Thư Viện Hoa Sen

Một Bản Nhạc Thiền - Đào Viên

13/10/201112:00 SA(Xem: 7398)
Một Bản Nhạc Thiền - Đào Viên

NGUYỆT SAN GIÁC NGỘ SỐ 187
ĐẠO NGHĨA VỢ CHỒNG THEO QUAN ĐIỂM PHẬT GIÁO


MỘT BẢN NHẠC THIỀN
Đào Viên

Tâm dẫn đầu các Pháp
Tâm làm chủ các Pháp
Tâm tạo tác các Pháp
(Kinh Pháp Cú, câu 1)

Cách đây không lâu, một người bạn gửi cho tôi một bản nhạc, anh nói là một bản nhạc thiền mà anh rất thích. Có lẽ anh biết tôi là một Phật tử và cũng thích thưởng thức âm nhạc nên gửi cho tôi chăng? Anh bảo đây là một bài nhạc nhiều thiền vị, lời lẽ rất cao siêu, nhiều chỗ rất khó hiểu, nên anh muốn tôi nghe để rồi thảo luận với tôi sau.

Động lòng hiếu kỳ, tôi cũng mở ra nghe thì thấy quả thật đây là một bản nhạc có nhạc điệu rất hay, được một nữ ca sĩ nổi danh trình bày, nhưng lời nhạc không đơn giản với những thuật ngữ Phật học không dễ lãnh hội ngay được.

Ngay cái đầu đề của bản nhạc cũng không tầm thường chút nào. Đó là bài Chân nguyên của nhạc sĩ Trực Hội, do nữ ca sĩ Hà Thanh hát.

Chân nguyên là gì?

Tôi rất bỡ ngỡ, lúng túng với hai chữ “Chân Nguyên”. Tìm đâu cũng không thấy nơi nào cho một định nghĩa rõ rệt thế nào là “Chân nguyên”, “Chân nguyên” là gì?

Vào mạng (internet) chỉ thấy “Chân Nguyên” là tên của một vị thiền sư, thế kỷ thứ 17, thuộc dòng Lâm Tế, tỉnh Hải Dương(1).

Trong Phật học từ điển của cụ Đoàn Trung Còn(2), tôi chỉ thấy có chữ “Chân” mà thôi. Sau đó là chữ “Chẩn”.

Theo Phật học từ điển: “Chân” là Thật, tức là chân thật, thành thật, lành lẽ tự nhiên, vốn là tốt đẹp. Cũng đọc là “Chơn” (xem chữ Chơn). Đối nghĩa tự là: giả, hư, vọng. Đồng nghĩa tự là thật, thành, như như.

Khi tôi xem đến chữ “Chơn”, thì chữ “Chơn”, đứng một mình (đơn), cũng được định nghĩa y như chữ “Chân” .

Sau chữ “Chơn” có rất nhiều chữ kép: từ “Chơn-đế’, “Chơn-giác”, “Chơn như”… đến “Chơn-tông”, “Chơn-trí”, “Chơn-tử”, “Chơn vọng”, và sau cùng là “Chơn vô lậu trí”. Không có chữ kép “Chân nguyên” hay “Chơn nguyên”.

Tôi tìm chữ “Nguyên” trong Phật học từ điển thì cũng không thấy, mà chỉ có chữ “Nguyện” (có dấu nặng).

Nhưng “Nguyên” thì hầu như tất cả mọi người đều hiểu là: chưa thay đổi (còn nguyên, nguyên văn), y như ban đầu (nguyên si), ban đầu (nguyên bản, nguyên liệu, nguyên sơ), căn bản (nguyên do, nguyên nhân, nguyên tắc).

Như vậy, tôi hiểu ra “Chân nguyên” có nghĩa là Lẽ thật tự nhiên ban đầu

Trong các sách về Phât giáo tôi đã được đọc của những vị Thiền sư nổi danh như Hoà thượng Thích Thanh Từ, sư Viên Minh, thầy Thích Trí Siêu, thì theo tôi hiểu Lẽ thật tự nhiên, chính là cái “Tâm”.

Nghe toàn bộ bản nhạc Chân nguyên, tác giả dường như muốn nhắc nhở mọi người tu Phật phải nhớ trở về với cái Tâm. Nhưng Tâm là gì?

