tôi cũng chẳng hiểu nữa! Tôi đến đây chẳng qua vì các tổ chức ở đây đứng ra mời tôi. Thật sự phải nói tôi cũng chẳng hiểu tại sao người Pháp lại quan tâm đến Phật giáo và họ cư ngụ trong các vùng lãnh thổ nào. Chính ra thì quý vị phải tìm hiểu về những chuyện ấy chứ!
Ngài có cảm tưởng gì khi giao quyền điều khiển chính trị cho một Vị Thủ tướng được đắc cử ?
Từ ngày còn trẻ, tôi đã có cảm tưởng là nền chính trị của Tây Tạng đã lỗi thời, quá cổ lỗ. Kể từ năm 1952, tôi đã tìm mọi cách để cải tổ. Thế nhưng sau đó thì người Trung Quốc tràn vào Tây Tạng, họ muốn thực hiện một số cải cách mà tôi không đồng ý. Do đó tôi không thể đem ra áp dụng các việc cải tổ mà tôi mong muốn. Đến năm 1954, khi tham dự Hội nghị Nhân dân toàn quốc do Trung Quốc tổ chức, tôi ngồi nghe những bài diễn văn dài bất tận, trong khi các vị trí thức và các vị lão thành thì gục lên gục xuống và chẳng buồn quan tâm một tí nào cả... Hai năm sau, tôi tham dự một buổi họp Quốc hội tại Ấn độ và nhận thấy mọi người thảo luận, tranh cãi, chống đối, chỉ trích... mà chẳng hề tỏ ra sợ hãi chính quyền: tôi vô cùng xúc động trước cảnh trái ngược đó và sự sinh hoạt dân chủ đó.
Và ngày nay thì sao?
Dân chủ là thể chế duy nhất có thể chấp nhận được. Vào năm 2001, Quốc hội đầu tiên của Tây Tạng được thành lập qua một cuộc bầu cử, và mười năm sau đó thì chúng tôi hoàn tất chương trình cải tổ như mong muốn. Ngày nay dân chúng Tây Tạng đều đồng ý về chương trình dân chủ hóa đó, thế nhưng chương trình này được thực hiện một cách tuần tự, không như cuộc Cách mạng Pháp! Bắt đầu từ lúc này tôi hoàn toàn tự nguyện giao trả quyền hành với tất cả niềm hân hoan và hãnh diện của tôi! Đấy là một sự thay đổi trọng đại sau 400 trăm năm dưới thể chế lãnh đạo của các vị Đạt-Lai Lạt-Ma. Tôi là người đứng ra thực hiện sự thay đổi đó. Thật vậy cho đến lúc này tôi vẫn tin rằng sự phân quyền đó thật cần thiết, thế nhưng trước đây tôi không áp dụng được, vì thế hình như tôi cũng có vẻ là một người đạo đức giả! Thế nhưng hôm nay tôi làm được những gì tôi nói, và tôi ý thức được những gì tôi làm, quả thật đấy là một điều tốt đẹp!
Thế nhưng Ngài vẫn còn nắm giữ một uy quyền tinh thần tối cao?
Vâng, thế nhưng cái uy quyền ấy là do nhân dân gán cho tôi và tôi không thể từ chối! Nếu không thì tôi phải là một người thật đần độn! (Ngài bật cười).
Thế thì người thừa kế Ngài sẽ là ai?
Điều này còn tùy vào sự hội ý của các người có thẩm quyền và các vị giáo trưởng (ý nói là còn tùy vào sự xác nhận người tái sinh của Ngài sau này). [Hiện nay thì] họ bảo với tôi rằng: "Chẳng có gì gấp gáp cả! Cứ vui sống đi!". Cũng thế, trước đây có một nhà báo người Mỹ cũng đã nêu lên thắc mắc về người thừa kế tôi, tôi vội tháo cặp kính đang đeo và hỏi lại người này: "Vậy có cấp bách lắm không?". Vị này trả lời là: "Không. Chẳng có gì là cấp bách cả", (Ngài bật cười).
