- Lời Tựa (Của Tác Giả Fabrice Midal)
- Vài Lời Giới Thiệu Của Người Dịch
- Chương 1 Người Phật Tử Ngày Nay Trong Thế Giới Tây Phương
- Chương 2 Thiền Định Là Gì?
- Chương 3 Đạo Đức Và Giới Luật Phật Giáo
- Chương 4 Tìm Hiểu Hình Ảnh Đức Phật
- Chương 5 Giáo Huấn Của Đức Phật
- Chương 6 Các Học Phái Phật Giáo
- Chương 7 Các Khái Niệm Chủ Yếu Trong Phật Giáo
- Chương 8 Ý Nghĩa Và Vai Trò Của Lễ Bái
- Chương 9 Mười Lời Khuyên Để Giúp Cho Chúng Ta Biết Sống Và Bước Theo Vết Chân Của Đức Phật
- Chương 10 Tại Sao Phật Giáo Lại Trở Thành Một Tôn Giáo Á Châu Và Tại Sao Ngày Nay Lại Đặt Chân Vào Thế Giới Tây Phương?
Fabrice Midal
Hoang Phong chuyển ngữ
Nhà Xuất Bản Phương Đông 2012
Vài lời giới thiệu của người dịch
Quyển sách "Phật Giáo Nhập Môn" của Fabrice Midal chỉ là một quyển sách nhỏ mang tính cách khá đại cương với chủ đích dành cho các độc giả của thế giới Tây Phương nơi mà Phật Giáo cũng chỉ mới đặt chân đến chưa đầy một thế kỷ nay. Thế nhưng chúng ta không đọc quyển sách này với mục đích tìm hiểu về một Phật Giáo "non trẻ" của một lục địa "xa lạ" mà đúng hơn là để nhìn lại về một tín ngưỡng Phật Giáo "lâu đời" đã bám rễ vào mảnh đất Á Châu "quen thuộc" của chúng ta đã từ ngàn năm.
Hiện nay người Tây Phương tu tập Phật Giáo rập khuôn theo người Tây Tạng, người Nhật, người Thái Lan, người Tích Lan hay Miến Điện, thế nhưng khi đọc qua quyển sách này thì chúng ta cũng sẽ nhận thấy được ngay mối âu lo của họ là làm thế nào để có thể thiết lập được một Phật Giáo Tây Phương cho người Tây Phương. Thật thế tư tưởng Phật Giáo mang tính cách nhân loại và vượt lên trên mọi ranh giới do con người thiết lập, thế nhưng tinh thần Phật Giáo thì lại luôn tìm cách thích ứng với từng con người, trong mỗi địa phương và qua từng thời đại, hầu có thể giúp đỡ được tất cả mọi con người. Tác giả Fabrice Midal cũng như một số các nhà sư Tây Phương khác, kể cả một số nhà sư Tây Tạng đang quảng bá giáo lý của Đức Phật trong thế giới phương Tây, vẫn thường nêu lên mối quan tâm của họ về chủ trương trên đây. Một trong những vị tiêu biểu nhất cho khuynh hướng này là nhà sư Tây Tạng quá cố Chögyam Trungpa, và trường hợp của ông cũng đã được tác giả nêu lên trong Chương 10 của quyển sách.
Trong khi các nhà sư Tây Phương và các nhà sư Tây Tạng hoằng Pháp trong thế giới Tây Phương luôn âu lo là phải làm thế nào để bảo tồn được sự tinh khiết và siêu việt trong giáo huấn của Đức Phật nhằm để quảng bá trong một thời đại tân tiến, thì chúng ta những người Á Châu nói chung lại chỉ đang tìm cách triển khai hoặc tạo thêm một số hình thức màu mè nhằm " phục hồi", hay đúng hơn là để "cứu vãn" một tín ngưỡng có sẵn từ lâu đời mà mình đang được thừa hưởng. Đấy là chưa nói đến một số người còn tìm cách lợi dụng ảnh hưởng của tín ngưỡng đó đã từng ăn sâu vào dòng lịch sử của quê hương mình như là một công cụ để lợi dụng hay một chiêu bài để mưu đồ nhằm nhắm đến một mục đích gì.
Sinh năm 1967 trong một gia đình Do Thái Giáo, năm 20 tuổi Fabrice Midal may mắn gặp được một nhà sư Tây Tạng khác thường là Chögyam Trungpa (1939-1987). Ông Midal bèn cạo đầu đi tu theo Phật Giáo Tây Tạng từ khi còn là sinh viên, và sau đó thì đỗ tiến sĩ triết học tại đại học Sorbonne (Paris). Tuy thấm nhuần các tư tưởng phóng khoáng, cấp tiến và "phi-giáo-điều" của vị thầy Chögyam Trungpa, ông cũng đã chịu ảnh hưởng rất nhiều từ các vị thầy Tây Tạng lừng danh khác mà ông đã được theo học, và đặc biệt nhất là đã được nhà thần kinh học nổi tiếng Francisco Varela (1946-2001) là một trong các đệ tử thân cận của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma, truyền thụ thêm cho ông về phép thiền định.
Người dịch cũng xin mạn phép được ghép thêm trong bản chuyển ngữ một vài lời ghi chú nhỏ nhằm để giải thích hay triển khai thêm vài điều mà tác giả đã nêu ra hầu giúp người đọc theo dõi nguyên bản rõ ràng hơn. Các lời ghi chú này được trình bày bằng chữ nghiêng và đặt trong hai dấu ngoặc.
Bures-Sur-Yvette, 17.07.12
Hoang Phong