Chữ Tâm trong Phật giáo

Đã có rất nhiều sách, nhiều loại tâm lý học, triết học, luận lý học tìm cách trả lời Tâm là gì. Ngay trong Phật giáo, chữ Tâm được nhìn khác nhau qua Ngũ uẩn, hay Vi diệu pháp (Abhidhamma), hay qua Duy thức học, hay qua Thiền tông.

Dưới đây là tóm lược những lời giảng của những vị thiền sư nói trên:

a). Theo Ngũ uẩn, một cách đơn giản thì Tâm là cái hay biết, suy nghĩ, tính toán, nhớ nhung, vui buồn, phân biệt, lo lắng…

- Sự nhận thức, phân biệt cái này, cái kia trong nhà Phật gọi là thức

- Sự suy nghĩ, tính toán được thua gọi là hành.

- Sự tưởng nhớ quá khứ, tưởng tượng tương lai gọi là tưởng.

- Cái vui buồn, lo lắng, thương ghét gọi là thọ.

Con người chỉ là một hợp thể của năm (ngũ) uẩn: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Nói gọn lại, con người có hai phần: Thân (thể) là Sắc và Tâm là Thọ, Tưởng, Hành, và Thức.

Đi vào chi tiết thì Tâm không phải chỉ là một cục hay một khối cứng nhắc, mà thực ra Tâm là một luồng tư tưởng, một chuỗi dài tư tưởng, có sanh có diệt, có năng lực, gọi là nghiệp lực, được chuyển từ luồng này sang luồng khác. Cái luồng Tâm này, với những nghiệp lựccăn bản cho sự Tái sanh.

b. Theo Vi diệu pháp, Tâm không phải là một cá thể, mà là một dòng Tâm thức, gồm nhiều loại Tâm khởi lên rồi diệt. Khi con người còn sống thì dòng tâm thức lặng lẽ trôi chảy trong ngũ uẩn, nếu không có một Tâm nào khác khởi lên. Khi chết, dòng tâm thức cuối cùng của kiếp này trở thành dòng tâm thức đầu tiên của kiếp sau, cho nên được gọi là Thức tái sanh.

c. Duy Thức học khai triển thêm Tâm thức là cái biết. Cái biết này gồm có những cái Thức nói trên và thêm vào đó hai thức mới là Mạt na thứcA lại da thức. Tâm căn bản là A lại da thức, chứa đựng các loại chủng tử thiện, hay chân, hay tịnh, chủng tử ác hay vọng hay nhiễm, chủng tử trung tính không thiện không ác. Những chủng tử này là những đơn vị tâm thức có một sức sống nội tại, khi tiềm tàng khi hoạt động tương tác ảnh hưởng đến các chủng tử khác. Sức sống đó gọi là nghiệp lực sẽ dẫn dắt cái Tâm thức đi đầu thai vào vòng sinh tử luân hồi.

d. Thiền tông phân biệt hai loại Tâm. Chân tâmVọng tâm. Chân tâm là tánh giác là tâm chân thật, bất sanh bất diệt, tâm Phật đã giác ngộ, còn Vọng tâm là tâm sanh diệt hay suy nghĩ tính toán, phân biệt của chúng sinh.

Tóm lại, dù nhìn dưới khía cạnh nào, có hai thứ Tâm. Một thứ là Tâm theo dòng tâm thức, khởi lên rồi diệt, vì ngũ uẩn bị mê mờ bởi tham ái, dục lạc, vọng tưởng. Tâm này được gọi là Vọng tâm, là Tâm của chúng sinh. Hai là Chân tâmtự tánhthanh tịnh, không sanh diệt, không dao động, thường vắng lặng, là tánh giác của những vị đã giác ngộ, cũng còn được gọi là Tâm Phật.

Trở lại đầu đề bản nhạc thì Chân nguyên chính là cái Chân tâm ban đầu, thanh tịnh, bất sanh diệt, là tánh giác bản thể của con người.

Bốn câu đầu
của bài Chân nguyên

Bài hát Chân nguyên khởi đầu bằng 4 câu như sau:

Chân nguyên! Tiếng ấy quen thân từ thuở hồng hoang.
Chân nguyên! Bóng dáng song sinh từ cõi địa đàng.
Chân nguyên! Chẳng cách không gian và chẳng thời gian.
Chân nguyên! Ngươi vẫn trung trinh chờ ta trở về.