Chuyện tái sinh của tôi, thì trước hết chỉ liên hệ đến tôi và không dính dấp gì đến bất cứ ai khác: đấy là chuyện của tôi! (cách trả lởi cho thấy Ngài vững tin ở sự tái sinh của Ngài và Ngài biết Ngài sẽ tái sinh như thế nào). Vậy thì các người Trung Quốc nên để cho tôi tự quyết định lấy sự tái sinh của tôi! (không được tìm cách chọn một vị tái sinh theo ý của họ. Cũng xin lưu ý thêm là Đức Đạt-lai Lạt-ma đã từng tuyên bố là nếu Ngài tái sinh thì Ngài cũng có thể sẽ tái sinh bên ngoài nước Tây Tạng, đấy là có ý tránh người Trung Quốc chọn người của họ). Đối với đảng cộng sản vô thần thì tôn giáo là một liều thuốc độc, và đạt-lai lạt-ma là một tên quỷ độc ác! Vậy thì nếu họ muốn chen vào việc thừa kế của tôi thì họ phải tin vào sự kiện tái sinh trước đã, và họ cũng nên tìm xem ai là những người tái sinh của Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình trước đã, trước khi nghĩ đến việc tìm vị tái sinh của Đạt-lai Lạt-Ma! (Ngài lại bật cười).
Ngài nghĩ thế nào về cuộc khủng hoảng hiện nay đưa đến các sự bùng nổ bạo lực?
Nếu mọi người nghĩ rằng tiền bạc sẽ mang lại hạnh phúc, thì tất nhiên họ sẽ phải gánh chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng. Thế nhưng nếu họ biết nhìn vào giá trị của lòng trìu mến, sự tương trợ trong gia đình, tình thương yêu, thì họ sẽ được trang bị tốt hơn để đối đầu với nghịch cảnh. Ngoài ra, các diễn biến xảy ra trong thế giới Á Rập là các dấu hiệu thật rõ ràng cho thấy thể chế dân chủ là phương tiện duy nhất có thể áp dụng để cai trị các dân tộc. Về vấn đề bạo lực, thì bạo lực chỉ mang lại bạo lực mà thôi, và mọi sự xảy ra sẽ không thể nào tiên đoán trước được. Phải cẩn thận, người ta có thể phát lộ những hành động bất thần, tương tợ như là bạo lực, thế nhưng lại mang những chủ đích từ bi, đấy là những gì thật tốt, và ngược lại người ta cũng có thể rơi và những hành vi đạo đức giả khi sử dụng sự êm ái để mang lại những gì xấu xa...
Bạo lực xảy ra trên toàn thế giới, Ngài nghĩ sao về những sự kiện nay?
Một số người cho rằng chỉ có một sự thật duy nhất, thế nhưng [trên thực tế] họ lại phải đối đầu với nhiều sự thật phức tạp khác nhau! Thí dụ một người theo một tôn giáo nào đó, người này thật thành tín, đối với họ chỉ có một con đường duy nhất. Thế nhưng người này cũng phải chấp nhận với tất cả sự kính trọng rằng các người khác cũng có những con đường duy nhất của họ. Chính vì thế mà những người theo các tôn giáo khác nhau phải gặp gỡ nhau và đối chất với nhau. Vì nếu tự cô lập thì ta sẽ trở thành người đa nghi và dễ phát lộ sự thù nghịch. Dầu sao thì tất cả các tôn giáo rốt lại cũng đều có thể gặp gỡ nhau qua những giá trị của tình thương và lòng từ bi...
Ngài nghĩ sao về sự thất vọng của thế hệ đương thời trong việc mong cầu tìm kiếm hạnh phúc?
Không ai có thể biết trước những gì sẽ xảy ra vào ngày mai...Thế nhưng ta vẫn có một niềm tin... Vậy thì hãy hành xử một cách tốt đẹp nhất và không hối tiếc gì cả.
Bures-Sur-Yvette, 14.08.11
Hoang Phong chuyển ngữ
Đức Đạt Lai Lạt Ma và nhà sư triết gia Matthieu Ricard thông dịch viên Tạng - Pháp