Bốn câu này có mấy từ ngữ - thuở hồng hoang, cõi địa đàng, không gianthời gian - liên quan đến vũ trụ quan của Tây phươngĐông phương.

Vũ trụ quan của nền văn minh Tây phươngcăn bản là một tôn giáo độc thần cho rằng thực tại tối hậuThượng đế (với nhiều tên khác nhau như Chúa Trời, Thiên Chúa, Jehovah, Allah…).

Thượng đế của người Tây phương được hiểu là:

a. Một vị Thần có tính cách nhân hình, có hình dáng và cá tính giống như một con người.

b. Một vị Thần sáng tạo ra vũ trụ và tất cả các sinh vật, kể cả con người, trong 7 ngày. Đúng hơn là trong 6 ngày, vì ngày thứ 7 ngài nghỉ không làm việc. Đó là ngày Chúa (Chủ) Nhật. Thuở hồng hoang là lúc Thượng đế chưa sáng tạo ra vũ trụ và các sinh vật. Cõi Địa đàng hay là vườn Địa đàng là nơi có hai con người đầu tiên - một nam tên là Adam, một nữ tên là Eva, do Thượng đế tạo ra - sinh sống tại đó. Chúng ta cũng có thể hiểu con số 7 ngày chỉ là một ẩn dụ. Ngày có thể là hàng nghìn năm, hàng tỷ năm cho hợp với những khám phá khoa học.

c. Thượng đế với tất cả vũ trụ và mọi sinh vật, con người, đều hoàn toàn cách biệt. Thượng đếsiêu việt, vượt trên tất cả mọi thứ ngài đã sáng tạo ra.

d. Thượng đế cũng đã phán rằng ngài sẽ hủy diệt khỏi mặt đất tất cả những gì ngài đã sáng tạo ra, từ con người đến chim muông, cầm thú vì ngài không hài lòng với những loài ngài đã tạo dựng ra.

e. Ngày ấy, khi xảy ra, gọi là Ngày phán xét cuối cùng. Trong Ngày phán xét cuối cùng, chỉ có một số người được Thượng đế chọn lựa mới được ngài cứu vớt đưa lên Thiên đàng để được sống đời đời. Những người khác sẽ bị ngài hủy diệt đưa xuống Địa ngục.

Văn minh Đông phương, mà ảnh hưởng đậm đà nhất là Phật giáo, đã có một vũ trụ quan khác hẳn.

Theo vũ trụ quan Phật giáo:

a. Không có một vị Thần nhân hình nào đã sáng tạo ra vũ trụ, mọi sinh vật, kể cả con người, làm chủ và ban ơn giáng họa cho con người. Con người làm chủ lấy chính mình.

b. Vũ trụ vô thủy vô chung, không có bắt đầu, cũng không có chấm dứt. Thực tại ban đầu cũng chính là thực tại tối hậu.

c. Thực tại có mặt khắp tất cả, không riêng ở một chỗ nào, lúc nào.

d. Thực tại siêu việt tất cả không gianthời gianđồng thời cũng hiện hữu trong không gianthời gian

e. Toàn thể thế giới, vũ trụ là một, chân thựcbình đẳng. Vạn vật đồng nhất thể.

Theo nhà Phật, Chân tâm, cái Tâm chân thật, cái Tánh giác, cái Tâm đã giác ngộ - tác giả bản nhạc gọi là Chân nguyên - hiện hữu, bao trùm khắp không gianthời gian (Chân nguyên! chẳng cách không gian và chẳng thời gian) là cái thực tại ban đầu, thực tại tối hậu (Chân nguyên! từ thuở hồng hoang, từ cõi địa đàng).

Những câu sau
trong bản nhạc

Mải theo hoa đóm hư không
Chìm trong biển tối mênh mông
Từ ấy ta quên đường về.
Mải mê trong chốn trần lao
Tìm trong thinh sắc xôn xao
Từ ấy ta quên đường về.

Lời nhạc nói lên là con người, mặc dầu ngay thuở ban đầu, khi mới đầu thai vào bụng mẹ, để lại bắt đầu một chu kỳ mới của một kiếp người, với tất cả những chủng tử thiện ác, tốt xấu, trung tính (không tốt không xấu) của A lại da thức, do nghiệp lực dẫn dắt, đã có thể tìm ra cái Tâm chân thật của mình. Nhưng chỉ vì cái Vọng tâm hay cái Tâm chúng sinh (chưa giác ngộ) của mình đã chấp vào cái Ngã, cũng gọi là cái Ta, cho nên bị mê lầm, gọi là vô minh.

Cái Ngã ở đâu ra? Khi sống ở cõi trần này (chốn trần lao) con người, vì vô minh (biển tối mênh mông), không biết mình chỉ là ngũ uẩn kết hợp lại. Khi năm uẩn hoạt động (thinh sắc xôn xao) lại lầm chấp nó là Ta, hay là cái Ngã, từ đó tạo nghiệp (hoa đóm hư không).

Bởi vậy, vì vô minh, con người đã không tìm thấy cái Chân tâm thanh tịnh ban đầu, cái Tánh giác bản thể của mình, đã quên mất đường về.

Những đoạn còn lại
của bài nhạc

Lắng nghe tiếng chuông chùa

Tiếng chuông chùa vang vọng từ xa.
Sớm khuya như dục lòng ta,
Trở về nơi quê nhà.
Cuộc đời như khói như sương.
Mà người sao mãi vấn nương.
Mê lầm nên đau thương.
Trầm luân mãi.
Lối đi về đuốc tuệ thường soi.
Tiếng từ âm mãi thời vang.
Đường đi trải ánh nắng vàng.

Lời nhạc muốn nói con người muốn thoát khỏi sinh tử luân hồi (trầm luân mãi, cuộc đời như khói như sương) thì hãy tỉnh giác (đuốc tuệ thường soi), trở về với Chân tâm (trở về nơi quê nhà)

Trở về an trú Chân nguyên.
Cuộc trần thôi hết đảo điên.
Tâm thường như hư không.
Chân nguyên.

Con người hãy trở về với cái Tâm chân thật của mình (trở về an trú Chân nguyên).

Kinh xưa(3) đã kể: “Bồ tát Quán Tự Tại khi vào sâu trong Thiền định Bát nhã Ba la mật đa đã thấy ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) đều là Không cho nên không còn khổ đau”. Chân tâm, nói cho cùng, theo Thiền tông, áp dụng lý Bát nhã, chính là hư không (tâm thường như hư không, Chân nguyên).

Đến đây xin mời quý bạn nghe bản nhạc Chân nguyên của nhạc sĩ Trực Hội do nữ ca sĩ Hà Thanh trình bày

 

Tôi đã mạo muội viết ra mấy lời giải thích, theo lời yêu cầu của người bạn, lời nhạc trong bản nhạc “Chân nguyên” của nhạc sĩ Trực Hội. Xin tác giả Trực Hội vui lòng lượng thứ cho sự đường đột này. Tôi cũng muốn xin tác giả Trực Hội, cùng tất cả những vị thiện tri thức, khi đọc bài này, có thấy chi sai lầm, thiếu sót, hãy vui lòng chỉ bảo cho. Đa tạ.

(1) Thiền Sư CHÂN NGUYÊN pháp danh TUỆ ĐĂNG (1647 - 1726, đời thứ 36, tông Lâm Tế). Sư họ Nguyễn, tên Nghiêm, tên chữ là Đình Lân, mẹ họ Phạm, quê ở làng Tiền Liệt, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Một hôm, mẹ Sư nằm mộng thấy cụ già cho một hoa sen, sực tỉnh dậy, từ đây biết có mang. Năm Đinh Hợi (1647), tháng 9 ngày 11 giờ ngọ, mẹ sinh ra Sư. Lớn lên theo học với cậu là ông Giám Sinh. Sư rất thông minh, hạ bút là thành văn. Năm 16 tuổi, Sư đọc quyển Tam Tổ Thực Lục, đến Tổ thứ ba là Huyền Quang liền tỉnh ngộ nói: “Cổ nhân ngày xưa dọc ngang lừng lẫy mà còn chán sự công danh, huống ta là một chú học trò”. Sư liền phát nguyện đi tu.

Năm 19 tuổi, Sư lên chùa Hoa Yên, vào yết kiến Thiền sư Tuệ Nguyệt (Chân Trú).

Thiền sư Tuệ Nguyệt hỏi: - Ngươi ở đâu đến đây ?

Sư thưa: - Vốn không đi lại.

Tuệ Nguyệt biết Sư là pháp khí sau này, bèn thế phát xuất gia cho pháp danhTuệ Đăng. Sau không bao lâu Tuệ Nguyệt tịch. Sư cùng bạn đồng liêu là Như Niệm phát nguyện tu hạnh đầu đà, đi du phương để tham vấn Phật pháp. Thời gian sau, Như Niệm đổi ý trở về trụ trì chùa Cô Tiên. Sư đi lên chùa Vĩnh Phúc ở núi Côn Cương tham vấn Thiền sư Minh Lươngđệ tử của Chuyết Chuyết.

Sư hỏi:

- “Bao năm dồn chứa ngọc trong đãy, hôm nay tận mặt thấy thế nào” là sao ?

Thiền sư Minh Lương đưa mắt nhìn thẳng vào Sư, Sư nhìn lại, liền cảm ngộ, sụp xuống lạy. Minh Lương bảo:

- Dòng thiền Lâm Tế trao cho ông, ông nên kế thừa làm thạnh ở đời.

Minh Lương đặt cho Sư pháp hiệuChân Nguyên (Bài viết trong Thiền viện Thường Chiếu - Bà Rịa Vũng Tàu)

(2) Đoàn Trung Còn là cư sĩ, nhà Phật học, quê xã Thắng Nhì, thị xã Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa.

Xuất thân trong một gia đìnhtruyền thống Nho học và Phật học, thuở nhỏ học ở Vũng Tàu, Sài Gòn. Ông thông thạo tiếng Pháp, tự học Hán văn và trở thành một người có căn bản Hán học, rồi lập nghiệp ở Sài Gòn, cả đời chuyên tâm nghiên cứu, dịch kinh sách Phật giáo.

Năm 1932, ông lập Phật học tòng thơ, xuất bản được nhiều kinh Phật và các sách có liên hệ đến Phật giáo, và Trí Đức tòng thơ xuất bản các sách Nho học.

Các tác phẩm Phật học của ông được biên soạn, dịch thuật thường căn cứ trên những thư tịch Phật giáo Tây phương. Sách của ông được lưu hành rộng khắp cả 3 miền đất nước và có số lượng khá cao so với các tác giả, dịch giả khác.

Năm 1955, ông cùng các sư thuộc phái Lục Hòa tăng thành lập một tông phái Phật giáo mới tại Việt Nam, gọi là Tinh độ tông Việt Nam, có cơ sở rải rác ở miền Nam, trụ sở tại chùa Giác Hải ở Phú Lâm, Chợ Lớn, sau dời về chùa Liên Tông đường Đề Thám, Sài Gòn, nay thuộc quận 1, TP.HCM.

Ngoài ra, ông còn dịch cuốn The Light of Asia của Sir Edwin Arnold ra thơ lục bát với nhan đề Ánh sáng Á châu, viết về cuộc đời Đức Phật Thích Ca.

Đoàn Trung Còn là một cư sĩ, học giả Phật giáo có công thuyết giảng giáo lý đạo Phật với các tác phẩm Phật học bằng tiếng Việt.

(3) Bát nhã Ba la mật đa tâm kinh - Phần chánh văn Hán tự: “Quán Tự Tại Bồ tát, hành thâm Bát nhã ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách. Xá Lợi Tử! Sắc bất dị Không. Không bất dị Sắc. Sắc tức thị Không. Không tức thị Sắc. Thọ, Tưởng, Hành, Thức, diệc phục như thị…”.

Nguyệt San Giác Ngộ số 187

 

Tạo bài viết
03/04/2012(Xem: 14547)
Kính thưa quý vị khá thính giả của chương trình Phố Bolsa TV. Hiện nay tôi đang có mặt ở tỉnh Surin Thái Lan cùng đòan bộ hành với sư Minh Tuệ đi Đất Phật Ấn Độ và hôm nay nơi giữa đường thì chúng ta sẽ có một buổi nói chuyện trực tiếp với sư Minh Tuệ. Những câu hỏi đã được tôi soạn ra trước nhưng không hề có việc gửi tới trước cho Sư hoặc là cho anh Đoàn Văn Báu (Trưởng đoàn)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.